Thánh Lễ An Táng Cha Antôn Nguyễn Tri Viễn

print

Thánh Lễ An Táng Cha Antôn Nguyễn Tri Viễn

Bài Giảng Trong Thánh Lễ 

Dụ ngôn ngày chung thẩm (Mt 25)

27.11.2020

Suy nghĩ về đời người

Hôm nay Cha Antôn Nguyễn Tri Viễn dâng Thánh Lễ cuối cùng với chúng ta nơi Đất Thánh Nhà Hưu dưỡng Lm này. Thánh lễ hôm nay rất đặc biệt vì có mặt đông đủ tất cả các Lm của giáo phận, do các cha vừa kết thúc tuần Tĩnh Tâm ở ĐCV Thánh Quý. Sau Thánh Lễ cuối đời Cha đồng tế với ĐGM và Lm đoàn giáo phận Cần Thơ, từ nay Cha sẽ đồng tế trên thiên đàng với Chúa Giêsu Linh mục thượng tế đời đời.

Khi nhìn lại cuộc đời của Cha Antôn với 92 năm làm người và 65 năm làm Linh mục, tôi thấy được 3 hình ảnh : Thứ nhất là một quán trọ, thứ hai là 1 vở kịch và thứ ba là 1 xâu chuỗi. Sau đây tôi sẽ giải thích từng hình ảnh.  

  1. Hình ảnh thứ nhất, quán trọ : sống trên đời giống như sống ở quán trọ

Thánh Vịnh 49 có câu : “Tuy họ lấy tên mình đặt cho miền này xứ nọ, nhưng 3 tấc đất mới thật là nhà”. Lời Tv này không chỉ đúng cho những những người nổi tiếng trong lịch sử nên được lấy tên mà đặt cho 1 miền đất, 1 thành phố, 1 con đường. Lời Tv này cũng đúng cho tất cả mọi người. Tất cả chúng ta sống trên đời như sống ở quán trọ, có người suốt đời chỉ trọ ở 1 quán, có người trọ ở nhiều quán. Nhưng điểm chung là không ai ở mãi trong quán đó. Ở 1 thời gian rồi rời đi. Cái quán cuối cùng người ta trọ lâu nhất là nấm mồ : Tv 49 đã viết : “Nhưng 3 tấc đất mới thật là nhà”

Cha Antôn của chúng ta cũng vậy. Trải qua 92 năm sống trên đời, cha đã đi qua rất nhiều quán trọ : Từ quán trọ đầu đời là nhà cha mẹ, qua những quán trọ đời mục vụ là các họ đạo, đến quán trọ cuối cùng là nhà hưu dưỡng các Lm Cần thơ… Không dưới 10 quán trọ. Có nơi cha ở khá lâu, có nơi rất mau chóng, có nơi là ngôi nhà lớn có nơi chỉ là 1 cái nhà nhỏ… Nhưng không nơi nào cha ở luôn mãi. Ở 1 thời gian thôi rồi đi nơi khác.

  1. Hình ảnh thứ hai là vở tuồng : sống trên đời như đóng 1 vai trong vở tuồng

Ý tôi không phải nói sống là đóng kịch, là giả dối… mà tôi thấy đời này giống 1 cái sân khấu : trên sân khấu người ta diễn tuồng, có người đóng vai này có người đóng vai khác, có người đóng vai chính, có người chỉ đóng vai phụ, có người đóng lâu có người đóng mau… Nhưng đóng xong vai trò của mình thì lui vào hậu trường, nhường chỗ cho người khác bước ra đóng màn kế tiếp… theo sự phân vai của nhà đạo diễn tối cao là chính Thiên Chúa.

Xin minh họa bằng cuộc đời cha Antôn. Cha đã được Chúa phân cho đóng nhiều vai. Thí dụ (1) Cha đã làm cha phó ở họ đạo Sóc Trăng 1 thời gian rồi đổi đi, từ đó tới nay rất nhiều Cha khác đã tới Sóc Trăng đóng tiếp vai Cha phó ; (2) Cha làm Cha Sở họ Nàng Rền 1 thời gian, sau cha cũng là nhiều cha khác làm cha sở ; (3) Trong thời gian cải tạo, Chúa sai cha đóng 1 vai đau khổ là làm tù nhân, (4) Rồi ở dòng CQP, cha làm cha Linh hướng, (5) cuối cùng ở nhà Hưu dưỡng cha đóng vai làm hành khách chờ chuyến bay qua cõi đời sau.

Anh chị em thân mến

Hình ảnh quán trọ cho thấy sự tạm bợ : chúng ta không sống ở chỗ nào lâu, chỉ tạm bợ 1 thời gian rồi đi sang quán  trọ khác ; Hình ảnh vở tuồng cho thấy sự không bền : Chúa ban cho mỗi người 1 khoảng thời gian để sống ; trong khoảng thời gian ấy Chúa phân cho mình 1 vai để đóng. Đóng xong lui vào hậu trường nhường sân khấu cho người khác đóng tiếp. Sách Qohelet trong Cựu Ước có câu “Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa”.

Tuy nhiên trong cuộc đời vẫn có 1 thứ không phải là phù hoa nhưng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Đó là điều tôi thấy được qua hình ảnh thứ ba.

  1. Hình ảnh thứ ba là xâu chuỗi : giá trị đời người là 1 chuỗi những việc yêu thương và những việc không yêu thương.

Mẹ thánh Têrêxa Calcutta nói : “Chúng ta sẽ được phán xét theo tình thương”. Không phải vì quá chú ý đến những việc bác ái mà mẹ Têrêxa Calcutta đã nói cường điệu như thế. Thực ra là Mẹ chỉ nhắc lại ý của chính Chúa Giêsu trong dụ ngôn ngày phán xét chung ở Tin Mừng thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe hồi nảy : Những người sống yêu thương là những con chiên ở bên phải sẽ được thưởng trên thiên đàng, còn những kẻ không yêu thương là những con dê ở bên trái sẽ bị phạt trong hỏa ngục đời đời. Thực ra, khi chúng ta chết, không phải Chúa không phán xét về những việc khác, nhưng Chúa rất coi trọng những việc yêu thương và những việc nghịch với yêu thương.

Ngày chúng ta chết, chúng ta xuất hiện trước tòa phán xét của Chúa như 1 xâu chuỗi gồm nhiều hạt, có những hạt màu trắng là những việc yêu thương, và cũng có những hạt màu đen là những việc nghịch với yêu thương. Xâu chuỗi cuộc đời của ai gồm toàn những hạt màu trắng thì người đó là chiên, người đó được cho ở bên phải của Chúa, tức là được ở thiên đàng. Còn ai mà xâu chuỗi cuộc đời toàn những hạt đen thì là dê và chắc chắn phải ở hỏa ngục. Trên thực tế thì không ai là xâu chuỗi toàn trắng hay toàn đen, mà là 1 xâu chuỗi có hạt trắng có hạt đen. Điều quan trọng là trong thời gian Chúa còn cho ta sống, chúng ta phải cố gắng ngày càng thêm những hạt trắng và giảm bớt ngày càng ít những hạt đen. Điều chắc chắn là khi xâu chuỗi hoàn toàn trắng thì mới được lên thiên đàng ; còn xâu chuỗi toàn đen thì chắc chắn phải ở hỏa ngục. Thiên đàng là chỗ ở của những người sống yêu thương ; Hỏa ngục là nơi giam cầm những người cố chấp trong ghen ghét hận thù.

Anh chị em thân mến

Hôm nay Cha Antôn đi trước, rồi chúng ta sẽ đi sau. Một ngảy nào đó chúng ta sẽ rời quán trọ cuối cùng, chúng ta sẽ kết thúc vai tuồng của mình trên sân khấu cuộc đời. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có 1 điều tồn tại vĩnh cửu là yêu thương hoặc không yêu thương. Không ai biết mình sẽ còn sống thêm bao lâu nữa. Vậy hãy xin Chúa giúp chúng ta càng ngày càng bớt sân si thù ghét nhưng càng ngày càng mến Chúa yêu người nhiều hơn. Có như vậy thì khi những ngày đời chúng ta khép lại, chúng ta mới có thể gặp Chúa và gặp lại Cha Antôn trên thiên đàng.

Lm Carôlô Hồ Bặc Xái