Thuốc chữa bệnh vô cảm | Suy tư Tin Mừng CN XV Thường Niên năm C
Bài Tin Mừng Chúa nhật 15 hôm nay (Lc 10,25–37) vừa nêu ra hiện trạng của vô cảm, vừa đưa ra phương cách chữa trị. Một người thông luật đến gặp Đức Giêsu, hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đây là khát vọng sống đẹp, là ước mơ của bao người. Đức Giêsu rất thực tế khi đề nghị người này làm theo luật pháp dân sự và luật Chúa. Để hiểu rõ hơn, Chúa Giêsu kể một câu chuyện rất nổi tiếng về người Samaritanô nhân hậu.
Một người từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị cướp đánh nhừ tử, nằm bên vệ đường nửa sống nửa chết. Chúa Giêsu tế nhị không nêu tên nạn nhân. Chúng ta cũng có thể thấy những thân phận này ở trong xã hội, gần bên cạnh ta. Chúng ta có thể là một thầy tư tế đi ngang, thấy nhưng tránh qua bên kia. Một thầy Lêvi cũng vậy. Cả hai đều là người “có đạo”, “có chức”, đáng lẽ phải là người dễ động lòng trắc ẩn nhất. Thế nhưng họ lại là những người quay lưng. Đây là triệu chứng và hậu quả của bệnh vô cảm. Bệnh tương đối nặng, nhưng họ không biết.
Rồi đến một người Samaritanô thấy và chạnh lòng thương nạn nhân. Người Samaritanô này cũng không có danh tánh. Samaritanô cũng có thể là tôi và bạn. Chúng ta lại gần, băng bó, chở về quán trọ, săn sóc, hứa quay lại. Sau đó Đức Giêsu hỏi: “vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
Tin Mừng hôm nay không chỉ kể một câu chuyện đạo đức. Đây cũng chẳng phải là câu chuyện viễn vông. Đây là một sự kiện luôn có ở mọi thời. Mục đích của Đức Giêsu muốn chúng ta: tình yêu thương không ở trên môi miệng, nhưng nằm nơi ánh mắt, đôi tay, đôi chân và thời gian mà ta dành cho người khác. Tình yêu mà không hành động là tình yêu sáo ngữ. Chỉ có tình yêu hành động mới là “liều thuốc” hữu hiệu nhất để chữa vết thương vô cảm của chúng ta. Khi uống được thuốc này, tâm hồn chúng ta biết chạnh lòng trắc ẩn, biết rung động và dấn thân. Tình yêu thật sự là thứ kháng thể mạnh mẽ nhất chống lại mọi hình thức vô cảm và ích kỷ. Tình yêu đó không chỉ đến từ nỗ lực bản thân, nhưng đến từ cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng luôn “chạnh lòng thương”.
Lạ lùng thay, đôi khi người ta chỉ thấy được ánh sáng khi bước vào bóng tối. Khi đối diện với mất mát, khủng hoảng, tổn thương, người ta mới chợt nhận ra rằng điều quan trọng nhất là sự hiện diện của người khác bên cạnh mình. Sự hiện diện ấy không nhất thiết phải dùng lời lẽ dài dòng. Đôi khi, chỉ cần một cái nắm tay, một ánh mắt đồng cảm, một lời thăm hỏi, là đủ để nâng người khác đứng dậy.
Giữa những xô bồ và lo lắng thường ngày, Đức Giêsu vẫn mời gọi chúng ta “lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”. Không phải để rút lui, nhưng để chữa lành tâm hồn. Chính trong sự thinh lặng, ta mới nghe được tiếng nói thẳm sâu của Thiên Chúa, và nhận ra mình đang cần gì, thiếu gì, và phải sống thế nào. Chính lúc ấy, ta có thể lắng nghe người khác bằng một trái tim được chữa lành. Tôi nghĩ điều này rất cần thiết cho người trẻ, mỗi người Việt Nam mình. Trong thinh lặng, cả bệnh vô cảm và tác dụng của thuốc tình yêu lên tiếng. Khoảnh khắc gặp được lòng trắc ẩn của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta bước ra ngoài giúp đỡ tha nhân. Tôi tạm gọi những khoảnh khắc này là: “kỷ niệm, hoặc trí nhớ thiêng liêng”. Trí nhớ này nếu được nuôi dưỡng, nó sẽ trở thành một “hệ miễn dịch” thiêng liêng, giúp ta nhận diện và chống lại những virus vô hình của ích kỷ, ganh tị, thờ ơ, sợ hãi, và thất vọng.
Thế giới hôm nay rất cần những người dám dừng lại bên đường. Dừng lại không phải để xem, live-stream, mà để cúi xuống, chạm vào vết thương của người khác bằng lòng thương xót. Dừng lại để trao tặng chút thời gian, chút tiền của, hay một lời khích lệ. Dừng lại để nói với người khổ đau rằng họ không đơn độc. Dừng lại để làm người thân cận. Tôi vẫn nhớ mãi lời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI:
“Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, với một Con Người.”
Khi ta đã từng gặp Đức Giêsu, từng cảm nghiệm tình thương của Người, ta không thể không mở lòng ra với tha nhân. Chính nhờ cuộc gặp gỡ ấy, lòng ta sẽ dần trở nên giống trái tim của Người: biết chạnh lòng thương.
Hoặc nói như Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô, thế giới hôm nay chỉ có thể hồi sinh nếu con người học lại ba điều: “ở bên và đồng hành”, “sống đồng trách nhiệm”, và “tạo kháng thể liên đới”. Không phải ai cũng giàu có để giúp vật chất, nhưng ai cũng có thể cho đi một điều gì đó: nụ cười, lời cầu nguyện, sự hiện diện, ánh mắt ấm áp, hay chỉ đơn giản là sự lắng nghe không phán xét. Cũng như người Samaritanô trong dụ ngôn, anh không có chức danh, không thuộc giới “đạo đức”, nhưng anh có một trái tim biết chạnh lòng thương. Vì điều này mà anh được Chúa Giêsu khen ngợi và đưa vào bài giảng của ngài về lòng thương xót và tình yêu. Đừng quên, chính Đức Giêsu luôn cúi xuống, chạm vào những thương tích của chúng ta, để chữa lành và để yêu thương.
Để kết thúc, xin cho tôi trích câu chuyện của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong bài chia sẻ “Mười căn bệnh làm băng hoại người Công Giáo”, ngài nói: “Triệu chứng là thờ ơ trước những khó khăn của Hội Thánh và Quê hương, trước những đau khổ của người khác. Chả thấy mình có trách nhiệm gì cả. Hoá ra những người mắc bệnh này chẳng hiểu gì về phép Rửa, chẳng còn nhớ gì sứ mạng được trao qua phép Rửa đó. Qua phép Rửa Tội, được làm con Chúa, đó là hồng ân, và phép Thêm Sức làm cho ta nên chiến sĩ của Chúa đó là trách nhiệm, mỗi người chúng ta được trao ban cả Nước Trời trong lòng mình, đồng thời cũng được giao phó sứ mạng phải loan báo cho mọi người về Nước Trời mình đang mang. Vì không ý thức và quan tâm nên họ giữ đạo hời hợt, sống đạo một cách vô trách nhiệm. Mỗi người trong xã hội đều có trách nhiệm riêng. Chứ không phải giáo dân thì cứ đổ cho cha xứ, linh mục thì đổ cho giám mục, giám mục lại chỉ tay về Giáo hoàng. Như thế Giáo hoàng lại đổ cho Chúa à! Thái độ phủi tay không giải quyết được gì. Mà mỗi người, tùy vị trí và hoàn cảnh riêng, trước hết phải xắn tay nắm lấy mà giải quyết nhiệm vụ của mình”. [1]
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
—
[1] – Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Mười căn bệnh làm băng hoại người Công Giáo, http://conggiao.info/muoi-can-benh-lam-bang-hoai-nguoi-cong-giao-d-48860