Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật Lễ Lá Năm A

print

Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật Lễ Lá Năm A

CHỦ ĐỀ :

ĐỨC GIÊSU LÀ NGƯỜI TÔI TỚ 
CỦA THIÊN CHÚA

 

 “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” (Mt 21,9)

Sợi chỉ đỏ :

– Bài Tin Mừng khi kiệu lá : Tuy Đức Giêsu xuất hiện như một vị Vua, nhưng là một vị Vua ngồi trên lưng lừa, hiền hòa và khiêm tốn.

– Bài đọc Cựu Ước : thái độ vâng phục của Người Tôi Tớ.

– Bài đọc Tân Ước : sự hạ mình của Người Tôi Tớ Giêsu.

– Bài Thương khó : cuộc chịu nạn của Người Tôi tớ Giêsu.

 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

 (Dùng bài dẫn vào phụng vụ Lễ Lá được soạn sẵn trong Sách Lễ Rôma)

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Đã bao lần chúng ta nghe đọc bài Thương Khó, nhưng có khi nào chúng ta cảm được tình thương bao la của Đức Giêsu khiến Ngài phải chịu bao đau khổ như thế vì chúng ta không ?

– Trong cuộc Thương khó, Đức Giêsu đã hạ mình xuống đến mức thẳm sâu nhất. Phần chúng ta, chúng ta lại thường thích nâng mình lên.

– Đức Giêsu đã phán “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình và vác thập giá mà theo”. Chúng ta có thực hiện lời Ngài dạy không ?

III. LỜI CHÚA

  1. Bài Tin Mừng khi kiệu lá (Mt 21,1-11)

Trong trình thuật của mình, Thánh Matthêu giới thiệu một Đấng Messia mà toàn dân trông đợi. Nhưng đó không phải là một Đấng Thiên sai sử dụng quyền lực để thống trị, mà là một vị Thiên sai khiêm nhu, hiền hậu, không một vũ khí trong tay. Hình ảnh Đấng Thiên sai hiền hòa đó đã được ngôn sứ Dacaria miêu tả : “Hãy bảo thiếu nữ Sion : Kìa Đức vua của ngươi đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”. Thánh Matthêu cố ý không trích dẫn câu “Ngài là người công minh và hiển hách” để tránh cho người nghe ý nghĩ về một Đấng Thiên sai quyền lực lẫm liệt uy phong. Đối với Matthêu, Đức Giêsu là Đấng Thiên sai khiêm tốn, giản dị, hiền hòa như con cừu người ta đem đi sát tế. Ngài luôn luôn vâng theo thánh ý Đức Chúa Cha với tất cả tâm tình của người con thảo. (Trích số đặc biệt của Báo Công giáo và dân tộc, Giáng sinh 98, trang 140-141).

  1. Bài đọc Cựu Ước (Is 50,4-7)

Đây là phần đầu bài ca thứ ba của Người Tôi Tớ trong sách Isaia. Có 3 ý chính :

– Người Tôi Tớ không chống lại Thiên Chúa. Ngược lại luôn tỉnh táo nghe Lời Ngài.

– Người Tôi Tớ không dùng bạo lực để chống lại bạo lực.

– Người Tôi Tớ đặt trọn niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa là Đấng sẽ đến giải thoát mình.

  1. Đáp ca: Tv 21

Tv này là tiếng than van của người đang phải chịu khổ đến cùng cực, đến nỗi có lúc người đó tưởng như Thiên Chúa cũng bỏ rơi mình. Dù vậy, tác giả cũng vẫn một niềm trông cậy vào Chúa, nên sau những lời than thống thiết đã cất tiếng ca tụng Thiên Chúa và còn kêu gọi mọi người hãy cùng mình chúc tụng Chúa.

Trong lúc bị đóng đinh trên Thập giá, Đức Giêsu đã dùng Tv này để cầu nguyện.

  1. Bài Thương khó (Mt 26,14–27,66)

Bốn bài thương khó trong các sách Tin Mừng đều có chất liệu và bố cục gần giống nhau, nhưng mỗi quyển Tin Mừng nhấn mạnh một ý tưởng khác nhau : Mc sử dụng như một bài giảng truyền giáo ; Lc nhấn mạnh đến lòng nhân hậu của Đức Giêsu ; Ga nhấn mạnh đến sự tự do và vương quyền của Đức Giêsu ; còn bài thương khó của Mt thì giống như một bài giáo lý cho biết Giêsu là ai.

Bài thương khó trong Mt có thể chia làm 2 phần : Đức Giêsu với các môn đệ, và Đức Giêsu với các nhà cầm quyền do thái và rôma.

– Đức Giêsu với các môn đệ : phần này diễn ra trong phòng tiệc ly và vườn Cây dầu. Mặc dù Ngài rất thương mến các ông, nhưng Phêrô chối Ngài, Giuđa nộp Ngài và các môn đệ kia bỏ Ngài.

– Đức Giêsu với các nhà cầm quyền : Mt muốn cho thấy trách nhiệm của các nhà cầm quyền đối với cái chết của Đức Giêsu. Giuđa đã mang tiền trả lại cho các thượng tế nhưng các ông không nhận và tiếp tục ung dung xúc tiến vụ án. Bà vợ của Philatô khuyên chồng đừng nhúng tay vào vụ án. Nhưng sự can thiệp này không kết quả.

Khi Đức Giêsu tắt thở, lời của viên đại đội trưởng chính là câu trả lời cho câu hỏi giáo lý (“Giêsu là ai”) : “Quả thật người này là Con Thiên Chúa”.

  1. Bài thánh thư (Pl 2,6-11)

Đức Kitô có thể làm một Đấng Messia chiến thắng buộc mọi người phải công nhận uy quyền của mình. Thế nhưng Ngài muốn làm một Người Tôi Tớ hạ mình cho đến tận cùng.

Đáp lại thái độ hạ mình khiêm tốn ấy, Thiên Chúa đã tôn Ngài lên làm Đức Chúa của muôn loài muôn vật.

IV. GỢI Ý GIẢNG

  1. Lên và xuống

Đoạn thư Philipphê ngầm so sánh Đức Giêsu với Ađam và nói lên cái nghịch lý giữa “lên” và “xuống” : Ađam đã muốn lên “bằng Thiên Chúa” và kết quả là đẩy loài người xuống vực sâu. Còn Đức Giêsu “tuy vẫn là Thiên Chúa mà không nhất quyết phải đòi cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã khước từ tất cả, mặc lấy thân nô lệ thấp hèn”. Kết quả là “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu…”. Thật đúng như lời Đức Giêsu đã nói “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Chúng ta cũng thường theo con đường của Ađam, tưởng rằng khẳng định được mình khi nâng mình lên trước mặt những người khác. Nhưng cái “mình” mà ta khẳng định ấy chỉ là những dáng vẻ bề ngoài chứ không phải là bản thân thực sự của mình.

Hãy theo con đường của Đức Giêsu, con đường vâng lời và từ bỏ. Qua con đường này, Ngài đã được Thiên Chúa tôn lên làm Đức Chúa.

Thánh Phanxicô Assisi đã xác tín điều ấy : “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.

  1. Bài học của Đức Giêsu chịu đau khổ

Chúng ta nghĩ gì khi nghe bài tường thuật cuộc thương khó của Đức Giêsu ? Phải chăng chúng ta xúc động vì một người vô tội mà phải gánh chịu biết bao đau khổ như thế ? Phải chăng chúng ta giật mình nhìn lại bản thân để xem coi mình thuộc về loại “cây khô” gồm những kẻ lạnh lùng hành khổ Ngài, hay “cây xanh” đang vui lòng chịu khổ như Ngài ?

Nhưng còn một bài học khác đáng chúng ta để ý hơn : Đức Giêsu đã tha thứ cho tất cả những kẻ làm khổ Ngài, những người có mặt hôm đó cũng như những người của các thế hệ về sau, trong đó có chính chúng ta nữa. Bài học Chúa dạy là phải liên kết lại cả 3 yếu tố : đau khổ, tình yêu và tha thứ.

  1. Lời nguyện xin tha

Trong trại tù Auschwitz, một trại tù nổi tiếng của Đức Quốc Xã giam giữ những người do thái, người ta đã tìm được một lời cầu nguyện rất cảm động như sau :

Lạy Chúa, xin đừng chỉ nhớ đến những người thiện chí, mà hãy nhớ cả những kẻ ác tâm.

Đừng chỉ nhớ những nỗi khổ đã đổ dồn xuống chúng con. mà cũng hãy nhớ đến những hoa trái mà các đau khổ ấy đã sinh ra cho chúng con : tình bạn chân thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, tính quảng đại và con tim nhân ái.

Khi những người hành hạ chúng con phải ra trước toà Chúa phán xét, xin cho tất cả những hoa trái ấy thành những lời xin ơn tha thứ cho họ.

  1. Xử án Thiên Chúa

Tôi có một giấc mơ. Tôi mơ thấy ngày tận thế. Hàng tỉ tỉ người tập trung tại một cánh đồng rộng lớn trước toà Thiên Chúa để chờ Ngài xét xử. Nhiều người sợ hãi. Nhưng nhiều khác nổi giận.

Một phụ nữ nói : “Sao Chúa có thể xét xử chúng tôi được ? Ngài có biết gì về đau khổ đâu ! Chúng tôi đã phải chịu khủng bố, đánh đập, tra tấn và giết chết.” Vừa nói bà vừa vạch tay áo cho thấy một con số do một trại tập trung Đức quốc xã xâm vào cánh tay bà.

Tiếp theo, một người đàn ông da đen cúi đầu xuống, để lộ một sợi dây thừng đang quấn quanh cổ ông : “Tôi đã bị buộc cổ như thế này chỉ vì tội làm người da đen, bị rứt khỏi những người thân yêu, rồi bị dẫn xuống chiếc tàu chật cứng như nêm, bị bán làm nô lệ, làm việc nặng nhọc cho đến chết”.

Sau đó, một cô gái với dòng chữ “con hoang” khắc trên trán lên tiếng : “Tôi phải chịu đựng sự sỉ nhục này vượt sức… vượt sức…”. Cô nghẹn ngào không nói tiếp được.

Nhiều tiếng nói khác tiếp theo… Mọi người đều trách Chúa vì những khổ đau họ đã gánh chịu khi còn sống. Ngài sung sướng quá vì cứ sống ở trên trời chỉ toàn ngọt ngào và sáng láng, chẳng hề có một chút mồ hôi, nước mắt, đói khát, sợ hãi, hận thù. Bởi vậy Ngài có biết gì về những nỗi khổ của loài người đâu !

Thế rồi họ nhất trí xử Ngài phải xuống sống ở trần gian. Tuy nhiên phải làm sao cho Ngài sống y như một người thường không ai biết Ngài là Thiên Chúa, và cũng không cho Ngài sử dụng quyền phép Thiên Chúa của Ngài. Rất nhiều góp ý được đưa ra :

– Hãy cho Ngài làm một người do thái.

– Làm sao cho người ta nghĩ Ngài là một đứa con hoang, để không ai biết Cha thật của Ngài là ai.

– Ngài phải làm việc rất bận rộn đến nỗi bà con Ngài tưởng Ngài bị mất trí.

– Ngài phải nếm nỗi đau bị những bạn thân nhất phản bội.

– Ngài phải bị đưa ra một toà án có sẵn bảng luận tội Ngài.

– Ngài phải bị kết án là tay lừa đảo và bị xử tử.

– Trước khi chết, Ngài còn phải nếm mùi tra tấn và lăng nhục.

– Cuối cùng phải cho Ngài biết cảnh chết trong hoàn toàn cô đơn là khủng khiếp đến mức nào.

Lời góp ý cuối cùng đưa ra xong, mọi người im lặng… Và bỗng nhiên họ nhận ra rằng Chúa đã thi hành bản án ấy của họ từ lâu ! (Flor McCarthy)

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Để chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt Mùa Chay chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau. Hôm nay phụng vụ tung hô Chúa Giêsu khải hoàn, đồng thời mời gọi ta bước theo Người trên con đường thập giá. Với tâm tình biết ơn và chia sẻ sự đau khổ của Đức Giêsu, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1- Đức Kitô đã lên Giêrusalem chịu khổ hình để cứu độ nhân loại và bước vào vinh quang / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh Chúa / sau khi vượt qua cõi đời này / được đạt tới vinh quang bất diệt.

2- Hiện nay / bạo lực vẫn tràn lan trên khắp thế giới / người ta sẵn sàng lao vào giết chóc nhau / nhiều khi chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / thay lòng đổi dạ con người trên trái đất hôm nay / để mọi người biết yêu thương và tôn trọng nhau hơn.

3- Không nên tự phụ vào sức riêng mình / nhưng phải trông cậy vào ơn Chúa trợ giúp / Đó phải là điều tâm niệm hằng ngày của mọi kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu / đừng tự cao tự đại / nhưng phải khiêm tốn / tin tưởng vào ơn phù trợ của Chúa / vì bản tính con người vốn yếu đuối mỏng dòn.

4- Bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá / là điều xem ra không phải lúc nào cũng dễ dàng thuận lợi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng vượt qua mọi thử thách gian nan / để có thể dấn thân theo Chúa đến cùng.

CT : Lạy Chúa Giêsu, xin cho mầu nhiệm thập giá là mầu nhiệm của tình thương luôn sống động trong cuộc đời chúng con, để trong cuộc sống thường ngày, lúc nào chúng con cũng biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời không bao giờ trở nên thánh giá cho người chung quanh. Chúa hằng sống…

VI. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Đức Giêsu đã hiến mình làm lễ vật tình yêu nên đã thiết lập Nước Thiên Chúa. Xin cho Nước Thiên Chúa mau trị đến nhờ những hy sinh của chúng ta.

VII. GIẢI TÁN

Chúng ta đã bắt đầu tuần lễ trọng đại nhất của năm phụng vụ. Chúng ta hãy sống tuần này một cách hết sức sốt sắng trong tâm tình kết hợp với Đức Giêsu, với Đức Mẹ và với toàn thể Giáo Hội. Hãy cùng chết với Đức Giêsu để được cùng sống lại với Ngài.