Sự “Tung Hoành” Của Đức Tin

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B

SỰ “TUNG HOÀNH” CỦA ĐỨC TIN

Lm. Giuse Nguyễn

Xã hội càng tiến bộ, càng văn minh, người ta càng cần cái gì cho tiện lợi. Vì vậy công nghệ cho ra đời những sản phẩm 3 trong 1: café 3 trong 1, dầu gội 3 trong 1, điện thoại nhiều chức năng trong một… Nếu nói theo kiểu hiện đại thì đạo Chúa cũng dạy chúng ta cách sống 2 trong 1: Mến Chúa và Yêu Người. Trong đời sống đức tin, chúng ta phải luôn luôn tìm hiểu, học hỏi lời Chúa để biết sự thật về Chúa và về niềm tin của chúng ta, hầu có thể thực hành cho đúng đắn. Vì vậy, hãy dựa vào lời Chúa hôm nay để xem Chúa muốn chúng ta sống đức tin như thế nào cho đúng đắn?

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài đọc I: Đnl 6, 2-6

Ông Môsê mở đầu lời giảng dạy của mình bằng một công thức trong kinh Shema: “Shema Israel! Nghe đây, hỡi Israel!” Công thức này vẫn còn được xướng lên khi bắt đầu các buổi thờ phượng trong các hội đường của người Do Thái. Nó được người Do Thái ghi chép cẩn thận, gói rất kỹ bằng một lớp da. Những người ngoan đạo thì đeo trên trán, trên các cườm tay khi cầu nguyện. Nó quan trọng như vậy bởi vì đây là bản tuyên ngôn dạy Đức Chúa Trời là Thiên Chúa duy nhất, nền tảng của độc thần Do Thái giáo: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết sức và hết trí khôn ngươi”. Người Do Thái vẫn thực thi điều đó. Tuy nhiên, giáo huấn này vẫn còn thiếu sót vì chỉ dừng lại ở việc kính mến Chúa. Vì vậy mà người Do Thái giữ đạo khô khan, cứng nhắc. Họ chỉ chăm chăm, chú chú để giữ luật của Chúa mà quên nghĩ đến anh chị em mình.

  1. Tin Mừng: Mc 12, 28b-34

Trong tân ước, Đức Giêsu đã kiện toàn lề luât, Ngài  kiện toàn như thế nào? Nhân dịp có một người trong các kinh sư đến hỏi Chúa điều răn nào quan trọng nhất trong các điều răn? Nhóm kinh sư là những người có nhiệm vụ giải thích lề luật, thì không phải ai cũng theo trường phái bảo thủ, mà còn có một nhóm theo trường phái tự do. Không phải họ muốn bãi bỏ lề luật, mà họ muốn làm sao để giữ luật một cách nhẹ nhàng. Chính vì vậy mà ông kinh sư này muốn tìm lề luật nào quan trọng nhất để chỉ nhắm đến điều đó thôi, những cái lặt vặt, không quan trọng thì bỏ đi. Đức Giêsu đưa ra cho ông ta hai lề luật. Lề luật thứ nhất là: “Yêu mến Chúa hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn”. Lề luật thứ hai là: “Yêu người thân cận như chính mình”. Hai điều răn này rất quen thuộc với người Do Thái. Nhưng điều mới lạ là Đức Giêsu đã nhập nó lại thành một, không thể thiếu một trong hai. Giống như con người là xác và hồn. Nếu chỉ có thân xác hoặc chỉ có linh hồn thì không phải là người, mà phải cả hai. Cũng vậy, không thể chỉ có mến Chúa hoặc chỉ có yêu người, mà phải thực thi cả hai mới thực sự là môn đệ Chúa. Đó là điều mà Đức Giêsu đã kiện toàn. Có thể gọi điều đó là “sản phẩm hai trong một của đức tin”.   

II. HAI TRỤC CỦA ĐỨC TIN

Trong toán học, không thể xác định được tọa độ nếu chỉ có trục tung hoặc chỉ có trục hoành. Từ đó chúng ta có thể liên tưởng đức tin như một đồ thị, có tung độ hướng đến Thiên Chúa, và hoành độ hướng về tha nhân. Chúng ta không thể xác định được đức tin của mình nếu chỉ có trục tung hoặc trục hoành; chỉ hướng về Thiên Chúa hoặc chỉ hướng về tha nhân, mà phải cả hai. Cho nên hành trình của đức tin có thể gọi là sự “tung hoành đức tin”. Tung hoành ở đây mang ý nghĩa là một sự bứt phá không gì ngăn cản nỗi như“chí làm trai tung hoành trong bốn bể” , và hơn hết nó chính là hai trục Mến Chúa và Yêu Người. Nếu chỉ có mến Chúa hoặc chỉ có yêu người thì đồ thị đức tin của chúng ta không thể hiển thị được.

  1. Mến Chúa:

Mến Chúa ở đây xuất phát từ việc nhìn nhận: “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất!”. Nếu chúng ta xác tín được như vậy thì việc mến Chúa là một điều hết sức dễ dàng. Chỉ có điều làm sao để người ta nhìn nhận “Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất” của họ?

Thiên Chúa luôn mặc khải và ban ơn để chúng ta nhận biết và suy phục Ngài. Qua vũ trụ vạn vật, chúng ta nhìn thấy được bàn tay Thiên Chúa. Một buổi chiều tà, tình cờ chúng ta đi ngang qua cánh đồng mênh mông bát ngát, bạt ngàn màu xanh của lúa, bát ngát hương thơm cỏ hoa. Dưới chân trời kia là những cánh chim đang tìm về tổ. Xa xa những con trâu đang thơ thẩn trở về chuồng… lòng chúng ta rộn lên một niềm hạnh phúc thật bình dị mộc mạc. Đó là sự hiện diện của Chúa. Hay một buổi sáng, khi ánh bình minh vừa ló dạng, chiếu những tia nắng đầu tiên vào đám bông soi nhái trước sân nhà làm cho màu vàng thêm rực rỡ, lung linh. Những con bướm đủ màu sắc bay chập chờn trên ngàn hoa, làm cho bức tranh thiên nhiên càng thêm sống động. Ôi sao mà thơ mộng quá! Cuộc đời tươi đẹp biết bao! Đó là sự hiện diện của Chúa.

Đàng khác, chúng ta phải nỗ lực để nhận biết Thiên Chúa qua việc tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu Thánh Kinh cũng như Giáo Lý của Giáo hội. Chính vì thế phải tìm mọi cách để tiếp cận với Thánh Kinh, Giáo lý, nhất là thời đại công nghệ thông tin, việc tiếp cận với Lời Chúa, Giáo lý quá dễ dàng, thậm chí có những trang web dành riêng cho Thánh Kinh và Giáo lý; cơ bản nhất vẫn là việc tạo điều kiện để những ai muốn lãnh nhận các Bí tích phải được học Giáo lý thật đầy đủ. Nhưng thường chúng ta cứ muốn làm sao cho nhanh, gọn, lẹ nên hậu quả là không biết Chúa nên chẳng yêu mến Ngài, và vì không yêu mến Ngài nên cũng không thực hành đời sống đức tin, cụ thể là việc dự lễ ngày Chúa Nhật và những điều căn bản khác.

Nói ngắn gọn hơn, để có thể yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta phải nhận biết Thiên Chúa qua việc Ngài tự mặc khải nơi vũ trụ vạn vật; nơi những việc tốt lành Ngài làm cho ta; qua việc tìm hiểu, học hỏi Giáo lý và kinh thánh. Từ đó dẫn đến việc sống gắn bó với Chúa và tuân giữ những lề luật của Ngài.

  1. Yêu người:

 Nếu kính mến Thiên Chúa thì chưa đủ, chúng ta còn phải yêu người nữa mới có thể hoàn thành được đồ thị đức tin. Việc yêu người ở đây chính là đời sống bác ái của chúng ta. Bác ái là yêu thương, kính trọng mọi người, đồng thời biết chia sẻ với những người xung quanh giống như lời của thánh Phaolô dạy: “Vui với người vui, khóc với người khóc”.

Trong kinh thương người có 14 mối, phần thương linh hồn bảy mối, có lời dạy: Tha kẻ dễ ta, nghĩa là tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Điều này đang bị xã hội tác động vì chủ nghĩa cá nhân, đề cao cái tôi quá đáng nên không cho phép người khác xúc phạm, đụng chạm đến mình, dù là chuyện nhỏ. Vì vậy xã hội ngày càng côn đồ hơn khi người ta thanh toán, chém giết lẫn nhau vì những lý do không đáng gì. Do đó điểm yêu người càng phải được phác họa trên đồ thị đức tin chúng ta rõ nét hơn, để làm cho cuộc đời này bớt đi tính hung hăng, côn đồ, mà thay vào đó là sự yêu thương, tha thứ.

Bác ái còn là đừng làm hoặc bớt làm cho người khác khổ vì những lời nói, việc làm của chúng ta.

Bác ái còn là chia sẻ với người khác qua việc “vui với người vui, khóc với người khóc” như lời thánh Phaolô đã dạy.

Khi chúng ta vẽ đồ thị đức tin với trục tung là yêu mến Chúa đến ngút ngàn và trục hoành là yêu mến anh chị em đến vô tận, thì điểm gặp nhau chính là thiên đàng. Tháng Cầu Cho Các Linh Hồn là cơ hội để chúng ta vẽ lại đồ thị đức tin của chúng ta qua việc siêng năng đọc kinh, cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, làm những việc lành phúc đức để nhường cho Các Linh Hồn. Những việc đó trước hết là vì lòng yêu mến Chúa, sau nữa là vì lòng bác ái với Các Linh Hồn.

print