SCĐ CHÚA NHẬT XX TN C
Chủ đề :
Sự quấy rối cần thiết
“Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : Ngôn sứ Giêrêmia bị coi là đã quấy rối tinh thần dân Israel.
– Tin Mừng : Chúa Giêsu nói : “Thầy đến để đem sự chia rẽ”.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Ai ai cũng thích được sống yên ổn trong những thói quen của mình. Tuy nhiên cứ mãi ở yên trong những thói quen xấu thì rất là tai hại. Bởi vậy cần phải có ai đó đánh thức lương tâm, kết án sự xấu và lôi kéo con người trở về đường tốt. Đó là những sự quấy rối cần thiết.
Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta can đảm đón nhận những sự quấy rối đó, và cũng can đảm dám quấy rối trước những tình trạng xấu của kẻ khác.
II. Gợi ý sám hối
– Chúng ta chỉ thích nghe những lời êm tai vừa ý và không đón nhận những lời thật sửa lỗi chúng ta.
– Nhiều khi chúng ta còn thù ghét những người thành tâm sửa lỗi chúng ta.
– Chúng ta không can đảm đấu tranh cho công bình và sự thật.
III. Lời Chúa
- Bài đọc I (Gr 38,4-6.8-10)
Thời ngôn sứ Giêrêmia, dân do thái phạm tội nhiều nên Thiên Chúa để cho quân thù là đế quốc Babylone bao vây họ. Thay vì ăn năn sám hối và quay về nương tựa nơi Chúa, họ vẫn tiếp tục làm tội và cậy vào thế lực ngoại bang. Ngôn sứ Giêrêmia vạch rõ những sai lầm ấy và đe dọa rằng nếu họ cứ tiếp tục như thế thì có ngày Thiên Chúa sẽ cho quân thù sẽ xâm chiếm xứ sở, tàn phá đền thờ và bắt dân đi lưu đày.
Vì những lời nói thật đó, Giêrêmia bị coi là kẻ quấy rối tinh thần dân chúng và là tên phản quốc. Dân chúng đã bắt ông quăng xuống một cái giếng sâu. Nhưng Chúa đã cho người cứu ông lên.
- Đáp ca (Tv 39)
Tâm tình Tv này rất hợp với Giêrêmia : Tôi đã trông cậy Chúa và Người đã nghiêng mình về bên tôi. Người đã kéo tôi lên khỏi lỗ mồ, khỏi chỗ bùn nhơ…
- Tin Mừng (Lc 12,49-53)
Đoạn này có hai ý :
a/ Bằng hai hình ảnh “lửa” và “phép rửa”, Chúa Giêsu nói về tương lai sắp tới (cc 49-50) :
– “Lửa” ám chỉ sự thanh luyện. Chúa Giêsu đến trần gian để thanh luyện trần gian, cho nên Ngài ước mong việc thanh luyện ấy sớm hoàn thành.
– “Phép rửa” ám chỉ cuộc khổ nạn sắp tới : việc thanh luyện ấy chỉ hoàn thành sau khi Ngài chịu nạn chịu chết và sống lại.
b/ Bằng hai hình ảnh “hòa bình” và “chia rẽ”, Chúa Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài (cc 51-53) : Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (x. Is 9,5). Chúa Giêsu xác nhận rằng đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình (Is 9,5tt ; Dcr 9,10 ; Lc 2,14 ; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm : chữ “Hoà bình” có nhiều nghĩa : hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin mừng của Ngài. Thực tế cho thấy là sứ vụ của Chúa Giêsu đã gặp chống đối, và Lời rao giảng của Ngài đã gây ra chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xảy ra ngay trong lòng một gia đình (Lc 2,35 : có chia rẽ, thì tâm tư người ta mới lộ ra).
- Bài đọc II (Dt 12,1-4) (Chủ đề phụ)
Hoàn cảnh : Các kitô hữu gốc do thái đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Một mặt họ bị các đồng đạo do thái cũ thù ghét vì coi họ là những người phản đạo. mặt khác họ cũng bị bách hại bởi đế quốc Rôma.
Tác giả thư do thái đã nêu gương Chúa Giêsu để an ủi và khuyến khích họ : Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Chúa Giêsu. Ngài cũng gặp muôn vàn khó khăn nhưng đã kiên trì chiến đấu và cuối cùng đã chiến thắng tất cả. Hãy noi gương Ngài và dựa vào sự trợ giúp của Ngài mà chiến đấu.
IV. Gợi ý giảng
* 1. “Thầy đến để đem sự chia rẽ”
Những lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng này thật kỳ lạ khác thường. Còn nhớ có lần hai môn đệ xin Ngài sai lửa từ trời xuống thiêu đốt một làng Samaria không tiếp rước Ngài, thì khi đó Ngài đã mắng hai ông và dùng đường khác mà đi. Thế mà hôm nay Chúa Giêsu lại nói “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian”. Còn nhớ có lần Phêrô tuốt gươm ra để bênh vực Ngài khi quân dữ đến bắt Ngài. Khi ấy Ngài đã bảo Phêrô xỏ gươm vào bao vì ai dùng gươm thì sẽ chết vì gươm. Vậy mà hôm nay Ngài nói “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư ? Thầy đến để đem sự chia rẽ !”.
Thực ra Chúa Giêsu đến trần gian không phải để gây chia rẽ và xáo trộn. Tuy nhiên nhiều khi chính vì Ngài mà xáo trộn và chia rẽ xảy ra ! Điều này đặc biệt đúng trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai. Khi đó, ai bỏ đạo cũ (đạo Rôma, đạo Do thái) để theo đạo Chúa Kitô thì bị gia đình, bạn bè và hàng xóm ghét bỏ, bách hại. Nhưng những kitô hữu ấy biết làm gì khác hơn được : chọn bên này thì phải bỏ bên kia, và bên bị bỏ sẽ thù ghét mình.
Dù Chúa Giêsu rất hiền lành nhưng, vì sứ mạng, Ngài phải nói thẳng nói thật và do đó gây nên chống đối và chia rẽ : Ngài giảng dạy về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi. Lời giảng này làm cho những người tội lỗi tin theo Ngài, nhưng lại khiến những người biệt phái chống lại Ngài. Ngài kêu gọi con người đừng bám vào kho tàng của cải đời này, mà hãy tìm kho tàng không hư nát trong Nước Trời. Lời giảng này khích lệ những người nghèo nhưng lại làm cho những người giàu nổi giận v.v.
Trong Tin Mừng có đầy dẫy những lời chói tai như thế của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta chỉ lựa ra những lời thuận tai để đọc thì Tin Mừng chẳng mang lại ích lợi gì cho chúng ta. Ngược lại, chính những lời làm ta khó chịu, những lời có tính cách quấy rối lương tâm chúng ta mới là những lời giúp chúng ta hoán cải và tìm được ơn cứu độ.
* 2. Sứ mạng ngôn sứ
Ngôn sứ là người nói lời Thiên Chúa. Mà lời Thiên Chúa không phải lúc nào cũng thuận tai loài người. Cho nên ngôn sứ thường bị coi là những người quấy rối, và bị ghét bỏ.
Nhưng kitô hữu chúng ta có sứ mạng ngôn sứ. Chúng ta có sứ mạng nói lên sự thật để vạch trần sự gian dối ; chúng ta có sứ mạng đòi hỏi công bình mỗi khi gặp bất công.
Kinh nghiệm cho thấy không có gì khiến người ta khó chịu cho bằng đòi hỏi sự thật và công bình.
Vì thế sứ mạng của kitô hữu càng khó khăn hơn.
Trước chúng ta, đã có nhiều kitô hữu can đảm thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình : Martin Luther King rao giảng cho hòa bình và cho quyền tự do của người da đen. Ông đã bị ám sát chết. Đức Giám mục Helder Camara tranh đấu cho người nghèo và cũng bị bắn gục.
Xã hội ngày nay có nhiều điều xấu, và những điều xấu ấy vẫn tồn tại lâu dài. Phải chăng vì Kitô hữu đã bỏ quên hay đã hèn nhát không thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình ?
* 3. Ngọn lửa tình yêu
Tại một khu phố cổ ấn Độ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền Ấn Giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không được đốt lên thường xuyên.
Từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, họ treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu.
Bình thường ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn dầu soi đường để đi qua các khu phố đến đền thờ cầu nguyện, họ cũng mang chính những ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong đền thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách lạ kỳ.
*
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Đó là tâm nguyện của Chúa Giêsu và cũng là trách nhiệm của mỗi người tín hữu chúng ta : Thế giới này là một ngôi đền thờ rộng lớn mà mỗi tín hữu phải đặt vào đó ngọn lửa tình yêu, để thế giới này bừng sáng lên tình anh em một nhà.
Ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào thế giới này, chính là ngọn lửa tình yêu vắn bừng cháy trong trái tim Người ; là ngọn lửa phục sinh đã bừng lên trong tâm hồn người tín hữu giữa đêm tăm tối, cũng là ngọn lửa Thánh Thần đã bừng sáng trí khôn các tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần.
Nếu con người cần cơm bánh để sống còn, thì họ cũng cần tình thương để tồn tại.
Nếu con người cần áo quần để che thân, thì họ cũng cần tình thương để sưởi ấm.
Nếu lòng hai môn đệ Em mau đã bừng cháy lên khi nghe Lời Chúa, thì nhân loại sao chẳng rực sáng lên khi nghe lời yêu thương của Người ?
Lời yêu thương đã được viết lên trên cây thập giá, trong cuộc khổ nạn đau thương, đó chính là phép rửa mà Chúa Giêsu phải chịu, để ném lửa yêu thương vào trần gian.
Như Thiên Chúa Giavê đã hiện ra với Môsê nơi bụi gai cháy sáng và kêu gọi ông đi chu toàn sứ mạng, nay Người cũng sai chúng ta đi loan báo sứ điệp yêu thương cho trần thế.
Như Chúa Giêsu đã đẩy lui bóng tối tử thần bằng ánh sáng Phục sinh và sai các môn đệ đi loan báo tin vui, nay Người cũng mời gọi chúng ta hãy xua tan bóng tối của bất công, hận thù, nghèo đói với ánh sáng của tình thương cứu độ.
Như Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưới lửa để biến họ thành chứng nhân Nước Trời, nay Người cũng muốn chúng ta mang ngọn lửa tình yêu, thanh luyện và sưởi ấm các tâm hồn.
Mahatma Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã nhận định rất sâu sắc về ngọn lửa tình yêu này như sau : “Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh”. (TP)
* 4. Chấp nhận bị ghét
Lòng ganh ghét không đơn giản chút nào, nhiều khi nó rất phức tạp khó lường. Không phải người ta chỉ ghét những điều xấu, người ta có thể ghét cả những điều tốt nào không hợp với người ta. Thí dụ kẻ nói dối ghét người nói thật, kẻ buôn gian bán lận ghét người buôn bán thật thà v.v.
Chính vì thế mà Chúa Giêsu khuyến cáo các kitô hữu phải chấp nhận bị ghét, có thể bị ghét bởi chính những người thân của mình và ngay trong gia đình mình : “Từ nay 5 người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau 3 chống lại 2 và 2 chống lại 3. Cha chống đối con trai và con trai chống đối cha. Mẹ chống đối con gái và con gái chống đối mẹ…”
Đó là những sự ghét đáng chấp nhận, vì nếu không chấp nhận thì có nghĩa là phản bội lý tưởng Tin Mừng của mình.
* 5. Hoà bình thật và hòa bình dỏm
Một đầm lầy xem ra rất phẳng và đẹp ở bề mặt của nó
Nhưng sâu bên dưới toàn là bùn sình rác rưởi hôi thúi.
Một thứ hoà bình dựa trên những giả dối và bất công được thoả thuận với nhau chỉ là thứ hòa bình dỏm. Chúa Giêsu đến trần gian không phải để mang lại thứ hoà bình dỏm này.
Thứ hoà bình thật Chúa Giêsu mang đến là thứ hòa bình mà trong đó sự thật được tôn trọng, mọi quyền lợi của con người được tôn trọng.
Những người cố gắng xây dựng nền hòa bình của Thiên Chúa có thể bị người đời cho là những kẻ quấy rối, nhưng họ được Thiên Chúa gọi là “Con” của Ngài.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã đem ngọn lửa tình yêu của Người xuống trần gian để sưởi ấm con tim băng giá của nhân loại. Với ước mong ngọn lửa ấy bừng lên trên toàn thế giới, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
- Hội thánh đã và đang làm hết mọi cách / để giúp các Kitô hữu hiệp nhất với nhau / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa chúc lành cho nỗ lực cao quý / nhưng đầy khó khăn này.
- Ngày nay / sự ganh tỵ / lòng ghen ghét / vẫn đang ngự trị ở khắp mọi nơi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người biết yêu thương và tôn trọng nhau.
- Hiện giờ / bất hòa / chia rẽ vì bè phái / vẫn đang hoành hành trong các cộng đoàn giáo xứ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu / biết dẹp bỏ bất hòa và chia rẽ / để luôn sống hiệp nhất với nhau.
- Đời sống gia đình chỉ thật sự hạnh phúc / khi các thành viên trong gia đình biết sống trên thuận dưới hòa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi gia đình trong giáo xứ chúng ta / biết luôn nêu gương cho các gia đình khác về đời sống bác ái yêu thương.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, ghen ghét, hận thù, vừa trái với tinh thần bác ái của Chúa vừa dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại trong mối quan hệ thường ngày. Vì thế, xin Chúa cho chúng con biết sống theo Lời Chúa dạy, và đừng bao giờ để cho lòng ghen ghét và sự hận thù ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha : Nước Thiên Chúa là nơi chân lý và công lý ngự trị. Chúng ta hãy cầu xin cho Nước Chúa mau trị đến.
VII. Giải tán
Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta làm một việc rất khó, đó là làm chứng cho sự thật và công bình. Với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta hãy can đảm thi hành sứ mạng cao cả này.