Sống Đạo Là Tử Đạo

print

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN C 2019

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM

Sống Đạo Là Tử Đạo

Lm. Giuse Nguyễn

Trong bài giảng lễ tuyên thánh cho 117  Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 19-06-1988 tại Vatican, Ngài đã xúc động nói: Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho quý vị rằng: Máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho quý vị trước tiên, để quý vị thăng tiến trong Đức Tin. Giữa quý vị, Đức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai.

Mừng kính Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam trước hết nhắc nhở chúng ta tạ ơn Chúa vì mình đã có một gia tài quý giá là máu của các thánh tử đạo. Nhờ gia tài đó mà Hội Thánh Việt Nam mới được như ngày hôm nay, như lời của thánh Tertuliano: “Máu các vị tử đạo, là hạt giống sinh nhiều Kitô hữu”. Chúng ta hãy thinh lặng cúi đầu tạ ơn Chúa!

Kế đến chúng ta phải tự hào vì được mang trong mình dòng máu Việt Nam để yêu quê hương, đất nước, yêu con người Việt Nam bằng tất cả trái tim. Trong niềm tự hào đó chúng ta đặc biệt nhớ đến 39 công dân Việt Nam trong vụ tử nạn thảm thương bên nước Anh hôm 23/10 vừa qua. Hãy thinh lặng để cảm thấu nỗi lòng của những người tha phương cầu thực, rồi phải bỏ xác nơi đất khách quê người.

Điểm nhấn trong ngày mừng kính Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam hôm nay là lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Giữa quý vị, đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai”. Nghĩa là: “Dựng xây Giáo hội công tiên tổ, thắp sáng niềm tin phận cháu con.” Để ngày hôm nay, tiếp bước cha ông, người Công giáo Việt Nam phải loan báo Tin Mừng bằng việc sống đạo. Và quả thật, sống đạo chính là tử đạo trong thời đại hôm nay như lời của Đức Giêsu: “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 24). Muốn “sống” thì phải “chết”. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ điểm này.

“Tử đạo” nghĩa là chết vì đạo, chết vì con đường mình đang đi. Kitô hữu đang đi trên con đường đức tin, con đường mang tên Giêsu. Chúng ta chịu “tử đạo” nghĩa là không khuất phục trước bất cứ một vật cản nào trên con đường đó. Nếu những ai, những gì không cho chúng ta tiếp tục tiến bước thì nó và họ chỉ có thể lấy được mạng sống đời này của chúng ta mà thôi.

Trên thực tế ngày hôm nay nhiều người đã không dám tử đạo mà sẵn sàng chối đạo. Cụ thể chúng ta sẵn sàng bỏ ngày Chúa Nhật vì những lý do không thực sự quan trọng. Ví dụ: vì công việc làm ăn, vì đám tiệc, vì học thêm để giỏi hơn, vì sinh hoạt đoàn thể để được điểm phong trào… chưa kể đến việc vì không ý thức để giữ ngày Chúa Nhật chẳng có lý do gì cũng không tham dự Thánh Lễ…

Tất cả những lý do của chúng ta dù quan trọng đến mấy cũng chỉ vì sự sống đời này: công việc làm ăn là vì cuộc sống, đám tiệc là vì tương quan xã hội, học giỏi, có điểm phong trào cũng chỉ để xây dựng cho mình một tương lai… Chúng ta không có tầm nhìn xa ở chỗ rồi mọi sự sẽ chấm dứt. Những người trong vụ 39 người chết bên Anh mạo hiểm để lo cho cuộc sống này, nhưng rồi họ cũng sẽ mãi mãi nằm im.

Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam cũng yêu cuộc sống này, cũng quyến luyến với người thân, cũng tiếc với công danh sự nghiệp… Nhưng họ có niềm tin vào sự sống đời sau, và vì nó mà họ sẵn sàng hy sinh tất cả. Chúng ta chưa dám hy sinh mọi thứ để sống đạo là vì ta chưa có niềm tin nên ta chưa thấy và chưa lo cho sự sống đời sau. Chỉ sợ rằng đến khi thấy, khi lo thì không còn kịp nữa.

Một ông Giám đốc của một Công ty nọ là người Công giáo đã yêu cầu những công nhân người Công giáo của ông: “Anh chị phải cho những công nhân chưa phải là người Công giáo thấy được niềm tin của mình. Vì vậy ai bỏ ngày Chúa Nhật mà không có lý do chính đáng sẽ không được làm trong công ty của tôi nữa”

Một người mẹ có đứa con là học sinh giỏi nên bị nhà trường bắt đi học, đi luyện thêm vào ngày Chúa Nhật để thi học sinh giỏi. Người mẹ đó nói với con mình: “Thà là học sinh bình thường mà đi lễ đàng hoàng còn hơn học sinh giỏi mà bỏ ngày Chúa Nhật”.

Những câu chuyện thực tế ngày hôm nay mà không phải ai cũng dám làm. Tử đạo thời nay không còn là đổ máu, nhưng là dám từ bỏ nhiều thứ để sống đạo.

Hơn thế nữa, người Công giáo không chỉ sống đạo bằng việc thờ phượng Chúa như đọc kinh, cầu nguyện, tham dự Thánh lễ; mà còn sống đạo bằng lối sống yêu thương.

Vì vậy Tử đạo ngày hôm nay là dám hy sinh để sống tình yêu thương như Đức Giêsu đã sống và làm gương cho chúng ta “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Thế cho nên một người Công giáo nói hành nói xấu, gây chia rẽ, bất hòa, sống cá nhân, chỉ nghĩ đến bản thân mình, bực bội khó chịu với nhiều người… là một người đang chối đạo chứ không phải sống đạo.

Và Tử đạo ngày nay bằng cách sống yêu thương còn là dám hy sinh tiền của vật chất cho Giáo hội, cho người nghèo. Ngày “Thế giới người nghèo” năm nay trùng hợp vào Chúa Nhật kính trọng thể các thánh Tử đạo tại Việt Nam là một lời nhắc nhở chúng ta hãy dám mạnh dạn tử đạo bằng cách đóng góp phần của mình để giúp đỡ những người nghèo. Tiền bạc vật chất một ngày nào đó cũng sẽ hết hoặc cũng sẽ qua đi, nhưng việc làm phúc bố thí sẽ trở thành công đức vĩnh viễn cho chúng ta.

Xin mượn ý của một người nào đó để tóm kết bài chia sẻ hôm nay: “Các thánh Tử đạo tại Việt Nam đã có công xây dựng Giáo hội, thì chúng ta là con cháu phải biết góp phần làm cho Giáo hội được lớn mạnh”. Phần của chúng ta chính là ý thức để sống đạo bằng việc thờ phượng Chúa, và sống bác ái yêu thương. Khi làm tốt những việc đó, thì quả thật chúng ta đang chịu tử đạo trong xã hội hôm nay.

“Lạy các thánh Tử Đạo Việt nam, xin thêm đức tin cho đoàn con cháu. Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin thương chúc lành cho Giáo hội Việt Nam.”