Sống trong tình trạng hạn mặn, mới thấy….

print

Sống trong tình trạng hạn mặn, mới thấy….

Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm: “… Sống trong tình trạng hạn mặn, mới thấy có những điều rất đỗi bình thường, những điều chúng ta vẫn cho là đương nhiên, lại trở thành hết sức quý giá…”

CẢ NƯỚC NẮNG NÓNG, NAM BỘ CŨNG KHÔNG NGOẠI LỆ. NẮNG NÓNG ĐI KÈM HẠN HÁN, ĐỒNG BẰNG MIỀN TÂY CÒN MỘT KHẮC NGHIỆT KHÁC, LÀ DO ĐỊA HÌNH NẰM DỌC THEO BIỂN NÊN CỨ SÔNG HỒ KHÔ CẠN THÌ NƯỚC MẶN XÂM NHIỄM. NHÀ VƯỜN ĐIÊU ĐỨNG, ĐỒNG NỨT ĐẤT NẺ, ĐẾN NHỮNG SINH HOẠT THƯỜNG NHẬT CŨNG KHÓ KHĂN DO THIẾU NƯỚC NGỌT.

Giáo phận Mỹ Tho trải dài trên toàn tỉnh Long An, Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp…, là ba tỉnh bị thiệt hại nhiều do hạn, cũng là ba tỉnh được xem là khô nhất miền ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, những chủ chăn cũng có những mối lo và các giải pháp khả dĩ cho dân chúng trong vùng. Công giáo và Dân tộc đã có cuộc trao đổi nhanh với Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Chánh tòa giáo phận Mỹ Tho.

DGM_Kham_phong van 2.jpg (69 KB)

·  CGvDTMiền Tây Nam bộ đang trải qua đợt hạn hán khốc liệt và nhiễm mặn chưa từng có, trong đó có các tỉnh thuộc giáo phận Mỹ Tho mà Đức cha đang coi sóc. Xin Đức cha kể qua vài giáo xứ đang chịu ảnh hưởng nhiều của đợt thời tiết bất thường này?

– ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Đúng như chị vừa nói, trong địa bàn giáo phận Mỹ Tho có nhiều giáo xứ bị ảnh hưởng bởi khô hạn và nhiễm mặn. Có thể kể đến là các giáo xứ Thủ Ngữ, Rạch Cầu, Thánh Phaolô, Cồn Bà, Vàm Kinh, Tân Phước, Mỹ Điền, Cần Giuộc…

FB_IMG_1714361178672.jpg (187 KB)
Nhiều nhà thờ ở GP Mỹ Tho trở thành điểm cung cấp nước ngọt cho bà con

· Thiệt hại của bà con có lớn không, thưa Đức cha? Đâu là những thiệt hại trực tiếp và đâu là gián tiếp?

* NHỮNG THIỆT HẠI TRỰC TIẾP:

Trước hết là về nước uống và nước sinh hoạt: Bình thường, nguồn nước uống và nước sinh hoạt cho vùng Gò Công được chuyển theo đường ống từ nhà máy nước ở thành phố Mỹ Tho cung cấp. Trong thời gian khô hạn, nhu cầu nước gia tăng, nhà máy nước không đáp ứng đủ. Vì vậy, nhiều nơi thiếu nước nghiêm trọng.

Kế đến là đồng ruộng: Do tính chất khí hậu của từng vùng, chính quyền địa phương đã dự trù thời gian khô hạn hằng năm và khuyến cáo tránh canh tác tại thời điểm đó. Người dân cũng ý thức điều này, họ không dám làm nhiều, vì vậy mà nguồn thu kinh tế bị giảm đi nhiều. Những người có chút ít đất canh tác thì họ cũng liều trồng trọt, nhưng vì diện tích đất cá nhân không lớn, nên khi hoa màu chết khô, họ cũng không thiệt hại nhiều lắm.

Về vườn tược: Hệ thống đê điều ngăn nước mặn xâm nhập cũng đồng nghĩa với việc không có nước tưới, nên cây cối không ra trái hoặc trái không to, kém chất lượng, thậm chí cây đang xuống sức nghiệm trọng. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài thêm một tháng nữa thì rất nhiều cây trái có thể chết khô.

Chăn nuôi: Một vài nơi nuôi heo làm kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Không thể lấy nước từ thiên nhiên đã nhiễm mặn, chủ trại phải mua nước. Hiện tại những nơi này giá nước khá cao, trên dưới 100.000đ/m3. Thêm khoản tiền ngoài dự toán này vào chi phí vốn, khả năng có lời là không cao.
Cuối cùng, đối với những hộ nuôi tôm, độ mặn của nước tăng cao quá mức cho phép, khiến tôm bị suy yếu hoặc chết.

* THIỆT HẠI GIÁN TIẾP:

Nhiều ngành nghề bị ngưng trệ hoặc giảm năng suất do nắng nóng và thiếu nước ngọt. Rõ nhất là ngành xây dựng, vì nước mặn không thể sử dụng trong các công trình (gây hư hỏng hoặc không có liên kết khi trộn vữa), do đó nhiều nơi tạm ngưng, kéo theo nhưng thợ hồ địa phương phải thất nghiệp.

·  Vậy thì, trước những khó khăn như vậy, giáo phận đã có chương trình gì để hỗ trợ bà con các nơi? Các giáo xứ, giáo dân đã làm gì để bày tỏ tình liên đới với anh chị em ở các nơi bị ảnh hưởng?

– Ở cấp giáo phận, từ đầu mùa khô đến nay, Ban Bác ái Xã hội vẫn thường xuyên liên lạc với các cha xứ những nơi chịu ảnh hưởng của thiên tai để hỗ trợ khi cần. Hiện nhu cầu về nước gần như được đáp ứng tương đối, do có rất nhiều đoàn đến trợ giúp (tất nhiên chưa phải là tất cả). Đối với những thiệt hại về canh tác, chăn nuôi, thất nghiệp, ảnh hưởng đến kinh tế của các gia đình, Ban Bác ái Xã hội đang chuẩn bị kinh phí để hỗ trợ học phí cho các học sinh trong các gia đình gặp khó khăn.

FB_IMG_1714361039435.jpg (76 KB)
Giáo xứ Cần Giuộc tặng nước mùa hạn

Còn ở cấp giáo xứ, các cha xứ ở những nơi bị ảnh hưởng thiên tai đã và đang cố gắng hết sức để trợ giúp người dân: hệ thống nước lọc của các nhà thờ chạy hết công suất, chuẩn bị bồn chứa lớn, liên hệ các ân nhân và các tổ chức để kêu gọi trợ giúp nước và các nhu cầu thiết yếu. Các nhà thờ trở thành điểm tiếp nhận và cung cấp nước ngọt cho bà con, không phân biệt tôn giáo. Một số giáo xứ không bị ảnh hưởng thiên tai cũng đã tổ chức những đoàn đến trợ giúp cho những xứ bị tác hại bởi biến đổi khí hậu.

Tất cả những hoạt động trên đây thể hiện rõ tinh thần liên đới và bác ái Kitô giáo trong giáo phận Mỹ Tho của chúng tôi.

·   Theo Đức cha, hiện bà con ở những nơi bị hạn hán đang cần các nơi khác ngoài giáo phận giúp đỡ điều gì? Nhu cầu nào là cấp thiết nhất?

– Về nước sinh hoạt, như tôi vừa nói, hiện tại đã được đáp ứng ít nhiều. Do đó, điều cần thiết và có tính giải pháp lâu dài là có một nguồn nước sinh hoạt đủ và ổn định quanh năm. Vấn đề này đã được các tổ chức và chính quyền quan tâm từ lâu, nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp tốt nhất.

Đối với những người bị thất mùa hoặc phải giảm diện tích canh tác, chắc chắn kinh tế gia đình họ sẽ khó khăn hơn. Trong hoàn cảnh này, chung tay hỗ trợ học phí cho con em họ có lẽ là sự trợ giúp thiết thực.

Ngoài ra, có một số nơi có các nhu cầu cụ thể:

+ Giáo xứ Thánh Phaolô, ấp Gãnh, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang: Đây là một trong những nơi bị tác hại nặng nhất. Người dân nơi đây phần đông là nghèo, hầu hết đất canh tác đều trồng sả. Tình trạng khô hạn đã khiến sả bị chết khô, nông dân mất trắng. Họ cần được trợ giúp vốn để mua giống trồng lại sau khi kết thúc mùa hạn.

+ Giáo xứ Vàm Kinh, ấp Vàm Kinh, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang; giáo xứ Mỹ Điền, ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, Long An: Cần hỗ trợ thêm nước sinh hoạt.

+ Giáo xứ Cần Giuộc, khu phố Hòa Thuận 2, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, Long An: Cần hỗ trợ kinh phí để làm hệ thống lọc nước.

Hinh 3 bai Cho nuoc ngot ve vung khat nuoc.jpg (1.54 MB)
Bà con vùng hạn mặn đang có nhu cầu rất lớn về nước ngọt 

·  Nhiều người nhận định: hạn hán, thiếu nước vừa do thiên tai vừa do nhân tai, Đức cha có nghĩ nguyên nhân là như vậy?

– Đương nhiên rồi, và cần nhìn vấn đề từ tầm nhìn vĩ mô. Ngày nay, chúng ta quen dần với những từ ngữ biến đổi khí hậu, khí thải nhà kính, mực nước biển dâng cao, thời tiết bất thường, ô nhiễm môi trường; người Công giáo thì nói đến thông điệp Laudato Si’… Tất cả đều liên quan đến cuộc khủng hoảng sinh thái do chính con người gây ra như tàn phá thiên nhiên, khai thác quá mức… Để giải quyết hay cải thiện tình hình, không chỉ là sử dụng các phương pháp khoa học – kỹ thuật mà thôi, mà còn phải thay đổi tư duy và lối sống, cho nên Giáo hội Công giáo vẫn thường nói đến việc “hoán cải môi sinh”.

· Xin Đức cha có vài lời nhắn nhủ cùng độc giả cả nước, trong vai trò một chủ chăn ở tâm điểm hạn hán, xâm mặn?

– Tôi xin chân thành cảm ơn quý ân nhân xa gần đã tận tình giúp đỡ cho những bà con ở vùng hạn mặn. Sống trong tình trạng này, chúng ta mới thấy có những điều rất đỗi bình thường, những điều tưởng là đương nhiên có như nước uống, nước sinh hoạt…, lại trở thành những điều hết sức quý giá. Thành ra, đây cũng là dịp để mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có và sử dụng cách hợp tình hợp lý, để cùng nhau gìn giữ ngôi nhà chung là thiên nhiên Chúa ban tặng và trao trách nhiệm cho nhân loại chăm sóc.

· Chúng con cảm ơn Đức cha đã dành cho Công giáo và Dân tộc cuộc trao đổi này.

Minh Hải thực hiện

https://www.cgvdt.vn/