Cn 32 TN B
Tấm Lòng
Lm. Giuse Nguyễn
Nhớ lại năm đi thử tại Họ đạo vùng quê, lúc đó cha sở đang xây nhà thờ nên có lần tôi được cùng với cha đi xin tiền ở một Giáo xứ lớn vùng Sài Gòn. Sau Thánh lễ, chúng tôi chia nhau ra đứng tại các cửa ra vào nhà thờ và cổng nhà thờ để nhận tiền của những ai muốn dâng xây dựng nhà thờ. Khi đứng xin tiền, có hai hình ảnh làm cho tôi phải suy nghĩ. Hình ảnh thứ nhất là của những người cho quá nhiều. Lúc đó đối với tôi, 500 ngàn là lớn lắm! Vậy mà có người móc trong túi ra 2 tờ năm trăm, có người 4 tờ, thậm chí có người 10 tờ. Lúc đó tôi bị choáng ngợp vì người ta quá giàu. Hình ảnh thứ hai là của những người cho ít ỏi. Có người cho 10 ngàn, có người cho 20 ngàn, có người cho 100 ngàn rồi lấy lại 50. Chính những người cho những đồng tiền ít ỏi này khiến tôi suy nghĩ: “Có 10 ngàn, 20 ngàn mà cũng bỏ vào, gặp mình là mình không bỏ đâu, người ta cười chết!” Vậy mới thấy được tấm lòng của người ta, có bao nhiêu cho bấy nhiêu, không sợ người khác chê cười. Có một hình ảnh mà cho tới bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được. Đó là một ông già bán cà rem, quảy cái thùng tới trước cửa nhà thờ, dừng lại xin tôi một tờ bướm. Sau khi xem xong nội dung của tờ bướm, ông ta bỏ thùng cà rem xuống, móc cái bọc trong túi quần ra, đếm, vuốt những đồng tiền lẻ nhàu nát rồi đến nói với tôi: “Quê tui ở Vị Thanh, gần nhà thờ này nè! Thấy dưới quê mình lên xin tiền xây nhà thờ mà tui không có nhiều. Thôi từ sáng tới giờ bán được bao nhiêu tui gởi hết, coi như tui gởi tấm lòng về quê vậy!” Thực sự là tôi nói tiếng cám ơn không nỗi, vì “tấm lòng” của ông quá nặng. Tôi không biết chính xác ông bỏ bao nhiêu, nhưng có lẽ chỉ vài chục ngàn, một thùng cà rem của ông. Thế mới thấy, thời nào cũng vậy, tấm lòng mới là thứ quý giá, mới đánh động người khác, và cũng là thứ có giá trị nhất. Phụng vụ lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta thấy rõ điều đó.
I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
- Bài Đọc I: 1V 17, 10-16
Hình ảnh bà góa thành Sarepta cho chúng ta thấy bà là người ngoại giáo, nhưng có tấm lòng quảng đại còn hơn những người Do Thái giáo thời bấy giờ nữa. Nghĩ cũng lạ, một người không quen, gặp mình ngoài cổng thành, kêu mình đi lấy nước cho người ta uống, vậy mà cũng đi. Hơn thế nữa, cho uống nước rồi, còn xin ăn bánh. Trời đất ơi, được voi đòi tiên! Vậy mà bà góa này không hề khó chịu, vẫn đối xử với ông ta một cách hòa nhã. Đó là tấm lòng của bà góa. Kế đến, bà đã cho tiên tri Êlia không phải những thứ dư thừa, mà cho chiếc bánh cuối cùng để nuôi sống hai mẹ con bà: “Ông ơi, ông hiểu dùm mẹ con tôi, chúng tôi chỉ còn có một chút bột và một chút dầu, đủ để làm cái bánh ăn trước khi chết để khỏi thành con ma đói.” Vậy mà nghe lời của tiên tri, bà đã làm cho ông ăn chiếc bánh cuối cùng đó. Cuối cùng, sở dĩ bà làm như thế là vì bà tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa của ông Êlia.
2. Tin Mừng: Mc 12, 41-44
Qua việc dâng cúng để xây cất đền thờ, Maccô đưa ra cho chúng ta hai hình ảnh đối lập nhau dưới sự chứng kiến của Đức Giêsu. Hình ảnh thứ nhất là của những người giàu có dâng cúng rất nhiều tiền. Hình ảnh thứ hai là của bà góa nghèo khổ, bỏ vào thùng chỉ có hai đồng tiền kẽm, loại tiền có mệnh giá thấp nhất thời bấy giờ. Nếu tính ra tiền của người Rôma thì chỉ có một phần tư xu thôi. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa thì: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết”. Tại sao vậy? Thưa vì dù những người kia bỏ nhiều, nhưng là “tiền dư bạc thừa của họ”. Còn bà góa này dù bỏ ít, nhưng “lại là tất cả những gì bà có”.
Như vậy phụng vụ lời Chúa hôm nay không phải nhằm đề cao bà góa, vì thời nào cũng vậy, đều có bà góa tốt và bà góa xấu. Nhưng Kinh Thánh muốn dùng hình ảnh bà góa vì bà góa là một trong những đối tượng bị đối xử phân biệt trong xã hội thời bấy giờ. Và nhìn chung bà góa thì thiệt thòi hơn những người khác. Điều sâu xa mà Lời Chúa muốn gởi đến chúng ta ngày là: Muốn của lễ được đẹp lòng Chúa, thì phải là của lễ do lòng hy sinh. Kế đến, hình ảnh của hai bà góa này cũng cho chúng ta thấy được sự dâng hiến trọn vẹn, dâng hiến tất cả những gì mình có. Khi chúng ta dâng của lễ hy sinh với tất cả những gì mình có, thì đó chính là tấm lòng của chúng ta.
II. TẤM LÒNG
- Sự hy sinh:
Rõ ràng vấn đề không phải nằm ở số tiền dâng cúng, mà ở cái giá người dâng cúng phải trả. Không phải là tầm cỡ của lễ vật, mà là sự hy sinh của người dâng cúng. Lòng hào hiệp của chúng ta là ở chỗ dâng hiến mà chính mình phải chịu thiệt thòi, mất mát. Dĩ nhiên việc dâng lễ vật ở đây không chỉ là vật chất, mà còn cả cuộc đời chúng ta phải là lễ vật dâng lên Thiên Chúa. Vì vậy giá trị cuộc đời của chúng ta không hệ tại ở chỗ chúng ta làm gì cho Chúa, làm ít hay làm nhiều, làm những chuyện nhỏ nhặt hay những chuyện lớn lao, mà ở chỗ chúng ta hy sinh đến mức nào.
Hai bà góa trong Phụng vụ lời Chúa hôm nay đều thể hiện rõ sự hy sinh, mất mát khi dâng hiến cho Thiên Chúa. Gương của những vị thánh, mỗi người một việc, dù là những việc lớn lao cho cả Giáo hội như chân thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, hay những việc bác ái phi thường của mẹ Têrêxa Calcutta, hoặc chỉ âm thầm như chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, nhưng tất cả đều chung một giá trị ở sự hy sinh, quên mình cho Chúa. Chính Đức Giêsu khi đến trần gian này cũng đã “Hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”… Tất cả đều trở thành của lễ đẹp lòng dâng lên Thiên Chúa Cha.
Hành trình đức tin của chúng ta cũng đòi hỏi sự hy sinh gian khổ. Người giàu có sự hy sinh của người giàu. Người nghèo có sự hy sinh của người nghèo. Linh mục, tu sĩ có sự hy sinh của linh mục, tu sĩ. Giáo dân có sự hy sinh của giáo dân. Hy sinh cho gia đình, cho vợ chồng, con cái. Hy sinh cho họ đạo, cho đoàn chiên… Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều là sự hy sinh. Sáng sớm, tôi thức dậy đi lễ, trong khi tôi có quyền ngủ tiếp, đó là sự hy sinh. Ra làm cỏ ngoài đất thánh, nắng nôi, cực khổ, kiến cắn, vắt đeo, trong khi tôi có quyền ngồi đánh bài sướng muốn chết, đó là sự hy sinh. Bạn bè rủ đi nhậu, nhưng thôi, tôi đi làm việc Giáo xứ, đó là sự hy sinh. Một linh mục, một tu sĩ không thể được lòng hết tất cả mọi người: nhưng mỗi người đều có sự âm thầm hy sinh phục vụ trong khả năng và điều kiện Chúa cho… Tất cả sự hy sinh đó làm cho lễ vật cuộc đời chúng ta có ý nghĩa trước mặt Chúa. Bởi vì lễ vật đòi hỏi phải có sự hy sinh, đổ máu.
- Dâng hiến trọn vẹn:
Kế đến khi dâng lễ vật, chúng ta phải dâng hiến trọn vẹn. Bà góa trong bài Tin Mừng hôm nay có thể giữ lại một đồng tiền, dù nó chẳng là bao, nhưng dù sao nó cũng còn một chút gì cho mình. Thế nhưng bà đã dâng hết tất cả những gì bà có. Đức Giêsu đã đổ đến giọt máu và nước cuối cùng cho nhân loại chúng ta. Ngài đã dâng hiến trọn vẹn… Điều tệ hại là chúng ta vẫn còn giữ lại một chút gì đó khi dâng hiến cho Thiên Chúa. Chính “một chút” đó đã làm cho lễ vật của chúng ta chưa trọn vẹn.
Một chút này có khi là sự ươn lười. Chúng ta muốn đọc kinh, đi lễ lắm và có quyết tâm đàng hoàng, nhưng đến giờ bỗng nhiên lười biếng, nên thôi ở nhà. Rõ ràng chúng ta đã dâng cho Chúa nhưng chưa dâng tất cả. Một chút này có khi là sự tiếc nuối. Muốn bỏ bài bạc rượu chè lắm nên đã đi xưng tội và đã quyết tâm bỏ, nhưng khi có người rủ rê, lôi kéo, chúng ta lại cảm thấy tiếc nuối và thế là trở lại con đường cũ…
Chúng ta có thể cảm nhận được rất rõ, dù cho mình không có gì, nhưng khi dâng tất cả cho Chúa, Ngài sẽ dùng để làm nhiều việc vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Ngược lại, nhiều khi chỉ vì những cái tiếc nuối nho nhỏ mà làm cho chúng ta không được trọn lành.
Tóm lại, phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh của hai bà góa đã làm đẹp lòng Chúa do hai bà đã dâng lên Thiên Chúa tấm lòng của mình. Tấm lòng đó được thể hiện bởi sự hy sinh và dâng hiến trọn vẹn. Từ đó mời gọi chúng ta cũng hãy biết sống hết lòng trong hành trình đức tin của mình, khi chúng ta chấp nhận hy sinh, gian khổ, chấp nhận cho đi tất cả.
Xin ơn Chúa giúp qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse cho mỗi người chúng con biết sống thật lòng với Chúa, để nhờ đó dâng cho Chúa trọn vẹn cả tấm lòng của chúng con. Tấm lòng này nhiều khi chỉ là những mồ hôi, nước mắt; những cố gắng đến mỏi mòn trong đời sống đức tin, nhưng dù như thế nào chúng con vẫn không nản lòng mà vẫn tiếp tục dâng hiến trọn vẹn cho Chúa.