Suy Niệm Lời Chúa Tuần III MV
Lm Seoka
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, NĂM C..
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, NĂM C
Cùng với GH, hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ 3 mùa vọng, Chúa nhật màu hồng. Màu hồng diễn tả niềm vui và hy vọng. Vui vì lễ giáng sinh kỉ niệm biến cố Con Thiên Chúa làm người cứu độ nhân trần đã đến gần. Hy vọng vì Thiên Chúa là Người Cha giàu lòng thương xót sẵn sàng tha thứ tội lỗi và ban dư tràn ơn phúc cho ta, nếu ta biết thành tâm sám hối, canh tân đời sống.
Để giúp ta hưởng trọn niềm vui và hy vọng ấy, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tích cực thực thi đức bác ái và nỗ lực sống ngay chính trong sứ vụ và bổn phận của mình. Xin Chúa giúp mỗi chúng ta biết khiêm tốn mở lòng đón nhận và mau mắn thi hành lời Chúa chỉ dạy. Nhờ đó, niềm vui và hy vọng ơn cứu rỗi sẽ đến trong tâm hồn của mỗi chúng ta.
– Bài đọc 1 trích sách tiên tri Xôphônia cho chúng ta biết lý do tại sao dân tộc Do Thái phải vui mừng. Đơn giản là vì mặc dù dân chúng đang sống trong tình trạng bất trung, tội lỗi; đáng ra họ phải bị Thiên Chúa giáng họa. Nhưng với lòng thương xót, Thiên Chúa đã rộng lòng tha thứ nên đã rút lại án phạt. Cũng thế, với tình trạng đất nước suy đồi về đạo đức, lẽ ra họ phải chịu cảnh nước mất nhà tan. Nhưng Thiên Chúa lại yêu thương quan phòng, bảo vệ đất nước họ vượt thoát khỏi sức mạnh giày xéo của quân thù.
– Bài đọc 2, trích thư gửi tín hữu Philipphê. Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Philipphê hãy vui luôn trong Chúa. Đây không phải là một niềm vui hời hợt, thoáng qua bên ngoài, nhưng là niềm vui sâu xa và vững bền. Tuy nhiên để có được niềm vui bền vững này, một mặt họ phải đặt trọn niềm tin vào tình thương của Chúa; mặt khác họ phải tích cực sống hiền hòa và rộng rãi với hết mọi người.
– Còn bài tin mừng hôm nay thì cho chúng ta biết: làm thế nào để hưởng trọn niềm vui trong Chúa? Gioan Tẩy Giả với sứ mạng dọn đường cho Chúa đến, đã thúc giục mỗi người chúng ta phải sám hối và canh tân đời sống. Sám hối và canh tân đời sống bằng hai cách: Một là tích cực thực thi đức bác ái. Hai là nỗ lực sống ngay chính trong sứ vụ và bổn phận của mình.
* Lời kêu gọi của Gioan Tiền Hô không chỉ chung chung, nhưng rất cụ thể cho từng hạng người:
- Đối với hết mọi người dân: Để sám hối và đổi mới đời sống, Gioan Tẩy Giả kêu gọi hãy thực thi đức bác ái Kitô giáo: “Ai có 2 áo chia người không có; ai có của ăn cũng làm như vậy”. Bác ái Kitô giáo là việc làm vô vị lợi không màn đến danh lợi, cũng không nhằm phô trương đánh bóng tên tuổi. Bác ái Kitô giáo không phải là cho đi những thứ dư thừa nhưng là cho đi những gì thiết thân nhất cho nhu cầu cuộc sống của ta. Bà góa dâng cúng 2 đồng tiền kẽm vào đền thờ là gương mẫu cho bác ái Kitô giáo.
Thật ra làm bác ái không khó. Không khó, bởi vì thông thường chúng ta chỉ cho đi những gì dư thừa. Mỗi năm, chúng ta chỉ cần mặc ba bốn bộ đồ hay mang vài ba đôi dép… là đủ. Nhưng thực tế, nhiều người trong chúng ta lại sở hữu lên đến vài chục bộ đồ, hàng chục đôi giày dép, mà những thứ dư thừa này luôn nằm im trong tủ, không bao giờ ta xử dụng đến. Nên khi cho đi những thứ ấy không khó chút nào. Nhưng cho đi với tình thần bác ái Kitô giáo thì không dễ, bởi nó đòi hỏi chúng ta phải chia sẻ những gì chúng ta cần, chứ không phải những gì dư thừa. Tuy nhiên nếu chúng ta có được niềm tin và tình yêu vào Chúa thì chúng ta sẽ làm được.
- Còn đối với những người làm nghề thu thuế và binh nghiệp:Đây là hai ngành nghề nhạy cảm và bị mang tiếng là bất chính với cái nhìn của người Do Thái thời bấy giờ. Vì thế, Gioan Tẩy Giả mời gọi họ hãy sống đúng với chức năng và nghề nghiệp mình:
+ Là người thu thuế hãy giữ đức công bình. Đừng vì ích lợi cá nhân mà tăng thuế bòn rút xương máu đồng bào để bỏ túi riêng.
+ Là những binh nghiệp hãy cầm súng bảo vệ biên cương bờ cõi và giữ gìn an ninh trật tự xã hội, chứ đừng dùng sức mạnh súng đạn mà hà hiếp, khống chế bắt nạt dân lành. Như thế, Gioan không hề kêu gọi họ bỏ nghề nghiệp, nhưng hãy sống với nghề bằng cái tâm trong sáng và tôn trọng quy định của luật lệ.
Mùa vọng là mùa mời gọi chúng ta dọn tâm hồn để Chúa đến, đem niềm vui ơn cứu độ. Nhưng để xứng đáng hưởng niềm vui ơn cứu độ ấy, ta cần phải lắng nghe tiếng Chúa qua lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả mà chừa bỏ những đam mê tội lỗi, những dục vọng bất chính và nỗ lực canh tân đời sống bằng cách tích cực thi hành đức bác ái Kitô giáo theo khả năng và chức phận của mình trong tinh thần khiêm tốn. Làm được như thế, chắc chắn ta sẽ cảm nhận được niềm an vui sâu xa nơi tâm hồn. Một niềm an vui trọn vẹn và bền vững “không ai sẽ lấy mất được” (Ga 16,22).
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tích cực chu toàn tốt bổn phận hàng ngày và nỗ lực thi hành tốt đức bác ái kitô giáo trong môi trường gia đình và ngoài xã hội. Được như vậy, ta mới cảm nhận được niềm an vui ơn cứu độ của Chúa qua từng phút giây trong đời sống.
17/12. Thứ hai: Mt 1,1-17
Theo lịch phụng vụ, hôm nay chúng ta bước vào giai đoạn thứ hai của mùa vọng. Giai đoạn này kéo dài một tuần lễ, từ ngày 17 đến 24 tháng 12, nhằm chuẩn bị gần để mừng đại lễ Giáng Sinh, tưởng niệm biến cố Chúa Kitô đã ngự đến trần gian lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại.
Khởi đầu cho gia đoạn này, GH cho chúng ta nghe lại bảng gia phả của Chúa Giêsu Kitô do thánh sử Matthêu trình bày. Có lẽ mỗi khi đọc hay nghe bảng gia phả này, chúng ta cảm thấy không có gì lý thú. Nhưng nếu đọc kỹ với tâm tình cầu nguyện, chúng ta cũng cảm nhận nhiều điều Chúa muốn nói với ta. Rất riêng, tôi cảm nhận 3 điều:
- Trước hết bảng gia phả này muốn minh chứng Đức Giêsu là Đấng Messia và là Người Con của lời hứa.
– Theo Tin mừng của thánh Luca thì gia phả của Chúa Giêsu được tính từ thời thánh Giuse lên đến thời tổ tông loài người là ông Ađam. Còn bảng gia phả của thánh Matthêu lại bắt nguồn từ tổ phụ Abraham trở xuống. Nhưng lại nhấn mạnh đến tước vị của Đức Giêsu là Chúa Giêsu Kitô là con vua David và con của Abraham.
– Rồi đến con số 14. Matthêu chia bảng gia phả thành 3 phần bằng nhau, với 3 thời kỳ. Mỗi thời kỳ gồm có 14 đời: từ Abraham đến vua David, 14 đời. Từ vua David đến thời lưu đày Babylon, 14 đời. Từ thời lưu đày Babylon đến Chúa Giêsu Giáng sinh, 14 đời. Có thể cách chia như vậy không chính xác lắm, nhưng Matthêu muốn nhấn mạnh đến con số 14 là để minh chứng nguồn gốc xuất thân của Đức Giêsu gắn liền với dòng tộc vua David. Bởi theo tiếng Hy Bá Lai thì người ta chỉ viết các phụ âm thôi, còn người đọc phải thêm các nguyên âm vào sau phụ âm theo ý nghĩa của mạch văn. Mà tên David được viết là D+V+D. Nếu tính theo giá trị con số thì D=4; V=6; D=4, như vậy tổng giá trị của các phụ âm này là 4+6+4= 14.
* Những điều trên, Matthêu ngầm minh chứng cho người Do Thái hiểu rằng: Đức Giêsu chính là đấng Messia, bởi được sinh ra trong dòng tộc vua David; đồng thời Ngài cũng là con của Abraham, nghĩa là Người Con của lời Chúa hứa.
- Tiếp đến bảng gia phả nhấn mạnh đến tình thương và ơn cứu độ phổ quát của TC.
Trong bảng gia phả, Matthêu nêu tên rất nhiều hạng người. Trong đó có những người tốt lành thánh thiện nhưng cũng không ít những người xấu xa, tội lỗi. Đặc biệt trong đó có nêu tên 4 người phụ nữ. Mà những người phụ nữ này đều có vấn đề.
– Nàng Thamar: là con dâu của gia đình Giu-đa. Nhưng sau khi chồng nàng chết, gia đình Giuđa lại không cưới nàng cho người con út theo tập tục Do Thái, nên nàng đã giả dạng làm kỹ nữ mà ăn ở với ba chồng là ông Giuda để sinh con nối dõi tông đường (St 38).
– Nàng Rahab: là kỹ nữ người Giêricô. Nàng có công trong việc che giấu những người thám thính thời ông Giô-sê. (x. Gs 6,22-25)
– Nàng Rút: là thiếu nữ dân ngoại, người Mô-áp. Nhưng vì lòng hiếu thảo với mẹ chồng đã về chung sống tại Bêt-lem và kết hôn với Booz là ông cố nội của vua Đavit.
– Nàng Bat-sa-ba vợ của Uria: Nhưng bà đã ngoại tình với vua Đavit và đã sinh ra vua Salomon (x. 2Sm 11, 2-12,25).
Cho dẫu dòng tộc ấy có nhiều bất toàn, nhưng Đức Giêsu đã sẵn sàng đi vào dòng tộc đó. Người chấp nhận gắn kết đời mình với những con người tội lỗi và ngoại giáo. Tất cả nhằm minh chứng cho một tình yêu lớn lao và ơn cứu độ phổ quát mà TC dành cho hết mọi người.
- Cuối cùng bảng gia phả xác quyết Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế.
Ngay từ đầu nếu để ý, ta nhận thấy bảng gia phả trình bày theo thứ tự ông này sinh ra ông kia. Nhưng khi đến Chúa Giêsu thì Matthêu lại không trình bày theo nguyên tắc ấy mà Matthêu lại cho biết Đức Giêsu được sinh ra bởi một người nữ tên là Maria, do quyền năng của Thánh Thần. Điều này minh chứng cho biết Đức Giêsu được sinh ra không bởi người nam, nhưng do quyền năng của Thánh Thần. Nên Ngài thuộc dòng dõi thần linh, là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế mà TC đã hứa ban cho nhân loại ngay sau khi nguyên tổ phạm tội.
Kế hoạch của TC thật vĩ đại, khó hiểu với đầu óc hạn hẹp của con người. Từ một dân tộc bất trung, phát xuất từ những con người nhiều tội lỗi, nhưng TC lại chấp nhận đi vào dòng lịch sử và dòng đời có nhiều bất toàn ấy, để hoàn thành chương trình cứu độ theo lời hứa của Người một cách kì diệu đến ngỡ ngàng!
Trước kế hoạch kì diệu của TC, xin cho chúng ta biết khiêm tốn mở lòng đón nhận mầu nhiệm ơn cứu độ của Người bằng tâm tình cảm mến tri ân. Nhất là biết sống bao dung, tha thứ và hòa hợp với hết mọi người, bởi ý thức rằng Chúa đã chấp nhận đi vào cuộc đời ta là những kẻ tội lỗi, để Người yêu thương tha thứ và cứu độ ta.
Suy niệm 2:
Khi đọc và suy niệm về bảng gia phả của Đức Giêsu, chúng ta không khỏi ngạc nhiên, bởi vì: Đức Giêsu là Thiên Chúa thánh thiện, tốt lành vô cùng. Nhưng vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm nên Chúa đã chấp nhận xuống thế làm người và đã sinh ra trong một dòng tộc bao gồm đủ mọi thành phần. Trong đó có người tốt, nhưng đa phần lại là những người xấu và tội lỗi như: tổ phụ Giacóp đã giành quyền trưởng nam của anh mình; Đavít vị vua tốt lành nhưng lại cướp vợ Uriagia; Salômôn vị vua khôn ngoan nhưng lại sa đọa; bà Rút là dâu hiền nhưng lại là dân ngoại; Tama là gái điếm; Bathsheba vợ của ông Urigia nhưng lại chấp nhận cho vua Đavít cưỡng đoạt … Qua đó cho ta hiểu rằng: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Chúa chấp nhận đi vào dòng lịch sử nhân loại với đầy những khiếm khuyết để chia sẻ, đồng cảm nhằm cứu độ nhân loại tội lỗi. Đó quả là ân sủng lớn lao mà Thiên Chúa dành cho con người.
Mỗi người chúng ta khi sinh ra cũng được Thiên Chúa sắp xếp trong một đất nước, một dân tộc và một gia cảnh khác nhau. Nơi ấy người tốt và người xấu cùng sống chung với nhau. Là những Kitô hữu, Chúa còn đặt chúng ta vào trong môi trường, hoàn cảnh gia đình và Họ đạo, xã hội… khác nhau. Môi trường, hoàn cảnh ấy bao giờ cũng có người tốt kẻ xấu; thánh thiện và tội lỗi; công chính và bất lương… Môi trường và hoàn cảnh mà chúng ta đang sống có khi thuận lợi, nhưng lắm khi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, bất lợi. Dẫu vậy, chúng ta phải luôn tin rằng: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9).
Xin Chúa cho chúng ta biết vui lòng đón nhận tất cả mọi người, mọi nghịch cảnh xảy ra nơi gia đình cũng như xã hội chúng ta đang sống, mà không kêu ca, phản kháng. Trái lại luôn biết đặt tin tưởng phó thác vào đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa để nỗ lực thi hành tốt ơn gọi và bổn phận của mình theo thánh ý Chúa, Ngõ hầu mang niềm vui Tin mừng của Chúa đến cho mọi người.
18/12. Thứ ba: Mt 1,18-24
Thánh Giuse được GH gọi là thánh cả, bởi nơi ngài có rất nhiều nhân đức cao trọng. Nhưng nếu đặt biến cố thiên thần Gabriel truyền tin cho thánh Giuse trong bố cảnh mùa vọng, thì lời Chúa hôm nay như mời gọi chúng ta hãy học nơi thánh Giuse mẫu gương của cầu nguyện và thi hành đức bác ái, nhằm chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để đón mừng mầu nhiệm giáng sinh gần kề.
- Thánh Giuse mẫu gương của cầu nguyện.
Để nhận ra thánh ý Chúa, điều kiện tiên quyết phải là gắn bó mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện. Nói như thế, thì thánh Giuse chính là mẫu gương của cầu nguyện. Chắc hẳn cả đời thánh Giuse phải là lời cầu nguyện liên lỉ, nhờ đó mà ngài dễ dàng nhận ra thánh ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời.
Tin mừng cho biết ít nhất có 3 lần thánh Giuse được Thiên Thần Chúa báo mộng:
– Lần thứ nhất: Tin mừng cho biết, trước khi về chung sống với Đức Maria, thì Đức Maria đã mang thai. Nhận ra điều đó, thánh Giuse đã định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng nhờ âm thầm gắn bó với Chúa bằng đời sống cầu nguyện mà thánh Giuse đã nhạy bén nhận ra Đức Mẹ chịu thai là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Còn Hài Nhi mà Đức Maria đang mang là Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Vâng theo lệnh truyền của Chúa, ngay lập tức thánh Giuse đã đón nhận Maria về nhà làm bạn mình.
Lần thứ hai: Vì lo sợ mất ngai vàng nên nhà vua Hêrôđê đã ra lệnh tìm cách giết Hài Nhi. Nhận biết điều đó qua lời mộng báo của Thiên Thần, thánh Giuse đã nhanh chóng đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập để lánh nạn.
Lần thứ ba: Sau khi vua Hêrôđê băng hà, lập tức thánh Giuse lại được thiên thần Chúa báo mộng lần nữa là đem Hài Nhi trở về lại quê hương. Thánh nhân đã vâng phục thánh ý Chúa, đưa gia đình về Palestin và sống ẩn dật tại làng quê Nagiarét.
Như thế thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, thánh Giuse cũng đều nhạy bén nhận ra thánh ý của Chúa và mau mắn thi hành. Có được như vậy là vì ngài luôn sống mật thiết với Chúa trong bầu khí của âm thầm cầu nguyện.
- Thánh Giuse mẫu gương đời sống bác ái.
Biết được Đức Maria mang thai mà tác giả không phải là của mình, thay vì theo phản ứng tự nhiên thánh Giuse chỉ cần đưa Đức Maria ra tố cáo. Chắc chắn Đức Maria sẽ bị ném đá cho đến chết chiếu theo luật Do Thái thời bấy giờ. Nhưng thánh Giuse đã không hành xử như thế. Trái lại, ngài chọn giải pháp âm thầm rút lui bằng cách “định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”. Cách xử như thế cho thấy thánh Giuse là một con người độ lượng và giàu lòng bác ái.
Hơn thế nữa để chăm sóc Đức Maria không phải là vợ của ngài đúng nghĩa và nuôi dưỡng Chúa Giêsu không phải là con ruột ngài, trong một hoàn cảnh khó nghèo nơi làng quê Nazareth sẽ không dễ dàng chút nào. Cuộc sống ấy đòi hỏi thánh Giuse phải hy sinh rất nhiều. Nếu không có tình bác ái cao thượng, chắc hẳn ngài sẽ không chu toàn tốt được sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó.
Mùa vọng sắp kết thúc, đây là thời điểm chúng ta phải chuẩn bị mọi thứ linh tinh bên ngoài để mừng đại lễ Giáng sinh. Là những người kitô hữu, xin cho chúng ta đừng quá mãi mê thế sự mà quên đi chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để cho Chúa ngự vào. Cách chuẩn bị xứng hợp nhất trong những ngày này là ta hãy cố gắng chu toàn tốt bổn phận cầu nguyện và nỗ lực sống tình bác ái với nhau, theo mẫu gương của Thánh Giuse.
19/12 . Thứ tư: Lc 1, 5-25
Gần đến lễ giáng sinh sẽ có rất nhiều niềm vui bất ngờ đến với ta. Niềm vui khi nhận được những cánh thiệp giáng sinh xinh xinh của những người quen. Niềm vui khi đọc được những dòng tin nhắn chúc mừng giáng sinh thật ý nghĩa của người thân yêu. Niềm vui khi đón nhận được những món quà giá trị do bạn bè gửi tặng. Vui vì được sum hợp bên gia đình với những bữa cơm đầm ấm của ngày lễ…
Tin mừng hôm nay cũng nói đến niềm vui bất ngờ mà TC hứa sẽ tặng ban cho ông bà Giacaria và Elisabeth. Đó là bà “Elisabeth vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan”.
Đây quả là một món quà vô cùng lớn lao mà TC thương ban cho ông bà. Cao quý bởi vì quà TC ban tặng không phải là món quà vật chất, nhưng chính là người con mà ông bà luôn hằng mong mỏi đợi chờ. Cao quý vì với qùa tặng này TC sẽ làm tan biến hết mọi nỗi tủi nhục mà hai ông bà đã gánh chịu suốt bao năm dài. “Chúa đã làm cho tôi thế nầy, trong những ngày Người đoái thương, cất nổi khổ nhục tôi khỏi người đời”.
Có lẽ chính vì quá bất ngờ trước hồng ân lớn lao mà TC thương ban, nên đã làm cho ông Giacaria vui mừng đến ngỡ ngàng đến nỗi không thể thốt nên lời! Chỉ có thinh lặng trong cầu nguyện, Giacaria mới có thể cảm nếm được thế nào là mầu nhiệm tình thương cao cả của TC.
Tuy nhiên, để đón nhận được món quà cao quý và tận hưởng niềm vui lớn lao ấy, ông Giacaria và bà Elisabeth đã phải nỗ lực sống đời công chính và âm thầm cầu nguyện trong gần hết cuộc đời.
Muà giáng sinh này chắc mỗi chúng ta cũng có những niềm vui. Nhưng niềm vui lớn nhất vẫn là niềm vui được Thiên Chúa yêu thương nên đã ban tặng cho ta chính Người Con yêu quý của Người là Hài Nhi Giêsu. Xin cho chúng ta cảm nhận được niềm vui lớn lao đó mà kiên tâm sống đời công chính và kiên trì cầu nguyện để đón nhận được niềm vui ơn cứu độ.
20/12. Thứ năm: Lc 1, 26-38
Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, khởi đầu cho chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn gọi Đức Maria cộng tác trong việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế và Đức Maria đã đáp lời bằng hai tiếng “xin vâng”.
Mỗi khi đọc “kinh kính mừng” là chúng ta nhắc lại lời sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria khi xưa: “kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ….” .
Lời truyền tin này là một lời chào chúc quý giá và mang giá trị hết sức cao cả. Bởi lẽ, có ơn phúc nào cao lớn cho bằng ơn phúc được Thiên Chúa ở cùng (chính Chúa là nguồn mọi ơn phúc và Đấng ban ơn phúc. Được Thiên Chúa ở cùng thì có mọi ơn phúc nơi mình rồi). Và có hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc được Thiên Chúa ưu ái chọn làm Mẹ Thiên Chúa. (Được chọn làm mẹ vua đã là vinh dự và ơn phúc quá lớn rồi huống chi là Mẹ Vua Trời).
Ý thức sứ mạng cao quý ấy trong vui mừng khôn tả vượt trí hiểu, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa như thế nào? Nhưng sau khi được Thiên Thần giải thích, Đức Maria biết đó là ý định Thiên Chúa, dù không hiểu hết, nhưng Đức Maria vẫn khiêm tốn ngoan ngoãn vâng nghe.
Có nhiều điều xảy ra trong đời sống vượt ngoài trí hiểu và khả năng chúng ta, chúng ta cảm thấy không thể thực hiện được, nhưng“đối với Thiên Chúa thì mọi chuyện đều có thể”. Từ không, Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ vạn vật chỉ bằng lời phán truyền. Từ bùn đất, Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Bằng quyền năng, Thiên Chúa đã làm cho bà Isave cao niên và son sẻ mang thai và sinh con. Nên việc cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế vẫn đồng trinh đối với Đức Maria là chuyện bình thường. Do đó, nếu ta biết tin tưởng và khiêm tốn để Chúa hành động nơi cuộc đời của ta như Đức Maria, thì Chúa cũng sẽ làm những điều kì diệu trên đời ta.
Tuy dẫu Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự. Nhưng Thiên Chúa lại yêu thích con người cộng tác với Chúa.
Để chọn gọi dân riêng, Chúa đã mời gọi tổ phụ Abraham cộng tác, và Abraham đã vâng lời bỏ xứ sở ra đi theo ý định Thiên Chúa. Thế là một dân riêng của Chúa đã hình thành.
Để cứu dân tộc Israel ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập, Thiên Chúa đã mời gọi Môsê cộng tác, dù sợ hãi về sự kém cỏi của mình, Môsê vẫn vâng phục ý muốn của Chúa. Thế là cuộc giải phóng đã hoàn tất.
Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa chọn Đức Maria, một người thiếu nữ bình thường, nghèo khó làm mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ đã ngoan ngoãn tin tưởng vâng nghe. Thế là chương trình cứu độ từ ngàn đời của Thiên Chúa được thực hiện.
Để cứu độ mỗi chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Chúa. Như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứ độ con Chúa cần con cộng tác”.
Xin cho chúng ta biết noi gương Đức Maria biết khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh mà tích cực cộng tác với ơn cứu độ của Chúa để cứu chính mình và qua ta ơn cứu độ đến được với tha nhân.
21/12. Thứ sáu: Lc 1,39-45
Sự kiện Đức Maria ra đi thăm viếng bà Isave để lại cho chúng ta hai bài quý giá.
- Bài học của từ bỏ hy sinh
Khi chấp nhận ra đi thăm người chị họ Isave là Đức Maria đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ:
– Bỏ mái ấm gia đình với những gì đang có, như sự yên hàn, những tiện nghi, dẫu là tiện nghi tối thiểu.
– Bỏ lại những công việc gia đình hàng ngày và những thói quen nhỏ nhặt.
– Bỏ những bận tâm lo lắng cho bản thân và gia đình mình.
Từ bỏ những gì quen thuộc với mình là điều rất khó. Thế nhưng, nếu không dám từ bỏ thì không thể lên đường.
Sự cất bước lên lên đường của Đức Maria cần phải hy sinh.
– Hy sinh chỗ ở thân quen, chỗ nằm êm ấm cho dẫu là nhà tre vách lá, chiếu rách giường xiêu.
– Hy sinh mang lấy hành trang nặng nề trên vai gầy và tiến bước nặng nhọc đang lúc lòng mang dạ chữa.
– Hy sinh chịu gian lao thử thách để băng qua những vùng đồi núi, sa mạc, giữa bầu trời nắng gắt với bao là hiểm trở, đói khát dọc đường.
Đến với những nơi phồn hoa phố thị, vào với những biệt thự sang trọng, gặp gỡ những đại gia, được đón tiếp nồng hậu, được thết đãi bởi những bữa ăn cao lương mỹ vị đã là một hy sinh; huống chi ra đi đến những nơi đèo dốc hiểm trở, vào ở trong ngôi nhà nghèo nàn như nhà của Giacaria có lẽ chẳng ai muốn bao giờ. Hơn nữa đến viếng thăm gia đình của Giacaria chẳng phải được phục vụ, trái lại Đức Maria còn phải phục vụ chăm sóc cho bà Isave trong lúc sắp sinh nở quả là một hy sinh lớn lao.
Nhưng điều mà con người không muốn ấy, thì Đức Maria lại thực hiện nhanh chóng bằng cách “vội vả lên đường”.
Động lực nào đã thúc đẩy Đức Maria ra đi thăm viếng bà Isave? Nếu không phải xuất phát từ tình yêu. Chính tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ, chấp nhận hy sinh để ra đi thăm viếng và giúp đỡ người chị họ mình trong lúc khó khăn. Chính tình yêu thúc bách Đức Maria ra đi để chia sẻ niềm vui. Vui vì đang cưu mang Đấng Cứu Thế. Niềm vui ấy mong muốn được chia sẻ cùng người chị họ và cho gia đình Giacaria. Vui vì“có Chúa ở cùng”.
- Bài học của yêu thương phục vụ.
Không chỉ đơn thuần thăm viếng để chia sẻ niềm vui, Mẹ còn chấp nhận hy sinh thời giờ và công việc gia đình để ở lại với người chị họ, không phải một giờ, hai giờ, một ngày, hai ngày mà là suốt ba tháng dài.
Ở lại không phải để được phục vụ, để sống trong cảnh nệm êm chăn ấm, nhưng là để giúp đỡ người chị họ đang mang thai và sinh con trong lúc tuổi già. Đức Maria “đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ”.
Ngày nay, thời đại văn minh, tiến bộ con người không còn nhiều thời gian thăm viếng nhau. Có chăng người ta chỉ thăm nhau bằng một cú điện thoại hay vài hàng chữ qua Email, họa hiếm lắm người ta mới đến với nhau với tính cách xã giao, hời hợt. Giữa cuộc sống bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, vất vả nhọc nhằn, việc đến thăm nhau chân tình là điều rất quý. Nhất là thăm viếng mục vụ, lại là việc làm cao quý biết bao.
Thăm viếng một bệnh nhân để lắng nghe họ tâm sự cũng là góp phần chữa lành họ. Có mặt bên cạnh một một gia đình đang gặp chuyện bất hoà để chia sẻ nỗi niềm của họ cũng là góp phần hàn gắn gia đình họ trước nguy cơ rạn vỡ. Thăm viếng những gia đình trễ nãi, ngụi lạnh để hâm nóng lại tình người, tình Chúa, cần thiết lắm thay! Thăm viếng những gia đình nghèo khổ, những người bệnh nhân già yếu để chia sẻ, an ủi, động viên và cũng cố đức tin là nhiệm vụ hết sức quan trọng của người kitô hữu và rất cần thiết trong những ngày cuối mùa vọng này.
Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria trong mùa vọng và giáng sinh này biết tích cực lên đường đem Chúa đến với tha nhân trong niềm vui chia sẻ và phục vụ chân thành. Hầu niềm vui ơn cứu độ của Chúa được lan tỏa đến với mọi người và mọi nơi.
22/12. Thứ bảy: Lc 1, 46-56
Trong những ngày cuối cùng của mùa vọng này, có lẽ không có tâm tình nào xứng hợp hơn cho bằng tâm tình tạ ơn. Nhưng tâm tình tạ ơn cao đẹp nhất vẫn là tâm tình ngợi khen của Đức Mẹ qua lời kinh Magnificat.
Chính vì thế mà giờ phút này, chúng ta cùng hiệp với tâm tình của Mẹ Maria trong lời kinh ngợi khen (Magnificat) để dâng lên Thiên Chúa lời tôn vinh cảm tạ vì “biết bao điều trọng đại Chúa đã làm”trên cuộc đời chúng ta. Một trong muôn điều trọng đại ấy là Chúa đã thương ban cho chúng ta được làm người và làm con Chúa.
Xin cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria, sẵn sàng mở lòng đón nhận mọi ơn ban của Chúa, và tích cực đáp trả cách trọn vẹn ơn gọi và sứ mạng Chúa trao ban, để cộng tác tích cực vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.