Thánh Lễ: Nơi Thể Hiện Giáo Hội Hiệp Hành

print

Thánh Lễ: Nơi Thể Hiện Giáo Hội Hiệp Hành

Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Ki-tô hữu”[1]. Các bí tích khác cũng như các tác vụ và hoạt động tông đồ gắn liền với bí tích Thánh Thể và quy hướng về đó. Như vậy, Thánh Thể vừa đúc kết vừa tổng hợp đức tin công giáo, như thánh I-rê-nê viết: “cách suy nghĩ của chúng ta phù hợp với bí tích Thánh Thể, và ngược lại bí tích Thánh Thể xác nhận suy nghĩ của chúng ta.”[2] Trong thực tế, chỉ có thể “cùng nhau cất bước hành trình” khi cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Chính khi cử hành thánh lễ hằng ngày là cách thể hiện tính hiệp hành của Hội Thánh. Nói cách khác, Hiệp hành là lối sống thường nhật của Hội Thánh mà trung tâm chính là thánh lễ. 

Thời gian gần đây, chúng ta đã được nghe trình bày các khía cạnh về Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp Nhất, tham gia và sứ vụ. Đề tài hôm nay giúp nhìn lại cách tổng hợp ba chiều kích của Hiệp Hành trong khi Hội Thánh họp nhau cử hành thánh lễ. Nơi đây, Hội Thánh thể hiện cách sống động các chiều kích của Hiệp hành.

 

I. Thánh Lễ nơi Giáo Hội Hiệp nhất

Thánh lễ biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội Thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất Dân Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa thánh hóa trần gian trong Chúa Ki-tô cũng như việc con người trong Thánh Thần, tôn thờ Chúa Ki-tô và nhờ Người tôn thờ chính Chúa Cha, cũng đạt đến tột đỉnh.[3]

  1. Hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi

Thánh lễ được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khởi đầu Thánh lễ, Hội Thánh đã nhân danh Chúa Ba Ngôi và vẽ dấu Thánh Giá, biểu tượng của Hy Tế. Qua nghi thức đầu lễ, Dân Chúa, tập họp nhân danh Người và quy hướng về Người. Như vậy, Thánh Lễ là “nơi” ưu việt mà Hội Thánh cầu xin với Chúa Cha nhờ hiến tế của Chúa Kitô trong mối hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Phụng vụ Thánh lễ đưa Hội Thánh vào trong tương quan hiệp thông trọn vẹn với Ba Ngôi. Qua lời chào chúc giữa chủ tế và cộng đoàn: Chúa ở cùng anh chị em – và ở cùng cha, tuyên xưng sự hiện diện của Chúa ở giữa Dân Người. Mọi thành phần dân Chúa đều được đầy “Chúa”, được Chúa ở cùng và được ở cùng Chúa. Đây là sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi và Hội Thánh.

Thánh lễ cũng được cử hành trong ước nguyện được đầy tràn ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa: Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2 Cor 13,13). Thật vậy, về phía Thiên Chúa, Thánh lễ là thời điểm Thiên Chúa đích thân đến gặp gỡ con người để chúc lành và thánh hoá. Người tiếp tục mặc khải chính Người qua Lời và Thánh Thể.

Tiếp đến, về phía Hội Thánh,Thánh lễ là hành vi tạ ơn và tôn vinh mà Dân Chúa dâng lên Chúa Cha, nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần :“chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi vinh quang và danh dự đều quy về Chúa là Cha toàn năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần”.

Cuối cùng, Thánh lễ luôn thể hiện sự khát vọng hiệp nhất, bởi vì Thánh Thể vốn là bí tích của sự hiệp nhất. Khi cử hành hy tế Thánh Thể, Hội Thánh cầu xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót ban cho con cái Người tràn đầy Thánh Thần để họ “trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô”. Khi rước Mình và Máu Thánh, Dân Chúa được gắn bó mật thiết với Đức Ki-tô và hiệp nhất trong Thân Thể Người là Hội Thánh. 

  1. Hiệp nhất với Hội Thánh
    • Hiệp nhất với Giáo Hội Khải Hoàn

Trước khi cử hành mầu nhiệm Đức Tin, Hội Thánh luôn hiệp nhất với các thiên thần và các thánh trong lời chúc tụng và nguyện xin của mình. Qua hành động sám hối, ý thức mình là tội nhân bất xứng, Hội Thánh kêu xin “Đức Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần và các thánh” khẩn cầu cho mình trước tòa Chúa. Tiếp đến, hiệp nhất với lời ca tụng của các Thiên Thần và các thánh, Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng “ba lần thánh”. Qua kinh nguyện Thánh Thể, Hội Thánh nài xin Chúa cho mình được đồng hưởng sự sống đời đời cùng với các thánh và những người Chúa chọn qua mọi thời đại, và cùng với các ngài, Hội Thánh được ca ngợi và tôn vinh Chúa, nhờ Đức Ki-tô, Con Chúa. Nhờ cử hành Thánh lễ, ngay từ bây giờ Dân Thiên Chúa được kết hợp với phụng vụ trên trời và tiền dự vào đời sống vĩnh cửu.

  • Hiệp nhất với Giáo Hội đau khổ

Thánh lễ cũng là thời điểm Hội Thánh cầu nguyện cho những người đã qua đời mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ. Ngay từ ban đầu, Hội Thánh đã kính nhớ người quá cố và cầu nguyện cho họ đặc biệt trong thánh lễ. Thật vậy, khi cử hành thánh lễ, Hội Thánh đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giêsu Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta ngự đến, nên Dân Chúa khẩn nguyện: xin thương nhận hết thảy vào Nước Cha, nơi chúng con hy vọng sẽ tới để cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha Lau sạch nước mắt chũng con, vì khi được thấy tường tận Cha là Thiên Chúa chúng con, thì muôn đời chúng con sẽ trở nên giống Cha và sẽ ca ngợi Cha khôn cùng, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.

Thánh Sy-ri-lô dạy: “Khi dâng lên Thiên Chúa những lời chuyển cầu của chúng ta cho những người đã an giấc, dù họ là những tội nhân, chúng ta dâng chính Đức Ki-tô bị sát tế vì tội lỗi chúng ta, để xin ơn giao hòa với Thiên Chúa, Bạn của loài người, cho họ và cho chúng ta”.[4]

  • Hiệp nhất với Giáo Hội lữ hành

Trong Thánh lễ, toàn thể Hội Thánh kết hiệp với Đức Ki-tô trong việc hiến dân và chuyển cầu. Là Thân Thể của Đức Ki-tô, Hội Thánh tham dự vào lễ tế của Đức Ki-tô là Đầu và hiệp nhất với Người để chuyển cầu cho toàn thể nhân loại. Được trao phó tác vụ của thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng liên kết với mọi cử hành thánh lễ. Trong thánh lễ, ngài được nhắc đến như dấu chỉ và là người phục vụ sự hiệp nhất của Hội Thánh toàn cầu. Đức giám mục giáo phận được nhắc đến trong thánh lễ như thủ lãnh của giáo phận, giữa linh mục và phó tế. Ngài là người chịu trách nhiệm chính về thánh lễ, dù thánh lễ do một linh mục cử hành. Hội Thánh cũng cầu nguyện cho các thừa tác viên đang dâng lễ cho cộng đoàn và cùng với cộng đoàn: xin Chúa thương nhậm lời cầu của gia đình mà Chúa đã muốn tụ họp trước tôn nhan Chúa.

  • Hiệp nhất với những người đau khổ và mọi người

Hội Thánh luôn dâng lên Thiên Chúa Tình Yêu con người mà Chúa dựng nên giống hình ảnh Người, dù họ cố tình hay vô ý không nhận biết Chúa là Đấng Tạo Hóa, là Chủ Tể muôn loài. Qua lời nguyện tín hữu trong mỗi thánh lễ, Hội Thánh dâng lên Chúa mọi thành phần của nhân loại, không phân biệt màu da, chủng tộc, hay khác biệt tôn giáo. Kín múc từ Thánh Thể, bí tích Tình Yêu, ngoài lời cầu nguyện, Hội Thánh còn quyên góp trong các buổi cử hành phụng vụ để chia sẻ với những anh chị em đói nghèo…

Tóm lại: các lời chuyển cầu cho thấy Hy Lễ Tạ Ơn được cử hành trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh cả thiên quốc lẫn trần gian. Hội Thánh của những kẻ sống cũng như người đã qua đời; trong sự hiệp thông với các mục tử của Hội Thánh, Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục giáo phận, linh mục cũng như phó tế và trong sự thông hiệp với toàn thể anh chị tín hữu công giáo toàn cầu.

II. Thánh Lễ nơi Giáo Hội tham gia

Cộng đoàn phụng vụ gồm giám mục hay linh mục chủ tế hoặc đồng tế và mọi thành phần dân Chúa được gọi chung là “người cử hành” phụng vụ, hình ảnh một Giáo Hội tham gia tùy theo tác vụ và phận vụ của mình. 

  1. Giám mục

Trong tư cách là người thứ nhất có trách nhiệm phân phát các mầu nhiệm Thánh nơi Giáo hội địa phương được giao phó cho ngài. Giám mục là người điều hành, cổ võ, tổ chức, quy định, kỷ luật và bảo vệ toàn bộ các sinh hoạt phụng vụ trong giáo phận, nhất là những gì liên quan đến việc cử hành Thánh lễ[5]. Khi hiện diện trong thánh lễ có tín hữu tham dự, chính ngài cử hành thánh lễ và liên kết các linh mục với ngài trong một cử hành đồng tế.[6]

  1. Linh mục

Vì được liên kết với giám mục, linh mục được tham dự vào sứ vụ của Đức Ki-tô. Nên khi thi hành nhiệm tuyệt hảo trong phụng vụ Thánh lễ, hành động trong cương vị Đức Ki-tô, linh mục hiện tại hóa hy lễ của Đức Ki-tô, Đấng đã tự hiến làm lễ vật tinh tuyền dâng lên Chúa Cha một lần cho tất cả[7]. Do đó, cử hành Thánh lễ gắn liền với sứ vụ linh mục, vì thế, mỗi linh mục nên cử hành Thánh lễ hằng ngày, khi có thể[8] vì phần rỗi của cộng đoàn dân Chúa.[9]

  1. Đồng tế

Đây thật là một sự phong phú và ý nghĩa khi các linh mục được mời gọi dâng cùng một thánh lễ. Trong những dịp đặc biệt, linh mục đoàn tập họp xung quanh giám mục của mình bên bàn thờ Thánh Thể biểu hiện một hình ảnh của Hội Thánh hiệp thông trọn vẹn của một giáo phận.[10]

  1. Phó tế[11]

Được giám mục đặt tay để liên kết đặc biệt với ngài trong nhiệm vụ phục vụ, phó tế trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, người Phục Vụ – Đầy tớ (Mc 10,45). Trong thánh lễ, phó tế phụ giúp giám mục và linh mục chủ tế công bố Tin Mừng, giảng lễ, trao Mình Thánh Chúa và giải tán cộng đoàn. Ngoài ra, phó tế còn đảm nhận những phận vụ khác như chứng hôn, chủ sự nghi thức an táng…

  1. Thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ[12]

Trong thánh lễ, tác viên đọc sách có đảm nhận vụ đọc các bài đọc và thánh vịnh đáp, xướng các Lời nguyện Tín hữu, đọc ca nhập lễ và ca hiệp lễ vào lúc thích hợp nếu không có ai giữ phận vụ này. Ngoài ra, nếu không có phó tế, tác viên đọc sách có thể rước sách Tin Mừng.

Công việc chính yếu của tác viên giúp lễ là phục vụ bàn thờ, chuẩn bị lễ vật trên bàn thờ và là tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân, nếu cho rước hai hình, thì tác viên giúp lễ cầm chén Máu Thánh nếu cho rước theo cách chấm.

  1. Cộng đoàn

Trong thánh lễ, các tác viên cũng như tín hữu giáo dân, làm thành một cộng đoàn có phẩm trật, không ai là khán giả câm lặng nhưng mỗi người đều tham gia tích cực vào buổi cử hành và thực hiện phận vụ của mình theo qui tắc phụng vụ[13]. Do đó, việc tham gia “tích cực và sinh động” của cộng đoàn được biểu lộ qua việc mọi người chăm chú lắng nghe chủ tế đọc các lời nguyện, giữ thinh lặng thánh, hát và thưa các câu dành cho cộng đoàn, đứng, ngồi, quỳ khi các phần của thánh lễ đòi hỏi.[14]

  1. Những phận vụ khác[15]

Ngoài các tác viên thánh hay tác viên được thiết lập, thánh lễ cần đến các tác viên tham gia vào “vài phận vụ khác”. Cụ thể: chưởng nghi “lo cho các hành động phụng vụ được diễn tiến cách thích hợp và được các thừa tác viên thánh chức và các tín hữu giáo dân thực hiện cách trang nghiêm, trật tự và đạo đức”; người quét dọn nhà thờ nơi cử hành, người phụ trách phòng thánh, chưng bông, người dẫn lễ, ca viên, người xin tiền rỗ (quête)…

Như vậy, mỗi người tùy theo trách nhiệm hoặc về nghi lễ, hoặc về mục vụ và âm nhạc hay chỉ hiện diện để thưa kinh, tất cả phải đồng tâm nhất trí với nhau để chuẩn bị cách thiết thực cho cuộc cử hành phụng vụ. Đó chính là hình ảnh của một Giáo Hội tham gia.

III. Thánh Lễ nơi Giáo Hội thi hành Sứ vụ

  1. Sứ vụ: Ca tụng Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn

Nhiệm vụ chính yếu của phụng vụ, nhất là thánh lễ, Hội Thánh “ca tụng tôn vinh danh Chúa và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người”. Nói cách khác, sứ vụ của Hội Thánh được thực hiện trong thánh lễ chính là: Thiên Chúa được tôn vinh và con người được cứu độ. Qua lời ca tụng của mình, Hội Thánh ý thức “tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.”

Như vậy, trong phụng vụ, Hội Thánh loan truyền và tôn vinh Thiên Chúa cách trọn hảo qua những kỳ công vĩ đại của Chúa đã được tiên báo trong Cựu Ước và được Chúa Ki-tô hoàn tất nhờ mầu nhiệm Vượt Qua. Vì vậy, khi Hội Thánh cử hành thánh lễ, chính là lúc Hội Thánh thực hiện sứ vụ “loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.

  1. Sứ vụ: được sai đi

Thánh lễ kết thúc với lời Hội Thánh sai các tín hữu đi vào đời: Ite, missa est (lễ xong, chúc anh chị em đi bình an). “Đi bình an” là một sứ vụ, một mệnh lệnh loan báo Tin Mừng cho thế giới về hồng ân các tín hữu vừa lãnh nhận trong thánh lễ. Cộng đoàn Dân Chúa đến tham dự thánh lễ để lãnh nhận bình an và tình yêu của Chúa, để được sai đi thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Đây là một hồng ân và trách nhiệm phải sống những gì vừa cử hành: cuộc sống phải trở nên như Tấm Bánh Thánh Thể sẵn sàng được bẻ ra và đem chia sẻ.

Suy tư về ý nghĩa của lời giải tán của thánh lễ cũng như các tín hữu phải sống thánh lễ như thế nào khi rời thánh đường, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết:“Công bố cái chết của Chúa “cho tới khi Ngài lại đến” (1Cr 11,26) đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó cuộc sống ấy hoàn toàn trở thành “Thánh Thể”. Chính hoa quả của sự biến hình cuộc sống và sự dấn thân biến đổi thế giới theo đường lối Tin Mừng, làm rạng sáng chiều kích cánh chung của việc cử hành Thánh Thể và của tất cả đời sống Kitô giáo: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22, 20)[16].

Kết luận: Thánh lễ là nơi Giáo Hội thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu Ki-tô “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Mệnh lệnh đó xuất phát từ lời rao giảng và lối sống của Chúa khi còn ở tại thế. Người muốn cho mọi người được hiệp nhất, như chính Người hiệp nhất trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người tạo điều kiện cho các môn đệ tham gia công việc của Người và sai các ông đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, ngay từ ban đầu, Hội Thánh đã họp nhau cử hành thánh lễ, như trung tâm và cao điểm của ngày sống. Chính qua thánh lễ, Hội Thánh thể hiện một phong cách sống và phục vụ ơn của cứu độ cho nhiều người. Nhờ tham dự thánh lễ, người tín hữu sẽ “cùng nhau tiến bước trên một hành trình” , nơi thể hiện tính hiệp hành : hiệp nhất trong cùng một Thân Thể, tham gia để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô là Hội Thánh và thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ cho nhân loại. 

Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà

—-

[1] X. Lumen Gentium, số 11.

[2] X. Thánh I-rê-nê, chống lạc giáo 4, 18,5.

[3] X. Giáo lý Công Giáo, số 1325.

[4] Giáo Lý Công Giáo, 1371.

[5] X. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma 2022 (QCTQ), số 387.

[6] X. QCTQ số 92.

[7] x. Hiến chế Giáo Hội, số 28.

[8] X. Sắc lệnh Đào Tạo Linh Mục, số 13.

[9] X. QCTQ số 19.

[10] X. QCTQ số 199-251.

[11] X. QCTQ số 171-186.

[12] X. QCTQ 98-111; 187-198.

[13] X. Hiến Chế Phụng Vụ, số 30 

[14] X. QCTQ số 42-45.

[15] X. QCTQ số 100-111.

[16] Gioan Phao-lô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 20