Tìm Hiểu Lời Chúa
Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm A
Bài đọc 1: Is 11,1-10
Năm 745 trước Công nguyên, Tiglath-pileser III lên ngôi vua Assyria (745-727). Ông quyết định chinh phục tất cả các nước nằm về phía tây, bao gồm cả Israel. Ngôn sứ Isaia viết những lời này vào thời đó. Trong những câu trước đoạn này, ông sử dụng hình ảnh về các cây bị đốn chặt (10,33-34). Ông tiếp tục như vậy trong bài đọc của chúng ta. Ông nói tới một vị minh quân như một nhánh cây nhỏ sẽ mọc lên, sẽ phát triển mạnh mẽ. Vị vua tương lai sẽ xuất thân từ dòng dõi Giêsê và Đavít. Thần khí của Đức Chúa (c. 2), đã từng ngự trên Môsê, trên Đavít và nhiều vị lãnh đạo khác, giúp họ thực hiện những điều dường như không thể, thì cũng ở lại với vua. Sáu năng lực tinh thần mà thần khí ban cho vị vua tương lai được nói tới ở đây (c. 2): “Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa”. Những ơn ban này khiến vua hoàn toàn khác biệt với những nhà lãnh đạo tầm thường khác. Vua sẽ dùng trí lực để bảo vệ dân, dùng sự khôn ngoan minh mẫn để thấu rõ đường lối của Đức Chúa, vua tỏ lòng kính sợ tuân phục các mệnh lệnh của Chúa. Vị vua lí tưởng này vừa có thể hiểu được các đường lối của Đức Chúa dành cho dân Ngài, và vừa có khả năng thi hành ý muốn ấy. Vua sẽ thực thi công lí, xét xử công minh, bênh vực thần dân cùng khổ (c. 4). Vua sẽ sử dụng uy quyền của mình mà trừng phạt những kẻ bất chính gian tà. Trong câu 5, “đai thắt lưng” và “giải buộc” có ý nói lòng trung thành thực thi công lí, và gần gũi với dân như những đồ dùng thiết thân nhất đối với mình.
Trong các câu 6-8 những hình ảnh yên bình giữa các con vật nói đến sự khôi phục tình trạng nguyên thủy mà Thiên Chúa dành cho loài người trước khi họ phạm tội chống lại Ngài. Sự hài hòa cũng được phục hồi giữa con người và súc vật. Một “môi sinh” mới được thiết lập: Mọi người sẽ được yên ổn và an vui trong triều đại của vị vua tương lai (x. Rm 8,19-22). “Sự hiểu biết Đức Chúa” ở đây không nằm trong lãnh vực tri thức, mà ở mối tương quan thân mật gắn bó. Vị vua này (cội gốc Giêse) (c. 10) sẽ đứng lên để làm cờ hiệu cho các dân. “Cờ hiệu” trước đây dùng để hiệu triệu các nước chống lại Israel để chịu xét xử (Is 5,6), nhưng bây giờ được dùng để mời gọi các dân các nước tới để hưởng phúc lành của vua mới.
Đáp ca: Tv 71,1-7,18-19
Đây là một lời cầu nguyện, xin Chúa phù hộ cho một vị vua, có lẽ được sử dụng trong lễ đăng quang của ông hoặc trong một buổi phụng vụ cử hành vào ngày kỷ niệm. Lời cầu nguyện này vừa nói lên địa vị hợp pháp của vua, là “Thái Tử” chứ không phải kẻ chiếm đoạt, vừa ước mong triều đại của vua được vĩnh tồn (c. 7). Lời cầu nguyện này cũng phản ánh một quan niệm cổ xưa cho rằng vua là cột trụ của công lí, chính vua thực thi lề luật và đề ra các quyết định. Vua là người bảo đảm công bằng cho mọi thần dân, có khả năng xác định điều gì đúng sai. Vua bênh vực đặc biệt những người nghèo hèn, cùng khổ (cc. 2, 4, 12); ông quyết đập tan (nghiền nát) những kẻ áp bức. Tác giả ước mong triều đại của vua được đánh dấu bằng sự thịnh vượng, sự thanh bình phủ khắp núi đồi (c. 3). Người xưa cho nhà vua là “thiên tử”, do vậy, sự phú túc, hòa bình, an lạc của một đất nước nói lên tình trạng vua có “được nghĩa” với Đức Chúa hay không (cc. 5-7). “Mưa sa”, “nội cỏ” cần thiết cho đất đai trổ sinh hoa mầu thế nào, thì địa vị của vua cũng cần thiết như vậy. Các câu 18-19 là lời Vinh tụng ca kết thúc Thánh vịnh. Suy nghĩ về sự cao cả, uy quyền và công trình của Đức Chúa như vậy tự nhiên tác giả Thánh vịnh cầu mong cho vinh quang ấy được tỏa rạng khắp hoàn cầu.
Bài đọc 2: Rm 15,4-9
Ở đầu chương này Phaolô khuyến giục các độc giả của ngài rằng “Chúng ta là những người có đức tin vững mạnh” thì chúng ta phải nâng đỡ những người yếu đuối (c. 1), giúp họ sống chân thực với lương tâm của họ. Chúng ta cần phải sẵn lòng chấp nhận những yếu kém của tha nhân để xây dựng cộng đoàn của Chúa Kitô. Chính Chúa là mẫu gương cho chúng ta, Người đặt mọi ưu tiên cho kẻ khác.
Phaolô trích dẫn Cựu Ước năm lần trong Rm 15,1-13. Giờ đây Phaolô cho chúng ta biết giá trị của Cựu Ước, được viết trong những ngày trước đây (c. 4). Khi Chúa Giêsu đón nhận những đau khổ và bất công vì vinh danh Chúa, thì Người kiện toàn những lời của Thiên Chúa đã được Cựu Ước loan báo. Chúa Giêsu trở nên mẫu gương cho chúng ta bởi vì chúng ta thường nóng vội biện minh cho mình chứ không để Chúa làm điều ấy cho chúng ta. Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa biện minh cho chúng ta thì trọn vẹn và tốt đẹp. Các câu 5-6 là một lời cầu nguyện, Phaolô cầu xin ơn hiệp nhất trong cộng đoàn tín hữu Rôma và cho điều này được thành tựu để họ có thể làm vinh danh Thiên Chúa. “Thiên Chúa kiên nhẫn”, Ngài luôn kiên nhẫn còn chúng ta thì thường vội vàng. Dường như Thiên Chúa luôn thực hiện quá chậm những lời cầu xin của chúng ta. Tuy nhiên, nếu Chúa không kiên trì nhẫn nại đối với những lỗi lầm và khuyết điểm của con người thì chúng ta đã bị tiêu diệt rồi! Trong Rm 15,9 một lần nữa Phaolô trở lại với Cựu Ước để xác quyết lập trường của ngài. Ngài trích dẫn Tv 18 (17),49 là một lời tiên tri phác họa một hoạt cảnh cho thấy mọi dân nước sẽ đến thờ lạy và ca mừng danh thánh Chúa.
Tin Mừng: Mt 3,1-12
Mátthêu đã trình bày thân thế của Chúa Giêsu xuất phát từ hoàng tộc Đavít, về sự ra đời và thời thơ ấu của Người, và đặc biệt về hành trình của những nhà chiêm tinh đến từ phương Đông đến thờ lạy Chúa. Bây giờ Mátthêu bỏ qua một quãng thời gian dài để bước vào khoảng năm 26-27 AD, và đưa chúng ta đến một vùng sa mạc cằn khô của miền Giuđê nơi ông Gioan Tẩy Giả khởi đầu sứ vụ. Khác với Luca, Mátthêu không nói gì về nguồn gốc của Gioan Tẩy Giả, cũng không cho chúng ta biết ông là bà con với Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, Gioan là nhân vật của Mùa Vọng, chúng ta cũng cần biết đôi nét về thân thế của ngài, dựa vào Luca 1,5-17; 24-28:
-Gioan là con của tư tế Zacaria.
-Thiên thần báo trước việc ngài hạ sinh.
-Gioan được đầy ơn Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ.
-Ngài là anh em họ hàng với Chúa Giêsu.
-Sứ vụ của Gioan là đưa dân trở về với Chúa; và nhờ “thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia”, một ngôn sứ ở thế kỉ thứ chín, Gioan hướng dẫn họ bước đi trong nẻo chính đường ngay để chuẩn bị đón Chúa.
-Cũng như cha mình, Gioan thuộc dòng dõi Aaron và làm tư tế.
-Gioan lớn hơn Chúa Giêsu sáu tháng tuổi.
Gioan sống ở thế kỉ thứ nhất AD, còn ngôn sứ Êlia ở thế kỉ thứ chín BC, nhưng cả hai đều có những điểm chung trong sứ vụ:
-Cả hai đều được sai đi để kêu gọi dân hoán cải để trở về với Chúa
-Cả hai đều phải đối diện với các vua gian ác và thù nghịch
-Những nhân vật quan trọng hơn kế tục sứ vụ của hai ngài
-Cả hai đều nhận được những mặc khải từ sông Giorđan
Gioan kêu gọi mọi người thống hối, nghĩa là quay trở lại với lối sống mà Israel đã cam kết trong giao ước với Thiên Chúa, giống như lời các ngôn sứ đã từng vang lên trong Cựu Ước. Sứ điệp của Gioan rền rĩ ngân vang, nhắc bảo dân chúng rằng triều đại của Thiên Chúa đã đến gần, và những gì Thiên Chúa hứa với dân tuyển chọn cũng sắp được thực hiện trọn vẹn. Lời giảng của Gioan cũng là tâm điểm sứ điệp của Chúa Giêsu. Người cũng sẽ nhắc lại cùng một điều như vậy (Mt 4,17) để mời gọi người ta sám hối đón nhận Nước Trời. Dân CƯ hiểu rõ sự cần thiết của việc xưng thú tội và hoán cải để có thể sống thân tình với Thiên Chúa. Những hi lễ đền tội tại đền thờ Giêrusalem đều bắt đầu với việc xưng thú tội lỗi và dâng lễ kì an để có thể hiệp thông với Chúa. Những của lễ bất toàn này chỉ là tượng trưng cho lễ tế hoàn hảo mà Chúa Giêsu Kitô dâng tiến (Hr 10,1-10); cũng vậy, phép rửa mà Gioan đòi hỏi dân chúng đón nhận chỉ là hình ảnh mờ nhạt báo trước Bí tích Rửa Tội của Kitô giáo.
Cc.7-12: Vào thế kỉ nhất ở miền Giuđêa xuất hiện những nhóm tôn giáo tìm tạo ảnh hưởng trên quần chúng mà nổi bật nhất là hai nhóm Pharisêu và Sađốc. Người ta biết rất ít về tổ chức của các nhóm này ngoài sách Tân Ước và những tài liệu ít ỏi của Flavius Josephus (một tư tế và sử gia Do Thái sống ở thế kỉ thứ nhất AD). Có vài điều chúng ta có thể ghi nhận về nhóm Pharisêu: (1) Ông Nicôđêmô cũng là một người Pharisêu (Ga 3,1-3; 7,45-48); (2) Cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem cũng có những người Pharisêu (Cv 15,5); (3) Ông Phaolô là một Pharisêu (Cv 23,6-9; 26,5; Pl 3,5).
Ông Gioan khiển trách hai nhóm này có lẽ bởi vì ngài không tin họ sám hối chân thành. Rắn lục là loài rắn nhỏ cực độc sống trong sa mạc. Gioan chủ ý nói họ là dòng dõi của một loài rắn độc hại, dữ dằn hơn, Con Rắn, tức là Satan. Suy nghĩ của ngài là: cũng như Satan những người này ương ngạnh chống lại Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài cho loài người (St 3,1; 14-15; Kn 2,24; Kh 12,9; 20,2; Mt 12,34 và 23,33). Thánh Phaolô cũng cho rằng những công việc tốt đẹp là dấu chứng của một lòng thống hối chân thành (Cv 26,20).
Ông Gioan sử dụng những hình ảnh của ngày mùa để có ý nói đến “mùa gặt sau cùng” khi Thiên Chúa tách biệt những người công chính đã làm trổ sinh hoa trái khỏi những kẻ gian ác trong Ngày Phán Xét cuối cùng (x. Mt 13,30; Is 41,16; Gr 15,7). Ngày ấy, những người công chính sẽ được đưa vào “kho lẫm” trên trời, còn những kẻ gian ác phải chịu thiêu đốt trong lò lửa không hề tắt. Hình ảnh này cũng là một thị kiến của thánh Gioan Tông đồ về ngày Chung Thẩm (Kh 21,11-15).
Vấn đề hôm nay là chúng ta có sẵn sàng lắng nghe và thực hành những lời khuyến giục của Lời Chúa để sám hối và đổi mới không. Chúng ta có chú tâm và tỉnh thức để có thái độ sẵn sàng cho ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang không. Chúng ta có chuẩn bị để cho Đẩng Thẩm Phán “rê sảy” chúng ta như người nông dân sàng lúa để chọn lúa mẩy và loại bỏ thóc lép? Xem GLHTCG 1038-41 về ngày Phán Xét sau cùng.
—
MỘT SỐ CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO LÍ
+ GLHTCG 50-58: Thiên Chúa đến gặp con người và tự mặc khải cho họ. “Kế hoạch yêu thương” dành cho con người. Các giai đoạn mặc khải. Giao ước với ông Nôê.
+ GLHTCG 522-524, 533-537: Gioan Tẩy Giả vị Tiền Hô của Chúa. Phép Rửa bởi nước và Thánh Thần.
+ GLHTCG 702: Thần Khí của Thiên Chúa chuẩn bị cho thời đại Đấng Messia.
Lm. Giuse Ngô Quang Trung