CHÚA NHẬT LỄ LÁ
TÌNH YÊU TRAO BAN
Lm. Giuse Nguyễn
Có những người tặng cho người khác món quà với ý định họ sẽ tặng lại cho mình cái gì đó. Đó là kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Có những người thấy mình dư thừa quá nên bỏ bớt, mà bỏ thì uổng, nên kiếm ai đó để cho. Đó là kiểu cho đi còn hơn quăng bỏ. Có những người cho người khác cái quý giá nhất của mình. Ví dụ hai người yêu nhau, họ tiến đến hôn nhân để trao tặng nhau cả cuộc đời. Mỗi người một cách trao tặng khác nhau tùy vào tình yêu của họ. Qua bài tường thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta thấy tất cả mọi người, kể cả Thiên Chúa đều muốn trao nộp Đức Giêsu Kitô, nhưng mỗi người một cách trao nộp khác nhau.
Giuđa nộp thầy mình với hành động bên ngoài xem ra vì tiền, nhưng thực sự không phải thế, vì sau đó ông đã đem tiền trả lại cho các thượng tế. Sâu xa của việc trao nộp này là vì Giuđa muốn Thầy Giêsu làm theo ý đồ của ông. Ông tạo điều kiện để Chúa Giêsu nổi dậy, lật đổ chính quyền, lên làm vua, chắc chắn ông sẽ được làm quan thôi! Ông theo Chúa vì tính toán riêng tư nên đã trao nộp Chúa cũng vì mục đích riêng tư. Hậu quả của những tính toán riêng tư đó là sự thất vọng ê chề, tuyệt vọng đến đau thương.
Các thượng tế trao nộp Chúa Giêsu vì lòng ganh ghét. Sự xuất hiện của ông Giêsu làm cho địa vị của họ bị lung lay, quyền hành của họ không còn mạnh mẽ, uy tín của họ giảm sút; dân chúng lần lượt bỏ họ mà theo Chúa. Vì vậy họ tìm mọi cách để loại trừ Ngài. Họ dò xét, bắt bẻ, và cuối cùng là tiêu diệt Ngài. Hậu quả của lòng ganh ghét với hành động tiêu diệt Con Thiên Chúa đã làm cho họ không thể đón nhận ơn cứu độ, mất đi niềm hy vọng cho cuộc đời.
Sâu xa cái chết của Chúa Giêsu là vì Thiên Chúa Cha muốn trao nộp chính Con yêu dấu của Ngài cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một, để ai tin vào Ngài sẽ được cứu độ”. Chính Chúa Giêsu đã từng nói Ngài đến thế gian là để thực thi ý muốn của Chúa Cha. Hay ngay trong vườn cây dầu, thấy trước việc mình bị trao nộp, Chúa Giêsu đã rất sợ hãi đến đổ mồ hôi máu. Ngài xin Chúa Cha cho Ngài khỏi đi con đường đó. Nhưng cuối cùng Ngài lại nói: “Một theo ý Cha, đừng theo ý con”. Chúa Cha cũng trao nộp Chúa Giêsu, nhưng với động lực là yêu thương, cứu độ con người.
…
Có những người theo Chúa với những tính toán riêng tư như thể Giuđa. Họ muốn Chúa làm theo ý mình chứ không phải mình làm theo ý Chúa. Họ muốn họ là người định đoạt cuộc đời của họ, vạch ra chương trình rồi bắt Chúa làm theo. Vì vậy Chúa giống như cây đèn thần, họ chỉ cần nói hô biến là A-la-đanh phải làm theo. Họ muốn đi lễ thì đi, không đi thì thôi. Họ muốn làm gì thì làm, không ai được quyền nhắc nhở, có nhắc nhở thì cũng như không, vì họ tự định đoạt cuộc đời của họ. Nhưng khi gặp những chuyện gì ngoài tầm tay của họ, họ lại chạy đến với Chúa. Ví dụ có những năm người ta xin làm phép đèn cầy vì tin hiện tượng tối trời tối đất sắp xảy ra. Giả dụ Chúa muốn điều đó xảy ra thì sao? Trong trường hợp đó, những người xin làm phép đèn không phải vì tin Chúa đâu, mà bắt Chúa phải làm theo ý của họ, cho căn phòng, căn nhà của họ được sáng, xung quanh tối kệ nó. Còn những người tin Chúa thì trong trường hợp đó không cần phải làm phép đèn để được sống trong ánh sáng vì Chúa muốn tối trời tối đất. Điều này là tôi giả dụ Chúa muốn như vậy thôi. Điều lạ lùng là trong khi Hội Thánh dạy những chân lý, dạy những điều hay lẽ phải họ không chịu nghe, họ lại muốn nghe những gì là giả dối là sai lầm và thực hành theo một cách hết mình như vậy. Với lối sống như thế thì hậu quả cũng giống như Giuđa, sẽ thất vọng hoàn toàn. Chúng ta là môn đệ của Chúa, chúng ta phải đi theo Chúa chứ không thể bắt Chúa theo mình.
Thiên Chúa Cha vì yêu thương nên đã trao nộp chính Con Một của mình. Chúa Giêsu vì yêu thương nên đã tự hiến mình cho nhân loại. Đó là gương mẫu cho mọi người trên bước đường theo Chúa. Chúng ta làm tất cả mọi chuyện vì tình yêu thì cuộc đời của chúng ta mới thực sự có ý nghĩa. Giáo Hội, các Linh mục, các tu sĩ nam nữ tội tình gì mà phải hiến dâng cả cuộc đời của mình? Tội tình gì mà phải nhắc nhở người ta giữ đạo cho đàng hoàng? Tội tình gì mà phải khuyên lơn, rầy la, thậm chí là năn nỉ các em thiếu nhi, giới trẻ đi học giáo lý, đi lễ Chúa Nhật, sống cho tốt? Làm như vậy được gì, thậm chí còn bị ghét, bị chửi? Thưa họ làm như vậy vì một điều duy nhất: tình yêu. Yêu Chúa Giêsu nên yêu cả những con người thuộc về Ngài.
Phần chúng ta, tội tình gì chúng ta phải tuân giữ lề luật của Chúa? Tội tình gì chúng ta phải làm theo điều Hội Thánh dạy? Tội tình gì chúng ta phải hy sinh nhiều điều gắn bó với mình? Thưa chúng ta làm tất cả những điều đó cũng chỉ vì muốn đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã dành cho chúng ta. Vì yêu nên chúng ta tin sẽ được Ngài cứu độ. Vì yêu nên chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được mục đích tối hậu là ơn cứu độ Chúa đã, đang và sẽ ban cho chúng ta.
Tóm lại, khi suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta phải nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta đến nỗi phải hy sinh chính Con Một của mình để đem đến ơn cứu độ cho chúng ta. Từ đó nhìn lại thái độ theo Chúa của chúng ta bấy lây nay, xem chúng ta đã theo Chúa vì tình yêu chưa, hay còn theo Chúa vì muốn bắt Chúa làm theo ý mình.
Xin ơn Chúa giúp qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse cho mỗi người chúng ta khi bước vào Tuần Thánh năm nay biết đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu của Chúa, biết sửa đổi cuộc đời và hành động một cách cụ thể để xứng đáng hưởng ơn cứu độ của Ngài.