Thời đại của Chúa Thánh Thần – Chúa nhật V Phục sinh – Năm B
Hôm nay, hơn hai mươi thế kỷ sau biến cố Đức Giê-su Phục sinh, chúng ta đọc lại lịch sử và cảm nhận được những điều kỳ diệu của đức tin Ki-tô giáo. Quả vậy, từ một nhóm nhỏ các môn đệ, hầu hết là những người quê mùa ít học, niềm tin Đức Giê-su là Thiên Chúa đã vượt qua biên giới Do Thái, đến các vùng Tiểu Á, đến thủ đô La Mã và đến tận cùng trái đất. Ai đã làm nên điều kỳ diệu ấy? thưa: Chúa Thánh Thần. Tác giả sách Tông đồ Công vụ đã nhận định: “Hồi ấy… Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Bài đọc I). Đức Giê-su đã về trời. Giai đoạn tiếp nối là thời đại của Chúa Thánh Thần. Điều đó có nghĩa Chúa Thánh Thần hoạt động và nâng đỡ cộng đoàn đức tin sơ khai. Nhờ tin vào Chúa Giê-su Phục sinh, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, mà các tông đồ, cụ thể là ông Phê-rô và ông Gio-an, làm được những phép lạ, như Chúa Giê-su đã làm trước đây. Các ông làm cho người què đi được, người liệt được khỏi và thậm chí người đã chết được sống lại (x. Cv 9,31-42).
Ngay từ ban đầu, các tông đồ chưa có lý luận thần học cao siêu. Các ông chỉ khẳng định điều các ông đã nhìn thấy: Đức Giê-su thành Na-da-rét, vị Ngôn sứ có quyền năng trong lời nói và việc làm. Vị ấy đã chết và được mai táng đúng như lời Thánh Kinh, và chúng tôi đã gặp Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Đó là cốt lõi đức tin mà sau này các nhà thần học gọi là Kerygma (lời rao giảng hay giáo lý ban đầu). Tất cả đức tin Ki-tô giáo đều khởi nguồn từ điều tuyên xưng này.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cộng đoàn Ki-tô hữu, chúng ta còn nhận thấy Thiên Chúa đã thực hiện một cuộc chinh phục kỳ diệu, đó là nhân vật Sao-lô, sau này là Phao-lô, vị Tông đồ dân ngoại. Ông có mặt trong lúc người Do Thái ném đá Stê-pha-nô. Ông cũng là người hăng hái tìm giết các Ki-tô hữu. Nơi ông bừng bừng nhiệt huyết trung thành với Lề Luật và muốn giết những người ông cho là phản loạn. Trên đường đi Đa-mát, Chúa Giê-su đã chinh phục ông. Từ một chiến binh say máu giết chóc, ông trở nên một tông đồ nhiệt thành rao giảng về Đấng chịu đóng đinh! Với ơn phù trợ của Chúa, Sao-lô đã vượt lên chính mình, gạt bỏ mọi tự ái, chủ động tìm cách liên lạc và nhập đoàn với các tông đồ, mặc dù nơi các ông này còn đầy thành kiến với quá khứ của ông. Nếu ông Sao-lô không có mặt với các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, thì cuộc gặp gỡ với Đấng chịu đóng đinh trên đường đi Đa-mát lại làm cho ông được đầy Chúa Thánh Thần. Đó là lễ Hiện Xuống đối với ông. Đức Giê-su đã chinh phục ông Sao-lô để sai ông đến với các dân ngoại. Được đào tạo trong môi trường trí thức, ông Sao-lô có đủ khả năng để trình bày giáo thuyết Ki-tô giáo cho các dân ngoại, đồng thời viện dẫn Luật ông Môi-sen để chứng minh: Đức Giê-su đã cứu nhân độ thế bằng máu của Người. Những hy lễ xưa, nay không còn giá trị. Tác giả sách Tông đồ Công vụ đã viết: “Ông (Sao-lô) thường đàm đạo và tranh luận với những người Do Thái theo văn hoá Hy Lạp. Những cuộc đàm đạo này không mang lại kết quả, vì một số người Do Thái căm ghét, cho ông là phản bội và tìm cách giết ông. Tuy vậy, không vì thế mà ông nản lòng, nhưng hướng về các dân ngoại. Sau này, thánh Phao-lô trải lòng: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng của Người cho các dân ngoại” (Gl 1,15-16a). Việc đổi tên từ Sao-lô thành Phao-lô là một cuộc lột xác, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
Nếu các môn đệ của Chúa Giê-su hăng hái rao giảng và làm chứng Người đã sống lại, là nhờ có Đấng Phục sinh luôn hiện diện với họ. “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Chúa Giê-su đã khẳng định như thế. Cuộc sống của người tín hữu chỉ có ý nghĩa khi sống trong Đức Giê-su, ở lại với Người. Động từ “Ở lại” được Chúa Giê-su nhắc đi nhắc lại trong Tin Mừng thánh Gio-an, và sau này vị tác giả còn lặp đi lặp lại nhiều lần trong các thư của ông. Mục đích đời sống Ki-tô hữu là được ở với Chúa, gắn bó với Người. Nhờ đó được chia sẻ đời sống siêu nhiên và hạnh phúc bất diệt ngay khi họ còn sống ở đời này, giữa những bận rộn bon chen và mưu mô của trần gian.
Thời của Chúa Thánh Thần cũng là thời của Giáo Hội, là thời của chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần tác động, lúc nào cũng có rất nhiều tâm hồn, nam cũng như nữ, dấn thân theo Chúa, chấp nhận những gian nan đau khổ và thử thách chông gai. Người tin Chúa không còn mặc cảm tội lỗi của quá khứ, cũng như Sao-lô không còn mặc cảm về những điều gian ác ông đã làm. Trái lại, ông mạnh dạn và can đảm tuyên xưng Đức Giê-su, đồng thời loan báo Người tại bất kỳ nơi nào ông đặt chân tới. Đối với thánh Phao-lô, quá khứ không còn quan trọng, nhưng luôn thẳng tiến về phía trước. Thánh Gio-an, trong Bài đọc II, cũng chung một ý tưởng: “Nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những điều đẹp ý Người. Như thế, mạnh dạn đến với Chúa và ở lại trong Người, bất chấp quá khứ tội lỗi và bất xứng, là lời mời gọi của Chúa đến với mỗi chúng ta.
Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn soi sáng để chúng ta tin và đón nhận Chúa Phục sinh. Sống theo ơn Chúa Chúa Thánh Thần, thành tâm lắng nghe lời Ngài chỉ dẫn, sẽ giúp chúng ta gặp gỡ Đấng Phục sinh và được ở lại trong Người.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên