The Little Catechism of curé of Ars – Bài 18: Đau khổ

print

18 – Đau khổ

Phaolô Vũ Đức Thành chuyển ngữ

Nguồn audio: Tủ sách Công Giáo

Tất cả những khổ sở của chúng ta là tại vì chúng ta không yêu mến, và sợ hãi thánh giá. Càng trốn tránh thánh giá, sự sợ hãi càng gia tăng trong lòng.

Thánh Gioan Maria Vianney

Dù muốn dù không chúng ta cũng phải chịu đau khổ. Một số người chịu đau khổ như tên trộm lành, những người khác như tên trộm dữ. Cả hai chịu chung một hình phạt. Nhưng chỉ có một người biết làm cho những đau khổ của mình đáng tội, anh ta chấp nhận những đau khổ đó trong tinh thần đền tạ, và hướng về Chúa Giêsu, anh đã nhận được từ chính miệng Chúa nói nhưng lời lẽ thật tốt lành: “Ngày hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta!” Ngược lại, người trộm kia la hét, thốt ra những lời chửi rủa phạm thánh, và đặt mình trong tình trạng tuyệt vọng.

 

Có hai dạng đau khổ: đau khổ có tình yêu và đau khổ không tình yêu. Các thánh chịu đựng mọi sự với lòng vui vẻ, nhẫn nại bởi vì các ngài có tình yêu. Còn chúng ta chịu đau khổ với lòng phẫn uất, bực bội, lo lắng, mệt mỏi và tuyệt vọng bởi vì chúng ta không có tình yêu. Nếu chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta đã yêu mến thánh giá, đã ao ước và vui mừng đón nhận mọi đau khổ. Chúng ta phải vui mừng để có thể chịu đau khổ vì lòng kính mến Chúa, Đấng đã yêu thương và chịu đau khổ vì chúng ta. Như vậy, chúng ta than phiền về điều gì? Hãy nhìn những anh em lương dân đáng thương, họ không được diễm phúc biết Chúa và tình yêu vô biên của Ngài, họ cũng có những đau khổ giống hệt như chúng ta, nhưng họ không được sự an ủi như chúng ta. Sẽ có người trong các con hỏi rằng chịu đau khổ có khó không? Không khó đâu, nó rất dễ, ngọt ngào, an ủi và hạnh phúc. Chỉ có một điều là chúng ta phải yêu khi đau khổ, và đau khổ khi chúng ta yêu.

 

Trên con đường thập giá bước đi theo Chúa, chỉ có bước đầu tiên là đau đớn thôi. Cây thánh giá lớn nhất trong đời chúng ta chính là ‘sợ’ vác thánh giá. Chúng ta không có can đảm vác thánh giá, và hiểu sai về đau khổ rất nhiều, bởi vì cho dẫu có làm gì đi nữa, thánh giá vẫn theo sát chúng ta như hình với bóng, không thể nào trốn tránh được. Vậy tại sao chúng ta không yêu quý những đau khổ và lợi dụng chúng để đưa chúng ta về Thiên Đàng? Nhưng thật sự hầu hết mọi người đều quay lưng và chạy trốn đau khổ. Họ càng trốn chạy bao nhiêu thì đau khổ càng đeo đuổi tấn công và đè bẹp họ với những gánh nặng bấy nhiêu. Nếu biết khôn ngoan, các con sẽ đi gặp đau khổ giống như Thánh Anrê trước khi bị treo lên thập giá Ngài nói rằng: “Ôi thánh giá tốt lành đáng yêu mến, đáng ao ước biết bao! Xin hãy đón nhận tôi trong vòng tay của anh, hãy lôi kéo tôi khỏi những người trần tục, và đưa tôi về với Thầy Chí Thánh, là Đấng đã cứu độ tôi nhờ anh là cây thánh giá!”

 

Người yêu mến thánh giá không phải lúc nào cũng đi tìm và chạy theo thánh giá, đôi khi có thể đi khác hướng với chúng, nhưng khi gặp thánh giá, họ vui vẻ đón nhận, yêu mến chúng, vác chúng một cách can đảm. Đau khổ sẽ kết hợp người đó với Thiên Chúa; thanh tẩy họ; cứu họ ra khỏi thế gian; tống khứ khỏi tâm trí họ những chướng ngại; giúp họ vượt qua cuộc đời, giống như cầu giúp chúng ta đi qua sông vậy. Hãy nhìn xem các thánh, khi không bị ngược đãi thì các ngài tự ngược đãi chính mình. Có một người tín hữu tốt lành nọ ngày kia than phiền với Thiên Chúa:

  • Lạy Chúa, con đã làm gì mà phải chịu đau khổ thế này?

Thiên Chúa trả lời với anh:

  • Còn Cha, Cha đã làm gì mà bị dẫn lên núi Calvariô?

Thế là anh ta hiểu ra, khóc nức nở, xin Chúa tha thứ cho mình, và hứa sẽ không bao giờ còn dám than trách khi gặp đau khổ nữa. Người đời thường khổ sở khi gặp đau khổ, còn người tín hữu tốt lành thì khổ sở khi không có thánh giá. Chúng ta phải sống giữa đau khổ giống như con cá sống trong nước vậy.

 

Hãy nhìn thánh nứ Catherine; ngài có hai mũ vương miện, một cho sự trinh khiết, một cho sự tử đạo: thánh nữ thật hạnh phúc biết bao, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã biết chọn cho mình thà đau khổ còn hơn là phạm tội! Có một vị thánh tu sĩ nọ rất thích khổ chế đến nổi lấy giây buộc chặt thân thể để giết chết tính xác thịt làm tróc cả da thịt, làm mồi ngon cho giòi bọ đến rút rỉa và sinh sản. Thấy trong người vị tu sĩ này có giòi bọ bò ra, các tu sĩ đều kinh tởm và trục xuất vị tu sĩ này ra khỏi nhà dòng. Vị thánh này đã ra đi cách vui vẻ, ẩn mình trong một hang đá lớn. Nhưng đêm hôm đó, vị bề trên đã nghe tiếng Chúa phán: “Ngươi đã đánh mất đi một kho tàng lớn trong nhà ngươi!” Thế là mọi người trong nhà dòng vội vã đi tìm vị thánh nọ trở về, và họ thắc mắc muốn biết những con giòi bọ này từ đâu mà có. Khi biết được sự thật, vị bề trên đã ra lệnh tháo gỡ sợi dây trói mình ra, và cuối cùng, da thịt của vị thánh này được lành sạch rất mau chóng.

 

Ở giáo xứ lân cận, có một em nhỏ nằm liệt giường vì bị bệnh rất nặng, rất đau đớn; Cha đến thăm và nói với em: Này con, con chịu đau khổ nhiều quá!

Em trả lời với Cha rằng: Thưa Cha, không phải thế đâu; ngày hôm nay con không cảm thấy sự đau đớn của ngày hôm qua, và ngày mai con sẽ không chịu khổ của ngày hôm nay.

  • Thế con có muốn được lành bệnh không?
  • Dạ thưa không, con rất hư đốn trước khi con bị bệnh, con sợ rằng khi lành bệnh con sẽ hư đốn trở lại. Được như bây giờ con thấy rất tốt thưa Cha.

 

Chúng ta không hiểu nổi điều đó bởi vì đầu óc chúng ta quá trần tục. Em nhỏ đó có Chúa Thánh Thần ở cùng đã khiến chúng ta cảm thấy thật xấu hổ.

 

Nếu Chúa gởi thánh giá đến, chúng ta hay bất mãn, càu nhàu; chúng ta chống đối những gì trái ngược với ý mình, lúc nào cũng muốn ở trên tấm nệm êm ái: nhưng để đi con đường hẹp, chúng ta phải ở trên đống gai. Chính nhờ thánh giá mà chúng ta mới lên Thiên Đàng. Những bệnh tật, cám dỗ, phiền muộn… là những thánh giá đưa chúng ta đến Thiên Đàng. Tất cả mọi đau khổ sẽ qua đi mau chóng. Hãy nhìn các thánh đã đến đó trước chúng ta. Thiên Chúa không bắt chúng ta tử đạo về phần xác, Người chỉ muốn chúng ta tử đạo trong tâm hồn, trong ý chí. Chúa Giêsu là gương mẫu của chúng ta; hãy vác lấy thánh giá và bước theo Người. Hãy bắt chước như những người lính của vua Napoleon. Khi họ băng qua một cái cầu dưới làn mưa đạn của súng đại bác không ai dám bước qua. Napoleon đã cầm lấy cờ, đi qua cầu đầu tiên, và tất cả quân lính của ông đều theo sau. Chúng ta hãy làm theo đúng như vậy; chúng ta hãy bước theo sau Chúa Giêsu, Người đã đi trước chúng ta.

 

Có một người lính kể rằng: Trong suốt trận chiến, anh ta đi khoảng nửa giờ trên những xác chết; khó mà có chỗ nào để lọt chân; máu nhuộm đỏ trên mặt đất. Cũng thế, trên đường đời này, chúng ta cúng phải di trên những thánh giá và chướng ngại để về đến quê thật của chúng ta. Thánh giá là bậc thang dẫn đến Thiên Đàng. Chịu đau khổ dưới mắt Chúa thật là niềm an ủi biết bao, và chúng ta có thể nói khi xét mình buổi tối rằng: “Linh hồn tôi ơi, hãy vui mừng lên, vì hôm nay ngươi đã chịu đau khổ mấy giờ với Chúa Giêsu, chịu đánh đòn, đội mão gai, chịu đóng đinh với Người.” Giờ chết đến thật là đáng giá! Cái chết thật êm dịu ngọt ngào biết bao khi chúng ta sống trên thánh giá! Chúng ta phải chạy theo sau thánh giá như những người keo kiệt chạy theo đồng tiền vậy. Không có gì đem lại sự đảm bảo cho chúng ta ngoại trừ thánh giá trong ngày phán xét. Lúc đó, chúng ta sẽ vui mừng trong sự bất hạnh, hãnh diện trong sự khiêm hạ, và giàu có trong sự hy sinh.

Nếu có ai hỏi rằng: Tôi muốn giàu có, vậy tôi phải làm gì?

Con hãy trả lời: Hãy làm việc!

 

Cũng thế, để vào được Thiên Đàng chúng ta phải chịu đau khổ. Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta đường đi theo gương của ông Simon thành Sirenia; Chúa mời gọi các bạn của mình vác lấy thánh giá theo sau Người. Thiên Chúa mong ước chúng ta không bao giờ mất đi hình ảnh thánh giá cho dù ở bất cứ nơi đâu; bên đường, trên đồi cao, ở chỗ công cộng – để khi nhìn thấy chúng ta có thể nói rằng: “Thiên Chúa yêu thương tôi biết bao!” Thánh giá ôm lấy thế giới, nó được trồng ở bốn góc của thế giới để cho mọi người được hưởng nhờ. Thánh giá ở khắp nơi để giúp chúng ta trên đường về Thiên Đàng giống như đi qua sông với một cây cầu bằng đá chắc chắn. Những Kitô hữu nào không muốn chịu đau khổ hay chịu một cách miễn cưỡng sẽ đi qua sông bằng một cây cầu bằng ván mỏng manh, dễ dàng trượt chân xuống Hỏa Ngục, khó lòng vào được Thiên Đàng.

 

Người không yêu thánh giá có thể được cứu rỗi nhưng rất hiếm: nếu có, người đó chỉ là một ngôi sao nhỏ xíu trong bầu trời. Còn ai chịu đau khổ và chiến đấu vì Danh Chúa chiếu sáng như ánh mặt trời rạng rỡ. Ôi thánh giá, được biến đổi bởi những ngọn lửa tình yêu, như một bụi gai trong lửa, bị lửa thiêu rụi đi thành tro bụi. Gai thì cứng, nhưng tro thì mềm. Ôi, dịu ngọt biết bao những tâm hồn cảm nghiệm chịu đau khổ vì Chúa! Nó như sự hỗn hợp của dầu và dấm: dấm chua vẫn là dấm chua, nhưng dầu làm mất đi vị đắng của nó, điều này thật ít ai hiểu được.

 

Nếu chúng ta bỏ những trái nho ngon vào máy ép, chúng ta sẽ có rượu ngon: linh hồn chúng ta trong máy ép thánh giá sẽ làm ra chất rượu rất ngon. Khi chúng ta sống không có thánh giá, đời chúng ta thật vô vị: nếu chúng ta nhẫn nhục chịu đựng, chúng ta sẽ cẳm thấy vui mừng, hạnh phúc, và ngọt ngào! Đó là sự khởi đầu của Thiên Đàng. Thiên Chúa, Mẹ Maria, các thiên thần, và các thánh, ở xung quanh chúng ta; các Ngài ở bên cạnh chúng ta, và nhìn thấy chúng ta. Sự vượt tới cuộc sống bên kia của người tín hữu chân chính phải trải qua đau khổ, giống như một người đang ôm đóa hoa hồng. Gai của nó tỏa hương thơm, và hơi thở của thánh giá tỏa lan sự ngọt ngào. Nhưng chúng ta phải bóp ngững gai nhọn trong tay, và ép thánh giá vào lòng, để nó phát sinh ra chất ngọt trong nó.

 

Thánh giá đem lại bình an cho thế giới và cho tâm hồn chúng ta. Tất cả những khổ sở của chúng ta là tại vì chúng ta không yêu mến, và sợ hãi thánh giá. Càng trốn tránh thánh giá, sự sợ hãi càng gia tăng trong lòng. Một thánh giá mà mang lấy một cách dễ dàng và không có đau khổ thì chẳng phải là thánh giá nữa. Đau khổ mà yên ổn thì chẳng phải là đau khổ nữa. Chúng ta hay phàn nàn: “Trời ơi, tôi đau khổ quá đi thôi!” Vậy, chúng ta còn có nhiều lý do để phàn nàn khi không có đau khổ, vì chẳng có gì làm cho chúng ta nên giống Chúa bằng cách vác lấy thánh giá của Người. Đẹp biết bao một linh hồn biết kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu qua việc yêu mến thánh giá của Ngài! Cha thật không tài nào hiểu được một Kitô hữu mà không yêu mến và chạy trốn thánh giá! Như vậy, chẳng phải chúng ta đang chạy trốn Chúa Giêsu, Đấng đã hạ mình xuống, ôm chặt lấy thánh giá, và chịu chết cho chúng ta sao?

 

Những mâu thuẫn ở đời này đem chúng ta đến dưới chân thánh giá, và thánh giá là cổng vào Thiên Đàng. Để được vào đó, chúng ta phải bị người khác đạp lên trên, chúng ta phải để cho người khác coi mình là con số không, chịu khinh thường, chịu nghiền nát. Không có một ai hạnh phúc trên đời này ngoại trừ những người vui vẻ bình tĩnh giữa những đau khổ, phiền muộn của cuộc đời: họ cảm nhận và thụ hưởng sự vui sướng làm con cái Thiên Chúa. Tất cả những đau khổ đều trở nên ngọt ngào khi chúng ta chịu đựng trong tình yêu và sự kết hợp với Thiên Chúa.

 

Chịu đau khổ ư! Nó có ý nghĩa gì? Chỉ là phút chốc mà thôi! Nếu chúng ta được ở một chút trên Thiên Đàng, chúng ta sẽ hiểu rõ giá trị của giây phút chịu đau khổ này. Lúc đó chúng ta sẽ không thấy thánh giá nào nặng, chẳng có đau khổ nào lớn. Thánh giá là món quà mà chính Thiên Chúa đích thân ban tặng cho bạn hữu của Người. Chúa yêu ai nhiều, người đó sẽ chịu đau khổ nhiều. Thật đẹp đẽ biết bao khi chúng ta dâng mình mỗi sáng trong hy sinh cho Thiên Chúa, và chấp nhận mọi sự để đền bù những tội lỗi chúng ta! Chúng ta hãy cầu xin ơn yêu mến thánh giá thì chúng sẽ trở nên ngọt ngào với chúng ta.

 

Cha đã thử nghiệm trong bốn, năm năm. Cha bị vu khống, bị chống đối, bị nhục mạ. Cha đã vác thánh giá! Cha vác hầu như hơn cả sức Cha có thể vác! Thế rồi Cha đã cầu xin cho được ơn yêu mến thánh giá, và Cha đã được vui mừng hạnh phúc. Cha tự nói với mình, thật không có gì hạnh phúc cho bằng được vác lấy thánh giá! Chúng ta đừng bao giờ đặt câu hỏi thánh giá từ đâu mà đến, bởi vì chúng luôn luôn từ Thiên Chúa mà đến. Thiên Chúa luôn luôn trao cho chúng ta con đường này để chúng ta có thể chứng minh tình yêu của mình đối với Người.