Tiểu chủng viện trăm tuổi nằm giữa đồng lúa

print

Tiểu chủng viện trăm tuổi nằm giữa đồng lúa

https://vnexpress.net/

BÌNH ĐỊNH: Tiểu chủng viện Làng Sông (huyện Tuy Phước) có từ giữa thế kỷ 19, nằm giữa ruộng đồng, sông nước; nơi này có nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên.

Tiểu chủng viện Làng Sông (huyện Tuy Phước), cách trung tâm TP Quy Nhơn hơn 10 km mang vẻ đẹp cổ kính, giữa cánh đồng lúa mênh mông, xanh ngát. Nơi đây có tên gọi Làng Sông, vì bao quanh là vùng ruộng đồng, sông nước,

Tiểu chủng viện có diện tích khoảng 2.000 m2, được thành lập khoảng 1841 – 1850, ban đầu chỉ là nhà mái tranh, vách phên tre. Hiện kiến trúc của tiểu chủng viện Làng Sông còn đến ngày nay được khánh thành vào năm 1927.

Lối vào tiểu chủng viện quanh năm rợp bóng mát bởi những hàng cây sao trăm tuổi trồng thành hàng hai bên.

Tiểu chủng viện là nơi có nhiệm vụ đào tạo các tu sĩ. Sau khi hoàn thành học tập ở đây, các tu sĩ sẽ tiếp tục học tại đại chủng viện để trở thành linh mục.

Công trình chính của tiểu chủng viện gồm nhà nguyện ở chính giữa, đối xứng với nhà nguyện là hai dãy nhà lầu là nơi làm việc, học tập của các tu sĩ. Phía trước chủng viện có sân cỏ và những hàng cây sao, sân sau được chia thành những ô vuông để trồng hoa màu.

Tổng thể công trình được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc Gothic và mang nét đặc trưng do người Pháp xây dựng, với tường vôi vàng, hành lang có những hàng cột và cửa vòm ở ban công.

Điểm nhấn của công trình gần trăm tuổi là nhà nguyện, xây theo nét kiến trúc Gothic. Nhà nguyện có 3 cửa tiền quay mặt về phía nam và 8 cửa đông, 8 cửa tây được chạm trổ rất công phu.

Bên trong nhà nguyện trang nghiêm, những hàng cột được làm bằng gỗ. Thời kỳ thịnh vượng, nơi đây đã từng thu hút gần 200 tư sĩ từ khắp các tỉnh Trung Trung bộ về sinh sống và học tập.

Cung thánh – nơi trang trọng nhất của thánh đường với những đường nét được chạm trổ tinh xảo trên bàn thờ chúa. Phía sau là các tượng nhỏ hơn ở hai bên, cùng các phù điêu đắp nổi tinh tế.

Hai bên hông của thánh đường được trang trí bằng những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí, và những hoa văn hoạ tiết, cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối kiến trúc Gothic.

Một ô của thông gió trong nhà nguyện có tạo hình tinh tế, cầu kỳ. Trải qua gần thế kỷ tồn tại, các đường nét đến nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn từng nét kiến trúc ngày xưa để lại.

Tiểu chủng viện Làng Sông còn là nơi đặt một trong ba cơ sở in chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, gồm nhà in Tân Định (Sài Gòn), nhà in Ninh Phú (Hà Nội) và nhà in Làng Sông (Bình Định).

Hiện chưa xác định chính xác mốc thời gian ra đời và hình ảnh cụ thể của nhà in ban đầu, vì nơi này từng bị đốt phá năm 1885. Mãi đến năm 1904, nhà in mới được tái thiết, rồi hoạt động đến khoảng năm 1936 thì dời về Quy Nhơn.

Ở khu vực tồn tại nhà in cũ nay xây dựng một toà nhà làm nơi trưng bày các ẩn phẩm, hình ảnh về sự hoạt động của nhà in Làng Sông. Công trình có kiến trúc tương đồng với tổng thể không gian tiểu chủng viện.

Bên trong phòng trưng bày nhà in Làng Sông lưu giữ hàng trăm tài liệu, sách vở. Đầu thế kỷ 20, nhà in phát triển mạnh; nhiều cây bút lớn miền Nam như Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Đức cũng gửi bản thảo ra tận nhà in sách ở miền Trung này.

Tại đây từng in sách tiếng Latin, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ, hiện đều được lưu giữ nguyên bản, tái xuất bản hoặc còn bìa sách. Các ấn phẩm được trưng bày theo thứ tự năm xuất bản. Sách cũ được bảo quản trong tủ kính kín.

Cảnh tiểu chủng viện Làng Sông yên bình giữa cánh đồng lúa đang độ chính trong nắng chiều hoàng hôn. Nơi này mở cửa vào khung thời gian 7h – 11h30 và 14h – 17h30.

Quỳnh Trần – Hữu Khoa