Sau khi Ngài Phục sinh,Chúa Giêsu có hiện ra trước tiên với Mẹ là Maria không?

print

Sau khi Ngài Phục sinh,Chúa Giêsu có hiện ra trước tiên với Mẹ là Maria không?

I. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nói: “Vai trò của Đức Maria trong sự Phục sinh của Chúa Kitô là việc hoàn thành sứ mệnh của Mẹ trong Lễ Truyền Tin ở Nazareth.”

          Các sách Phúc âm không đề cập gì đến việc Chúa Giêsu hiện ra với Đức Maria mẹ ngài sau khi ngài Phục sinh. Chúng ta có bao giờ tự hỏi: Liệu Ngài có gặp Đức mẹ không? Dẫu sao thì Đức Maria chính là mẹ Ngài, người đầu tiên nhìn thấy Ngài ngày giáng sinh. Mẹ là tín hữu đầu tiên ngay từ lúc Truyền tin và Nhập thể. Ngài sẽ không muốn gặp mẹ mình trước tiên sao?

Thánh Gioan-Phaolô II, vị thánh vĩ đại về Đức Mẹ, nói với mọi người trong buổi tiếp kiến ​​chung ngày 21 tháng 5 năm 1997: “Các sách Phúc Âm đề cập đến nhiều lần xuất hiện khác nhau của Chúa Kitô Phục sinh, nhưng không đề cập đến cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Mẹ của Người. Sự im lặng này không được dẫn đến kết luận rằng sau khi Chúa Phục Sinh không hiện ra với Mẹ Maria; đúng hơn nó mời gọi chúng ta tìm kiếm lý do tại sao các Thánh sử lại lựa chọn như vậy.”

Trong một buổi tiếp kiến ​​một năm trước đó, ngài nhắc nhở rằng Đức Maria đã chứng kiến ​​toàn bộ mầu nhiệm Vượt qua và “chỉ có một mình còn giữ ngọn lửa đức tin sống động, chuẩn bị đón nhận lời loan báo vui mừng và kinh ngạc về sự Phục sinh”.

Thánh Gioan-Phaolô II tiếp tục vào năm 1997: Nếu các thánh sử không viết về cuộc gặp gỡ của Mẹ Maria với Chúa Giêsu, Con của Mẹ Phục sinh, thì “điều này có thể được cho là do nếu có một nhân chứng như vậy, sẽ bị những người phủ nhận sự Phục sinh của Chúa coi là quá thiên vị, và do đó không đáng tin.”

Vị thánh vĩ đại cũng đưa ra một lý do khác. Các sách Phúc Âm chỉ liệt kê một vài lần hiện ra của Chúa Phục sinh, “chắc chắn không phải là một bản tóm tắt hoàn chỉnh về tất cả những gì đã xảy ra trong 40 ngày sau Lễ Phục sinh.” Chẳng hạn, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã hiện ra “với hơn 500 anh em cùng một lúc” (1 Cr 15: 6). Đức Gioan-Phaolô II đã hỏi rằng làm sao “một sự kiện đặc biệt được nhiều người biết đến lại không được các Thánh sử nhắc đến?” Rõ ràng, các Thánh sử không ghi lại tất cả những lần Chúa Giêsu hiện ra.

Thánh Gioan-Phaolô II đã hỏi: “Làm sao Đức Trinh Nữ hiện diện trong cộng đồng môn đệ đầu tiên (Cv 1:14) lại có thể bị loại ra khỏi những người đã gặp người Con thần linh của Mẹ sau khi Người từ cõi chết sống lại?” “Thật vậy, thật chính đáng khi nghĩ rằng Mẹ có lẽ là người đầu tiên mà Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra.”

Đặt ra một câu hỏi khác, Ngài hỏi một cách đầy hoa mỹ rằng nếu việc Maria không cùng những người phụ nữ đi vào lăng mộ vào lúc bình minh có thể “chỉ ra rằng mẹ đã gặp Chúa Giêsu rồi chứ? Những người phụ nữ đó đã trung thành và đã ở bên Thập giá. Tất nhiên, Đức Mẹ là người trung thành nhất trong tất cả mọi người.”

Thánh Gioan-Phaolô II đưa ra một lý do khác để tin rằng Chúa Giêsu đã xuất hiện trước mẹ ngài:

“Tính cách độc đáo và đặc biệt của sự hiện diện của Đức Trinh Nữ tại đồi Canvê và sự kết hợp hoàn hảo của Mẹ với Chúa Con trong cuộc khổ nạn của Người trên Thập giá dường như đã mặc nhiên cho Mẹ một sự chia sẻ rất đặc biệt trong mầu nhiệm Phục sinh.”

Vì vậy, sự hiện ra này sẽ là một phần của việc “hoàn thành sự tham gia của mẹ trong tất cả những khoảnh khắc thiết yếu của mầu nhiệm vượt qua.”

Vì vậy, thật “hợp lý khi nghĩ rằng Đức Maria, với tư cách là hình ảnh và khuôn mẫu của Giáo hội chờ đợi Đấng Phục sinh và gặp gỡ Người trong nhóm các môn đệ trong các lần hiện ra trong lễ Phục sinh, đã có một cuộc tiếp xúc riêng với Con của Mẹ, nên Mẹ cũng vậy, có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui vượt qua.”

II. Thánh Vinh Sơn Ferriê.

Trong một bài giảng hùng hồn về Lễ Phục Sinh, thánh Vinh Sơn Ferriê thuộc Dòng Đa Minh nói rằng nhiều nhà thần học đã xác định rằng sau khi Chúa Phục Sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra đầu tiên với Mẹ Maria, mẹ của Ngài. “Lần hiện ra đầu tiên mà ngài cho là với Đức Trinh Nữ Maria, mặc dù Phúc Âm không cho chúng ta biết về điều này.”

Chính ngài đã đưa ra ba lý do thuyết phục tại sao chúng ta nên tin Chúa Giêsu hiện ra trước hết với mẹ mình.

Thánh Vinh Sơn nói: “Thứ nhất, theo giới luật của Chúa, bởi vì mẹ đã phải chịu đựng trên tất cả những người khác trong cuộc Khổ nạn của con trai mẹ. “Chúa Kitô, do đặc ân, đã được mẹ Người sinh ra, mà mẹ không đau đớn… nhưng tất cả những đau đớn của sinh tử đã đến với Mẹ trong cuộc Khổ nạn của con Mẹ. Vì Kinh thánh nói: “Hãy hiếu kính cha ngươi, cũng đừng quên mất sự rên la (đau đớn khi sinh nở) của mẹ người (Huấn ca 7:29). Đức Kitô đã tuân giữ giới răn hiếu thảo cha mẹ một cách hoàn hảo nhất. Do đó, Ngài sẽ hiện ra với mẹ mình trước hết, mẹ là người chịu sầu bi hơn tất cả những người khác.”

Trong một bài giảng lễ Phục sinh khác, thánh nhân đã giải thích cặn kẽ lý do này, vẽ nên một bức tranh sống động. Ngài nói:

Nếu có ai đó đang ở nước ngoài, và mẹ anh ấy được tin anh ấy đã chết, nhưng thật ra anh ấy vẫn khỏe mạnh, và trở về. Rồi anh ấy bắt đầu đi thăm những người bạn khác, và chỉ đến lúc cuối mới thăm mẹ mình, thì đây sẽ không phải là một người con ngoan, và như thế đã không hiếu thảo với mẹ mình”. 

Nhưng Chúa Giêsu, là một người con tuyệt vời, sẽ không bao giờ làm như thế.

Giống như Đức Gioan-Phaolô II, thánh Vinh Sơn đã trích dẫn một lý do khác, đó là “công đức của đức tin”. Ngài cho biết bản văn Kinh thánh cho thấy các Tông đồ đã mất niềm tin trong cuộc Khổ nạn:

“Chỉ có Đức Mẹ Đồng Trinh vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh vẫn luôn luôn tin tưởng. Chính vì vậy, vào thứ Bảy hàng tuần, Hội Thánh quen tổ chức để tôn vinh Mẹ. Do đó, khi Kinh Thánh nói, “Chúa tỏ mình ra cho những người có đức tin nơi Ngài” (Kn 1: 2), Chúa Giêsu hiện ra với mẹ trước tiên, như một phần thưởng, cho tương xứng với đức tin của mẹ.”

Lý do thứ ba, thánh Vinh Sơn nói, là “vì tình yêu mãnh liệt của mẹ.”

“Không có người mẹ nào yêu thương con mình hơn là Mẹ Maria yêu Chúa Giêsu Kitô.” Sau đó, ngài trích dẫn lời Chúa Giêsu trong Gioan 14:21: “Ai yêu tôi, thì sẽ được Cha tôi yêu mến; tôi sẽ yêu người và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

Thánh Vinh Sơn kết luận: “Từ ba lý do này, rõ ràng là Ngài đã hiện ra với Đức Mẹ đồng trinh trước hết, “mặc dù các Thánh sử cố ý im lặng về điều này.”

Ngài thậm chí còn gợi lên một hình ảnh cho thấy làm sao việc này có thể xảy ra. Bởi vì nhờ ân sủng của Chúa, “linh hồn đạo đức có thể sốt sắng chiêm ngắm, để rồi cảm nhận sự ngọt ngào của thị kiến này trong tâm hồn họ.”

Đức Trinh Nữ Maria là người chắc chắn nhất rằng con mình sẽ sống lại vào ngày thứ ba, như Ngài đã tiên báo, nhưng có lẽ mẹ không biết giờ Phục sinh của Ngài, vì không thấy sách chép rằng Đức Kitô đã tiết lộ giờ Phục sinh của Ngài,” thánh Vinh Sơn nói. “Vì vậy, Đức Trinh Nữ Maria trong chính đêm đó, một đêm dài đằng đẵng đối với mẹ, đã chờ đợi sự Phục sinh của con mẹ và mẹ bắt đầu nghĩ rằng giờ nào con mình sẽ sống lại, nhưng mẹ không biết.” Và sau khi chuẩn bị và đọc Thánh vịnh, “mẹ nhìn ra ngoài cửa sổ, và mẹ thấy bình minh ló dạng, và mẹ vui mừng, nói rằng, “Giờ đây con tôi trỗi dậy.”

Ở chỗ khác, thánh Vinh Sơn gợi ý rằng Chúa Giêsu “đã chào mẹ ngài rằng: “Bình an cho mẹ.” Đức Trinh Nữ khuỵu gối và khóc rưng rức vì vui mừng, yêu mến Ngài, hôn lên tay và chân Ngài, và nói “Hỡi những vết thương ban phước, đã khiến lòng ta đau đớn vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.” Chúa Kitô hôn mẹ và nói: “Mẹ ơi, hãy vui mừng, bởi vì từ nay, mẹ sẽ không còn gì khác ngoài niềm vui và sự hân hoan ngày lễ hội.”

III. Thánh nữ Bridget của Thụy Điển.

Trong tài liệu mang tên Mặc khải của mình, thánh Bridget, Thụy Điển, được biết là đã được hưởng nhiều thị kiến trong đời, đã nói rằng:

“Khi ngày thứ ba đến, các môn đệ hoang mang và lo lắng. Những người phụ nữ đến ngôi mộ để xức xác Chúa Giêsu đã tìm kiếm Ngài và không tìm thấy Ngài. Các tông đồ đang tập trung với nhau trong sợ hãi, họ canh giữ các cửa nẻo. Sau đó, dù chúng ta không được kể về điều này trong các sách Phúc âm, chắc chắn Đức Maria đã nói về sự Phục sinh của Con Mẹ, rằng Người đã thực sự sống lại từ cái chết, rằng Người đã sống lại, hoàn toàn trong nhân tính của Người, không còn chịu cảnh chết chóc nữa, đã sống lại trong vinh quang vĩnh cửu. Chúng ta đọc rằng Maria Mađalêna và các tông đồ là những người đầu tiên nhìn thấy Đức Kitô Phục sinh. Nhưng chúng ta có thể tin rằng Đức Maria, Mẹ của Ngài đã biết về sự trỗi dậy của Ngài trước tất cả những người khác, và mẹ là người đầu tiên nhìn thấy Ngài. Chính Đức Maria trong sự hèn mọn của mình đã là người đầu tiên ngợi khen và tôn thờ Chúa Kitô Phục sinh”.

IV. Thánh I-Nhã thành Loyola.

Thánh Inhaxiô thành Loyola cũng tin như vậy. Trong Linh Thao của mình, khi bắt đầu các bài suy niệm về Sự Phục Sinh của Đức Kitô, Chúa chúng ta, ngài đã viết:

Đầu tiên, Ngài hiện ra với Đức Trinh Nữ Maria. Điều này, mặc dù không được nói trong Kinh thánh, nhưng được bao gồm khi nói rằng Ngài đã hiện ra với rất nhiều người khác, bởi vì Kinh thánh giả thiết rằng chúng ta vốn có sự hiểu biết, như đã viết: “Các ngươi cũng không hiểu sao?”

V. Tôi tớ của Chúa John Hardon.

Vào thế kỷ 20, Tôi tớ của Chúa, John Hardon, người viết Sách Giáo lý Công giáo (1975), theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phaolô VI, cũng có niềm tin tương tự. “Đó không chỉ là một ý kiến ​​sùng đạo rằng Đấng Cứu Rỗi Phục Sinh lần đầu tiên hiện ra với Mẹ của Ngài vào Chủ Nhật Phục Sinh. Không dưới sáu Tiến sĩ của Giáo hội, bao gồm cả các thánh Ambrôsiô, Ansenmô và Anbétô cho rằng Đức Mẹ là nhân chứng đầu tiên của sự Phục sinh.”

Cha Hardon đã đề ra một số lý do – một lý do chính, theo các bậc thầy tâm linh của Giáo hội, cho rằng sự Phục sinh là sự hoàn thành của Truyền tin.

Lúc Truyền tin, Đức Maria đã phục tùng ý muốn của mình bằng niềm tin vào Lời Chúa. Trong biến cố Phục sinh, đức tin của mẹ đã được đền đáp khi thực sự nhìn thấy và nói chuyện với người Con vinh hiển của mình.” Cha Hardon giải thích. “Trong Lễ Truyền Tin, Đức Maria đại diện cho loài người đang cần được cứu chuộc. Tại sự Phục sinh, mẹ đại diện cho loài người đã được cứu chuộc.”

Sự kết nối 2 biến cố này vẫn tiếp tục. “Vào Lễ Truyền Tin, Đức Maria đã trở thành Mẹ Đấng Cứu Chuộc bằng cách ban cho Ngài bản tính con người mà Ngài đã hiến dâng bản thân trên thập giá. Vào lúc Phục Sinh, mẹ đã đón nhận Ngài trong vòng tay mình, sau khi đã nhận được từ Ngài trên đồi Canvê quyền làm Mẹ của Giáo hội.”

Hơn nữa, “Lúc Truyền tin, Đức Maria đã chấp nhận ơn gọi của mình là đồng cam cộng khổ với Con Mẹ trong sứ mệnh cứu chuộc thế giới khỏi vòng tội lỗi. Vào Chúa Nhật Phục Sinh, mẹ đã chia sẻ với Ngài trong niềm vui về sự Phục sinh vinh hiển của Ngài”.

Mối liên hệ giữa Truyền tin và Phục sinh thậm chí còn sâu sắc hơn. Cha Hardon giải thích:

“Vào Lễ Truyền Tin, Đức Maria đã trở thành sợi dây liên kết giữa nhân tính của Chúa Kitô và của chính chúng ta. Mẹ đã cung cấp cho Ngài thân thể mà Ngài cần để hy sinh cho Cha Ngài để được cứu rỗi chúng ta. Vào lúc Phục sinh, Đức Maria đã hoàn thành mối liên kết này bằng cách hợp tác với Ngài như là trung gian ân sủng mà Ngài bắt đầu ban cho gia đình nhân loại, một nhân loại đã được khôi phục mối giao hảo đượm lòng thương xót nơi Thiên Chúa.

“Như vậy, tại Giêrusalem, vai trò của Mẹ Maria trong sự Phục sinh của Chúa Kitô là việc hoàn thành sứ mệnh của Mẹ trong Lễ Truyền Tin ở Nazareth. Mẹ Sầu Bi đã trở thành Nguyên nhân của Niềm vui của Chúng ta hai lần – một lần vì niềm vui mà Mẹ trải qua khi được kết hợp với Con Phục sinh của Mẹ. Niềm vui này là lời hứa sẽ ban cho chúng ta được nếm cảm trên trần gian khi nhận ra rằng chúng ta đã làm theo ý Chúa.

“Một lần khác, vì niềm vui mà mẹ đã cảm nghiệm trong Chúa Nhật Phục Sinh sẽ là khúc dạo đầu cho niềm vui trọn vẹn mà chúng ta sẽ cảm nghiệm khi nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô. Ta thấy Ngài trong linh hồn khi Ngài gọi ta về cõi vĩnh hằng, và thấy Ngài trong cả thân xác và linh hồn khi ta được hưởng sự phục sinh cuối cùng trong ngày sau hết.”

Cha Hardon nhắc nhở chúng ta rằng “tất cả những điều này đều phụ thuộc vào đức tin của chúng ta. Chúng ta sẽ được hưởng phúc, miễn là cũng giống Đức Maria, chúng ta cũng đã tin rằng những điều Chúa đã hứa sẽ được hoàn thành.”

Suy nghĩ về lần hiện ra đầu tiên này của Chúa Giêsu với Đức Maria mẹ Người, khiến chúng ta nhấn mạnh đến lời kinh Regina Caeli, khi chúng ta cầu nguyện thay cho Thiên thần trong mùa Phục sinh – nhân tiện, một lần nữa lại nhắc tới mối liên kết giữa Truyền tin với Phục sinh.

Như thánh Gioan-Phaolô II đã nói trong một buổi tiếp kiến chung, “Vào mùa Phục sinh, cộng đoàn Kitô hữu ngỏ lời với Mẹ của Chúa và mời gọi Mẹ hãy vui mừng: “Regina Caeli, laetare. Alleluia!” (“Lạy Nữ vương thiên đàng, hãy vui mừng. Alleluia!”) Như vậy, nó gợi lại niềm vui của Đức Maria dịp Phục sinh của Chúa Giêsu, và niềm ‘vui mừng’ mà Thiên thần đã nói với Mẹ lúc Truyền tin, sẽ được kéo dài theo giòng thời gian, để Mẹ có thể trở thành nguyên nhân ‘niềm vui lớn.’ cho tất cả mọi người.”

—–

(Trích, dịch từ National Catholic Register: After His Resurrection, Jesus Appeared First to His Mother Mary, Say the Saints.)