Suy Tư Về Nhà Chúa

print

SUY TƯ VỀ NHÀ CHÚA

Những ngày qua, các Nhà Thờ đều không có Thánh Lễ cho cộng đoàn tham dự, cũng không có những sinh hoạt đạo đức tập thể như trước đây. Nhà Thờ vắng bóng người tín hữu, tôi không còn nghe được những lời kinh, những tiếng hát vang lên. Tuy nhiên, Nhà Thờ vẫn đứng đó, im lìm, tĩnh lặng, thánh thiêng và mời gọi. Những ngày này, tôi cũng lặng lẽ bước vào Nhà Thờ, ngước nhìn lên Chúa, và âm thầm nguyện cầu. Một hôm, bất ngờ tôi cảm thấy ớn lạnh khi chợt nhớ lại câu chuyện được ghi lại trong bốn sách Tin Mừng (Mt 21, 12-13; Mc 11, 15-17; Lc 19, 45-46; Ga 2, 23-22): Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ.

Khi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu thấy những người bán chiên, bò, bồ câu và đổi tiền trong Đền Thờ. Thế là Chúa tức giận, cầm roi, đánh đuổi họ ra khỏi Đền Thờ. Chúa nói hãy “đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). Chúa Giêsu hành động như thế vì họ đã biến Nhà Chúa, nơi cầu nguyện, địa điểm thánh thiêng thành nơi buôn bán, đổi chác, kinh doanh, trục lợi…

Tôi suy nghĩ và thầm hỏi Chúa Giêsu: có phải hôm nay Chúa cũng muốn đánh đuổi chúng con ra khỏi Nhà Thờ phải không? Chúa muốn thanh tẩy Nhà Chúa đúng không? Thế nhưng, ai cũng biết hai sự kiện này không giống nhau. Ngày xưa Chúa đuổi những người Do Thái vì họ đã lạm dụng Đền Thờ. Còn hôm nay, ta không được đến Nhà Thờ tham dự Thánh Lễ vì tránh dịch bệnh virus corona. Tôi không được phép đồng hóa hai sự kiện này với nhau.

Tuy nhiên, suy nghĩ thêm chút nữa, tôi nhận thấy biến cố này cũng là một dịp thuận lợi, một cơ hội thích hợp để làm thức tỉnh lại thái độ của chúng ta khi đến Nhà Thờ, và chú ý hơn đến đền thờ tâm hồn của mỗi người. Vì thế, trong tĩnh lặng, suy tư, xin ghi lại vài suy nghĩ để nhắc nhớ chính mình, cũng như một chút tâm tình xin được chia sẻ với các bạn trong những ngày “tạm dừng” này.

  1. Nhà Thờ là nơi thánh thiêng, là nơi trang nghiêm. Điều này ai cũng biết rất rõ. Tuy nhiên, có khi ta lại quên điều căn bản này. Ta vào Nhà Chúa một cách hiên ngang, thiếu trang nghiêm, và thậm chí còn đùa cợt, nói chuyện ồn ào. Ta không ý thức Thiên Chúa đang hiện diện ở nơi linh thánh đó.
  2. Nhà Thờ là nơi cầu nguyện. Điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, có lúc ta lại không nhớ. Ta đến Nhà Thờ vì thói quen, vì giữ luật, thậm chí ta cũng đọc kinh, cũng hát to tiếng nhưng lại thiếu tâm tình cầu nguyện với Thiên Chúa.
  3. Nhà Thờ là nơi ca tụng, thờ phượng Thiên Chúa. Điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, có khi ta lại không nhớ điều quan trọng này. Nhiều lần ta không dành thời gian đến Nhà Thờ để cám ơn Chúa hoặc ta đến vì mục đích cá nhân: khoe khoang, hơn thua, trình diễn, làm nổi bản thân hơn là ca tụng Thiên Chúa.
  4. Nhà Thờ là nơi để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Điều này ai cũng biết. Thực tế có lần ta lại quên. Ta đến Nhà Thờ nhưng không muốn lắng nghe Lời Chúa trong các bài đọc sách thánh. Ta không thích nghe những lời chia sẻ, những bài giảng của các linh mục. Ta không mở lòng để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa đang thì thầm trong tâm hồn ta.
  5. Nhà Thờ là nhà của Thiên Chúa, nhà Cha của chúng ta. Điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, có khi ta không nhớ. Ta đến Nhà Thờ tham dự Thánh Lễ nhưng không muốn vào bên trong, thích đứng xa xa ở bên ngoài cho thoải mái, mát mẻ…Chắc chắn cha mẹ chúng ta sẽ không vui, khi mỗi lần về thăm các ngài mà ta chỉ đứng trước cửa nhà nói vài ba câu rồi lại ra đi.
  6. Đền Thờ tâm hồn cũng là nơi Thiên Chúa ngự. Thánh Phaolô khẳng định “Ðền Thờ của Thiên Chúa chính là anh em” (1Cr 3, 17). Hơn thế nữa, thánh nhân còn nói: “Thân xác anh em là Ðền Thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 6, 19). Điều này có lẽ ta cũng biết. Tuy nhiên, nhiều lúc ta lại quên. Ta không dọn dẹp đền thờ thiêng liêng của ta cho ngăn nắp, gọn gàng, sạch đẹp để cho Thiên Chúa ngự. Ta không sẵn sàng mở cửa và mời Chúa bước vào căn nhà thiêng liêng đó. Ta không ý thức Thiên Chúa đang ở trong cuộc sống của ta và Người cũng đang hiện diện trong đời sống của tha nhân.

Lời kết

Thời gian qua, nhiều Nhà Thờ đã được phun thuốc để tiêu diệt virus corona. Trong Mùa Chay thánh này, mỗi người chúng ta cũng cần cũng phải phun thuốc để sửa chữa lại những quan niệm sai lệch của mình về đền thờ vật chất cũng như đền thờ tâm hồn. Thiết nghĩ, hãy trở về nơi sâu thẳm của cõi lòng, hãy sống thinh lặng, hãy hồi tâm và cầu nguyện với Thiên Chúa, đó chính là những điều kiện, những liều thuốc bổ ích giúp ta có thể thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình một cách hữu hiệu nhất.

Mặc dù thời gian này các Nhà Thờ không có Thánh Lễ, nhưng Nhà Thờ nơi tôi đang phục vụ vẫn mở rộng cửa như một lời mời gọi. Trên gian cung thánh, ngọn đèn nhà tạm vẫn cháy sáng. Chúa Giêsu Thánh Thể vẫn hiện diện nơi đó, đang chờ đợi ta đến với Người bất cứ lúc nào. Thật là cảm động khi một số bà con đã lặng lẽ, âm thầm đến Nhà Thờ để gặp gỡ Thiên Chúa, để làm việc đạo đức một cách riêng tư, nhưng rất sống động, sốt sắng và linh thiêng. Và rồi, hằng đêm cũng có những bước chân đến Nhà Thờ để xin thanh tẩy tâm hồn qua bí tích Giải Tội. Những anh chị em đó đang ý thức rằng Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện thật sự trong ngôi nhà thờ vật chất cũng như trong tâm hồn họ. Họ đang biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa một cách mạnh mẽ trong hoàn cảnh đặc biệt này.

Trong Tông Huấn Gaudete Et Exsultate, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý: “Việc thờ phượng của chúng ta sẽ trở nên hài lòng Thiên Chúa khi chúng ta quên mình để sống quảng đại, và cho phép ơn huệ của Thiên Chúa được ban cho trong cầu nguyện, thể hiện ra trong mối quan tâm của chúng ta đối với anh chị em mình” (số 104). Thiên Chúa sẽ rất hài lòng, rất vui khi mỗi người chúng ta trở thành những “đền thờ di động” của Thiên Chúa, là cánh tay nối dài tình thương của Người đối với những anh chị em đang gặp nhiều khó khăn hay bị mất công ăn việc làm vì đại dịch Covid-19 này.

Lm. Phaolô Trương Hoàng Phong