THÁNH GIÁO YẾU LÝ
(ĐỂ THAM KHẢO)
IN LẦN THỨ HAI 30.000 QUYỂN
– NHÀ IN VÀ XUẤT BẢN-
CẦN THƠ ẤN QUÁN
5/1, Nguyễn Công Trứ, 5/1
CẦN THƠ
CUM PERMISSU SUPERIORUM
CHÚA GIÊSU PHÁN RẰNG:
“Tao là Đàng
là sự Thật
là sự Sống”.
(Êv. Ông thánh Gioan XIV,6)
THIÊN CHÚA NHỨT THỂ TAM VỊ ĐỆ NHỨT THIÊN
Hỏi: Có mấy đàng lên thiên đàng?
Thưa: Có một đàng rất chính rất thật, là đạo thánh Đức Chúa Trời.
H. Đức Chúa Trời là ai?
T. Là Đấng dựng nên trời đất muôn vật.
H. Đức Chúa Trời lấy đi gì mà dựng nên trời đất muôn vật?
T. Lấy phép tắc vô cùng.
H. Lấy phép tắc vô cùng nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là bởi không mà Người phán một lời, tức thì liền có trời đất muôn vật.
H. Vì ý nào mà Đức Chúa Trời dựng nên trời đất muôn vật?
T. Có ý cho sáng danh Người, cùng cho ta đặng dùng.
H. Thuở chưa có trời đất, Đức Chúa Trời ở đâu?
T. Trước sau cũng vậy, vì Người là tính thiêng liêng, chẳng lựa có nơi nào thì mới ở đặng.
H. Ai sinh ra ta?
T. Đức Chúa Trời sinh ra ta.
H. Đức Chúa Trời sinh ra ta làm chi?
T. Đức Chúa Trời sinh ta cho đặng thờ phượng kính mến Người, hầu ngày sau hưởng phúc đời đời.
H. Đức Chúa Trời ra làm sao?
T. Đức Chúa Trời là Đấng trọn tốt trọn lành, thiêng liêng, sáng láng vô cùng.
H. Đức Chúa Trời ở đâu?
T. Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi.
H. Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, làm sao ta xem chẳng thấy?
T. Vì Người là tính thiêng liêng, cho nên con mắt ta xem chẳng thấy.
H. Ta đã chẳng thấy Đức Chúa Trời, mà Người có thấy ta chăng?
T. Người xem thấy tỏ tường, dầu những sự kín nhiệm trong lòng ta, thì Người cũng soi thấu nữa.
H. Đức Chúa Trời mới có thuở nào?
T. Người là Đấng tự hữu, hằng có đời đời.
H. Có mấy Đức Chúa Trời?
T. Có một Đức Chúa Trời, mà Người có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhứt là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.
H. Ngôi thứ nhứt có phải là Chúa chăng?
T. Phải.
H. Ngôi thứ hai có phải là Chúa chăng?
T. Phải.
H. Ngôi thứ ba có phải là Chúa chăng?
T. Phải.
H. Nếu vậy chẳng phải là ba Đức Chúa Trời sao?
T. Chẳng phải, vì Ba Ngôi cũng một tính, một phép, cho nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi.
H. Có Ngôi nào lớn, Ngôi nào bé chăng?
T. Ba Ngôi cũng bằng nhau, không lớn mọn trước sau.
H. Đức Chúa Trời đã sinh ra loài nào trọng hơn?
T. Đức Chúa Trời đã sinh ra hai loài trọng hơn: một là Thiên Thần, hai là loài người ta.
H. Thiên thần là đấng nào?
T. Thiên thần là đấng thiêng liêng, Đức Chúa Trời dựng nên mà chầu chực Người, và hưởng phúc đời đời.
H. Hết thảy các Thiên thần có đặng hưởng phúc đời đời chăng?
T. Chẳng đặng, vì có phần phạm tội kiêu ngạo, nên Đức Chúa Trời phạt nó trong hoả ngục, gọi là ma quỉ.
H. Các thiên thần đã giữ nghĩa cùng Chúa bây giờ ở đâu?
T. Các đấng ấy hưởng phúc đời đời trên thiên đàng.
H. Các thiên thần có giúp người ta chăng?
T. Mỗi người có một Thiên thần gìn giữ mình, nên ta phải tin cậy và tôn kính người lắm.
H. Tổ tông loài người là ai?
T. Tổ tông loài người ta là ông Adong bà Evà.
H. Ông Adong bà Evà có giữ nghĩa cùng Đức Chúa Trời chăng?
T. Chẳng giữ, cho nên nếu chẳng có công nghiệp Chúa Cứu Thế, thì cả và loài người ta đã phải khốn nạn đời đời.
GIÁNG SANH CỨU THẾ ĐỆ NHỊ THIÊN
- Ba Ngôi, ngôi nào ra đời?
T. Ngôi thứ Hai ra đời.
H. Ngôi thứ Hai ra đời nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là, Chúa rất sang trọng vô cùng lấy xác lấy linh hồn làm người hèn hạ như ta.
H. Ngôi thứ Hai vốn phải là người chăng?
T. Vốn thật là Chúa, song khi ra đời thì cũng thật là người nữa.
H. Ngôi thứ Nhứt, Ngôi thứ Ba, có ra đời chăng?
T. Chẳng có, có một Ngôi thứ Hai ra đời mà thôi.
H. Ngôi thứ Hai ra đời lấy xác lấy linh hồn ở đâu làm người mà ra đời?
T. Người xuống thai trong lòng Rất Thánh Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
H. Đức Bà trọn đời đồng trinh mà chịu thai làm sao đặng?
T. Chẳng phải là sự thường như người thế gian, song bởi phép Đức Chúa Thánh Thần: cho nên khi chịu thai cùng sanh đẻ mà hãy còn trọn mình đồng trinh sạch sẽ.
H. Ngôi thứ Hai ra đời đặt tên là gì?
T. Đặt tên là GIÊSU nghĩa là Cứu thế.
H. Chúa Cứu Thế làm những sự gì khi còn ở thế gian này?
T. Người dạy dỗ ta về đàng rỗi linh hồn, và bởi công nghiệp Người, thì ta đặng nên thánh.
H. Công nghiệp Người là đi gì?
T. Là Người chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá vì tội loài người ta.
H. Người chịu chết ngày nào?
T. Người chịu chết ngày thứ sáu trước lễ Phục Sinh.
H. Đức Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời mà chịu chết làm sao đặng?
T. Đức Chúa Giêsu có hai tính: một là tính Đức Chúa Trời chẳng hay chịu chết; hai là tính người ta, mới hay chịu chết.
H. Xác Đức Chúa Giêsu táng ở đâu?
T. Táng trong huyệt đá mới.
H. Linh hồn Đức Chúa Giêsu đi đâu?
T. Linh hồn Đức Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông, đem linh hồn các thánh lên, vì từ ông Adong phạm tội, ví bằng không công nghiệp Chúa Cứu Thế, thì chẳng ai đặng lên trời.
H. Chúa Cứu Thế có sống lại chăng?
T. Chết chẳng đủ ba ngày, mà Người sống lại.
H. Sống lại đoạn Đức Chúa Giêsu đi đâu?
T. Sống lại Người ở thế gian bốn mươi ngày, dạy dỗ các thánh tông đồ, hầu mà giảng đạo cho thiên hạ, đoạn thì Người ngự về trời, mà Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh tông đồ.
H. Bây giờ Đức Chúa Giêsu ở đâu?
T. Luận về tính Đức Chúa Trời thì Người ở khắp mọi nơi; bằng về tính người ta, thì Người ở trên trời và ở trong Thánh Thể bí tích.
H. Chúa Cứu Thế có khi nào Người lại xuống thế nữa chăng?
T. Đến ngày tận thế, Người lại xuống phán xét chung cả và loài người ta.
H. Vậy thì còn phát xét riêng nào nữa sao?
T. Mỗi người, khi linh hồn ra khỏi xác, đều phải chịu phán xét riêng nữa.
H. Đã chịu phán xét riêng, còn phán xét chung làm chi nữa?
T. Ngõ cho quờn cả Chúa Cứu Thế và những sự vang hiển các kẻ lành, cùng mọi điều sỉ nhục phô loài dữ càng tỏ ra trước mặt thiên hạ.
- Có khi nào ta phải chết chăng?
T. Đến kỳ Chúa định chúng ta đều phải chết.
H. Chết đoạn xác ta ra thể nào?
T. Xác ta đều phải hư nát.
H. Xác ta có phải hư nát đời đời chăng?
T. Chẳng, đến ngày tận thế đều sống lại hết.
H. Linh hồn ta có chết chăng?
T. Linh hồn là tính thiêng liêng chẳng hề chết đặng.
H. Vậy khi xác chết đoạn, linh hồn đi đâu?
T. Linh hồn phải đến toà Đức Chúa Giêsu mà chịu phán xét.
H. Đức Chúa Giêsu phán xét về những sự gì?
T. Người phán xét về những sự lành dữ đã lo, đã nói, đã làm.
H. Phán xét đoạn linh hồn đi đâu?
T. Hoặc lên thiên đàng, hoặc xuống hoả ngục, hay vào luyện ngục, mặc việc lành dữ đã làm khi còn sống.
H. Thiên đàng là đi gì?
T. Thiên đàng là chốn thiên thần các thánh hưởng phúc đời đời, vì đặng xem thấy Đức Chúa Trời luôn.
H. Những ai đặng lên thiên đàng?
T. Những kẻ chẳng hề phạm tội gì trọng, hay là phạm tội mà đã ăn năn tội nên.
H. Hoả ngục là chốn nào?
T. Là nơi hình khổ, Đức Chúa Trời phạt, cầm ma quỉ và kẻ có tội đời đời chẳng cùng.
H. Những ai phải sa hoả ngục?
T. Những kẻ chẳng hề nhìn biết Đức Chúa Trời mà thờ phượng bụt thần ma quỉ, cúng quải lạy đơm tế tổ tiên, đến chết chẳng toan trở lại, và mọi người có đạo còn mắc tội trọng mà qua đời.
H. Luyện ngục là chốn nào?
T. Luyện ngục cũng là nơi hình khổ phạt cầm những kẻ lành khi còn sống mà đền tội mình chưa đủ.
NHƠN SANH TỘI CHƯỞNG ĐỆ TỨ THIÊN
- Tội là đi gì?
T. Tội là những sự ngỗ nghịch cùng Đức Chúa Trời.
H. Có mấy giống tội?
T. Có hai giống: một là tội tổ tông, hai là tội mình làm.
H. Tội tổ tông là tội nào?
T. Tội tổ tông là ông Adong và Evà chẳng vưng lời Đức Chúa Trời răn, cho nên phạm tội mà truyền lại cho thiên hạ.
H. Tội mình làm là tội nào?
T. Là lòng lo, miệng nói, mình làm điều gì mất lòng Đức Chúa Trời.
H. Tội mình làm có mấy thể?
T. Có hai: một là tội trọng, hai là tội nhẹ.
H. Tội trọng là đi gì?
T. Là tội làm cho ta nghịch cùng Chúa và đáng chịu phạt đời đời.
H. Tội nhẹ là đi gì?
T. Là tội làm cho ta nguội lạnh yếu đuối, và đáng chịu phạt trong luyện ngục.
H. Có mấy mối tội đầu?
T. Có bảy: một là kiêu ngạo; hai là hà tiện; ba là dâm dục; bốn là ghen ghét; năm là mê ăn uống; sáu là hờn giận; bảy là làm biếng việc lành.
H. Vì sao gọi là tội đầu?
T. Vì là căn nguyên mọi tội lỗi khác.
H. Tội kiêu ngạo là đi gì?
T. Là tội hay làm cho người ta yêu chuộng và tặng mình lên quá, cùng khinh dể kẻ khác.
H. Tội ấy có phải là tội trọng lắm chăng?
T. Nó là tội thứ nhứt, và trọng hơn cùng hiểm nghèo hơn các tội khác.
H. Phải làm đi gì cho khỏi tội ấy?
T. Phải cầu xin cùng Chúa ban nhơn đức khiêm nhượng; cùng nhớ lại kẻ kiêu ngạo chẳng đặng lên nước thiên đàng.
H. Tội hà tiện là tội nào?
T. Là tội hay làm cho người ta mê tham của cải thế gian quá lẽ.
H. Người ta có năng phạm tội ấy chăng?
T. Dầu kẻ giàu, kẻ khó, cũng năng phạm tội ấy.
H. Phải làm thể nào cho khỏi tội ấy?
T. Phải lấy lòng rộng rãi, mà bố thí cho vừa sức mình.
H. Tội dâm dục là gì?
T. Người ta mắc tội ấy khi bởi sự tưởng, hay là bởi lời nói, hay là bởi việc làm, ưng vui theo tính hư xác tịt; song giáo hữu phải gớm ghiếc tội ấy đến đỗi chẳng dám nói đến tên nó.
H. Tội ghen ghét là thể nào?
T. Là tội hay làm cho người ta phân bì, cùng buồn bực, khi kẻ khác đặng thạnh lợi về phần hồn hay là phần xác.
H. Phải làm điều gì cho khỏi tội ấy?
T. Phải giữ điều răn Chúa dạy; yêu người như mình vậy.
H. Tội mê ăn uống là làm sao?
T. Là khi người ta ăn uống quá lẽ, nhứt là những kẻ uống rượu say, thì trở nên loài vô tâm vô trí, cùng liều mình phạm nhiều tội khác.
H. Phải dùng cách nào cho khỏi tội ấy?
T. Phải hãm mình ăn uống cho tiết kiệm thích trung, cùng giữ lời ông thánh Phaolồ dạy rằng: dầu khi ăn: dầu khi uống dầu khi làm sự gì khác, thì phải có ý làm cho sáng danh Chúa.
H. Tội hờn giận là làm sao?
T. Là khi người ta bởi tính nóng nảy trong lòng cùng bề ngoài, nên giận quá lẽ hay là muốn báo oán.
H. Phải làm điều gì cho khỏi tội ấy?
T. Là trong lời nói, việc làm, chớ khá theo tính nóng nảy, một theo lẽ phải, cùng giữ sự nhịn nhục hiền lành.
H. Đấng bề trên quở trách cùng sửa phạt kẻ bề dưới, có tội chăng?
T. Chẳng có tội, mà lại khi người có lẽ mà sửa phạt đặng, nếu chẳng sửa phạt thì người mắc lỗi.
H. Tội làm biếng là tội nào?
T. Là tội hay làm cho người ta trễ nải, chẳng muốn chịu khó cho đặng rỗi linh hồn và làm các việc cho xứng bổn phận mình.
H. Có nhiều kẻ phạm tội ấy chăng?
T. Nhiều người phạm tội ấy, mà có ít kẻ xét mình và lấy sự làm biếng là tội.
H. Có phải sợ tội ấy chăng?
T. Phải sợ lắm, vì sự ở nhưng là cội rễ mọi sự dữ.
Ơn Chúa
H. Bởi sức riêng ta có đặng rỗi linh hồn chăng?
T. Chẳng đặng, có ơn Chúa giúp thì mới đặng.
H. Ơn Chúa nghĩa là đi gì?
T. Nghĩa là sức thiêng liêng, Đức Chúa Trời ban, vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu cho ta đặng rỗi linh hồn.
H. Ơn nào là ơn cần kíp cho ta đặng rỗi linh hồn?
T. Là ơn soi trí khôn cho biết sự phải, sự chẳng, cùng giục lòng làm sự lành và lánh sự dữ.
H. Ta có từ chối ơn Chúa đặng chăng?
T. Có nhiều lần ta từ chối ơn Chúa.
H. Đức Chúa Trời có ban ơn cho mọi người bằng nhau chăng?
T. Đức Chúa Trời rất nhơn từ, công bình vô cùng, chẳng mắc nợ ai, Người muốn ban ơn thể nào, thì nên thể ấy.
H. Ta phải làm đi gì cho đặng ơn Đức Chúa Trời?
T. Phải chịu lấy các phép bí tích, cùng siêng năng đọc kinh cầu nguyện.
Phép bí tích
H. Phép bí tích là đi gì?
T. Là dấu nhiệm bề ngoài, chỉ và làm ơn thiêng liêng bề trong, Đức Chúa Trời đã lập cho ta đặng nên thánh.
H. Có mấy phép bí tích?
T. Có bảy: thứ nhứt là phép rửa tội; thứ hai là phép thêm sức; thứ ba là phép Mình Thánh Chúa; thứ bốn là phép giải tội; thứ năm là phép xức dầu thánh; thứ sáu là phép truyền chức thánh; thứ bảy là phép hôn phối.
Phép Rửa tội
H. Phép rửa tội là đi gì?
T. Là phép làm cho ta khỏi tội tổ tông, và nên con Đức Chúa Trời cùng con Hội Thánh.
H. Phép rửa tội có tha tội mình làm chăng?
T. Những tội mình đã làm trước thì khi chịu phép rửa tội nên, đều đặng khỏi hết.
H. Kẻ chẳng chịu phép rửa tội có đặng rỗi linh hồn chăng?
T. Chẳng; có một khi muốn chịu mà chẳng đặng, thì phải hết lòng ước ao, cùng yêu mến Chúa, hay là chịu tử vì đạo, thì mới đặng mà chớ.
H. Đặng chịu phép rửa tội mấy lần?
T. Đặng chịu một lần mà thôi, vì phép ấy đã in một dấu thiêng liêng vào linh hồn, chẳng hay mất đặng.
H. Ai đặng làm phép rửa tội?
T. Các hàng linh mục đặng làm mà thôi; song khi thế gấp, thì mọi người dầu mà kẻ ngoại làm theo ý Hội Thánh, thì cũng đặng.
H. Phải rửa tội làm sao?
T. Phải lấy nước lã, giội trên đầu kẻ chịu phép rửa tội; cũng một khi ấy đọc lời này rằng “Tao rửa mầy, nhơn danh X Cha, và X Con, và Thánh X Thần”.
H. Khi giội đầu chẳng đặng, thì phải làm thể nào?
T. Phải chọn nội mình nơi nào trọng hơn, thì phải giội đó.
Phép Thêm sức
H. Phép Thêm sức là đi gì?
T. Là phép làm cho ta đặng chịu ơn Đức Chúa Thánh Thần, cho đặng lòng vững vàng, mà xưng đạo thánh Chúa ra trước mặt thiên hạ.
H. Kẻ chẳng chịu phép Thêm sức có đặng rỗi linh hồn chăng?
T. Đặng; song kẻ khinh hay là làm biếng chẳng muốn chịu, thì phạm tội, lại mất những ơn trọng bởi phép ấy mà ra.
H. Nên chịu phép này nhiều lần chăng?
T. Chẳng nên; phải chịu một lần mà thôi, vì phép ấy đã in một dấu thiêng liêng vào linh hồn chẳng hay mất.
H. Ai muốn chịu phép này cho nên, phải làm đi gì?
T. Phải làm ba sự này: Một là thuộc biết những sự chính phải tin trong đạo. Hai là phải cho sạch mọi tội, ít nữa là sạch các tội trọng. Ba là đọc kinh Tin, Cậy, Kính mến, và có lòng ước ao cho đặng chịu phép ấy.
H. Ai còn mắc tội trọng mà chịu phép này, có phạm tội chăng?
T. Phạm tội rất trọng, vì là phạm sự thánh.
H. Ai đặng làm phép Thêm sức?
T. Các hàng Giám mục đặng làm mà thôi.
- Phép Mình Thánh Chúa nghĩa là đi gì?
T. Nghĩa là Mình thánh, Máu thánh, cùng linh hồn Đức Chúa Giêsu và tính Đức Chúa Trời ngự thật trong hình bánh rượu.
H. Bao giờ bánh rượu trở nên Mình thánh Máu thánh Đức Chúa Giêsu?
T. Khi thầy làm lễ Misa, đến nửa mùa mà đọc lời Chúa truyền đoạn, tức thì bánh cùng rượu trở nên Mình thật, Máu thật Đức Chúa Giêsu.
H. Trong hình bánh thì toàn Mình thánh mà trong hình rượu, thì toàn Máu thánh mà thôi sao?
T. Chẳng phải: dầu trong hình bánh hình rượu, thì cả và hai đều có trót Mình và Máu thánh Chúa nữa.
H. Khi phân rẽ hình bánh làm hai, có rẽ phân Mình thánh Chúa ra chăng?
T. Chẳng; rẽ phân hình bánh mà thôi, Mình thánh Chúa chẳng hề phân đặng; dầu trong mọi phần nhỏ mọn cũng có trót Mình cùng Máu thánh Người.
H. Đức Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể làm chi?
T. Trước là có ý cho tăng đặng nhớ công ơn Người đã chuộc tội chịu chết vì ta, sau là nên lương thực thiêng liêng cho đặng nuôi linh hồn ta nữa.
H. Đức Chúa Giêsu đã lập phép này bao giờ?
T. Đã lập chưng ngày thứ năm trước khi Người chịu nạn.
H. Kẻ muốn chịu Mình Thánh Chúa cho nên thì phải làm thể nào?
T. Phải dọn linh hồn và xác.
H. Dọn linh hồn là làm sao?
T. Phải xét mình, bằng có phạm tội gì, thì phải ăn năn cùng xưng tội ấy, và có lòng tin, cậy, kính mến, khiêm nhượng ước ao cùng tạ ơn.
H. Kẻ còn mắc tội trọng mà chịu lễ, có rước thật Mình thánh Máu thánh Chúa chăng?
T. Rước thật: song le những kẻ ấy thật là rước hình phạt cho mình, vì là phạm sự thánh.
H. Phải dọn xác là thể nào?
T. Từ ba giờ trước lễ phải kiêng ăn hay uống rượu, và từ một giờ trước phải kiêng uống mọi chất lỏng khác, trừ nước lã hay thuốc chữa bịnh.
Lại nữa phải ăn mặc sạch sẽ, nết na tề chỉnh, và lòng tôn kính khiêm nhượng quì gối mà rước Mình Thánh Chúa.
H. Ta phải ước ao năng chịu Mình thánh Chúa chăng?
T. Ta phải ước ao luôn; càng năng chịu bao nhiêu thì càng đặng ích bấy nhiêu.
H. Đặng những ích nào?
T. Một là, ta đặng hiệp làm một cùng Chúa; hai là, thêm ơn trọng Chúa trong ta; ba là, bớt những tình tư dục; bốn là cho ta đặng dấu thật ngày sau sẽ hưởng phúc đời đời.
H. Lễ Misa là lễ nào?
T. Là lễ dâng Mình thánh Máu thánh Đức Chúa Giêsu trong hình bánh rượu mà tế lễ Đức Chúa Trời, như xưa Chúa đã dâng mình trên cây Thánh giá cho Đức Chúa Cha.
H. Ấy vậy thì lễ Misa cũng là một lễ như xưa Chúa đãdâng mình trên cây Thánh giá sao?
T. Cũng là một lễ, song khác hai sự này: vì xưa thì Chúa đã dâng mình Người, mà nay thì bởi tay các hàng linh mục; lại xưa máu Người đã đổ ra, mà bây giờ chẳng còn đổ ra nữa.
H. Trong Hội Thánh có ý gì mà dâng lễ Misa?
T. Có bốn ý này: một là nhìn biết Đức Chúa Trời là Chúa cao trọng trên hết mọi sự; hai là, cho đặng tha hết mọi tội lỗi ta; ba là, xin cho ta đặng mọi sự lành; bốn là, tạ ơn Người vì mọi ơn lành đã xuống cho ta xưa nay.
H. Có nên dâng lễ Misa mà tế lễ Đức Bà cùng các thánh chăng?
T. Chẳng nên, vì sự tế lễ là thuộc về một Đức Chúa Trời mà thôi.
H. Những ai đặng hưởng công ơn bởi lễ Misa mà ra?
T. Kẻ sống và kẻ chết đều đặng hưởng nhờ.
- Phép giải tội là đi gì?
T. Là phép tha tội cho những kẻ đã phạm từ khi rửa tội về sau.
H. Phép giải tội có phải là sự cẩn cấp cho đặng rỗi linh hồn chăng?
T. Là sự rất cẩn cấp cho những kẻ đã phạm tội trọng từ khi rửa tội về sau.
H. Phép giải tội có mấy phần?
T. Có ba phần: một là, ăn năn tội; hai là, xưng tội; ba là, ý muốn đền tội.
H. Ăn năn tội là đi gì?
T. Là lo buồn đau đớn về mọi tội đã phạm, và dốc lòng chừa, chẳng hề phạm tội ấy nữa.
H. Ăn năn tội có mấy cách?
T. Có hai cách: một là, ăn năn tội vì Chúa; hai là, ăn năn tội vì mình.
H. Ăn năn tội vì Chúa nghĩa làm sao?
T. Nghĩa là đau đớn vì mọi tội lỗi đã mất lòng Chúa rất nhơn từ và tốt lành vô cùng.
H. Ai ăn năn tội vì Chúa có đặng ích gì chăng?
T. Những kẻ ấy dầu chưa đặng xưng tội, miễn là có lòng muốn xưng tội, thì đã khỏi tội mà lại đặng nghĩa cùng Chúa.
H. Ăn năn tội vì mình là làm sao?
T. Là lo buồn đau đớn bởi xấu hổ vì tội, cùng e mất nước thiên đàng, hay là sợ hình khổ hoả ngục vô cùng.
H. Ai ăn năn tội cách này, có đặng nghĩa cùng Chúa chăng?
T. Chẳng: ví bằng có chịu phép giải tội, thì mới đặng.
H. Ăn năn tội nên có mấy ý?
T. Có bốn ý: một là, cậy sức Chúa giục lòng mà ăn năn tội; hai là, đau đớn trong lòng vì đã phạm tội, chẳng phải lo buồn bề ngoài mà thôi; ba là, giận ghét mọi tội mình, chẳng sót tội nào; bốn là, đau đớn tội mình hơn lo tiếc mọi sự thế gian.
H. Ăn năn tội cậy sức Chúa là làm sao?
T. Là khi bởi ơn Đức Chúa Thánh Thần giục lòng mà ta ăn năn tội.
H. Kẻ ăn năn tội bởi mắc phải tai vạ gì, như mất của cải hay là liệt lào mà lo buồn đau đớn, có phải là cậy sức Chúa chăng?
T. Chẳng phải; vì ăn năn thể ấy là theo tính xác thịt mà thôi.
H. Ăn năn vì mọi tội là gì?
T. Là đau đớn về mọi tội lỗi; nếu mà có một tội nào mà chẳng lo buồn đến thì chẳng gọi là ăn năn tội nên.
H. Đau đớn tội mình hơn là lo tiếc mọi sự, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là ăn năn đau đớn, vì đã làm mất lòng Chúa, hơn là mắc phải tai nạn, hay là đã mất mọi giống châu báu ta yêu chuộng ở đời này.
H. Có mấy thể giục lòng ta ăn năn tội?
T. Có hai: một là, nài xin cùng Chúa cho ta đặng lòng đau đớn thật; hai là, phải tìm một hai cách gì cho đặng giục lòng ta.
H. Những cách thế nào?
T. Những thể là là suy tưởng Chúa rất nhơn từ hằng xuống ơn cho ta không ngằn mà ta lại phụ nghĩa cùng Người dường ấy; hay là tưởng công nghiệp Đức Chúa Giêsu, bởi tội ta, nên Người đã đổ hết máu mình ra; cùng là suy gẫm, bởi tội thì đã đáng sa hoả ngục mà chịu hình khổ đời đời, lại mất sự vui vẻ thiên đàng chẳng cùng.
H. Có dấu nào cho ta đặng biết thật ta đã ăn năn tội nên chăng?
T. Có hai dấu này: một là, khi thấy ta đã chừa và dốc lòng ghét bỏ tội thật; hai là, xa lánh mọi cách thế quen làm cho ta phạm tội.
H. Phải đọc kinh ăn năn tội thể nào?
Kinh Ăn năn tội
T. Lạy Chúa tôi, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên tôi và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì tôi, mà tôi đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì tôi lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội tôi trên hết mọi sự; tôi dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì tôi sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.
Xưng tội
H. Xưng tội là làm sao?
T. Là tỏ cáo mọi tội lỗi ta cùng hàng linh mục.
H. Đương khi xưng tội phải có lòng thể nào?
T. Phải có lòng khiêm nhượng, thật thà mà tỏ cáo mọi tội lỗi mình.
H. Khiêm nhượng là làm sao?
T. Là khi tỏ tội mình, thì phải có lòng xấu hổ thẹn thuồng, vì đã làm mất lòng Chúa.
H. Lòng thật thà là làm sao?
T. Là khi xét tội thể nào thì xưng ngay thể ấy, chẳng nên thêm bớt.
H. Xưng mọi tội nghĩa là gì?
T. Nghĩa là phải xưng mọi tội trọng, chẳng giấu tội nào.
H. Kẻ có ý giấu một tội trọng mà thôi, có phạm tội chăng?
T. Phạm tội rất trọng, vì làm phạm sự thánh. Nên sau khi xưng tội, trước phải xưng tội phạm sự thánh này, sau phải xưng lại mọi tội đã xưng phen ấy.
H. Ta xưng trổng mọi tội mà thôi có đủ chăng?
T. Chẳng đủ; giả như tội ăn trộm mà xưng trổng rằng: tôi đã ăn trộm, thì chưa đủ; song phải xưng ăn trộm đã mấy lần, mà vật ấy là bao nhiêu, hay là của thánh; dầu các tội khác thì cũng vậy.
H. Làm cách nào cho đặng biết mọi tội lỗi mà xưng?
T. Phải xét theo đấng bậc mình, hoặc lo, nói, làm điều gì phạm điều răn Chúa cùng Hội Thánh, và bảy mối tội đầu.
H. Ta phải xưng mọi tội nhẹ chăng?
T. Bằng chẳng xưng thì chẳng phạm tội gì; song mà xưng, cùng có lòng đau đớn, thì rất nên có ích.
Đền tội
H. Đền tội là làm sao?
T. Là làm những sự thầy giải tội dạy cùng những việc theo ý ta mà đền tội, như thể ăn chay, cầu nguyện, hay là thí của cho kẻ khó khăn, cùng việc khác như vậy.
H. Chịu những sự tai nạn nhọc nhằn, như cơn buồn rầu, bịnh hoạn, cùng điều khác như vậy, có đặng đền vì tội ta chăng?
T. Ví bằng có ý chịu vì lòng kính mến Chúa hay là đền tội, thì cũng đặng.
H. Bằng đã làm mất lòng ai, có phải phạt tạ kẻ ấy chăng?
T. Chẳng những là phải phạt tạ mà thôi, song nhà ấy có chịu thiệt hại điều gì, dầu của dầu công, cũng phải thường lại nữa.
H. Kẻ đã xưng tội nên, cùng đã chịu phép giải tội, thì đã khỏi tội, mà còn phải đền tội làm chi nữa?
T. Đã hay rằng: kẻ chịu phép ấy nên, thì đã khỏi tội cùng hình phạt đời đời; song còn hình phạt tạm nữa, nên phải đền mới khỏi.
Ví như trong quốc pháp ai đã mắc tội tử luận, dầu triều đình tha giết mặc lòng, song cũng phải đái tội lập công.
H. Phần phạt tạm phải đền ở đâu?
T. Phải đền ở đời này, hay là trong luyện ngục.
H. Còn có cách nào cho khỏi phần phạt tạm ấy chăng?
T. Có phép Ân xá.
H. Ân xá là gì?
T. Ân xá là phép Hội Thánh ban để tha phần phạt tạm.
H. Ân xá có mấy thứ?
T. Ân xá có hai thứ: Một là Đại xá là phép tha hết mọi phần phạt tạm. Hai là Tiểu xá là phép tha một hai phần phạt tạm mà thôi.
H. Ai có quyền ban phép Ân xá?
T. Có một Hội Thánh mà thôi.
H. Ta phải làm thể nào mà chịu ơn ấy cho nên?
T. Phải thật lòng ăn năn tội, cùng làm mọi việc như thể thức truyền.
CHUNG PHÚ, THẦN PHẨM HÔN PHỐI ĐỆ CỬU THIÊN
- Phép xức dầu thánh là đi gì?
T. Là phép giúp đỡ kẻ liệt về phần linh hồn, cũng có khi về phần xác nữa.
H. Kẻ chịu phép này đặng những ích gì?
T. Đặng ba điều ích này: một là đặng vững vàng, chẳng sợ chết cùng chước ma quỷ; hai là khỏi mọi tội nhẹ và tội trọng hoặc là đã quên, hay là bởi cơn bịnh mà xưng chẳng đặng; ba là khi có ích phần linh hồn, thì cũng đặng khoẻ mạnh phần xác nữa.
H. Có nên chờ khi hấp hối mà chịu phép này chăng?
T. Chẳng nên; song khi thế ngặt, thì phải tính việc ấy.
H. Phép truyền chức thánh là phép nào?
T. Là phép phong chức cho các hàng linh mục đặng quờn tế lễ Đức Chúa Trời và giúp việc Hội Thánh, lại đặng ơn Chúa mà làm những việc ấy cho nên.
H. Phép hôn phối là đi gì?
T. Là phép nhứt phu nhứt phụ phối hiệp cùng nhau, theo ý Chúa định, mà truyền nhân loại cùng giúp đỡ nhau làm việc lành, mà giữ đạo Đức Chúa Trời cho đặng nên thánh.
H. Có nên cưới nhiều vợ chăng?
T. Chẳng nên; vì thuở tạo thiên lập địa Đức Chúa Trời đã sinh một nam một nữ, để phối hiệp cùng nhau, mà sinh loài người ta; ấy là phép nhứt phu nhứt phụ đâu khá tư tình mà cãi ý Chúa định.
H. Như đàn ông có vợ mà không sinh con có nên cưới vợ khác cho đặng con chăng?
T. Chẳng nên; giả như chồng rằng: không con, mà cưới vợ khác, thì vợ cũng rằng: không con mà lấy chồng khác, thì lẽ lấy làm sao? Ví bằng vợ chẳng khá hai chồng, thì chồng cũng chẳng nên hai vợ.
H. Còn có lẽ nào nữa chăng?
T. Còn nhiều lẽ khác; một là trong đạo phu phụ, thì phải giữ tín ngãi làm đầu, như chẳng toàn nhứt phu nhứt phụ, sao đặng trọn niềm tín nghĩa; hai là phu phụ hoà, thì gia đạo thành, bằng chồng rày vợ nọ mai vợ kia, sao cho đặng một lòng hoà thuận; ba là cưới một vợ mà sinh con cái, thật là đồng khí liên chi, bằng cưới nhiều vợ, hoặc là phân dòng nọ dòng kia, sao cho đặng vẹn tình hiếu đễ.
H. Kẻ không con mà chứ nhứt phu nhứt phụ ắt là liệt tự: chớ câu Bất hiểu hữu tam, vô hậu vi đại, lẽ ấy làm sao?
T. Có con cùng không vốn chẳng tại ta, một tại ý Chúa phân định mà thôi; vả sự thảo cùng không cũng chẳng tại có con hay là không con, một tại giữ phụ mẫu đồng tâm đồng đức phụng dưỡng cung kính, vưng kính mạng cha mẹ sở định, ấy là thật hiếu mà chớ, như câu: Vô hậu vi đại, là lời Mạnh tử nói chữa vua Thuấn cho khỏi chữ bất hiếu mà thôi. Chẳng nên lấy lời ấy mà nghịch mạng Đức Chúa Trời làm chi.
H. Ai muốn chịu phép hôn phối cho nên, phải làm thế nào?
T. Trước hết phải có lòng thờ phượng Chúa, chẳng phải một tưởng việc phần xác mà thôi, lại phải giữ mình cho thanh sạch, đừng có tội gì trọng.
H. Có ý thờ phượng Chúa là làm sao?
T. Là phải giữ tín ngãi và nhịn nhục nhau mọi khi lầm lỗi, và giúp đỡ nhau cho thượng hoà hạ mục; sau dầu có sinh con cái, thì phải năng dạy dỗ răn khuyên.
H. Phải dạy răn con cái làm sao?
T. Một là phải tập tành nó yêu mến Chúa hết lòng, cùng chê ghét mọi đàng tội lỗi; hai là phải ra công dạy dỗ cho nó thuộc biết những sự phải tin trong đạo thánh; ba là gìn giữ xem sóc, kẻo nó làm sự gì chẳng nên chăng.
H. Kẻ có vợ chồng cùng kẻ đồng trinh ai hơn.
T. Kẻ đồng trinh hơn, vì kẻ không lo vợ chồng, một khi tục tinh tu, thì phước đức càng cao càng trọng, lại càng gần Chúa hơn nữa.
- Phải làm đi gì cho đặng rỗi linh hồn?
T. Phải giữ mười điều răn Đức Chúa Trời, cùng sáu điều răn Hội thánh.
H. Mười điều răn Đức Chúa Trời là những điều nào?
T. Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn:
Thứ nhứt. Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.
Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba, giữ ngày Chúa nhựt.
Thứ bốn, thảo kính cha mẹ.
Thứ năm, chớ giết người.
Thứ sáu, chớ làm sự dâm dục.
Thứ bảy, chớ lấy của người.
Thứ tám, chớ làm chứng dối.
Thứ chín, chớ muốn vợ chồng người.
Thứ mười, chớ tham của người.
Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ; trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự; sau lại yêu người như mình ta vậy.Giái thứ nhất
H. Giái thứ nhất dạy những sự gì?
T. Dạy thờ phượng một Đức Chúa Trời, và tin, cậy, kính mến Người trên hết mọi sự.
H. Nên thờ các thánh bằng Chúa chăng?
T. Chẳng nên, vì ta kính các thánh là tôi ngay con thảo Chúa mà thôi.
H. Vậy thì sao hằng cầu nguyện cùng các thánh?
T. Cho các thánh cầu thay nguyện giúp cùng Chúa cho ta đặng mọi sự lành.
H. Những điều nào nghịch cùng sự kính chuộng Đức Chúa Trời?
T. Có ba điều này: một là thờ phượng ma quỉ bụt thần, hai là khinh dể của thánh, ba là tin cậy dị đoan.
H. Dị đoan là đi gì?
T. Là những sự đơm tế, quải lạy ông bà cha mẹ; tin bói khoa nhâm độn, cậy phù thuỷ pháp môn, xem tướng mạo; chọn ngày giờ, kì yên chạp miễu; lên đồng xuống đồng; thờ tiên sư, thổ công thổ chủ; đặt bài vị; lên nêu, buộc tran cầu địa lý; đốt giấy tiền vàng bạc, khi chiêm mộng huyễn, gặp đờn ông đờn bà bàn luật tốt xấu; cùng là tim chim kêu gà gáy chuột túc nhện xa, rằng thiêng rằng thính, và mọi điều khác như vậy.
H. Có mấy cách nghịch cùng đức tin?
T. Có bốn cách này: một là cứng lòng chẳng tin mọi sự như Hội Thánh đã truyền cho kẻ ngoại cùng quân lạc đạo; hai là kẻ có đạo bởi sợ phép quan, cùng hình phạt, hay là hổ thẹn mà chối đạo, tuỳ thì theo thói thế gian; ba là kẻ cố ý hồ nghị sự gì, trong phép đạo; bốn là làm biếng chẳng muốn học những sự phải biết cho đặng rỗi linh hồn.
H. Những sự phải biết cho đặng rỗi linh hồn là những sự nào?
T. Một là phải biết sự mầu nhiệm một Đức Chúa Trời Ba Ngôi, cùng Chúa Cứu Thế ra đời và chuộc tội cho thiên hạ; hai là đến ngày tận thế, cả và loài người ta đều thì sống lại, mà chịu thưởng hay là chịu phạt đời đời; ba là phải biết kinh tin, kinh cậy, kinh kính mến, kinh lạy Cha, mười giái răn Đức Chúa Trời, cùng sáu điều răn Hội thánh, và những điều thuộc về bí tích cũng những việc theo đấng bậc mình.
H. Có sự gì nghịch cùng đức cậy chăng?
T. Có hai sự này: một là ngã lòng rủn chí, chẳng làm việc đền tội; hai là cậy lòng lành Chúa, cùng sức mình thới quá, nên lần lựa chẳng kíp toan trở lại.
H. Có sự gì nghịch cùng đức kính mến chăng?
T. Những sự chồm ố, công danh lợi lộc, cùng là dâm dục sa đà.
H. Ta phải yêu người ta chăng?
T. Phải yêu hết mọi người; vì Đức Chúa Giêsu đã dạy: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau thì yêu người như mình vậy.
H. Có phải yêu kẻ nghịch cùng ta chăng?
T. Phải yêu, vì Đức Chúa Giêsu đã dạy rằng: Bay phải yêu kẻ ghét bay và làm ơn cho kẻ làm khốn bay.
Giái thứ hai
H. Giái thứ hai cấm những sự gì?
T. Cấm ba sự này: một là thề quấy, hay là nói lộng ngôn, ba là rủa mình hay là kẻ khác.
H. Thề quấy là làm sao?
T. Là thề dối, thề vặt, cùng thề mà làm sự chẳng nên.
H. Kẻ đã thề mà làm sự chẳng nên, có phải giữ lời thề chăng?
T. Chẳng, vì kẻ thề làm vậy, thì đã phạm tội; bằng giữ lời thề, thì lại phạm tội khác nữa.
H. Có khi nào nên thề chăng?
T. Khi có việc gì trọng, mà kẻ bề trên bắt thề, thì nên lấy tên Đức Chúa Trời mà thề.
H. Có nên lấy nên bụt thần ma quỉ mà thề chăng?
T. Chẳng nên.Giái thứ ba
H. Giái thứ ba dạy những điều gì?
T. Dạy ta phải giữ mọi ngày Chúa nhựt.
H. Giữ ngày Chúa nhựt là làm sao?
T. Là những ngày ấy phải có ý mà xem lễ, và làm việc phước đức.
H. Ngày Chúa nhựt có nên làm việc xác chăng?
T. Chẳng có điều gì cẩn cấp, thì chẳng nên.
H. Khi chẳng cẩn cấp, có nên sai khiến tôi tớ làm việc xác trong ngày ấy chăng?
T. Chẳng nên.Giái thứ bốn
H. Giái thứ bốn dạy những sự gì?
T. Dại thảo kính, vưng lời chịu luỵ, cùng giúp đỡ cha mẹ.
H. Thảo kính cha mẹ phải làm thể nào?
T. Trước là cầu xin cho người đặng sống lâu sức khoẻ, sau là ở cho hoà nhã khiêm nhượng, chẳng nên ngỗ nghịch dể duôi, chớ khá làm cho người rầu rỉ: hễ tử vi phụ ẩn; chẳng nên đàm tiếu sự lỗi gì người.
H. Vưng lời chịu luỵ là làm sao?
T. Là cha mẹ dạy khuyên sai khiến chẳng nên trách móc phàn nàn, chớ khá bỏ cha mẹ mà đi ác nghiệp chơi bời, cùng khi phối thất nhơn dươn, phải vưng thuận tình người phân định, lại dầu khi cố mạng người có trối phú điều gì, thì khá vui lòng noi giữ.
H. Giúp đỡ cha mẹ là làm sao?
T. Là cha mẹ khó khăn già cả, phải dưỡng nuôi, sớm viếng tối thăm, chẳng nên kể công nọ ngãi kia, vì đã dầy ngày chịu khó; còn của người chẳng nên xới bớt; khi liệt lào phải chạy thuốc thang: thuở mạng một, trợ phần tống táng, cùng cầu hồn gởi lễ cho người.
H. Có nên quải lạy đơm tế ông bà cha mẹ đã qua đời chăng?
T. Chẳng nên, vì là nghịch cùng phép đạo lại thêm trái thửa lẽ hằng.
H. Vì sao nghịch cùng phép đạo?
T. Vì đạo thánh dạy: kẻ chết chẳng hay ăn uống, cũng chẳng đặng xuống ơn phù hộ cho ai, mà lại ước ao cho kẻ còn sống giúp lời cầu nguyện xin Chúa tha tội lỗi cho mình.
H. Sao mà gọi rằng: trái lẽ?
T. Vì của phải dùng mà chẳng muốn cho, mà cho những vật dùng chẳng đặng như thấy ai chới với sông, mà ta chẳng ra tay cứu vớt, một đem của ăn cho nó mà thôi, có phải lẽ cùng chăng, thì mọi người đều biết.
H. Giái này dạy phải thảo kính cha mẹ mà thôi sao?
T. Cũng dạy tôn kính mọi kẻ bề trên nữa, như vua chúa quan quyền, chủ nhà cùng thầy dạy dỗ và những kẻ già nua tuổi tác.
H. Đấng bề trên dạy làm điều gì nghịch cùng đạo thánh, có nên làm chăng?
T. Chẳng nên, vì phải kính chuộng một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự.
H. Cha mẹ hay là chủ nhà phải làm những điều gì cho con cái tôi tớ?
T. Phải làm bốn sự này: một là dạy dỗ; hai là sửa phạt; ba là làm gương tốt; bốn là dưỡng nuôi.Giái thứ năm
H. Giái thứ năm cấm những điều gì?
T. Cấm lấy ý riêng mà giết mình hay là kẻ khác.
H. Giái này cấm bấy nhiêu mà thôi sao?
T. Cũng cấm ghen ghét, bỏ vạ, cáo gian, khinh dể, hờn giận, báo thù nhiếc nhóc trù ẻo, cùng muốn hay là làm điều gì thiệt hại người ta.
H. Còn cấm điều gì nữa chăng?
T. Còn cấm làm gương xấu cho kẻ khác theo đòi, hay là xúi giục làm thiệt hại người ta.
H. Kẻ đã phao vu, hay là chưởi rủa, làm nhơ danh xấu tiếng người ta phải làm thể nào?
T. Phải phạt tạ, cùng trả tiếng tốt cho người ta, lại bằng có tiện, thì phải xưng ngay ra rằng: mình đã vu oan dối trá.Giái thứ sáu, cùng thứ chín
H. Hai giái này cấm những sự gì?
T. Cấm tưởng, nói, cùng làm điều gì dâm dục.
H. Tưởng mà phạm tội là làm sao?
T. Là khi có ý tưởng nhớ, cùng ước ao điều gì dơ dáy.
H. Nói mà phạm tội là đi gì?
T. Là khi có ý muốn nói, hay là nghe lời gì tục tĩu, cùng ám hiểu ý tà.
H. Làm mà phạm tội là thể nào?
T. Là khi có ý trái mà nhìn xem, cùng đá đến những chỗ dơ dáy mình hay là kẻ khác.
H. Khi lâm phải cám dỗ về điều này phải làm thể nào?
T. Tức thì phải bỏ đi, mà cầu xin cùng Chúa phù hộ, lại trốn lánh những cách thế quen làm cho ta phạm tội.
H. Những cách thể nào quen làm cho ta phạm tội ấy?
T. Có bảy cách này: ở không nhưng là một; kết bạn cùng đàng trắc nết là hai; coi sách hoa tình là ba, đến áng bội bè là bốn; xem ảnh hình tố nữ là năm; trai gái năng lân lứa là sáu; ăn uống sa đà là bảy.
H. Có cách nào dự phòng cho khỏi tội này chăng?
T. Có, một là phải giữ ngũ quan mình cho nhặt, nhứt là khi nói, khi xem; hai là năng xưng tội chịu lễ; ba là thú nào theo thú ấy, phải làm việc luôn.Giái thứ bảy cùng thứ mười
H. Hai giái này cấm những điều gì?
T. Chẳng những là cấm lấy của người mà thôi, song lại cấm tham lam mơ ước nữa.
H. Phạm giái này có mấy cách?
T. Có ba: một là chẳng theo lẽ công mà lấy; hai là tài chủ chẳng muốn cho mà hãm cầm lại; ba là mọi cách khác làm nát hại của người.
H. Chẳng theo lẽ công mà lấy, nghĩa là làm sao?
T. Là trộm cướp như quân gian đảng, ăn cắp như đoàn tôi tớ, gạt gẫm như con buôn bán, cho vay ăn lời như loài hà tiện, hay là dùng mưu kế như đứa gian cáo.
H. Có mấy cách hãm cầm của người?
T. Có bốn; một là chẳng thường của người; hai là chẳng trả nợ; ba là chẳng hoàn công; bốn là chẳng nộp thuế.
H. Làm hư nát của người có mấy cách?
T. Cũng có bốn: phá cho tan nát là một; toan luận mà làm hư là hai; ra sức giúp phá là ba; kẻ có quờn phép, cùng là việc mình phải giữ, mà chẳng đón ngăn là bốn.
H. Kẻ chẳng theo lẽ chính mà lấy cầm của gì ai đã trả của ấy mà thôi, có đủ chăng?
T. Chẳng đủ, phải trả những phần thiệt hại nhà ấy đã chịu nữa. Giả như ai đã lấy đồ thợ nào, khi trả đồ ấy lại mà thôi, thì chưa đủ; song phải tính bao lâu nhà ấy đã mất đồ, làm nghề chẳng đặng, thì phải hoàn công bấy nhiêu ngày nữa.
H. Kẻ mắc của người mà trả chẳng đặng thì làm sao?
T. Bằng trả nổi, thì phải trả tức thì, bằng chẳng, thì ít nữa là có lòng muốn trả; bằng chẳng như vậy, thì không đặng rỗi linh hồn, cùng chẳng đặng chịu phép giải tội nữa.
H. Phải trả cho ai?
T. Đã lấy của ai, thì phải trả cho nấy, bằng người ấy đã lâm chung mạng một, thì phải trả cho con cháu nhà ấy.
H. Bao giờ phải trả?
T. Phải trả tức thì.Giái thứ tám
H. Giái này cấm những điều gì?
T. Cấm ba sự này; một là nói dối; hai là làm chứng dối; ba là vô tích cớ mà nghi sự trái cho người ta.
H. Nói dối là làm sao?
T. Là khi nói dối có ý phỉnh phờ người ta; bằng không có ý phỉnh phờ, tuy là nói có khi chẳng thật, cũng chẳng gọi là nói dối.
H. Có khi nào ta nên nói dối chăng?
T. Chẳng nên.
H. Kẻ đã làm chứng dối, thì phải làm thể nào?
T. Phải xưng ngay ra rằng: mình đã chứng sự chẳng thật; cùng phải thường những điều thiệt hại người ta đã chịu vì mình.
H. Còn cách nào khác phạm giái này nữa chăng?
T. Còn: một là ton lót kẻ làm chứng cho đặng nói dối, hay là làm thinh đi; hai là giả bằng giả thị làm tờ giả, đánh con dấu giả; ba là yểm cầm đơn trạng kẻ ngay thẳng chẳng cho thấu đến lịnh trên, hầu chữa mình cho khỏi nạn.
HỘI THÁNH ĐIỀU LUẬT ĐỆ THẬP NHỨT THIÊN
- Hội thánh nghĩa là gì?
T. Nghĩa là các bổn đạo ở khắp thế gian vưng lời, chịu luỵ Đức thánh Phapha, là Đại Phụ Thánh Hội tông.
H. Hội thánh có mấy lề luật?
T. Có sáu:
Thứ nhứt: Xem lễ ngày Chúa nhựt cùng các ngày lễ buộc.
Thứ hai: Chớ làm việc xác ngày Chúa nhựt cùng các ngày lễ buộc.
Thứ ba: Xưng tội trong một năm ít là một lần.
Thứ bốn: Chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục sinh.
Thứ năm: Giữ chay những ngày Hội thánh buộc.
Thứ sáu: Kiêng thịt ngày thứ sáu cùng những ngày khác Hội thánh dạy.
(Tờ chỉ những chim nào nên ăn trong những ngày kiêng thịt, xem trang 60)
H. Kẻ chẳng giữ lề luật Hội thánh, có phạm tội chăng?
T. Kẻ giữ đặng mà cố ý chẳng giữ, thì phạm tội trọng.
H. Ta có giữ đặng bấy nhiêu điều răn ấy trọn chăng?
T. Nếu không ơn Chúa giúp, thì chẳng đặng.
H. Phải làm đi gì cho đặng ơn Chúa?
T. Phải siêng năng đọc kinh cầu nguyện.
THIÊN CHÚA KINH GIẢI ĐỆ THẬP NHỊ THIÊN
- Trong các kinh, kinh nào trọng hơn?
T. Kinh Lạy Cha.
Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, vưng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy.
Xin Cha cho chúng tôi rày hằng ngày dùng đủ; và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi; lại chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ. Amen.
H. Ai đặt kinh Lạy Cha?
T. Là lời Đức Chúa Giêsu phán dạy mười hai thánh Tông đồ, mà truyền lại cho các người giáo hữu.
H. Kinh ấy dạy xin những sự gì?
T. Dạy xin cùng Đức Chúa Trời mọi điều thiết yếu phần linh hồn và phần xác nên hôm mai phải đọc.
H. Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, nghĩa là làm sao?
T. Là lạy Đức Chúa Trời, là Cha chúng tôi ở trên trời.
H. Ta là vật hèn tội lỗi, sao dám gọi Đức Chúa Trời là Cha?
T. Vì Đức Chúa Trời dạy ta xưng Người là Cha; lại Người thương ta hơn cha mẹ thương con, nên mới dám xưng Người là Cha.
H. Làm sao mà biết Đức Chúa Trời thương ta hơn cha mẹ thương con?
T. Vì Người sinh trời đất muôn vật, che chở dưỡng nuôi ta linh hồn và xác, lại ra đời chuộc tội chịu chết cho ta, cùng xuống nhiều ơn trọng cho ngày sau ta đặng hưởng phúc đời đời.
H. Ta phải làm đi gì cho đáng làm con Đức Chúa Trời?
T. Phải vưng lời Người truyền dạy, mà giữ mười giái răn cho trọn, chớ nghe lời ma quỷ, mà nghịch mạng cùng Người.
H. Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, mà rằng: ở trên trời, làm sao?
T. Đã hay rằng vậy, song Người muốn cho ta hằng trông phước trên trời chớ mê tội lỗi thế gian, cho nên rằng ở trên trời.
H. Trong kinh ấy có mấy lời nguyện?
T. Có bảy; mà ba điều trước về lòng kính Chúa; còn bốn điều sau, thì xin về phần ta.
H. Lời thứ nhất: Chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là ta là con Đức Chúa Trời, thì phải kính Chúa trên hết mọi sự, nên chẳng cầu giàu sang vui sướng thế gian, một trông cho thiên hạ ngợi khen danh Chúa mà thôi.
H. Kẻ phạm tội thật là phá danh Chúa, sao còn dám đọc rằng: Nguyện danh Cha cả sáng?
T. Những kẻ ấy, mà chẳng dốc lòng chừa tội, thì ngôn hành tương phản càng tỏ mình cố ý phạm tội khinh Chúa.
H. Lời thứ hai: Nước Cha trị đến, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là cầu xin cho các nước thế gian đều nhìn biết một Đức Chúa Trời, là Chúa tể chí tôn vô đối, mà vưng theo lịnh Người; lại xin cho đặng tới nước thiên đàng, hưởng phúc đời đời.
H. Lời thứ ba: Vưng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là thiên thần cùng các thánh trên trời hằng vưng theo ý Chúa thể nào thì ta cũng xin vưng theo như vậy.
H. Ý Chúa muốn cho ta làm những sự gì?
T. Ý Người muốn cho ta làm mọi sự lành, lánh mọi sự dữ.
H. Lời thứ bốn: Xin Cha cho chúng tôi rày hằng ngày dùng đủ, nghĩa là làm sao?
T. Hễ con khi thiếu lương thực, thì xin cùng cha mẹ, mà ta là con Đức Chúa Trời, nên phải xin lương thực hằng ngày dùng đủ cho phần linh hồn và phần xác.
H. Lương thực phần xác là đi gì?
T. Là cơm áo cùng mọi vật thường dùng.
H. Có nên cầu giàu sang thế gian chăng?
T. Cầu sự ấy cho đặng kính Chúa yêu người, thì nên bằng cầu có ý khác mà làm hại phần linh hồn, thì chẳng nên.
H. Lương thực linh hồn là đi gì?
T. Là ơn Đức Chúa Trời cùng Mình thánh Đức Chúa Giêsu.
H. Ơn Đức Chúa Trời cùng Mình thánh Đức Chúa Giêsu sao gọi rằng: lương thực linh hồn?
T. Ví như phần xác chẳng có ăn uống thì phải chết: mà linh hồn, nếu không ơn Chúa cùng Mình thánh Đức Chúa Giêsu ắt là chẳng hay làm lành, cũng như chết vậy: nên gọi rằng: lương thực linh hồn.
H. Hằng ngày dùng đủ, nghĩa là làm sao?
T. Là phải hằng ngày hằng xin chẳng nên trễ nải, bữa có bữa không.
H. Lời thứ năm: Và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi, nghĩa là làm sao?
T. Là xin Đức Chúa Trời tha tội cho ta, như tha kẻ có lỗi cùng ta.
H. Ai đã làm mất lòng ta mà ta chẳng tha lỗi người ấy Đức Chúa Trời có tha tội ta chăng?
T. Đức Chúa Trời chẳng tha.
H. Sao gọi tội là nợ.
T. Hễ ai đã làm hư của ta, thì phải thường lại cho ta, bằng chẳng thường, ắt là người ấy còn mắc nợ ta: mà ta lỗi nghĩa cùng Chúa, ấy là ta phá ơn Chúa thì phải ăn năn lập công đền tội, bằng chẳng đền cũng mắc nợ Chúa như vậy, cho nên gọi tội là nợ.
H. Lời thứ sáu: Lại chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ, nghĩa là làm sao?
T. Tà ma, thịt mình, thế tục, là ba thù rất dữ, hằng cám dỗ ta nhiều đàng khéo léo, hoặc dùng phú quí công danh, hoặc dùng bói khoa thuật số, hoặc dối lời lành dữ, hoặc giả kinh, giả tượng, đơm tế thờ nó, vọng cầu thế phước, mặc nhơn theo thửa ta muốn; nên xin Chúa chớ để nó cám dỗ ta, bằng có để nữa, thì xin Người xuống ơn phù hộ cho ta đặng bền lòng chống trả, kẻo mà lỗi nghĩa cùng Chúa.
H. Lời thứ bảy: Bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ, nghĩa là làm sao?
T. Là xin cho khỏi mọi sự hoạn nạn linh hồn và xác.
H. Hoạn nạn linh hồn là đi gì?
T. Là nghe theo ma quỉ, bỏ Chúa mà đi đàng tội lỗi, ngày sau phải khốn đời đời.
H. Hoạn nạn phần xác là đi gì?
T. Là đói khát, giặc giã, tật nguyền, tai nạn, cùng những sự khác hại phần xác thịt: vậy giáo hữu phải cầu xin cho khỏi bấy nhiêu sự ấy, chẳng nữa thì xin Chúa xuống ơn thần lực mà chịu cho bằng lòng.
H. Amen, nghĩa là làm sao?
T. Là lời cặn kẽ xin cho đặng bấy nhiêu lời cầu.
THÁNH MẪU KINH GIẢI ĐỆ THẬP TAM THIÊN
- Kinh nào Hội thánh quen dùng mà cầu cùng Đức Bà?
T. Kinh Kính mầng.
Kính mầng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phước lạ.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.
H. Ai đặt kinh Kính mầng?
T. Kinh ấy có ba mối: một là lời Thiên thần mừng thưa Đức Bà khi truyền tin cho Người chịu thai Con Đức Chúa Trời; hai là lời bà thánh Ysave tiếp thấy Đức Bà, mà ngợi khen Người; ba là lời Hội thánh cầu cùng Đức Bà mà xin Người phù hộ.
H. Mối thứ nhứt là những điều nào?
T. Là: Kính mầng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà.
H. Kính mầng, nghĩa là làm sao?
T. Là lời Thiên thần Gabriel chào mừng Đức Bà, khi truyền tin cho Người chịu thai.
H. Maria nghĩa là làm sao?
T. Là tên Đức Bà.
H. Đầy ơn phước, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là Đức Bà đặng ơn Đức Chúa Trời hơn các đấng Thiên thần cùng các thánh thảy thảy.
H. Đức Chúa Trời ở cùng Bà, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là loài người ta đều mắc tội tổ tông, có một Đức Bà chẳng những là khỏi tội tổ tông, mà lại khỏi mọi tội mình làm, hằng đẹp lòng Chúa luôn, nên gọi rằng: Chúa Trời ở cùng Bà.
H. Mối thứ hai: Có phước lạ hơn mọi người nữ, nghĩa là làm sao?
T. Là lời bà thánh Ysave ngợi khen Đức Bà mà rằng; trong mọi người nữ không có một ai khá ví cùng Đức Bà, vì Đức Chúa Trời đã chọn Người làm mẹ.
H. Và Giêsu con lòng Bà gồm phước lạ, nghĩa là làm sao?
T. Cũng là lời bà thánh ấy khong khen Chúa, vì đã giáng sinh trong lòng Rất Thánh Đức Bà.
H. Mối thứ ba: Thánh, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là Đức Bà đã đặng vẹn sạch các giống tội lỗi.
H. Cầu cho chúng tôi là kẻ có tội khi này, nghĩa là làm sao?
T. Là khi ta còn sống ở thế gian, thì ma quỉ, thịt mình, thế tục không giờ khắc nào mà chẳng cám dỗ ta phạm tội mất lòng Đức Chúa Trời, cho nên xin Đức Bà cầu cùng Đức Chúa Trời xuống ơn cho ta đặng khỏi mọi đàng tội lỗi.
H. Trong giờ lâm tử nghĩa là làm sao?
T. Là bởi khi ta gần chết, thì ma quỉ thấy đã hết giờ hại đặng linh hồn ta, cho nên nó càng ra sức cám dỗ ta khi ấy. Vậy phải xin Mẹ rất khoan nhơn, đã cứu giúp ta khi sống, thì khi ấy lại càng cần giữ hơn nữa.
Amen. Nghĩa lý như tiên.
- Kinh nào dạy ta những sự phải tin?
T. Kinh Tín Kính.
Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh; chịu nạn đời quan Phongxiô Philatồ, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.
H. Ai đặt kinh Tín Kính?
T. Các thánh Tông đồ, trước khi phân nhau mà đi khắp thế giảng đạo, đã đồng đặt kinh ấy, làm mười hai điều, dạy các người giáo hữu cho đồng tin nhĩ hà nhứt thể.
H. Tin, là làm sao?
T. Là bởi ơn Chúa mà chịu lấy mọi lẽ trong đạo làm thật, vì Đức Chúa Trời đã phán những lẽ ấy và Hội Thánh truyền cho ta tin, dầu mắt xem không thấy, cũng chẳng dám hồ nghi, ấy gọi là tin, còn các điều trước đã giải tỏ.
H. Kinh Tín Kính là thể nào?
T. Kinh Tín Kính là kinh các thánh Tông đồ đã truyền mà tóm lại mọi sự là phải tin.
H. Trong Kinh Tín Kính có mấy điều?
T. Có mười hai điều.
Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng
dựng nên trời đất.
H. Tôi tin kính Đức Chúa Trời, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là tôi tin vững vàng có một Đức Chúa Trời mà thôi, chẳng có lẽ nào mà có nhiều Đức Chúa Trời đâu.
H. Vì sao chẳng nói rằng: tôi tin có Đức Chúa Trời mà lại nói rằng: tôi tin kính?
T. Vì tin có một Đức Chúa Trời, thì chưa đủ: cho nên phải xưng rằng: tôi trông cậy, và kính mến Đức Chúa Trời, cùng dâng mình làm tôi Đức Chúa Trời cho đến trọn đời.
H. Là Cha, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là một Đức Chúa Trời có ba Ngôi, mà Ngôi thứ Nhứt là Cha.
H. Vì sao mà gọi Ngôi thứ Nhứt là Cha?
T. Vì trước vô cùng Ngôi thứ Nhứt sinh ra Ngôi thứ Hai là Con.
H. Phép tắc vô cùng, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là chẳng có sự gì mà Đức Chúa Trời làm chẳng đặng.
H. Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần có phép tắc vô cùng bằng Đức Chúa Cha chăng?
T. Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần cũng có một phép tắc vô cùng bằng Đức Chúa Cha, vì Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời mà thôi.
H. Dựng nên trời đất, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là bởi không mà dựng nên mọi sự cho có.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con một
Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi.
H. Con một Đức Chúa Cha, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là Ngôi thứ Hai bởi Đức Chúa Cha mà sinh ra, và có một tính cùng Đức Chúa Cha.
H. Sao rằng: Con một Đức Chúa Cha?
T. Vì có một Ngôi thứ Hai bởi bổn tính Đức Chúa Cha mà sinh ra.
H. Là Đức Chúa Giêsu, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là Đấng Cứu Thế; mà Đức Chúa Cha đã đặt danh cực trọng ấy cho Đức Chúa Con, vì chưng Con Đức Chúa Trời ra đời cho đặng cứu hết mọi người thế gian.
H. Kitô, nghĩa là làm sao?
T. Kitô nghĩa là chịu xức dầu, cùng là danh chung về đấng tiên tri, cùng đấng có quờn tế lễ, và đấng làm vua nữa.
H. Vì sao Kitô là danh chung cho ba đấng ấy?
T. Vì chưng trong đạo Đức Chúa Trời quen xức dầu khi phong chức cho ba đấng ấy.
H. Đức Chúa Giêsu chịu xức dầu bao giờ mà gọi Người là Kitô?
T. Đức Chúa Giêsu chẳng chịu xức dầu thế gian bởi tay người ta đâu song le Người chịu xức dầu thiêng liêng bởi phép Đức Chúa Cha, cùng bởi ơn Đức Chúa Thánh Thần, cho linh hồn Người đặng gồm phước lạ hơn các đấng Đức Chúa Trời sinh ra: cho nên Người biết mọi sự, cùng đặng quờn tế lễ, và làm vua hằng sống hằng trị đời đời.
H. Sao rằng: là Chúa chúng tôi?
T. Đức Chúa Giêsu là Chúa chúng tôi, vì Người chẳng những là đã sinh ra ta, mà lại đã chuộc tội cho ta nữa.
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai,
sinh bởi bà Maria đồng trinh.
H. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là Đức Chúa Thánh Thần đã lấy máu cực sạch trong lòng Rất Thánh Đức Bà mà dựng nên một xác, bởi không lại dựng nên một linh hồn, thì Ngôi thứ Hai liền hiệp với xác và linh hồn ấy mà nên người thật như ta.
H. Sinh bởi Bà Maria đồng trinh, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là người Nữ rất thánh, tên là Maria, đã chịu thai và sinh đẻ con đoạn mà hãy còn đồng trinh sạch sẽ cho đến trọn đời.
Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatồ,
chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác.
H. Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatồ chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là Đức Chúa Giêsu chịu trói, chịu giổ, chịu vả, chịu đòn, chịu đội mũ gai, cùng chịu đóng đinh trên cây thánh giá, đời quan Philatồ cai trị xứ Giuđêa thay vì vua Rôma.
H. Thánh Giá là đi gì?
T. Thánh Giá là hình phạt rất hèn. Vậy Đức Chúa Giêsu càng hạ mình xuống mà chịu hình phạt rất hèn dường ấy vì ta, thì ta càng phải ra sức đội ơn kính mến Người hơn nữa.
H. Chết, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là linh hồn Người đã lìa ra khỏi xác như khi mọi người chết vậy; nhưng mà tính Đức Chúa Trời còn ở cùng xác và linh hồn Đức Chúa Giêsu, chẳng lìa khỏi đâu.
H. Và táng xác, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là Đức Chúa Giêsu chết đoạn, thì môn đệ lãnh lấy xác Người mà táng trong huyệt đá mới.
Xuống ngục tổ tông ngày thứ ba bởi trong kẻ chết
mà sống lại.
H. Xuống ngục tổ tông, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là linh hồn Đức Chúa Giêsu lìa khỏi xác đoạn, liền xuống nơi linh hồn các thánh phải giam cầm mà trông đợi Đức Chúa Giêsu rước lên thiên đàng.
H. Vì lẽ nào linh hồn các thánh phải giam cầm mà đợi trông làm vậy?
T. Vì chưng từ ông Adong phạm tội, thì cửa thiên đàng đóng lại, nếu chẳng có công nghiệp Chúa Cứu Thế, thì chẳng ai đặng lên thiên đàng.
H. Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là Đức Chúa Giêsu chết đoạn, ngày thứ ba linh hồn và xác Đức Chúa Giêsu lại hiệp cùng nhau mà sống lại, ra khỏi huyệt đá, tốt lành vang hiển sáng láng.
Lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha
phép tắc vô cùng.
H. Lên trời, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là Đức Chúa Giêsu sống lại đoạn, khỏi bốn mươi ngày, thì Đức Chúa Giêsu lấy phép riêng Người mà lên trời.
H. Ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là Đức Chúa Giêsu về tính Đức Chúa Trời thì cũng một quờn một phép cùng Đức Chúa Cha; mà về tính người ta, thì Người sang trọng phép tắc hơn các đấng và các loài Đức Chúa Trời đã sinh ra.
Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống
và kẻ chết.
H. Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là ngày tận thế, Đức Chúa Giêsu ở trên trời sẽ ngự xuống oai nghi sáng láng mà phán xét, chẳng những là kẻ chết đã lâu, mà lại phán xét kẻ còn sống khi Người hiện xuống. Vì kẻ ấy cũng phải chết, đoạn sống lại tức thì mà chịu phán xét nữa.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.
H. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, cũng một tính một phép cùng hai Ngôi cực trọng ấy nữa.
H. Thần nghĩa là làm sao?
T. Thần, nghĩa là tính thiêng liêng.
H. Ba Ngôi cũng là một tính thiêng liêng cũng là một Đấng rất thánh, sao mà đặt Thánh Thần cho một Ngôi thứ Ba mà thôi?
T. Vì Ngôi thứ Nhứt đã có tên riêng, là Cha, và Ngôi thứ Hai đã có tên riêng, là Con; cho nên dùng tên chung, là Thánh Thần, mà đặt cho Ngôi thứ Ba.
Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này,
các thánh thông công.
H. Hội nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là các bổn đạo đều hiệp cùng nhau, mà chịu luỵ Đấng chính quờn thay mặt Đức Chúa Giêsu.
H. Các bổn đạo đều hiệp làm một cùng nhau là thể nào?
T. Các bổn đạo đều hiệp làm một cùng nhau, vì bốn lẽ này: một là các bổn đạo đều tin như nhau; hai là dùng những phép mầu nhiệm bí tích cũng như nhau; ba là cầu nguyện chung cho nhau; bốn là đều chịu luỵ Đức Giáo Tông, là đấng thay mặt Đức Chúa Giêsu.
H. Nếu vậy, các bổn đạo mọi nơi về một Hội sao?
T. Phải, vì có một Hội mà thôi.
H. Vì sao gọi là Hội Thánh?
T. Gọi là Hội Thánh vì ba lẽ này: một là vì Đấng làm đầu Hội Thánh, là Đức Chúa Giêsu, là mạch mọi sự thánh; hai là vì lời giảng dạy cùng những phép Hội Thánh dùng là sự thánh; ba là vì kẻ hiệp cùng Hội Thánh thì mới đặng nên thánh mà thôi.
H. Hằng có ở khắp thế này, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là ở khắp mọi nơi, hằng có mọi đời.
H. Vì sao rằng, Hội Thánh hằng có ở khắp thế này?
T. Vì chưng khắp bốn phương thiên hạ đều có kẻ giữ đạo Đức Chúa Trời.
H. Sao rằng: Hội Thánh hằng có mọi đời?
T. Vì chẳng có đời nào, mà chẳng có kẻ thờ phượng Đức Chúa Trời.
H. Các Thánh thông công nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là các Thánh ở trên trời, cùng các linh hồn ở luyện ngục, và các bổn đạo, dưới đất, đều thông công cùng nhau.
H. Các bổn đạo ở dưới đất thông công cùng các Thánh trên trời là thể nào?
T. Các bổn đạo kính thờ cầu xin cùng các Thánh trên trời, mà các Thánh bàu chữa cho bổn đạo trước mặt Đức Chúa Trời.
H. Các bổn đạo thông công cùng các linh hồn nơi luyện ngục là thể nào?
T. Các bổn đạo dâng việc lành phước đức, cầu cho linh hồn ở luyện ngục; mà các linh hồn ấy khi đã đặng lên thiên đàng, thì cũng bàu chữa cho các bổn đạo nữa.
H. Các bổn đạo còn ở thế gian này thông công cùng nhau là thể nào?
T. Các bổn đạo có lòng kính mến Đức Chúa Trời cùng thương yêu nhau, thì chẳng những lập công cho mình, song lại làm ích cho kẻ khác nữa.
H. Kẻ mắc tội trọng có đặng thông công thể ấy chăng?
T. Những kẻ ấy đã mất nghĩa cùng Đức Chúa Trời thì chẳng đặng thông công thể ấy đâu; song le kẻ ấy còn thuộc về Hội Thánh, thì cậy nhờ việc lành người nhơn đức, cho đặng ăn năn trở lại cùng Đức Chúa Trời.
Tôi tin phép tha tội.
H. Tôi tin phép tha tội, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là tôi tin trong Hội Thánh có nhiều phép Đức Chúa Giêsu đã lập để mà tha tội cho ta.
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
H. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là bao nhiêu người đã chết từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế đều sống lại cùng một xác cũ mình, mà chịu phán xét.
Tôi tin hằng sống vậy.
H. Tôi tin hằng sống vậy, nghĩa là làm sao?
T. Nghĩa là loài người khi sống lại đoạn, thì linh hồn và xác kẻ lành lên thiên đàng, hưởng phước thanh nhàn vui vẻ vô cùng; còn linh hồn và xác kẻ dữ sa xuống hoả ngục, chịu phạt khốn nạn đời đời kiếp kiếp.
- Phép Thêm sức là đi gì?
T. Là phép Đức Chúa Giêsu đã truyền cho ta đặng chịu Đức Chúa Thánh Thần, cùng đặng đầy dẫy mọi ơn Người cho mạnh đạo.
H. Sao rằng: cho đặng chịu Đức Chúa Thánh Thần?
T. Vì kẻ chịu phép ấy nên, thì đặng Đức Chúa Thánh Thần xuống trong lòng như các thánh tông đồ xưa.
H. Vậy thì khi chịu phép Rửa tội, ta chẳng đặng chịu Đức Chúa Thánh Thần sao?
T. Thật thì đã đặng, nhưng mà chưa đặng đầy dẫy mọi ơn Người.
H. Sao rằng: đặng đầy dẫy mọi ơn Người?
T. Vì kẻ chịu phép ấy nên, thì đặng đầy dẫy bảy ơn trọng này, gọi là bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần.
H. Ơn thứ nhứt là làm sao?
T. Ơn thứ nhứt là sự khôn ngoan, làm cho ta bỏ mọi sự thế gian, mà yêu mến một Đức Chúa Trời, cùng mọi sự đẹp ý Người.
H. Ơn thứ hai là làm sao?
T. Ơn thứ hai là sự thông minh sáng láng, làm cho ta hiểu thấu lẽ mầu nhiệm đạo thánh Chúa.
H. Ơn thứ ba là làm sao?
T. Ơn thứ ba là biết lo liệu, chọn sự lành, mà lánh sự dữ.
H. Ơn thứ bốn là làm sao?
T. Ơn thứ bốn là sức mạnh, chẳng nệ chịu mọi sự khó cho đặng rỗi linh hồn.
H. Ơn thứ năm là làm sao?
T. Ơn thứ năm là hay suy biết, mà dùng sự đời này cho nên, kẻo lạc đàng lên thiên đàng.
H. Ơn thứ sáu là làm sao?
T. Ơn thứ sáu là sự nhơn đức, làm cho ta hứng vui ái một thờ phượng Chúa.
H. Ơn thứ bảy là làm sao?
T. Ơn thứ bảy là sự kính sợ Đức Chúa Trời, làm cho ta lánh mọi sự mất lòng Chúa.
H. Sao rằng: cho mạnh đạo?
T. Vì phép ấy làm cho ta đặng lòng vững vàng, mà xưng đạo thánh Chúa ra trước mặt thiên hạ; cho nên thà chịu chết chẳng thà bỏ đạo.
H. Kẻ chẳng chịu phép Thêm sức có đặng rỗi linh hồn chăng?
T. Đặng: song kẻ khinh hay là làm biếng chẳng muốn chịu, thì phạm tội; lại mất những ơn trọng bởi phép ấy mà ra.
H. Nên chịu phép này nhiều lần chăng?
T. Chẳng nên, phải chịu một lần mà thôi, vì phép ấy đã in một dấu thiêng liêng vào linh hồn chẳng hay mất.
H. Ai đặng quờn làm phép Thêm sức này?
T. Thường các Đấng Giám mục đặng làm phép ấy mà thôi. Song cũng có khi Đức Giáo Tông ban phép cho các Đấng Giám mục ở trong nước ngoại đạo, khi có thế ngặt, đặng cho linh mục làm phép ấy thay vì mình.
H. Khi ban phép Thêm sức, thì người làm những lễ phép nào?
T. Người làm bốn sự này: một là đọc lời cầu nguyện; hai là giơ tay trên đầu; ba là lấy dầu thánh pha thuốc thơm tho, mà xức hình thánh giá trên trán; bốn là vả mặt kẻ chịu phép ấy.
H. Vì ý nào Đức Giám mục đọc lời cầu nguyện?
T. Có ý cầu xin Đức Chúa Thánh Thần xuống trong lòng kẻ chịu phép Thêm sức.
H. Vì ý nào người giơ tay trên đầu?
T. Có ý cho ta đặng biết, Đức Chúa Thánh Thần thật ngự đến ở trong lòng kẻ chịu phép ấy.
H. Vì ý nào, người lấy dầu thánh pha thuốc thơm tho, mà sức hình thánh giá trên trán?
T. Thứ nhứt, vốn dầu hay làm cho sự cứng ra mềm, và hay thấm ra; vậy dầu ấy chỉ phép Thêm sức hay làm cho kẻ cứng cỏi ra mềm mại dịu dàng và vui lòng chịu mọi sự khốn khó; lại dầu hay thấm ra, là chỉ ơn Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy dẫy trong lòng kẻ chịu phép ấy. Thứ hai, thuốc thơm tho là chỉ kẻ chịu phép ấy thì phải làm mọi gương phước đức, cho thơm danh đạo Chúa. Thứ ba, xức trên trán nghĩa là kẻ chịu phép ấy chẳng nên hổ ngươi xưng đạo thánh Chúa Kitô. Thứ bốn, xức hình thánh giá cho ta đặng biết mọi ơn lành kẻ chịu phép ấy đã đặng, thì đều bởi rất thánh giá cùng sự thương khó Đức Chúa Giêsu mà ra.
H. Vì sao Đức Giám mục vả mặt kẻ chịu phép ấy mà rằng: Bình an cho con?
T. Nghĩa là kẻ có đạo hằng phải sẵn lòng chịu mọi sự xấu hổ, cùng sự khốn khó vì Chúa Kitô, thì mới đặng bình an.
H. Ai muốn chịu phép này cho nên phải làm thể nào?
T. Phải dọn linh hồn và xác.
H. Dọn linh hồn là làm sao?
T. Một là thuộc biết những sự chính phải tin trong đạo thánh, cùng những ích bởi phép ấy mà ra; hai là ở nơi thanh vắng, và có lòng tin, cậy, kính mến, khiêm nhượng, ước trông Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, như các thánh tông đồ xưa; ba là phải cho sạch mọi tội, ít nữa là sạch các tội trọng.
H. Ai còn mắc tội trọng mà chịu phép này, có phạm tội chăng?
T. Phạm tội rất trọng vì là phạm sự thánh.
H. Vậy thì ai còn mắc tội trọng mà muốn chịu phép này, phải làm thể nào?
T. Phải ăn năn cùng xưng tội nên.
H. Dọn xác là thể nào?
T. Là phải ăn mặc sạch sẽ, nết na, tề chỉnh, và lòng tôn kính khiêm nhượng, quì gối trước mặt Đức Giám mục mà chịu phép ấy.
H. Khi chịu phép Thêm sức đoạn, phải làm thể nào?
T. Phải lui ra nơi vắng vẻ trong nhà thờ, quì gối mà đợi Đức Giám mục làm cho hoàn tất các lễ phép, cùng đọc mọi lời nguyện, và khi ấy phải làm bốn sự này: một là cám ơn Đức Chúa Thánh Thần vì phước trọng mình mới chịu; hai là phải phú dâng mình cho Đức Chúa Trời mà xin Người phù hộ, cho đặng theo ý Người mọi đàng, cùng làm những việc lành cho sáng danh Người; ba là dốc lòng từ này sẽ giữ đạo Chúa cho trọn, chẳng còn sợ người thế gian cười chê nhạo báng, cùng vua quan quan quyền bắt bớ sát phạt lưu giam; bốn là phải cầu xin cùng Đức Chúa Thánh Thần hằng ngự trị lòng ta luôn cho đặng giữ những ơn trọng ấy cho đến trọn đời.
H. Giữ những ơn trọng đã đặng khi chịu phép Thêm sức, có phải là sự cần kíp chăng?
T. Thật là sự rất cần kíp, vì ba lẽ này: một là, vì những ơn ấy là của rất trọng vọng châu báu trên hết mọi sự; hai là khi đã mất những ơn trọng ấy mà muốn cho đặng lại thì rất khó; ba là, vì cả và đời ta đặng chịu phép Thêm sức một lần mà thôi.
H. Vậy thì phải làm thể nào cho đặng giữ những ơn trọng ấy?
T. Phải làm ba sự này: thứ nhứt, phải nài xin Đức Chúa Trời gìn giữ những ơn trọng ấy trong lòng ta; thứ hai, hằng năm đến ngày mình đã chịu phép Thêm sức, thì phải làm một hai việc lành phước đức mà cám ơn Đức Chúa Trời; thứ ba, phải lánh những tội nghịch cùng ơn phép Thêm sức.
H. Tội nghịch cùng ơn phép Thêm sức là những tội nào?
T. Là bốn giống tội này: một là, khi nói đến sự mầu nhiệm trong đạo thánh Chúa mà chẳng có lòng cung kính hay là nghe kẻ khác nói thể ấy mà chẳng ngăn can; hai là, hổ ngươi làm việc lành, cho nên bỏ qua, hay là làm chùng lén; ba là bỏ chính việc phải làm, vì sợ hoặc có sự gì thiệt hại đến mình chăng; bốn là làm cách nọ thế kia, kẻo người ta biết mình có đạo. Thật những kẻ ấy chớ trông đến ngày phán xét Chúa nhìn lại nó, vì có lời Người phán rằng: “Kẻ nào hổ ngươi Tao trước mặt thiên hạ, thì Tao sẽ hổ ngươi nó trước mặt Cha Tao mà chớ”.
- Phép xưng tội có mấy phần?
T. Có năm phần: thứ nhứt xét mình; thứ hai ăn năn tội; thứ ba dốc lòng chừa; thứ bốn cáo mình xưng tội cùng thầy; thứ năm vưng lời thầy dạy mà đền tội mình cho đủ.
H. Xét mình là làm sao?
T. Là lo đi xét lại cho tường tận mọi tội ta đã phạm trong mười giái răn Đức Chúa Trời đã mấy lần.
H. Ăn năn tội là làm sao?
T. Là lo buồn sợ hãi trên hết mọi sự lo, vì đã làm mất lòng Chúa.
H. Dốc lòng chừa là làm sao?
T. Là từ này về sau thà chịu chết chẳng hề phạm tội gì nữa.
H. Xưng tội là làm sao?
T. Là bao nhiêu tội trọng ta đã phạm, thì phải xưng ra cùng thầy cho hết, chẳng nên giấu để một tội gì trọng.
H. Đền tội là làm sao?
T. Là những sự thầy giải tội dạy, thì phải vưng mà làm cho đủ.
H. Có mấy cách đền tội?
T. Có ba: một là đọc kinh lần hột; hai là ăn chay, hãm mình; ba là thí của cho kẻ khó khăn phần xác cùng phần linh hồn.
H. Kẻ đi xưng tội mà chẳng có làm năm sự ấy, có đặng ích gì chăng?
T. Chẳng những là vô ích, mà lại phạm tội rất trọng, vì là phạm sự thánh.
H. Muốn xưng tội cho nên, thì phải làm thể nào?
T. Trước hết, phải kiếm nơi vắng vẻ mà quì gối lên, đoạn lấy dấu thánh giá trên mình, mà cầu xin cùng Đức Chúa Trời Ba Ngôi phù hộ, chỉ lòng cho ta đặng xét mình cho nên.
H. Có phải cầu cùng Đức Bà chăng?
T. Phải cầu cùng Đức Bà rất khoan nhơn, xin cùng Đức Chúa Trời soi sáng cho ta đặng nhớ lại mọi tội đã phạm mà xưng tội cho nên.
H. Phải cầu cùng Thiên thần giữ mình chăng?
T. Phải cầu cùng người luôn, nhứt là khi dọn mình mà đi xưng tội; khi ấy ma quỉ nó làm hết sức cho đặng ngăn đón lòng ta, kẻ xét biết mọi tội lỗi ta làm, hầu tỏ cáo mình ta cùng thầy mà đặng sạch tội, hoá nên con Đức Chúa Trời, khỏi làm tôi tá nó, mà nó hổ ngươi.
H. Phải cầu cùng Thánh Bổn mạng ta chăng?
T. Cũng phải cầu cùng Thánh Bổn mạng ta, vì khi người còn ở thế gian, đã làm mọi việc phước đức, nên nay người ở trên trời, thì xin cùng người cầu nguyện cho ta đặng xét mình mà xưng tội cho nên, hầu theo chơn người cho trọn.
H. Khi cầu làm vậy, thì phải đọc những kinh nào?
T. Trước hết, phải đọc kinh tin, cậy, kính mến, mà cầu cùng Đức Chúa Trời Ba Ngôi, xin soi sáng cho ta đặng xét biết mọi tội lỗi ta. Lại dâng kinh Nữ Vương xin cùng Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp trước mặt Đức Chúa Trời, cho ta xét mình mà xưng tội cho nên. Cùng dâng kinh Đức thánh Thiên thần, xin người ngăn cấm ma quỉ kẻo nó làm rối lòng ta, vì nó là loài xấu xa dơ dáy, mà ai mê đàng tội lỗi theo ý nó, thì đẹp lòng nó. Vậy khi toan trở lại cùng Chúa mà dứt bỏ đàng tội lỗi, cùng xét mọi tính nết ta quen phạm tội mất lòng Chúa, mà tỏ cùng thầy, thì nó phải chịu thua; nên nó ra sức đón ngăn; khi ấy xin người bàu chữa cho đặng xét mình, kỹ lưỡng. Sau hết lại dâng một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, xin cùng Thánh Bổn mạng mình, vì người, khi còn ở thế gian, đã xưng tội chịu lễ nên, nay Chúa thưởng công người cho ở trên trời cùng Chúa; vậy xin người cầu giúp cho ta đặng bắt chước người, mà xưng tội cho nên hầu ngày sau đặng thấy người trên trời.
H. Khi đã làm bấy nhiêu đoạn, thì phải làm thể nào?
T. Phải ngồi xuống mà xét mình.
H. Lấy kinh nào mà xét?
T. Trước hết phải lấy kinh mười giái răn Đức Chúa Trời mà xét.
H. Phải xét làm sao?
T. Là đọc hết một câu, thì phải nín lặng một giây, mà xét coi thử, từ ta xưng tội cho đến rày; đi chốn nào ở cùng ai, làm nghề nghiệp gì; cùng mê tính xấu gì quen làm cho ta phạm tội, thì phải xét cho cẩn thận.
H. Như kẻ lâu năm không xưng tội, xét mình thể nào?
T. Bằng xét mình đặng từ xưng tội lần sau hết đến rày, thì cũng nên. Bằng chẳng, thì phải xét trong một năm: mình đã ăn ở thể nào, lại đi buôn bán xứ nào, hay là làm ruộng nương, ở chốn quê mùa, hay là chợ búa, thì phải xét trong một năm ấy cho thật mà định; các năm khác cùng xét như vậy.
H. Ai xưng tội mà giấu tội, hay là nói không hết lẽ, thì làm sao?
T. Những kẻ ấy phải xét lại, từ xưng tội lần sau hết cho đến rày mà xưng ra cho thật thì mới khỏi.
H. Đã xưng tội cùng đã rước lễ mà còn xưng lại các tội ấy làm chi? Nói ra tội giấu chẳng đủ sao?
T. Chẳng đủ; vì đã hay rằng: đã xưng cùng đặng rước lễ mặc lòng, song bởi vì giấu tội, cùng chịu phép Thánh Thể chẳng nên, thì càng phạm sự thánh, nên khi đi xưng tội, trước phải xưng tội phạm sự thánh đã mấy lần, lại phải xét mọi tội đã xưng bấy nhiêu phen ấy mới nên.
H. Xét theo kinh mười giái răn có đủ chăng?
T. Chẳng đủ, cũng phải xét sáu điều răn Hội Thánh nữa.
H. Vì sao mà chưa đủ?
T. Giả như trong quốc pháp vua chúa phán dạy điều gì, thì thứ dân phải cứ; song cũng phải vưng cứ lời cha mẹ khi người dạy những điều phải lẽ, mới gọi là kẻ tận trung tận hiếu bằng kẻ nào vưng lịnh Chúa mà bỏ cha mẹ, thì phạm tội bất hiếu bất trung. Vậy Đức Chúa Trời là Vua trên hết các vua, đã ra lề luật là mười sự răn, thì ta phải xét đã giữ trọn cùng Chúa chăng. Mà Hội Thánh là mẹ ta, muốn cho ta thuận thử ý người mà giữ sáu điều răn cho trọn nữa, nên cũng phải xét ta đã vưng giữ hay chăng.
H. Còn lấy kinh nào mà xét nữa chăng?
T. Phải xét theo bảy mối tội đầu nữa.
H. Xét mình rồi đoạn làm đi gì?
T. Phải ăn năn tội.
H. Phải ăn năn tội là làm sao?
T. Trước phải cầu cùng Đức Chúa Thánh Thần soi sáng giục lòng ta ăn năn tội cho nên, đoạn đọc kinh này:
Lạy Chúa, Chúa đã sanh ra trời đất che chở tôi, cùng muôn vật trong thế gian này mà dưỡng nuôi tôi cho sống; mà tôi xưa nay đã dùng những vật ấy mà làm nghịch cùng Chúa; vậy tôi bây giờ có lòng xót xa cùng đau đớn lắm, vì tôi là vật rất hèn Chúa sinh dưới đất. Xưa vốn tôi là không mà Chúa đã sinh cho có, cùng cho tôi có trí khôn ngoan cho đặng suy tưởng công ơn nghĩa Chúa, mà tôi xưa nay những lấy trí là lo tưởng những sự mất lòng Chúa: con mắt tôi xem những sự chẳng nên, tôi dùng lỗ tai nghe những điều quấy, miệng lưỡi tôi nói những lời tục tĩu hoa tình cùng lời vô nhân bạc ngãi, chơn tay cùng cả và mình tôi cũng vậy, đều làm những việc gian tà hết; mà Cha rất nhơn từ chẳng nở chấp tội, hãy còn dưỡng tôi để sống đến rày, cho đặng gặp Cha mà trở lại cùng Chúa; cùng tưởng công nghiệp Đức Chúa Giêsu bởi tội lỗi tôi, nên Chúa đã chịu chết vì tôi, xin tha tội cho tôi. Amen.Kinh Dốc lòng chừa
Lạy Chúa tôi, bây giờ tôi biết thật tỏ tường tội lỗi tôi đã làm mất lòng Chúa lắm, mà lại nhiều hơn cát biển mà Chúa rất nhơn từ chẳng chấp tôi, hãy còn chờ tôi trở lại mà tha tội cho tôi, mà tôi hãy còn bạc ngãi cùng Chúa dường ấy. Kìa vật rất hèn là con chó, mà hễ ai cho nó một chút xương không, nó còn biết ơn chẳng khuất, mà tôi xưa nay đã chịu những ơn Chúa xuống cho tôi rất trọng, mà tôi hãy còn bạc ngãi dường ấy, thật thì chẳng bằng loài vật, vì chẳng đoán đến công sinh thành cứu chuộc Chúa, tôi xưa nay một sấp cật trở lưng cho Chúa, vậy bây giờ tôi suy lại những công ơn, cùng lòng lành Chúa đã làm cho tôi cùng chết vì tôi, thì tôi chẳng dám làm điều gì cho mất lòng Người nữa; tôi dốc lòng từ này về sau, thà chịu khốn nạn vì Chúa hết lòng cho đến chết, chẳng thà phạm tội gì nữa, dầu trọng dầu hèn cũng vậy. Amen.
H. Kẻ ăn năn tội cùng dốc lòng chừa ngoài miệng, mà trong lòng lếu láo, có đặng ích gì chăng?
T. Làm vậy chẳng những là chẳng đặng ích gì, mà lại thêm mất lòng Chúa lắm vì tưởng dễ dối Chúa như người thế gian, một xem bề ngoài, mà trong lòng biến cải thể nào, thì không biết đặng; song chớ lầm làm chi, dầu ngoài miệng chẳng nói lời gì, miễn là trong lòng ăn năn thống hối, thì Chúa đã tỏ thấu, chẳng lựa than van, năn trách bề ngoài, thì Chúa mới hay.
H. Xưng tội cùng thầy là làm sao?
T. Là tỏ cáo mọi tội lỗi ta cùng thầy, chớ khá nói quanh, chẳng nên chữa mình rằng: bởi người nọ người kia làm cho tôi mắc phải tội lỗi; nếu ai chữa mình tránh trút thể ấy, thì nó đi xưng tội mất công, vì ta đi xưng tội ta, chẳng phải đi xưng tội kẻ khác cùng chữa mình đâu.
H. Khi dọn vào toà giải tội thì phải làm thể nào?
T. Phải làm ba sự này: trước hết lạy bàn thờ, rồi lạy Cha mà rằng: Lạy Cha, tôi là kẻ có tội xin Cha làm phước giải tội cho tôi; đoạn lấy dấu thánh giá trên mình. Thứ Hai, cúi đầu xuống mà đọc kinh cáo mình xưng tội cho đến lời này rằng: lòng động lòng lo, miệng nói, mình làm; còn ba lời; lỗi tại tôi, thì để lại sau. Thứ ba, quì gối lên, ghé miệng lại bên Thầy, mà nói lời này: một là, xưng tội đã bao lâu nay; hai là, khi xưng tội lần sau hết, đặng chịu phép giải tội hay là chưa; ba là, việc đền tội đã làm rồi hay là chưa.
H. Có nên để cho thầy hỏi điều ấy chăng?
T. Bằng chẳng nói thì thầy phải hỏi nhưng mà đừng làm nặng lòng thầy làm chi.
H. Khi nói ba lời ấy đoạn, phải làm điều gì nữa chăng?
T. Ví bằng thầy có hỏi sự gì, thì thưa; bằng chẳng, thì phải xưng tội.
H. Xưng tội là làm sao?
T. Là phải nói, cho rõ ràng mọi điều ta đã xét trong mười giái răn Đức Chúa Trời cùng sáu điều răn Hội Thánh, và bảy mối tội đầu, thì phải xưng cho hết, chớ khá nói quanh, chẳng nên chữa mình hay là giấu tội, vì ta đi xưng tội chẳng phải tới cho đặng chữa mình cùng giấu tội đâu.
H. Kẻ có ý giấu một tội trọng mà thôi có phạm tội chăng?
T. Chẳng những là phạm tội trọng, vì là phạm sự thánh, mà lại các tội khác đã xưng, cũng chẳng khỏi nữa.
H. Vậy thì phải làm thể nào đặng cho khỏi tội?
T. Phải khẩu tâm như nhứt, trong lòng đã xét làm sao, thì ngoài miệng phải xưng ngay như vậy.
H. Khi xưng các tội đoạn, thì phải nói thể nào?
T. Phải nói rằng: Lạy Cha, con cáo mình con về những tội này cùng các tội khác, tội quên tội sót, phạm trót đời con, xin Chúa thứ tha, ví bằng có đẹp lòng cha, xin cha làm phước giải tội cho con.
H. Nói lời ấy đoạn, phải làm đi gì?
T. Phải cúi đầu xuống đọc kinh cáo mình từ ba lời: lỗi tại tôi, cho đến hết; ruồi quì lên mà nghe lời thầy dạy răn an ủi, cùng việc đền tội, và đặng rước lễ hay là chăng, thì phải nghe tỏ rõ.
H. Khi nghe chẳng thật, có nên thưa lại chăng?
T. Bằng chẳng thưa lại cho biết, mà vưng cứ, thì kẻ ấy xưng tội chẳng nên, vì khinh dể lời thầy dạy dỗ, thì khốn cho kẻ ấy mà chớ.
H. Bằng chưa chịu phép giải tội phen ấy, thì làm sao?
T. Phải cam chịu bằng lòng, cùng phải biết; sau trở lại cùng một cha, thì mọi tội đã xưng, chẳng phải xưng lại làm chi; song phải xưng tội sót, cùng tội mới mà thôi; bằng trở lại xưng cùng cha khác, thì phải xưng lại mọi tội đã xưng cùng cha trước. Như cha trước chưa cho rước lễ, mà đã cho phép giải tội thì thôi, chẳng phải xưng các tội phen trước làm chi.
H. Khi làm mọi điều ấy đoạn, phải làm đi gì?
T. Phải cúi đầu xuống cho khiêm nhượng, mà đọc kinh ăn năn tội cho có lòng sốt sắng; rồi thì lạy cha cùng lạy bàn thờ mà ra.
H. Khi ra toà giải tội đoạn, thì phải làm đi gì?
T. Phải nhớ lại những sự thầy giải tội, cho đặng giữ mà làm, rồi thì đọc kinh lần hột.
H. Đọc kinh lần hột khi ấy, phải xin sự gì?
T. Trước hết, phải tạ ơn Đức Chúa Trời, vì Người còn duông ta sống đến rày, đặng gặp cha mà xưng tội; cùng xin Người giúp sức cho ta đặng giữ mình sạch sẽ trọn đời, kẻ sa phạm tội gì mất lòng Người nữa; lại phải dâng kinh dâng chuỗi tạ ơn Đức Mẹ, cùng Thánh Thiên thần, và Thánh bổn mạng mình, vì người gìn giữ cho ta đặng xưng tội, thì xin Người cầu giúp cho ta đặng noi giữ lời Chúa rao truyền, cùng lời thầy dạy răn an ủi, mà chừa bỏ nết xấu cho đến trọn đời.
H. Đền tội là làm sao?
T. Là những sự thầy giải tội đã dạy thể nào, hoặc ăn chay lần hột, đọc kinh bao nhiêu, thì phải giữ bấy nhiêu.
H. Thầy dạy việc đền tội ít, có nên theo ý riêng mình mà đổi việc khác cho nhiều hơn chăng?
T. Chẳng nên; phải làm đủ việc người dạy đã; sau muốn làm việc khác thì cũng nên.
H. Việc đền tội có nên nói ra cho kẻ khác hay chăng?
T. Vô ích, dầu nói cho kẻ nọ người kia, thì kẻ ấy cũng chẳng đền cho ta phần nào, mà lại trái ý thầy giải tội nữa.
Để dạy kẻ ngoại khi gần chết
1. Có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng dựng nên trời đất: mà Người có ba ngôi; ngôi thứ nhứt là Cha, ngôi thứ hai là Con, ngôi thứ ba là Thánh Thần, nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi.
3. Bởi tội loài người ta, cho nên Ngôi thứ Hai ra đời làm Người sinh bởi Đức Nữ đồng trinh Maria, đặt tên là Giêsu.
3. Đức Chúa Giêsu chuộc tội cho thiên hạ, thì Người chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá; ngày thứ ba Người sống lại, rồi Người ngự về trời.
4. Linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết đặng.
5. Có thiên đàng, là nơi vui vẻ. Chúa đã dành để thưởng kẻ lành. Có hoả ngục, là nơi khổ hình để phạt kẻ dữ đời đời.
6. Dạy nó bỏ bụt thần ma quỉ, cùng giục nó ăn năn đau đớn, chê ghét tội lỗi, cùng dốc lòng chừa, và đọc kinh ăn năn tội cho nó lập theo cùng.
Dạy cho nó biết, có phép rửa tội, là phép làm cho ta khỏi tội lỗi, đặng nên con cái Đức Chúa Trời.
Mỗi câu phải lặp đi, lặp lại nhiều lần, như nó chưa gấp.
Sau hết, khi thấy nó đã biết, lại muốn chịu phép rửa tội, thì lấy nước đổ trên đầu và đọc rằng:
Tao rửa mầy, nhơn danh Cha, và Con và Thánh Thần.
Ta phải tin cho đặng rỗi linh hồn
Một là, tôi phải có một Đức Chúa Trời, mà Người có Ba Ngôi, Ngôi thứ Nhứt là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần; Ba Ngôi cũng một Chúa, Ba Ngôi bằng nhau.
Hai là, tôi phải tin Ngôi thứ Hai ra đời làm người, có hồn có xác như ta, đặt tên là Giêsu, Người cũng là Đức Chúa Trời thật.
Ba là, tôi phải tin Đức Chúa Giêsu đã chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, mà chuộc tội cho cả và loài người ta.
Bốn là, tôi phải tin linh hồn người ta là tính thiêng liêng, là giống hằng sống, chẳng hề chết đặng.
Năm là, tôi phải tin có thiên đàng, để thưởng kẻ lành; có hoả ngục, để phạt kẻ dữ đời đời kiếp kiếp.
Tôi tin bấy nhiêu sự ấy, vì Đức Chúa Trời là Đấng chơn thật vô cùng chẳng hề dối ai đặng, lại vì Đức Chúa Trời là Đấng sáng láng vô cùng, thông biết mọi sự chẳng hề lầm đặng.
TỜ CHỈ NHỮNG CHIM NÀO NÊN ĂN
TRONG NHỮNG NGÀY KIÊNG THỊT
Đặt làm một bổn ra đây,
Những ngày kiêng thịt chim này nên ăn.
Ai ai cũng phải siêng năng,
Đọc cho thuộc lảu, kẻo ăn mà lầm.
Đức Cha truyền chỉ mấy năm,
Song người bổn đạo còn lầm chưa thông.
Già dãy, Lão nhược, Chó đồng,
Dang ốc, Khoang cổ, Bồng bồng, Dang sen.
Bạc má, Thằng cộc, Cù đèn,
Diệc mốc, Diệc lửa, Quắm đen, Cò ngà,
Cò trâu, Có ráng, Cò ma,
Cò xanh, Điển điển, cùng là Te te.
Thằng nông, Quắn trắng, Thằng bè,
Vị nước, Ba kiến, Le le, Thằng chài,
Gà nước, Cúm núm, một loài,
So đũa cùng Quấc, giò dài cả hai,
Vạc cứ ăn đêm hoài hoài,
Mỏ nhát, Chàng nghịch có tài lủi mau,
Họ trò, Bánh ít, Ốc cau,
Chim nhạn, Con cót, nói sau cho liền,
Lo choi, Tu huých theo liền:
Mấy con kể đó ngày kiêng nên dùng.
BỔN TAM GIẢI
Cha P. Qui
1909
Về ơn nghĩa cùng Chúa
H. Khi nào ta có nghĩa cùng Chúa?
T. Khi ta sạch tội trọng, thì mới đặng nghĩa cùng Chúa.
H. Có nghĩa cùng Chúa, đặng những ích gì?
T. Đặng năm ích trọng này:
Một là đặng Chúa ngự trong linh hồn ta, cho ta làm con, cùng xưng Người là Cha.
Hai là đặng an lòng an trí, khoái lạc trong linh hồn.
Ba là đặng ơn thêm soi sáng giục lòng ta làm sự lành, lánh sự dữ.
Bốn là mọi việc lành ta làm mới đặng công đáng thưởng đời đời.
Năm là rủi chết thình lình, chưa kịp chịu các phép sau hết, thì cũng chắc đặng rỗi linh hồn.
H. Khi nào ta mất nghĩa cùng Chúa?
T. Hễ khi ta phạm một tội trọng, tức thì liền mất nghĩa cùng Chúa.
H. Mất nghĩa cùng Chúa, thì khốn nạn thể nào?
T. Khốn nạn thể này:
Một là làm cho Chúa ra khỏi linh hồn ta, mà rước ma quỉ vào; cho nên mất chức làm con Chúa, mà hoá nên tôi tá ma quỉ.
Hai là rối lòng rối trí, bị lương tâm rúc rỉa.
Ba là linh hồn ra tối tắm yếu đuối; chẳng còn ái mộ việc lành.
Bốn là mất hết mọi công nghiệp đã lập bấy lây; và việc lành ta là đương khi còn mắc tội trọng, thì chẳng đáng thưởng trên thiên đàng.
Năm là mắc án phạt đời đời: rủi chết khi còn mắc tội trọng làm vậy, thì phải sa hoả ngục khốn nạn vô cùng.
H. Có mấy điều mới thành tội trọng, làm mất nghĩa Chúa?
T. Phải có ba sự này: Một là phạm đến việc trọng trong luật cấm, hay là luật dạy. Hai là vừa hiểu biết việc mình đương phạm là tội trọng. Ba là ý mình thật ưng muốn phạm.
H. Khi thấy lòng ta tư tưởng việc tội mà ta hằng chống trả, chẳng chịu ưng theo chút nào thì có tội gì chăng?
T. Chẳng mắc tội: vì hồi muốn, hồi nói, hồi làm, chưa biết là tội.
H. Cứ mực nào cho biết việc gì là tội, cùng nặng nhẹ chừng nào?
T. Đương khi ta làm, hay là bỏ việc gì, mà lòng ta lấy sự ấy làm tội, thì nó ra tội thật cho ta; lương tâm đoán nặng nhẹ chừng nào, thì nó ra nặng nhẹ cho ta chừng ấy.
H. Khi sa cơ phạm tội rồi, phải làm thể nào?
T. Tức thì phải giục lòng ăn năn cách trọn, cùng đọc kinh Ăn năn tội, mà xin Chúa thứ tha: đoạn khi nào có thể xưng tội được, thì phải xưng cho sớm.
H. Phải làm điều gì, cho được lánh tội, hầu giữ nghĩa cùng Chúa?
T. Một là phải hết lòng sợ tội trọng vì nó làm mất lòng Chúa, và hại linh hồn ta, như đã giải trước này: nên thà chết, chẳng thà phạm tội.
Hai là phải thật lòng khiêm nhượng, chẳng nên cậy mình, vì bởi sức riêng ta yếu đuối, phải có ơn Chúa, mới thắng đặng ma quỉ, xác thịt, thế gian.
Ba là phải hết lòng tin cậy Chúa cùng Đức Mẹ, là Đấng rất nhơn lành, hay thương giúp cho khỏi phạm tội.
Bốn là khi bị cám dỗ, phải chống trả tức thì, mà kêu xin Chúa cùng Đức Mẹ cứu chữa ta cho kíp.
Năm là siêng việc lành, tập nhơn đức; nhứt là năng xưng tội rước lễ.
Sáu là giữ ngũ quan cho nhặt, cùng xa lánh các dịp hiểm nghèo, hay làm cho ta phạm tội.
+ Thầy cả: + In nomine Patris, et Filii, et Spiritus sancti. Amen. Introibo ad altare Dei.
– Bổn đạo: Ad Deum, qui laetificat juventutem meam.
+ Thầy cả: Judica me, Deus, et discerne causam meam de gente non sancta: ad homine iniquo et doloso erue me.
– Bổn đạo: Quia tu es, Deus, fortitudo mea: quare me repulisti, et quare tristis incedo, dum affligit me inimicus?
+ Thầy cả: Emitte lucem tuam et veritatem tuam: ipsa me deduxerunt, et adduxerunt in montem sanctum tuum et in tabernacula tua.
– Bổn đạo: Et introibo ad altare Dei: ad Deum qui laetificat juventutem meam.
+ Thầy cả: Confitebor tibi in cithara, Deus, Deus meus: quare tristis es, anima mea, et quare conturbas me?
– Bổn đạo: Spera in Deo, quoniam adhuc confitebor illi: salutare vultus mei, et Deus meus.
+ Thầy cả: Gioria Patri, et Filio, et Spiritui sancto.
– Bổn đạo: Sict erat in principio, et nunc, et semper: et in saecula saeculorum. Amen.
+ Thầy cả: Introibo ad altare Dei.
– Bổn đạo: Ad Deum qui loetificat juventutem meam.
+ Thầy cả: Adjutorium nostrum in nomine Domini.
– Bổn đạo: Qui fecit caelum et terram.
+ Thầy cả: Confiteor Deo omnipotenti, etc.
– Bổn đạo: Misereatur tui omnipotens Deus et dimissis peccatis tuis, perducat te ad vitam aeternam.
+ Thầy cả: Amen.
– Bổn đạo: Confiteor Deo omnipotenti, beatae Mariae semper Virgini, beato Michaeli Archangelo, beato Joanni Baptistoe, sanctis Apostolis Petro et Paulo, omnibus Sanctis, et tibi, pater: quia peccavi nimis cogitatione, verbo et opere: mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa. Ideo precor beatam Mariam semper Virginem, beatum Michaelem Archangelum, beatum Joannem Baptistam, santos Apostolos Petrum et Paulum, omnes Sanctos, et te, pater, orare pro me ad Dominum Deum nostrum.
+ Thầy cả: Misereatur vestri omnipotens Deus, et, dimissis peccatis vestris, perducat vos ad vitam aeternam.
– Bổn đạo: Amen.
+ Thầy cả: + Indulgentiam, adsolutionem, et remissionem peccatorum nostrorum tribuat nobis omnipotens et misericors Dominus.
– Bổn đạo: Amen.
+ Thầy cả: Deus, tu conversus viviflcabis nos.
– Bổn đạo: Et plebs tua laetabitur in te.
+ Thầy cả: Ostende hobis, Domine misericordiam tuam.
– Bổn đạo: Et salutare tuum da nobis.
+ Thầy cả: Domine exaudi orationem meam.
– Bổn đạo: Et clamor meus ad te veniat.
+ Thầy cả: Dominus vobiscum.
– Bổn đạo: Et cum spiritu tuo.
Khi thầy đứng dưới bàn thờ mà đọc lời Kinh Thánh cùng kinh cáo mình, thì phải lấy dấu thánh giá cùng đọc kinh cáo mình, đoạn thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa Ba Ngôi phép tắc vô cùng, xin thương đoái chúng tôi và ban ơn lành xuống, thì mới đáng chầu lễ thánh này; tôi xưng ra trước mặt Chúa, tôi đã phạm tội lỗi vô số, dám cậy trông ơn rộng Chúa Trời, cho đặng lòng đau đớn ăn năn cùng dứt bỏ mọi đàng tội lỗi, thì tôi mới đặng nên trong sạch.
INTROITUS
Đoạn thầy bước lên bàn thờ cùng sang bên tả ảnh, thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa, bởi tội tôi khiến nên xa cách Chúa, cùng sa xuống nơi cực khốn, xin Chúa nhơn từ nhắc tôi lên, cùng dắt vào chính lộ, thì tôi hằng ngày hằng tấn tới trong việc nhơn lành.
+ Thầy cả: Kyrie, eleison.
– Bổn đạo: Kyrie, eleison.
+ Thầy cả: Kyrie, eleison.
– Bổn đạo: Christe eleison.
+ Thầy cả: Christe eleison.
– Bổn đạo: Christe eleison.
+ Thầy cả: Kyrie, eleison.
+ Thầy cả: Kyrie, eleison.
– Bổn đạo: Kyrie, eleison.
Đoạn thầy đọc chín lần, Xin Chúa thương xót chúng tôi; thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa, xin cho tôi sốt sắng trong lòng ước ao rước Chúa như Tổ tông xưa ngóng trông xem thấy Chúa Cứu Thế ra đời.
GLORIA IN EXCELSIS
Đoạn thầy đọc Gloria, ấy là lời các thánh thiên thần mừng hát Chúa ra đời, thì hpải nguyện rằng:
Tán tạ khong khen Chúa trên trời, cùng an hoà cho người dưới thế, Chúa là Đấng vô thỉ vô chung, thương các con liều mình xuống thế, Chúa và Vua rất khoan rất hậu, xin nhậm lời cầu nguyện chúng tôi.
OREMUS
+ Thầy cả: Dominus vobiscum.
– Bổn đạo: Et cum spiritu tuo.
+ Thầy cả: Per omnia saecula saeculorum.
– Bổn đạo: Amen.
Đoạn thầy trở mặt ra mà rằng: Chúa ở cùng anh em, thì phải nguyện rằng:
Chúa là căn ngươn mọi ơn mọi phước, xin Chúa ngự trong lòng tôi luôn thì tôi đặng trọn nghĩa cùng Chúa, là Đấng rất thánh cùng rất lành.
Đoạn thầy sang bên tả anh dâng lời cầu các giáo nhơn, thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa, xin nhậm lời thầy cả cầu nguyện cho Hội Thánh và chúng tôi nhờ, xin Chúa ban cho tôi ơn lành, hầu cho linh hồn tôi đặng rỗi, thật tôi chẳng đáng Chúa thương xem: song tôi cậy công nghiệp vô cùng Chúa chuộc tội cứu thế mà chớ.
EPISTOLA
Đoạn thầy đọc lời Sấm truyền, thì phải nguyện rằng:
Lời các thánh Tiên tri, cùng các thánh Tông đồ dạy chúng tôi kính mến Chúa luôn giữ nết na đức hạnh, và nhớ lại phần rỗi ta đã gần hơn khi ta mới tin đạo thánh; vậy ta hãy từ bỏ những việc tối tăm, là những tội lỗi, cùng mặc lấy những khí giới sáng láng, là làm việc lành phước đức.
Khi thầy đọc lời Sấm truyền đoạn, thì học trò thưa rằng: Deo gratias.
ÊVANG
+ Thầy cả: Dominus vobiscum.
– Bổn đạo: Et cum spiritu tuo.
+ Thầy cả: Sequentia Sancti Evangelii…
– Bổn đạo: Gloria tibi Domine.
Khi thầy đọc lời Sấm truyền đoạn, thì học trò thưa rằng: Laus tibi, Christe.
Đoạn đem sách sang bên hữu ảnh, mà thầy đọc lời Đức Chúa Giêsu đã phán truyền, thì ta phải có lòng tôn kính mà cầu nguyện rằng:
Lạy Chúa, xin giúp tôi sửa tính hãm mình kẻo xiêu theo tội lỗi, làm cho Chúa cất ơn Chúa mà ban cho người khác đặng nhờ. Xưa Chúa đã bỏ nước Giudêu, mà truyền đạo cho dân nước ngoại; này xin Chúa giúp tôi trọn nghĩa, kẻo mất phần phước trọng trên trời; tôi đứng dậy vưng nghe lời Chúa, sẵn lòng xưng đạo thánh Chúa ra trước mặt thiên hạ. Ai chẳng tin thì phải đoán phạt đã rồi, bằng ai tin mà chẳng giữ, thì càng phải phạt nặng hơn mà chớ. Xin Chúa giúp tôi đi đàng hẹp, và từ bỏ mọi sự sung sướng bội nghịch cùng lời Chúa răn dạy: trời đất qua, mà lời Chúa chẳng sai.
CREDO
Đoạn thầy đọc mười hai điều kinh tin kính, thì ta phải đọc theo hay là nguyện rằng:
Tôi cám đội ơn Chúa nhơn từ, ngày tôi đã chịu phép rửa tội, Chúa đã ban đức tin cho tôi, nay tôi tin vững vàng mọi sự Chúa đã dạy và Hội Thánh truyền, song đức tin hiệp cùng việc phước, mới làm cho ta đẹp lòng Đức Chúa Trời; bởi những kẻ kêu cả tiếng rằng: Lạy Chúa, Lạy Chúa, thì chẳng đặng rỗi, một kẻ tin vưng giữ cho bền, thật thì đặng nhờ phần thưởng Chúa.
OFFERTORIUM
Đoạn thầy trở mặt ra mà rằng: Chúa ở cùng anh anh em: rồi trở mặt lại mà dâng của lễ thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa, lòng tôi như đất khô khan, xin Chúa rưới ơn thiêng nhuần nhã, lời Chúa như hột giống châu báu sẽ trổ ra hoa quả tốt lành.
Lạy Đức Chúa Giêsu, nếu chúng tôi chăng dâng Mình Chúa, thì chẳng đẹp lòng Đức Chúa Cha, vì có một Đức Chúa Giêsu cứu đặng chúng tôi trước mặt Người. Vậy tôi hiệp một ý cùng thầy mà dâng Mình Chúa làm của lễ, là của Đức Chúa Cha yêu mến.
Lạy Chúa, xin đoái xem và nhậm lễ này cho Hội Thánh càng ngày càng thạnh cho thiên hạ đặng khỏi vòng tội khiên, cho mọi người đặng nhờ ơn thiếu thốn; lại xin Đức Chúa Thánh Thần xuống phước lành, hầu của lễ này đặng làm cho danh Cha cả sáng.
Đoạn thầy rửa tay, thì phải nguyện rằng:
Ở dưới thế gian này mà giữ linh hồn cho vẹn sạch thì rất khó. Lạy Chúa, xin xuống ơn vững vàng cho tôi khỏi phạm chưng tội lỗi, và rửa linh hồn tôi cho sạch, vì kẻ muốn rước Mình thánh Chúa, thì phải giữ xác hồn thanh tịnh.
Đoạn thầy trở mặt ra bảo các giáo nhơn giúp lời cầu nguyện, xin Chúa nhậm của lễ thầy dâng
+ Thầy cả: Orate, fratres.
– Bổn đạo: Suscipiat Dominus sacrificium de manibus tuis ad laudem et gloriam nominis sui ad utilitatem quoque nostram, totiusque Ecclesiae suae sanctae.
thì phải nguyện rằng:
Có lời Đức Chúa Giêsu phán hứa, Chúa nhậm lời nguyện kẻ hiệp nhau, xin Chúa nhậm lời cầu nguyện cả và Hội Thánh hiệp làm một mà dâng lễ cực trọng này.
PRÆFATIO
Đoạn thầy đọc lớn tiếng:
+ Thầy cả: Per omnia saecula saeculorum.
– Bổn đạo: Amen.
+ Thầy cả: Dominus vobiscum.
– Bổn đạo: Et cum spiritu tuo.
+ Thầy cả: Sursum corda.
– Bổn đạo: Habemus ad Dominum.
+ Thầy cả: Gratias agamus Donino Deo nostro.
– Bổn đạo: Dignum et justum est.
thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa, Chúa là Đấng hằng có đời đời, xin giúp tôi bỏ chê sự thế, cho đặng tưởng nhớ sự trên trời. Chúa lòng lành phép tắc vô cùng, là Đấng đáng chúng tôi ngợi khen luôn mà bởi vì chúng tôi chẳng đặng làm việc ấy, xin hiệp cùng các thánh thiên thần, mà tán tụng hô Chúa Trời.
SANCTUS
Kính lạy Chúa Ba Ngôi mầng rằng: thánh tai, thánh tai, thánh tai, cả trời đất đã dầy dẫy sự oai quờn sang trọng Chúa, kính mầng Đấng chịu sai xuống thế, màng Đấng lấy tên Chúa mà đến.
CANON
Lạy Chúa, xin thương đến chúng tôi, sự tế lễ thuộc về một Chúa là Đấng sinh Thần thánh loài người, xin dâng linh hồn và xác tôi hiệp cùng Chúa vào phần tế lễ, cùng hằng dọn mình chịu hkó và sẵn lòng chịu chết vì Chúa, theo ý Chúa phân định mà chớ.
MEMENTO VIVORUM
Đoạn thầy chắp tay và cầu nguyện cho cả và Hội Thánh, thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa, xin Chúa hằng phù hộ xuống ơn cho các người giáo nhơn đặng nhờ, nhứt là cha mẹ anh em tôi, kẻ đã làm ơn nghĩa cùng tôi, và những kẻ nghịch thù cùng tôi; vậy tôi thương mến kết người thế, cùng sẵn lòng nông côn liều mình cho linh hồn mọi người đặng rỗi, như Chúa đã chịu chết thuở xưa; xin Chúa tôi nhậm của lễ này, là lễ các giáo nhơn dâng tiến, cho chúng tôi bình an ở thế và ngày sau hưởng phúc đời đời.
ELEVATIO
Đoạn thầy dâng Mình thánh cùng Máu thánh Chúa lên, thì ta phải thờ lạy và nguyện rằng:
Kính lạy Mình thánh Chúa Cứu Thế, thật là Con Đức Chúa Cha, xưa sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh, cho đặng chuộc loài người thế, chịu chết trên cây thánh giá, chịu đâm cạnh nương long và chảy hết máu mình ra, mà làm của tế lễ. Lạy Chúa, xin Chúa đoái thương mà tha tội lỗi chúng tôi, hầu khi chúng tôi lìa khỏi đời này, cho đặng lên nơi vui vẻ.
MEMENTO DEFUNCTORUM
Đoạn thầy chắp tay lên mà cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa, dám xin Chúa nhơn từ vô cùng thương xót tha thứ các giáo nhơn là kẻ đã lìa khỏi thế này, nhứt là kẻ đã làm ơn nghĩa, bởi chưa đặng vẹn sạch tội lỗi thì phải chịu khốn khó nặng nề, rày chẳng đặng làm việc phước gì, mà cứu giúp mình cho đặng khỏi, xin vì công nghiệp Chúa Cứu Thế, ban ơn cho các đẳng linh hồn đặng khỏi nơi khốn khó tối tăm, và xem thấy mặt vang hiển Chúa.
Đoạn thầy nói lờn cùng đánh ngực, thì phải nguyện rằng:
Vi bằng tôi xem đến mình tôi, sẽ nói như ông thánh Phêrô xưa: xin Chúa lìa khỏi người tội lỗi, song tôi cậy nhờ Chúa Cứu Thế, dâng mình phạt tạ Đức Chúa Cha, cho kẻ có tội đặng nghĩa lại, nên tôi hết lòng khiêm nhượng rằng: xin Chúa thương xem người tội lỗi.
PATER NOSTER
Đoạn thầy đọc kinh Lạy Cha.
+ Thầy cả: Per omnia saecula saeculorum.
– Bổn đạo: Amen.
+ Thầy cả: Et ne nos inducas in tentationem.
– Bổn đạo: Sed libera nos a malo.
+ Thầy cả: Per omnia saecula saeculorum.
– Bổn đạo: Amen.
+ Thầy cả: Pax Domini sit semper vobiscum.
– Bổn đạo: Et cum spiritu tuo.
Thì phải đọc riêng, hay là nguyện rằng:
Lạy Chúa cả cao ngự trên trời, thật thì Chúa là Cha chúng tôi, vì trong lễ cực mầu nhiệm này, Chúa lấy mình mà nuôi chúng tôi, xin Chúa xuống ơn phù hộ, kẻo chúng tôi sa phạm tội gì mà chẳng đặng làm con cái Chúa, lại tôi nguyện xin sự bằng an quá khỏi trí loài người thế, là lộc thưởng việc lành phước đức bởi lòng rộng rãi Chúa mà ra, và xin Chúa ban ơn giúp tôi cho đặng hoà thuận cùng mọi người.
AGNUS DEI
Đoạn thầy cúi đầu xuống và đánh ngực ba lần, thì phải nguyện rằng:
Lạy Đức Chúa Giêsu, xin Chúa đoái xem linh hồn tôi.
Lạy Đức Chúa Giêsu, xin Chúa cứu lấy linh hồn tôi.
Lạy Đức Chúa Giêsu, xin Chúa xuống ơn trong linh hồn tôi.
Kính lạy Chúa chuộc tội cứu thế, Chúa thật là con chiên vẹn sạch, đã dâng mình tế lễ Đức Chúa Cha, bởi Chúa đã gánh lấy tội lỗi chúng tôi, thì chúng tôi mới khỏi phạt vô cùng, xin Chúa tha muôn vàn tội lỗi, cho chúng tôi sống lại phần hồn.
Đoạn thầy cầm Mình Chúa lên, và nói và đánh ngực ba lần, thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa, chúng tôi chịu ơn mọn Chúa còn chẳng đáng thay, huống là ơn rước Mình Thánh Chúa, linh hồn chúng tôi nhuốm bịnh lâu ngày yếu đuối, vì tội chúng tôi sa phạm đã đầy, xin Chúa phán một lời, thì linh hồn chúng tôi liền đã.
COMMUNIO
Đoạn thầy chịu Mình Chúa, thì ta phải có lòng ước ao chịu ơn cực trọng, ấy là chịu lễ cách thiêng liêng, vậy ta phải nguyện rằng:
Ớ Mình Thánh Chúa cực thanh cực tịnh, ớ Máu rất châu báu Chúa tôi đáng kính thờ trên trời dưới đất, ớ Lương thực ngon ngọt mĩ vị hay nuôi dưỡng linh hồn chúng tôi, chớ chi linh hồn tôi đặng sạch, thì tôi đặng nhờ phước rất lành, chớ chi bây giờ Chúa cứu thế thật xuống ngự trong linh hồn tôi, thì tôi sẽ hết lòng kính lạy, cám tạ Chúa tôi là dường nào, cùng bày tỏ những sự thốn thiếu tôi, lòng tôi ngóng trong và khát khao hiệp làm một cùng Chúa tôi lắm; mà bởi tôi dọn mình chưa sẵn, lẽ thì chưa đáng ơn trọng ấy, xin Chúa nhơn từ ghé mắt lại; thì tôi mới đặng dọn mình nên, xin Chúa hãy phán một lời, thì linh hồn tôi liền thanh bạch. Rày tôi dám nguyện xin cùng Chúa, cho tôi đặng thông công phần lành thầy cả cùng các giáo hữu Hội Thánh.
OREMUS
Đoạn thầy trở mặt ra mà nhắc lòng các giáo hữu, cùng trở mặt lại mà đọc những kinh cầu nguyện cám ơn.
+ Thầy cả: Dominus vobiscum.
– Bổn đạo: Et cum spiritu tuo.
+ Thầy cả: Per omnia saecula saeculorum.
– Bổn đạo: Amen.
Thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa, nếu không ơn Chúa thì chúng tôi chầu lễ chẳng nên, xin Chúa thương tôi, ban ơn thánh hằng ngày rưới đượm, vì tôi hằng thiếu thốn ơn giúp, xin thêm lòng ái mộ lời cầu, kẻo lạt lòng không chí ân cần, thiệt ơn thánh khôn phương tìm kiếm.
Đoạn thầy trở mặt ra mà làm dấu lành cho các giáo hữu, cùng trở mặt lại mà đọc lời Sấm trường ông thánh Gioan tông đồ.
+ Thầy cả: Dominus vobiscum.
– Bổn đạo: Et cum spiritu tuo.
+ Thầy cả: Ite, Missa est, hay là Benedicamus domino.
– Bổn đạo: Deo gratias.
(ví bằng lễ cầu cho kẻ chết):
+ Thầy cả: Requiescant in pace.
– Bổn đạo: Amen.
+ Thầy cả: Benedicat vos omnipotens Deus, + Pater, et filius, et Spiritus Sanctus.
– Bổn đạo: Amen.
+ Thầy cả: Initium (hay là Sequentia) Sancti Evangelii..
– Bổn đạo: Glora tibi. Domine.
Đọc lời Sấm truyền đoạn, thì thưa rằng:
– Bổn đạo: Deo gratias.
Thì phải nguyện rằng:
Lạy Chúa, xin Chúa chúc phước lành cho tôi nay ở đời giữ đạo cho trọn, đặng dấu lành tôi ngay con thảo, sau khỏi thế đặng phước vô cùng. Kính thờ phép mầu nhiệm ra đời; thật là phép rất cao rất trọng, vì Con một Đức Chúa Trời ra đời làm người, đã ở trong chúng tôi, Người là Đấng sang trọng phép tắc, cùng đầy dẫy mọi ơn phước thật, xin Chúa giúp kẻo tôi bội nghĩa, mến cậy tin hết dạ hết lòng, bữa hằng sốt sắng ước ao rước Chúa vào lòng chí thiết, giữ nghĩa kính thờ cho trọn, ngửa trông lượng cả bao duông. Amen.
Lời nguyện ông thánh Inhatiô
Ân xá 300 ngày, và nếu đọc sau khi rước lễ thì ân xá 7 năm, Đại xá một tháng một lần.
Ớ Linh hồn Chúa Kytô.
Xin làm cho tôi nên thánh.
Ớ xác thánh Chúa Kytô,
Xin cứu lấy tôi cho rỗi,
Ớ máu thánh Chúa Kytô,
Xin cho lòng tôi say mến.
Ớ nước nương long Chúa Kytô
Xin rửa tôi cho thanh bạch.
Ớ sự thương khó Chúa Kytô,
Xin cho lòng tôi bền vững.
Lạy Đức Chúa Giêsu nhơn từ,
Xin nhậm lời tôi cầu nguyện.
Xin Chúa ẩn tôi nơi thương tích Chúa.
Xin Chúa chớ để tôi lìa khỏi Chúa.
Xin Chúa chữa tôi khỏi kẻ dữ thù.
Xin Chúa gọi tôi chưng kỳ lâm tử.
Xin Chúa dạy tôi chạy đến cùng Chúa,
Hiệp cùng các thánh mà ngợi khen Chúa,
Muôn muôn đời đời kiếp kiếp chẳng cùng. Amen.