Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Chay Năm A 2023

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM A 2023

***

  1. LỜI CHÚA

Bài đọc 1 : Xh 17, 3-7

“Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy”. Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: “Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi”. Chúa liền phán bảo Môsê: “Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là “Thử Thách”, vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: “Chúa có ở với chúng tôi hay không?”

Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc II: Rm 5, 1-2. 5-8

“Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Phúc Âm :  Ga 4,5-42

  1. SUY NIỆM

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày về niềm tin dẫn đưa con người đến việc chân nhận Đức Kitô, nguồn mạch mọi ân sủng đem lại sự sống sung mãn đời đời.

Trong bài đọc 1 ta thấy tất cả mọi sự thối lui, phản bội, thất tín của dân Chúa đều xuất phát từ sự nghi ngờ, thiếu lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Trong sa mạc, trên đường tiến về Đất Hứa, dân Chúa đã bao lần kêu than, oán trách vì thiếu thức ăn, nước uống … Họ đã xúc phạm Thiên Chúa. hết lần này đến lần khác …

Đáp lại sụ nổi loạn của dân, Thiên Chúa lại tỏ ra khoan dung nhẫn nại : cứ tha rồi lại tha …

Đời sống Ki tô hữu chúng ta cũng tương tự, Chúa cũng đã tha cho chúng ta biết bao nhiêu lần và sẽ còn tha mãi bao lâu ta còn ngụp lặn nơi trần gian này.

Tôi có biết ơn Chúa về ơn tha thứ Ngài ban ? Tôi đã làm gì để đáp lại ân huệ này ?

Đức tin là nền tảng của mọi mối tương quan giữa ta với Chúa, nghi ngờ sẽ phá vỡ mối tương quan này.  Tôi có đang cảm nhận tình thương Chúa dành cho tôi hay tôi còn nghi ngờ vì điều gì ?

Từ CƯ đến TƯ, đức tin luôn là nền tảng của đời sống dân Chúa. Thánh Phaolo quả quyết rằng :

  • Nhờ đức tin ta được trở nên công chính (không phải do việc làm…).
  • Nhờ đức tin ta không thất vọng nản chí.
  • Nhờ đức tin ta đón nhận ĐGS để Ngài mở lối cho chúng ta vào hưởng ân huệ của Thiên Chúa.
  • Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đó là điều chắc chắn : bằng chứng là : “ĐKT đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân “ (Rm 5,8).

Trong thực tại đời thường, trước những biến cố, sự kiện, thử thách, gian truân … thái độ của tôi như thế nào ? Tôi có hoàn toàn tin cậy vào lòng Chúa xót thương ? Đức tin là một ân ban cao quý, tôi có trân trọng giữ gìn,củng cố, bảo tồn và triển nở trong đời sống ?

 

Tiếp nối 2 bài đọc, trình thuật Tin Mừng dẫn chúng ta đi sâu hơn vào Mầu nhiệm đức tin – Tin vào Đức Kitô :  Đấng Chúa Cha sai đến, nguồn mạch mọi ân sủng – Đấng làm cho con người được sống và sống dồi dào.

*Bên bờ giếng : cuộc gặp không hẹn

            – Hy hữu, hiếm có : 1 người nam và 1 người nữ, 1 người Do thái gặp và trò chuyện với 1 người phụ nữ Samaria (điều đố kỵ)- giữa một ngôn sứ và một phụ nữ khao khát Chân lý – nơi chốn là bên bờ giếng – thời gian vào buổi trưa nắng vắng vẻ.

            – Một cuộc đối thoại tiệm tiến đầy kiên nhẫn. Một bên khởi đầu đầy thiện ý khiêm tốn và tôn trọng đối phương, bên còn lại có vẽ hợm hĩnh, e dè.

            – ĐGS luôn chủ động, đi bước trước “xin nước uống” : vượt mọi rào cản, thiên kiến xã hội và phân biệt chủng tộc.

            – Người phụ nữ Samaria vẫn giữ khoảng cách nên ngạc nhiên rồi có vẻ chanh chua …

            – Trước thái độ đó, ĐGS vẫn điềm tĩnh, nhẫn nại và từng bước hoán cải người phụ nữ này. Đây cũng là bài học cho chúng ta khi ra đi loan báo Tin Mừng.

Trong cuộc đời mỗi người, hằng ngày Chúa vẫn đi qua, vẫn hiện diện nơi tất cả mọi người, vẫn chờ đợi ta bên bờ giếng …Ta có nhận ra Ngài không ?Chúa cũng mời gọi ta ra đi đến “vùng ven”để lan tỏa niềm vui Tin Mừng ở đó (không phải là vùng ven địa lý nhưng là nơi những người nghèo hèn khốn khổ cả vật chất lẫn tinh thần, có khi ở ngay bên cạnh chúng ta… x. TH/ GE số 135)

* Cuộc đối thoại kỳ diệu : từ tự nhiên đến siêu nhiên

Khởi đầu bằng việc “xin nước uống giải khát” một cách tự nhiên. Từ đó, ĐGS khơi gợi lòng khao khát của chị về “nước uống không bao giờ còn khát”. Kế đến là chuyện đời tư của chị (c. 16-18). Cuộc đối thoại dẫn chị phụ nữ từ ngạc nhiên đến suy nghĩ  và nhận ra ĐGS là một ngôn sứ (c. 19). Từ đó dẫn đến tranh luận về việc thờ phượng. Ngài tôn trọng chị dù biết chị đã 5 đời chồng nhưng Ngài không hề phê phán cuộc sống cá nhân của chị, cũng không chỉ trích về cách thức thờ phượng trên núi Garizim của người Samaria. Ngài dẫn chị đi sâu hơn trong đức tin : thờ phượng đích thật chính là thờ phượng trong Thần khí và sự thật, thờ Chúa trong tâm hồn chứ không phải hình thức bên ngoài.

Kết thúc cuộc đối thoại, ĐG tỏ mình ra cho chị : “ Đấng ấy chính là tôi…” và chị đã nhận ra Ngài là Đấng Mêsia,  Đấng Kitô mà Cựu Ước loan báo. Giờ đây : người xin nước giải khát trở thành Đấng ban Nước hằng sống. Người được xin nước giải khát lại khao khát xin cho được Nước hằng sống

Ta hãy xem cách ĐGS dẫn người phụ nữ đi trong hành trình đức tin như thế nào ? (điềm tĩnh, nhẫn nại, ôn hòa, kiên trì giải thích…) Ngài không nhìn người phụ nữ Samaria bằng ánh mắt kỳ thị hay thiếu tôn trọng … nhưng Ngài đã nhìn xuyên thấu vào tâm hồn chị để thấy những nét đẹp tiềm ẩn nơi đó và mở ra cho chị cơ hội được đổi đời để sống bình an hạnh phúc.

 Tôi học được gì nơi thái độ và cách ứng xử của ĐG qua cuộc đối thoại ? Trong cuộc sống hiện tại tôi đang còn những rào cản nào đối với người thân cận ? Chúa muốn tôi làm gì ?

Ngày nay Chúa cũng dùng cách ấy để hoán cải chúng ta từng bước một nhưng quan trọng là ta có khao khát và nhận ra Người không ?

* “ Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban…”

Tại sao chị đi lấy nước vào giữa trưa nắng nóng ? Có lẽ chị mang nỗi đau trong lòng vì cuộc đời không mấy sáng sủa ( đã 5 đời chồng…) nên không được tôn trọng…, vì thế chị e ngại gặp gỡ người khác nên chọn lúc giữa trưa vắng người để đi.

Chị vẫn còn mang nặng não trạng thiên kiến xã hội nên khi ĐG mở lời chị lại e dè …

Trước sự ôn hòa nhẫn nại của ĐGS, lòng chị lắng lại, nhất là khi Ngài biết rõ đời tư của chị mà không chê trách khinh khi. Chị càng tò mò và tìm kiếm điều chị đang khao khát lấp đầy.

Từ nước uống tự nhiên đến nước hằng sống- từ cuộc gặp gỡ tự nhiên đến cuộc đối thoại liên tôn  – từ vật chất đến tinh thần – từ việc thờ phượng bên ngoài đến việc thờ phượng đích thật… Tất cả đều là ân huệ Thiên Chúa tặng ban cho chị qua ĐG.

Chị đã bỏ vò nước lại (không cần những gì cũ kỹ nữa …) mà chạy ra ngoài thành loan báo cho đồng hương về ĐG ( khám phá ra những điều mới mẻ qua ân huệ của TC và chia sẻ cho người khác).

Hành trình đức tin của chị : từ phụ nữ ngoại lai (samaria) đến việc nhận ra ĐG là ngôn sứ rồi tuyên xưng là Đấng Mêsia và vỗi vã chạy vào thành loan báo cho người khác, nhờ chị mà nhiều người tin. Kết thúc cuộc gặp gỡ này thật là có hậu.

Hôm nay Chúa cũng nói với tôi ngay lúc này : “ nếu con nhận ra ân huệ TC ban…” Ta được mời gọi nhìn lại để thấy ân huệ TC ban cho ta qua từng ngày ( những ơn thường hằng cũng như những ơn đặc biệt, phi thường …) đồng thời xem lại cách tôi thờ phượng Chúa ra sao ( thái độ, tâm tình của tôi qua các cử hành phụng vụ…)

Càng nhận ra ân huệ của Chúa ban, ta càng biết ơn, càng tin tưởng, càng yêu mến và nhạy bén với sự hiện diện của Ngài.  Tình yêu đáp trả tình yêu.

* Sứ điệp nào cho ta hôm nay ?

Trong thế giới hiện đại với những chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ vật chất, thượng tôn danh lợi, quyền bính… Con người vẫn cảm thấy khao khát một điều gì đó ví như khi cô đơn, ta ước có 1 tình bạn chân thành, trước bất công gian dối lọc lừa, ta khát công bình chính trực … bởi trong thâm sâu con người vẫn còn cái Chân – Thiện – Mỹ vì con người được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa.

  • Thiên Chúa yêu ta, dù ta tội lỗi – đừng bao giờ nghi ngờ (TH/ CV số 112) . Nhận ra ân huệ Chúa ban sẽ được dẫn tới nguồn mạch sự sống – Thờ phượng TC đích thật chứ không phải chú trọng những nghi lễ, hình thức bên ngoài – Cảm thức tôn giáo hiện có trong tôi ra sao?
  • Như ĐG mở ra cơ hội cho người phụ nữ Samaria, tôi cũng được mời gọi mở ra cơ hội cho tha nhân (biến đổi cái nhìn, góc nhìn, tầm nhìn (x. Tông huấn CV. Số 67) – Nhìn như Chúa nhìn (người con thứ x. Lc 15, 11-32 – chị phụ nữ ngoại tình x. Ga 8, 2-11 …).
  • Như người phụ nữ Samaria, một khi nhận ra Chúa rồi chị vội vã chạy vào thành mà loan báo cho mọi người để họ cũng tin như chị, chúng ta cũng được mời gọi chạy đi để đem nhiều người về với Chúa trong mùa Chay này.
  • Gặp gỡ ĐK sẽ được biến đổi (nhận ra – tin tưởng – yêu mến – loan báo – trở thành tông đồ).

Tôi có sẵn sàng gặp gỡ Ngài để được biến đổi ? Tôi có khao khát được biến đổi theo ý của Ngài ?

Lạy Chúa Giêsu, mùa Chay này, xin Chúa cho chúng con biết “CHAY “CÁCH NHÌN” tha nhân để con luôn nhìn giống Chúa : yêu thương, bao dung, cảm thông và mở ra hầu tất cả mọi người đón nhận nước trường sinh chan hòa từ nơi Chúa. Xin cho chúng con một khi gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, qua các Bí Tích thì cũng giao hòa với anh chị em xung quanh để chúng con cùng hiệp hành với nhau xây dựng Nước Trời nơi trần gian. Amen.

                                                          Sr. Anne Thérèse Lan – TD.Cù Lao Giêng

print