Thánh Lêô Cả Giáo Hoàng

Thánh Lêô Cả Giáo Hoàng

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,

Hôm nay phụng vụ Giáo hội kính nhớ thánh Lêô Cả, một trong những vị giáo hoàng vĩ đại trong lịch sử của Giáo hội.

Sử liệu ghi lại rằng, vào tháng 8 năm 452, vó ngựa lãnh chúa Attila cùng đoàn quân Hung Nô dày xéo khắp châu Âu, cả kinh thành Rôma run sợ khiếp vía. Sau ba năm chiếm đóng và cai trị thành phố Aquila, lãnh chúa Attila dẫn quân Hung Nô rầm rộ xâm lấn Rôma và dừng lại bên bờ sông Minsiô. Trong tình cảnh đó, đức giáo hoàng Lêô kêu gọi cả thế giới hy sinh cầu nguyện cho Giáo hội. Ngài cùng với các tín hữu xếp thành một đoàn tiến ra phía bờ sông. Theo sau ngài còn có các giám mục, linh mục và tu sĩ, họ vừa đi vừa hát thánh ca và thánh vịnh. Khi hai bên tiến sát gần nhau, lãnh chúa Attila vẫn ngồi bất động trên ngựa. Những lời thánh ca thánh vịnh vang lên tác động đến tâm hồn, ông cảm thấy như có một sức mạnh dập tắt lửa hận thù khiến ông buông kiếm dừng tay. Đức giáo hoàng Lêô thân hành đến gặp lãnh chúa thương lượng đề nghị ông rút quân khỏi Rôma. Lãnh chúa đã ra lệnh rút quân một cách nhẹ nhàng, trả lại sự bình an cho giáo hoàng và đoàn dân Chúa.

Thánh g iáo hoàng Lêô Cả lãnh đạo Giáo hội trong khoảng 21 năm, từ năm 440 đến năm 461. Ngài là vị giáo hoàng có cách ứng xử khôn ngoan và kiên định, nhất là với nhóm lạc giáo của Eutyches. Phái này phủ nhận nhân tính của Con Thiên Chúa. Họ cho rằng trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu chỉ là một con người hoặc Con Thiên Chúa chỉ mang lấy hình dáng bên ngoài chứ không phải là con người thật. Trong khi đó, Giáo hội luôn xác tín rằng: Con Thiên Chúa có hai bản tính, vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Trước sự sai lạc đó, ngài đã rút phép thông công những ai cố chấp đi theo lạc giáo, đồng thời truyền đốt hết các sách vở có liên quan đến lạc giáo. Để chấm dứt tình trạng rối ren này, vào năm 451 ngài đã cho triệu tập công đồng chung tại Calxeđônia với sự tham dự của 350 giám mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn của ngài với các hoàng đế, công đồng đã đạt được kết quả tốt đẹp. Cùng với các nghị phụ, đức giáo hoàng đã khẳng định cách chắc chắn về Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Có thể nói, đức giáo hoàng Lêô đã lặp lại lời tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô năm xưa rằng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Khi lãnh đạo Giáo hội, giáo hoàng Lêô là người sống hết mình cho đoàn chiên, ngài không ngừng nhắc nhở các tín hữu thể hiện đức tin trong cuộc sống hàng ngày, luôn phải ý thức mình “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người” (1Pr 2,9). Đức Lêô biết cách sống gần gũi với dân chúng. Ngài đã khơi dậy lòng bác ái giữa cộng đoàn Rôma đang phải chịu cảnh đói kém và bất công xã hội. Ngài cũng loại bỏ những hành vi mê tín dị đoan của dân ngoại và chống lại hành động của nhóm Manikê.

Ngài còn đặc biệt chăm lo đến hàng giáo phẩm, ngài khuyên các giáo sĩ sống thánh thiện gương mẫu và không được tham gia vào các chức vụ trong xã hội. Trước những thế lực trần gian, ngài luôn lo lắng cho vận mệnh của Giáo hội. Ngài đã để lại hàng trăm bài giảng khúc triết bằng tiếng La Tinh để bênh vực Giáo hội, khoảng 150 lá thư khuyên nhủ các tín hữu giữ vững đức tin, biết kết hợp giữa đời sống cầu nguyện và thực hành bác ái. Qua đó, thể hiện ngài là vị giáo hoàng vĩ đại, yêu mến chuyên chăm thực hành Lời Chúa và hết lòng bảo vệ chân lý. Ngài vừa là mục tử vừa là nhà thần học đã củng cố địa vị trổi vượt của tòa Rôma.

Đức Giáo hoàng Lêô qua đời vào ngày 10 tháng 11 năm 461 và được an nghỉ gần mộ thánh Phêrô. Hiện nay, thánh tích của ngài được lưu giữ trong một bàn thờ ở Vương cung Thánh đường Vatican. Đức Bênêđíctô XIV đã tuyên phong ngài là “Tiến sĩ Hội Thánh”.

Lạy Chúa, Chúa đã cho Giáo hội vị giáo hoàng khôn ngoan và khiêm tốn, để ngài lãnh đạo đoàn tín hữu thoát khỏi những lạc giáo sai lầm. Noi gương thánh giáo hoàng Lêô Cả, xin cho mỗi người chúng con ý thức sứ vụ rao truyền chân lý đức tin cho những người chưa biết Chúa, biết làm triển nở hoa trái đức tin trong đời sống, để ngày càng có thêm nhiều người tin nhận và yêu mến danh thánh Chúa. Amen.   

print