Tin Vịt – Nghệ Thuật Sống 

Tin Vịt – Nghệ Thuật Sống 

 

     Ngày xưa, Ngải Tử và Mao Không là hàng xóm của nhau. Ngải Tử là một học giả có trí thức uyên bác, ông ta có rất nhiều học sinh. Mao Không là một kẻ lêu lổng, dốt nát kém cỏi. Mao Không không phục học vấn của Ngải Tử, đặc biệt là rất coi thường những bài giảng mà Ngải Tử giảng cho học trò. Ông ta không hiểu kiến thức của Ngải Tử có tác dụng gì, đã không thể đem ra chợ mà đổi lấy gạo, lại cũng chẳng làm quan được. Trong con mắt của Mao Không thì Ngải Tử chỉ là một con mọt sách lớn, còn học trò của ông ta chỉ là những con mọt sách non. Mao Không cho rằng, hắn biết nhiều chuyện hơn Ngải Tử, điều đó chứng minh hắn là một ngươi học vấn uyên bác

Một hôm, Mao Không thấy có ngưòi trên đường nói chuyện phiếm, hắn ta cảm thấy câu chuyện rất mới mẻ. Hắn ta nghĩ, chuyện vừa nghe xong, nhất định là Ngải tử không thể biết được, bèn vội vội vàng vàng đến chỗ Ngải Tử khoe khoang:

  • Anh đã biết gì chưa, có một con vịt đẻ ra hai trăm quả trứng một lần.”.

Ngải Tử nói:

  • Tôi không biết, con vịt mà anh nói to như thế nào ?

Mao Không nói:

  • Vịt to hay nhỏ thì có quan hệ gì với việc đẻ bao nhiêu quả trứng? Con ngựa đâu có nhỏ, nhưng đâu có đẻ được quả trứng nào.

Ngải Tử nói:

  • Hai trăm quả trứng vịt đặt cùng vi nhau lớn hơn một con vịt rất nhiều. Tôi không hiếu, hai trăm qu trứng đó khi chưa đẻ thì nó sẽ ở đâu ?

Mao Không nói:

  • Còn phải hỏi, đương nhiên là ở trong bụng con vịt rồi.

Ngải Tử nói:

  • Bụng của con vịt có thể chứa được hai trăm quả trứng sao?

Mao Không nói:

  • Vậy thì hai con vịt đẻ hai trăm quả trứng, như vậy anh tin rồi chứ.

Ngải Tử nói:

  • Hai con vịt cũng không thể chứa được nhiều trứng như vậy.

Mao Không nói:

  • Vậy thì ba con vịt có thể đẻ hai trăm quả trứng rồi chứ còn gì.

Ngải Tử vẫn lắc đầu. Mao Không cứ nói mãi tới tận mưòi con vịt, Ngải Tử vẫn không tin.

Mao Không nghĩ một lát nói:

  • Còn có một chuyện mới mẻ nữa. Nhất định anh chưa bao giò thấy, từ trên trời rơi xuống một miếng thịt dài ba mươi trượng, rộng hai mươi trượng.

Ngải Tử hỏi:

  • Anh nói xem thịt của loài động vật nào có thể to như vậy ?

Mao Không nói:

  • Vậy thì dài hai mươi chín trượng, rộng mười trượng.

Ngải Tử nói:

  • Một miếng thịt như vậy còn lớn hơn cả một con bò, vậy cuối cùng thì nó là thịt gì vậy ?

Mao Không nói:

  • Anh thật là ít thấy những chuyện lạ, chuyện tôi nói là thật đó.

Ngải Tử hỏi:

  • Anh nói cho tôi, con vịt đó là của nhà ai, miếng thịt đó rơi xuống đâu vậy?

Mao Không nói:

  • Tôi nghe mọi người trên đường nói vậy, tôi vội tới đây kể ngay cho anh nghe, chưa về tới nhà.

Sau đó, Ngải Tử cấm học trò của mình không được nghe những chuyện trên vỉa hè giống như Mao Không.

Điển Cố Trung Hoa

_____________

Chút Suy Tư

Đặc điểm của Tin Vịt là :

Không có thật. “có một con vịt đẻ ra hai trăm quả trứng một lần” (trích truyện)

Vô lý “Bụng của con vịt có thể chứa được hai trăm quả trứng sao?” (trích truyện)

Vô căn cứ Tôi nghe mọi người trên đường nói vậy, tôi vội tới đây kể ngay cho anh nghe, chưa về tới nhà” (trích truyện).

Thêm bớt tự do. “Vậy thì hai con vịt… ba con vịt… mười con vịt… đẻ hai trăm quả trứng, như vậy anh tin rồi chứ  ? (trích truyện).

Từ đó, chúng ta có thể thấy sự biến dạng của Tin Vịt như thế nào !

+ Thí dụ “không có thật” có thể là “giống giống sự thật”, “hình như là sự thật”… Sự thật thì chỉ có một, mà cái “giống giống sự thật” thì có hàng ngàn hàng vạn !

+ Vì nó “vô lý” nên phải làm sao cho nó ra “có lý” ! Vô lý trắng trợn như vậy thì ai mà tin ! Đã là hàng giả thì phải làm sao cho có mẫu mã đẹp đẽ thu hút, hấp dẫn, tạo nhầm lẫn, mờ mắt … Chứ đồ thiệt sao nhìn vào thấy quá tệ như vậy ?

+ Do đó, “thêm bớt tự do” là khí cụ hỗ trợ đắc lực cho Tin Vịt, như “vê tròn bóp méo”, “cắt ngắn nối dài”, “giảm nhẹ tăng nặng”, “tô son đánh phấn”…

+ Xã hội ngày nay… cái vụ “thêm bớt tự do này”… Ôi ! nó  là chuyện thường ngày ở huyện !

Nhân cách của người tung Tin Vịt.

Dốt nátMao Không là một kẻ lêu lổng, dốt nát kém cỏi.” (trích truyện).

Tự đưa mình lên cao. Mao Không cho rằng, hắn biết nhiều chuyện hơn Ngải Tử, điều đó chứng minh hắn là một ngươi học vấn uyên bác.”(trích truyện)

Không nhận mình sai lầm vì không nhận ra điều sai lầm. “Anh thật là ít thấy những chuyện lạ, chuyện tôi nói là thật đó.” (trích truyện).

Vô trách nhiệm với những điều mình nói. “Tôi nghe ‘người ta’ nói vậy, từ ‘người ta’ là từ ‘vô chủ, vô trách nhiệm”. “Tôi nghe mọi người trên đường nói vậy, tôi vội tới đây kể ngay cho anh nghe, chưa về tới nhà.”(trích truyện).

Mao Không, theo như chuyện kể, “dốt nát kém cỏi”. Cứ cho là vậy. Nhưng những dạng người như Mao Không, cũng chưa chắc hành động chỉ vì “thiếu hiểu biết”, có khi có nhiều động cơ khác nữa. Ngay cả trong truyện này cũng thấy được những lý do khác đưa đến thái độ tung Tin Vịt của Mao Không.

Mao Không ganh tỵ và  ghen ghét người hàng xóm của anh ta là Ngải Tử. Ngải Tử dạy học, có học trò, người xưa trọng thầy lắm. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “cơm cha, áo mẹ, công thầy”, ắt hẳn Ngải Tử được nhiều người kính trọng, còn Mao Không chắc hàng xóm chẳng coi ra gì, “Mao Không là một kẻ lêu lổng, dốt nát kém cỏi., Mao Không không vươn lên được thì tìm cách dìm người khác xuống !

Mao Không không phục học vấn của Ngải Tử, đặc biệt là rất coi thường những bài giảng mà Ngải Tử ging cho học trò.” (trích truyện).

Mao Không không biết gì về Đạo Lý. Mà vì không có đạo lý, hay không quan tâm gì về đạo lý, nên chỉ thấy “kiến thức”, “việc học” là để có miếng ăn thôi mà không biết gì về việc nhờ giàu kiến thức mà con người rèn luyện  nhân cách làm giàu có tâm hồn hơn. Vì Mao Không không biết coi trọng Ngải Tử thì làm sao coi trọng được chính mình. Tính cách của Mao Không vội tin vào Tin Vịt hay tung Tin Vịt là do thiếu lòng tự trọng, thiếu phẩm giá con người.

Ông ta không hiểu kiến thức của Ngải Tử có tác dụng gì, đã không thể đem ra chợ mà đổi lấy gạo, lại cũng chẳng làm quan được. Trong con mắt của Mao Không thì Ngải Tử chỉ là một con mọt sách lớn, còn học trò của ông ta chỉ là những con mọt sách non.” (trích truyện)

Người nghe Tin Vịt

Đừng dễ tin. Tin Vịt đến từ nhiều nơi… Đặc biệt đáng sợ nhất trong thời đại này là những bản tin, những câu chuyện trên trang mạng, Internet… Thí dụ chuyện “Câu view, câu like” có khi dẫn đến thực hư, đen trắng… không ngờ được !

Sáng suốt nhận định. Trong thương trường, chính trường… người ta tung Tin Vịt để hãm hại nhau…

Biết “Gạn Lọc” mới nhận ra đâu là thật giả. Nguồn gốc câu chuyện. Vô căn cứ là không có gì thật. “Ngải Tử hỏi: Anh nói cho tôi, con vịt đó là của nhà ai, miếng thịt đó rơi xuống đâu vậy ?” (trích truyện).

Coi chừng rơi vào cái Dốt. Tin vào Tin Vịt cũng là một trong những cái Dốt !

Đời có 3 cái Dốt :

Cái Dốt thứ nhứt : Không biết cái mình phải biết. (thí dụ Dốt chữ)

Cái Dốt thứ hai : Biết không rành những điều mình đã biết. (Có câu “Bá nghệ bá tri vị chi bá láp” – To know everything is to know nothing).

Cái dốt thứ ba : Biết những điều không nên biết. Đầu óc đâu, thời giờ đâu, để dành cho ba cái thứ Tin Vịt tào lao đó ?  “Ngải Tử cấm học trò của mình không được nghe những chuyện trên vỉa hè giống như Mao Không.” (trích truyện).

ĐỂ KẾT

Khuôn Vàng Thước Ngọc

“Có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”.  Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”. (Kinh Thánh. Mt.5,37)

MAI NHẬT THI

print