Tích Cực Chiếu Sáng Tin Mừng Cứu Độ Cho Tha Nhân

print

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN A

Is 8,23b-9,3; 1 Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23

 Tích Cực Chiếu Sáng Tin Mừng Cứu Độ Cho Tha Nhân

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG : Mt 4,12-23

(12) Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. (13) Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li. (14) Để ứng nghiệm lời Ngôn sứ I-sai-a nói : (15) “Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan. Hỡi Ga-li-lê miền đất của dân ngoại ! (15) Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi !” (17) Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. (18) Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-mon cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. (19) Người bảo các ông : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. (20) Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (21) Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22) Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. (23) Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.

  1. Ý CHÍNH :

Nghe tin Gio-an Tẩy Giả bị nộp, Đức Giê-su từ Giê-ru-sa-lem lui về Ga-li-lê để tránh bị theo dõi, và hoạt động trong môi trường có nhiều dân ngoại như Ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo. Ngươi chọn thành Ca-phác-na-um làm trung tâm truyền giáo và từ đây Người đi các nơi rao gảng Tin Mừng Nước Trời. Nội dung các bài giảng được tóm lại như sau : “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Đức Giê-su cũng chọn 4 môn đệ đầu tiên gồm 2 đôi anh em. Một là Si-mon Phê-rô và An-rê đang thả lưới trên biển hồ. Hai là Gia-cô-bê và Gio-an đang vá lưới trong thuyền cùng với cha và các người làm công. Nghe Đức Giê-su kêu gọi, các ông lập tức từ bỏ tất cả mà theo làm môn đệ của Người.

  1. CHÚ THÍCH :

– C 12-13 : + Nghe tin ông Gio-an đã bị nộp : Thánh Mát-thêu dùng từ “bị nộp” thay vì “bị bắt” khi nói về Gio-an, giống như khi nói về Đức Giê-su (x. Mt 10,4; 17,22; 26,2). Qua đó cho thấy số phận của Gio-an giống như Đức Giê-su. Dùng từ “bị nộp” ở thể thụ động là có ý nói biến cố xảy ra là do ý của Thiên Chúa. Đức Giê-su bắt đầu rao giảng khi Gio-an chấm dứt sứ mệnh tiền hô dọn đường. + Người lánh qua miền Ga-li-lê : Khác với Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su lui về Ga-li-lê là vùng đất có nhiều dân ngoại sinh sống, để khởi sự rao giảng Tin Mừng. Cũng tại Ga-li-lê, Người sẽ quy tụ các môn đệ lần cuối cùng để sai đi khắp thế gian, tiếp tục sứ mệnh mà Người khởi sự hôm nay. + Người bỏ Na-da-rét đến ở Ca-phác-na-um : Đức Giê-su đã không chọn quê hương Na-da-rét, nhưng chọn Ca-phác-na-um để bắt đầu sứ mệnh rao giảng. + Một thành ven biển hồ Ga-li-lê : Thành Ca-phác-na-um nằm trong vùng đất định cư của hai chi tộc Dơ-vu-lun và Náp-ta-li (x. Gs 19,10.32-39).

– C 14-16 : + Để ứng nghiệm lời Ngôn sứ I-sai-a nói : I-sai-a tiên báo vùng Ga-li-lê thuộc hai chi tộc Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, không những được thoát ách thống trị của quân Át-sy-ri về chính trị quân sự, mà còn được giải phóng khỏi cảnh “tối tăm sầu khổ” do bị dân ngoại chiếm cứ. + Hỡi Ga-li-lê miền đất của dân ngoại : Ga-li-lê là nơi bị khinh dể vì là vùng đất có nhiều dân ngoại sống chung với dân Do thái, và chưa có vị Ngôn sứ nào xuất thân ở đó (x. Ga 1,46). Điều này nằm trong chương trình hành động của Đấng Thiên Sai đã được Ngôn sứ I-sai-a báo trước. + Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm : Mát-thêu ứng dụng việc Đức Giê-su đến làm cho miền đất này khỏi bóng tối sự chết bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời. “Ánh sáng huy hoàng” là chính Đức Giê-su biểu lộ khi Người hiển dung trên núi cao (x. Mt 17,2), và tiếp tục chiếu rọi khi Chúa Phục Sinh hẹn gặp các môn đệ để sai họ đi truyền giáo (x Mt 28,16-20).

– C 17-18 : + Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói : Đối với Mát-thêu thì đây là thời điểm Đức Giê-su bắt đầu thi hành sứ mệnh cứu thế tại Ga-li-lê. Lời giảng được Mát-thêu tóm gọn trong câu : “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Đây cũng là nội dung mà Đức Giê-su truyền cho các môn đệ khi sai các ông đi truyền giáo (x. Mt 10,7). + “Anh em hãy sám hối” : Câu này giống như lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả trước đó (x. Mt 3,2). + Vì Nước Trời đã đến gần : Nước Trời, hay cũng gọi là Nước Thiên Chúa. Vì Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do thái, nên tránh gọi tên Thiên Chúa để biểu lộ lòng kính trọng Thánh Danh của Người trong điều răn thứ hai: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”. Nước Thiên Chúa là một cộng đoàn do Thiên Chúa cai quản. Nước này đã tới gần trong con người và sứ vụ của Đức Giê-su. + Biển hồ Ga-li-lê : Là một biển hồ hồ hình quả trám dài 21 cây số, rộng 12 cây số, cũng có tên là hồ Giê-nê-sa-rét hay Ti-bê-ri-a. + Si-mon cũng gọi là Phê-rô : Si-mon là tên của Phê-rô trước khi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su đã đổi tên Si-mon thành Phê-rô nghĩa là “Tảng Đá” (x. Mt 16,18).

– C 19-20 : + Kẻ lưới người như lưới cá : Đức Giê-su sẽ trao sứ mệnh đánh lưới các linh hồn người ta, giống như đi chài lưới bắt cá. + Lập tức bỏ chài lưới : Đây là thái độ dứt khoát và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Giê-su : bỏ nghề cũ để theo nghề mới.

– C 21-23 : + Gia-cô-bê : Đây là Gia-cô-bê Tiền nghĩa là theo Chúa trước, phân biệt với Gia-cô-bê Hậu theo Chúa sau. Gia-cô-bê với em là Gio-an cùng Si-mon Phê-rô làm thành nhóm ba người thân tín của Đức Giê-su. Nhóm này được đi theo Đức Giê-su và được chứng kiến Người hiển dung trên núi cao (x. Mt 17,1). Trong cuộc khổ nạn, ba người này cũng được theo Người vào vườn Ghết-sê-ma-ni chứng kiến Người cầu nguyện trước khi bị bắt (x. Mt 26,37-46). + Lập tức các ông bỏ thuyền bỏ cha… : Cũng như Si-mon và An-rê lập tức bỏ nghề, Gia-cô-bê và Gio-an cũng dứt khoát từ bỏ tài sản là thuyền, và từ giã người thân là cha già mà theo làm môn đệ Đức Giê-su. + Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê : Việc truyền giáo cần phải năng động. Đức Giê-su và các môn đệ đi đây đi đó khắp miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng Nước Trời. + Chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân : Viêc chữa bệnh là dấu chỉ thời đại Thiên Sai đã bắt đầu (x. Mt 10,8; 11,4-5).

  1. CÂU HỎI :

1) Tại sao Mát-thêu dùng kiểu nói “Sau khi Gio-an bị nộp” thay vì “bị bắt”?

2) Gio-an Tẩy Giả rao giảng phép rửa sám hối tại miền nào, và Đức Giê-su khởi sự rao giảng Tin Mừng Nước Trời tại miền nào ?

3) Đức Giê-su đã làm gì để chiếu soi ánh sáng huy hoàng của Người vào miền Ga-li-lê đang ở trong bóng tối sự chết ?

4) Lời giảng của Đức Giê-su được tóm lại trong câu nào ?

5) Tại sao Mát-thêu dùng từ “Nước Trời đã đến gần” thay vì “Nước Thiên Chúa đã đến gần” như Lu-ca ?

6) Bạn biết gì về biển hồ Ga-li-lê ?

7) Phê-rô là ai ? Tên Phê-rô nghĩa là gì và ông được Đức Giê-su đổi tên khi nào ?

8) Trong Nhóm 12 có mấy ông tên Gia-cô-bê ? Tại sao lại gọi là Gia-cô-bê Tiền hay Gia-cô-bê Hậu ?

9) Noi gương bốn môn đệ đầu tiên, ngày nay chúng ta nên làm gì khi được Chúa mời gọi đi theo Chúa ?

10) Đức Giê-su nêu gương nhiệt tình đi loan báo Tin Mừng như thế nào ?  Người thi hành sứ mệnh bằng những việc gì ?

II. SỐNG LỜI CHÚA :

  1. LỜI CHÚA : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
  2. CÂU CHUYỆN :

1) MAU MẮN ĐÁP LẠI TIẾNG CHÚA KÊU GỌI :

Ơn gọi của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta là một thí dụ. Mẹ sinh năm 1910 tại Nam Tư. Năm 18 tuổi Mẹ nhập dòng Đức Bà Lo-ret-tô ở Ái Nhĩ Lan. Sau đó được cử sang Ấn Độ để vào tập viện. Mẹ đã cống hiến gần 20 năm trời cho việc dạy môn địa lý tại một trường của nhà dòng dành cho các thiếu nữ thuộc những gia đình khá giả. Nếu Chúa không lên tiếng gọi, thì chắc cuộc đời Mẹ sẽ trôi đi êm đềm bên đám học trò giàu có. Thế rồi vào một ngày nọ, nhân đi qua một đường phố ở Can-quýt-ta, Mẹ bắt gặp một người đàn bà đang hấp hối trên vỉa hè. Chuột và kiến đã kéo đến gặm nhấm con người bất hạnh đó. Mẹ liền vực người thiếu phụ tới nhà thương. Mẹ nhất định cứ đứng ở trước cổng cho đến khi người ta mở cửa đón nhận bệnh nhân sắp chết. Từ biến cố này, Mẹ cảm nhận được lời mời gọi của Chúa, muốn Mẹ hãy dấn thân cho những kẻ bị bỏ rơi. Và thế là Mẹ đã xin ra khỏi dòng, đến sống ở một khu vực tăm tối của thành phố. Chắc hẳn lúc đó, Mẹ không ngờ mình sẽ là người sáng lập nên một hội dòng mới chuyên lo việc bác ái, giúp đỡ những người nghèo khổ trên khắp thế giới.

2) THÓI THAM LAM ÍCH KỶ LÀ NGUỒN GỐC PHÁT SINH MỌI TỘI ÁC :

Chuyện kể một nhà buôn nọ rất sùng đạo. Mặc dầu vất vả làm ăn nhưng anh ta không bao giờ bỏ việc khấn vái với các thánh. Gặp thời kỳ phải cạnh tranh gay gắt trong công việc làm ăn, anh ta lại càng đi cầu khấn gấp bội.

Động lòng trắc ẩn, một hôm một sứ thần đã hiện ra với anh và nói : “Thấy con thành tâm cầu xin nên Chúa không nỡ chối từ và sai ta đến với con. Vậy bây giờ con hãy cho ta biết con ước muốn điều gì, để ta sẽ thay quyền Chúa ban cho… Đồng thời để chứng tỏ cho loài người biết lòng quảng đại của Thiên Chúa, thì hễ con nhận được một điều gì, thì Chúa nhân từ cũng sẽ ban cho các đồng nghiệp hay hàng xóm của con được gấp đôi như thế”.

Nghe sứ thần phán, lòng anh thương gia từ chỗ vui mừng hân hoan biến thành sầu buồn tức giận. Anh tự nhủ : “Nếu bây giờ mình xin một chiếc Le-xus thì mấy thằng bạn… sẽ được hai chiếc. Ái dà, thế thì không được ! Nếu mình xin cho được trúng số 5 triệu thì mấy nhà hàng xóm… sẽ được tới 10 triệu. Thế lại càng không được ! Còn nếu mình xin được vợ đẹp con khôn thì đồng nghiệp của mình lại sẽ có vợ đẹp gấp đôi vợ mình, con khôn gấp đôi con mình. Đó là chưa nói tới chuyện chúng có tới hai vợ, còn mình chỉ có một… Trong thời buổi cạnh tranh thế này thì mình phải làm sao để được hơn bọn chúng chứ ! “.

Anh nhà buôn nhíu mày suy nghĩ đắn đo. Một lát sau, chợt anh ta reo lên như vừa tìm ra điều gì thú vị. Anh đến quì xuống và thưa với sứ thần : “Lạy Sứ thần, xin cầu cùng Chúa cho con bị đui một con mắt”.

Quả là một lời khẩn cầu quái lạ ! Anh ta không xin cho mình được may mắn vì sợ người khác lại được may lành gấp đôi. Cuối cùng anh đã xin cho mình bị rủi ro để kẻ khác sẽ bị hại gấp đôi mình, là xin cho anh bị đui một con mắt để những kẻ kia bị mù cả hai mắt luôn. Đây thật là một con người tiểu nhân và quá nhẫn tâm !!!

3) VIỆC BÁC ÁI LÚC CÒN SỐNG ĐÁNG QUÝ HƠN SAU KHI CHẾT :

Một người kia rất giàu tiền bạc của cải. Ông có lòng tốt dự định sẽ di chúc lại toàn bộ tài sản của mình sau khi chết để các tổ chức từ thiện lo phục vụ cho người nghèo. Nhưng đi đến đâu ông cũng chỉ nhận được những cái nhìn khinh thường của mọi người. Ông ta liền tìm đến một ẩn sĩ nổi tiếng khôn ngoan và hỏi : “Thưa thầy, tại sao dù tôi đã làm chúc thư để lại toàn bộ gia sản lớn lao của tôi cho các công việc từ thiện bác ái, thế mà nhiều người vẫn nghĩ tôi là loại người keo kiệt và khinh thường tôi. Vậy tôi phải làm gì để họ biết về lòng quảng đại của tôi và kính trọng tôi hơn ?”

Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi của người giàu có kia, vị ẩn sĩ đã kể cho ông ta nghe một câu chuyện như sau : “Có một chú heo nọ một hôm gặp chị bò sữa liền mở miệng than thở như thế này : Này chị bò, tôi và chị đều cống hiến thịt mình làm thức ăn cho loài người. Thế mà thật đáng buồn ! Tôi thấy họ tỏ ra thân thiện và âu yếm vuốt ve chị. Còn tôi thì lại bị khinh dể xa lánh ?” Ngẫm nghĩ một lát rồi chị bò cái mới ôn tồn trả lời chú heo rằng : “Quả thật cả hai chúng ta đều cung cấp cho loài người thịt để ăn sau khi chúng ta chết. Nhưng sở dĩ họ quí mến tôi hơn chú, theo tôi nghĩ có lẽ là vì ngay từ bây giờ đang lúc còn sống, mỗi ngày tôi đều cống hiến cho họ sữa tươi để uống chăng ?”

Câu trả lời của chị bò sữa dạy chúng ta : “Của cho không bằng cách cho” và “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cho người khác những cái họ đang cần thì tốt hơn để lại chúc thư cho họ của cải sau khi mình chết, khi mình không thể sử dụng được nữa. Điều người khác cần nơi chúng ta không những là tiền bạc của chúng ta, mà chính là tình thương và s+

ự quan tâm của chúng ta. Muốn được người khác quý mến kính trọng thì chúng ta phải quan tâm đến kẻ khác trước, cởi mở tâm hồn với họ, mở rộng trái tim để yêu thương và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ.

5) QUẢNG ĐẠI DẤN THÂN PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO :

Năm 1950, một hội nghị đại diện 17 quốc gia đã bầu ALBERT SCHWEITZER làm “người hùng của thế kỷ”. Hai năm sau (1952). Albert Schweitzer được giải thưởng Nobel hoà bình. Schweitzer được toàn thế giới tuyên dương là một thiên tài đa dạng : Ông vừa là một triết gia lừng danh, một nhà thần học nổi tiếng, một sử gia đáng kính, một nhạc công sôlô trong dàn nhạc và còn là một bác sĩ thừa sai nữa.

Nhưng điểm nổi bật nhất nơi ông là niềm tin Ki-tô giáo sâu sắc. Chính niềm tin này đã khiến ông thành “người hùng của thế kỷ”: Năm 21 tuổi, Schweitzer tự hứa với mình là sẽ nghiên cứu nghệ thuật và khoa học cho đến năm 30 tuổi, rồi sẽ cống hiến cuộc đời còn lại cho những người thiếu thốn bằng một hình thức phục vụ trực tiếp nào đó. Và thế rồi, vào sinh nhật thứ 30 của ông, nhằm ngày 13/10/1905, ông đến một hộp thư ở Paris gởi một số thư về cho bố mẹ và bè bạn thân thiết nhất, báo cho họ biết ông sắp sửa ghi tên vào đại học để lấy bằng y khoa, sau đó ông sẽ đi Phi Châu sống như một bác sĩ thừa sai để phục vụ đám dân nghèo.

Những lá thư của ông lập tức bị phản đối ngay. Bà con và bè bạn ông đồng loạt phản đối dự tính mà họ cho là điên rồ của ông. Họ bảo ông là một người đem chôn dấu tài năng đã được uỷ thác cho ông… Tuy nhiên, Schweitzer vẫn khăng khăng thực hiện những ý định của mình. Năm 38 tuổi, ông trở thành một bác sĩ y khoa thực thụ. Năm 43 tuổi, ông đến Phi Châu mở một bệnh viện cạnh bờ rừng của khu vực gọi là Phi Châu xích đạo. Tại đây, ròng rã suốt hơn bốn mươi năm trời, ông đã dùng hết tài năng và sức lực để đêm ngày tận tuỵ săn sóc những người dân bản xứ nghèo nàn bệnh tật, với tất cả tình yêu thương và lòng nhân ái. Sau cùng ông đã chết ở đó vào năm 1965, hưởng thọ 90 tuổi.

Thưa anh chị em, động lực nào đã khiến ông Schweitzer quay lưng lại với danh vọng và của cải trần gian để dấn thân làm việc cho đám dân cùng khổ nhất trong đám dân nghèo ở Phi Châu ?

Theo lời ông, thì một trong những động cơ thôi thúc ông làm điều đó chính là do ông suy gẫm Tin Mừng của Chúa Giê-su. Ông đã lắng nghe tiếng gọi của Chúa và quyết tâm đáp lại bằng cách dấn thân phục vụ dân nghèo ở Phi Châu như có lần ông đã phát biểu : “Tôi không thể hiểu được tại sao tôi lại được phép sống một cuộc đời hạnh phúc như thế, đang khi chung quanh tôi còn biết bao người đang quằn quại trong đau khổ”.

  1. SUY NIỆM :

1) ĐỨC GIÊ-SU VỀ MIỀN GA-LI-LÊ :

Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã không chọn thủ đô Giê-ru-sa-lem, tuy hầu hết theo đạo Mô-sê, nhưng vua chúa thì độc ác, đã từng tìm bách hại Người ngay từ khi mới sinh và gần đây còn ra lệnh chém đầu Gio-an là vị Tiền Hô dọn đường cho Người. Còn các đầu mục Do thái là các thượng tế, kinh sư, và biệt phái thì lòng chai dạ đá, không chấp nhận một Đấng Thiên Sai không theo ý mà họ đang mong chờ.

Đức Giê-su đã chọn Ga-li-lê-a là vùng dân ngoại sống lẫn lộn với dân Do thái, nhưng lại sẵn sàng đón nhận Tin Mừng Nước Trời của Người. Ga-li-lê-a còn là miền đất bị người Do thái khinh miệt, coi là của ngoại bang. Ngay từ ban đầu Đức Giê-su đã không đóng khung Tin Mừng Nước Trời trong Đền thờ, vì Người muốn Giáo Hội Người thiết lập phải không ngừng ra đi, đến với mọi dân tộc, ngôn ngữ, nhất là đến với những người nghèo khó, bệnh tật, tội lỗi và bị bỏ rơi.

2) ĐỨC GIÊ-SU KÊU GỌI 4 MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN :

Đức Giê-su không làm việc một mình, nhưng Người muôn cho có nhiều người cùng hợp tác trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Người mời gọi hai anh em Si-mon Phê-rô và An-rê: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Người cũng gọi hai anh em con ông Giê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đi theo làm môn đệ của Người (x. Mt 4,19-21). Sau đó Người vào giảng dạy trong các hội đường Do thái, rao giảng Tin Mừng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân (x. Mt 4,23). Người không đóng khung ở một nơi, nhưng luôn đi từ làng này sang làng khác, để thi hành sứ vụ như Người đã nói: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa. Vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38).

3) TIÊU CHUẨN CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ THỜI CHÚA GIÊ-SU :

Đức Giê-su không lựa chọn môn đệ ở trong Đền thờ, nơi có nhiều nhà thông hiểu Kinh thánh và Lề luật, nhưng chọn môn đệ là những người thuyền chài ít học, sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

– PHẢI CÓ TINH THẦN TỪ BỎ : Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, đang lúc đi dọc theo bờ biển, Ngài đã gọi hai ông Si-mon và An-rê : “Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Liền sau đó, Ngài cũng đã gọi Gia-cô-bê và Gio-an  . Thái độ của họ là lập tức bỏ chài lưới, bỏ ghe thuyền, bỏ cha già và những người làm công mà đi theo làm môn đệ Người (x. Mt 4,20.22);.

– CÁC ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ : Ngoài việc từ bỏ mọi sự, các ông còn cần tin Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai (x. Mt 16,16) và trung thành theo Người đến cùng (x. Ga 6,67-69); Các ông phải có lòng khoan dung tha thứ lỗi lầm của kẻ khác và biết tế nhị khi sửa lỗi cho nhau (x. Mt 18,15-17); Phải có tinh thần khiêm hạ để phục vụ tha nhân noi gương Đức Giê-su (x. Mt 20,24-28); Phải có lòng mến Thầy hơn những người khác (x. Ga 21,15-17), vì lòng mến là điều kiện cần phải có để được Chúa tha tội (x. Lc 7,47) và để có thể hăng say rao giảng Tin Mừng (x. 2 Cr 5,14); Cần biết xin ơn Chúa trợ giúp : “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5); Phải khôn ngoan phòng tránh các cạm bẫy và luôn công minh chân thật để gây được thiện cảm với mọi người (x. Mt 10,16); Phải can đảm để làm chứng cho Chúa (x. Mt 10,23) và không chùn bước trước các đe dọa cấm cách (x. Mt 10,26-31); Phải sống yêu thương hiệp nhất với nhau, vì là dấu chỉ của người môn đệ đích thực của Đức Giê-su (x. Ga 13,34).

4) HÀNH TRÌNH LOAN BÁO TIN MỪNG HÔM NAY :

Đức Giê-su đã kêu gọi các môn đệ và các ông đã mau mắn đáp trả bằng việc từ bỏ mọi sự mà đi theo, để được sống thân tình với Người, được Người sai đi thực tập truyền giáo và cuối cùng phải “Nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,46-47).

Loan báo Tin Mừng trong thế giới và trong xã hội Việt Nam hôm nay, không phải chỉ lo về số lường là làm cho nhiều người lương được chịu phép rửa tội, nhưng trước hết phải lo về chất lượng là để tinh thần Tin Mừng thấm nhập trong tư tưởng lời nói, cách ứng xử của mỗi tín hữu. Rồi phải làm sao để làm cho gia đình, khu xóm và nơi làm việc của mình được hiệp nhất yêu thương để luôn có niềm vui và sự bình an.

  1. THẢO LUẬN :

Kèm theo lời giảng, Đức Giê-su đã chữa bệnh và trừ quỷ. Theo bạn, người rao giảng Lời Chúa hôm nay cần làm gì kèm theo việc rao giảng, để dễ được người nghe đón nhận ?

  1. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay xin Chúa dạy chúng con biết chiếu ánh sáng của Chúa qua thái độ luôn tươi cười, ngay cả những lúc xem ra cuộc đời không mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến cuộc sống, dù không phải lúc nào cuộc sống cũng là màu hồng đáng yêu. Thực ra, chúng con luôn có nhiều lý do để lo âu chán nản và muốn bỏ cuộc. Nhưng xin Chúa đừng để nụ cười bị tắt trên môi chúng con. Xin cho chúng con ý thức rằng : “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn !”. Ước gì chúng con luôn thấy mình thật hạnh phúc vì được Chúa yêu thương. Xin cho chúng con luôn mang niềm vui của Chúa, để làm cho gia đình, khu xóm, xí nghiệp trường học con đang sống được tràn đầy niềm vui và ơn cứu độ của Chúa.

LM ĐAN VINH –  HHTM