Suy Niệm Lời Chúa Tuần 19 Thường Niên  2018  – Lm Seoka

print

Suy Niệm Lời Chúa Tuần 19 Thường Niên  2018  – Lm Seoka

Chúa Nhật 19 TN B

Thứ hai: Mt 17, 22-27

Thứ ba: Mt 18,1-5.10.12-14

Thứ tư: Lc 1, 39-56

Thứ năm: Mt 18,21-19,1

Thứ sáu: Mt 19, 3-12

Thứ bảy: 19, 13-15

 

Chúa Nhật 19 TN B

Tiếp tục đề tài bí tích Thánh Thể, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu xác quyết chính Ngài là “Bánh từ trời xuống, Bánh hằng sống, ai ăn sẽ được sống đời đời. Xin cho chúng ta biết “tin nhận” và “đến với” Ngài để đón nhận sự sống ấy.

Để giúp dân chúng tin nhận Chúa Giêsu chính là tấm bánh trường sinh, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta biết về: nguồn gốc, ý nghĩa và mục đích của Người đến trần gian này.

– Nếu ngày xưa nơi sa mạc, Thiên Chúa đã ban cho dân Do Thái Manna từ trời xuống làm thức ăn. Thì ngày nay, Thiên Chúa cũng ban cho nhân loại một thứ lương thực khác đến từ trời đó là Đức Giêsu “Tôi từ trời mà xuống”. Như thế, Đức Giêsu muốn khẳng định Người chính là Bánh có nguồn gốc từ trời cao.

– Nếu xưa kia, mục đích Thiên Chúa ban Manna là để làm lương thực nuôi sống dân Do Thái đang chịu cảnh cơ cực, đói khát trong sa mạc để được sống. Thì ngày nay, Chúa Giêsu cũng cho biết mục đích Ngài đến trong sa mạc trần gian này là nhằm để nuôi sống mọi người, bởi vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3, 17).

– Nếu xưa kia trong sa mạc, dân Do Thái đã tin vào Thiên Chúa và nghe lời Môsê mà đón nhận Manna là lương thực nuôi sống họ trên đường tiến về đất hứa. Thì hôm nay cùng với ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu cũng mời gọi dân chúng hãy “đến với” và “tin vào” Người chính là Bánh đích thực, Bánh ban sức mạnh thiêng liêng, giúp cho nhân loại đủ sức tiến về quê trời. 

Khi Chúa Giêsu khẳng định: “Chính Tôi là bánh trường sinh” là Người muốn quả quyết rằng: chỉ duy mình Ngài mới là lương thực đích thực ban sự sống cho mọi người; bởi chính Ngài là Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo vận vật nên mới có quyền thông truyền sự sống cho muôn loài.

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống trần gian và sự sống vĩnh cửu mai sau. Sự sống trần gian được nuôi dưỡng bằng Manna và cơm bánh. Sự sống vĩnh cửu phải được nuôi dưỡng bằng chính Lời Chúa và Mình Thánh Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tích cực lắng nghe lời Chúa dạy và siêng năng đến với bí tích Thánh Thể để múc lấy nguồn sức sống dồi dào do Chúa tặng ban mà đủ sức tiến về quê trời vinh phúc, nhờ sức lôi kéo của ơn ban Chúa Cha.

Thứ hai: Mt 17, 22-27

Bài Tin mừng hôm nay nhấn mạnh đến bổn phận của chúng ta đối với Giáo hội và xã hội trần thế.

Sách Xuất Hành ấn định: “Tất cả các đàn ông Do Thái 20 tuổi trở lên, phải có nhiệm vụ đóng thuế Đền Thờ, mỗi năm 1/2 shekel”. (x. Xh 30,13). Đây được xem như là nhiệm vụ cao cả của đàn ông Do Thái giáo. Đức Giêsu là người đàn ông Do Thái, nên Người cũng luôn ý thức nghĩa vụ cao quý ấy. Tuy nhiên, xét cho cùng thì trường hợp của Chúa Giêsu là ngoại lệ vì hai lý do:

Thứ nhất vì Ngài là Con Thiên Chúa.  Thứ hai vì Đền Thờ là nhà của Thiên Chúa nên cũng là nhà của Ngài. (x. Lc 2, 49). Mà dựa trên nguyên tắc “vua chúa trần gian chỉ thu thuế má người ngoài”, còn “con cái được miễn”, thì Chúa Giêsu được chuẩn miễn vì Người là Con TC và đền thờ chính là nhà của Người. Tuy nhiên “để khỏi làm gai mắt họ”, Chúa Giêsu đã sai ông Phêrô ra biển thả câu. Thật lạ lùng, con cá mà Phêrô câu được trước hết, trong miệng nó lại ngậm một đồng tiền, trị giá vừa đủ để nộp hai phần thuế cho Chúa Giêsu và cho Phêrô.

Qua sự việc lạ lùng này, Chúa Giêsu như hướng chúng ta đến điều quan trọng hơn đó là phải ý thức chu toàn luật Giáo hội, cũng như những quy định của xã hội.

 Xin cho chúng ta luôn ý thức chu toàn tốt bổn phận tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa; đồng thời cũng không quên nhiệm vụ đóng góp công sức, tiền của để xây dựng GH và xã hội trần thế theo tinh thần Phúc âm, hầu trở nên người công dân tốt và người Kitô hữu trưởng thành.

 

Thứ ba: Mt 18,1-5.10.12-14

Dưới trần gian tranh giành địa vị, chức quyền đã đành. Trên trời mà còn tranh quyền đoạt lợi quả là một điều đáng trách. Thế mà các môn đệ xưa kia lại đưa lối suy nghĩ trần tục ấy vào chốn vĩnh cửu, nên các ngài không ngần ngại đặt vấn đề với Chúa: “ai là người lớn nhất trong nước trời”.  

Chúa Giêsu không trả lời ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng Chúa cho biết cần phải có điều kiện như thế nào? để được vào Nước Trời.

Điều kiện ấy chính là phải trở nên như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.

Vì trẻ nhỏ luôn thành thật, đơn sơ, trong trắng. Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn sơ, thành thật, đừng mưu mô, lọc lừa… , cho dẫu lắm khi sự thật làm ta phải chịu thiệt thòi, bị xem thường, bị hiểu lầm…

Vì trẻ nhỏ cảm thấy mình yếu đuối nên luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào cha mẹ. Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa, nhất là những lúc chúng ta gặp phải gian nan, khốn khó.

Vì trẻ nhỏ luôn khiêm nhường biết mình còn nhiều giới hạn nên không ngừng cố gắng trao dồi học hỏi những điều hay lẽ phải từ người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe và học hỏi lời Chúa trong Thánh kinh, qua các giáo huấn của GH, nhất là qua các biến cố xảy ra trong cuộc sống  hằng ngày.

Nói tóm lại, Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang thân xác của người lớn. Ai sống được tinh thần như thế, mới xứng đáng được vào Nước Trời và là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

Chúng ta hãy luôn nhớ rằng: trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là những người con bé nhỏ. Không có Chúa, chúng ta chẳng làm được chuyện gì nhưng nếu chúng ta có làm được chuyện gì đi nữa, thì tất cả cũng là nhờ bởi ơn Chúa ban mà thôi.

Xin Chúa cho chúng con luôn biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho Chúa, như đứa bé đặt hết niềm tin yêu vào cha mẹ. Để sau cuộc đời dương thế này, chúng con được quây quần bên Chúa, chung hưởng niềm hạnh phúc viên mãn cùng các thánh tử đạo Việt Nam trong nước trời.

Thứ tư: Lc 1, 39-56

KÍNH TRỌNG THỂ LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

Mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay, đem đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Bởi tin rằng mai sau chúng ta cũng được về trời hưởng vinh phúc cùng với Mẹ. Vì cha mẹ có bao giờ quên con cái và muốn xa rời những đứa con yêu quý bao giờ!

Tuy nhiên để được ở bên Mẹ trong niềm hạnh phúc thiêng đàng, đòi hỏi ta phải sống xứng danh là con yếu dấu của Mẹ. Để trở nên con yêu dấu Mẹ không gì khác hơn là chúng ta noi gương sống như Mẹ đã sống. Đó là sống giới luật Tình Yêu mà Chúa đã dạy.

– Yêu Chúa: Đức Maria đã luôn lắng nghe và thực hành lời Chúa truyền dạy: “ Vâng này tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói”. (Lc 1, 38 ).

. Yêu Chúa: Mẹ đã chấp nhận những hệ lụy đau khổ xảy đến, khi đón nhận cưu mang và sinh hạ Hài Nhi Giêsu.

. Yêu Chúa: Mẹ đã can đảm bước đi cùng với Con Mẹ là Đức Giêsu trên mọi nẻo đường đời. Con đường ấy là đường hẹp và là con đường thập giá. Nhưng đó là con đường dẫn đến sự sống đời đời. Như lời Chúa Giêsu đã phán: “Ai muốn theo Ta, hãy tự bỏ mình vác thập giá mình mà theo Ta….”. (Mc 8,34).

– Yêu người: Mẹ đã sẵn sàng hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa để cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân thế.

. Yêu người: Mẹ đã không ngại chấp nhận gian khổ “vội vả lên đường” thăm viếng và ở lại chăm sóc cho người chị họ Elizabeth trong lúc sắp sinh nở. Quả là một hy sinh lớn lao!

. Yêu người: Mẹ đã nhận thánh Gioan (đại biểu nhân loại) làm con Mẹ, cho dẫu trong hoàn cảnh đau khổ tột cùng dưới chân thập giá và tương lai mịt mù.

Chính tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ ý riêng, chấp nhận dấn thân hy sinh suốt đời để Phục vụ Chúa và dâng hiến cho tha nhân.

Có thể nói hình ảnh người phụ nữ được thánh Gioan mô tả trong sách Khải huyền hôm nay là hình ảnh tập chú về Đức Mẹ. Dẫu lộng lẫy, kiêu sa xuất hiện trên trời nơi đền thờ Thiên Chúa cao sang. Nhưng bên cạnh đó, Mẹ cũng phải đối diện với bao nguy hiểm của mãn xà hung ác là sự dữ. Như vậy, bên cạnh hạnh phúc vinh quang nước trời, vẫn luôn có bóng dáng của đau khổ bởi sự dữ đang trực chờ, cần phải vượt qua bằng sức mạnh của Tình yêu nhờ liên kết chặt chẻ với Chúa Giêsu với niềm tin kiên vững vào quyền năng Thiên Chúa mới bay cao, bay xa vào cỏi vinh quang sáng ngời.

Xin cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria hằng gắn bó chặt chẻ với Chúa Giêsu để kín múc sức mạnh và sự sống nơi Người, vì“nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22). Nhất là luôn biết chu toàn giới luật Tình Yêu mà Chúa chỉ dạy qua việc tận tâm phục vụ tha nhân theo gương Mẹ Maria, hầu xứng danh là con Mẹ và xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời. Xin Mẹ thương giúp chúng con!

Thứ năm: Mt 18,21-19,1

Có thể nói: tha thứ chính là đỉnh cao của lòng thương xót. Thánh Tôma đã nói: “Tha thứ cho người khác là thương xót họ, đó là việc to lớn hơn việc tạo dựng thế giới”. Thật vậy, hành động cao quý nhất của con người để giống TC chính là sự tha thứ. Nhưng thực tế cho thấy tha thứ không dễ chút nào: tha thứ 1 lần còn khó, huống chi tha thứ hoài, tha thứ mãi như lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay quả là quá khó hơn cả vượt sông sâu, leo núi cao hiểm trở. Bởi vì muốn tha thứ đòi hỏi ta phải vượt qua biển sâu của tự ái và leo khỏi đỉnh núi cao của kiêu căng, tự mãn.

Nhưng cho dẫu khó khăn như vượt đại dương mênh mông, sâu thẳm, vậy mà dân Do Thái vẫn tiến qua giữa lòng biển Đỏ khô chân, đó mới là điều lạ lùng! Vì đối với Thiên Chúa thì mọi sự không thể đều trở nên có thể, nếu ta biết tin tưởng và phó thác vào uy quyền của Người.

Hơn nữa để giúp ta vượt qua núi cao của kiêu căng, tự mãn mà sẵn sàng tha thứ cho tha nhân, Chúa Giêsu còn khéo léo nhắc nhở chúng ta về một đấng Thiên Chúa giàu lòng thương xót, hằng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta, cho dẫu rất nhiều lần ta xúc phạm đến Chúa nặng nề.

Trong kinh lạy Cha, Chúa Giêsu còn đã dạy chúng ta phải tha thứ cho nhau để được Chúa thứ tha. Xin Chúa cho chúng ta có được tấm lòng thương xót của Chúa để ta cũng hết lòng tha thứ cho anh em mình, nhờ đó mà ta mới xứng đáng đón nhận được sự tha thứ của Chúa. Amen.

Thứ sáu: Mt 19, 3-12

Bất cứ xã hội nào, đất nước nào, tập thể nào, gia đình nào… dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ của nó. Chính những quy định luật lệ sẽ đem lại tính ổn định xã hội và bảo vệ quyền lợi cho con người. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với những người Biệt Phái về sự ràng buộc không thể tháo gỡ trong đời sống hôn nhân“sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.

Luật hôn nhân không phải phát xuất từ định chế của con người, nhưng xuất phát từ ý định của Thiên Chúa. Ngay từ khi tạo dựng con người “ Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt” (St 1, 24).

Đã là định chế do chính Thiên Chúa thiết lập (gọi là Thiên luật) thì đòi buộc mọi người đều phải tuân giữ, còn nhân luật (là luật do con người quy ước) thì có tính tương đối và sẽ bị điều kiện hoá bởi hoàn cảnh, thời gian, không gian, nền văn hoá… nên có thể thay đổi và cần được thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, thời đại. Nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế khi nhân luật và Thiên luật đòi buộc cùng lúc, ta cần phải ưu tiên cho Thiên luật. Vì vậy, khi những người Pharisêu đề cập đến chuyện Môsê cho phép ly dị, thì ngay lập tức Chúa Giêsu đã nói đến sự bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định lại sự bất biến mang tính bó buộc của Thiên luật về hôn nhân là bất khả phân ly. (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).

Xin Chúa cho các đôi vợ chồng luôn ý thức lời thề hứa chung thủy với nhau trong ngày thành hôn,  và ban cho họ dồi dào ơn thiêng để họ đủ nghị lực vượt qua những thách đố trong đời sống hôn nhân và gia đình ngày hôm nay, mà trung tín mãi với nhau đến trọn đời.

Thứ bảy: 19, 13-15

Tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu quan tâm cách đặc biệt đến các trẻ nhỏ, là thành phần bị xã hội Do Thái bấy giờ xem thường và bỏ rơi. Qua đó Ngài cũng muốn nhắc nhở chúng ta ngày hôm nay cũng hãy “cứ để trẻ em đến với Thầy! Đừng ngăn cấm chúng”. Ngài còn quả quyết rằng: “Nước Trời là của những ai giống như chúng”.

Với lời nhắc nhở và quả quyết ấy: trước hết, Chúa muốn nhắc nhở bổn phận của xã hội là hãy tôn trọng quyền sống, cũng như những quyền lợi chính đáng mà các em được hưởng. Tiếp đến, Chúa cũng nhắc nhở những người cha người mẹ ý thức chu toàn tốt bổn phận của mình trong việc nuôi dạy con cái. Nên nhớ điều quan trọng là tránh mọi hình thức gây nên gương mù, gương xấu làm ảnh hưởng nguy hại đến tâm lý và thể lý của các trẻ nhỏ.

Cuối cùng, Chúa muốn tất cả chúng ta phải thấm nhuần và thực hiện những đức tính cao quý nơi các em nhỏ đó là: tình yêu chân thành và lòng trung tín sắc son.

Xin Chúa cho chúng ta học được nơi các trẻ nhỏ bài học của tình yêu chân thành trong sáng và lòng trung tín sắc son với Chúa và với nhau theo mẫu gương của Mẹ Maria mà hôm nay chúng ta kính nhớ, để ta  xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời.