SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 2022
WHĐ (05.12.2022) – Từ năm 1992, với sự thúc đẩy của Liên Hiệp Quốc, ngày Quốc tế Người khuyết tật được thực hiện với các mức độ khác nhau trên khắp hành tinh. Mục đích của Ngày Quốc tế Người khuyết tật, ngoài việc thúc đẩy sự hiểu biết về các vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho phẩm giá, quyền và phúc lợi của họ, còn nhằm cách nâng cao nhận thức về sự dung nạp người khuyết tật vào mọi khía cạnh của đời sống trong xã hội.
Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay, 03. 12. 2022, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ban hành một Sứ điệp cho ngày này.
Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến!
Tất cả chúng ta, như thánh Phaolô Tông đồ đã nói, chứa đựng kho tàng sự sống trong những chiếc bình sành (x. 2 Cr 4, 7). Ngày Quốc tế Người khuyết tật mời gọi chúng ta nhận thức rằng sự mong manh của chúng ta không những không che khuất “ánh sáng Tin Mừng vinh quang của Ðức Kitô”, mà lại còn cho thấy “quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng ta” (2 Cr 4, 4. 7). Mỗi người chúng ta, chẳng vì công trạng cũng chẳng vì sự khác biệt, đã được đón nhận Tin Mừng trọn vẹn và cùng với đó là nhiệm vụ hân hoan loan báo Tin Mừng. “Trong mọi trường hợp, chúng ta được mời gọi để làm chứng cho những người khác một cách rõ ràng về tình yêu cứu độ của Chúa, là Đấng bất chấp sự bất toàn của chúng ta, đã ban cho chúng ta sự gần gũi của Người, Lời của Người, sức mạnh của Người, và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 121). Thực vậy, việc loan báo Tin Mừng không phải là nhiệm vụ chỉ dành riêng cho một số người, nhưng là một bổn phận thiết yếu đối với bất cứ ai đã cảm nghiệm cuộc gặp gỡ và tình bạn với Đức Giêsu.[1]
Tin tưởng vào Đức Chúa, cảm nghiệm được tình yêu dịu dàng và sự an ủi khi được đồng hành với Ngài không phải là đặc quyền dành riêng cho một số ít, cũng không phải là đặc quyền của những người đã được đào tạo cẩn thận và lâu dài. Trái lại, lòng thương xót của Đức Chúa được tỏ lộ cách đặc biệt cho những ai, thay vì cậy dựa vào bản thân, lại cảm thấy được mời gọi phó thác cho Ngài và cảm thông với anh chị em mình. Đó là sự khôn ngoan giúp chúng ta dần nhận thức được những giới hạn của chính mình, và cho phép giúp chúng ta cảm kích hơn nữa sự lựa chọn đầy yêu thương của Thiên Chúa để nâng đỡ chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta. Đó là sự nhận thức giúp chúng ta thoát khỏi sự buồn phiền và than van – ngay cả khi có lý do chính đáng – và mở rộng con tim để ngợi khen. Niềm vui lan tỏa từ những ai gặp gỡ Đức Giêsu và phó thác cuộc đời mình cho Ngài không phải là ảo tưởng hoặc là kết quả của sự ngây ngô; Đó là sự bộc phát sức mạnh Phục sinh của Ngài trong những cuộc đời được đánh dấu bằng sự mong manh.
Đó là giáo huấn đích thực về sự mong manh, mà nếu được lắng nghe, sẽ làm cho xã hội của chúng ta trở nên nhân đạo và huynh đệ hơn, giúp mỗi chúng ta hiểu rằng hạnh phúc là một chiếc bánh không thể ăn một mình. Việc ý thức về sự cần thiết của nhau sẽ giúp chúng ta bớt đi những mối quan hệ thù địch với những người xung quanh biết bao! Và việc nhận ra rằng ngay cả các dân tộc cũng không thể tự cứu mình, sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm giải pháp cho những xung đột vô nghĩa mà chúng ta đang trải qua biết chừng nào!
Trong dịp này, chúng ta muốn nhớ đến sự đau khổ của tất cả những người nam nữ khuyết tật sống trong hoàn cảnh chiến tranh, hoặc của những người bị tàn phế do hậu quả của chiến tranh. Liệu có bao nhiêu người – ở Ukraina và trong các chiến trường khác – vẫn bị giam cầm ở những nơi đang diễn ra giao tranh và không có cơ hội trốn thoát? Cần đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện cho họ tiếp cận với viện trợ nhân đạo bằng mọi cách.
Giáo huấn về sự mong manh này là một đặc sủng mà nhờ đó anh chị em –anh chị em khuyết tật thân mến – có thể làm phong phú Giáo hội. Sự hiện diện của anh chị em “có thể giúp biến đổi thực tại chúng ta đang sống, làm cho chúng trở nên nhân văn hơn và chào đón hơn. Không có tổn thương, không có giới hạn, không có trở ngại để vượt qua, sẽ không có nhân loại thực sự”.[2] Và đây là lý do tại sao tôi vui mừng rằng cuộc hành trình của Thượng hội đồng là một cơ hội thuận lợi để tiếng nói của anh chị em cuối cùng đã được lắng nghe, và rằng dư âm của sự tham gia này đã đến với Tài liệu chuẩn bị cho giai đoạn Châu lục của Thượng hội đồng. Trong đó, chúng ta đọc thấy rằng: “Nhiều bản Tổng hợp nhấn mạnh đến việc thiếu các cơ chế và phương tiện thích hợp để đồng hành với người khuyết tật, và kêu gọi có những cách thức mới để đón nhận những đóng góp của họ và thúc đẩy họ tham gia: dù có giáo huấn của riêng mình, Hội thánh vẫn có nguy cơ bắt chước cách xã hội gạt bỏ họ. Các hình thức phân biệt đối xử được kể ra – thiếu lắng nghe, vi phạm quyền lựa chọn ở đâu và sống với ai, từ chối ban bí tích, buộc tội phù thủy, ngược đãi– và những hình thức khác, cho thấy văn hóa loại bỏ người khuyết tật. Chúng không tình cờ phát sinh, nhưng có cùng một gốc rễ: đó là quan niệm cho rằng cuộc sống của người khuyết tật kém giá hơn những người khác”.[3]
Thượng Hội đồng với lời mời gọi bước đi cùng nhau và lắng nghe nhau, trước hết giúp chúng ta hiểu làm thế nào trong Giáo hội – ngay cả đối với những người khuyết tật – không có chúng ta và họ, mà chỉ có chúng ta, với Chúa Giêsu Kitô ở trung tâm, nơi mỗi người đều có những tài năng và giới hạn của riêng mình. Nhận thức này, dựa trên thực tế là tất cả chúng ta đều là thành phần của cùng một nhân loại dễ bị tổn thương được Chúa Kitô mang lấy và thánh hóa, loại bỏ mọi sự phân biệt tùy tiện và mở ra cánh cửa cho sự tham gia của mỗi người đã lãnh phép Rửa vào đời sống của Giáo hội. Nhưng, hơn thế nữa, nơi mà Thượng Hội đồng thực sự dung nạp tất cả mọi người, thì nó có thể xua tan những định kiến cố hữu. Thật vậy, chính sự gặp gỡ và tình huynh đệ đã phá vỡ những bức tường của sự hiểu lầm và giúp vượt thắng sự phân biệt đối xử; Vì lý do này, tôi hy vọng rằng mỗi cộng đoàn Kitô hữu sẽ mở lòng đón nhận sự hiện diện của các anh chị em khuyết tật, và đảm bảo rằng họ luôn được chào đón và dung nạp một cách trọn vẹn.
Bất cứ khi nào tình trạng khuyết tật, dù là tạm thời hoặc do quá trình lão hóa tự nhiên, ảnh hưởng đến chính chúng ta hoặc những người chúng ta quan tâm, thì chúng ta nhận ra rằng đó là thực trạng liên quan đến tất cả chúng ta, chứ không phải đến họ. Trong tình huống này, chúng ta bắt đầu nhìn thực tế bằng con mắt mới và nhận ra rằng cần phải phá bỏ ngay cả những rào cản mà trước đây dường như không đáng kể. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều không ảnh hưởng đến sự chắc chắn rằng, sẽ không có bất kỳ tình trạng khuyết tật nào – tạm thời, mắc phải, hoặc vĩnh viễn – có thể thay đổi bản chất của chúng ta như là con của một Cha, hoặc thay đổi phẩm giá của chúng ta. Đức Chúa yêu thương tất cả chúng ta với cùng một tình yêu dịu dàng, phụ tử, và vô điều kiện.
Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em vì những sáng kiến mà anh chị em đã làm sinh động Ngày Quốc tế Người khuyết tật này, những người mà tôi đồng hành bằng lời cầu nguyện. Tôi ưu ái ban phép lành cho tất cả anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.
Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 3 tháng 12 năm 2022.
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (03. 12. 2022)
—
[1] X. Sứ điệp nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật, 20 tháng 11 năm 2021.
[2] Giáo Hội là Nhà của chúng ta. Bản Tổng hợp của Cuộc Tham vấn Thượng Hội đồng đặc biệt về những người khuyết tật do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức, số 2, được tìm thấy trên trang web của Bộ.
[3] Tài liệu làm việc giai đoạn Châu lục của Thượng hội đồng về tính hiệp hành, số 36.