Suy Niệm Tuần Thánh
J.B Lê Đình Nam
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
BƯỚC ĐI CÙNG ĐỨC GIÊSU
Phụng vụ Lễ Lá cho chúng ta thấy hai khung cảnh ảnh đối lập nhau. Khởi đầu bằng việc đón rước Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với bầu khí nhiệt huyết và đầy hân hoan. Đoàn người mừng vui rước lá và không ngớt reo hò: Hoan hô, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!
Trái ngược lại, ba bài đọc trong Thánh lễ lại diễn tả bối cảnh u sầu, ảm đạm và bi thương. Tất cả đều tập trung về cái chết thê thảm của Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong bài Thương khó, dân chúng không ngừng kêu lớn tiếng: Đóng đi nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!
Diễn biến của Phụng vụ Lễ Lá phần nào diễn tả những biến đổi, nghịch lý mà ta thường đối diện trong cuộc sống. Có khi chính ta còn không nhận ra sự thay đổi đó nơi chính bản thân mình.
Cuộc sống ta có lúc cuộc sống nhẹ nhàng, êm xuôi; nhưng cũng có khi đầy khúc mắc, trắc trở. Đức tin ta có lúc mạnh mẽ, kiên trung, nhưng cũng có khi lạnh nhạt, lệch lạc và đầy nghi ngờ.
Giữa những bộn bề của cuộc sống và sự yếu đuối của phận người, lắm lúc chúng ta không nhận ra những sự thay đổi đó. Hôm nay chúng ta được mời gọi bước đi với Chúa Giêsu để trải nghiệm những thực tại của cuộc sống và tình yêu thẳm sâu của Thiên Chúa.
Bước đi với Chúa Giêsu trong Tuần Thánh này để thấy sự thay đổi của lòng người, những nghịch lý, và bất công trong cuộc sống trần thế này.
Bước đi với Chúa Giêsu để thấy trên cuộc đời không chỉ có đắng cay mà đâu đó còn có hình ảnh của sự giúp đỡ, lòng tha thứ và tình yêu thương.
Và trên hết, bước đi với Chúa Giêsu để thấu suốt và cảm nghiệm tình yêu vô tận và lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa dành cho ta nơi Con Một yêu dấu của Người là Đức Giêsu Kitô.
Lễ Lá là khởi đầu cho Tuần Thánh – tuần cao điểm của Mùa Chay Thánh, hãy bước đi với Chúa Giêsu trong hành trình thập giá. Để qua đó, chúng ta không chỉ nhận ra được phận mỏng giòn yếu đuối của mình, nhưng sâu hơn thế, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu tự hiến mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô.
THỨ 2 TUẦN THÁNH
ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU
Lời Chúa hôm nay đem đến cho ta một hình ảnh thật đẹp đó là Maria ngồi kề dưới chân Chúa và xức dầu thơm lên chân Người. Đức Giêsu đã không ngăn cả Maria vì Ngài biết rằng đây là điều cô cần: cô cần Chúa, cô muốn tranh thủ thời gian bên Chúa.
Hình ảnh Maria đến bên Chúa chính là lời mọi gọi cho mỗi người Kitô hữu chúng ta trong Tuần Thánh này: Hãy đến với Chúa Giêsu!
Sống Đức tin chính là sống mối tương quan của ta với Thiên Chúa. Sống mối tương đó đòi hỏi chúng ta phải năng đến với Chúa và dành thời gian với Ngài. Đến với Chúa ngang qua các Bí tích và giờ cầu nguyện để sẻ chia, thân thưa những ưu tư và lo lắng trong đời sống của mình. Đồng thời, ngang qua sự gặp gỡ đó, chúng ta được đón nhận sức mạnh thiêng liêng, ân sủng và bình an của Chúa.
Ngồi kề bên và chiêm ngắm Chúa Giêsu, để ta luôn biết đặt Ngài làm quy chuẩn và trung tâm cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động.
Đến với Chúa Giêsu để ta sẻ chia những gánh vất vả trong đời, đồng thời xin thêm ơn sức mạnh và lòng kiên vững để luôn trung thành với Chúa và Giáo Hội giữa trần gian đầy sóng gió.
Đến với Chúa Giêsu để ta tìm cho mình những giây phút bình an và tĩnh lặng giữa những xô bồ và bấp bênh của dòng đời.
Đến với Chúa không có gì là khó khăn, nhưng lắm lúc ta lại còn chần chừ, xa lánh và không dành thời gian để đến với Ngài.
Tuần Thánh đã bắt đầu, ta hãy trở về với cõi long của mình, hãy đến bên Chúa Giêsu để cảm nhận được tình yêu bao la thẳm sâu của Người. Bên Chúa trong những giây phút của Tuần Thánh này để ta có thể sẻ chia những khó nhọc vất vả ở đời này với Chúa và tâm tư với Ngài những điều mà ta muốn thổ lộ.
THỨ 3 TUẦN THÁNH
NỖI LÒNG CỦA CHÚA GIÊSU
Có lẽ không có nổi đau nào lớn cho bằng nổi đau bị phản bội bởi chính người mình yêu. Cũng là con người, Chúa Giêsu chắc đã ray rứt tâm can khi biết trước sự chối bỏ và phản bội của học trò mình. Ngài đau bởi vì Ngài đã rất mực yêu thương họ.
Lời Chúa hôm nay tiên báo trước sự phản bội của Giuđa và sự chối Thầy của Phêrô. Thiết nghĩ, tình yêu của Thầy Giêsu lớn hơn rất nhiều so với sự phản bội và từ chối của trò mình, cho nên Ngài phải rất đau khổ và tổn thương khi phải chứng kiến cảnh “trò phản bội thầy”.
Nỗi lòng của Chúa Giêsu đối với Giuđa và Phêrô hôm nay là lời nhắc nhở ta trong tư cách làm con của Chúa. Có lẽ giữa cuộc đời đầy sóng gió và thử thách này, chắc hẳn không ai trong chúng ta đã không ít lần gạt bỏ Thiên Chúa qua bên; hoặc xúc phạm đến tình yêu của Ngài.
Trong giây phút của linh thiêng của Tuần Thánh này, ta hãy dành thời giờ nhìn lại tương quan của ta với Thiên Chúa. Ta đã sống và đáp trả tình yêu của Ngài như thế nào?
Đã bao lần ta xúc phạm tình yêu của Thiên Chúa bằng những hành động tội lỗi và thiếu tình bác ái với tha nhân.
Đã bao lần ta phản bội tình yêu của Chúa bằng việc loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi những quyết định, chọn lựa hoặc biện minh cho những việc làm “tốt đẹp” bằng những thủ đoạn lừa lọc, dối trá.
Đã bao lần ta từ chối từ tình yêu của Thiên Chúa bằng sự thờ ơ trong đời sống đức tin: xa lánh các Bí tích, lười biếng trong việc tham dự Thánh lễ và giờ cầu nguyện.
Chúa Giêsu đã đi trọn con đường đau khổ và thê thảm của Thập giá vì yêu thương chúng ta. Hình ảnh Giuđa và Phêrô nhắc nhở ta về sự đáp lại tình yêu của ta đối với Thiên Chúa. Hãy trở về với tình yêu của Ngài; đừng để Chúa phải còn ưu tư và lo lắng về mỗi một người chúng ta.
THỨ 4 TUẦN THÁNH
CÁI TÔI VÀ THIÊN CHÚA
Con người, vốn dĩ ai cũng bị lôi cuốn, ràng buộc bởi những lợi lộc và giá trị ở trần gian. Và Giuda trong trình thuật Tin Mừng hôm nay không phải là một loại trừ.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng khẳng định rằng: vì đồng tiền, Giuda đã vô ơn bạc nghĩa bán Thầy của mình. Tuy nhiên, đồng tiền chưa phải là cội rễ cám dỗ dẫn đến sự phản bội của Giuda. Cái tôi của Giuda mới là căn nguyên của sự phản bội đó. Bị cái tôi chi phối nên Giuđa trở nên cứng lòng, cứng dạ, không chịu hoán cải.
Thật thế, rất nhiều lần Chúa Giêsu đã ám chỉ Giuda về hành vi mà y sắp đặt để bán Chúa. Nhưng, bởi cái tôi của Giuda quá lớn, nên những gì mà Chúa Giêsu cảnh tỉnh dường như “nước đổ đầu vịt”. Tin Mừng hôm nay không chỉ cho ta thấy rõ thái độ của Giuđa như mình là kẻ vô tội, nhưng hơn thế, y còn phớt lờ và thách thức Chúa Giêsu: “Rapbi, chẳng lẽ con sao?”.
Sự cuốn hút của những giá trị thế tục thường làm ta xa rời Thiên Chúa. Nhưng, có một sự ràng buộc ít được chú ý hơn đó là ràng buộc bởi cái tôi của mình. Cái tôi chi phối tất cả con người. Cái tôi điều khiển mọi lời nói, suy nghĩ và hành động. Quá đề tôn cái tôi sẽ nguy hại đến mối tương quan của ta với Thiên Chúa và giữa ta với tha nhân.
Thay vì Thiên Chúa là trung tâm thì cái tôi trở thành tâm điểm của cuộc đời.
Thay vì mọi quy chuẩn đều phát xuất và quy hướng về Thiên Chúa thì cái tôi trở thành điểm xuất phát và đích đến cho mọi quyết định trong cuộc sống.
Thay vì sống chia sẻ chung với tha nhân, cộng đồng thì cái tôi làm cho ta trở thành một ốc đảo ích kỷ, riêng tư và cô lập.
Lời Chúa mời gọi ta nhìn nhận lại thái độ và quan điểm của mình trong đời sống hằng ngày: Đâu là những ràng buộc khiến ta không đến gần với Thiên Chúa? Đâu là những lôi cuốn khiến ta xa dần với Ngài? Đâu là nguyên cớ khiến chúng ta không thể hòa nhập được trong gia đình và với cộng đoàn?
THỨ 5 TUẦN THÁNH
HÃY LÀM NHƯ CHÚA GIÊSU
Phụng vụ Thánh lễ Tiệc ly luôn chất chứa nhiều cảm xúc, nỗi niềm và đầy ý nghĩa. Tin Mừng gợi lại cho chúng ta khung cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Hình ảnh và hành động “thầy rửa chân trò” mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà tình nghĩa.
Tin mừng Gioan tường thuật “Người yêu thương họ đến cùng.” Vì yêu thương đến cùng, Chúa Giêsu đã muốn dành khoảnh khắc cuối thiêng liêng này bên các môn đệ thân tín của mình. Ngài ước mong được tâm tư với họ trước những giây phút cuối ở trần gian nay. Ngài đã để lại cho họ lời trăn trối không chỉ bằng lời mà bằng cả hành động của mình
Chúa Giêsu đã tự mình quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ và căn dặn rằng: Hãy làm như Thầy! Cử chỉ “Thầy rửa chân trò” lột tả tận cùng tình yêu thẳm sâu của Chúa Giêsu vì “Người yêu thương họ đến cùng”. Đó là tình yêu gắn liền với sự hạ mình phục vụ và hy sinh.
“Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau… anh em cũng hãy làm như Thầy đã làm cho anh em.”
“Hãy làm như Thầy” chính là lời trăn trối trong đêm cuối cùng mà Chúa Giêsu muốn để lại cho các môn đệ. Và hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang nói với ta điều đó: Hãy làm như Thầy!
Hãy làm như Thầy là biết quan tâm phục vụ tha nhân không phải chỉ về phần xác mà còn về cả phần hồn.
Hãy làm như Thầy là không chỉ biết sống cho mình nhưng phải biết sống cho lợi ích chung của cộng đồng về cả phương diện vật chất lẫn đời sống thiêng liêng.
Hãy làm như Thầy là sống chứng nhân tình yêu của Chúa Giêsu và trở nên khí cụ cho tình yêu đó không chỉ bằng lời nói mà bằng cả đời sống của mình.
Hãy làm như Thầy là không chỉ tìm cách bảo vệ các giá trị và nâng đỡ nhau sống đúng với tư cách làm người, mà quan trọng hơn, phải sống xứng đáng là con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đang nói với mỗi chúng ta hôm nay: Hãy làm như Thầy!
THỨ 6 TUẦN THÁNH
VINH QUANG THẬP GIÁ
Đối với người đời, thập giá luôn mang một màu sắc của sự ảm đạm, bạo lực và chết chóc. Nhưng đối với Kitô hữu, Thập giá Đức Kitô lại luôn là biểu tượng của tình yêu, sự vinh quang và niềm tự hào.
Có lẽ đó là lý do mà người phương Tây gọi hôm nay là “Good Friday” – Ngày thứ Sáu Tốt lành. Thật thế, khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng cũng chính giây phút Ơn Cứu độ của Thiên Chúa đến với nhân loại. Đó là ngày mà thân phận làm con Thiên Chúa của chúng ta được hàn gắn lại.
Do ảnh hưởng của Văn hóa, ta thường nghĩ đến Chúa như một vị vua khó tính, thích trừng phạt, hoặc một quan tòa nghiêm minh luôn dò xét những sai lỗi của ta. Tuy nhiên, Thập giá chính là bằng chứng cụ thể và sống động về một Thiên Chúa giàu tình yêu thương. Thập giá là dấu chỉ của lòng thương xót, sự tha thứ và lòng trung thành của Thiên Chúa.
Thật thế, Thiên Chúa là Tình yêu! Cho nên Thập giá không phải là dấu chỉ của sự đau khổ, chết chóc nhưng là tình yêu và vinh quang.
Suy ngắm và tôn kính Thập giá chiều thứ Sáu Tuần Thánh mời gọi chúng ta cảm nghiệm tình yêu vô tận của Thiên Chúa. Đồng thời, khi suy tư về Mầu nhiệm Thập Giá ta học nơi đó những giá trị sâu xa cho cuộc sống trần thế này.
Thập giá Chúa Giêsu là động lực và sức mạnh cho những ai phải đối diện những thập giá nặng nề và khó nhọc trong đời.
Thập giá Chúa Giêsu là niềm hy vọng và sự an ủi cho những ai gặp thất bại, lo toan và cô đơn giữa những nổi trôi của phận người.
Thập giá Chúa Giêsu là sự tha thứ và lòng xót thương cho những ai đang sống trong ghen ghét, oán trách hoặc bị hiểu nhầm.
Nhìn lên Thập Giá Chúa Giêsu để ta xác tín rằng: mọi khó khăn đời này rồi cũng sẽ qua đi, kể cả cái chết. Vinh quang và niềm tự hào của ta là Thập giá Đức Kitô. Và hạnh phúc thật của ta là sự sống vĩnh cửu với Người trên Nước Trời.
THỨ 7 TUẦN THÁNH
CHIÊM NGẮM ĐỨC MARIA
Hình ảnh Đức Maria đứng dưới chân Thập giá Chúa Giêsu không thể nào diễn tả hết bằng lời. Có lẽ không người mẹ nào có thể đồng hành, chứng kiến và đứng vững trước hành trình đi đến cái chết của con mình. Nhưng Đức Maria thì khác! Mẹ đã làm được điều đó.
Thứ Bảy Tuần Thánh như một truyền thống là ngày dành cho sự chiêm ngắm Đức Maria. Khi Chúa Giêsu đã lìa khỏi thế, thân xác được hạ xuống trong vòng tay yêu thương của Mẹ. Mẹ ôm trọn con mình vào lòng và táng xác con trong mồ. Nhờ đâu mà Mẹ vẫn kiên vững đến như vậy?
Như Kinh Thánh nhắc đến, Đức Maria luôn ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng những gì xảy ra. Nhờ tâm hồn luôn suy niệm và cầu nguyện, có lẽ Mẹ tin chắc rằng con mình sẽ sống lại. Mẹ đã kiên vững trong đức tin và đợi chờ trong hy vọng.
Hôm nay chúng ta được mời gọi chiếm ngắm Mẹ Maria. Hãy đến bên Mẹ, cầu nguyện cùng Mẹ, và kết hiệp với nhịp đập trái tim Mẹ trong khung cảnh tĩnh lặng này. Để thấu hiểu Mẹ đang nghĩ gì và hy vọng gì. Để cảm nhận tâm trạng và nỗi lòng của Mẹ trong sự mất mát. Để cảm nghiệm đời sống đức tin và lòng thành tín của Mẹ trước biến cố bi thương.
Cuộc sống của chúng ta chắc cũng có nhiều đau thương, mất mát và thất vọng như trải nghiệm của Mẹ Maria. Nhưng mấy ai trong chúng ta có thể đứng vững được như Mẹ. Mấy ai trong chúng ta đủ niềm tín thác và hy vọng được như Mẹ. Và mấy ai trong chúng ta biết chạy đến với Mẹ những lúc như thế.
Chiêm ngắm Đức Maria mời gọi chúng ta trở về với tình mẫu tử thiêng liêng giữa ta với Mẹ. Về với Mẹ để nhờ Mẹ và với Mẹ mà chúng ta có thể vững bước trên hành trình trần thế này.
Chúng ta cần một người Mẹ thiêng liêng như Đức Maria. Chúng ta cần Mẹ trên con đường thập giá trần gian này. Chúng ta cần Mẹ trên hành trình đức tin đầy sóng gió hôm nay. Chúng ta cần Mẹ là điểm tựa vững chắc và bến đỗ bình an giữa những nổi trôi của phận người.
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI
Nếu như chúng ta gọi Giáng Sinh là lễ vui mừng nhất, thì Phục Sinh là lễ vinh quang nhất. Nếu gọi Lễ Giáng sinh khai mở niềm hy vọng của Ơn Cứu độ thì Phục sinh chính là bằng chứng xác thực của niềm hy vọng đó.
Thật thế, sự Phục Sinh là chân lý chóp đỉnh của đức tin Kitô giáo, như Thánh Phaolô xác tín: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền”(1Cr 15,17).
Đối diện với những tai ương và thảm họa về bệnh tật, thiên tai, chiến tranh và gần đây nhất là đại dịch Covid -19, có lẽ nhiều người trong chúng ta tự hỏi: đâu là ý nghĩ của cuộc sống này?
Đức Kitô Phục sinh chính là câu trả lời cho câu hỏi đó. Chết không phải là hết! Nếu đời ta chỉ trải qua những gian nan, đau khổ và kết thúc bằng cái chết thì còn đâu là ý nghĩa. Sự Phục sinh là ý nghĩa cùng đích của hành trình dương thế.
Nhưng để được Phục sinh như Đức Kitô, chúng ta phải làm cho cuộc đời này có ý nghĩa ngay bây giờ tại trần thế này:
Sống ý nghĩa cuộc đời là phải biết tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người giữa những phân biệt đối xử, tệ nạn bóc lột… vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Sống ý nghĩa cuộc đời là phải biết trân trọng và tuân giữ những giá trị đạo đức và luân lý của con người giữa những trào lưu thế tục, vì chúng ta là con Thiên Chúa.
Sống ý nghĩa cuộc đời là phải biết yêu thương và san sẻ trong tình người giữa những thử thách, đại hoạn vì chúng ta là anh chị em một Cha trên trời.
Sống ý nghĩa cuộc đời là phải có niềm tin, tình yêu và hy vọng vào Chúa Kitô Phục sinh vì chính Người là nguồn ân sủng và cùng đích của đời ta.
Nếu ta cuộc đời này ý nghĩa thì Sự Phục sinh chính là phần thưởng của ta giữa dòng đời gian truân hôm nay. Ở nơi đó, niềm vui sẽ xua tan những giọt nước mắt đắng cay; hạnh phúc viên mãn sẽ khỏa lấp những chuỗi ngày đau khổ; và sự sống vĩnh cữu trên Nước Trời sẽ thay thế cuộc lữ hành trần thế tạm bợ này.