Suy Niệm Lời Chúa Tuần XXIII Thường Niên
Lm Seoka
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A.
Thứ ba 08/09: Kính Nhớ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria.
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A
Mt 18, 15-20
Đoạn tin mừng hôm nay ghi lại 3 lời giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: 1 Cách thức sửa lỗi huynh đệ, 2 trao ban quyền tháo cởi 3 và sức mạnh của lời cầu xin hiệp nhất. Những lời giáo này rất cần cho đời sống cộng đoàn.
- Sửa lỗi huynh đệ.
Lầm lỗi là chuyện thường tình của con người, bởi “nhân vô thập toàn”. Nên sửa lỗi cho nhau là việc làm cần thiết và là trách nhiệm của mỗi người trong đời sống chung. Vì thế rất mong mọi người quan tâm.
Lỗi lầm không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến tập thể vì nó phá vỡ tình hiệp thông giữa các thành phần trong cộng đồng xã hội. Nhưng tâm lý tự nhiên ai trong chúng ta cũng e ngại đến việc sửa lỗi. Bởi nếu sửa lỗi không khéo, ta sẽ làm cho người được ta sửa lỗi khó chịu và thù ghét; lắm khi còn bị người đời lên án là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.” Nên chẳng lợi lộc gì cho bản thân mà còn gây ra bao lụy phiền cho mình và gia đình. Tuy nhiên không vì thế mà ta lại dững dưng trước sai lỗi của người anh em mình, vì Chúa đã nói: “Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình.” Chính vì mối lợi ấy, đòi buộc ta phải có trách nhiệm sửa lỗi cho nhau.
Để việc sửa lỗi huynh đệ mang lại hiệu quả tốt đẹp, ta cần phải tuân theo phương cách do chính Chúa Giêsu chỉ dạy trong bài Tin mừng hôm nay. Phương cách này là một tiến trình bao gồm những bước sau:
– Trước hết “một mình anh với nó mà thôi.” Nghĩa là cuộc gặp gỡ kín đáo, giữa hai người với nhau thôi, nhằm tạo được cảm giác an toàn cho người bị sai lỗi. Cuộc gặp gỡ thân tình giữa hai người như vậy cho thấy sự tôn trọng, lòng quý mến mà ta dành cho người tội lỗi. Nếu như bước này không có kết quả?
– Ta mới tiến hành bước tiếp theob“Đem theo một hay hai người làm chứng.” Nhằm chứng thực về lầm lỗi của người anh em ấy. Bởi theo Luật lệ người Do Thái thì lời chứng của hai hay ba người mới là sự thật và có giá trị. Gỉa như bước này mà người anh em của ta tiếp tục cố chấp không nhìn nhận sai lỗi của mình, thì ta lại phải kiên nhẫn tiến hành bước thứ ba.
– Đó là đưa ra cộng đoàn “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa cộng đòan.” Và “Nếu cộng đòan mà nó cũng chẳng nghe, thì ta mới kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” Nhưng hãy luôn nhớ rằng, trong mọi hoàn cảnh, ta cần phải giữ được tinh thần bác ái, với ước muốn giúp người anh em mình ý thức được sai lầm mà sửa đổi. Sau khi đã cố gắng hết mọi cách mà người anh em mình vẫn không chịu nhận lỗi và sửa đổi, thì ta mới coi như họ đã tự cô lập chính mình với cộng đoàn, “bó tay!”. Việc còn lại ta cần làm là cầu nguyện và phó thác người anh em ấy cho lòng nhân từ của Chúa.
- Quyền tháo cởi.
Quyền tháo cởi hay tha thứ là thuộc về TC. Tuy nhiên, Chúa lại trao ban quyền ấy cho các tông đồ và tiếp nối các ngài là những vị mục tử của Chúa trong GH: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.”
Do đó, nếu lỗi lầm nào làm ảnh hưởng đến cộng đoàn GH, thì ta tiến hành sửa lỗi từng bước theo đúng tiến trình như trên. Nhưng nếu lỗi lầm chỉ mang tính cá nhân với nhau, không gây ảnh hưởng xấu đến cộng đoàn GH, thì cách hay nhất là hãy lấy lòng bác ái mà tha thứ cho nhau như chính Chúa đã tha thứ cho ta. Cũng vì mong muốn chúng ta biết tha thứ mãi cho nhau, nên có lần Chúa Giêsu đã dạy Phêrô: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18, 21-22). Trong kinh lạy Cha, Chúa Giêsu cũng đã xác quyết cho chúng ta biết rằng: tội lỗi của ta chỉ được TC tha thứ một khi ta cũng biết tha thứ cho anh em mình. Tha thứ là đặc quyền của Thiên Chúa, tuy nhiên Người lại ban quyền ấy cho con người. Vì thế, chúng ta hãy tận dụng đặc quyền ấy mà sẵn sàng tháo cởi cho nhau, để tâm hồn của ta được bình an và cuộc sống chung được hạnh phúc.
- Lời cầu xin hiệp nhất.
Biết rằng, mục đích cuối cùng của việc sửa lỗi và tha lỗi cho nhau trong đời sống là nhằm kiến tạo sự hiệp nhất yêu thương trong cộng đoàn. Tuy nhiên đây lại là việc làm hết sức khó khăn với khả năng giới hạn của con người, nên rất cần đến ơn Chúa. Để đón nhận ơn Chúa, chúng ta phải hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện hiệp nhất là phương cách hữu hiệu làm đẹp lòng Thiên Chúa và tin rằng sẽ được Người ban ơn: “Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó.”
Xưa kia nếu vì tội lỗi của nguyên tổ đã làm mất hết mọi đặc ân Chúa ban, con người trở nên đau khổ và phải chết. Mà đau khổ nhất vẫn là xa lìa TC và cắt đứt tình hiệp thông với nhau. Nhưng nhờ lời cầu nguyện kết nối ta lại với TC và hiệp nhất ta lại với nhau trong Chúa Giêsu, bởi vì Ngài là Đấng trung gian kết nối giữa trời và đất, giữa TC và con người; hơn nữa Người còn là tâm điểm hiệp nhất mọi người lại với nhau theo như lời Ngài đã phán dạy: “ở đâu, có hai ba người tụ họp với nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy.”
Xin Chúa cho chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận mình còn nhiều thiếu sót lầm lỗi trước Chúa và tha nhân, nhờ đó ta mới dễ dàng đón nhận những lời góp ý chân thành của anh em mà chấn chỉnh lại đời sống mình nên tốt đẹp hơn. Và xin Chúa cũng cho chúng ta biết khôn ngoan áp dụng phương cách sửa lỗi anh em theo phương cách Chúa dạy, với mong muốn giúp nhau chỉnh sửa đời sống cho phù hợp với thánh ý của Chúa, hầu tạo nên được sự hiệp nhất trong cộng đoàn Hội Thánh Chúa. Amen.
Thứ hai: Lc 6, 6-11
Ý nghĩa và mục đích của việc giữ luật ngày Sabat là gì? Đó là điều mà Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta biết trong bài tin mừng hôm nay. Chúng ta hãy chú tâm lắng nghe lời dạy của Chúa mà áp dụng tích cực vào đời sống của mình.
Ý nghĩa của việc nghỉ ngày Sabat được khởi đi từ ý định của Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người trong vòng 6 ngày, ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi. (x. St 1,1-8.27-28-2,3).
Trong dòng lịch sử dân Do Thái, dân chúng đã hiểu và tuân giữ quy luật thiên định ấy. Nhất là trong biến cố vượt qua Biển Đỏ cách lạ lùng. Dân Do Thái đã thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập nhờ sự can thiệp kỳ diệu của bàn tay uy quyền Thiên Chúa. Ý thức về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa dành cho họ cách lạ lùng ấy nên họ đã dành ngày Sabat mà tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa. Chính vì vậy mà ngày Sabat thuở ban đầu được xác định là ngày kính nhớ tình thương tạo dựng và sự sống do Chúa tặng ban. Nhưng trải qua dòng thời gian, ý nghĩa chính của ngày nghỉ Sabat đã bị những người Biệt Phái làm sai lệch. Nên Chúa Giêsu muốn xác định lại ý nghĩa và mục đích đúng đắn của ngày Sabat.
Do ý nghĩa và mục đích chính của ngày Sabat được đặt ra là để “làm việc lành và để cứu sống” chứ không phải giết chết. Nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại làm việc lành, là hy sinh cứu chữa cho người bị bại liệt được khỏi và ban lại cho anh ta sự sống mới.
Xin cho chúng ta ý thức được ý nghĩa và mục đích của việc nghỉ ngày Chúa nhật là để dành thời giờ sống thân tình với Chúa; quan tâm giúp đỡ tha nhân nhất là những người nghèo khổ; nhất là qua đó giúp ta thắng vượt lòng ham mê của cải vật chất của mình, với niềm tin tưởng, phó thác vào lòng thương xót của TC.
Thứ ba 08/09: Kính Nhớ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria
Mt 1,1-16.18-23
Hôm nay GH mừng kính lễ sinh nhật Đức Mẹ Maria, hiệp với tâm tình của Mẹ Maria, chúng ta cùng dâng lên Chúa lòng tôn kính, yêu mến và cảm tạ vì “biết bao điều trọng đại Chúa đã làm.” Một trong muôn điều trọng đại Chúa đã làm là ban cho chúng ta được làm người, làm con Chúa, nhất là được đón nhận ơn cứu độ của Chúa.
Xin cho chúng ta luôn biết noi gương Mẹ Maria biết tích cực mở lòng đón nhận mọi ơn ban của Chúa và cố gắng chu toàn tốt bổn phận của mình để loan báo niềm vui tin mừng của Chúa cho mọi người.
- Đức Giêsu dẫu là Thiên Chúa tốt lành, thánh thiện và quyền năng vô cùng, vậy mà Ngài đã chấp nhận đi vào dòng lịch sử nhân loại và sẵn sàng mang lấy thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Người đã chấp nhận sinh ra trong một dòng tộc bao gồm đủ mọi thành phần. Trong đó có người tốt nhưng đa phần lại là người tội lỗi, thiếu sót như: Gia-cóp dẫu là tổ phụ nhưng đã giành quyền trưởng nam của anh mình; Vua Đavít kính mến Chúa nhưng cũng đầy tội lỗi; Vua Salômôn khôn ngoan tột đỉnh nhưng lại sa đọa; bà Rút là phụ nữ dân ngoại; cô Tama lại là gái điếm; bà Bathsheba vợ của ông Urigia, người đàn bà chung sống bất hợp pháp với vua Đavít … Khi đi vào dòng tộc như thế, Chúa Giêsu muốn chung chia kiếp người và để cứu độ con người.
Mỗi người chúng ta khi sinh ra cũng được Thiên Chúa đặt vào trong một quốc gia, một dòng tộc và sống trong một hoàn cảnh gia đình khác nhau. Nơi ấy có người tốt và người xấu; môi trường đó có khi thuận lợi nhưng có khi bất lợi.
Xin Chúa cho chúng ta biết vui lòng đón nhận tất cả mọi người và mọi nghịch cảnh nơi môi trường chúng ta đang sống với niềm tin tưởng và phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa.
- Để trở nên “Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria và mời gọi Mẹ cộng tác với Ngài trong việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế. Cho dẫu Mẹ không hiểu rõ về tất cả diễn tiến trong đường lối của Thiên Chúa, nhưng Mẹ vẫn sẵn sàng “xin vâng” theo thánh ý Người; cho dẫu gặp phải muôn vàn khó khăn đau khổ phía trước, Mẹ đã can đảm đón nhận tất cả và cố gắng chu toàn sứ mạng Chúa trao một cách xuất sắc.Cũng thế do tình thương và sự quan phòng của Chúa, mỗi người chúng ta cũng được Chúa cho sinh ra trên trần gian này như Mẹ Maria, Chúa cũng trao ban mỗi người chúng ta ơn được làm người, làm con Chúa với những bổn phận và sứ mạng có thể khác nhau… Nhưng sứ mạng nào cũng cao quý và bổn phận nào cũng quan trọng, vì sứ mạng và bổn phận nào cũng nói lên kế hoạch tình thương nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho ta.
Vậy xin Chúa cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria luôn trân trọng sứ mạng Chúa trao ban và ý thức chu toàn tốt nhất bổn phận của mình cách tốt nhất có thể trước mặt Chúa, với niềm hy vọng mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn theo gương Mẹ Maria trinh trong theo lời mời gọi của Chúa: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 3, 48).
Thứ tư: Lc 6, 20-26
Mong muốn lớn nhất của con người là được hạnh phúc thật. Nhưng làm thế nào để đạt được điều mong ước sâu xa đó? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu sẽ hướng dẫn chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe và thực hành lời chỉ dạy của Chúa để cuộc đời ta có được hạnh phúc đích thực. Xin Đức Mẹ ngự bên tòa Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta biết đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc thật và đâu là con đường đưa dẫn đến những hiểm họa không ngờ.
4 cách thế mà Chúa Giêsu hướng dẫn trong đoạn tin mừng thánh Luca hôm nay xem ra mâu thuẫn với lối suy nghĩ của thế gian. Bởi lẽ những gì Chúa Giêsu coi là phúc thì thế gian xem đó là họa và ngược lại những gì Chúa Giêsu xem là họa thì thế gian coi đó là phúc.
Kinh nghiệm cho thấy tiền bạc, của cải, danh vọng, lạc thú không thể đem lại cho con người hạnh phúc đích thực. Đã bao vị vua quyền lực nhất thế gian có đầy đủ những thứ mà người đời xem là hạnh phúc đều cảm thấy bất an và đều buông bỏ lại tất cả sau cái chết. Giàu sang, danh vọng rồi cũng mất; no đủ dư đầy mãi rồi cũng chán nản; hoản hỉ vui cười rồi cũng đau buồn; những lời tung hô chúc tụng tán dương rồi cũng nhạt nhòa. Vì thế gian này hữu hạn rồi sẽ qua đi và đời ta sẽ phải kết thúc sau cái chết.
Điều quan trọng là làm thế nào khi đối mặt với những bất toàn, bệnh tật, đau khổ, túng nghèo…ta vẫn có được hạnh phúc, đó mới là điều quan trọng. Muốn có được hạnh phúc thì phải chấp nhận đón lấy những nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống, bằng cách tập đi vào con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi; vì đó chính là chính lộ dẫn ta đạt đến vinh quang phục sinh. Đó là cùng đích và là hạnh phúc đích thực của đời ta.
Xin cho chúng có được tinh thần buông bỏ những thứ chóng qua đời này mà nắm bắt những giá trị bền lâu cao quý. Nhờ đó ta mới can đảm chấp nhận bước vào con đường hẹp, đường thập giá, đường đưa ta đến bến bờ của hạnh phúc thật.
Thứ năm: Lc 6, 27-38.
Đâu là những tiêu chí cần thiết để trở nên con cái Đấng tối cao và xứng đáng nhận lãnh phần thưởng lớn lao do Thiên Chúa ban tặng? Thưa đó là:
- “Hãy yêu thương địch thù và làm ơn cho những kẻ ghét mình”.
- “Hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình…”.
Thực hiện những tiêu chí ấy do Chúa Giêsu đòi hỏi không phải là điều dễ dàng. Rất khó! Khó nhưng không phải là không thể, bởi lẽ chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Ngài đã yêu thương đến tận cùng bằng cái chết để cho nhân loại được sống. Trên đỉnh cao thập giá, Ngài đã tha thứ cho những kẻ giết hại Ngài và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho chúng: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).
Ngài còn hướng chúng ta đến mẫu gương cội nguồn Tình yêu nơi Thiên Chúa. Một tình yêu phổ quát, dành cho hết mọi loài và mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo. Không giới hạn giới tính nam hay nữ; hoàn cảnh giàu hay nghèo; tình trạng tốt hay xấu… tất cả đều được Ngài yêu thương và chúc lành.
Tình yêu của Chúa tựa như “Mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết cũng như kẻ bất lương” (x. Mt 5, 45). Tình yêu cao vời ấy luôn thôi thúc và vẫy gọi chúng ta bước theo để xứng danh là môn đệ Chúa và được xem là cao quý hơn những con người tội lỗi.
Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn vào đoàn dân thánh và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Xin cho chúng ta biết nghe theo lời dạy của Chúa Giêsu để luôn sống: bao dung- tha thứ, quảng đại- hy sinh cho hết mọi người, nhất là kẻ thù nghịch với chúng ta. Nhờ đó ta mới xứng danh là con cái Đấng Tối Cao, và đón nhận được phần thưởng lớn lao do Thiên Chúa ban tặng.
Thứ sáu: Lc 6, 39-42
Chúa dạy chúng ta: “Các con phải nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Tuy nhiên Chúa không muốn chúng ta tự cao, tự đại cho mình tốt lành thánh thiện hơn người khác rồi lên mặt dạy đời, xét đoán và lên án người khác. Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều yếu đuối, thiếu sót và lầm lỗi để biết lo sửa đổi mỗi ngày nên hoàn thiện hơn, hầu xứng đáng là con của Chúa.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta: “anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”.
Khuynh hướng tự nhiên của mỗi người chúng ta là thích xét đoán người khác. Bởi vì:
– Ta luôn nghĩ mình hay hơn, tốt hơn, giỏi hơn người khác.
– Do tính ác nằm sẵn trong người ta. Tuân tử nói: Nhân tri sơ tính bản ác.
– Ta thích chà đạp và hạ bệ người khác nhằm để tự nâng bốc mình lên.
Thật vậy khi xét đoán ai, tức là chúng ta đặt mình lên trên người ấy, và muốn mọi người tôn vinh ca ngợi ta.
Sở dĩ Chúa Giêsu dạy chúng ta chứ nên xét đoán người khác là bởi vì:
– Quyền xét đoán là quyền của Thiên Chúa: “Chỉ có một Đấng ra lề luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn ngươi là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 5, 12).
– Nhân vô thập toàn, là con người ai cũng có những thiếu sót và tội lỗi, lắm khi tính hư nết xấu và tội lỗi chúng ta còn lớn hơn người khác. Do đó Chúa Giêsu khuyên chúng ta nên để ý đến cái “xà” trong mắt của mình hơn là quan tâm đến cái “rác” trong mắt anh em. Và hãy lưu tâm lấy cái “xà” trong mắt mình trước đã hơn là chỉ lo lấy cái “rác” trong mắt anh em.
– “Cầm đuốt mà rê chân người”; “Bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu”…Đó là căn bệnh nguy hại ẩn sâu trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Nhưng hãy nhớ lời Chúa dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” để đừng bao giờ tìm cách bươi móc lầm lỗi người khác, rồi kết án buộc tội, làm như vậy chắc chắn sẽ bị Thiên Chúa kết án chúng ta.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ tước quyền của Thiên Chúa để xét đoán và lên án anh em mình, cũng đừng bao giờ đồng lõa hùa theo người khác để rồi nói xấu và dạy đời người khác. Trái lại cho chúng ta biết can đảm nói điều tốt lành cho anh em, nhất là những người vắng mặt. Làm thế, ta sẽ được Thiên Chúa ghi công. Bởi vì “anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy”.
Thứ bảy: Lc 6, 43-49
Thống nhất đời sống là bước đầu tiên để tiến tới hoàn thiện. Đó là điều mà Chúa Giêsu luôn nhắc nhở các môn đệ cũng như mỗi chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.
Có thể nói con đường xa nhất là con đường từ đầu đến tay. Ước muốn thì nhiều, nhưng biến ước muốn thành hành động thì cả là một quảng đường dài. Cũng vậy nghe mà hiểu đã là khó, huống chi đem ra áp dụng vào cuộc sống quả là một quá trình dài hơi và lắm chông gai. Chính vì thế mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nỗ lực để thống nhất đời sống bằng cách đem Lời Chúa ra thực hành?
Chúa Giêsu đưa ra 2 hình ảnh cụ thể để diễn đạt ý tưởng này:
– Xem quả thì biết cây. Quả tốt phải được phát sinh từ cây tốt. Cây nào thì quả đó. Hành vi được xem là tốt, khi nó phải phát sinh từ ý tưởng đẹp. Còn nếu hành động xem ra xấu là do nuôi dưỡng bởi những ý nghĩ xấu, vì « tư tưởng biến thành hành động ; lòng đầy miệng mới nói ra », rất nguy hại đến mình và cho người. Nên cần lắm thống nhất giữa “cái là” và “cái làm”.
Những người Pharisêu chính bởi không thống nhất giữa ý tưởng bên trong và hành vi bên ngoài nên đã bị Chúa Giêsu khiển trách nặng lời về lối sống giả hình của họ. Hạt giống Lời Chúa thì luôn luôn tốt. Hãy gieo hạt Lời Chúa vào trong tâm hồn mình và hằng ngày chăm sóc vun tưới hạt giống ấy qua việc lắng nghe, học hỏi và suy niệm thì hạt giống Lời Chúa mới phát triển và đâm hoa kết trái tốt đẹp qua những hành động tốt đẹp được.
– Nhà trên nền đá. Tựa như xây nhà trên nền đá vững chắc, thì cho dù mưa sa giống tố và nước ùa vào cũng không làm lay chuyển được. Cũng vậy, nếu ngôi nhà tâm hồn chúng ta được xây bằng vật liệu vững chắc là Lời Chúa, thì cho dù cuộc đời mình có gặp phải những gian nan thử thách hay phải đối mặt với những hoàn cảnh khắc nghiệt, thì ngôi nhà đức tin của ta mới mong được đứng vững.
Xin Chúa cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa để yêu mến học hỏi và áp dụng vào hoàn cảnh sống của mình qua những việc làm cụ thể. Nhờ đó cây đời của chúng ta mới trỗ sinh được nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho đời và cho người.