Sợi Chỉ Đỏ Lễ Giáng Sinh
Giáng Sinh – Lễ Đêm
Chủ đề :
“Hôm nay, Đấng cứu độ đã đến với chúng ta
“Bà sinh con trai đầu lòng”
(Lc 2,7)
Sợi chỉ đỏ
– Bài đọc I (Is 9,1-6) : “Vì Chúa đã cho một trẻ thơ chào đời”
– Đáp ca (Tv 95) : “Hôm nay Đấng cứu độ chúng ta đã ra đời”
– Tin Mừng (Lc 2,1-14) : “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ”
– Bài đọc II (Ti 2,11-15) : “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ”
I. Dẫn vào Thánh lễ
Đêm nay chúng ta cử hành Thánh lễ mừng Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Giáo Hội cử hành Thánh lễ ban đêm không phải chỉ để sống lại cảm nghiệm của các mục tử xưa đã đến thờ lạy Chúa lúc ban đêm, mà còn muốn làm nổi bật ý nghĩa Đức Giêsu chính là Ánh sáng xóa tan đêm tối trần gian. Nguyện xin ánh sáng Đức Giêsu cũng xóa tan mọi tối tăm u ám trong lòng mỗi người chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
– Nhiều khi chúng ta đã chuộng bóng tối của tội lỗi hơn là ánh sáng của Chúa.
– Cuộc sống của chúng ta chẳng có gương sáng gì tỏa chiếu trước mặt trần gian.
– Đức Giêsu đã muốn làm Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nhưng nhiều khi chúng ta thờ ơ không tiếp đón Ngài để cho Ngài ở cùng.
III. Lời Chúa
- Bài đọc I : Is 9,1-6
Bối cảnh lịch sử của đoạn này là sau khi quân đội Assyria đã xâm chiếm vương quốc Israel và bắt một phần dân xứ đó đi lưu đày. Họ là “dân tộc bước đi trong u tối”, chốn lưu đày đối với họ chính là “miền thâm u của sự chết”, những khổ nhục họ phải chịu là “cái ách nặng nề đè trên người, cái gông nằm trên vai và roi vọt của kẻ áp bức”…
Nhưng ngôn sứ Isaia đã tiên báo là họ sẽ được giải thoát : “Dân tộc bước đi trong u tối sẽ nhìn thấy sự sáng chứa chan”, những gông ách và roi vọt bị bẻ gãy… Ngôn sứ tin chắc vào tương lai ấy đến nỗi những động từ thay vì ở thì tương lai (“sẽ”) đã được ông đổi thành quá khứ (“đã”).
Nhân tố tạo nên sự thay đổi tuyệt vời ấy là “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi, một người con đã được ban tặng cho chúng tôi”. Hài nhi hay người con ấy thời đó là vua Êdêkias. Nhưng Êdêkias không thực hiện được tất cả nội dung của lời tiên tri này : ông không phải là “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, người cha muôn thuở, ông vua thái bình…”. Nội dung của lời tiên tri này sẽ chỉ được thực hiện nơi Đức Giêsu mà thôi.
- Đáp ca : Tv 95
Tv này là một khúc hoan ca mang chiều kích hoàn vũ : “Các tầng trời hãy hoan lạc, trái đất hãy nhảy mừng, biển và muôn loài dưới biển hãy chuyển động, cây cối trong rừng xanh hãy nhảy mừng”. Lý do hân hoan là Thiên Chúa đã đến xét xử trần gian và mọi dân tộc trong công bình và chân lý.
- Tin Mừng : Lc 2,1-14
Đoạn Tin Mừng này giống như một bộ tranh gồm hai bức đối chọi hẳn nhau :
– Phần đầu là bức tranh u tối : đất nước đang sống dưới ách đô hộ của đế quốc Rôma, thánh gia nghèo nàn phải sinh Đức Giêsu trong máng cỏ…
– Phần sau là bức tranh sáng ngời : đoàn thiên sứ báo tin vui, ánh hào quang của Chúa tỏa chiếu, hài nhi được gọi là Đấng cứu tin, tiếng hát thiên thần “vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Với biến cố Đức Giêsu sinh ra, tất cả đã được thay đổi từ tối tăm thành tươi sáng.
- Bài đọc II : Ti 2,11-15
Đoạn này là một suy tư của Thánh Phaolô về cuộc đời kitô hữu :
– Nguồn gốc của đời kitô hữu là những ân sủng mà Thiên Chúa đã tuôn ban, nhất là qua việc Đức Giêsu nhập thể và cứu độ loài người.
– Mục đích là hướng tới cuộc xuất hiện vinh quang của Đức Giêsu Kitô sau này.
– Giữa hai cực đó là trong hiện tại, kitô hữu phải cố gắng từ bỏ sự gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Hang đá Noel
Dịp lễ Giáng sinh, nhà thờ nào cũng có hang đá. Ở một xứ đạo kia, đa số giáo dân đều giàu, năm nào họ cũng làm một hang đá rất đẹp : Đức Mẹ, Thánh Giuse và nhất là Chúa Hài đồng được trang điểm bằng những bộ y phục rất sang trọng ; ngay cả các mục đồng cũng thế. Nhưng năm nay Cha Xứ là một Linh mục mới được đổi đến. Ngài dọn một hang đá khác hẳn : từ Đức Mẹ, Thánh Giuse, Đức Giêsu cho đến các mục đồng đều ăn mặc rất nghèo nàn. Giáo dân vừa tiếc nuối những hang đá xinh đẹp những năm trước, vừa chưa quen với cảnh nghèo nàn của hang đá năm nay nên không được vui. Tuy nhiên Cha Xứ vẫn giữ nguyên ý định của mình.
Nguồn gốc làm hang đá Giáng sinh xuất phát từ sáng kiến của Thánh Phanxicô Assisi, năm 1223. Mục đích Ngài nhắm là làm cho câu chuyện Giáng sinh trở nên gần gũi với dân chúng, làm sao cho họ hiểu rằng Chúa giáng sinh là để đến gần họ và sống với họ. Bởi thế, gần đến lễ Giáng sinh, Ngài đặt những tượng Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse v.v. vào một hốc đá trên sườn đồi. Tới ngày áp lễ, dân chúng trong vùng – đa số là nông dân và mục tử – cầm nến hoặc đuốc tập trung trước hang đá. Rồi Thánh Phanxicô giảng cho họ nghe về việc Con Thiên Chúa đến với loài người để dạy cho loài người biết họ là con của Thiên Chúa và Thiên Chúa dành sẵn cho mọi người một số phận vĩnh cửu. Sau đó mọi người trở về nhà, lòng tràn đầy bình an và vui sướng vì cảm thấy mình gần gũi hơn với Chúa và với nhau. (Viết theo Flor McCarthy)
* 2. Vui vì đã tin
Có lẽ chúng ta phân bì với các mục tử vì họ được nhìn thấy Chúa Hài đồng bằng cặp mắt của họ, và đụng chạm Chúa Hài đồng bằng đôi tay của họ. Bởi vậy họ tin cách dễ dàng quá. Và chúng ta nghĩ rằng đức tin của chúng ta cũng dễ dàng như vậy nếu như chúng ta được thấy và được chạm tới Chúa như họ.
Tuy nhiên, đừng vội tưởng rằng các mục tử không phải vận dụng tới đức tin. Đành rằng họ có thấy đó, nhưng họ thấy gì ? Họ thấy “một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ”. Một đứa trẻ “sơ sinh” nghĩa là rất yếu ớt ; “bọc tã” nghĩa là rất lạnh lẽo ; và “nằm trong máng cỏ” nghĩa là rất nghèo. Họ còn thấy gì nữa ? Thấy “Bà Maria và ông Giuse”, hai con người bình thường, hai người lữ hành nghèo không thể tìm được chỗ trong quán trọ đến nỗi phải sinh con trong hang súc vật. Tất cả những cái họ thấy chỉ có thể cho biết đó là một gia đình nghèo vừa mới sinh con. Thế thôi. Vậy mà họ tin rằng đứa bé đó là Đấng cứu thế.
Đức tin của các mục tử không phải do những điều họ thấy, mà do lời thiên sứ nói với họ. Thiên sứ đã bảo họ đứa bé yếu ớt và nghèo nàn ấy chính là Đấng cứu thế. Vì họ tin như thế nên khi thấy Ngài yếu ớt và nghèo nàn thì họ càng mừng rỡ hơn nữa, bởi vì Đấng cứu thế đã làm một người nghèo như họ, gần gũi họ, chia xẻ thân phận của họ. Bởi vậy, khi họ ra về, họ “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo”.
Vui mừng là dấu chỉ của Kitô giáo. Niềm vui này tuôn trào trước tiên từ những sự thiện hảo của chính Thiên Chúa, kế đó từ ý thức Thiên Chúa đã yêu thương đối xử nhân lành với chúng ta. Nếu không có Thiên Chúa thì cuộc sống sẽ không thể hiểu nỗi và không thể chịu nỗi. Khi con người tách lìa khỏi Thiên Chúa thì con người sẽ bị mất mát rất nhiều, phải rơi vào một khoảng trống mênh mông.
Phúc cho những ai cảm nếm được niềm vui của đức tin. Trong ngày lễ Giáng sinh, chúng ta cảm nhận được sự gần gũi thân thiết của Chúa, chúng ta biết rằng Ngài sống với chúng ta, chia xẻ những khổ cực của chúng ta và cứu độ chúng ta. Thế thì còn niềm vui nào bằng ? (Viết theo Flor McCarthy)
* 3. Cô đơn trong ngày lễ Giáng sinh
Đôi khi nghe người ta nói : “Tôi luôn cảm thấy cô đơn trong ngày lễ Giáng sinh”.
Có hai lý do chính làm cho người ta thấy cô đơn là “trống” và “vắng”.
Hãy dành một chút suy nghĩ, một lời cầu nguyện, và có thể là cuộc thăm viếng cho ai đó đang sống ngày lễ Giáng sinh một mình.
Và nếu sau những việc đó mà chúng ta vẫn còn cảm thấy cô đơn thì chúng ta hãy biết rằng mình đang khao khát một cái gì đó hơn nữa, hay đúng hơn là chúng ta đang khao khát một Đấng nào đó.
Trong con tim mỗi người có một khoảng trống vắng đang chờ một vị khách. Vị khách ấy chính là Thiên Chúa. (Viết theo Flor McCarthy)
* 4. Thiên Chúa tìm kiếm con người.
Chuyện kể rằng, có hai người bạn chia tay nhau đi tìm điều quí giá nhất trên đời. Họ hẹn sẽ gặp nhau lại sau khi đã tìm thấy.
Người thứ nhất đi tìm viên ngọc quí. Bất cứ nơi nào bán đá quí, anh đều tìm đến. Cuối cùng, anh cũng mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc quí, anh trở lại quê hương chờ bạn.
Người thứ hai đi tìm Chúa. Anh đi khắp nơi thọ giáo các bậc thánh hiền, cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm nhưng vẫn không tìm được Chúa.
Nhiều năm trôi qua, đang lúc tuyệt vọng, anh nhìn dòng sông lững lờ : một đàn vịt con đang bơi lội tung tăng. Trong khi vịt mẹ tìm con, thì bầy con lại cứ muốn rời mẹ tìm ăn riêng. Vịt mẹ chẳng hề tỏ vẻ giận dữ, cứ lẽo đẽo theo bầy con và gom chúng lại. Thấy cảnh vịt mẹ mãi mê tìm con như thế, anh mỉm cười trở về quê hương.
Khi người bạn hỏi điều quí mà anh đã tìm được là gì khiến gương mặt anh rạng rỡ như thế. Lúc đó, con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập niềm vui mới thốt lên :
– Điều quí giá mà tôi đã tìm thấy, đó là trong khi tôi đi tìm Chúa, thì chính Người đã đi tìm tôi.
*
“Ngôi Lời Nhập thể, và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga.1,14). Nhiều khi chúng ta tưởng mình đi tìm Chúa, nhưng thật sự là chính Chúa đi tìm chúng ta trước.
Ngay khi con người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã lên kế hoạch cứu chuộc.
Ngay khi con người phản bội bất trung. Thiên Chúa đã mở lối cho họ quay bước trở về.
Ngay khi con người vô phương cứu lấy chính mình, Thiên Chúa đã sai Con Một đem thân cứu độ.
Đêm nay là đêm giao duyên đất trời, đêm hội hoa đăng, đêm đầy ánh sáng, đêm Thiên Chúa viếng thăm con người. Đúng như thông điệp chứa chan hy vọng của tiên tri Isaia : “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta và một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is.9,5).
Con người không thể lên tới Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã xuống với con người. Chúa xuống trần gian để cho trần gian biết đường về trời. Chúa mặc lấy bản tính con người để cho con người trở nên con cái Chúa. Thánh Gioan viết : “Những ai tin ở Người thì Người ban cho quyền được làm con Thiên Chúa” (Ga.1,12).
Giáng sinh là mùa tặng quà : “Đức Giêsu là quà tặng quí giá nhất Thiên Chúa trao gởi cho con người” (x.Ga.3,16). Đến lượt mình, chúng ta cũng hãy trao tặng cho anh em những gì họ cần thiết nhất, với tất cả lòng yêu quí, trân trọng như chúng ta đang tặng cho chính Hài Nhi Giêsu. Những kẻ nhỏ bé nhất, những người cô độc nhất, những kẻ chịu nhiều đau khổ nhất lại chính là những con người cần được tặng quà nhất. Chúng ta cần chứng tỏ rằng họ đáng kể đối với chúng ta, rằng tên họ chiếm một vị trí trong quả tim chúng ta. Đó chính là quà tặng mà Hài Nhi Giêsu đang mong đợi.
Một cách nào đó, khi tặng quà, chúng ta muốn trao ban vô vị lợi, trao ban không tính toán, trao ban trọn vẹn. Mẹ Têrêxa Calcutta định nghĩa : “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.
*
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã tìm kiếm chúng con, đã cứu chuộc chúng con, và đã cho chúng con được làm con Chúa.
Xin cho chúng con mau mắn đáp lại tình yêu bao la của Chúa bằng cách yêu thương anh em với tất cả trái tim nồng cháy của chúng con. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
* 5. Nguồn gốc Lễ Giáng sinh
Chúng ta quen kỷ niệm việc Đức Giêsu sinh ra vào ngày 25 tháng 12. Thực ra Chúa sinh ra ngày nào người ta vẫn chưa biết rõ. Ngày 25 tháng 12 chỉ được Giáo Hội Rôma chọn làm lễ Giáng sinh từ năm 300. Lý do như sau :
Ngày xưa, khi nhân loại chưa khám phá ra lửa, mùa đông rất dài và rất tối, bởi vì trong mùa này mặt trời như đi vắng. Tuy nhiên người ta biết rằng tới một ngày nào đó mặt trời sẽ trở lại và cảnh vật sẽ tươi sáng hơn. Thế là người ta đặt ra một Lễ để mừng ngày đó, gọi là Lễ Kính Thần Mặt Trời Vô địch (Sol Invictus).
Để thánh hóa ngày lễ ngoại giáo ấy, Giáo Hội đã chọn chính ngày 25 tháng 12 này làm lễ kỷ niệm Đức Giêsu giáng sinh. Giáo Hội thấy việc Đức Giêsu giáng sinh làm trọn lời tiên tri của ngôn sứ Isaia : “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Bài đọc I). Chính Đức Giêsu cũng tự giới thiệu mình : “Tôi là ánh sáng thế gian”.
Sự thật là như vậy. Nếu Đức Giêsu không đến thì thế giới tối tăm biết chừng nào. Những lời Ngài dạy đúng là một nguồn sáng cho những ai tiếp nhận. Những việc Ngài làm và những cuộc gặp gỡ của Ngài đã đưa vô số người ra khỏi tối tăm bước vào ánh sáng.
Ánh sáng Đức Kitô không chỉ loé lên một lần ở Bêlem rồi tắt ngúm, bởi vì không giống như mặt trời chỉ chiếu sáng trong một khoảng thời gian hạn định, ánh sáng Đức Kitô vẫn tiếp tục tỏa chiếu mãi trong tâm hồn những ai tin Ngài và đi theo Ngài.
* 6. Đấng cứu độ cho tôi
Thiên thần đã loan báo cho các mục tử rằng : “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em“.
– Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôn sứ vĩ đại, là Vua v.v. nhưng trên hết và trước hết Ngài là Đấng cứu độ. Ngài giảng dạy, Ngài làm phép lạ, Ngài sống nêu gương, nói tóm lại tất cả những gì Ngài làm cũng đều nhằm cứu độ.
– Một Đấng Cứu Độ như thế được Thiên Chúa dùng làm quà tặng cho chúng ta, cho chính tôi.
Người ta, có người là bác sĩ, có người là luật sư, có người là kiến trúc sư v.v. Nhưng mặc kệ họ, họ có liên quan gì tới tôi đâu. Tôi không có bệnh nên không cần bác sĩ, tôi không kiện cáo ai và cũng không bị ai kiện cáo nên cũng chẳng cần luật sư, tôi không có nhiều tiền nên kiến trúc sư không xây nhà cho tôi…
Nhưng tôi cần được cứu và Đức Giêsu là Đấng cứu độ được Thiên Chúa gởi đến cho tôi. Tôi cần Ngài và Ngài lúc nào cũng sẵn sàng cứu tôi.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, đêm Noel là đêm thánh vô cùng, là đêm thanh bình, là đêm tình thương giáng thế. Chúng ta hãy vui mừng dâng lên Chúa những lời nguyện cầu đêm Noel.
- Xin cho Hội thánh và mọi Kitô hữu biết dùng đem Noel này / để loan báo tin vui hòa bình và cứu độ cho mọi người trên thế giới.
- Xin cho những người có trách nhiệm quốc gia hay quốc tế / biết dùng dịp lễ Noel này để tìm kiếm và duy trì những giải pháp đem lại công lý và hòa bình cho mọi dân tộc.
- Xin cho những đôi vợ chồng đang chia rẽ, những gia đình bị phân ly, những người đang đau khổ vì chiến tranh huynh đệ tương tàn / được ánh sáng đêm Noel soi / để tìm về hòa giải và sống hiệp thông với nhau.
- Xin cho anh chị em trong cộng đồng xứ đạo chúng ta đang mừng lễ Noel đêm nay / biết sống một đêm Noel trọn tình nghĩa với Chúa / và chia sẻ niềm vui cho mọi người chung quanh.
Chủ tế : Lạy Chúa, chúng con cảm tạ ơn Chúa vì đang được hưởng đêm thánh huyền diệu này, xin cho ánh sáng đêm Noel chiếu soi vào mọi người chưa biết Chúa, và dẫn lối đưa đường cho họ tìm về hiệp thông với Hội thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…
VI. Trong Thánh lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban Con Một của Ngài sinh xuống làm người ở với chúng ta. Chúng ta hãy lấy hết tình con thảo dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha.
– Sau kinh Lạy Cha : “… cho những ngày chúng con đang sống được bình an, sự bình an mà Cha đã hứa và đã thực sự ban cho loài người trong đêm Con Cha giáng trần… và được an toàn khỏi mọi biến loạn. Xin Cha gìn giữ chúng con luôn sống trong tình nghĩa gia đình với Đức Giêsu là Con Cha và là Anh Cả của chúng con đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng phúc…”
VII. Giải tán
– Dùng công thức long trọng trong Sách Lễ Rôma.
– Thiên Chúa đã làm người để loài người được làm Chúa. Anh chị em hãy sống xứng đáng với hồng ân cao cả này. Chúc anh chị em bình an.
Giáng Sinh – Lễ Rạng Đông
Chủ đề :
Chúa Cứu Thế đã sinh ra
“Đến nơi, họ gặp bà Maria, Ông Giuse,
cùng Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ”
(Lc 2,16)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I (Is 62,11-12) : “Này đây Đấng cứu độ ngươi đến”
– Đáp ca (Tv 96) : “Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta”
– Tin Mừng (Lc 2,15-20) : “Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài nhi”
– Bài đọc II (Tt 3,4-7) : “Chúa đã cứu độ chúng ta theo lượng từ bi Người”
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
“Chúa đã xuống làm người để loài người lên làm Chúa”. Thực vậy, mục đích của việc Đức Giêsu giáng sinh là để sống chung với loài người tội lỗi chúng ta và cứu chuộc chúng ta. Ngài đã cho thấy rõ mục đích này khi vừa mới sinh ra : những người khách mời đầu tiên đến hang đá Bêlem chính là những người chăn chiên, nghèo nàn, tội lỗi, bị xã hội khinh chê.
Chúng ta hãy có những tâm tình như các kẻ chăn chiên ấy để đến với Chúa Hài Đồng.
II. Gợi ý sám hối
– Trong Mùa Vọng, chúng ta chỉ lo chuẩn bị bề ngoài mà chưa chuẩn bị tâm hồn cho đủ để xứng đáng đón rước Chúa.
– Chúa Cứu Thế đã mang lấy thân phận của một người nghèo. Vậy mà từ trước tới nay chúng ta thường coi khinh những người nghèo.
– Chúa Cứu Thế là ánh sáng của sự lành và sự thiện. Vậy mà từ trước tới nay nhiều lần chúng ta trốn lánh ánh sáng để ngụp lặn trong bóng tối của tội lỗi.
III. Lời Chúa
- Bài đọc I (Is 62,11-12)
Bối cảnh của những lời tiên tri này là hoàn cảnh khốn khổ của dân do thái (“thiếu nữ Sion”) đang bị lưu đày bên Babylon.
Ngôn sứ Isaia báo cho họ biết rằng “Đấng cứu độ” sẽ đến giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày, làm cho họ trở thành một dân thánh, và thành Giêrusalem của họ sẽ trở nên thành được quý chuộng.
Trong bối cảnh lịch sử ngắn hẹp thời đó, “đấng cứu độ” là Cyrus vua nước Ba Tư. Còn trong lịch sử cứu độ phổ quát, Đấng cứu độ chính là Ngôi Hai Thiên Chúa sinh xuống làm người mang tên là Giêsu.
- Đáp ca (Tv 96)
Đây là bài chúc tụng vương quyền của Đấng cứu độ. Tầm mức bao la của vương quyền này (“trái đất nhảy mừng, các đảo hân hoan, các tầng trời loan truyền sự công chính của Chúa, mọi dân tộc nhìn thấy vinh quang Người”) chỉ có thể thực hiện nơi Đức Giêsu mà thôi.
- Tin Mừng (Lc 2,15-20)
Bài tường thuật giáng sinh của Thánh Luca có nhiều chi tiết đáng suy gẫm :
– Những kẻ đầu tiên được thiên thần loan báo tin mừng giáng sinh là những mục tử : mặc dù họ nghèo, mặc dù họ không có cơ hội để thường xuyên đến Đền thờ tham dự các lễ nghi, mặc dù họ bị xã hội coi khinh, nhưng họ chính là “những người thiện tâm” (câu 14 phía trước) cho nên đáng được Thiên Chúa thương ban bình an (câu hát thiên thần : “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”).
– “Thiện tâm” của họ thể hiện trong cách họ đáp lại với Tin Mừng : sau khi nghe thiên thần loan báo, họ hối hả đi tìm, và sau khi gặp được Đức Giêsu, họ trở về loan truyền những việc kỳ diệu mà họ đã thấy.
– Phần Đức Maria thì ghi nhớ tất cả mọi sự và suy niệm trong lòng để ngày càng hiểu thêm về Đức Giêsu và về cách hành động kỳ diệu của Thiên Chúa.
- Bài đọc II (Tt 3,4-7)
Thánh Phaolô tìm hiểu ý nghĩa ơn cứu độ :
– Đó không phải do công lao hay sự công chính của loài người.
– mà là một ơn cho không.
– xuất phát từ lòng từ tâm và nhân ái của Thiên Chúa.
– Ơn này khởi sự từ việc con người lãnh nhận phép rửa
– và dẫn đến sự sống đời đời.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Một Thiên Chúa nghèo
Ngày nay, trong mức độ hoặc nhiều hoặc ít, việc mừng lễ Giáng sinh có phần sang trọng và tốn kém : trang hoàng, tiệc tùng, quà cáp v.v.
Nhưng ngày xưa ở Bêlem thì sao ? Thánh gia rất nghèo, nơi Đức Giêsu sinh ra rất nghèo… Những người nhận được “một Tin Mừng đặc biệt” cũng là những mục tử nghèo chứ không phải là những người Rôma quyền thế hay những cư dân Giêrusalem sang trọng.
Thiên Chúa yêu thương mọi người, Ngài ban Con mình cho mọi người, giàu cũng như nghèo. Nhưng Ngài ưu ái những người nghèo hơn ; và mặt khác những người nghèo dễ nhận ra Ngài hơn.
Muốn sống đúng ý nghĩa lễ Giáng sinh, chúng ta phải có tâm hồn nghèo, phải mở cửa lòng với những người nghèo và nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những người nghèo.
* 2. Một Thiên Chúa nhỏ bé
Chúng ta đã quen với hình ảnh một Thiên Chúa to lớn, uy quyền…
Nhưng khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta thấy cụ thể bằng hình hài xương thịt, thì lại là một đứa trẻ nhỏ bé, yếu đuối : không biết nói, không biết làm, không biết tự lo cho mình… Đứa trẻ cần mọi sự nơi người khác : nuôi nấng, chăm sóc, bảo vệ…
Vậy mà trong gia đình, đứa trẻ lại là người được chú ý nhất, có thể nói là uy thế nhất : mọi người từ cha mẹ đến anh chị đều phục vụ cho nó, chịu cực chịu khổ vì nó, tốn kém cho nó, sẵn sàng thay đổi giờ giấc và công việc vì nó… Thật là mầu nhiệm của sự nhỏ bé !
* 3. Ngôi Lời đã trở thành nhục thể
Ngày xưa có một cậu bé được tặng cho một chú lính chì trong dịp lễ Giáng sinh. Cậu rất sung sướng. Nhưng chẳng bao lâu sau cậu nghĩ : giá như có cách gì làm cho chú lính bằng chì này có được sự sống như mình thì hay biết mấy ! Và cũng chẳng bao lâu sau cậu bé lại lưỡng lự : làm cho chú lính này có sự sống tức là biến chú từ chì thành ra xác thịt ; mà như thế không biết chú có chịu hay không, bởi vì khi mang xác thịt thì có thể bị đau, bị thương và nhất là bị chết. Thế là cậu bé không nghĩ tới việc làm cho chú lính chì thành người nữa.
Câu chuyện nhỏ trên giúp ta hiểu mầu nhiệm Chúa nhập thể. Nhập thể là trở nên xác thịt như loài người. Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã trở thành một đứa trẻ sơ sinh, và trước khi là một đứa trẻ sơ sinh Ngài còn là một bào thai trong lòng một phụ nữ. Khi nhập thể, Ngài muốn được giống như người phàm, gần gũi với người phàm, chịu đói, chịu khát, chịu đau, chịu chết như người phàm.
Truyền thuyết Ấn giáo xem những vị thần Krishna và Rama là Thượng đế nhập thể. Tuy nhiên những vị thần này không bao giờ chịu khổ và chịu chết. Họ không phải là Thượng đế thực sự thành người, mà chỉ là những hình thái mà Thượng đế tạm mượn để hiện ra cho loài người thấy mà thôi. Còn Đức Giêsu thì khác : Ngài thực sự thành người và cùng chia xẻ mọi yếu đuối khổ đau của loài người.
* 4. Chúa ở cùng chúng ta
Một nhóm người đang trao đổi với nhau những suy nghĩ về ý nghĩa lễ Giáng sinh. Trong nhóm có một phụ nữ ít ai để ý tới, nhưng khi bà chia xẻ thì ai nấy đều chăm chú lắng nghe, vì bà kể về chính cuộc đời của bà.
Bà kể rằng gần đến lễ Giáng sinh thì bà rất sợ hãi, bởi vì bà rất cô đơn. Cha mẹ bà đã mất hết. Bà là đứa con độc nhất, không anh chị em. Bà cũng chẳng còn một người bà con nào cả vì bà là người cuối cùng trong dòng họ. Bạn bè thì bà cũng có, họ có gởi quà hoặc thiệp giáng sinh, nhưng chẳng ai mời bà đến nhà đề cùng gia đình họ mừng lễ Giáng sinh.
Thế thì ngày lễ Giáng sinh bà làm gì ? Sáng sớm Bà đến nhà thờ dự Thánh lễ. Sau lễ, bà đến một hội thiện nguyện giúp họ làm một số việc. Rồi trở về nhà, nấu cơm. Ăn xong, mở TV. Nhưng TV đâu có thay thế được những người thân ở bên cạnh mình, bởi đó bà vừa xem TV vừa khóc. Đến chiều, bà thả bộ dạo phố. Nhưng phố phường ngày lễ Giáng sinh rất vắng lặng, ai nấy đều rút vào mái ấm gia đình. Các cửa tiệm đóng kín cửa. Bà lần bước đến nhà thờ. Nhưng cửa nhà thờ cũng đóng kín. Bà đành trở về nhà, một mình gặm nhắm nỗi cô đơn, ý thức rất rõ mình chẳng có một chỗ nào giữa thành phố đông đảo và mênh mông này.
Nhưng chính lúc đó, bà chợt nghĩ đến câu Tin Mừng : “Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. Bà thông cảm với hoàn cảnh hài nhi Giêsu và thấy mình với Ngài rất giống nhau. Ý tưởng ấy làm cho lòng bà ấm lại. Theo bà, ý nghĩa lễ Giáng sinh chính là Thiên Chúa đến chia xẻ thân phận con người.
* 5. Ghi nhớ và suy nghĩ
“Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”
Trong những dịp Lễ Giáng sinh, chúng ta đã thấy và đã nghe rất nhiều điều. Nhưng các năm trước, tất cả những điều ấy chỉ rộn lên trong một ngày rồi mau chóng chìm vào quên lãng. Lễ Giáng sinh năm nay, chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ “ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”
– Hãy ghi nhớ và suy nghĩ về sự nghèo nàn. Tại sao Chúa có quyền chọn, thế mà Ngài lại chọn sinh ra trong cảnh nghèo nàn ?
– Hãy ghi nhớ và suy nghĩ về những mục tử. Họ là hạng người bị xã hội thời đó coi là hèn hạ, thậm chí bất hảo. Tại sao Chúa lại ưu ái họ đến nỗi mời họ đến gặp Ngài trước tiên ?
– Hãy ghi nhớ và suy nghĩ về nhiệt tình của tín hữu trong dịp Lễ Giáng sinh. Tại sao hôm nay họ đi lễ đông đủ như thế, còn những Chúa nhựt khác thì thưa thớt ?
– Hãy ghi nhớ và suy nghĩ về sự tham gia của những người không phải kitô hữu. Cả họ cũng mừng Lễ Giáng sinh, nhiều người còn đi lễ. Vì động cơ nào ? Họ nghĩ gì về Đức Giêsu và về Kitô giáo ?
* 7. Chuyện minh họa
Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.
Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.
Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.
Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh. Nhưng đó không phải Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.
Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa nói với anh : “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay” (Trích “Món quà giáng sinh”)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, trong niềm vui lớn lao của Lễ Giáng sinh, kỷ niệm tình thương giáng thế. Chúng ta hãy vui mừng dâng lên Chúa những lời nguyện tha thiết sau đây :
- Xin cho Hội thánh và mọi Kitô hữu biết dùng lễ Noel này / để loan báo tin vui hòa bình và cứu độ cho mọi người trên thế giới.
- Xin cho những người có trách nhiệm quốc gia hay quốc tế / biết dùng dịp lễ Noel này để tìm kiếm và duy trì những giải đáp đem lại công lý và hòa bình cho mọi dân tộc.
- Xin cho những đôi vợ chồng đang chia rẽ, những gia đình bị phân ly, những người đang đau khổ vì chiến tranh huynh đệ tương tàn / được ánh sáng đêm Noel soi / để tìm về hòa giải và sống hiệp thông với nhau.
- Xin cho anh chị em trong cộng đồng xứ đạo chúng ta đang mừng lễ Noel hôm nay / biết sống một lễ Noel trọn tình nghĩa với Chúa / và chia sẻ niềm vui cho mọi người chung quanh.
CT : Lạy Chúa, chúng con cảm tạ ơn Chúa vì đang được hưởng đem thánh huyền diệu này, xin cho ánh sáng đêm Noel chiếu soi vào mọi người chưa biết Chúa, và dẫn lối đưa đường cho họ tìm về hiệp thông với Hội thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…
VI. Trong Thánh lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban Con Một của Ngài sinh xuống làm người ở với chúng ta. Chúng ta hãy lấy hết tình con thảo dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha.
VII. Giải tán
Thiên Chúa đã làm người để loài người được làm Chúa. Anh chị em hãy sống xứng đáng với hồng ân cao cả này. Chúc anh chị em bình an.
Giáng Sinh – Lễ Ngày
Chủ đề :
Hôm nay, Đấng cứu độ đã đến với chúng ta
“Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và ngụ giữa chúng ta”
(Ga 1,14)
Sợi chỉ đỏ
– Bài đọc I (Is 52,7-10) : “Giavê đã an ủi dân Người”
– Đáp ca (Tv 97) : “Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính của Ngài trước mặt chư dân”.
– Tin Mừng (Ga 1,1-18) : “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và ngụ giữa chúng ta”
– Bài đọc II (Dt 1,1-6) : “Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con”.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Trong ngày lễ Giáng sinh, chúng ta vui mừng vì Thiên Chúa đã thực hiện lời Ngài đã hứa với nhân loại. Từ ngàn xưa Thiên Chúa đã muốn cho mọi người trở thành con của Ngài. Vì thế, khi đến thời thuận tiện, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Người Con của Ngài, Đấng “từ nguyên thuỷ vẫn ở với Thiên Chúa”, là “ánh sáng bởi ánh sáng”. Hôm nay ánh sáng đã đến với nhân loại để soi sáng cho nhân loại. Chúng ta hãy hân hoan đón nhận ánh sáng của Ngài.
II. Gợi ý sám hối
– Thánh Gioan đã nói “Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng thân nhân của Ngài đã không tiếp đón Ngài”. Phải chăng lời này cũng nói về chúng ta ?
– Chúa Giêsu là ánh sáng ân sủng. Nhưng lắm khi chúng ta chuộng bóng tối tội lỗi hơn ánh sáng Chúa Giêsu.
– Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Chúng ta có quen lắng nghe Lời Ngài không ?
III. Lời Chúa
- Bài đọc I : Is 52,7-10
Đang khi dân do thái bị lưu đày, ngôn sứ Isaia (đệ nhị) đã được soi sáng để thấy trước một vị sứ giả của Thiên Chúa loan báo cho dân một tương lai bình an, hạnh phúc và được cứu độ : “Đẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin cứu độ”.
Hôm nay lời tiên tri đó được thực hiện hoàn toàn nơi Chúa Giêsu.
- Đáp ca : Tv 97
Tv này diễn tả cùng những ý tưởng hân hoan như bài đọc I : “Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới… Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính của Ngài trước mặt chư dân”.
- Tin Mừng : Ga 1,1-18
Đây là bài tiền ngôn nổi tiếng của quyển Tin Mừng thứ tư. Bài tiền ngôn này cô đọng tất cả những chủ đề kitô học :
– Chúa Giêsu Kitô là Con của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa.
– Ngài mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa : Ngài là Lời của Thiên Chúa, chỉ một mình Ngài biết rõ Thiên Chúa, qua Ngài chúng ta thấy được vinh quang của Chúa Cha.
– Ngài có vai trò quan trọng trong công trình sáng tạo.
– Ngài đã nhập thể, trở thành xác thịt và ơ giữa loài người.
– Nhưng thân nhân của Ngài đã không tiếp nhận Ngài.
- Bài đọc II : Dt 1,1-6
Tác giả thư do thái nhìn lại lịch sử cứu độ : “Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con”.
Và tác giả cũng trình bày một tổng luận kitô học về Chúa Giêsu : Ngài là Con Thiên Chúa, bởi Ngài mà vũ trụ được tác thành, Ngài quét sạch tội lỗi loài người, rồi Ngài lên ngự bên hữu Thiên Chúa….
IV. Gợi ý giảng
- Niềm vui lễ Giáng sinh
“Đời là bể khổ”. Bởi đó rất nhiều người bi quan, buồn thảm. Ai cũng khao khát niềm vui. Hôm nay, một tin vui rất lớn được loan báo cho chúng ta : Con Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta.
Thế nhưng, như bài Tin Mừng hôm nay nói, “Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng thân nhân của Ngài đã không tiếp nhận Ngài”. Nghĩa là không phải ai, kể cả những người thân của Chúa Giêsu, cũng đều vui.
Muốn có được niềm vui này, ta phải biết đón nhận Ngài bằng đức tin : đừng dừng lại ở những trang hoàng đẹp mắt, những bài thánh ca du dương, những hang đá máng cỏ thơ mộng. Hãy dừng lại trước Hài nhi Giêsu, và dùng cặp mắt đức tin để chiêm ngưỡng và suy niệm trong lòng. Rồi từ đó ta sẽ nhận ra : a/ Tình yêu vô cùng của Thiên Chúa đối với chúng ta, đến nỗi Ngài đã ban Con Một yêu dấu của Ngài cho chúng ta ; b/ Lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành con Thiên Chúa như Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu chia xẻ chính sự sống thần linh của Thiên Chúa.
Và niềm vui ấy cũng phải được mang đi để chia xẻ cho những người khác. Chúng ta hãy làm những sứ giả của Tin Mừng : “Đẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin cứu độ”.
- Người thân không đón nhận
Thánh Gioan đã nói lên một sự thật phũ phàng : “Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng người thân của Ngài đã không đón nhận Ngài”.
Tại sao họ không đón nhận Ngài ? Vì họ không nhìn ra Ngài. Tại sao họ không nhìn ra Ngài ? Vì họ tưởng Ngài sẽ đến trong dáng vẻ quyền quý cao sang, thế mà Ngài lại đến trong hình dáng quá tầm thường của một đứa bé con nhà nghèo.
Tình huống bi đát này, Chúa Giêsu không chỉ gặp một lần khi mới sinh ra ở Bêlem, mà tái diễn nhiều lần nữa trong suốt đời Ngài…
Và có thể chính hôm nay nữa, bởi chính chúng ta nữa…
– Lúc chúng ta ở trong nhà thờ, Chúa đến với chúng ta qua tấm bánh trắng đã biến thành Mình Thánh Ngài thì dĩ nhiên chúng ta nhận ra Ngài. Nhưng khi rời nhà thờ trở về nhà, nếu Chúa đến với chúng ta trong những người hàng xóm, liệu chúng ta có nhìn ra Ngài và niềm nở tiếp đón không ?
– Khi chúng ta cầu nguyện, Chúa đến với chúng ta bằng những ơn soi sáng, an ủi, nâng đỡ thì chúng ta nhìn ra và vui vẻ đón nhận Ngài. Nhưng trở lại cuộc sống, nếu Chúa đến với chúng ta bằng những trách nhiệm, những gánh nặng, những thử thách, những khổ đau… Chúng ta có còn nhìn ra Ngài và đón nhận Ngài nữa không ?
- Quà tặng đêm Noen
Một đôi vợ chồng trẻ. Gim và Đêla, tuy nghèo tiền của nhưng rất giàu tình yêu. Giáng Sinh sắp tới, Đêla tự hỏi phải tặng Gim món quà gì đây. Nàng muốn tặng chàng sợi dây cho chiếc đồng hồ của chàng. Nhưng nàng không có đủ tiến để mua. Vì thế, nàng nảy sinh một sáng kiến : Nàng có bộ tóc dài mượt mà, óng ả, nàng yêu quí và rất hãnh diện vì nó. Nhưng nàng quyết định cắt bộ tóc đi, và đem bán để mua cho Gim sợi dây đồng hồ.
Hôm áp lễ Giáng sinh, từ phố vế, nàng cầm trong tay một chiếc hộp rất đẹp dựng sợi dây đồng hồ mạ vàng mà nàng vừa sắm được bằng mái tóc của mình. Bỗng nhiên Đêla cảm thấy lo lắng. Nàng biết Gim rất quí mái tóc dài của nàng. Nàng tự hỏi không biết Gim có buồn vì nàng cắt và bán nó đi hay không.
Về đến nhà, Đêla mở cửa và thấy Gim đang đợi nàng. Tay chàng cầm một cái hộp thật đẹp, đựng món quà chàng mới mua để tặng nàng. Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của vợ, Gim như muốn khóc, nhưng chàng không nói gì cả. Cố trấn tĩnh, chàng trao cho nàng chiếc hộp xinh xắn. Mở hộp ra, Đêla rất đỗi bàng hoàng. Trong hộp là một bộ lược chải tóc bằng xà cừ rất đẹp. Còn chàng, khi mở món quà vừa nhận được từ tay vợ, Gim cũng ngỡ ngàng không kém :
Chính lúc đó Đêla mới nhận ra rằng Gim đã bán chiếc đồng hồ vàng, món đồ quí nhất của anh, để mua lược chải tóc cho nàng. Phút chốc cả hai đều hiểu rằng họ đã tặng nhau tất cả những gì quí giá nhất.
*
Nếu có một bài học mà chúng ta có thể rút ra từ việc “Tặng quà” của đôi vợ chồng trẻ này, thì đó chính là : Khi trao ban cho kẻ khác, người ta lại tìm được chính bản thân và những gì cao quí nhất. Nghĩa là con người chỉ đạt được nhân cách sung mãn bằng sự trao ban vô vị lợi mà thôi.
Đó chính là sứ điệp chạy xuyên suốt Tin Mừng, nhất là trong mầu nhiệm Giáng Sinh : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Qua Con Một yêu dấu, Thiên Chúa muốn ban tặng chính Người cho chúng ta. Người không chỉ hài lòng với món quà vật chất mà Người đã ban tặng như vũ trụ bao la với muôn vàn phúc lộc trong đó, nhưng Người đã đích thân ở giữa nhân loại để chia sẻ cuộc sống con người : “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Hài nhi Giêsu chính là quà tặng quí giá nhất Thiên Chúa trao ban cho con người.
Hài nhi Giêsu chính là hiện thân sống động của một Thiên Chúa tình yêu.
Hài nhi Giêsu chính là sự tỏ bày tấm lòng vô cùng ưu ái của Thiên Chúa dành cho con người.
Giáng sinh là lễ của Tặng quà nhưng cũng còn là lễ của Tình yêu. Không phải những quà tặng đắt tiền mới có giá trị, mà chính là những món quà thắm đượm tình yêu. Một món quà dù nhỏ bé nhưng gói ghém tất cả tình cảm mến thương, sự trân trọng, lòng biết ơn, có khi cả sự ngưỡng mộ của mình dành cho người đón nhận, thì đó lại là món quà vô giá.
Có thể nói, một cách nào đó, khi tặng quà, chúng ta muốn trao ban chính bản thân, trao ban không cần tính toán, không so đo hơn thiệt, trao ban trọn vẹn. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói : “Ki tô hữu là người trao ban chính bản thân mình”. Hài nhi Giêsu sau này khi sắp trao ban mạng sống để cứu chuộc nhân loại đã thốt lên : “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13)
Quà tặng cao đẹp nhất chúng ta dâng lên Hài nhi Giêsu trong đêm Giáng sinh chính là những nghĩa cử yêu thương chúng ta trao tặng cho anh em.
Chúng ta chỉ có thể lớn lên trong tình yêu Chúa khi chúng ta thực thi những nghĩa cử yêu thương.
Chúng ta chỉ sống đích thực khi chúng ta sống trọn vẹn cho tha nhân.
Lạy Chúa Hài Nhi, giá trị đích thực của con người chúng con hệ tại ở lòng quảng đại trao ban.
Xin cho chúng con cũng biết trao tặng những gì quí giá nhất cho anh em như Chúa đã trao tặng chính Chúa cho chúng con đêm nay. Amen (TP)
- “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”
Vào dịp Lễ Giáng sinh năm 1914, quân Anh và quân Đức đang đối đầu nhau. Binh sĩ ở dưới những giao thông hào đầy bùn và chuột. Nửa đêm, một người lính Anh cất lên một bản thánh ca. Chẳng bao lâu sau, tất cả các lính Anh cũng cất tiếng hòa ca. Mọi người đang hát say sưa thì một người hô lớn : “Im. Nghe xem có tiếng gì từ bên kia vọng lại”. Mọi người im lặng lắng nghe. Thì ra những người lính Đức bên kia chiến tuyến cũng đang hát thánh ca mừng Chúa ra đời. Một cái gì đó linh thiêng nối kết những kẻ thù ở hai bên chiến tuyến. Tất cả binh sĩ bỏ chiến hào chạy ùa tới nhau. Họ nắm tay nhau nhảy múa theo điệu hát. Họ chia cho nhau những điếu thuốc, những mẫu bánh. Chiến tranh biến đâu mất. Chỉ còn lại Hòa bình. Mọi người rất vui.
Nhưng niềm vui không kéo dài lâu. Tiếng hát, tiếng cười ồn ào đến tai các vị chỉ huy. Các vị này lập tức ra lệnh chấm dứt tất cả, mọi người phải trở lại vị trí của mình. Thế là chiến tranh lại tiếp diễn !
***
Mỗi lần đến lễ Giáng sinh là người ta nghĩ đến Hòa Bình, bởi vì trong đêm Chúa Giáng sinh, các thiên thần đã hát “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Nhưng hòa bình không phải chỉ là không có chiến tranh, không chỉ là ngưng tiếng súng. Hòa bình là hoa trái sinh ra từ những tâm hồn thiện tâm. Nếu tâm không thiện thì không có hòa bình thật. Hòa bình bền vững không phải do thỏa hiệp của những bên đã từng chống đối nhau, mà là ơn ban của Chúa. Trong lễ Giáng sinh, Chúa ban ơn hòa bình cho ta, đề rồi ta cũng mang ơn hòa bình ấy ban cho kẻ khác. (FM)
- Sứ điệp của lễ Giáng sinh
Nhiều khi trong đời, ta nôn nóng đón chờ một ngày trọng đại. Nhưng khi ngày đó đến thì ta lại thất vọng chán chường.
Ngày lễ Giáng sinh có thể là một ngày như thế đối với một số người. Nhiều ngày trước, họ nôn nao chờ đợi, mong sẽ có được những điều đặc biệt trong ngày lễ. Rồi lễ Giáng sinh đến. Nhìn lên trời chẳng thấy thiên thần nào hiện ra. Nghe ngóng chung quanh cũng chẳng có tiếng hát thiên thần. Thì ra cũng là một ngày như mọi ngày thôi. Họ chua chát kết luận : Giáng sinh chỉ là lễ cho trẻ con thôi !
Thực ra Giáng sinh là một ngày rất khác biệt. Mặc dù không có dấu lạ nào trên trời, nhưng thực sự có rất nhiều dấu lạ, ít ra là đối với những ai biết nhìn. Này nhé, ngày này có nhiều ánh sáng hơn, nhiều ấm áp hơn, nhiều hy vọng hơn. Trong lễ Giáng sinh, người ta cảm thấy thân thiện nhau hơn ; lòng người ta vui vẻ và cởi mở hơn nên gặp nhau thì người ta chúc, người ta cười ; người ta nghĩ đến những điều tốt đẹp, quên đi những ý nghĩ đen tối, u sầu… Có thể nói trong dịp Lễ Giáng sinh, chúng ta cảm thấy Nước Thiên Chúa là một cái gì cụ thể và gần gũi. Và nếu ai biết mở lòng mình ra thì còn có thể cảm thấy như chạm được chính Thiên Chúa, như tâm sự sau đây của nhà soạn kịch Hugh Leonard : “Tôi không biết Thiên Chúa là ai, nhưng tôi biết Ngài ở đâu. Ngài bao quanh tôi suốt năm, nhưng trong dịp lễ Giáng Sinh Ngài đến và chạm vào sườn tôi”.
Trong lễ Giáng sinh, chúng ta cảm nghiệm được sự gần gũi, sự ấm áp và sự tốt lành của Thiên Chúa. Chúng ta thấy mình không cô độc, thấy rằng đời mình có ý nghĩa, nhận ra rằng có một Đấng coi sóc mình và hướng dẫn mình, biết mình được yêu thương, và tâm hồn rất bình an.
Đó chính là sứ điệp của lễ Giáng sinh. Hãy mở rộng lòng ra đón nhận sứ điệp hạnh phúc ấy, và hãy tiếp tục sống sứ điệp ấy mãi… (FM)
- Ánh Sáng Chúa Giáng sinh
Ở Bắc bán cầu, Lễ Giáng sinh diễn ra vào lúc trời tối nhất. Đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta ngưỡng mộ giá trị của ánh sáng. Bởi vậy Phụng vụ lễ này nói nhiều tới ánh sáng. Chẳng hạn như bài đọc I Lễ Đêm : “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1)
Mẹ Têrêsa kể rằng lúc ở Melbourne, Australia, một hôm Mẹ đến thăm một ông già sống trong một tầng hầm dơ bẩn lộn xộn. Trong phòng ông không có một chút ánh sáng. Trước đây chẳng ai đến thăm ông. Bắt đầu, Mẹ Têrêsa quét dọn căn phòng cho sạch sẽ ngăn nắp lại. Nhưng ông cự nự : “Không được đụng đến. Cứ để yên cho tôi”. Mẹ Têrêsa mặc kệ, cứ tiếp tục. Vừa quét dọn, Mẹ vừa gợi chuyện nói với ông. Rồi Mẹ tìm thấy một chiếc đèn dầu nằm ẩn dưới một đống đồ đạc ngổn ngang. Lau chùi xong, Mẹ thấy cây đèn rất đẹp.
– Ông có một cây đèn rất đẹp. Sao bấy lâu nay ông không thắp lên ?
– Thắp lên làm gì ? Có ai đến thăm tôi đâu.
– Vậy nếu nữ tu của tôi đến thăm ông thì ông có hứa sẽ thắp đèn lên không ?
– Xin hứa. Nếu tôi nghe có tiếng ai đến thăm thì tôi sẽ thắp đèn lên.
Sau đó, hai nữ tu của Mẹ Têrêsa đều đặn tới thăm ông già. Mỗi lần họ đến thì ông già thắp đèn lên. Tình hình ngày càng tốt đẹp hơn. Một hôm, ông nói : “Các Sơ ạ. Từ hôm nay tôi có thể tự dọn dẹp phòng được rồi. Nhưng xin làm ơn nói lại với bà nữ tu đầu tiên là ngọn đèn bà đã thắp lên trong đời tôi đến nay vẫn còn cháy sáng”.
Có thể nói rằng ngọn đèn đã cứu ông già ấy. Nhưng thực ra thì không phải ngọn đèn, mà là điều mà ngọn đèn ấy tượng trưng, tức là lòng tốt của Mẹ Têrêsa và các nữ tu của Mẹ.
Chúng ta đang sống trong một thế giới tối tăm vì chiến tranh, bạo lực, đau khổ v.v… Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được sự tối tăm trong đời mình và trong gia đình mình : buồn phiền, thất vọng, bệnh tật, tội lỗi, cô đơn, chán chường v.v…
May thay ánh sáng Chúa Giáng sinh đã thắp lên trong thế giới vẫn còn cháy sáng. Ánh sáng ấy không chỉ loé lên ở Bêlem một lần rồi tắt ngúm. Nó vẫn còn chiếu sáng giữa những tàn phá, thảm họa, biến động… Đó là một thứ ánh sáng bền vững không bóng tối nào lấn át được. Nó vẫn chiếu sáng cho tất cả những ai tin Ngài và theo Ngài. Suốt 2000 năm qua, những lời Ngài dạy đã ảnh hưởng đến nhân loại hơn tất cả mọi bậc tôn sư nào khác. Những việc Ngài làm còn ảnh hưởng mạnh hơn nữa. Biết bao người từ chốn tối tăm đã tìm đến với Ngài và ra đi trong ngập tràn ánh sáng. Lòng nhân ái của Ngài vẫn tiếp tục chiếu sáng thế giới.
Mỗi người chúng ta phải là nguồn sáng cho thế giới tối tăm này. Nhưng nếu đời ta không là đèn sáng thì làm sao ta chiếu sáng cho người khác được. Sống trong ánh sáng thật là hạnh phúc. Nhưng còn hạnh phúc hơn khi ta là nguồn sáng cho người khác. Chúa đã gọi ta ra khỏi tối tăm bước vào ánh sáng, thì ta phải sống như là con cái của ánh sáng. Hiệu quả của ánh sáng được thấy rõ nhất trong một tấm lòng nhân ái, một cuộc sống chính trực, chân thành. (FM)
- Mảnh suy tư
– Thánh Giuse và Mẹ Maria lên đường đi Bêlem.
Khi các ngài tới đó thì đã đến giờ Đức Maria mãn nguyệt khai hoa.
Và Mẹ đã hạ sinh con trai đầu lòng.
– Tất cả chúng ta cũng lên đường đi Bêlem
nơi mà chúng ta hy vọng sẽ được sinh ra.
– Tôi biết rằng chúng ta đã một lần được sinh ra.
Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa được sinh ra theo nghĩa là bản ngã thực sự và tròn đầy của chúng ta vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng thật.
Khi chúng ta được sinh ra lần thứ hai thì tất cả mọi ơn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như những hạt giống sẽ nẩy mầm và sinh hoa trái.
Mục tiêu tối hậu của chúng ta là Bêlem trên trời, nơi mà chúng ta sẽ được thấy Chúa mặt đối mặt. (FM)
- Bài giảng của Thánh Aerel de Rievaux (+ 1167)
“Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vú Đavít” (x. Lc 2,11-12). Thành của vua Đavít tức là thành Bêlem. Vậy chúng ta hãy chạy đến đấy, cũng như các mục tử xưa khi nghe tin này. Và chúng ta hãy đem ra thực hành điều mà chúng ta vẫn thường hát trong ngày lễ này : “Họ chạy đến Bêlem, vừa đi vừa hát mừng vinh quang Thiên Chúa” (x. Lc 2,15.20)
Và thiên thần nói : “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (x. Lc 2,12-13). Tôi muốn nói với các bạn điều này : các bạn phải yêu thương. Các bạn kính sợ các thiên thần, nhưng các bạn hãy yêu thương trẻ nhỏ ; các bạn kính sợ Chúa, nhưng các bạn hãy yêu thương đứa trẻ bọc trong khăn này ; các bạn kính sợ Đấng ngự trên trời, nhưng các bạn hãy yêu thương Đấng nằm trong máng cỏ.
Các mục tử đã nhận ra Chúa nhờ dấu nào ? “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ”. Trẻ đó chính là Đấng Cứu Độ, trẻ đó chính là Đức Kitô, trẻ đó chính là Đức Chúa. Thế nhưng “bọc tã nằm trong máng cỏ” có gì đặc biệt đâu ? Những trẻ sơ sinh khác cũng bọc tã vậy ! Thưa có điều đặc biệt chứ, miễn là chúng ta hiểu được. Chúng ta sẽ hiểu không phải chỉ nhờ được báo tin, mà còn nếu trong lòng chúng ta có ánh sáng đã xuất hiện cùng các thiên thần. Thiên thần báo tin Chúa giáng sinh đã xuất hiện với ánh sáng bao phủ chung quanh, đó là nhằm dạy chúng ta rằng chỉ những ai có ánh sáng siêu nhiên trong lòng thì mới nghe được lời báo tin ấy.
Người ta có thể nói rất nhiều về dấu chỉ này, nhưng vì thời giờ qua nhanh nên tôi chỉ muốn nói ngắn gọn. Tên Bêlem có nghĩa là “nhà bánh”. Đó chính là Giáo Hội, nơi phân phát bánh thật là Mình Thánh Đức Kitô. Còn máng cỏ trong hang đá Bêlem chính là Bàn thờ trong Giáo Hội. Nơi đây nuôi dưỡng những người thân thuộc gia đình Đức Kitô. Về chiếc bàn này, có lời viết : “Ngài dọn bàn cho tôi” (Tv 22,5). Trong máng cỏ này có Chúa Giêsu bọc tã. Tã này là dáng vẻ bề ngoài của các bí tích. Trong máng cỏ này, dưới hình dáng của bánh và rượu là chính mình thật và máu thật của Đức Kitô. Ở đó, chúng ta nhận ra chính bản thân Đức Kitô, nhưng được bọc trong tã, nghĩa là hiện diện một cách vô hình dưới các bí tích. Chúng ta không có dấu chỉ nào lớn lao và hiển nhiên về sự sinh ra của Đức Kitô ngoài việc mỗi ngày rước lấy mình máu Ngài trên bàn thờ. Ngài đã được sinh ra một lần bởi Đức Mẹ Đồng trinh, nhưng Ngài tự hiến mỗi ngày cho chúng ta.
Vậy anh chị em thân mến, chúng ta hãy mau đến máng cỏ Chúa. Nhưng đừng quên làm hết sức có thể để chuẩn bị tâm hồn trước khi đến với Ngài. Chuẩn bị bằng cách kết hợp với các thiên thần mà làm cho mình có “một con tim thanh sạch, một lương tâm tốt lành và một đức tin chân thành” (x. 2 Cr 6,6). Chúng ta sẽ hát khen Chúa bằng tất cả cuộc đời và cách sống của chúng ta “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (x. Lc 2,14).
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Noen : biến cố kỳ diệu làm đảo lộn lịch sử nhân loại. Trong niềm vui mừng Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chúng ta cùng hoan hỷ nguyện xin :
- Trong cảnh im lặng của ban đêm / một trẻ thơ chào đời để cứu ta / một người con được ban cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tu sĩ / đang sống đời chiêm niệm trong các đan viện / luôn tìm được niềm vui trong đời sống tận hiến của mình.
- Trong bóng tối của chiến tranh / hận thù / khủng bố / một trẻ thơ chào đời để cứu ta / một người con được ban cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho thế giới hiện nay / được sống trong cảnh thái bình và thịnh vượng.
- Trước sự dửng dưng lãnh đạm của thế gian / một trẻ thơ chào đời sống cứu ta / một người con được ban cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các trẻ em / luôn được chăm sóc chu đáo và bảo vệ an toàn.
- Giữa biết bao mối bận tâm của chúng ta / trong cuộc sống thường ngày ồn ào náo nhiệt / một trẻ thơ chào đời để cứu ta / một người con được ban cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa thương ban ơn nâng đỡ / cho những ai trong giáo xứ chúng ta đang gặp thử thách gian truân.
Chủ tế : Lạy Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu, Chúa đã đến sai Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật đến chiếu soi hết thảy mọi người đang sống trên trần thế. Xin ban cho chúng con niềm vui và bình an khi mừng ngày giáng sinh của Con Một Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
Trước kinh Lạy Cha : Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban Con Một của Ngài sinh xuống làm người ở với chúng ta. Chúng ta hãy lấy hết tình con thảo dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha.
VII. Giải tán
Con Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta, trong đời thường, trong những người mà chúng ta thường gặp gỡ. Anh chị em hãy biết nhận ra Ngài và đón nhận Ngài. Chúc anh chị em bình an.