Tin Mừng Gia Đình (Bài 1 – Bài 3)

print

Tin Mừng Gia Đình

Vũ Văn An

VCN

Lời giới thiệu.

Dẫn nhập: Khám phá lại Tin Mừng Gia Đình.

Tin Mừng Gia Đình, Gia đình trong trật tự tạo dựng.

Tin Mừng Gia Đình, Cơ Cấu Tội Lỗi Trong Đời Sống Gia Đình.

 

Lời giới thiệu

Đây là tựa đề cuốn sách nhỏ của Đức Hồng Y Walter Kaspers, ghi lại bài trình bày của ngài trước Công Nghị Đặc Biệt các Hồng Y trong 2 ngày 20 và 21 tháng Hai, năm 2014, theo yêu cầu của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô. 

Trong lời tựa của cuốn sách, Đức Hồng Y Walter Kaspers cho rằng bài trình bày này cung cấp nền tảng thần học cho cuộc thảo luận tiếp theo giữa các vị Hồng Y, và, do đó, dẫn nhập một cuộc thảo luận mục vụ có cơ sở thần học trong diễn trình Thượng Hội Đồng đặc biệt vào mùa thu 2014 và trong Thượng Hội Đồng thông thường vào cuối năm 2015. Với sự thuận tình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các vấn đề mà đôi lúc được thảo luận gay cấn trong Giáo Hội cũng đã được bao gồm trong cuốn sách nhỏ này.

Chủ đề của Thượng Hội Đồng “Các Thách Đố Mục Vụ đối với Gia Đình trong Bối Cảnh Rao Giảng Tin Mừng” cho thấy rõ: các vấn đề mục vụ cấp thiết có thể được xử lý không phải riêng rẽ mà chỉ có thể trên căn bản và hoàn toàn trong trong bối cảnh của Tin Mừng và sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng, một sứ mệnh chung cho mọi người đã chịu phép rửa. Chính vì lý do này, các Kitô hữu sống trong các gia đình và cả những người đôi lúc trải nghiệm các tình huống khó khăn của gia đình phải là những người có tiếng nói hàng đầu trong cuộc thảo luận. 

Cuốn sách nhỏ này không có ý định đánh phủ đầu giải đáp của Thượng Hội Đồng; đúng hơn nó muốn nêu bật các vấn đề và chuẩn bị một nền tảng cho chúng. Ta chỉ có thể đạt tới một giải đáp hy vọng sẽ đồng tâm nhờ bước theo con đường cùng nhau suy niệm sứ điệp của Chúa Giêsu, trao đổi các kinh nghiệm và luận điểm một cách cởi mở, và trên hết, cùng nhau cầu xin Thánh Thần Thiên Chúa. 

Thượng Hội Đồng Đặc Biệt cuối năm 2014 đã kết thúc với bản tường trình sau cùng đưa ra các đường hướng thảo luận chính cho Thượng Hội Đồng Thông Thường vào cuối năm 2015. Khoảng giữa hai Thượng Hội Đồng là thời gian dành cho việc học hỏi và thảo luận, chuẩn bị hữu hiệu cho phiên kết thúc, trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban tông huấn hậu thượng hội đồng cho tòan thể Giáo Hội. 

Như đã biết, Thượng Hội Đồng Về Gia Đình năm 2015 đã diễn ra trong bầu khí tranh luận đôi lúc gay gắt, kết quả: vấn đề cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời được rước lễ, một vấn đề hàng đầu được nêu ra, đã không được thông qua với đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, theo chỉ thị của Đức Phanxicô, nó đã được duy trì trong Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Đồng và được lồng vào Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia của ngài.

Vấn đề ấy gây tranh cãi trước, trong và sau Thượng Hội Đồng năm 2015 thế nào, nó cũng gây tranh cãi trước, trong và sau khi công bố Amoris Laetitia như thế. Người ta không biết đến bao giờ, cuộc tranh cãi này mới chấn dứt, khi Đức Phanxicô vẫn khăng khăng từ chối không trả lời các thắc mắc (dubia) của Bốn Vị Hồng Y.

Theo nữ ký giả Maria Clara Bingemer, trong số tháng 7/8, 2018 của Tạp Chí Foreign Affairs, thì sự khăng khăng trên không hẳn là ngang bướng. Kết án như thế là không biết gì tới bối cảnh linh đạo Dòng Tên của Đức Phanxicô.

Thực vậy, Thánh Inhã thành Loyola, vị sáng lập ra Dòng Tên, vốn dạy rằng khi người ta đưa ra một quyết định trước mặt Thiên Chúa và với cảm quan bình an và thanh thản nội tâm, họ phải tiếp tục tiến bước thay vì rút khỏi hay thay đổi đường đã vẽ. Và đấy là triết lý hành động của Đức Phanxicô, một người sẵn sàng nhìn nhận sai lầm, như đã chứng tỏ trong vụ tai tiếng che đậy lạm dụng tình dục tại Chile: “tôi đã mắc lầm lỗi nặng nề” và sau đó là diễn trình sửa sai thẳng thừng không e ngại. 

Như thế viễn ảnh một số người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời được rước lễ sẽ được thể hiện ít nhất trong thời Đức Phanxicô còn làm giáo hoàng. Chủ trương này, không ai chối cãi là do gợi hứng của Đức Hồng Y Walter Kasper qua hai tác phẩm “Tin Mừng Gia Đình” và “Lòng Thương Xót, Yếu Tính Của Tin Mừng và Chìa Khóa Dẫn Vào Đời Sống Kitô Giáo” của ngài.

Do đó, muốn hiểu chiều hướng mục vụ gia đình của Đức Phanxicô, đọc lại hai tác phẩm của vị Hồng Y người Đức này là điều hữu ích. Chúng tôi đã chuyển nguyên văn tác phẩm sau sang tiếng Việt và phổ biến trên vietcatholic.net của như thanhlinh.net cách nay hơn 2 năm. Riêng cuốn trước, chúng tôi cũng đã chuyển sang tiếng Việt và phổ biến phần lớn trên hai trang mạng vừa nói. Nay, xin chuyển dịch toàn cuốn để độc giả tra cứu đầy đủ hơn. 

Các chữ viết tắt

AA: Công Đồng Vatican II, Apostolicam Actuasitatem: Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân (1965)
AG: Công Đồng Vatican II, Ad Gentes: Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội (1965)
SGLCGHCG: Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Bản dịch của Tổng Giáo Phận Sài Gòn năm 1993
DH: Heinrich Denzinger, ed., Enchiridion symbolorum: Definitionum et declarationum de rebus fidei et morum. Freiburg: Herder, 1963
DV: Công Đồng Vatican II, Dei Verbum: Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa (1965).
EG: Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Evangelii Gaudium: Tông Huấn về Loan Báo Tin Mừng Trong Thế Giới Ngày Nay (2013).
EN: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi: Tông Huấn về Truyền Giảng Tin Mừng Trong Thế Giới Ngày nay (1975)
FC: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio: Tông Huấn về Vai Trò Của Gia Đình Kitô Hữu Trong Thế Giới Hiện Đại (1981)
GS: Công Đồng Vatican II, Gaudium et spes: Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Hiện Đại (1965). 
LG: Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium: Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (1964)
SC: Công Đồng Vatican II, Sacrosanctum Concilum: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (1963)
UR: Công Đồng Vatican II, Unitatis Redintegratio: Sắc Lệnh Về Đại Kết (1964)

 

Dẫn nhập: Khám phá lại Tin Mừng Gia Đình 

Trong năm quốc tế gia đình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi Giáo Hội bước vào một diễn trình thượng hội đồng liên quan tới Các Thách Đố Mục Vụ của Gia Đình trong Bối Cảnh Truyền Giảng Tin Mừng. Trong tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), ngài viết: “Gia đình, cũng như mọi cộng đồng và dây liên kết xã hội, đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng văn hóa sâu xa. Trong trường hợp gia đình, việc làm suy yếu các sợi dây này đặc biệt nghiêm trọng vì gia đình là tế bào nền tảng của xã hội” (EG, 66). Nhiều gia đình ngày nay thấy mình đang đương đầu với nhiều khó khăn nghiêm trọng. Hàng triệu người rơi vào tình thế di dân, trốn chạy và buộc phải rời cư, hay vào các tình huống hạ nhân phẩm của cùng cực, trong đó, một cuộc sống gia đình ngăn nắp ít có thể có được. Thế giới đương thời rơi vào một cơn khủng hoảng nhân học. Chủ nghĩa duy cá nhân và duy tiêu thụ đang thách thức nền văn hóa truyền thống của gia đình. Các điều kiện kinh tế đôi khi làm cho sự gắn bó của gia đình và việc chung sống trở nên khó khăn hơn. Thành thử, con số những người xa lánh việc thành lập một gia đình hay không thể hiện được mục đích của đời sống họ, cũng như con số các trẻ em không có cái may mắn được lớn lên trong một gia đình ngăn nắp đàng hoàng, đã gia tăng một cách đáng kể. 

Giáo Hội, người vốn chia sẻ các niềm vui và hy vọng, các nỗi buồn và lo lắng của nhân loại, nhất là người nghèo (GS,1), bị tình thế này thách thức. Trong Năm Quốc Tế Gia Đình trước đây, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thay đổi câu “Con người là đường đi của Giáo Hội” trong thông điệp Redemptoris Hominis (1979) của ngài thành “Gia đình là đường đi của Giáo Hội” (2 tháng Hai, 1994). Là bởi vì một con người nhân bản thông thường đã vào đời trong một gia đình và thông thường đã lớn lên giữa lòng một gia đình. Trong mọi nền văn hóa của lịch sử con người, gia đình là đường đi thông thường của các hữu thể nhân bản. Cả ngày nay nữa, số lớn người trẻ đi tìm hạnh phúc của đời họ nơi một gia đình ổn định. Tuy nhiên, một khoảng cách lớn đang mở ra giữa giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình và các xác tín đem ra sống của nhiều Kitô hữu. Ngay với nhiều Kitô hữu, giáo huấn của Giáo Hội xem ra không liên hệ gì với thế giới và với đời sống. Nhưng chúng ta cũng phải nói và nói một cách hân hoan rằng: vẫn còn nhiều gia đình rất tốt lành, họ làm hết sức để sống đức tin của Giáo Hội và làm chứng cho cái đẹp và cái vui của đức tin đem ra sống giữa lòng gia đình. Họ thường là thiểu số, nhưng là một thiểu số rất khác biệt. Tình thế hiện thời của Giáo Hội không hẳn là độc nhất. Ngay Giáo Hội của các thế kỷ đầu cũng phải đương đầu với các ý niệm và mô thức hôn nhân và gia đình khác với những điều Chúa Giêsu rao giảng, rất mới lạ, đối với cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp và Rôma. Cho nên, lập trường của chúng ta không thể là lập trường tự do thích nghi với hiện trạng, nhưng đúng hơn, là một lập trường triệt để, trở lại tận gốc, nghĩa là, một lập trường trở lại với Tin Mừng và từ viễn tượng ấy nhìn về phiá trước. Do đó, trong tình huống của chúng ta, đây là trách vụ của diễn trình thượng hội đồng nhằm phát biểu lại tin mừng gia đình, một tin mừng luôn là như thế nhưng lại luôn mới mẻ (EG, 1). 

Bài trình bày này không thể bao trùm các vấn đề mới đây nhất cũng như dự ứng kết quả của Thượng Hội Đồng, vốn có nghĩa là con đường (odos) chung (syn) của toàn thể Giáo Hội, một con đường chăm chú lắng nghe nhau, trao đổi ý kiến, và cầu nguyện. Bài trình bày này muốn là một thứ mở đường nhằm dẫn nhập chủ đề, với hy vọng rằng, cuối cùng, ta sẽ được nghe một bản hợp xướng gồm mọi tiếng nói của Giáo Hội, kể cả của những người hiện nay phần nào khác giọng. 

Chủ đề của ta không phải là “Giáo huấn của Giáo Hội về Gia Đình” (1) mà là “Tin Mừng Gia Đình”. Theo cách này, ta trở về nguồn mà từ đó giáo huấn kia đã phát sinh. Công Đồng Trent từng nói rằng Tin Mừng, khi được tin và được sống trong Giáo Hội, là nguồn mọi sự thật cứu rỗi và là kỷ luật của luân lý (DH 1501; xem EG 36). Điều này có nghĩa: giáo huấn của Giáo Hội không phải là chiếc ao tù, mà là dòng suối, phát sinh từ suối nguồn Tin Mừng, mà trải nghiệm đức tin của dân Chúa mọi thời được tiếp nhận vào. Đây là một truyền thống sống động mà ngày nay, cũng như nhiều lần trong lịch sử, đã đạt tới một điểm quan yếu, và với một con mắt đức tin biết nhìn vào “các dấu chỉ thời đại” (GS 4), đang kêu gọi được khai triển và thâm hậu hóa thêm (2). Tin Mừng này là gì? Nó không phải là một bộ luật. Nó là ánh sáng và là sức sống, là chính Chúa Giêsu Kitô; nó ban bố điều nó đòi hỏi. Các giới răn chỉ có thể khả niệm và khả thi dưới ánh sáng của Người và dưới sức mạnh của Người. Theo Thánh Tôma Aquinô, lề luật của giao ước mới không phải là lex scripta (luật thành văn) mà đúng hơn là gratia Spiritus Sancti, quae datur per fidem Christi (ơn Chúa Thánh Thần được ban cho nhờ tin vào Chúa Kitô). Không có Chúa Thánh Thần hoạt động trong lòng ta, chữ nghĩa Tin Mừng chỉ là lề luật giết người (2Cr 3:6) (3). Do đó, tin mừng gia đình không có ý trở thành gánh nặng, mà đúng hơn là ơn phúc Đức Tin, nó có ý trở thành ánh sáng và sức mạnh cho gia đình. Nói như thế, ta đã tới điểm chính yếu. Các bí tích, trong đó có bí tích hôn nhân, đều là bí tích đức tin. Signa protestantia fidem (dấu hiệu làm chứng cho đức tin), Thánh Tôma Aquinô nói thế (4). Công Đồng Vatican II củng cố câu nói này. Liên quan tới các bí tích, Công Đồng này nói rằng “Chúng không những tiền giả định đức tin, mà… chúng còn nuôi dưỡng, làm vững mạnh và phát biểu nó nữa” (SC 59). Bí tích hôn nhân cũng chỉ có thể hữu hiệu và được sống trong đức tin. Câu hỏi chính, vì thế, là, đức tin của những cặp đính hôn và kết hôn xử sự ra sao? Hiện nay, tại các nước có nền văn hóa Kitô Giáo lâu đời, ta đang trải nghiệm một sự phân hủy tính hiển nhiên của đức tin Kitô Giáo và cái hiểu của luật tự nhiên về hôn nhân và gia đình, vốn có giá trị trong nhiều thế kỷ qua. Nhiều người ngày nay chịu phép rửa, nhưng không được rao giảng Tin Mừng. Nói một cách nghịch lý, họ là những dự tòng đã chịu phép rửa, thậm chí những người ngoại đạo đã chịu phép rửa (baptized pagans). 

Trong tình huống trên, ta không thể bắt đầu bằng cách liệt kê các tín lý hay giới răn, mà cũng không thể dán mắt vào những chủ đề nóng bỏng vốn được các cuộc thảo luận công cộng bàn tới. Chúng ta không muốn chạy vòng quanh các vấn đề này, nhưng phải bắt đầu từ gốc, tức là, từ gốc rễ đức tin; chúng ta phải bắt đầu bằng các yếu tố căn bản của đức tin (Dt 5:12) rồi từng bước vượt qua con đường đức tin (FC 9, 34; EG 34-39) (5). Thiên Chúa là một Thiên Chúa của hành trình. Trong lịch sử cứu rỗi, Người đã đi cùng đường với chúng ta. Giáo Hội cũng đã đi con đường của lịch sử. Ngày nay, một lần nữa, Giáo Hội cũng phải cùng bước với người thời nay. Giáo Hội chỉ có thể trình bày và đề xuất nó làm con đường dẫn tới hạnh phúc ở trong đời. Tin Mừng chỉ có thể thuyết phục bằng chính giá trị của nó và bằng vẻ đẹp nội tại của nó. 

Tin Mừng Gia Đình, Gia đình trong trật tự tạo dựng

 

Vũ Văn An

23/Jul/2018

  1. Gia đình trong trật tự tạo dựng
    Tin mừng gia đình trở về với thuở ban đầu khôi nguyên của nhân loại. Đấng Tạo Hóa đã ban nó cho nhân loại làm cuộc hành trình của họ. Như thế, lòng quí mến định chế hôn nhân và gia đình hiện diện trong mọi nền văn hóa của loài người. Nó được hiểu như một hợp tác (partnership) suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà cùng với con cái họ. Truyền thống của nhân loại này hiện diện trong mọi biểu hiện của nhiều nền văn hóa khác nhau. Thoạt đầu, gia đình được lồng vào đại gia đình hay vào dòng tộc. Bất chấp mọi dị biệt về chi tiết, định chế gia đình là tổ chức nguyên khởi trong nền văn hóa nhân bản.

Mọi nền văn hóa nhân bản cổ xưa đều hiểu các phong tục và luật lệ liên quan tới trật tự gia đình như là các lệnh truyền của thần thánh. Sự hiện hữu, phúc lợi, và tương lai người ta tùy thuộc việc tuân giữ chúng. Trong bối cảnh của Thời Kỳ Trục (Axial Age, từ năm 800 tới năm 200 trước Công Nguyên), người Hy Lạp không còn nói chuyện theo lối huyền thoại nữa nhưng theo một lối thông sáng về một trật tự từng được thiết dựng trong bản nhiên con người. Thánh Phaolô tiếp nối lối suy nghĩ này và nói tới luật luân lý tự nhiên, vốn được Thiên Chúa ghi vào tâm hồn mọi người (Rm2:14 tt). Mọi nền văn hóa, dưới hình thức này hay hình thức khác, đều biết Khuôn Vàng Thước Ngọc, dạy ta phải xử sự với người khác như chính mình. Chúa Giêsu xác nhận Khuôn Vàng Thước Ngọc này trong Bài Giảng trên Núi (Mt7:12; Lc 6:31). Trong đó, giới răn yêu người lân cận của ta, yêu người khác như yêu chính mình (Mt 22:39 tt), đã được đặt để trong trứng nước. Khuôn Vàng Thước Ngọc được coi như tóm lược luật tự nhiên và những gì lề luật cùng các tiên tri vốn dạy (Mt 7:12; 22:40; Lc 6:31) (6). Luật tự nhiên, được phát biểu trong Khuôn Vàng Thước Ngọc, giúp ta đối thoại với mọi người có thiện chí. Nó cho ta một tiêu chuẩn để phán đoán đa hôn, hôn nhân cưỡng ép, bạo lực trong hôn nhân và gia đình, tính vũ phu, kỳ thị phụ nữ, và đĩ điếm, cũng như một tiêu chuẩn để phán đoán các điều kiện kinh tế hiện đại và các hoàn cảnh làm việc và trả lương không phò gia đình. Câu hỏi có tính quyết định trong mỗi trường hợp là: liên hệ tới người đàn ông, người đàn bà và con cái, điều gì phù hợp với lòng kính trọng đối với phẩm giá từng con người nhân bản.

Dù luật tự nhiên rất hữu ích, nó vẫn chỉ có tính tổng quát và hàm hồ tối nghĩa khi đụng tới các vấn đề cụ thể. Trong tình huống này, Thiên Chúa cung cấp cho chúng ta sự thích ứng bằng cách mạc khải. Mạc khải giải thích cách cụ thể những điều ta có thể nhìn nhận theo luật tự nhiên. Cựu Ước diễn tiến từ sự khôn ngoan truyền thống của Đông Phương xưa vào thời ấy, rồi từ từ thanh tẩy và hoàn hảo nó, qua một diễn trình phát triển lâu dài, dưới ánh sáng niềm tin của họ vào Chúa Giavê. Bảng thứ hai của Thập Điều (Xh 20:12-17; Đnl 5:16-21) là kết quả của diễn trình này. Chúa Giêsu đã xác nhận nó (Mt 19:18 tt) và các giáo phụ đều xác tín rằng các giới răn trên bảng thứ hai của Thập Điều trùng hợp với các giới điều phát sinh từ ý thức chung của mọi người. Các giới răn của bảng thứ hai của Thập Điều, do đó, không phải là luật luân lý của riêng Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Chúng là truyền thống được cụ thể hóa của nhân loại. Nơi chúng, các giá trị nền tảng của đời sống gia đình đã được đặt dưới sự che chở của Thiên Chúa: lòng tôn kính sâu xa đối với cha mẹ và chăm sóc cha mẹ già, sự bất khả vi phạm của hôn nhân, sự che chở sự sống mới của con người phát khởi từ hôn nhân, và tài sản làm nền tảng cho cuộc hiện sinh của gia đình và xử sự hợp sự thật với nhau, không có điều này, không một cộng đồng nào có thể hiện hữu. 

Với những giới răn này, nhân loại đã được thông ban cả một bộ các nguyên tắc hướng dẫn và, có thể nói, một la bàn để tiến trên đường đi của mình. Vì thế, Thánh Kinh không hiểu các giới răn này như gánh nặng đặt lên và giới hạn tự do; nó hân hoan trong các giới răn của Thiên Chúa (Tv 1:2; 112:1). Chúng là các cột mốc trên đường tiến tới hạnh phúc và một cuộc đời thành tựu. Ta không thể áp đặt chúng lên bất cứ ai, nhưng có thể đề xuất chúng với mọi người, với những lý do đàng hoàng, làm đường tiến tới hạnh phúc. 

Tin mừng gia đình trong Cựu Ước đã tiến tới kết luận của nó trong hai chương đầu của Sách Sáng Thế. Chúng cũng chứa đựng gia bảo khởi nguyên của nhân loại, được giải thích và thâm hậu một cách có phê phán dưới ánh sáng đức tin vào Giavê. Khi hoàn thành qui điển Thánh Kinh, chúng được đặt lên hàng đầu, một cách có bài bản (programmatically), làm trợ huấn cụ cho việc đọc và giải thích. Nơi chúng, ta được trình bày kế hoạch tạo dựng nguyên thủy của Thiên Chúa liên quan tới gia đình. Ba tuyên bố nền tảng đã xuất hiện:

“Do đó, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Người,
Theo hình ảnh Người, Người đã dựng nên họ;
Người đã dựng nên họ có nam có nữ (St 1:27)”.

 

Con người, với hai giới tính, là tạo vật tốt lành, thực ra, rất tốt lành, của Thiên Chúa. Con người không được dựng nên như một thực thể đơn nhất. “Con người ở một mình không tốt; Ta sẽ dựng cho nó một người trợ lực làm kẻ hợp tác” (St 2:18). Bởi thế, Ađam đã chào đón người đàn bà bằng những lời chào hết sức hân hoan (St 2:23). Người đàn ông và người đàn bà đã được ban cho nhau và vì nhau như một hồng phúc từ Thiên Chúa. Họ nên bổ túc cho nhau và nâng đỡ nhau và trải nghiệm được niềm hân hoan và sảng khoái nơi nhau. 

Là hình ảnh của Thiên Chúa, cả hai, đàn ông cũng như đàn bà, có cùng một phẩm giá. Không có chỗ cho sự kỳ thị phụ nữ. Nhưng đàn ông và đàn bà không y như nhau (identical). Sự bình đẳng của họ về phẩm giá, cũng như sự khác biệt của họ, có cơ sở ngay trong sáng thế. Cả bình đẳng lẫn dị biệt đã được ban cho họ không phải bởi họ, cũng không bởi bất cứ ai khác. Người ta không trở thành đàn ông hay đàn bà nhờ diễn trình xã hội hóa của nền văn hóa đương thịnh, như một số hình thức duy nữ vốn chủ trương (7). Là đàn ông hay là đàn bà, về phương diện hữu thể học, có cơ sở ngay trong sáng thế. Phẩm giá bình đẳng trong dị biệt của họ thiết dựng nên sự lôi cuốn giữa họ với nhau, một sự lôi cuốn vốn được tán dương trong các huyền thoại và thi ca vĩ đại của nhân loại, như trong Diễm Ca của Cựu Ước. Việc san bằng có tính ý thức hệ đối với sự dị biệt giữa họ đã tiêu diệt tình yêu gợi dục nơi họ. Thánh Kinh hiểu tình yêu này như việc trở nên một thân xác, nghĩa là, một hùn hạp (partnership) suốt đời bao gồm cả tính dục và gợi dục và tình bằng hữu nhân bản (St 2:24). Theo nghĩa tổng hợp này, người đàn ông và người đàn bà được dựng nên để yêu nhau và do đó là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu (1Ga 4:8). Vì phản ảnh Thiên Chúa, tình yêu con người là một điều cao cả và tươi đẹp, nhưng tự nó, không thần thánh gì.
Thánh Kinh đã phi huyền thoại hóa chủ trương tầm thường hóa tính dục cổ xưa của Đông Phương qua việc đĩ điếm tại đền thờ và lên án việc trác táng như là thờ ngẫu tượng. Nếu người bạn đời ngẫu tượng hóa người kia và hy vọng họ chuẩn bị cho mình một thiên đàng ở hạ giới, thì người này tất nhiên sẽ bị áp đảo và chỉ làm mình thất vọng. Nhiều cuộc hôn nhân thất bại vì niềm hoài mong này. Cuộc hùn hạp suốt đời của người đàn ông và người đàn bà, cùng với con cái họ, chỉ có thể hạnh phúc nếu được hiểu như một hồng phúc dẫn họ tới những điều vượt quá họ. Do đó, việc tạo dựng con người nhân bản đã dẫn vào ngày thứ bẩy của tạo thế, dẫn vào cuộc cử hành mừng vui của ngày Sabát. Con người nhân bản không được dựng nên làm lao động như trâu như ngựa, mà được dựng nên cho ngày Sabát. Ngày Sabát được giả thiết là ngày dành sẵn cho Thiên Chúa, và cũng là ngày dành sẵn cho tiệc tùng và mừng vui với nhau, một ngày nhàn tản với nhau và cho nhau (xem Xh 20:8-10); Đnl 5:12-14). Ta nên học như mới từ bằng hữu Do Thái của ta rằng ngày Sabát, tương đương như Chúa Nhật, là một ngày dành cho gia đình. 

“Thiên Chúa chúc lành cho họ, và nói với họ: hãy sinh sôi nẩy nở” (St 1:28).

Tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà không đơn thuần chỉ xoay quanh nó; nó tự vượt lên và đối tượng hóa nơi con cái, vốn phát sinh từ tình yêu của họ. Tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà và việc truyền sinh thuộc về nhau. Điều này đúng không những vì hành vi sinh sản, mà trải dài quá cả việc này nữa. Việc sinh sản đầu tiên theo sinh học được tiếp nối qua việc sinh sản thứ hai, tức việc sinh sản có tính xã hội và văn hóa, qua việc dẫn nhập vào đời và qua việc truyền thụ các giá trị của đời sống. Muốn thế, con trẻ cần một không gian che chở và một an toàn xúc cảm trong tình yêu của mẹ cha; đàng khác, con trẻ cũng củng cố và phong phú hóa sợi dây nối kết yêu thương giữa cha mẹ. Con cái là niềm vui, không hề là một gánh nặng. 

Đối với Thánh Kinh, sinh nở không phải là một thực tại chỉ có tính sinh học. Con cái là hoa trái phúc lành của Thiên Chúa. Phúc lành này là quyền năng của Thiên Chúa trong lịch sử và trong tương lai. Phúc lành tạo thế tiếp diễn trong lời hứa hậu duệ cho Ápraham (St 12:2 tt; 18:18; 22:18). Theo cách này, sức mạnh chủ yếu của sinh nở, một sức mạnh từng được thần hóa trong thế giới cổ thời, đã được tổng nhập vào hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử. Thiên Chúa đặt tương lai con người và sự hiện hữu liên tục của nhân loại trong bàn tay người đàn ông và người đàn bà. Nói đến việc làm cha mẹ có trách nhiệm có một ý nghĩa sâu xa hơn là bình thường. Nó có nghĩa: Thiên Chúa tận tay trao điều quí giá nhất Người có thể trao ban, tức sự sống nhân bản, cho trách nhiệm của người đàn ông và người đàn bà. Họ có thể quyết định một cách có trách nhiệm con số và nhịp độ những lần sinh con của họ. Họ được giả thiết sẽ thực hiện việc này trong tinh thần trách nhiệm đối với Thiên Chúa và trong lòng kính trọng đối với phẩm giá và phúc lợi của người phối ngẫu, trong tinh thần trách nhiệm đối với phúc lợi con cái, trong tinh thần trách nhiệm đối với tương lai xã hội, và trong lòng kính trọng sâu xa đối với bản nhiên những con người nhân bản (GS 50). Từ đó, không có chuyện giải nghi học (casuistry), mà chỉ có chuyện ý nghĩa tâm học (gestalt) mà việc thể hiện cụ thể được trao phó cho trách nhiệm của người đàn ông và người đàn bà (8). Trách nhiệm đối với tương lai được trao phó cho họ. Tương lai nhân loại được tỏ lộ ra vì gia đình và với gia đình. Không có gia đình, không có tương lai, mà đúng hơn chỉ là sự già cỗi cho xã hội, một nguy cơ mà các xã hội Tây Phương đang đương đầu.

“Hãy tràn đầy mặt đất và hãy thống trị nó” (St 1:28). 

Các chữ “khuất phục” và “thống trị” đôi khi bị hiểu theo nghĩa khuất phục và khai thác một cách bạo động, và đôi khi Kitô Giáo bị qui lỗi đối với các vấn đề môi sinh. Các học giả Thánh Kinh vốn cho thấy: ta không nên hiểu các chữ này theo nghĩa khuất phục hay thống trị bằng bạo lực. Trình thuật thứ hai về tạo dựng nói tới việc trồng cấy và chăm nom (St 2:15). Điều ta đang xử lý ở đây, nếu nói theo ngày nay, là sứ mệnh văn hóa của nhân loại. Con người giả thiết phải chăm nom và trân quí trái đất như một thửa vườn; ta được giả thiết trở thành những người chăn chiên của thế giới, lên khuôn nó thành môi trường nhân bản. Sứ mệnh này được ủy nhiệm chung cho người đàn ông và người đàn bà. Không phải chỉ là sự sống nhân bản, mà trái đất trong cái toàn diện của nó đã được ủy thác cho họ chăm nom và chịu trách nhiệm. 

Với sứ mệnh văn hóa này, liên hệ của người đàn ông và của người đàn bà, một lần nữa, vượt trên chính họ. Tình yêu của họ không phải là một hình thức cảm tính xoay quanh chính họ; tình yêu của họ không tự đóng khung trong chính họ, mà nên mở rộng thành sứ mệnh đối với thế giới. Gia đình không phải chỉ là một cộng đồng tư riêng, có tính cách bản thân. Nó là tế bào nền tảng và sống động của xã hội (GS 47, 52). Nó chủ yếu đối với việc xuất hiện của nền văn minh tình yêu (9), và đối với việc nhân bản hóa và nhân vị hóa xã hội, mà nếu không có nó, xã hội sẽ trở nên một khối vô danh. Theo nghĩa này, người ta có thể nói tới sứ mệnh xã hội và chính trị của gia đình (FC 44). 

Gia đình, như một định chế nguyên khởi của nhân loại, lâu đời hơn nhà nước và là một định chế có quyền riêng của nó so với nhà nước. Trong trật tự tạo thế, không hề có một từ ngữ đơn nhất nào chỉ nhà nước cả. Nhà nước được giả thiết phải hỗ trợ và phát huy gia đình tới hết các khả năng của nó; tuy nhiên, nhà nước không được xâm phạm vào các quyền riêng của gia đình. Các quyền của gia đình, được kể rõ trong Hiến Chương Các Quyền Gia Đình, có cơ sở trong trật tự tạo thế (FC 46). Gia đình, trong tư cách tế bào căn bản của nhà nước và xã hội, đồng thời, cũng là kiểu mẫu nền tảng cho xã hội và cho nhân loại như một gia đình nhân loại (10). Từ đó, phát sinh các hậu quả cho một thứ trật tự gia đình cần thiết đối với việc phân phối của cải và hòa bình thế giới (EG 176-258). Tin mừng gia đình, đồng thời, cũng là một tin mừng đối với phúc lợi và hòa bình của nhân loại. 

Tin Mừng Gia Đình, Cơ Cấu Tội Lỗi Trong Đời Sống Gia Đình

 

Vũ Văn An

 

  1. Cơ cấu tội lỗi trong đời sống gia đình

    Điều nói trên là bức tranh lý tưởng, nhưng đơn thuần không hẳn là thực tại của các gia đình. Thánh Kinh biết rõ điều này. Do đó, chương ba, với việc xua đuổi khỏi địa đàng và khỏi thực tại địa đàng của hôn nhân và gia đình, đã tiếp nối với chương một và chương hai của Sách Sáng Thế. Việc ra xa lạ của những con người nhân bản với Thiên Chúa đem lại hậu quả ra xa lạ nơi và giữa họ với nhau. Trong ngôn từ của truyền thống thần học, ta gọi sự ra xa lạ này là tư dục, mà ta không nên hiểu chỉ là thèm khát tính dục vô trật tự. Ngày nay, để tránh sự hiểu lầm này, ta thường nói tới các cơ cấu tội lỗi (FC9). Chúng cũng đè nặng lên cuộc sống gia đình. Thánh Kinh mô tả một cách thực tiễn conditio humana (thân phận con người) và đưa ra lối giải thích phận này theo tầm nhìn đức tin. Sự ra xa lạ đầu tiên diễn ra giữa người đàn ông và người đàn bà. Họ cảm thấy xấu hổ khi giáp mặt nhau (St3:10tt). Xấu hổ cho ta thấy sự hoà điệu khởi nguyên của thân xác và tinh thần bị khuấy nhiễu và do đó, người đàn ông và người đàn bà ra xa lạ với nhau. Khuynh hướng âu yếm nhau thoái hóa thành lòng thèm muốn nhau và thành sự thống trị của đàn ông đối với đàn bà (St 3:16). Họ la mắng nhau và qui trách nhau (St 3:12). Nó kết thúc bằng bạo lực, ghen tuông, và bất hòa trong hôn nhân và gia đình.

 

Sự ra xa lạ thứ hai tác động lên phụ nữ và các bà mẹ cách đặc biệt. Từ nay, họ sẽ phải cưu mang con cái trong khó nhọc và đau đớn (St3:16). Trong đau đớn, họ cũng sẽ nuôi dậy con cái. Biết bao bà mẹ phải kêu la, than khóc vì con cái, y hệt Raken đã khóc cho con cái nàng và không ai an ủi nàng được (Grm 31:15; Mt 2:18). Sự ra xa lạ này cũng tác động lên mối liên hệ của con người với thiên nhiên và thế giới. Thế giới từ nay không còn là thửa vườn tươi đẹp nữa; nó chỉ còn gai góc cỏ lùng; nó đã trở thành bất kham và chống đối; lao động đã trở nên khó khăn và nặng nhọc. Con người từ nay phải tiến hành việc làm trong khó nhọc và mồ hôi trên trán (St 3:19). 

Chẳng bao lâu sau, sự ra xa lạ và tranh chấp diễn ra ngay trong gia đình. Nó mang hình thức ghen tị và tranh giành giữa anh em, chiến tranh giữa anh em, và thậm chí chém giết nhau giữa anh em (St 4:1-16). Thánh Kinh tường thuật sự bất trung giữa các người phối ngẫu trong hôn nhân, một bất trung diễn ra cả trong gia phả của chính Chúa Giêsu. Trong đó, hai phụ nữ (Tamar và vợ của tướng Uriah) rõ ràng bị coi là những kẻ tội lỗi (Mt 1:3tt). Đến Chúa Giêsu cũng có những tổ tiên không hẳn xuất thân từ “gia tộc tốt lành”, những người mà người ta thích dấu diếm hơn là nói về. Ở đây, Thánh Kinh hoàn toàn thực tiễn, hoàn toàn trung thực.

Cuối cùng, là sự ra xa lạ nền tảng nhất tức sự chết (St 3:19; xem Rm 5:12) và sức mạnh của sự chết, hết sức tung hoành khắp thế giới và đem tới tai ương, chết chóc và trầm luân. Chúng cũng đem đau khổ tới gia đình. Ta chỉ cần nghĩ tới tình cảnh các bà mẹ đứng cạnh quan tài các con mình hay khi các người phối ngẫu vĩnh biệt nhau, những cuộc vĩnh biệt tác động đến hôn nhân xiết bao và đem lại những năm tháng đớn đau trong cô đơn như thế nào đối với những người phối ngẫu cao niên. 

Khi nói tới gia đình và vẻ đẹp của nó, ta không nên diễn tiến từ một bức tranh bất thực tiễn, thơ mộng, lý tưởng. Ta cũng cần phải xét đến các thực tại khó khăn và chia sẻ sầu buồn, lo lắng và nước mắt của nhiều gia đình. Thực vậy, chủ nghĩa hiện thực của Thánh Kinh cung cấp cho ta một niềm an ủi nào đó. Nó cho ta thấy: điều ta buồn rầu hôm nay không phải xẩy ra lần đầu; trên nguyên tắc, nó luôn luôn là như vậy. Ta không nên rơi vào cơn cám dỗ chỉ muốn thơ mộng hóa quá khứ đến nỗi, mốt thời thượng của một số giới hiện nay là nhìn hiện tại như một câu truyện hủ hoại. Ca ngợi năm tháng của những ngày qua và ta thán các thế hệ trẻ vốn là câu truyện đã có từ thời có một thế hệ cha ông. Không phải chỉ có Giáo Hội mới là một bệnh viện dã chiến, như Đức Phanxicô từng phát biểu, gia đình cũng là một bệnh viện dã chiến, nơi, người ta cần băng bó các vết thương, lau khô nước mắt, và thiết lập hòa giải và hoà bình hết lần này sang lần khác. Cuối cùng, chương thứ ba của Sách Sáng Thế hướng tới một thứ ánh sáng của hy vọng. Với việc xua đuổi khỏi địa đàng, Thiên Chúa cho nhân loại một hy vọng để mang theo trên hành trình của họ. Điều truyền thống mô tả như tin mừng đầu hết (protogospel) (St 3:15), ta cũng có thể hiểu như tin mừng đầu hết về gia đình. Đấng cứu thế sẽ xuất hiện từ dòng giống của nó. Các gia phả trong Mátthêu và Luca (Mt 1:1-17; Lc3:23-38) chứng thực rằng đấng cứu thế cuối cùng đã xuất hiện từ gia phả này, cho dù gia phả ấy chẳng bằng phẳng chút nào. Thiên Chúa vẫn có thể làm thẳng lại những con đường khúc khủyu. Bởi thế, là những người đồng hành của người ta, ta không nên trở thành các tiên tri của điềm gở, mà đúng hơn, trở nên những người đem hy vọng, phân phát ủi an và can đảm để họ tiến bước dù trong các tình huống khó khăn. 

3. Gia đình trong trật tự cứu rỗi Kitô Giáo

Chúa Giêsu nối kết với lịch sử một gia đình. Người lớn lên trong gia đình Nadarét (Lc 2:51tt). Thuộc về gia đình này còn có anh chị em theo nghĩa rộng (Mc 3:31-33; 6:3) cũng như họ hàng xa, nhưng rất thân tình, như Êlisabét, Giacaria, và Gioan Tẩy Giả (Lc 1:36, 39-56). Buổi đầu thừa tác vụ của Người, Chúa Giêsu tham dự lễ cưới tại Cana và thực hiện phép lạ đầu tiên ở đó (Ga 2:1-12). Trong diễn trình này, Người đặt trọn thừa tác vụ của Người dưới biểu hiệu của một tiệc cưới và niềm vui vốn đi đối với nó. Với Người, chàng rể (Mt 9:15), tiệc cưới cánh chung và thời hân hoan từng được các tiên tri loan báo đã bừng sáng. 

Câu tuyên bố có tính nền tảng của Chúa Giêsu về hôn nhân và gia đình tìm thấy trong các lời lẽ của Người nói về ly dị (Mt19:3-9). Môsê cho phép ly dị dưới một số điều kiện (Đnl 24:1). Các trường phái khác nhau thuộc luật Do Thái vốn tranh luận về các điều kiện này. Chúa Giêsu không muốn can dự vào cái thứ giải nghi học đó. Người nại tới ý muốn nguyên khởi của Thiên Chúa: “không phải như thế, từ thuở ban đầu của tạo thế” (11). Các môn đệ ngỡ ngàng trước câu nói này. Đối với các ngài, xem ra đây là một cuộc tấn công chưa nghe thấy bao giờ chống lại quan niệm của thế giới chung quanh về hôn nhân, đồng thời cũng là một đòi hỏi vô cảm và quá đáng. “nếu đúng như thế đối với một người đàn ông có vợ, thì thà không kết hôn còn hơn”. Chúa Giêsu, một cách gián tiếp, đồng ý như thế, vì nhìn theo lối nhìn của con người, quả đây là một đòi hỏi quá đáng. Nó phải được “ban cho” con người; nó là một quà phúc ơn thánh.

 

Kiểu nói “ban cho” chứng tỏ rằng ta không được cô lập lời lẽ của Chúa Giêsu, mà đúng hơn phải hiểu chúng trong đồng văn toàn diện sứ điệp của Người về nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu gán ly dị cho sự cứng lòng (Mt 19:8), một sự cứng lòng đóng cửa lòng ta với Thiên Chúa và với người khác. Với nước Thiên Chúa đang tới, lời tiên đoán của các tiên tri đã nên trọn, theo đó, trong thời đại của Đấng Được Xức Dầu, Thiên Chúa sẽ biến đổi trái tim chai đá thành trái tim mới, không còn cứng như đá, mà là trái tim bằng thịt, mềm mại, tương cảm và thương cảm (Edk 36:26tt; xem Grm 31:33; Tv 51:12). Như thế, ngoại tình bắt đầu từ trái tim thế nào, thì thuốc chữa nó cũng chỉ khả hữu nhờ hồi tâm và nhờ việc ban cho một trái tim mới. Do đó, Chúa Giêsu tách mình ra khỏi sự cứng lòng và sự giả hình trong các hình phạt quá khắc nghiệt áp đặt lên người đàn bà ngoại tình, nên Người đã tha thứ cho người đàn bà bị tố cáo ngoại tình (Ga 8:2-11; xem Lc 7:36-50). 

Tin Mừng của Chúa Giêsu là thế này: giao ước mà hai người phối ngẫu thiết lập được chính giao ước của Thiên Chúa hỗ trợ và cưu mang, sẽ vẫn tiếp tục hiện hữu cho dù sợi dây yêu thương mỏng dòn của con người yếu đi, thậm chí không còn nữa. Cam kết trung thành và giao ước dứt khoát và bất khả tiêu của Thiên Chúa lấy đi mọi nét tùy hứng khỏi giao ước của con người, đem lại cho nó sự ổn định và bền vững. Dây liên kết mà Thiên Chúa đặt nơi các người phối ngẫu sẽ bị hiểu sai nếu hiểu nó như một cái ách. Nó là lời cam kết trung thành đầy nhân ái của Thiên Chúa; nó là sự khuyến khích và là nguồn sức mạnh luôn luôn mới cho việc duy trì lòng trung thành đối với nhau giữa mọi thăng trầm của cuộc đời. Từ sứ điệp này, Thánh Augustinô đã dẫn khởi ra giáo huấn của ngài về dây hôn phối bất khả tiêu, một sợi dây vẫn tiếp tục hiện hữu dù cuộc hôn nhân, trên bình diện nhân bản, đã tan vỡ (12). Đối với nhiều người ngày nay, giáo huấn này khó có tính khả niệm. Ta không nên hiểu giáo huấn này như nói về một thứ thực tại siêu hình bên trên và bên ngoài tình yêu bản vị của vợ chồng; đàng khác, nó cũng không hoàn toàn bị hoà nhập vào tình yêu cảm tính, hỗ tương của họ cũng như cùng chết với tình yêu này (GS 48; EG66). Nó là một tin mừng nghĩa là niềm an ủi dứt khoát và là một đoan hứa tiếp tục có giá trị. Trong tư cách này, nó coi trọng con người nhân bản và tự do của họ. Chính phẩm giá của con người nhân bản có khả năng đưa ra các quyết định vĩnh viễn. Các quyết định này thuộc về lịch sử đời họ một cách bền bỉ; chúng lên đặc điểm cho họ một cách lâu dài; người ta không thể đơn thuần vứt bỏ chúng hay tháo bỏ chúng. Nếu những quyết định có tính cam kết này bị phá vỡ, thì việc này chắc chắn sẽ gây nên những vết thương sâu hoắc. Các vết thương có thể lành lại. Các vết thẹo thì vẫn còn đó và thường gây đau, nhưng người ta vẫn có thể sống và có thể tiếp tục sống dù có khó khăn. Với tin mừng của Chúa Giêsu cũng thế: vì lòng thương xót, sự tha thứ, chữa lành của Chúa, một khởi đầu mới luôn là điều có thể đối với những ai trải nghiệm được hồi tâm. 

Thánh Phaolô tiếp nối sứ điệp của Chúa Giêsu. Ngài nói tới cuộc hôn nhân “trong Chúa” (1Cr 7: 39). Ngài không có ý nói tới hình thức nghi lễ hôn phối của Giáo Hội. Một điều như thế chỉ mới có sau đó nhiều thế kỷ, và chỉ dứt khoát nhờ sắc lệnh Tametsi của Công Đồng Trent năm 1563. “Các qui luật trong gia hộ” (Cl 3:18-4:1; Ep 5:21-6:9; 1Pr 2:18-3:7) cho ta thấy điều “trong Chúa” này bao gồm mọi khía cạnh của cuộc sống gia đình: liên hệ đàn ông đàn bà, cha mẹ con cái, chủ tớ sống trong nhà. Các qui luật trong gia hộ này đồng hóa các qui luật trong gia hộ thời các tổ phụ, nhưng sửa đổi chúng “trong Chúa”. Đây là các điển hình của sức mạnh thay đổi luật lệ và tạo luật lệ của đức tin Kitô Giáo. Nhờ chúng, từ sự quy phục một chiều của người đàn bà vào người đàn ông, một liên hệ yêu thương hỗ tương đã được khai triển; liên hệ này nên đóng dấu cho mọi liên hệ gia đình khác. Thực vậy, Thánh Phaolô nói điều độc đáo, thậm chí cách mạng, đối với toàn bộ thế giới cổ thời rằng sự dị biệt giữa đàn ông và đàn bà không còn đáng kể nữa đối với những ai ở “trong Chúa” (Gl 3:28). 

Thư gửi tín hữu Êphêsô còn đi xa hơn. Nó tiếp nối kiểu ví von hôn nhân với giao ước của Cựu Ước, mà rõ ràng hơn cả là trong Sách Hôsê (Hs 2:18-25), coi nó như biểu thức nói lên giao ước của Thiên Chúa với dân Người. Giao Ước này tìm được sự ứng nghiệm và hoàn tất của nó trong Chúa Kitô. Như thế, từ nay, giao ước của người đàn ông và người đàn bà đã trở nên biểu tượng chân thực của giao ước Thiên Chúa với con người, một giao ước được nên trọn trong Chúa Giêsu Kitô. Tử thuở ban đầu của thế giới, thực tại tạo thế tốt lành của Thiên Chúa nay trở nên một dấu hiệu làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội trở nên hữu hình (Ep 5:32). Dựa vào một khai triển có tính thần học và lịch sử, vốn chỉ tới hồi kết thúc vào thế kỷ 20, Công Đồng Trent đã nhìn thấy trong tuyên bố này dấu mốc nói tới tính bí tích của hôn nhân (DH 1799; xem DH 1327). Thần học gần đây hơn tìm cách thâm hậu hóa nền tảng Kitô học theo cung cách ba ngôi; nó hiểu gia đình như một minh họa có tính biểu tượng thực sự của mầu nhiệm communio (hiệp thông) của Ba Ngôi. 

Là một bí tích, hôn nhân vừa là phương thuốc chữa các hậu quả của tội lỗi vừa là một phương tiện của ơn thánh hóa. Người ta có thể chuyển vị giáo huấn này qua gia đình để nói rằng nhờ bước vào lịch sử gia đình, Chúa Giêsu đã chữa lành gia đình và thánh hóa nó. Trật tự cứu rỗi đã tiếp nối trật tự tạo thế. Nó không thù nghịch chống lại thân xác hay tính dục; nó bao gồm tính dục, gợi tình (eros), và tình bạn nhân bản; nó thanh tẩy và làm chúng hoàn hảo. Tương tự như sự thánh thiện của Giáo Hội, sự thánh thiện của gia đình cũng không phải là một thực tại tĩnh tụ. Nó không ngừng bị sự cứng lòng đe dọa. Nó phải liên tục tiến bước trên con đường hồi tâm, canh tân, và trưởng thành mới mẻ. Giáo Hội tiến theo đường hồi tâm và canh tân thế nào (LG 8), thì hôn nhân và gia đình, tiến theo đường thập giá và phục sinh (FC 12 tt), cũng phải đứng dưới luật phát triển tiệm tiến, mỗi ngày tiến sâu hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô một cách không ngừng đổi mới và thâm sâu hơn như vậy (FC 9, 34). 

Trái tim mới luôn đòi hỏi tính cao thượng của tâm hồn và tiền giả thiết một nền văn hóa tâm hồn. Cuộc sống gia đình muốn được vun sới theo ba thuật ngữ chủ yếu của Đức Thánh Cha là “Cho phép anh/em”, “Cám ơn anh/em” và anh/em xin lỗi”. Người ta phải dành thì giờ cho nhau; cử hành ngày Sabát với nhau; và không ngừng thực hành đức chịu đựng, lòng tha thứ và sự kiên nhẫn. Các dấu hiệu của lòng nhân hậu, trân quí và dịu hiền, biết ơn, và yêu thương luôn là điều cần thiết. Cầu nguyện với nhau, chịu bí tích hòa giải và cử hành Thánh Thể với nhau là những trợ cụ giúp không ngừng tăng cường mới mẻ sợi dây hôn phối mà Thiên Chúa đã dùng liên kết vợ chồng. Luôn là một điều tươi đẹp khi được gặp các cặp vợ chồng già cao niên, những người, dù tuổi đời đã cao, vẫn yêu nhau một cách trưởng thành. Đây cũng là dấu chỉ một nhân loại đã được cứu chuộc. Thánh Kinh kết luận bằng một viễn kiến về một lễ cưới cánh chung của chiên con (Kh 19:7, 9). Do đó, hôn nhân và gia đình đã trở nên một biểu tượng cánh chung. Với việc cử hành hôn lễ trần gian, hôn lễ cánh chung được cử hành một cách dự ứng. Cho nên, nó cần được tuân giữ một cách hoành tráng và mừng vui hân hoan. 

Như một dự ứng cánh chung, lễ cưới trần gian đồng thời bị tương đối hóa. Chính Chúa Giêsu thì không kết hôn, một điều khá bất thường đối với một rabbi (thầy đạo) và ngài từng đòi hỏi những ai muốn làm môn đệ phải sẵn sàng từ bỏ hôn nhân và gia đình (Mt 10:37) và, đối với những ai được ban ơn, ngài đòi phải sống độc thân vì nước trời (Mt 9:12). Đối với Thánh Phaolô, độc thân thì tốt hơn trong một thế giới đang qua đi. Nó giúp người ta khỏi bị phân chia khi chăm lo công việc của Chúa (1Cr 7:25-38). Vì độc thân tự nó đã trở nên một bậc sống được thừa nhận, được tự do chọn lựa, nên hôn nhân cũng không còn là việc thúc bách có tính xã hội nữa, mà đúng hơn là một chọn lựa tự do. Hôn nhân và độc thân một là lên giá trị cho nhau và hỗ trợ lẫn nhau hay cả hai cùng sa vào khủng hoảng, như ta thấy hiện nay. 

Chúng ta quả đang sống trong cuộc khủng hoảng nói trên. Tin mừng hôn nhân và gia đình không còn khả niệm đối với nhiều người nữa. Đối với những người này, nó không còn là một giải pháp đáng sống trong tình huống của họ nữa. Ta phải làm gì? Lời lẽ hay mà thôi chẳng đạt được gì nhiều, Chúa Giêsu chỉ cho ta một cách thực tiễn hơn. Người cho ta hay: không một Kitô hữu nào cô đơn hay bị hư mất, dù có vợ chồng hay độc thân, dù bị người bạn đời từ bỏ, hay như một thiếu nhi hoặc một thiếu niên lớn lên mà không hề được tiếp xúc với gia đình riêng của mình. Họ vẫn ở nhà trong một gia đình mới gồm nhiều anh chị em (Mt 12:48-50; 19:27-29). Tin mừng gia đình trở nên cụ thể trong giáo hội tiểu gia; trong đó, tin mừng kia có thể trở thành đáng sống một lần nữa. Ngày nay, giáo hội tiểu gia một lần nữa lại trở nên có liên hệ.