Tìm Hiểu 8 Loại Tính Tình (Phụ Lục Giáo lý Hôn nhân)

print

TÌM HIỂU 8 LOẠI TÍNH TÌNH

(Phụ Lục Giáo lý Hôn nhân)

 

NHỮNG ĐIỀU CẦN TÌM HIỂU TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH

 

  1. Bạn cần hiểu biết về gia đình người đó

Người xưa dạy : “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Câu nói ấy ngày nay vẫn còn giá trị, và lại càng nên lưu ý hơn trong xã hội xô bồ, vàng thau lẫn lộn này. Xin nói ngay ở đây : Cái chính không phải là nhằm xem tình trạng kinh tế giàu hay nghèo, địa vị, chức quyền ra sao. Bạn nên biết :

 Tình trạng đạo đức, luân lý, đời sống xã hội của gia đình đó : từng nhân vật một, nhất là người cha và người mẹ. Chúa nói : “Cây nào giống đó”. Khó có thể sản sinh một con người tốt do những phần tử xấu. Bởi vì : “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, ông bà ta cũng nói thế. Làm con trong một gia đình đạo đức, nề nếp … bạn có thể vững tâm rằng sau này người đó cũng sẽ đối xử với bạn và dạy dỗ con cái bạn những gì mà họ đã lãnh nhận được trong gia đình mình. “Không ai có thể cho cái mà mình không có”.

 Tình trạng sức khoẻ của người đó và gia đình họ : Trong các nước văn minh, khi ra toà thị chính làm giấy đăng ký kết hôn, hai bên phải nộp đủ những chứng nhận nghiêm chỉnh về sức khoẻ. Vì xã hội ta chưa có thói quen ấy, nên bạn càng phải quan tâm, chớ liều lĩnh mà ân hận cả đời. Có những bệnh mang tính huỷ diệt như bệnh Sida. Có những bệnh mang tính di truyền như bệnh thần kinh. Có những bệnh mang tính truyền nhiễm như những bệnh lây lan qua đường tình dục. Có những bệnh xã hội như nghiện ngập, rượu chè, xì ke, ma tuý …

Khi sắp lập gia đình, họ nguỵ trang khéo léo để che mắt bạn. Nhưng về chung sống với nhau ít lâu, họ sẽ lộ nguyên hình. Khi đó thì mọi sự đã rồi. Họ chẳng mất gì, mà lại tặng cho bạn và cho con cái bạn những mầm bệnh quý giá làm kỷ niệm suốt đời, và lưu truyền cho những kẻ khờ dại lập gia đình với con cái bạn sau này.

 Về cách những người trong gia đình đối xử với nhau : Điều này cũng quan trọng, vì nếu người yêu của bạn sống trong một gia đình hoà thuận, mọi người yêu thương nhau, cha mẹ thông cảm gần gũi với con cái, thì người yêu của bạn cũng có đời sống tình cảm quân bình … Nếu gia đình bất thuận, mạnh ai nấy sống, mỗi người phải tự lo vun quén cho mình, thì bạn cũng khó có thể tin tưởng vào sự trung thực nơi người yêu của bạn. Ngày nay hầu hết những người phạm pháp đều xuất thân từ những gia đình bất hoà, vợ chồng ly dị, cha mẹ chỉ lo làm giàu, tuy dư dả về vật chất mà lại thiếu thốn về tinh thần.

 Người yêu của bạn thuộc gia đình đông con hay ít con, nhiều con trai hay nhiều con gái … Điều này cần thiết để giúp chúng ta biết cách ứng xử sau này

  1. Bạn cần tìm hiểu về đời sống tình cảm của ngưòi đó trước khi tiến đến hôn nhân.

 Người ấy đã có gia đình chưa ? Người ấy đã có người yêu chưa ?

 Nếu bạn đã có những lỗi lầm, vấp váp về tình cảm trong quá khứ, dĩ nhiên cũng chẳng nên khai thật mọi sự. Nhưng trưóc sau gì rồi cũng bị phát hiện.Bạn nên xem xem người bạn yêu có tấm lòng quảng đại, cao thượng … thì hãy tiến tới

  1. Bạn cần tìm hiểu về tính tình người ấy

Muốn biết rõ tính tình của một người, bạn cần có thời gian quen biết khá lâu. Một vài tuần, hoặc đôi ba tháng, hoặc vài ba lần gặp gỡ thì làm sao biết nổi ? Bạn cần tiếp xúc với người ấy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, trong nhiều tình huống khác nhau. Lúc đầu bạn chỉ thường gặp ở chỗ đông người, trong khung cảnh lễ nghi, màu mè, xã giao, hình thức, trong lúc mà cả hai ở tư thế chuẩn bị tốt nhất. Làm sao để gặp nhau trong khi đang làm việc, trong những sinh hoạt chung, trong khung cảnh đời thường, trong những lúc bất ngờ, bạn thâm nhập vào gia đình người ấy để xem cha mẹ, con cái, anh chị em đối xử, ăn nói với nhau thế nào, xem cách tiếp đón, thu xếp nhà cửa, tổ chức công việc ra sao .

Muốn xem tính tình người yêu của bạn có hợp với tính mình hay không, bạn cũng phải biết tính tình mình trước đã. Cần biết tính tốt của mình để phát triển, và biết tính xấu của mình để khắc phục. Rồi so sánh xem hai bên có thể đối chọi nhau, bổ túc cho nhau, hay cộng hưởng với nhau được không ?

Ví dụ : hai người cùng có tính trật tự, ngăn nắp, thì gia đình sẽ trật tự, sạch sẽ gấp đôi (cộng hưởng : họ sẽ hợp ý nhau, vui vẻ hoà thuận). Nếu tính bạn và tính người kia khác nhau, thì hoặc sẽ giúp đỡ nhau để hoàn thiện hoá (bổ túc), hoặc sẽ chống nghịch nhau, làm khổ nhau suốt đời (đối chọi). Nếu khi tình yêu nồng thắm, thì hai người tính tình khác nhau sẽ bổ túc cho nhau. Còn khi giữa họ có “vấn đề”, thì sự khác biệt sẽ trở thành đối nghịch.

Nếu ngay từ những ngày đầu gặp gỡ, mà bạn đã thấy hai người không ăn ý được với nhau, thì tốt hơn hết là rút lui ngay kẻo muộn. Đừng quá chủ quan mà nghĩ rằng : mình sẽ cải hoá được, hay làm cho người khác thay đổi được tính tình … kẻo rồi vỡ mộng !

 

Bài  1

NHẬN XÉT CHUNG VỀ CÁC LOẠI TÍNH TÌNH

A.- TÍNH  TÌNH  DO  ĐÂU  MÀ  CÓ   ?

  1. Do cha mẹ : Người ta thường nói : “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”. Nhưng thực ra, cha mẹ sinh con và sinh tính. Lúc thụ thai, tinh trùng phối hợp với tiểu noãn, để thành 1 cái trứng. Trứng phân hoá thành đứa con, mới đầu gồm 1 tế bào gồm 46 nhiễm sắc thể (23 của cha, 23 của mẹ). Trong số 23 nhiễm sắc thể của mẹ, có 22 nhiễm sắc thể thường và 1 nhiễm sắc thể đặc biệt là X. Trong số 23 nhiễm sắc thể của cha, cũng có 1 nhiễm sắc thể đặc biệt là X hay Y. Chính nhiễm sắc thể đặc biệt ấy quyết định đứa trẻ là trai hay là gái :

            X  +  X  =   con  gái.

            X  +  Y  =   con  trai .

   Còn 22 nhiễm sắc thể  thường kia có những  yếu tố di truyền gọi là Gien. Mỗi gien có một  nhiệm vụ riêng trong việc tạo nên con người : màu sắc, da, tóc, cao thấp, mập gầy, thông minh, tính tình …

   Vậy khi thành hình, cái thai đã mang sẵn hết tất cả tính nết tương lai của đứa trẻ.

  1. Do những kích thích tố  từ trong cơ thể con người. Một số những tình cảm là do kết quả của những hóc-mon. Ví dụ : người ta cắt hạch gàmái tháp vào cơ thể gà trống, thì thấy gà mái mất cả tình mẫu tử, và gà trống cục cục, xoè cánh ủ con. Loài người cũng vậy. Trai hay gái đều có những kích thích tố dương hay âm. Ở trai thì dương nhiều hơn âm, và ngược lại. Nhưng cũng có những người đàn ông mà tính nết thì như đàn bà, và ngược lại. Đó cũng là tuỳ ở chất kích thích tố âm hay dương mà ra. Một giọt i-ốt trong cơ thể làm ta thông minh hơn. Một ống thuốc Penthotal làm ta thành thực thà, có gì thì nói  ra hết …
  2. Do dinh dưỡng, do hoàn cảnh, do giáo dục : Người ta có thể luyện chó sói thành chó nhà, bắt cọp, voi, khỉ, gấu … làm trò vui trong rạp xiếc. Ở loài người cũng vậy. Những hoàn cảnh xã hội, giáo dục, gia đình… sẽ ghi dấu ấn sâu sắc, và có khi thay đổi hẳn tính tình của con người.

   Vậy tính tình của mỗi người, một phần do bẩm sinh, một phần do giáo dục đào tạo. Giáo dục không phải là vạn năng, mà cũng không phải là vô ích. Muốn giáo dục có hiệu quả thì phải lựa chiều mà uốn nắn, chứ không thể đi ngược lại với thiên nhiên.

  

B. NHỮNG  YẾU  TỐ  CẤU  TẠO :

  1. Khả năng cảm xúc (xúc động) : Người xúc động dễ khóc, dễ cười, dễ đỏ mặt, dễ tái mặt. Một câu truyện không đâu cũng có thể gây nên nơi họ một phản ứng. Hơi bị rầy một chút, đã tủi thân. Dễ lo lắng, dễ bị kích thích, nhưng cũng dễ nản lòng. Quan sát các em trước phòng thi : có em lo lắng run rẩy, sợ sệt, mặt mày tái nhợt. Có em ít xúc động, vẫn thản nhiên chơi đùa.

  Người xúc động : linh động, bạo lực, tính khí thay đổi, dễ bị kích thích, dễ lo lắng, dễ phóng đại, thích nói về mình, thích tuyệt đối hoá, ít suy nghĩ : nghệ sĩ …

  Người ít xúc động : nghiêm trang, bình  thản, lạnh lùng, tính khí không đổi : triết gia …

  1. Khả năng hoạt động : Căn cứ vào cách xử  trí của một người, ta biết người đó có khả năng hoạt động hay không. Nếu trước một công việc, họ bắt tay làm liền, kiên nhẫn, gặp khó cũng không nản … thì đó là người hoạt động. Nếu là người  thích  “để đến mai”, dễ chán, dễ nản, đó là người không hoạt động.

 Người hoạt động : thường luôn bận rộn, thích trách nhiệm, quả quyết, bền tâm, tài khéo, có óc quan sát, đúng giờ. Nó giúp người ta sống lạc quan, gợi cảm hứng.

  Người không hoạt động : dễ mơ mộng viển vông, dễ tìm kiếm những thú vui thụ động, không dám bắt tay làm việc gì, sống bảo thủ vì sợ phiền hà …

  1. Âm hưởng : là những gì còn để lại trong ta, và gây nên những phản ứng nào đó sau một biến cố. Ví dụ : trước một lời chửi mắng, có người thì mặt mũi đỏ gay, phùng mang trợn mắt, căng cổ ra cãi, nhưng rồi sau đó lại quên ngay. Đó là hạng người đệ-nhất-thời. Có những người lại hoàn toàn im lặng, bình thản. Những sự xúc phạm ấy thì anh giữ lấy, ngày qua ngày suy nghĩ, đau khổ, ấm ức, và tìm dịp trả thù. Đó là hạng người đệ-nhị-thời.

  Người đệ-nhất-thời : thường nông nổi, thay đổi, không bền chặt tình cảm, không làm nổi những chương trình cần nhiều thời gian. Họ sống với hiện tại, mềm dẻo biến báo, thích nghi nhưng hời hợt, thay đổi, không nguyên tắc. Họ giống như 1 con bướm.

  Người đệ-nhị-thời : bình tĩnh, bảo thủ, khăng khăng tư  tưởng cá nhân, bám chặt vào quá khứ và nguyên tắc, và dễ trở thành  một cái máy. Ho biết hệ thống hoá, chân xác, thứ tự. Họ có nhiều triển vọng trong triết lý, toán học, nhưng rất dở trong lãnh vực nghệ thuật.

C. PHÂN LOẠI  TÍNH  TÌNH :

 Với 3 yếu tố trên đây, người ta có thể phân thành 8 loại tính tình sau đây :

            XĐ      gồm :  –  HĐ      +  II    =    Đam mê              ( 1 )

                                  –  HĐ     +  I   =    Phẫn nộ               ( 2 )

                                  –  KHĐ  +  II    =    Đa cảm                ( 3 )

                                  –  KHĐ  +  I     =   Thần kinh             ( 4 )

 

            KXĐ  gồm  :  –  HĐ      +  II     =   Điềm đạm           ( 5 )

                               –  HĐ     +  I       =   Đa huyết             ( 6 )

                               –  KHĐ  +  II      =   Lãnh đạm           ( 7 )

                               –  KHĐ  +  I       =   Vô khí lực           ( 8 )

 

Bài 2

LOẠI ĐAM MÊ (XĐ + HĐ + II)

A. MÔ TẢ

  1. Về thân xác : Người đam mê không có những nét đặc biệt về thân xác một cách rõ rệt. Thân hình họ có vẻ cứng cỏi, và điệu bộ không được duyên dáng lắm, nhưng họ là người có nghị lực. Sức quyến rũ của họ không ở nơi thân xác, nhưn phát xuất từ bộ óc và tấm lòng. Cặp mắt họ biểu lộ một đời sống nội tâm sâu sắc.
  2. Về tính nết : Người đam mê hăng hái nhiệt tâm trong mọi việc. Khi đã quyết định làm việc gì, là họ làm hết mình, làm quên chết, làm đến nơi đến chốn. Họ say mê công việc, nhiều khi thờ ơ cả việc ăn uống, ngủ nghỉ, và các thú vui sinh lý.

   Với yếu tố đệ-nhị-thời, họ thường quyết định mọi việc sau khi đã suy nghĩ chín chắn. Họ luôn biết tìm ra những phương pháp hoàn hảo để chu toàn công việc.

   Loại người này thường có thái độ bình tĩnh, nhưng đôi lúc cũng có những hành vi bạo lực và hiếu thắng. Khi còn nhỏ, họ thường dồn hết tâm trí vào trò chơi mà không muốn ai tới quấy phá. Họ thường học hành chăm chỉ và đều đặn, nên dễ thành công, đứng đầu lớp. Tuy nhiên, đôi lúc họ cũng dễ nổi cơn và bướng bỉnh.

  1. Về mặt xã hội :

 Trung thành trong những mối thiện cảm và rất biết ơn. Họ muốn hy sinh và phục vụ xã hội. Có thể hy sinh bản thân và gia đình cho công việc chung.

 Biết lãnh trách nhiệm và khéo léo tổ chức, có lương tâm và dễ thành công. Ta có thể tin cậy và giao phó cho họ những công việc khó khăn.

 Người đam mê không bao giờ nhượng bộ. Tuy nhiên có lúc họ cũng sẵn sàng nhượng bộ, nhưng luôn tin là mình có lý, và biết chờ đợi để đi đến chiến thắng.

 Người đam mê thường khao khát cái tuyệt đối, và thường là những thánh nhân.

B. NHỮNG NGUY HIỂM CẦN ĐỀ PHÒNG

 Vì quá say mê công việc xã hội, chính trị, nên họ quên cả đời sống gia đình, dễ gây hiểu lầm và tan vỡ. Họ dễ sao lãng những việc bổn phận phải làm. Nếu không được giáo dục, hướng dẫn, loại người này dễ lao vào con đường tiêu cực, và trở nên mối tai họa cho gia đình và xã hội.

 Những liên hệ với người khác phái thường gây nhiều nguy hại, nhất là đối với nữ giới. Quáhăng say, cuồng nhiệt và thiếu kinh nghiệm, nên họ dễ bước vào nguy hiểm. Mối tình đầu sẽ ghi khắc mãi, không bao giờ quên.

 Xúc động (XĐ) liên kết với Hoạt động (HĐ)  có thể làm cho người đam mê trở thành hống hách, độc tài, bạo lực, hấp tấp, chỉ trích, hung hăng, tàn ác …

 C. TIÊU CHUẨN ĐỂ UỐN NẮN

  1. Chuyển tất cả nghị lực về mục đích cao cả và hữu ích. Đừng ngăn cản, hãm dẹp, nhưng cần phát huy cho đúng hướng.
  2. Cần có người hướng dẫn thông thạo, thiện cảm và hiểu biết, để uốn nắn kịp thời cũng như ủi an khích lệ họ tiến bước.
  3. Cần nghỉ ngơi chừng mực, điều độ trong mọi sinh hoạt, để gìn giữ sức khoẻ cho khỏi kiệt quệ.

D. CÁCH DẠY TRẺ ĐAM MÊ

  1. Tính nó rất tự tin. Hãy để nó làm việc một mình. Vì nó không thích nhờ vả ai. Ta không cần kiểm soát luôn luôn.
  2. Nó không thích ai đụng chạm tới đồ chơi, sách vở hay đồ dùng cá nhân của nó. Nó thích sưu tập tem hình, lá cây, bươm bướm … Ta đừng nên chế nhạo hay ngăn cản chúng.
  3. Ta đừng độc đoán, đừng tàn bạo với nó. Hãy bình tĩnh giảng giải, chỉ bảo, giải đáp những câu hỏi được đặt ra. Nó biết suy nghĩ và chỉ phục lẽ phải thôi.
  4. Những trẻ đam mê thường có khuynh hướng ngay từ nhỏ và ít khi thay đổi. Ta nên lợi dụng mà hướng chúng theo sở trường.

   KẾT LUẬN :

   Lửa tốt hay xấu, là tùy cách ta sử dụng. Đam mê là một thứ lửa tinh thần. Nếu ta biết cách sử dụng, ta sẽ trở nên những vĩ nhân, những thánh nhân. Ngược lại, nếu ta để nó đi lạc hướng, ta sẽ trở thành những kẻ độc ác, bạo chúa, hoặc trở nên những con sâu mọt phá hoại chính đời mình và xã hội.

 Tổng hợp tính tình hạng đam mê : Sức mạnh chuyên đoán cho mọi hoạt động và mọi tổ chức.

 Giá trị trổi vượt : công việc dễ thực hiện.

 

Bài 3

LOẠI HIẾU HOẠT (Phẫn nộ : XĐ + HĐ + I)

A. MÔ TẢ

  1. Những đặc điểm về thân xác : Người loại này thường có thân hình vạm vỡ, bắp thịt cuộn nổi, tóc cứng và đen, môi dầy và đỏ, trán cao, vẻ mặt cương quyết, linh động và vui tươi.
  2. Đặc điểm về tính nết :

 Bản năng tấn công dũng mãnh, thường hay khích động, lôi cuốn, ồn ào. Họ ưa âm thanh, mầu sắc và tốc độ, nhu cầu ăn uống thường xuyên và mãnh liệt. Loại người này nếu thiếu giáo dục, sẽ rất cộc cằn và thô tục.

Tính tình vui vẻ, hay giúp đỡ. Họ dễ quên công việc, lời hứa, và chóng chán khi công việc kéo dài. Khi gặp thử thách, đau khổ, loại người này dễ lao vào công việc để tìm  quên.

Nếu là trẻ em, thì hay lục lọi, phá phách, nghịch ngợm, làm đổ bể. Chúng ưa làm đầu bọn trẻ để bày trò chơi. Chúng ham chơi hơn ham học, thích cãi vã, gây gỗ, đánh lộn thường xuyên, nhưng mau quên và lắm bạn.

  1. Đặc điểm xã hội :

 Sức hoạt động dồi dào, tổ chức khéo léo, ham quyền bính và thích chỉ huy. Ta nên trao cho họ những trách nhiệm ngắn hạn. Họ rất dễ gây thiện cảm vì tính hoạt bát.

 Loại người này có 1 tình yêu cuồng nhiệt, mạnh mẽ, nhưng mau chóng. Họ là những người có sức quyến rũ, dễ mến, nhưng lại thiếu trung thành với chữ Yêu. Họ mau quên và mau chán.

 Loại người này thường dễ chiều theo dư luận khi phải giải quyết một vấn đề gì. Họ rất dễ khích động mọi người, và cũng dễ bị mọi người khích động. Họ hay phản đối, quá khích, và thiếu tế nhị.

 B. NHỮNG NGUY HIỂM CẦN ĐỀ PHÒNG

  1. Vì thiếu suy nghĩ khi hành động, nên họ thường hay dựa vào ý kiến của người khác, hay bị người khác lôi kéo. Vì tính hung hăng, nóng nảy, nên họ thường tìm cách áp đảo người khác và thiếu lịch sự. Hãy biết khiêm tốn để lắng nghe và cộng tác.
  2. Vì rất dễ bị người khác lôi cuốn, nên loại người này cần tránh xa các bạn bè xấu ưa tụ tập lêu lổng, ăn nhậu, hút sách, bài bạc … Họ nên chơi những môn thể thao mạnh, nên hướng sức hoạt động dồi dào vào việc phụng sự tha nhân, nên tham gia vào các đoàn thể lành mạnh.
  3. Đối với loại người này, những giao du tình cảm càng chậm càng tốt, vì như thế sẽ tránh được tai hoạ.
  4. Hãy luôn biết kiểm thảo, để dừng lại đúng lúc, vì lối sống hay phung phí sức lực, vô nguyên tắc. Cần người có uy tín để dìu dắt và hướng dẫn.

C. CÁCH DẠY  TRẺ  HIẾU  HOẠT

  1. Chúng thường vô tâm, chỉ biết cái trước mắt, không nghĩ đến tương lai. Nếu ta bảo chúng : “Không học thì sau này sẽ khổ”, chúng đâu có tin.

   Cần tránh lối thuyết pháp, lý luận. Nếu bảo chúng : “Con làm như vậy, không sợ người ta chê cười sao ?” thì chúng chỉ bực mình, vì chúng có coi dư luận, tục lệ ra cái gì đâu.

   Chúng không thích những cái trừu tượng, mà chỉ thích những cái thực tế. Hãy dạy chúng bằng gương sáng. Nếu chúng đã tin ai, phục ai rồi, thì người đó có bảo chúng điều gì, chúng cũng nghe.

  1. Chúng khéo léo trong việc tay chân, biết xoay xở, ham chơi hơn ham học. Chúng có óc sáng tạo, nên dễ thành công sau này trong các nghề kinh doanh, kỹ nghệ, quân sự.
  2. Trong việc làm, chúng thiếu kiên nhẫn, chỉ ham thay đổi, ham cái mới.
  3. Đừng quá nghiêm khắc, tàn nhẫn, chúng sẽ có những phản ứng dữ dội, hoặc chúng sẽ oán giận ta. Ta nên tránh cho chúng những cơn giận dữ. Nên cho chúng ăn những thức ăn dịu thần kinh, và tuyệt đối tránh những thức ăn, thức uống có chất kích thích mạnh.

   KẾT  LUẬN

   Loại Hiếu Hoạt giống như con ngựa chứng. Nhưng con ngựa chứng lại là con ngựa hay, nếu có người biết cưỡi. 

Bài 4

LOẠI ĐA CẢM (XĐ + KHĐ + II)

A. MÔ TẢ

  1. Những đặc điểm thân xác : Người Đa Cảm thường có thân hình rong rỏng, cử điệu chậm, nét mặt ít thay đổi, mặt hơi dài, mắt lớn và sâu biểu lộ đời sống bên trong phong phú. Họ ít quan tâm tới y phục và trang điểm. Có khi đẹp và có duyên. Càng lớn tuổi, vẻ mặt họ càng hằn lên những nét khắc khổ.
  2. Những đặc điểm về tính nết : Loại Đa Cảm là loại người có cảm xúc rất mạnh mẽ (XĐ), nhưng năng lượng ấy không tỏa ra bên ngoài được (KHĐ), mà bị dồn nén vào bên trong, để nghiền ngẫm, nung nấu một cách âm ỉ, mãnh liệt ở nội tâm, nên tính nết họ có mấy đặc điểm sau đây :

 Họ dễ buồn phiền và lo lắng vì những cái không đâu. Lòng tự ái nơi họ rất dễ bị tổn thương. Họ luôn luôn bối rối, lo sợ vẩn vơ. Lúc nào trong lòng loại người này cũng đầy ắp những nỗi lo buồn chồng chất.

 Họ sống co rút, khép kín với thế giới riêng mình, và thích nghiền ngẫm những gì đã qua. Họ bám chặt lấy quá khứ làm lẽ sống, sống với kỷ niệm, ví dụ : trường cũ, thầy xưa, bạn bè thời thơ ấu …  Loại người này không muốn đối đầu với hiện tại. Sống là tránh né, là biệt ly, là chết đi một tý .

  1. Đời sống xã hội :

  Họ thích ở một mình, biệt lập với xã hội, và xa lánh mọi hoạt động, đoàn thể. Họ thích nơi cô tịnh, yêu thiên nhiên, để được tự do sống với lòng mình. Những thay đổi, bất ngờ, sẽ làm họ lo sợ.

 Họ là người rất vụng về, e lệ, dè dặt, ngờ vực … khi tiếp xúc với kẻ khác. Họ thiếu tin tưởng nơi mình, lại luôn lo sợ, nên làm cho họ mất hết nghị lực. Họ có  ít bạn thân, nhưng tình bạn tồn tại lâu dài.

 Họ là người lương thiện, thật thà. Ta có thể tin tưởng trao phó tiền bạc. Loại người này  ít khi làm giàu được, vì thiếu  óc mạo hiểm .

 Trong tình yêu, họ là những người đáng tin  cậy. Họ thường bị phản bội hơn là bội phản. Họ là loại người nhẫn nhục, chịu đựng. Nhưng trong gia đình họ thiếu niềm vui và bầu khí hạnh phúc. Họ hay kêu ca, than phiền, đau khổ, và nhất là làm khổ người khác vì những chuyện không đâu. Đối với loại người này, nếu tâm hồn họ tổn thương, vết thương ấy rất khó hàn gắn.

 B. NHỮNG NGUY HIỂM VÀ KHẮC  PHỤC

  1. Loại người này rất nhạy cảm. Chỉ một va chạm nhỏ cũng dễ gây ảnh hưởng sâu xa và lâu dài trong cuộc sống. Họ dễ suy nhược thần kinh, mất hết nghị lực và chí phấn đấu. Vì những lo lắng buồn phiền gây ức chế sự hoạt động của các hạch nội tiết, nên họ rất dễ bị mắc bệnh thần kinh, tim mạch và tiêu hoá. Ta đừng đòi hỏi họ quá đáng. Đừng bắt họ nhận những công tác có nhiều thay đổi, nhiều giao tiếp. Hãy chấp nhận giới hạn của chính mình. Hãy thông cảm, yêu thương và tôn trọng họ. Đừng đem họ ra làm trò cười chế diễu, nhạo cười, trêu chọc. Có thể họ sẽ rút hẳn vào bóng tối, hoặc trở nên độc ác.
  2. Người Đa Cảm có một đời sống nội tâm rất phong phú. Thay vì để những xúc cảm của mình trở nên ủy mị, mơ mộng, buồn lo vớ vẩn, hãy hướng xúc cảm đó về Thượng Đế và bám chặt vào lý tưởng. Biết quên mình đi mà hướng lòng về xã hội, tôn giáo, tổ quốc, đồng bào.

 C. GIÁO DỤC TRẺ ĐA CẢM

   Trẻ Đa Cảm hồi nhỏ rất ngoan, quấn quýt bên cạnh mẹ, siêng năng, âu yếm, làm việc gì cũng cố gắng để được khen. Khi bị chê, chúng không phản kháng, nhưng cứ  ỳ ra, hờn dỗi. Chúng không thích chơi với bạn bè, và rất sợ người lạ. Muốn giáo dục nó, ta cần nhớ :

  1. Cảm xúc nó rất mạnh, nên ta phải rất nhẹ nhàng, tế nhị khi dạy bảo nó. Không cần la mắng, đánh đập, kẻo nó trở nên lầm lì, rồi xa ta.
  2. Nó vụng về, phản ứng chậm chạp. Có thể nó thuộc bài, nhưng vì lo sợ nên ấp úng quên đi. Ta đừng nổi nóng, nhưng hãy kiên nhẫn khích lệ nó.
  3. Ta hãy luôn tìm cách dẫn nó đi chơi, tiếp xúc với xã hội, kêu bạn rủ nó đi cắm trại, sinh hoạt … hãy cùng nó đi thăm người quen … cho nó bạo dạn ra .
  4. Ta hãy tìm ra sở trường của nó để giúp nó phát triển, và để nó thêm lòng tự tin trước bạn bè.

   KẾT  LUẬN

   Trong một thế giới duy vật, hưởng thụ và chạy theo vật chất, thì những người đa cảm, nếu được hướng dẫn và sử dụng đúng chỗ, sẽ là linh hồn của thế giới vô hồn hôm nay.

Bài 5

LOẠI  THẦN  KINH (XĐ  +  KHĐ  + I)

A. MÔ TẢ

  1. Đặc điểm thân xác : Ngưới thuộc loại này không có những đường nét đặc biệt. Thân hình có thể mảnh khảnh, mắt to, vẻ mặt sáng sủa, linh lợi, có nhiều duyên dáng, tế nhị. Tuy nhiên, ở nơi họ, vẫn ẩn tàng một cái gì đó hơi lệch lạc.
  2. Đặc điểm tính nết :

  Do yếu tố Không Hoạt Động (KHĐ), nên những cảm xúc (XĐ) bị dồn nén trong nội tâm. Họ một phần giống người đa cảm, dễ lo lắng, xao xuyến, nhẹ dạ, ít tự chủ, hay kêu ca, hay than vãn về những chuyện không đâu.

 Nhưng vì là đệ-nhất-thời ( I ), nên họ hay thay đổi không ngờ được. Họ là những người ruột để ngoài da, hay nóng nảy, dễ bị khích động. Phản ứng của họ bồng bột, nhưng mau tàn. Họ thích sống với hiện tại, và hay bị chi phối bởi hoàn cảnh, bạn bè, sống không nguyên tắc, không lập trường.

  1. Đặc điểm xã hội :

 Họ là người thích sống ngoài xã hội, thích đám đông và đoàn thể. Họ có sức quyến rũ và tài ăn nói. Họ giao thiệp rộng, nhưng rất ít bạn thân. Không ai muốn chơi với họ, vì tính họ hay khoe khoang, hay khoác lác và hay phóng đại. Họ rất ích kỷ và chỉ tìm cách vơ về cho mình tất cả. Nguyên tắc sống và cư xử của họ là CÁI TÔI.

  Họ dễ làm người khác bất bình, vì những lời nói thiếu suy nghĩ, những phản ứng sôi nổi và mãnh  liệt. Họ biết mình sai mà vẫn cố chấp. Họ thích giao du với những “cố vấn ba xu”.

 Họ là những người không biết nghĩ đến ngày mai, tiêu xài hoang phí, thiếu lương thiện về của cải và tiền bạc. Họ là những nhân chứng ít tin cậy nhất, vì tính phóng đại và dễ bị mua chuộc.

 Họ luôn tìm cái mới lạ, nên thích vui chơi, giải trí. Họ là những típ người nghệ sĩ.

 Về tình yêu và gia đình, thì đầy những bất trắc. Thanh niên thì đa tình, hay ve vãn, thích trò giải trí hơn là nói chuyện tâm tình nghiêm chỉnh. Bản năng tình dục của họ khó mà kiềm chế. Còn đối với thiếu nữ, thì chỉ lưu tâm đến cái vỏ : họ dành nhiều thời giờ, hơi sức, và cũng có thể dành nhiều tiền bạc, đến độ hy sinh cả việc ăn uống, để lo  chưng diện, may sắm, trang điểm … Vật chất là cái mồi hấp dẫn nhất, để bọn chuyên lường gạt câu họ ra  khỏi gia đình.

B. NHỮNG TRỞ NGẠI  CẦN  KHẮC  PHỤC

  1. Bản chất của người thần kinh như đống thuốc pháo đã được trộn sẵn. Nó dễ nổ tung với những cảm xúc, kích thích, xúc động, thích tìm của lạ … Vì vậy, họ dễ lang thang, lêu lổng, giang hồ, hướng ngoại. Đối với loại người này, nên phát huy và dồn năng lực vào việc sáng tác văn học, văn nghệ, hội hoạ, thi ca, nhạc kịch ….

   Đừng để bạn bè lôi cuốn. Tránh đổ thêm dầu vào lửa, bằng những thứ kích thích tai hại như : đi đêm, thức khuya, rượu mạnh, sách báo xấu, vidéo sex, phim ảnh kinh hoàng chém giết, bạo lực, máu lửa …

  1. Người Thần Kinh sống theo hứng, hay bốc đồng, thiếu cân đo suy nghĩ, lại hiếu thắng, nên :

  Hãy tránh đụng chạm, gây hấn, tranh  luận với họ, vì chỉ làm cho họ ra kiêu căng, cố chấp thêm mà thôi.

  Bạn hãy tránh thách thức, đua tài, đua sức … với họ, vì có bao giờ  họ chịu thua bạn đâu. Và nếu có thua, họ cũng  tìm cách để quật lại.

  Hãy tránh sỉ nhục, làm mất thể diện họ công khai. Họ có thể phản ứng lại, hoặc trả thù, hoặc mặc  cảm.

  1. Hãy sống với thực tế, nên nghĩ đến tương lai, và tự khép kín mình vào kỷ luật, để thích nghi với cuộc sống.

C. GIÁO DỤC TRẺ  LOẠI  THẦN  KINH

   Ta dễ có cảm tình với loại trẻ này, vì vẻ mặt sáng sủa, mắt sáng, miệng tươi, nhanh nhẹn hoạt động, ham chơi, nhưng chúng chẳng chú ý được lâu, và rất mau chán.

  1. Vì tính hay thay đổi, nên ta đừng bắt nó làm cái gì lâu, ví dụ : bắt ngồi yên, bắt im lặng… Làm như vậy, thần kinh nó càng bị kích thích. Nói lâu, nó không nghe được. Học lâu, chẳng ích lợi gì với nó.
  2. Đừng độc đoán, nghiêm khắc quá, để tránh nó phản ứng lại mạnh mẽ, hoặc là nó bị đè bẹp. Hãy ngọt ngào dụ dỗ nó trong kiên nhẫn.
  3. Tập cho nó sống trật tự, ngăn nắp, giờ giấc, vì loại người này rất phóng túng, bừa bãi.
  4. Đừng làm nhục nó trước người khác. Đừng so sánh nó với đứa trẻ khác để hạ nhục nó, kẻo nó xa lánh và thù hận với bạn bè.

   KẾT  LUẬN

   Nếu thế giới chung quanh ta không có nhạc, không có thơ, không có những nhà nghệ sĩ, và không có cả những bông hoa đẹp biết nói, biết đi, biết cười, biết hát … thì chắc cuộc sống sẽ buồn tẻ lắm, phải không các bạn ?

Bài 6

LOẠI ĐIỀM ĐẠM (Bình thản : KXĐ + HĐ + II)

 

Bốn loại người mà chúng ta đã miêu tả (Đam mê, Hiếu hoạt, Đa cảm,Thần kinh) đều có một mẫu số chung là Xúc Cảm (XĐ) rất mạnh mẽ. Nhưng tuỳ họ có biến những cảm xúc đó thành hành động hay không, nhanh hay chậm, mà biến hoá thành 4 loại ngưòi trên. Còn bốn loại người mà ta sắp sửa bàn tới đây, là : Điềm đạm, Đa huyết, Lãnh đạm, Vô khí lực, đều có 1 đặc điểm chung là Không Xúc Động (KXĐ). Có nghĩa là vô cảm, hay là  ít bị giao động trước mọi biến cố.

A. MÔ TẢ

  1. Đặc điểm về hình thể : Người điềm đạm thường có thân hình vừa phải, cân đối, hoặc rỏng cao, bắp thịt rắn chắc. Họ có dáng đi của 1 nhà thể thao, vững vàng tự tín, hoặc như 1 nhà quý phái. Loại người này ít có bộ điệu, hoặc bộ điệu chậm rãi. Giọng nói của họ trầm hùng, thong thả, rõ ràng.
  2. Đặc điểm tính tình : Đây là loại người có nhiều ưu điểm, dễ thành công trong xã hội.

  Họ trầm tĩnh đến độ lạnh lùng ngay cả trong những gì làm cho  người khác phải xúc động, bối rối. Vì thế, họ dễ bị những người xung quanh hiểu lầm.

 Họ là những người rất nhẫn nại và gan lì, không lùi bước trước những khó khăn. Họ có 1 thái độ thật can trường. Mọi đe doạ, áp lực từ bên ngoài không làm cho họ lo sợ. Đối với loại người này, những đe doạ có khi chỉ là trò cười.

 Họ là những người khôn ngoan, thận trọng, biết cân nhắc, sắp xếp, chuẩn bị mọi công việc từ  xa. Họ luôn tiên liệu mọi tình huống và bất trắc. Họ là người ngăn nắp, trật tự, đúng giờ. Họ là hiện thân của tập quán, thói quen, bảo thủ, và cố chấp.

  1. Đặc điểm xã hội :

 Họ  ít vồn vã, thân mật, không xun xoe, nịnh bợ. Họ ghét những cung cách xã giao một cách giả dối. Họ là người ngay thật, chân thành, ngăn nắp, đúng giờ. Những đức tính ấy rất cần cho xã hội.

 Ho sống đơn thành, lịch sự với hết mọi người, nhưng với đời sống nội tâm dồi dào, họ  ít lưu tâm đến người khác. Họ lưu tâm đến công việc hơn là đến con người. Họ là người mà bạn có thể tín nhiệm để gởi gắm tâm tình, và là người lãnh đạo sáng suốt. Họ được mọi người kính phục, chứ không được người khác thương mến.

 Trong tình yêu, người điềm đạm thường rất chừng mực trong lời nói và việc làm. Họ cũng yêu say đắm, nhưng bên ngoài lại có vẻ lạnh lùng và bất cần. Họ ít khi bị những cám dỗ mạnh mẽ, và nếu có, thì họ cũng chế ngự được. Thanh niên thiếu nữ loại này làm việc  bên nhau mà không sợ nguy hiểm. Họ muốn chứng tỏ tình yêu bằng việc làm hơn là bằng lời nói suông. Họ rất  ít bạn bè, nhưng đã yêu ai thì mãi mãi thuỷ chung. Đời sống gia đình ổn định. Vì có đời sống nội tâm, nên họ  ít bận tâm đến việc chưng diện bên ngoài. Vì họ ít thích giao du ngoài xã hội, nên họ ít bị cám dỗ và ít bị lường gạt.

B. NHỮNG NGUY HIỂM  CẦN  KHẮC  PHỤC

  1. Với yếu tố ít cảm xúc và phản ứng chậm, nên người điềm đạm dễ lạnh lùng với tha nhân. Cuộc sống họ dễ trở nên khô cằn, máy móc. Họ cần thức tỉnh lý trí, lưu tâm đến việc thông cảm và hiểu biết tha nhân. Nên trau dồi đức vị tha, biết gây thiện cảm, biết tận tâm, bác ái, giúp đỡ tha nhân.
  2. Cuộc sống loại người này thường nghèo nàn, vì bám chặt vào tập tục, nguyên tắc, thói quen. Họ dễ đi tới máy móc, tỉ mỉ, nghiêm khắc. Loại người này cần học hỏi, tiếp xúc … dể mở rộng kiến thức. Hãy biết sẵn sàng thích nghi với những cái bất ngờ, đột xuất.

C. CÁCH DẠY TRẺ  ĐIỀM  ĐẠM

   Trẻ đa cảm và điềm đạm giống nhau ở chỗ ít nói và ít thích giao du, nhưng chúng khác xa nhau về nhiều mặt. Trẻ điềm đạm vui vẻ, nở nang. Nó cũng đùa giỡn, la hét, như hạng trẻ hiếu hoạt. Nó cũng có thể chơi 1 mình hàng giờ liền, như trẻ đam mê. Chúng dễ dạy và chịu khó. Bình thường chúng ít nói và không để lộ tình cảm ra bên ngoài.

  1. Ta muốn giao việc gì, phải cho nó biết trước, để tự nó thu xếp, chuẩn bị, lựa lúc để làm. Chậm mà chắc .
  2. Hãy tập cho nó sống với đoàn thể và giao du với xã hội, để chúng bớt đi cái tính thích ở một mình.
  3. Nó biết suy nghĩ, nên khi dạy nó, ta phải biết lý luận, thì nó mới nghe.
  4. Hãy khuyến khích nó tập thể dục, chơi thể thao và đọc sách, vì bẩm sinh nó không ưa vận động, đầu óc hẹp hòi và an phận.

   KẾT  LUẬN

   Đây là loại người cần thiết cho những tổ chức trong xã hội, vì là loại người dễ thành công trong mọi công việc.

Bài 7

LOẠI ĐA HUYẾT (KXĐ + HĐ + I)

A. MÔ TẢ

  1. Tiêu chuẩn hình thể : Người Đa Huyết thường có vóc dáng nhỏ con, lùn và thấp, mắt nhỏ, miệng bé, cằm xinh, khổ người cân đối. Dáng đi của họ nhanh nhẹn, nhún nhẩy và linh động. Có 2 loại : loại xinh đẹp, uyển chuyển, thì có đời sống luân lý đáng nghi ngờ. Loại cục mịch, thì tính tình trung hậu.
  2. Đặc điểm về tínhtình:

  Vì thiếu cảm xúc (KHĐ), nên người đa huyết sống ích kỷ. Yếu tố đệ-nhất-thời ( I ) làm cho họ đi tìm những khoái lạc  xác thịt. Nhu cầu khoái lạc nơi họ rất mạnh mẽ và mù quáng. Khi còn nhỏ, họ ham mê ăn uống vô độ. Khi lớn lên thì tiêu xài phung phí, ham mê tiền của. Họ là thân chủ của những nơi tụ tập ăn chơi và lạc thú. Họ  ít quan tâm đến đời sống luân lý. Khách tìm hoa và gái đứng đường thường là loại người này. Họ tìm cách thỏa mãn những mục tiêu bằng những mưu kế xảo trá, và bằng bất cư  phương tiện nào, miễn là đạt đích. Nơi họ, không có vấn đề lương tâm. Không bao giờ họ biết hối hận.

 Người đa huyết thừơng nông cạn. Họ thích tìm những thành công trước mắt, mau chóng, và không phải cố gắng. Họ thiếu chiều sâu, đời sống nội tâm nghèo nàn. Họ chỉ sống với hiện tại và hướng ngoại. Họ thường khích bác tôn giáo, và coi thường các giá trị siêu nhiên.

 Người đa huyết lại rất tài khéo và có óc thực tế. Họ dễ xoay xở và thích ứng với mọi tình huống. Họ là người ngoại giao rộng, vì có tài ăn nói, lịch sự, vui vẻ, và dễ chấp nhận người khác.

  Tình yêu với loại người này chỉ là những cuộc trao đổi qua lần. Nếu là thiếu nữ, họ lo chăm chút cho thân xác, lo chưng diện cho hợp thời trang. Họ làm khổ cho chồng con, cha mẹ, để lấy tiền ăn diện. Nếu là chàng trai, anh ta sẵn sàng trộm cướp  để lấy tiền ăn chơi, vung tiền qua cửa sổ để loè thiên hạ, vênh váo và hiên ngang. Họ cưới nhau vì tiền bạc hơn là vì đức hạnh.

  1. Đặc điểm xã hội :

 Người đa huyết sống rất ích kỷ, chỉ quan tâm tới mình. Đối với loại người này, tha nhân chỉ là phương tiện để họ tiến thân.

 Đây là loại người dễ thành công trong xã hội, vì họ dễ thích nghi và có óc phê phán sáng suốt, không câu nệ, và mau chóng. Không thể tin tưởng hay trao phó tiền bạc cho loại người này.

B. KHÓ KHĂN   VÀ  CÁCH  KHẮC  PHỤC  

 Do yếu tố Không Xúc động (KXĐ) và phản ứng đệ-nhất-thời ( I ), nên người đa huyết thường ích kỷ với đồng loại, mưu mô và ác tâm, lại kém về luân lý và tôn giáo. Cần kiểm tâm mỗi ngày theo chiều hướng tích cực, cao thượng và hấp dẫn (tận tâm, rộng lượng, quảng đại) bằng những lý luận tình cảm và thực dụng.

 Hãy đề cao những nhu cầu trí thức, khoa học, siêu nhiên, để chuyển hướng và thống trị những ham muốn thực tại, như người diệt cỏ bằng cách trồng lên trên miếng đất nhiều cỏ một loại cây lớn.

C. CÁCH GIÁO DỤC TRẺ ĐA HUYẾT

   Chúng thuộc loại cảm xúc  ít (KXĐ), hoạt động nhiều (HĐ), và dễ thích ứng với hoàn cảnh ( I ). Chúng vui vẻ, dễ bảo, bạo dạn, có tài ngoại giao, nhưng ích kỷ, làm cái gì cũng tìm cái lợi cho mình trước nhất. Muốn dạy chúng, ta nên nhớ rằng :

  1. Đừng giảng luân lý. Muốn cho chúng làm điều gì, thì phải chỉ cho chúng thấy cái lợi. Trong lớp học, chúng rất gian dối khi làm bài, luôn học tủ … Người có trách nhiệm giáo dục phải chỉ dạy cho chúng biết rằng : lừa gạt, và dùng những phương pháp bất lương, thì chỉ có hại mà thôi .
  2. Đối với chúng, ta phải nghiêm khắc, nhưng cũng phải thật bình tĩnh. Nếu ta muốn chúng làm việc gì, thì ta phải ra chương trình cho chúng, và kiểm soát thường xuyên.
  3. Chúng có năng khiếu về trí nhớ, về sinh ngữ, về kỹ thuật, dễ thành công trong thương mại, giỏi chạy chọt, giỏi làm áp phe, và rất ghét những nghề nghiên cứu, thư ký, kỹ sư …

   KẾT  LUẬN 

   Loại người đa huyết xem ra có nhiều khuynh hướng không được tốt lắm, phải không các bạn ? Nếu bạn là loại người này, bạn có quyết tâm gì để sống tốt, để sống vươn lên ? Hãy như cây tùng, cây bách. Chúng vươn lên từ thảm cỏ dại, để ngạo nghễ giữa trời cao. Cỏ dại rồi sẽ chết cho cây tùng lộng gió giữa trời xanh. Bạn hãy thắp lên một ngọn lửa, còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng đêm.

Bài 8

LÃNH ĐẠM (KXĐ + KHĐ + II)

A. MÔ TẢ

  1. Đặc điểm hình thể : Loại người này có dáng người gầy yếu, mảnh khảnh, nước da nhợt nhạt, mặt trái soan, miệng nhỏ, mũi dài. Hai mắt gần nhau, mí rất nặng và xệ xuống. Ánh mắt hiền và mơ mộng. Họ có cánh tay mềm yếu, nhỏ nhắn, đầy làn gân xanh.
  2. Đặc điểm tính nết :

 Họ là loại người thiếu cảm xúc (KXĐ), thiếu hoạt động (KHĐ), lại phản ứng chậm ( II ), nên người Lãnh Đạm rất mềm yếu cả về phương diện thể chất lẫn tinh thần. Họ không đủ sức đương đầu với cuộc sống đang cần nhiều cố gắng và tranh đấu. Họ chỉ muốn yên ổn trong một cuộc sống riêng tư. Họ giữ gìn quần áo, dự trữ đồ ăn, dành dụm tiền bạc và hàng trăm thứ nhỏ nhen khác, với dụng ý phòng thân.

 Họ là người ít cảm thông với ngoại giới, nên thường thu mình lại để sống theo bản năng bảo tồn. Họ luôn tư lự, ưu sầu về những nỗi buồn không đâu như : lo cho tương lai, lo cho sức khoẻ … Nhưng cái lo của họ chẳng có khả năng giải quyết được gì cả. Vì bất lực, nên họ cố bám lấy những tập quán, những thói quen một cách máy móc. Họ bất lực vì không sửa chữa được tính tình của mình, nên người Lãnh Đạm bám chặt vào những cách xử thế đồng điệu trong những hoàn cảnh khác nhau. Họ thuộc týp người nhẫn nhục chịu đựng hơn là tìm cách giải quyết từng vấn đề trong cuộc sống.

 Vì thiếu cảm xúc lại không có khả năng hoạt động, nên người Lãnh Đạm thường quay về với chính mình. Đời sống tình dục kín đáo. Nếu không được giáo dục, họ rất dễ dàng trôi theo một cuộc sống đồi bại. Nhìn từ bên ngoài, ta thấy người Lãnh Đạm có vẻ lạnh lùng, nhưng thực ra họ rất cần được yêu thương, và cần hơn mọi hạng người khác. Cách cư xử của họ là tấm gương phản ảnh tình yêu của người xung quanh. Trong  gia đình, nếu là gia trưởng, họ dễ bị hiểu lầm và cô lập.

  1. Đặc điểm xã hội :

 Đây là loại người  ít cởi mở nhất trong các loại tính tình, nên họ rất khó sống hoà đồng. Tha nhân đối với họ là kẻ thù. Họ thích sống biệt lập và bên lề xã hội. Ta không thể trao cho họ những trách nhiệm gánh vác việc chung, vì họ không có khả năng hoạt động và thích ứng. Họ lầm lì và khó hiểu, hay than thân trách phận, ít lòng trắc ẩn, và không thích những việc từ thiện.

 Họ rất cần được mọi người thông cảm và rộng lượng. Họ chịu đựng mọi cực khổ, chấp nhận sự khinh bỉ và hành hạ của kẻ khác mà không hề bày tỏ hoặc để lộ một phản ứng nào. Thế nhưng khi đến mức không thể chịu đựng nổi nữa, họ sẽ có những hành động bộc phát một cách ghê gớm : những cuộc xô xát, chém giết, những cách trả thù tàn bạo … Cơn phục thù, giận dữ của họ thường đáng khiếp sợ, bởi một ý định phục thù âm  ỷ  và tập trung. Họ giống như một  trái bom nổ chậm. Một khi họ đã giận ai, thì họ khó mà làm hoà được.

  B. KHÓ KHĂN VÀ KHẮC PHỤC

  1. Bản chất người Lãnh Đạm thường lười biếng, ưa triển hạn những công việc phải làm, thích sống an nhàn và tự mãn. Họ cần người hướng dẫn, để khích lệ và chỉ đường, đặt ra cho họ những mục tiêu ngắn hạn và dễ dàng, để giúp họ tiến lên.
  2. Họ cần phát triển thêm về sự trầm tĩnh, biết làm chủ lấy mình trong tư cách, biết khai thác yếu tố nội tâm về lòng bác ái yêu thương, về sự cầu nguyện, để tin tưởng và phó thác. Như vậy, họ sẽ bớt đi những âu lo, và giảm thiểu sự tàn bạo, oán thù.

 C. GIÁO DỤC TRẺ LÃNH ĐẠM 

Khi còn nhỏ, trẻ lãnh đạm có khuôn mặt bầu bĩnh, thân thể mập bệu. Lúc nào nó cũng như thoả mãn, yếu ớt, chậm chạp. Chúng chẳng lo lắng gì cả, chẳng biết giận ai. Chúng có hai đặc điểm nổi bật là : ưa yên tĩnh, và không thích ứng với hoàn cảnh. Chúng thích ăn ngon, mặc đẹp. Muốn dạy dỗ chúng, ta nên nhớ :

 Ta phải chấp nhận tính chậm chạp của chúng, phải chiều chúng về tật ham ăn, kén ăn, và ham ngủ.

 Chúng rất dễ chịu ảnh hưởng kẻ khác, người chung quanh, vì vậy, ta nên lựa bạn cho chúng bắt chước.

 Ta phải dẫn dắt chúng từng bước, phải kiểm soát luôn, phải cương quyết và dứt khoát để lôi chúng đi. Nếu không, chúng sẽ  ỳ  ra ngay.

 Hãy để chúng đi chơi với bạn bè, và để bạn bè rủ chúng đi sinh hoạt, cắm trại … cho chúng bạo dạn ra.

 Hãy lựa cho chúng những nghề bình tĩnh, không mệt nhọc, không cần quyết đoán, mà chỉ cần tuân theo kỷ luật.

KẾT LUẬN 

Cũng như trong một thân thể, có những bộ phận bé nhỏ, tinh vi, mềm yếu, nhưng lại cần thiết cho cơ thể. Cũng vậy, những người Lãnh Đạm nếu biết phát huy những mặt tốt của mình, họ cũng sẽ nắm được những trách nhiệm nhất định trong guồng máy xã hội.

Bài 9

LOẠI VÔ KHÍ LỰC (Nhu nhược : KXĐ + KHĐ + I)

A.MÔ TẢ

  1. Đặc điểm hình thể : Loại người này có 2 hạng hình thể : Loại thân hình mập phì, béo bệu, khuôn mặt nở nang, nhưng thiếu sức sống. Loại thứ 2 có thân hình gầy yếu, mặt tròn, chảy xệ, mắt lớn, mí mắt nặng. Cả hai đều có nét mặt êm đẹp, nhưng mờ ảo, cử chỉ chậm chạp và mệt mỏi. Vẻ người như thiếu sức sống.
  2. Đặc điểm tính nết :

 Người Nhu Nhược không đủ khả năng phấn đấu để bon chen vào cuộc sống đầy những khó khăn và bất trắc, nên họ thường tìm cách xa lánh thế sự, và tìm nơi trú ẩn an toàn. Nếu họ phải miễn cưỡng sống chung, họ luôn ngoan ngoãn, trung thành và dễ bảo, ngay cả khi họ bị hành hạ oan ức. Họ dễ dàng bị người khác cuốn theo : tỏ vẻ thán phục, nịnh bợ, tâng bốc bất cứ một loại người nào, để được yên thân và được bảo vệ. Nói chung, họ là loại người dễ dãi, dễ dạy, dễ sai khiến, và cũng dễ nhờ vả.

  Vì không cảm xúc (KXĐ), lại không có khả năng hoạt động (KHĐ), nên người nhu nhược thường quay trở về với chính mình, để thoả mãn với những nhu cầu thể xác như : ăn uống, ngủ nghỉ, sinh lý … và họ có cuộc sống rất ích kỷ. Do thiếu ý chí và không thể kiềm chế bản thân, nên họ dễ dàng sống buôngthả và sa vào hố truỵ lạc.

  1. Đặc điểm xã hội :

 Ta không thể trao cho họ những nhiệm vụ xã hội mang tính chất quan trọng được, vì bản chất họ đã không thích, mà còn tìm mọi cách để trốn tránh.. Nếu có nhận việc gì, thì họ cũng thiếu tinh thần trách nhiệm, trốn tránh công việc, sợ khó khăn, ngại gắng sức. Họ thường trì hoãn những công việc cần làm ngay, nên dễ bỏ lỡ cơ hội. Họ chỉ làm cho xong việc mà thôi, chứ không có khả năng tập trung nghị lực vào công việc. Họ rất vụng về trong việc điều hành và giao tế.

 Tính tình họ giả dối, ham thích hào nhoáng xa hoa, tiêu xài phung phí. Họ thường không quan tâm đến việc thanh toán nợ nần : rất dễ quên nợ mới, và hầu như xa lạ hẳn đối với nợ cũ.

 Họ mang mặc cảm vì sự trống rỗng nội tâm và không có khả năng hành động, nhưng vì yếu tố đệ-nhất-thời ( I ), nên họ dễ bị lôi cuốn bởi bạo lực, quậy phá, thích làm người khác sợ hãi. Họ ưa chuộng vũ khí để thoả mãn mọi khuynh hướng : ăn nhậu, chém giết, bạo lực, bài bạc, cá ngựa … Họ tiêu xài hết những gì có thể có được vào những trò vui khích động và gian dối.

 Đời sống gia đình họ thường không ổn định. Yếu đuối trong vấn đề xác thịt, thiếu trung kiên với người yêu. Nếu không được giáo dục tốt, thanh niên nam nữ loại này sẽ thích những câu chuyện, trò đùa thô tục và vô luân.

  B. KHÓ KHĂN VÀ KHẮC PHỤC

  1. Người nhu nhược cảm nhận những yếu đuối của mình, nên dễ có khuynh hướng quay tìm sự bù trừ nơi tôn giáo. Cuộc sống siêu nhiên sẽ thực hiện nơi họ những phép lạ để cải hoá tính tình.
  2. Ta nên khích lệ họ, để họ làm quen với những công việc tương đối dễ dàng. Dần dần họ sẽ cảm thấy thoả mãn, vui sướng, hăng hái khi làm việc. Nên thúc đẩy họ gia nhập những hoạt động tập thể, để họ tìm thấy ở đấy sức thúc đẩy tiến bước, nhờ đó họ tăng thêm niềm tin và quên đi bản thân.

C. GIÁO DỤC TRẺ NHU NHƯỢC

   Hạng trẻ này rất hiếm. Khi còn nhỏ, chúng là những bệnh nhân không được biết tới. Bề ngoài chúng mập béo, phúng phính, thế nhưng bên trong các tuyến nội tiết  đã đình trệ, nên ảnh hưởng đến toàn vẹn con người. Chúng ít nói, ít cười, dè dặt với cả người thân. Khi còn nhỏ, chúng là những đứa trẻ khó nuôi, lúc nào cũng cần đến thuốc men, bác sĩ. Chúng không muốn cử động như ngại phí sức. Khi lớn lên, chúng sợ cuộc sống tự lập, sợ lấy vợ lấy chồng, chỉ muốn được cha mẹ chăm sóc, che chở mãi. Chăm sóc chúng, ta nên nhớ :

  1. Vì thể chất chúng yếu đuối, nên đừng bắt chúng gắng sức quá. Hãy luôn chăm sóc sức khoẻ và bồi dưỡng cho chúng.
  2. Ta phải che chở, quyết định thay cho chúng. Đừng bắt chúng tự xoay xở. Lớn lên, nếu có thể, nên cho chúng ở chung với cha mẹ hoặc anh em, để có người giúp đỡ chúng.
  3. Không nên hy vọng quá nhiều vào chúng, vì cho dù chúng có thông minh, thì cũng thua bạn bè. Chúng chẳng hơn ai đâu !
  4. Đối với loại trẻ này, ta nên khoan dung, nhân hậu hơn là cương quyết, kẻo chúng sợ hãi mà nhát đảm thêm. Nhưng một khi đã giao cho chúng việc gì vừa sức, ta hướng dẫn chúng và buộc chúng phải làm ngay, làm cho bằng được. Nếu để lâu, chúng rất nản chí.

   KẾT  LUẬN

   Phải thành thật mà nhận ra rằng : nơi mỗi người chúng ta đều lấp ló một con người nhu nhược. Có điều là nó còn trẻ hay đã già, còn bé hay đã biến thành một ông khổng lồ cai trị ta lúc nào mà ta không biết. Trong mọi cuộc chiến, thì cuộc chiến với bản thân là gay go nhất. CHÚC BẠN CHIẾN THẮNG.

 

Phụ Lục

BẢNG TRẮC NGHIỆM TÍNH TÌNH

Các bạn thân mến, sau khi đã học qua 8 loại tính tình, các bạn đã có thể biết được phần nào về tính tình của mình, cũng như của người khác. Nhưng để giúp các bạn hiểu rõ hơn, chúng tôi gởi đến các bạn bảng trắc nghiệm tính tình này. Bảng này gồm 54 câu.

 Mỗi câu ghi lại một đặc điểm của tính tình. Đọc câu nào, thấy mình có đặc điểm ghi trong câu đó, thì bạn đánh dấu ở trước. Nếu còn nghi ngờ do dự, thì đừng đánh dấu. Cần nhất là bạn phải thành thật với chính mình. Có như thế, thì bảng trắc nghiệm này mới giúp bạn hiểu mình, biết người, và bạn sẽ thành công trên đường đời. Bạn có thể ghi số thứ tự câu nào đúng với bạn vào một sổ tay, để đối chiếu với bảng giải đáp  tính tình sau này. Nào, mời các bạn ….

1.Bạn có yêu thiên nhiên (ví dụ : cây cỏ, trời, mây, đồng nội …) hay không ?

2.Bạn có những cảm giác mạnh, dễ thay đổi, bất định, tính khí bất thường  hay không?  

  1. Bạn có bình tĩnh, điềm đạm, khách quan, tính tình bình thản không ?
  2. Bạn có ưa tô đẹp thực tề, ít thận trọng đến tính chất khách quan không ?
  3. Bạn có hay bị xúc động không ?
  4. Bạn có hăng hái thực hiện những tham vọng, hành động quả quyết và một đôi khi vội vàng không ?
  5. Người khác có cho bạn là lười biếng không ?
  6. Bạn có thích những gì trừu tượng, những gì là hệ thống, lý thuyết không ?
  7. Bạn có tin tưởng vào kinh nghiệm, chứ không tin vào lý thuyết không ?
  8. Bạn có thiên về ưu sầu buồn bã không ?
  9. Bạn có thường lạc quan và vui vẻ không ?
  10. Bạn có nhút nhát, dễ buồn tủi, không quyết định, dễ bối rối, dễ nản chí không ?
  11. Bạn có luôn bền tâm, kiên nhẫn không ?
  12. Bạn có là người vồn vã, thân mật, bồng bột, lôi cuốn trong xã hội không ?
  13. Bạn có nhiều óc thực tế không ?
  14. Bạn có ít óc thực tế không ?
  15. Bạn có hoang phí không ?
  16. Bạn có là người quan sát giỏi hay không ?
  17. Người khác có coi bạn là người hống hách, chuyên quyền không?
  18. Người khác có coi bạn là hiền hoà, lành tính không ?
  19. Người khác có cho bạn là ương ngạnh, cứng đầu cứng cổ không ?
  20. Bạn có ham thích đời sống trần tục không ?
  21. Bạn có yêu thích thanh vắng không ?
  22. Bạn là người ít chừng mực, ít đúng giờ phải không ?
  23. Bạn thích ăn uống, ngủ nghỉ nhiều phải không ?
  24. Bạn là con người khó hoà giải, khó thuyết phục phải không ?
  25. Bạn luôn khép kín, bí mật, khép nép phải không ?
  26. Bạn có thích những cuộc chơi, giải trí không ?
  27. Bạn có chấp thuận dễ dàng để làm như mọi người không ?
  28. Bạn thích trêu chọc, mỉa mai, vì bạn sẵn có tính hoài nghi, phải không ?
  29. Người khác biết bạn hay có tính hài hước, trào lộng, phải không?
  30. Bạn ít quan tâm đến nội giới (như cảm tình, cảm xúc …) phải không ?
  31. Người khác dễ dàng nhận biết lòng thực thà và ngay thẳng của bạn, phải không ?
  32. Bạn có năng lực làm việc dồi dào, phải không ?
  33. Bạn tôn trọng những nguyên tắc và thích nhắc nhở tới chúng, phải không ?
  34. Bạn say mê thơ văn và nghệ thuật, phải không ?
  35. Người khác coi bạn là loại người ít thích giúp đỡ, phải không ?
  36. Bạn khó tính với chính mình, phải không ?
  37. Bạn ham thích hùng biện và có tài ăn nói, phải không ?
  38. Bạn tập trung hành động vào một mục đích đã chọn làm chủ yếu, phải không ?
  39. Bạn cần hành động mãnh liệt theo nhiều chiều hướng khác nhau, phải không ?
  40. Người khác cho bạn là người lịch sự, phải không ?
  41. Bạn là người hung dữ, phải không ?
  42. Bạn thích nhắc lại những biến cố, kỷ niệm, phải không ?
  43. Bạn thờ ơ với quá khứ và tương lai, phải không ?
  44. Người khác thấy bạn hấp dẫn và tìm cách để làm bạn với bạn, phải không ?
  45. Bạn ham chuộng những gì mới lạ, phải không ?
  46. Bạn sống theo tập quán, thói quen, phải không ?
  47. Bạn hay làm việc quá độ, liều lĩnh, phải không ?
  48. Bạn ham thích những cái dị thường và lạ lùng, phải không ?
  49. Bạn thích sống đơn giản và giảm bớt những nhu cầu, phải không?
  50. Bạn ham muốn làm người khác bỡ ngỡ và chú ý tới mình, phải không ?
  51. Người khác cho bạn là người can đảm, phải không ?
  52. Bạn khăng khít với đời sống gia đình, với quốc gia và với tôn giáo, phải không ?

Sau khi các bạn đã trả lời hết 54 câu hỏi (bằng cách đánh dấu ở đầu câu, hoặc ghi số câu mà bạn cho là đúng với mình), mời các bạn hãy nhìn vào bảng giải đáp tính tình, và ghi dấu hoa thị bên cạnh những số mà các bạn đã ghi dấu ở trên, rồi cộng lại từng cột. Cột nào nhiều hoa thị nhất, thường đó là tính tình chính của bạn. Cột nào nhiều hoa thị thứ nhì, thường đó là tính tình phụ của bạn.

Cầu chúc các bạn hiểu rõ mình, biết rõ người, và luôn thành công trên mọi nẻo đường của cuộc đời.

BẢNG GIẢI ĐÁP VÀ XẾP LOẠI TÍNH TÌNH

 

Đam mê

Phẫn nộ

Đa cảm

Thần kinh

Điềm đạm

Đa huyết

Vô khí lực

Lãnh đạm

6

13

15

19

34

38

40

 

5

11

14

15

32

34

39

1

10

12

16

23

26

28

2

4

16

27

36

43

46

3

8

13

18

31

23

35

3

9

15

18

22

30

32

7

10

21

23

26

28

33

3

7

16

17

20

24

25

49

51

54

 

41

43

47

44

48

51

47

20

51

46

51

53

39

42

53

35

37

48

29

52

53