Sợi Chỉ Đỏ Tam Nhật Thánh

print

Sợi Chỉ Đỏ Tam Nhật Thánh

 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH.

ĐÊM THỨ BẢY TUẦN THÁNH.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

CHỦ ĐỀ :

BỮA TIỆC VƯỢT QUA

 

Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ

(Ga 13,1-5)

Sợi chỉ đỏ

– Bài đọc I : Lễ vượt qua đầu tiên của dân do thái.

– Đáp ca : Lời nguyện tạ ơn sau bữa ăn vượt qua.

– Bài đọc II : Bữa ăn vượt qua của các kitô hữu

– Tin Mừng : Tường thuật bữa tiệc vượt qua của Chúa Giêsu với các môn đệ.

 

i I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến. Ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh được gọi là Tam Nhật Vượt Qua và là đỉnh cao của năm phụng vụ. Thời gian cao điểm này bắt đầu bằng Thánh lễ chiều hôm nay, nhắc lại việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh thể và Chức Linh mục. Mỗi lần chúng ta dâng Thánh Lễ là chúng ta hiện tại hóa hy tế Thập giá, nhất là Thánh lễ chiều hôm nay.

Ngày xưa các tông đồ đã vây quanh Chúa Giêsu bên bàn Tiệc ly. Chiều nay chúng ta cũng thế. Chúng ta hãy có cùng một tâm tình, cùng một đức tin và cùng một lòng mến như các tông đồ để dâng Thánh lễ này.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Mỗi khi dâng Thánh lễ, chúng ta tuyên xưng rằng “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết”. Nhưng chúng ta có dâng Thánh lễ với tâm tình của người chứng kiến cái chết đau đớn của Chúa Giêsu không ?

– Mỗi khi dâng Thánh lễ, chúng ta tuyên xưng tiếp rằng “… và tuyên xưng việc Chúa sống lại”. Nhưng chúng ta có thực sự xác tín rằng Chúa đã sống lại và đang sống với chúng ta cách thân thiết trong Thánh Thể không ?

– Mỗi khi dâng Thánh lễ, chúng ta còn tuyên xưng tiếp rằng “… cho tới khi Chúa lại đến”. Nhưng chúng ta có thực sự hợp tác với Chúa để biến đổi thế giới này trong khi chờ đợi ngày Chúa lại đến không ?

III. LỜI CHÚA

  1. Bài đọc I: Xh 12,1-14

Hàng năm dân do thái vẫn kỷ niệm ngày họ được giải phóng khỏi ách nô lệ ai cập bằng một bữa tiệc gọi là Tiệc Vượt qua. Đoạn sách Xuất hành này ghi lại những quy định tỉ mỉ về việc chọn con chiên vượt qua và về những nghi thức trong bữa ăn đó.

Thánh lễ mà Chúa Giêsu lập làm cho bữa tiệc vượt qua thêm đầy đủ ý nghĩa : chính Chúa Giêsu là Con Chiên vượt qua, cái chết của Ngài đã giải thoát toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi.

  1. Đáp ca: Tv 115

Tv này là lời cầu nguyện sau bữa tiệc vượt qua. Tín hữu tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành đã lãnh nhận.

Lời nguyện tạ ơn này có được trọn vẹn ý nghĩa trong Thánh lễ, vốn được gọi là “Lễ Tạ ơn”.

  1. Tin Mừng: Ga 13,1-5

Trong bữa tiệc vượt qua cuối cùng Chúa Giêsu ăn với các môn đệ, Ngài đã rửa chân cho họ. Việc này có rất nhiều ý nghĩa :

– Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ “đến cùng”, nghĩa là yêu thương cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế của Ngài, mà cũng là yêu thương đến mức không thể nào yêu thương hơn được nữa : Vì yêu thương Ngài đã hiến mình làm lương thực cho họ ; vì yêu thương, Ngài đã chịu chết cho họ.

– Tình yêu thương phải được biểu lộ ra bằng hành động. Vì thế, Ngài không ngại quỳ xuống trước các môn đệ và rửa chân cho họ như một người đầy tớ quỳ xuống rửa chân cho chủ.

  1. Bài đọc II: 1 Cr 11,23-26

Có nhiều lệch lạc trong cộng đoàn Côrintô trong việc cử hành bữa tiệc vượt qua kitô giáo, tức là Thánh lễ. Thánh Phaolô viết đoạn thư này để nhắc các tín hữu ý nghĩa của Thánh lễ : Thánh lễ vừa là tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu, vừa là hiện tại hóa những ơn ích của cái chết đó. Vì thế ta phải dâng Thánh lễ với tâm tình yêu mến và biết ơn Chúa, đồng thời phải yêu thương đoàn kết với nhau.

IV. GỢI Ý GIẢNG

  1. Những bài học từ bữa tiệc ly

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu dạy các môn đệ mình những bài học sâu sắc bằng việc làm và lời nói của Ngài :

– Bằng việc làm : Trước khi hiến thân chịu chết trên thập giá và trước khi hiến mình làm của ăn, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. 3 việc làm này liên kết với nhau và đều dạy bài học phục vụ : phục vụ như Người Tôi tớ mà ngày xưa ngôn sứ Isaia đã tiên báo ; phục vụ cách khiêm tốn, phục vụ với tình yêu và phục vụ đến nỗi hy sinh bản thân mình.

– Bằng lời nói : trong bầu khí thân mật của gia đình, Chúa dạy một điều răn mới. Điều răn này mới không phải ở nội dung (“chúng con hãy thương yêu nhau”) mà ở cách thức và mức độ thi hành (hãy yêu hương nhau “như Thầy yêu thương chúng con” ; “Thầy đã làm gương để chúng con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho chúng con”).

Cử hành Lễ Vượt qua với Chúa Giêsu trước hết là chấp nhận để cho Chúa Giêsu phục vụ chúng ta và yêu thương chúng ta. Có như thế chúng ta mới được thực sự rửa sạch, như lời Chúa Giêsu đã nói với Phêrô xưa.

Cử hành lễ Vượt qua với Chúa Giêsu còn là phải noi gương Ngài để trở thành người tôi tớ yêu thương và phục vụ những người khác theo cách của chính Chúa Giêsu.

  1. Hai chiều kích của bữa tiệc ly

Thánh lễ ngày nay là hiện tại hóa bữa tiệc ly đêm thứ năm tuần thánh đầu tiên. Nó có hai ý nghĩa chính :

– Đó là một bữa ăn gia đình : mọi người cùng ngồi một bàn với nhau, cùng ăn những món chung nhau, cho nên phải đoàn kết yêu thương nhau. Đó là chiều ngang. Nhưng nếu chỉ lưu ý tới chiều ngang này thì Thánh lễ hầu như chỉ còn như một bữa giỗ.

– Thánh lễ còn loan báo việc Chúa Giêsu chịu chết và sống lại và hiện tại hóa những ơn sủng dồi dào do việc Chúa Giêsu chết va sống lại ban cho loài người. Đó là chiều đứng.

Khi dâng Thánh lễ chúng ta phải để ý đến cả hai chiều kích ấy và phải có đủ cả hai tâm tình ấy : vừa liên kết với Chúa vừa liên kết với anh em. Sai lầm thường mắc phải là chỉ chú ý đến chiều kích này mà quên đi chiều kích kia.

  1. Rửa chân không phải chỉ là một việc vệ sinh

Phêrô không hiểu ý nghĩa việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, nên Chúa Giêsu nói “Việc Thầy làm, bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”.

Về sau, Phêrô đã hiểu gì ? Thưa hiểu rằng đó không phải chỉ là một việc làm vệ sinh, mà ý nghĩa còn sâu sắc hơn nhiều.

Khi tay chân mình dơ thì mình làm gì ? Chặt bỏ đi ư ? Không, không ai muốn chặt tay chặt chân mình bao giờ cho dù nó dơ bao nhiêu đi nữa. Nó dơ thì mình rửa cho sạch. Bởi vì nó là một phần của thân thể mình, một phần của sự sống mình.

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, bời vì họ là anh em của Ngài (“Anh em như thể tay chân”). Ngài dạy chúng ta rửa chân cho nhau vì chúng ta cũng là anh em của nhau, tay chân của nhau.

Khi chúng ta chặt bỏ ai thì đó là dấu chúng ta không còn coi người đó là anh em của mình nữa. Chặt bỏ bằng kết án, khai trừ.

Còn nếu chúng ta vẫn còn coi người đó là anh em của mình thì dù người đó dơ bao nhiêu đi nữa, mình sẽ cố gắng rửa cho sạch.

Dòng nước tẩy rửa rất nhẹ nhàng, trong lành, êm ái…

V. TRONG THÁNH LỄ

Trước kinh Lạy Cha : Mọi người chúng ta là anh em của nhau, Chúa Giêsu là anh cả, và Thiên Chúa là Cha. Trong tâm tình gia đình thân thiết, chúng ta hãy dâng lên Cha chúng ta lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy.

Trước lúc rước lễ : Thánh lễ hôm nay diễn lại đúng nghĩa nhất Thánh lễ đầu tiên của Chúa Giêsu trong đêm Thứ Năm tuần Thánh đầu tiên. Chúng ta hãy rước lễ sốt sắng như các tông đồ ngày xưa.

VI. GIẢI TÁN

(Hôm nay không có)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Nghi thức Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là Thánh lễ mà chỉ là một lễ nghi phụng vụ tôn kính Thánh giá Chúa Giêsu và tưởng niệm việc Ngài chịu chết.

CHỦ ĐỀ :

TÔN KÍNH THÁNH GIÁ,
TƯỞNG NIỆM ĐỨC GIÊSU CHỊU CHẾT

 

“Này, Tôi Tớ của Ta sẽ thành đạt, sẽ được nhắc lên cao”

(Is 52,13)

Sợi chỉ đỏ

– Bài đọc I : Ngôn Sứ Isaia tiên báo về Người Tôi Tớ.

– Đáp ca : Lời cầu nguyện của người Công chính bị bách hại “Con xin phó linh hồn con trong tay Cha”

– Bài đọc II : Chúa Giêsu là Vị Thượng Tế chịu chết để cứu nhân loại.

– Tin Mừng : Bài Thương khó theo Thánh Gioan.

 

I. LỜI CHÚA

  1. Bài đọc I: Is 52,13—53,12

Đây là bài ca thứ tư về Người Tôi Tớ trong sách Isaia, bài tiêu biểu nhất trong 4 bài. Có 3 ý lớn :

– Người Tôi Tớ ấy phải chịu rất nhiều đau khổ về cả thể xác lẫn tinh thần.

– Nhưng bản thân Người Tôi Tớ thì vô tội. Sở dĩ Người chịu khổ như thế là vì tội của người khác.

– Vì thế những đau khổ của Người đem lại ơn tha thứ và ơn cứu rỗi cho nhiều người khác.

  1. Đáp ca: Tv 30

Đây là lời cầu nguyện của tín hữu trong lúc bị đau khổ. Người tín hữu bày tỏ niềm trông cậy vào Thiên Chúa và phó thác đời mình trong tay Chúa.

Trong lúc tắt hơi, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng một câu của Tv này “Con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

  1. Bài đọc II: Dt 4,14-16—5,7-9

Tác giả thư Do thái coi Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết là Vị Thượng Tế tự nguyện chịu khổ để mang ơn cứu độ cho nhân loại.

  1. Bài Thương khó theo Thánh Gioan: Ga 18-19

Những ý tưởng mà Thánh Gioan muốn nhấn mạnh đặc biệt trong bài tường thuật này :

a/ Chúa Giêsu là người tự do : Ngài biết trước mọi việc sắp xảy đến, nhưng Ngài không trốn tránh, trái lại hoàn toàn ý thức và tự nguyện đi vào những biến cố bi thảm đó. Như thế cuộc chịu nạn chịu chết của Ngài là một chuỗi những hành đông tự do.

b/ Chúa Giêsu là Vua : trong vụ án này, bề ngoài xem ra Chúa Giêsu là tội nhân, là bị cáo. Nhưng Gioan đã nhận ra Ngài là Vua, là kẻ chủ động và là quan tòa.

c/ Qua việc chịu chết, Chúa Giêsu tuôn đổ Thánh Thần xuống cho các môn đệ.

II. GỢI Ý GIẢNG

  1. Những lời cuối cùng

Có thể căn cứ vào những lời nói cuối cùng của một người sắp chết mà biết được người đó như thế nào, bởi vì trước khi chết người ta chỉ nói những gì mình tha thiết nhất, chỉ nói những lời xuất phát từ tận đáy lòng. Nếu đúng như vậy, chúng ta hãy tìm hiểu những lời cuối cùng của Đức Giêsu trước lúc tắt hơi trên Thập Giá, chúng ta sẽ hiểu rõ con người của Đức Giêsu hơn.

Triết gia Sénèque nói về tâm lý của những người bị xử tử như sau : thường là họ chửi rủa : chửi rủa những kẻ đang giết mình, chửi rũa những kẻ đứng xem, có người còn nguyền rủa thân phận xấu số của mình, nguyền rủa ngày mình sinh ra, nguyền rủa chính người mẹ đã sinh ra mình. Bởi thế, như văn hoài Cicéron cho biết thêm, trong những cuộc xử tử ở đế quốc Lamã, khi thấy tên tử tội nào hung dữ, người ta cắt lưỡi hắn trước, để khỏi phải nghe tiếng chửi rủa. Và trong cuộc xử tử chiều thứ sáu tuần thánh ấy, chúng ta cũng đã thấy có một tên trộm bị đóng đinh chung với Đức Giêsu đã chửi rủa lung tung, chửi cả Đức Giêsu là người chẳng thù oán gì với hắn.

Chiều hôm đó, có lẽ mọi người cũng đang chờ nghe những lời chửi rủa của Đức Giêsu : những tên lý hình chờ, vì họ là những người đang trực tiếp hành hình Ngài : các Tư tế và biệt phái chờ, vì họ là những kẻ đầu xỏ vận động kết án xử tử Ngài ; dân chúng đứng phía dưới thập giá chờ vì họ đoán rằng Ngài rất tức giận họ bởi họ đã từng chịu ơn rất nhiều của Ngài mà bây giờ quay ra chống lại Ngài. Tất cả mọi người đều chờ, họ sẵn sàng nghe chửi rủa. Họ tin chắc rằng cái tên Giêsu ấy, cái người đã từng rao giảng rằng : Hãy thương yêu kẻ thù… Hãy làm ơn cho kẻ ghen ghét mình” giờ đây sắp nói khùng, sẽ quên hết những giáo huấn Tin mừng kia mà thay vào đó bằng những lời chửi rủa thậm tệ.

Thế nhưng khi Đức Giêsu lên tiếng, thì ai nấy đều ngạc nhiên sửng sờ. Không phải những lời chửi rủa, mà là những câu dịu dàng. Câu thứ nhất “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ” ; câu thứ hai “Tôi hứa thật với anh, ngay hôm nay anh sẽ được lên nơi vui vẻ cùng tôi” ; và câu thứ ba “Thưa Bà này là con Bà”.

Ngoài giọng điệu dịu dàng và nội dung chan chứa yêu thương của những câu nói đó, chúng ta hãy còn chú ý đến thứ tự của chúng : câu thứ nhất “Lạy Cha…” là nói đến những kẻ thù ghét Ngài ; câu thứ hai “Ngay hôm nay…” là nói với người tội lỗi, tên trộm bên cạnh Ngài ; câu thứ ba “Thưa Bà…”là nói với Đức Mẹ, một người thánh thiện. Nghĩa là : cho đến phút sắp chết, tình thương của Đức Giêsu vẫn bao la, và còn bao la hơn bao giờ hết. Tình thương đó dành cho ai ? Trước hết là cho kẻ thù, kế đến cho người tội lỗi, và thứ ba là cho kẻ thánh thiện. Con người là Đức Giêsu là như thế là do căn cứ vào những lời nói cuối cùng của Ngài trước lúc chết.

  1. Hôm nay chúng ta đã thấy Đức Giêsu trong khi chết đã tỏ lòng yêu thương trước nhất không phải là đối với Mẹ Ngài, cũng không phải là đối với các môn đệ của Ngài, mà là những kẻ thù ghét Ngài. Vậy chúng ta hãy cố gắng noi gương Chúa. Hãy tha thứ cho nhau và hãy sống hoà thuận lại với nhau.
  2. Hạng người thứ hai được Đức Giêsu yêu thương nhớ đến trong lúc hấp hối là những người tội lỗi. Chúa không bao giờ ghét người tội lỗi, không bao giờ ruồng bỏ người tội lỗi, nhưng Chúa rất thương người tội lỗi. Nếu biết rằng chính chúng ta là những người tội lỗi thì chúng ta phải cảm động biết bao. Và nếu có ai đó khi nào ngã lòng vì cho rằng tội mình quá nặng hay tội mình quá nhiều, thì người ấy hãy nhớ lại tấm lòng của Đức Giêsu trong những phút giây trước khi Ngài chết.
  3. Còn nếu chúng ta cho rằng mình thánh thiện, hoặc có thiện chí muốn trở thành thánh thiện, thì chúng ta hãy cố gắng bắt chước gương thánh thiện của Chúa chúng ta, là hãy hết lòng yêu thương những kẻ thù ghét mình và cũng hết lòng yêu thương những người tội lỗi.
  4. Tâm trạng của Baraba

Bài tường thuật cuộc thụ nạn của Đức Giêsu tuy đã dài mà vẫn chưa đủ, vì chưa mô tả tâm trạng của những người tham dự vào cuộc xử án Đức Giêsu. Và bây giờ chúng ta hãy đi vào tâm trạng của một trong những người đó, Baraba.

Sáng Thứ Sáu, Baraba đang ngồi trong từ thì cửa tù mở ra, viên cai ngục bước vào gọi Baraba đi ra. Baraba giật mình sợ hãi vì tin chắc người ta sẽ dẫn mình đi xử tử. Hắn là một tên cướp của giết người mà tử hình là điều chắc. Nhưng người ta không dẫn hắn ra pháp trường, mà lại đến dinh Philatô, ở đó đã có sẵn một người tù khác đang bị trói, thân thể tả tơi vì bị tra tấn. Philatô ra lệnh đưa cả hai ra trước công chúng và hỏi : Trong hai người này : Một là Giêsu, hai là Baraba, các người muốn ta tha ai ? Baraba cảm thấy nhẹ nhỏm ; thì ra người ta dẫn hắn đi không phải để giết mà để hỏi ý dân có muốn tha cho hắn không ? Tuy nhiên chỉ nhẹ nhỏm trong phút chốc thôi, Baraba lại lo sợ : thế nào dân chúng cũng đòi tha người kia đồng thời đòi giết hắn : tội hắn quá rõ và quá lớn mà. Thế nhưng Baraba không tin vào tai mình khi nghe dân gào ta : Hãy tha cho Baraba và đóng đinh Giêsu. Đến khi Philatô hỏi lại lần thứ hai và dân chúng lại kêu gào lần thư hai y như lần trước thì Baraba mới tin đó là sự thật. Người ta mở trói hắn và dẫn Giêsu đi. Hắn bước xuống đi về phía đám dân, tưởng rằng người ta sẽ chào đón hoan hô hắn, vì người ta đã thương hắn và xin tha cho hắn mà. Nhưng lạ thay chẳng ai còn quan tâm tới hắn nữa, người ta vẫn còn mãi mê gào thét đòi giết Giêsu. Khi đó hắn hiểu ra mình không phải dân chúng yêu thương gì hắn, mà chỉ vì dân chúng đang thù ghét Giêsu. Baraba đi theo đám đông áp tải Giêsu đi đến pháp trường. Giêsu là ai vậy ? Chắc là một tên tội phạm còn hung ác hơn hắn nhiều nên mới bị thù ghét như vậy. Khi người ta đã đóng đinh Giêsu xong trên lên thập giá, hắn mới có dịp nhìn kỹ khuôn mặt của người đã chết thay cho mình : chẳng có gì là hung ác, chẳng một lời nguyền rủa những kẻ hành hạ mình. Hai bên Giêsu, Baraba nhận ra mặt của hai tên đã từng ở tù chung với hắn. Tương truyền tên của hai người này Dicma và Ghetta. Ghetta thì luôn mồm chửi rủa, chửi lý hình, chửi dân chúng và chửi luôn Giêsu. Nhưng Giêsu cũng vẫn im lặng. Còn Đicma thì nói với đồng nghiệp : Mình bị như vậy là đáng tội rồi, còn ông này có làm chi nên tội đâu. Baraba hiểu thêm ý chi tiết nữa : Giêsu là người vô tội bị kết ánh oan. Đicma lại quay sang Giêsu và nói : Thưa Ngài, khi Ngài lên trời, xin cho tôi được đi theo. Và Giêsu đáp : Tôi hứa với anh ngay hôm nay anh sẽ lên thiên đàng với tôi. Vậy nghĩa là Giêsu lại cứu thêm một người nữa, không phải chỉ một mình Baraba mà cả tên Đicma đầu trộm đuôi cướp kia. Baraba còn đang suy nghĩ về lòng nhân ái của Giêsu thì nghe Giêsu kêu lớn : Lạy Cha, xin Cha tha cho họ. Baraba lại càng ngạc nhiên hơn nữa : Giêsu chẳng những cứu hắn, cứu Đicma, mà còn muốn cứu tất cả những người đã lớn tiếng gào thét giết Ngài. Rồi Giêsu lại kêu lớn : Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha. Và Ngài gục đầu tắt thở. Bấy giờ tên đại đội trưởng lên tiếng : Đúng thật người này là Con Thiên Chúa. Baraba thầm nghĩ : Đúng vậy, chỉ có Con TC mới có được một tấm lòng như vậy. Baraba rời đồi Golgotha, vừa đi vừa tiếp tục suy nghĩ. Tương truyền rằng kể từ đó Baraba hoán cải, không còn trộm cướp nữa mà trở nên một người lương thiện.

Chúng ta có thể đoán rằng, trong dòng suy tư của mình, Baraba đã suy nghĩ rất nhiều về Luật :

. Trước hết là luật công bình : theo Luật này thì cả hắn, cả Đicma và Ghetta nữa đều phải bị xử tử vì cả 3 đều là những tên cướp của giết người. Nhưng hôm nay Luật này đã không được thực hiện.

. Kế đến là Luật rừng, luật bị thúc đẩy bởi lòng thù ghét muốn loại bỏ người mình không ưa. Đức Giêsu đã bị xử tử vì thứ luật rừng.

. Nhưng khám phá lớn nhất của Baraba là Luật tình thương. Luật Giêsu đã thực hiện : do luật tình thương này mà Đức Giêsu cam lòng chịu chết nhưng cũng nhờ luật này mà Baraba được thả, Đicma được lên thiên đàng và những kẻ thù của Đức Giêsu được tha thứ. Luật tình thương này đã mở mắt mở lòng viên đại đội trưởng và hoán cải tâm hồn Baraba.

Tối thứ Năm trước khi bước vào cuộc thụ nạn, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ “Thầy ban cho chúng con một điều luật mới, là chúng con hãy thương yêu nhau. Không có tình thương nào cao cả cho bằng tình của người dám thí mạng sống vì người mình thương. Và Đức Giêsu là người đầu tiên thực hiện điều luật đó. Không nên sống theo Luật rừng, không chỉ bằng lòng sống theo luật công bình, mà người môn đệ Chúa còn phải biết sống theo luật tình thương.

Chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu. Chúng ta phải noi gương Ngài sống luật tình thương.

III. KINH LẠY CHA

Trong những giây phút đau đớn nhất và buồn phiền nhất, Chúa Giêsu đã hướng về Chúa Cha và tha thiết cầu nguyện với Ngài. Chúng ta hãy kết hợp tâm tình với Chúa Giêsu và cầu nguyện với Chúa Cha bằng lời kinh do chính Ngài dạy.

IV. GIẢI TÁN

(Dùng “Lời nguyện trên dân chúng” trong Sách Lễ Rôma)

ĐÊM THỨ BẢY TUẦN THÁNH

CHỦ ĐỀ :

CÔNG BỐ TIN MỪNG PHỤC SINH

 

 

“Ngài đã sống lại rồi”

(Mc 16,6)

 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

(Như trong sách lễ Rôma)

Anh chị em thân mến, trong đêm cực thánh này, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã vượt qua từ sự chết đến sự sống, Hội Thánh mời gọi con cái tản mát trên khắp địa cầu họp nhau canh thức cầu nguyện. Nếu chúng ta kính nhớ lễ Vượt qua của Chúa, nghe lời và cử hành mầu nhiệm của Người, thì chúng ta có hy vọng được thông phần vào cuộc toàn thắng sự chết của Người và được sống với Người trong Chúa.

II. LỜI CHÚA (phần thánh lễ)

  1. Thánh Thư: Rm 6,3-11

Khi lãnh nhận phép rửa, tín hữu được tham dự vào sự chết và sống lại của Chúa Giêsu :

– Thánh Phaolô nói theo nghi thức Rửa Tội thời Giáo Hội sơ khai : người dự tòng được dẫn đến giếng rửa tội, rồi dìm toàn thân vào nước, sau đó đứng lên.

– Nghi lễ ấy mang ý nghĩa vượt qua : việc dìm mình xuống nước có nghĩa là để cho con người cũ (xác thịt, tội lỗi) chết đi ; việc chỗi dậy có nghĩa là sống lại thành con người mới, con người thuộc về Thiên Chúa.

  1. Đáp ca: Tv 117

Thánh vịnh này là tâm tình của người đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả, cho dù là khổ đau, là chết chóc. Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

  1. Tin Mừng: Mc 16,1-8

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, một số phụ nữ vội vàng ra mộ để xức thuốc thơm cho xác Chúa Giêsu. Nhưng các bà thấy tảng đá lấp cửa mộ đã lăn ra một bên, không có xác Chúa trong mộ. Một thiên sứ báo cho các bà biết Chúa Giêsu đã sống lại và bảo các bà hãy đi loan Tin Mừng ấy cho các môn đệ.

III. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế : Anh chị em thân mến, hôm nay toàn thể Hội thánh long trọng mừng Chúa Giêsu Kitô sống lại vì đó là nền tảng cho niềm tin của Hội thánh, là nền tảng cho Tin mừng Người loan báo. Chúng ta hãy phấn khởi dâng lên Chúa những lời cầu nguyện sau đây :

  1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong Hội thánh / đã được chết cho tội lỗi và sống lại trong Đức Kitô nhờ Bí tích Thanh tẩy / biết mau mắn từ bỏ tội ác / và sống theo đời sống mới của con cái Thiên Chúa.
  2. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người không tin Chúa, chống lại Chúa và sống trong tình trạng tội lỗi / biết mở lòng mở trí đón nhận ánh sáng của Chúa Phục sinh / để tìm được chân lý và hy vọng cho đời mình.
  3. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người đang sống trong nghèo đói, thất nghiệp không nhà không cửa / gặp được nhiều người giúp đỡ ủi an / và nhận ra Chúa Giêsu là đã chết và sống lại vì yêu thương họ.
  4. Chúng ta cầu xin Chúa cho anh chị em giáo hữu trong họ đạo chúng ta / đặc biệt là anh chị em tân tòng / biết dùng lời nói và việc làm để làm chứng về Chúa Giêsu Phục sinh / cho những người lương dân sống chung quanh chúng ta.

Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã đem niềm vui phục sinh đến cho chúng con hôm nay, xin cho chúng con biết chia sẻ niềm vui và niềm tin ấy cho mọi người chúng con gặp để tất cả được chung hưởng niềm vui của con cái Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

IV. TRONG THÁNH LỄ

Trước kinh Lạy Cha : Chúa Giêsu phục sinh đã thiết lập cơ sở vững chắc cho Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho Nước ấy được mở rộng khắp nơi, trong lòng mọi người.

Chúc bình an : Chúa Giêsu phục sinh đã mang bình an đến cho chúng ta. Chúng ta hãy thành thật chúc nhau được hưởng bình an của Chúa.

V. GIẢI TÁN

Đức Kitô đã sống lại và đang sống mãi. Ngài sống trong cuộc đời chúng ta và trong thế giới này. Chúng ta hãy làm những chứng nhân nhiệt tình cho Ngài, mang niềm vui và an bình đến cho mọi người. Halleluia, Halleluia.