Thư Gởi Giáo Đoàn Roma – Lm Carolo

THƯ RÔMA

A. TẦM QUAN TRỌNG

Trong tất cả các thư của Phaolô, thư này dài nhất và quan trọng nhất. Quan trọng vì các lý do sau :

– Về giáo lý : thư này chứa đựng tất cả những tư tưởng chủ yếu của Phaolô. Mà những tư tưởng này, như ta sẽ thấy trong phần nói về hoàn cảnh và mục đích của thư, Phaolô chú ý trình bày thành hệ thống mạch lạc (không như trong các thư khác tùy hoàn cảnh của một giáo đoàn cần nhấn mạnh đến một vài điểm nào đó hơn). Rất nhiều nhà chuyên môn đã đặc biệt chú giải thư này.

– Trong lịch sử Giáo Hội, chính những người chủ trương cải cách, những ông tổ của việc li khai khỏi Giáo Hội và lập ra Giáo hội Tin Lành, như Luther, Calvin v.v. đã lấy thư này làm nền tảng cho quan điểm thần học của họ.

– Trong phong trào đại kết, chính thư này là điểm then chốt có thể gây chia rẽ hoặc nối kết các kitô hữu thuộc các Giáo hội khác nhau. Bởi đó các chuyên viên Thánh Kinh trong nhóm dịch đại kết (TOB) đã quyết định bắt đầu dịch thư Rôma trước. Họ cho rằng khi mọi người đã đồng ý được với nhau về bản dịch thư Rm thì sẽ dễ đồng ý trong tất cả các phần khác của Sách Thánh.

B. GIÁO ĐOÀN RÔMA

Ngày nay người ta vẫn còn chưa biết rõ về nguồn gốc thành lập giáo đoàn Rôma. Nhưng chắc chắn giáo đoàn này đã có rất sớm, ngay trong những năm đầu của Giáo Hội. Có lẽ nó do những kitô hữu đầu tiên (gồm do thái tòng giáo và lương dân tòng giáo) từ những nơi khác di cư đến Rôma thành lập. Sau đó Phêrô mới tới Rôma và trở thành lãnh đạo của giáo đoàn này cũng như của cả Giáo Hội. Giáo đoàn Rôma gồm phần lớn là những lương dân tòng giáo và một thiểu số những người do thái tòng giáo.

C. HOÀN CẢNH VÀ MỤC ĐÍCH

Thành phố Rôma là trung tâm của đế quốc Rôma, cũng là trung tâm của “thế giới” theo cái nhìn của người thời đó. Cho nên một nhà truyền giáo hăng say như Phaolô không thể nào không chú ý đến Rôma được. Ông đã ao ước đến đó từ lâu nhưng vì bận bịu với những cuộc du hành truyền giáo nên chưa tới đó được.

Vào khoảng năm 57-58 Phaolô đang ở Côrintô. Lúc bấy giờ ông nghĩ rằng đã hoàn thành việc truyền giáo ở phía Đông nên muốn bắt đầu hướng sang phía Tây, và ông nghĩ ngay tới Rôma. Phaolô coi giáo đoàn này rất quan trọng nên trước khi đến ông soạn sẵn những gì sẽ nói ở đó và viết thành thư này. Chính vì thế mà thư này chứa đựng cách hệ thống những tư tưởng chủ yếu của Phaolô như ta đã nói ở phần trên.

D. CHỦ ĐỀ

Phaolô thấy trước độc giả của mình gồm 2 hạng là do thái và lương dân. Tâm thức của họ thế nào ? Những người do thái luôn tự hào về luật lệ của mình. Họ bám vào luật lệ và cho rằng giữ đạo là giữ luật. Họ còn khinh rẻ lương dân là hạng “không có luật”. Phần lương dân thì cho rằng mình đã có lương tâm soi sáng và chỉ sống theo lương tâm được quảng diễn bằng những nguyên tắc chủ quan của họ. Hai thái độ đó đều sai lầm. Phaolô muốn nói cho cả hai hạng rằng : đạo không phải chỉ là một mớ lề luật hoặc một mớ nguyên tắc luân lý mà chính là cuộc sống trong tương quan sinh động với Thiên Chúa.

E. BỐ CỤC

Lời mở đầu : 1,1-15

Chủ đề : Con người được cứu độ nhờ Đức tin :

– Thiên Chúa làm cho con người nên công chính : 1,16—4,25

  1. Cả người ngoại lẫn người do thái đều phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (1,18—3,20)
  2. Con người được nên công chính nhờ Đức Kitô (3,21-31)
  3. Gương tổ phụ Abraham (4,1-25)

– Thiên Chúa cứu độ con người : 5,1—11,36

  1. Chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, sự chết và lề luật (5,12—7,25)
  2. Người tín hữu sống theo Thần khí (8,1-39)
  3. Vấn đề Israel không tin (9,1—11,36)

Khuyên nhủ : 12,1—15,13

Kết : 15,14—16,27

 

print