Tìm Hiểu Về Cử Hành Thánh Thể: Bài 1-3

print

Tìm Hiểu Về Cử Hành Thánh Thể: Bài 1-3

BÀI 1: CẤU TRÚC THÁNH LỄ.

BÀI 2: QUY TỤ.

BÀI 3: CUỘC RƯỚC NHẬP LỄ.

 

WHĐ (09.10.2023) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 1: CẤU TRÚC THÁNH LỄ

Tính từ Công đồng Trentô cho tới nay, kể như chúng ta có hai cuốn Sách lễ Rôma chủ yếu: đó là Sách lễ Rôma của Đức Piô V ra đời năm 1570 (thường gọi là Sách lễ 1570) và Sách lễ Rôma của Đức Phaolô VI ra đời năm 1970 (ấn bản mẫu thứ I). Sách lễ của Đức Phaolô VI tiếp tục có ấn bản mẫu thứ II vào năm 1975 và ấn bản mẫu thứ III vào năm 2002. Cử hành thánh lễ theo Sách lễ Roma do Đức Piô V ban hành với phiên bản cuối cùng được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII công bố vào năm 1962 được gọi là cử hành theo hình thức/nghi thức ngoại thường. Còn cử hành theo Sách lễ Roma được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI ban hành năm 1970 được gọi là cử hành theo hình thức/nghi thức thông thường (x. Tự sắc Summorum Pontificum).

I. CẤU TRÚC THÁNH LỄ THEO ĐỨC PIÔ V

A- Chuẩn bị

* Lời cầu nguyện dưới chân bàn thờ

– Dấu thánh giá

– Thánh vịnh 42

– Cáo mình

– Lời cầu xin

– Lời nguyện thanh tẩy – bước lên bàn thờ

– Hôn bàn thờ

– Lời cầu trên xương thánh

B- Phần I: Tiền Hiến Lễ

– Xông hương (lễ trọng)

– Ca nhập lễ

– Kinh Thương xót

– Kinh Vinh danh

– Lời tổng nguyện

– Thánh thư

– Đáp ca và Alleluia

– Lời nguyện thanh tẩy

– Tin Mừng

– Hôn Tin Mừng

– Kinh Tin kính

C- Phần II: Hiến Lễ

1) Chuẩn bị hiến lễ

– Ca tiến lễ + chuẩn bị vễ vật

– Lời nguyện trên bánh

– Pha rượu với nước

– Lời nguyện trên chén

– Lời nguyện thầm

– Lời cầu Chúa Thánh Thần

– Xông hương

– Rửa tay

– Lời nguyện Ba Ngôi

– Mời gọi

– Lời nguyện tiến lễ

2) Lễ quy

– Lời tiền tụng

– Lễ Quy cố định (Kinh Tạ Ơn I/Kinh Nguyện Thánh Thể I)

3) Hiệp lễ

– Mời gọi

– Kinh Lạy Cha

– Lời chuyển cầu Đức Mẹ và các thánh

– Bẻ bánh + chúc bình an

– Kinh Chiên Thiên Chúa

– Lời cầu bình an (bỏ khi dâng lễ cầu hồn)

– Hai lời nguyện thầm – cúi sâu

– Lời nguyện thầm + linh mục đấm ngực + rước Mình Thánh

– Lời nguyện thầm + linh mục rước Máu Thánh

– Kinh cáo mình (giáo dân)

– Mời gọi

– Giáo dân rước lễ

– Tráng chén

– Ca hiệp lễ

– Lời nguyện hiệp lễ

D- Kết thúc Thánh lễ

– Chào + giải tán

– Lời cầu Ba Ngôi

– Hôn bàn thờ + Phép lành

– Tin Mừng cuối lễ (Ga 1,1-14)

– Lời nguyện sau lễ (bỏ, nếu sau đó có một cử hành phụng vụ khác)

II. CẤU TRÚC THÁNH LỄ HIỆN NAY

A- Nghi thức Đầu lễ

– Ca nhập lễ

– Dấu thánh giá

– Lời chào chúc

– Lời dẫn lễ

– Hành động thống hối

– Kinh Lạy Chúa, xin thương xót (Kyrie)

– Kinh Vinh danh (Gloria)

– Lời nguyện nhập lễ

B- Phụng vụ Lời Chúa

– Các bài đọc Sách Thánh và những bài xen kẽ.

+ Bài đọc I

+ Thánh vịnh đáp ca

+ Bài đọc II (trong lễ Chúa nhật và lễ trọng)

+ Ca tiếp liên (trong một số lễ)

+ Tung hô Tin Mừng “Alleluia”

+ Bài Phúc Âm

– Bài giảng

– Kinh Tin kính

– Lời nguyện tín hữu (Lời nguyện Chung)

C- Phụng vụ Thánh Thể

– Chuẩn bị lễ vật

+ Dâng bánh rượu

+ Rửa tay

+ Kêu mời cầu nguyện

+ Lời nguyện tiến lễ

– Kinh Nguyện Thánh Thể / Kinh Tạ Ơn

+ Lời Tiền tụng

+ Kinh Thánh, Thánh, Chí Thánh

+ Kinh khấn xin Chúa Thánh Thần (Epiclesis)

+ Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể

+ Tung hô tưởng niệm

+ Kinh tưởng nhớ (Anamnesis)

+ Kinh cầu cho kẻ sống và kẻ chết

+ Vinh tụng ca kết thúc

– Nghi thức hiệp lễ

+ Kinh Lạy Cha

+ Kinh Chiên Thiên Chúa

+ Rước lễ

+ Tráng chén

+ Lời nguyện hiệp lễ

D- Nghi thức kết lễ

– Phép lành cuối lễ

– Giải tán

BÀI 2: QUY TỤ

I/ VĂN KIỆN

“Vì chưng, dân này là dân Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu Đức Kitô, được Chúa quy tụ, được lời Chúa nuôi dưỡng, là dân được kêu gọi để dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của toàn thể gia đình nhân loại, là dân, trong Chúa Kitô, dâng lời tạ ơn về mầu nhiệm cứu độ, khi dâng hy lễ của Chúa Kitô; và, sau hết, là dân liên kết với nhau nên một, nhờ việc thông hiệp với Mình và Máu Đức Kitô. Dân này, mặc dầu từ nguồn gốc đã là thánh, nhưng nhờ tham dự ý thức, tích cực và hữu hiệu vào mầu nhiệm Thánh Thể, sẽ liên lỉ tấn tới trên con đường thánh thiện.” (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL], số 5)

II/ LỊCH SỬ

Trước thế kỷ IV, Thánh lễ không có nghi thức mở đầu (Apologia, số 67). Ngay cả phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh trước năm 1955, xét như một bằng chứng còn sót lại, Thánh lễ theo nghi lễ Rôma cũng chỉ bắt đầu với những Bài đọc Kinh Thánh.[1]

Trong khoảng thế kỷ IV –VIII, chung chung, Thánh lễ được mở đầu bằng buổi canh thức cầu nguyện với nhiều lời kinh khác nhau, sau đó, Đức Giám mục sẽ đọc lời nguyện kết thúc.

Từ thời Cựu Ước, dân Chúa đã khao khát nguyện xin được vào cư ngụ (quy tụ) trong nhà Chúa hay trên núi thánh của Chúa (Tv 15,1-2). Trong thời Tân Ước, Chúa Giêsu dạy dân chúng quy tụ lại mà cầu nguyện (Mt 18,20). Thế rồi, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, những người theo Chúa cũng tề tựu ở một nơi nhân ngày lễ Ngũ tuần (Cv 2,1).

Đầu thế kỷ II, sách Didache khuyên các tín hữu “hãy quy tụ lại với nhau vào ngày của Chúa để bẻ bánh và dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa….”[2] Cũng trong thế kỷ này, thánh Justinô mô tả rằng “vào ngày, gọi là ngày mặt trời (Chúa nhật), tất cả những người ở thành thị cũng như ở thôn quê đều họp lại một nơi…đó là ngày Thiên Chúa biến đổi bóng tối thành ánh sáng…và là ngày Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta sống lại từ cõi chết.” [3]

Giống như thời Hội Thánh sơ khai, trong Ngày của Chúa [hay Chúa nhật], chúng ta họp nhau lại / quy tụ lại trong thánh đường để lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hy lễ Tạ ơn, để kính nhớ cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã dùng sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô mà tái sinh chúng ta trong niềm hy vọng sống động (x. 1P 1,3; PV 106).

III/ Ý NGHĨA

Mục đích của nghi thức đầu lễ là quy tụ cộng đoàn và hình thành cộng đoàn nên một dân của Chúa Kitô, được hiệp thông với nhau cũng như chuẩn bị lòng trí chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể cho xứng đáng.[4]

Có thể nói, Thánh lễ bắt đầu vào lúc chúng ta quyết định đến với nhau để cử hành tình yêu của Chúa. Chúng ta đến với nhau từ những phương trời khác nhau, từ những hoạt động và hoàn cảnh khác nhau… Tuy nhiên, chúng ta đến với nhau không phải như những cá thể biệt lập hay những như người quan sát câm lặng, chỉ có mặt để “xem lễ” (PV 48; Ep 2,19-22), mà là cuộc quy tụ thành:

– Một cộng đoàn phụng tự với tư cách là con cái Thiên Chúa, là dân thánh, dân riêng của Chúa (x. 1Pr 2,9-10), là những anh chị em tín hữu trong gia đình của Thiên Chúa, là những người được cứu chuộc, đến đây để cảm nếm trước bàn tiệc cánh chung (x. QCSL 24).[5]

– Một cộng đoàn đức tin bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã và đang hành động trong lịch sử nhân loại, cách đặc biệt hơn, Ngài vẫn can dự vào lịch sử chính cuộc đời của mỗi người. Đây là một cuộc tụ họp do Chúa Kitô và nhân danh Chúa Kitô, Đấng luôn luôn đi trước dẫn đầu Hội Thánh, Đấng vô hình nhưng thực sự làm chủ tế trong Thánh lễ, chính Người tập hợp dân tư tế của Người (x. 1 Pr 2,9); Đấng hướng dẫn chúng ta trên hành trình về đất hứa mới, nơi chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô và với nhau.[6]

IV/ SUY NIỆM[7]

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tìm kiếm thánh nhan Ngài trong Thánh lễ, nhưng Ngài lại ẩn khuất dưới bức màn của các biểu tượng, ẩn dụ và thi ca. Chúng con đến nơi thánh này để tìm kiếm Chúa, nhưng thay vì tỏ mình ra cho chúng con, Ngài lại cho chúng con thấy một đoàn dân đang được quy tụ. Tại sao anh chị em chúng con lại ở đây? Bởi vì Chúa đã quy tụ chúng con. Chúa đã làm như thế, để rồi nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, hợp nhất với Chúa Thánh Thần, chúng con có thể tôn thờ Chúa Cha trong thần khí và sự thật.

Có những khuôn mặt thân quen, nhưng cũng nhiều người xa lạ. Chúng con tìm kiếm thánh nhan Chúa, nhưng Chúa lại tỏ cho chúng con thấy một đoàn dân quy tụ về đây từ muôn phương và Chúa muốn chúng con nhìn thấy Chúa ở trong họ!

Có lẽ câu ngạn ngữ này thật đúng ở đây “thân quá hóa nhờn” hay “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Làm thế nào chúng con có thể diện kiến dung nhan Chúa nơi những người chúng con quen biết? Chúa muốn chúng con cảm nhận sự hiện diện của Chúa ở nơi những người này sao? Chúng con phải nhìn ngắm Chúa đằng sau bức màn yếu đuối và ích kỷ của họ sao? Lạy Chúa, Chúa đang thử thách đức tin của chúng con khi Chúa chỉ dạy chúng con rằng họ là biểu tượng của Chúa; họ là anh chị em của Chúa?

Vâng, chúng con tin, bởi vì tất cả những người ở đây đều thuộc về thân mình mầu nhiệm của Chúa; bởi vì đây là mầu nhiệm của Hội thánh, một Hội thánh mà Chúa đã hòa giải rồi nhưng vẫn còn cần phải tiếp tục hòa giải nữa. Xin giúp chúng con chấp nhận chân lý này: Giáo hội thì thánh thiện nhưng vẫn gồm những tội nhân. Xin hãy giúp chúng con nhận ra thực tại của Hội thánh nơi những người đã được tắm gội trong ánh sáng ân sủng của Chúa nhưng có thể vẫn còn đang ngồi trong tăm tối và bóng tử thần.

Vì thân mình mầu nhiệm của Chúa mà chúng con gia nhập hàng tư tế hầu dâng lên Chúa Thánh lễ mỗi ngày. Những ai đang than khóc, xin Chúa an ủi họ và lau sạch những giọt lệ của họ bằng bàn tay cảm thương của Chúa. Những ai đang mừng vui hạnh phúc, xin Chúa gìn giữ họ an lành bằng sự chăm sóc đầy tình thương của Chúa, đừng để bất kỳ tai họa nào biến niềm vui của họ thành ưu sầu. Những ai đang phải xa nhà xa quê: lạy Chúa, xin hãy đồng hành với họ và trở thành nơi trú ngụ của họ, vì Chúa không xa lạ đối với những kẻ bị cô đơn hay bị xa lánh. Có những người đang vui thú cùng đi với gia đình và bạn bè: xin Chúa hãy dự phần vào niềm hạnh phúc của họ, như Chúa đã từng hoan hỷ bên những bạn hữu của Chúa ở Betania.

Lạy Chúa, xin cũng nhớ đến những ai không thể đến tham dự Thánh lễ cùng với chúng con. Chắc họ thật tình chú tâm đến tiếng gọi mời của Chúa, họ cũng muốn dành thời khắc nghỉ ngơi này với chúng con, nhưng họ vẫn phải lai lưng làm việc để kiếm kế sinh nhai, thậm chí cả trong ngày Chúa nhật. Nếu không làm việc hôm nay, có thể họ chẳng có gì để sinh sống. Xin dạy chúng con, trong khi hưởng thụ những giây phút cuối tuần, biết quan tâm đến những anh chị em có cùng một nhu cầu và quyền lợi như chúng con, nhưng lại không thể ngừng nghỉ lao tác để nghỉ ngơi vì đang lâm cảnh nghèo nàn và túng quẫn. Lạy Chúa, Chúa đã không lơ là với chim trên trời hay hoa huệ ngoài đồng: xin đừng để cho những anh chị em nghèo túng phải thất vọng về tình yêu quan phòng của Chúa và cũng đừng để họ không đón nhận được những hồng phúc của Chúa trên trần gian này. Amen.

BÀI 3: CUỘC RƯỚC NHẬP LỄ

I. VĂN KIỆN

Khi dân chúng đã tập họp, và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát ca nhập lễ… (QCSL 47).

II. LỊCH SỬ

Thời Hội Thánh sơ khai và thời bị bách hại, vì nghi lễ bẻ bánh diễn ra tại các nhà tư, nên chắc chắn là không có cuộc rước nhập lễ. Chỉ khi ra đời những nhà thờ rộng lớn (basilica) từ thế kỷ thứ IV [với các lối đi cân đối dẫn vào vương cung thánh đường] thì mới nảy sinh cuộc rước nhập lễ vốn không thể thiếu trong phụng vụ Thánh lễ Chặng viếng.[1]

Có hai lý do khiến cho cuộc rước nhập lễ ngày càng khác xa với cuộc rước nhập lễ nguyên thủy trong Thánh lễ Giáo hoàng / Giám mục ngày xưa, tức là chúng trở nên đơn giản và mất dần, thường lộ trình cuộc rước chỉ còn từ phòng thánh tới cung thánh. [i] Thứ nhất, khi Thánh lễ dần dần liên kết với cử hành Phụng vụ Giờ kinh mà các giáo sĩ tề tựu để đọc; [ii] Thứ hai, vào thời Trung cổ, khi thay đổi vị trí phòng thánh [vốn chứa các lễ phục trong đó (phòng áo)] từ khu vực ở cuối thánh đường sang gần phía đầu cung thánh.[2]

Ngày nay, cuộc rước nhập lễ đã được phục hồi như sau:

– Khi giáo dân đã tập hợp, vị tư tế và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới bàn thờ theo thứ tự sau đây: [a] Người mang bình hương có đốt hương sẵn, nếu có xông hương; [b]Các thừa tác viên cầm nến và thầy giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm thánh giá đi giữa họ; [c] Các thầy giúp lễ và các thừa tác viên khác; [d] Thầy đọc sách, thầy này có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách Bài đọc, nâng cao lên một chút; [e] Vị chủ tế,  nếu có xông hương, linh mục sẽ bỏ hương trước khi đi rước, chúc lành bằng dấu thánh giá, mà không nói chi hết (QCSL 120).

– Hai tay nâng sách Tin Mừng, thầy phó tế đi trước vị tư tế mà tiến đến bàn thờ; nếu không có cầm sách thì thầy đi bên cạnh chủ tế (QCSL 172).

III. Ý NGHĨA

Cuộc rước nhập lễ báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Cuộc rước này nhắc nhở chúng ta về chiều kích lữ hành của cuộc sống. Đó là biểu tượng chúng ta đang cùng nhau bước trên một hành trình thánh như: [i] Hành trình của dân Israel tiến bước trong sa mạc dưới sự hướng dẫn của Môsê, Giôsuê… để tìm về đất hứa (x. Ex 19,4); và rồi trong hành trình này, Thiên Chúa đã ban man-na làm lương thực nuôi dưỡng họ; [ii] Hành trình bước theo Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đi lên Giêrusalem; hơn nữa còn vượt qua thế giới này để đi đến với Đấng mà Người gọi là ‘Áp-ba’ (Abba), Cha ơi!;[3] [iii] Là hành trình của “Dân Chúa đang tiến vào Nhà Chúa.”[4]

Khi vị chủ tế từ bên ngoài đi vào giữa những người đang quy tụ để cử hành phụng vụ, bấy giờ cộng đồng trong Đức Kitô sẽ được thiết lập một cách đầy đủ như một dấu chỉ thay thế cho một Hội Thánh rộng lớn hơn và cho toàn thể nhân loại. Biểu tượng phụng vụ này của cộng đồng sẽ được hoàn tất vào lúc giải tán cuối Thánh lễ khi những anh chị em tham dự Thánh lễ được sai đi len lỏi vào trong thế giới để tiếp tục thi hành sứ mệnh tông đồ của Hội Thánh là quy tụ tất cả mọi người trở thành một Thân Mình Đức Kitô (Dt 13,12-14).[5]

Đi đầu đoàn rước cũng có thể là thừa tác viên cầm bình hương nghi ngút khói [nếu hương được sử dụng] hầu nhắc chúng ta nhớ đến lời cầu nguyện của các thánh dâng lên Đấng Tối Cao, cũng là một dấu hiệu cho thấy Hội Thánh lữ hành là nơi cư ngụ của Thiên Chúa trên trần gian như Ngài ngự trong đền thờ Giêrusalem vậy, và dân Thiên Chúa chính là đền thờ mới của giao ước mới: Xh 13,21, 15,13; Gs 3,6.11; 4,11; Tv 43,3; 78,14 (x. QCSL 117, 120).[6]

Sách Tin Mừng sau khi rước vào trong cung thánh sẽ được đặt trên bàn thờ nhằm diễn tả sự hợp nhất của hai biểu tượng hàng đầu của Chúa Kitô, tức Lời Chúa và Thánh Thể: Lời của Ngài qua dấu chỉ Sách Tin Mừng và Mình của Ngài qua dấu chỉ bàn thờ (x. QCSL 122, 173, 195; GLCG 1382); đây cũng là hai đối tượng được linh mục và phó tế hôn kính (x. NTTL 1, 16; QCSL 273).[7] 

IV. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ

1) Nên tổ chức thường xuyên những cuộc rước đầu lễ long trọng vào ngày Chúa nhật và những dịp lễ lớn (QCSL 120-21).[8]

2) Nên nhớ rằng tiếng hát của con người mới thuộc về “thần thánh” và cao trọng hơn mọi nhạc cụ trần gian (x. Tra le Sollecitudini, no. 16; x. Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc [= MVTN], 44, 47). Vậy, (i) có thể diễn tấu riêng với đại phong cầm hoặc các nhạc cụ khác trước khi nhập lễ. Đoàn rước không di chuyển khi đang diễn tấu (MVTN 47); (ii) trống, trắc không chuyển tải được lời, nên chỉ sử dụng khi tập họp cộng đoàn, trước khi đi rước; (ii) kèn thổi khi đường rước xa, nhưng phải ngưng khi đoàn rước tiến tới cửa nhà thờ và phải thổi theo bài thánh ca được chuẩn nhận;[9] (iii) phải tránh trường hợp đoàn đồng tế đã tới cung thánh rồi mà ca đoàn / cộng đoàn vẫn chưa hát ca nhập lễ (x. QCSL 44, 121, 139).[10]

3) Người giúp lễ phải xin chủ sự bỏ hương vào bình hương trước khi cuộc rước bắt đầu (QCSL 120; LNGM 127).

4) Đi đầu đoàn rước có thể là thừa tác viên cầm bình hương chủ động xông hương bằng cách lắc bình hương bên hông phải của mình theo hướng trước và sau cho khói bay nghi ngút[11] biểu tượng cho lời cầu nguyện của các thánh dâng lên Đấng Tối Cao, cũng là một dấu hiệu cho thấy Hội Thánh lữ hành là nơi cư ngụ của Thiên Chúa trên trần gian như Ngài ngự trong đền thờ Giêrusalem vậy, và dân Thiên Chúa chính là đền thờ mới của giao ước mới: Xh 13,21, 15,13; Gs 3,6.11; 4,11; Tv 43,3; 78,14 (x. QCSL 117, 120).[12]

5) Nếu không có đủ số người giúp lễ, đoàn rước [đơn giản] có thể được dẫn đầu bởi 2 người giúp lễ cầm nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô mang đến và được lan tỏa nhờ các cuộc lễ.[13]

6) Chỉ rước Sách Tin Mừng [do phó tế / linh mục đồng tế / thầy giúp lễ mang] chứ không phải Sách Bài đọc và vị trí của người mang Sách Tin Mừng là ở ngay trước các vị có chức thánh. Tại Việt Nam, giáo dân không được dự trù để mang Sách Tin Mừng trong nghi thức này (x. QCSL 120d, 172, 194, 117, 210; LNGM 128).[14]

7) Cuộc rước phải hướng về Chúa Kitô chứ không về bất cứ ai khác. Vì vậy, chủ tế / các linh mục đồng tế phải tránh vẫy tay chào ai đó đang khi đi rước như thể các ngài là nhân vật nổi tiếng đang bước đi giữa một đám đông đầy thán phục mình. Lúc này, mọi người phải lo chăm chú ca hát chứ không phải hành động như thế.[15]

8) Khi tới gần bàn thờ, những ai trong đoàn rước không mang gì thì sẽ cúi sâu chào bàn thờ; còn những người đang cầm vật gì thì chỉ cúi đầu (x. NTTL 1; QCSL 49, 274).[16]

9) Thừa tác viên mang Sách Tin Mừng không cúi chào bàn thờ nhưng đi thẳng lên bàn thờ, cung kính đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ (x. LNGM 129); sau đó phó tế / vị đồng tế cầm Sách Tin Mừng mới hôn lên bàn thờ để tỏ lòng kính trọng và yêu mến Đức Kitô xét vì bàn thờ không chỉ là bàn tiệc Thánh Thể mà còn là dấu chỉ của chính Chúa Kitô, Đấng là đá tảng và nền móng của chúng ta (x. NTTL 1; QCSL 49, 120d, 173, 195).[17]

10) Chủ tế phải hôn kính bàn thờ trước rồi mới xông hương sau chứ không làm ngược lại vì các bản văn hướng dẫn của Hội Thánh đều ghi theo trình tự đó hầu cho thấy hôn kính bàn thờ là hành động phải làm trong mọi Thánh lễ, còn xông hương chỉ là hành động tùy nghi hay phụ thêm (x. NTTL 1; QCSL 49, 123, 276; LNGM 131).

—-

[1] John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 94.

[2] X. Johannes H. Emminghaus (Collegeville: The Liturgical Press, 1997), The Eucharist: Essence, Form, Celebration, 105.

[3] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10 – 17/06/2012), số 60.

[4] J. Gélineau, Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 1992), 156.

[5] John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist, 94.

[6] X. McNamara, “Who Goes First in a Procession,” Zenit.org/The Zenit Daily Dispatch (31 May 2005), https://www.ewtn.com/catholicism/library/who-goes-first-in-a-procession-4950; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain (Perpignan: Editions Artège, 2012), 75-76.

[7] X. Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 3.

[8] Edward McNamara, “Đoàn rước Chủ tế buộc cần có Thánh giá và Nến không?” (13/12/2016), dg. Nguyễn Trọng Đa, http://conggiao.info/doan-ruoc-chu-te-buoc-can-co-thanh-gia-va-nen-khong-d-39368.

[9] Ủy Ban Phụng Tự/HĐGM.VN, “Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 – Cử hành Thánh lễ” (16/08/2023), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dao-tao-phung-vu-cho-dan-chua-bai-1-cu-hanh-thanh-le-52401.

[10] X. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 121.

[11] Nguyễn Văn Vi, “Giải Đáp Thắc Mắc Về Phụng Vụ”, Tập San Phụng Vụ, số 10 (06/1972): 62; X. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 165.

[12] X. McNamara, “Who Goes First in a Procession,” Zenit.org/The Zenit Daily Dispatch (31 May 2005), https://www.ewtn.com/catholicism/library/who-goes-first-in-a-procession-4950; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain (Perpignan: Editions Artège, 2012), 75-76.

[13] X. Marc B. Caron, “Liturgical Traditions: The Entrance Procession,” Adoremus online (Dec. 27, 2018), https://adoremuno.org/2018/12/liturgical-traditions-the-entrance-procession/; x. Dom Robert Le Gall, “Nến cao” trong Từ Điển Phụng Vụ, 203.

[14] X. A. Fortescue, J.B. O’Connell, A. Reid, The Ceremonies of the Roman Rite Described (London: Bloomsbury, 2009), 137, 207; McNamara, “Who Goes First in a Procession” (31 May 2005), https://www.ewtn.com/catholicism/library/who-goes-first-in-a-procession-4950.

[15] X. Paul Turner, Ars Celebrandi (Collegeville: Liturgical Press, 2021), 124, 126, Kindle.

[16] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 249.

[17] X. McNamara, “Carrying the Book of the Gospels” (16 July 2019), https://www.ewtn.com/catholicism/library/carrying-the-book-of-the-gospels-13347.