Phụng vụ Nơi gặp gỡ Đức Kitô
Khóa Thường Huấn Linh mục Giáo phận Qui Nhơn
(25-27/9/2023)
Chủ đề:
Tông thư Desiderio Desideravi
Phụng Vụ: Điểm hẹn tình yêu với Đức Kitô
PHỤNG VỤ:
NƠI GẶP GỠ ĐỨC KITÔ
(số 10-13)
Lm. Gioakim Nguyễn Tấn Đạt
DẪN NHẬP
Trong truyền thống Kitô giáo, thuật ngữ Phụng Vụ được sử dụng nhằm chỉ một hành vi, qua đó dân Thiên Chúa được tham dự vào công trình của Thiên Chúa, tham dự vào công trình cứu Chuộc mà Chúa Giêsu Kitô đã hoàn tất trong sứ mạng của Ngài.[1] Với ý nghĩa này phụng vụ không chỉ là công việc của những người sống đời tu trì; không chỉ đơn thuần là tập hợp những nghi thức, nghi lễ khả giác bên ngoài nhưng mở ra những ý nghĩa sâu xa. Đức giáo hoàng Pio XII, qua thông điệp Mediator Dei, đã bác bỏ những quan niệm sai lầm về phụng vụ:
Thật là một quan niệm thiếu sót về phụng vụ khi chỉ coi phụng vụ như là phần hoàn toàn bên ngoài và khả giác của việc phụng tự hay như nghi lễ trang trí; cũng không kém phần sai lầm khi chỉ cho phụng vụ là tổng hợp những qui luật và mệnh lệnh, qua đó hàng giáo phẩm tổ chức việc thi hành thường xuyên các nghi lễ thánh.[2]
Quả thật phụng vụ phải được hiểu với một ý nghĩa sâu xa và huyền nhiệm hơn là những chi tiết bên ngoài. Thuật ngữ phụng vụ trong Tân ước được dùng để chỉ không những việc cử hành phụng vụ thần linh, mà còn cả việc loan báo Tin Mừng và việc thực thi bác ái. Trong tất cả những trường hợp này, Hội Thánh khi cử hành phụng vụ nhằm phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người[3]. Về điều này Công đồng Vaticanô II đã dạy rất rõ qua hiến chế về phụng vụ:
Phụng vụ kiến tạo hằng ngày những người ở bên trong Giáo Hội để làm họ thành đền thờ trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần, cho đến khi đạt tầm vóc phù hợp với sự sung mãn của Chúa Kitô. Đồng thời phụng vụ kiện cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Chúa Kitô, và như thế bày tỏ cho những người bên ngoài thấy Giáo Hội như là dấu chỉ giương cao trước mặt các dân nước cho việc qui tụ trong hiệp nhất các con cái Thiên Chúa tản mác cho đến khi chỉ có một đàn chiên và một chủ chăn.[4]
Trong ý nghĩa đó, hành vi cử hành phụng vụ không bao giờ mang yếu tố cá nhân, trái lại luôn mang tính cộng đoàn và thể hiện sự hiệp thông. Chiều kích cộng đoàn đó không dừng lại trên bình diện tự nhiên bằng sự hiện diện của những con người đang hiệp thông trong khi cử hành nhưng mở ra chiều kích siêu nhiên; hướng đến một cuộc gặp gỡ linh thiêng giữa con người với Thiên Chúa, một Thiên Chúa thật sự hiện hữu trong ngôi vị. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger khẳng định «Phụng vụ không chỉ là việc đi lên tới Thiên Chúa nhưng còn kéo Thiên Chúa vào trong thế giới riêng của con người».[5] Như vậy, phụng vụ đích thực là một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với Thiên Chúa. Ở nơi đó con người dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ và cầu xin. Và cũng nơi đó, «Thiên Chúa đã đáp trả lại những lời thân thưa của con người lên tới Người».[6]
Phụng vụ đặt nền tảng trên hai chiều kích: đi xuống và đi lên. Chiều kích thứ nhất nhằm chỉ đến việc thánh hóa phàm nhân, được thực hiện qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Chiều kích thứ hai diễn tả việc ca tụng vinh danh Thiên Chúa từ phía con người.
Từ đây, vai trò của Chúa Giêsu, Thiên Chúa nhập thể làm người, lột tả tất cả những chiều kích, những khía cạnh của phụng vụ mà con người cử hành. Mở đầu thông điệp Mediator Dei, Đức Giáo Hoàng Pio XII, dựa trên Kinh Thánh, đã làm rõ vai trò của Chúa Kitô trong cuộc gặp gỡ, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người.
Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người (1 Tm 2,5), vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa (Dt 4,14), thực hiện công trình về lòng thương xót để mang lại những ơn ích siêu nhiêu cho con người, và chắc chắn nhắm đến việc khôi phục trật tự giữa nhân loại và Đấng Tạo Hóa, trật tự đã bị tội lỗi làm rối loạn; dẫn đưa dòng dõi của Ađam ra khỏi ảnh hưởng của nguyên tội hầu trở về cùng Chúa Cha, Đấng là khởi nguyên, là cùng tận.[7]
Đó chính là sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô mà Hội Thánh qua phụng vụ tiếp nối trong thời gian và trong không gian với tư cách là bí tích phổ quát của Ngài. Cũng qua thông điệp Mediator Dei, Đức Giáo Hoàng Pio XII, định nghĩa về phụng vụ:
Phụng vụ là việc ca tụng vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa phàm nhân. Nhờ phụng vụ, Giáo Hội thực thi chức vụ tư tế của Chúa Kitô một cách chính yếu. Đó là việc phụng tự công cộng do Chúa Cứu Thế dâng lên Thiên Chúa Cha với tư cách là thủ lãnh của Giáo Hội, đồng thời việc phụng tự đó do cộng đoàn tín hữu dâng lên vị Thủ Lãnh của mình và nhờ Người, dâng lên Chúa Cha. Nói cách khác, phụng vụ là việc phụng thờ của tất cả Nhiệm Thể Chúa Kitô, gồm Đầu và chi thể, dâng lên Chúa Cha.[8]
Công đồng Vaticanô II, dựa trên lời dạy của Đức giáo hoàng Piô XII, đưa ra cái nhìn thấu đáo và trọn vẹn trên bình diện thần học về phụng vụ và ý nghĩa của phụng vụ trong đời sống Giáo Hội.
Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng[9] vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người.[10]
Với tư tưởng sâu sắc và với sự quan tâm rất nhiều đến phụng vụ, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đề ra tinh thần phụng vụ đích thực qua rất nhiều bài viết, suy tư thần học của mình. Cũng như tư tưởng của Đức Piô XII, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cho rằng, phụng vụ không phải là một cái gì đó bên lề, mà là một điều gì đó được ban tặng chứ không phải do con người tạo ra mặc dù sự đóng góp của con người là cần thiết.[11] Một sự ban tặng gắn chặt với quà tặng vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại: Con Một của Ngài (x. Ga 3,16).
Tiếp nối quan điểm thấu đáo của vị Giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Phanxico muốn cho toàn thể Giáo Hội cử hành phụng vụ sao cho không những đúng theo truyền thống Giáo Hội mà còn mang lại những ơn ích thiết thực cho toàn thể dân Chúa. Sự ra đời của tông thư Desiderio Desideravi, về đào tạo phụng vụ cho dân Thiên Chúa, nhằm hướng đến một cuộc gặp gỡ ý nghĩa trong phụng vụ: Gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau.
I. TÍNH BÍ TÍCH NƠI CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG: CUỘC GẶP GỠ VỚI CHÚA KITÔ TRONG MẦU NHIỆM BA NGÔI
Vũ trụ mà chúng ta đang sống luôn chất chứa những điều bí nhiệm; là thách thức không nhỏ cho những truy tìm của trí óc nhân loại. Có rất nhiều học thuyết được đưa ra để khám phá, tìm hiểu về nguồn gốc của nó. Với những ai có niềm tin, sự hiện diện của vũ trụ không là sự tình cờ ngẫu nhiên nhưng là kết quả của một quyền năng siêu nhiên được thừa nhận ngay cả những bộ óc khoa học vĩ đại. Isaac Newton quả quyết: «Điều ta biết được chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương bao la. Những xếp đặt và hài hòa của vũ trụ chỉ có thể xuất phát từ bản vẽ của một Đấng toàn năng và toàn tri».[12] Nhà Thiên văn học Nicolaus Copernicus nói thêm: «Ai có thể sống cận kề với một trật tự hoàn bị nhất và trí năng siêu vượt của Thiên Chúa mà không cảm thấy dâng trào những cảm hứng cao quý? Nào ai không thán phục vị kiến trúc sư của tất cả các công trình này?».[13]. ó chính là những khẳng định để chúng ta có thể từng bước tìm thấy và tin tưởng vào sự hiện diện của Thiên Chúa qua “tác phẩm” vĩ đại của Ngài.
- Công Trình Tạo Dựng: Dấu Chỉ Sự Hiện Diện Và Tình Yêu Của Thiên Chúa Ba Ngôi
Trên bình diện thần học nếu thuật ngữ Bí Tích được hiểu là những dấu chỉ qua đó Thiên Chúa hiện diện và ban ơn thì công trình tạo dựng là sự biểu lộ rõ ràng ý nghĩa đó. Qua công trình tạo dựng, con người thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa. «Ngài hiện diện nơi thâm sâu nhất của các thụ tạo của Ngài».[14] Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người (Rm 1,19-20). Công đồng Vaticanô II cũng xác quyết điều này cách mạnh mẽ trong hiến chế Gaudium et Spes: «Mọi tín hữu, dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, cũng luôn nghe tiếng Thiên Chúa và thấy Ngài hiển hiện qua tiếng nói của thụ tạo».[15]
Đó là một Thiên Chúa Tạo Hóa, là căn nguyên đệ nhất của tất cả những gì hiện hữu nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng Ngài là một một vị thần nghiêm khắc cai quản tất cả với quyền hành của mình, trái lại Thiên Chúa đó là tình yêu và vì tình yêu đó, Ngài tạo dựng vũ trụ để tham dự vào vinh quang của Ngài. Công đồng Vaticanô I khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo thành nên vũ trụ. Nói khác đi, không thể đồng hóa Thiên Chúa với vũ trụ. Ngài đã dựng nên vũ trụ do tình thương dạt dào chứ không phải vì thúc bách để mình được hoàn thiện hơn.[16]
Khi nói Vinh Quang của Thiên Chúa được tỏ lộ trong công trình tạo dựng chúng ta không hiểu theo ý nghĩa về một Thiên Chúa hám vinh quang, trái lại Vinh Quang của Thiên Chúa chính là sự tỏa lộ cái mà Ngài đã có rồi, tức là chính bản tính uy nghi, nhân ái, khoan dung v.v… Nhờ sự chiếu tỏa ấy chúng ta được thông dự vào sự thiện hảo của Ngài. Kinh thánh nói rằng Thiên Chúa đã muốn mời gọi chúng ta vào chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Do đó, người tín hữu tìm thấy một ý nghĩa cho cuộc sống của mình: con người xuất hiện trên đời này không phải do số phận may rủi tình cờ, nhưng là kết quả của một tình yêu ước muốn cho mình được hạnh phúc.[17] Thiên Chúa tạo tạo dựng vũ trụ vì con người và vì tình yêu đối với con người.
Trong cách hiểu bình dân, chúng ta vẫn thường xác tín: Chúa Cha tạo dựng vũ trụ; Chúa Con cứu chuộc nhân loại và Chúa Thánh Thần thánh hóa muôn loài. Tuy vậy từ nền tảng Kinh Thánh, một bước tiến của thần học sau công đồng Vaticanô II khi bàn tới sự tạo dựng là việc đề cập đến vai trò của toàn thể Ba Ngôi Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng. Dĩ nhiên chỉ có Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa nhưng đó là Thiên Chúa có ba ngôi vị. «Hành động tạo dựng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là một, một cách không thể tách biệt với hành động tạo dựng của Chúa Cha, là điều đã được thoáng thấy trong Cựu ước, đã được mạc khải trong Tân ước, và đã được quy luật đức tin của Hội Thánh xác định rõ ràng.[18]
Vì lẽ đó, qua công trình tạo dựng, được coi là bí tích của Thiên Chúa Tạo Hóa, con người được gặp gỡ Chúa Kitô.
- Công trình tạo dựng: sự chuẩn bị cuộc gặp gỡ Chúa Kitô
Một cách sâu sắc Đức giáo hoàng Phanxicô đã giúp cho chúng ta thấy một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong những thụ tạo gần gũi, thậm chí là tầm thường mà nhiều lúc vì sơ ý chúng ta không nhận ra. Dĩ nhiên Đức giáo hoàng không muốn chúng ta đi vào vết xe đổ của thuyết phiếm thần, nghĩa là coi Thiên Chúa đồng nhất với thế giới, nhưng giúp chúng ta có cái nhìn siêu nhiên hơn để sống và kết hợp dễ dàng hơn với Ngài trong mọi nơi chúng ta sống, trên mọi nẻo đường chúng ta đi qua.
2.1. Chúa Kitô, trung tâm điểm của tạo dựng
Khi nói về vị trí và vai trò của Chúa Kitô trong công cuộc tạo dựng, chúng ta không thể không nhắc đến tư tưởng thần học của Thánh Phaolo. Bên cạnh việc lặp lại tư tưởng của sách Khôn Ngoan khi khẳng định rằng từ các sự vật hiện hữu ta có thể suy ra sự hiện hữu của Đấng Tạo Thành (Rm 1,19-20), thánh nhân xen vào vai trò của Đức Kitô trong công cuộc tạo dựng (x. 1Cr 8,6; Cl 1, 15-20; Dt 1,1-3). Đức Kitô đã ở bên cạnh Chúa Cha vào lúc tạo dựng (Rm 11,36) như là “Thượng trí của Thiên Chúa” (x. 1Cr 1,24.30) mà các sách Khôn Ngoan nói tới (Cn 8,22; Hc 24,1-9). Đức Kitô vừa là trung gian của việc tạo dựng vừa là trung gian của việc cứu chuộc (1Tm 2,5). Khi đặt Đức Kitô hiện diện trong công cuộc tạo dựng, thánh Phaolô muốn gắn chặt kế hoạch tạo dựng và kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa (Ep 1,3-14).[19]
Khi nhắc lại hình ảnh Đức Kitô là nguyên thủy, trung tâm và cùng đích của sự tạo dựng (x. Cl 1,15-20), chúng ta có thể rút ra định nghĩa thật sự hoàn hảo và súc tích nhất về phụng vụ qua vai trò của Chúa Giêsu trong trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, khởi đi từ việc tạo dựng và tiếp nối trong lịch sử qua Hội Thánh, bí tích phổ quát ơn cứu rỗi.[20]
Với Thánh Gioan, chúng ta gặp được hình ảnh Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời. Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành (Ga 1,1-3). Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã xác tín rằng: «Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu là Con yêu dấu của Ngài».[21]
Như vậy qua công cuộc tạo dựng, con người chưa gặp gỡ Con Thiên Chúa làm người nhưng trong tư cách là Thiên Chúa, Ngài hiện hữu từ đời đời và luôn hiện diện trong lịch sử, ngay cả khi Ngài chưa nhập thể làm người nhưng hướng đến sứ mạng mang ơn cứu độ cho nhân loại trong tư cách là Ađam mới; mang lại ý nghĩa và hạnh phúc cho nhân loại qua sự cộng tác của mỗi con người trong sứ mạng của mình.
2.2. Công trình tạo dựng, hướng về mầu nhiệm của Chúa Kitô, cuộc tạo dựng mới
Khởi đi từ sách Sáng Thế Ký, hình ảnh của nước đã hiện diện trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa (x. St 1, 1-2). Đến ngày thứ hai trong số những ngày tạo dựng, Thiên Chúa đã thiết lập trật tự cho nước (x. St 1, 9) và ngày thứ năm, Thiên Chúa tạo dựng những sinh vật nhờ nước mà sinh sôi nảy nở (St 1, 20).
Trên bình diện vật lý, nước rất cần cho sự sống tự nhiên; giúp loại bỏ một số chất không cần thiết và độc tố trong cơ thể ngang qua chức năng của một số cơ phận. Trong lĩnh vực tôn giáo, nước thể hiện sức mạnh, là sự sống và biểu trưng cho sự thanh sạch, sự thanh tẩy. Kitô giáo đã sớm du nhập một số tập tục, truyền thống thanh tẩy của Hy Lạp và Do Thái giáo nhưng đồng thời đã sử dụng nước trong rất nhiều những nghi thức khác nhau của phụng vụ: một số thực hành đạo đức bình dân, phụ tích và nhất là nơi các bí tích; liên hệ với nhiều biến cố trong cuộc đời với Chúa Giêsu. Vì thế có thể nói được rằng, công trình tạo dựng, cụ thể là nước, đưa con người đến với phụng vụ, đến với cuộc gặp gỡ Chúa Kitô qua những mầu nhiệm của Ngài, qua sứ mạng mà Ngài đã thực hiện vì ơn cứu độ nhân loại.
2.2.1. Nước báo trước cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Tẩy
Hình ảnh nước, nhắc nhớ lại hình ảnh nước của dòng sông Giorđan, nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho những người Israel và cho cả Chúa Giêsu, Đấng đã tự hạ, chấp nhận xếp hàng chung với những người tội lỗi, chấp nhận bị dìm trong dòng nước để xin ơn tha tội, mặc dù Ngài là Đấng vô tội (x. Ga 1,31-34). Dĩ nhiên phép rửa mà Gioan thực hiện năm xưa là dấu chỉ của lòng thống hối chứ không phải là bí tích như cách hiểu trên bình diện thần học Kitô giáo. Tuy vậy, phép rửa đó là sự chuẩn bị cho phép rửa được thiết lập bởi Chúa Giêsu, Đấng đến sau Gioan, quyền thế hơn ngài và sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (x. Mc 1, 7-8).
Trong đời sống đức tin, khi các Kitô hữu chịu phép Rửa Tội qua nghi thức đổ nước trên đầu 3 lần (có nơi dìm vào trong nước 3 lần), Giáo Hội nhắc các tân tòng nhớ lại biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa; muốn họ họa lại đời sống trong Chúa Kitô và trở nên giống Chúa Kitô. Đây chính là ý nghĩa cốt lõi mà nước trong phụng vụ bí tích Thanh Tẩy mang lại cho các Kitô hữu. Trong tông thư Desiderio Desideravi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ cho chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng nước, chất thể của bí tích Thánh Tẩy. Theo Đức Giáo hoàng, «khi Thiên Chúa sáng tạo ra nước, Người đã nghĩ đến bí tích Rửa Tội của mỗi người chúng ta, và Người luôn giữ ý nghĩ này qua các hành động trong lịch sử cứu độ, mỗi khi Người dùng nước để làm một điều gì đó. Như thể, sau khi tạo ra nước, Thiên Chúa muốn hoàn thiện nước để làm cho nước trở thành chất thể trong bí tích Thánh Tẩy»[22]. Như vậy rõ ràng có một sự liên hệ xuyên suốt giữa: Nước trong công trình tạo dựng, bí tích thánh tẩy và Chúa Kitô, ở đó nước chính là nhân tố trung gian cho cuộc gặp gỡ giữa các kitô hữu với Con Một Thiên Chúa.
2.2.2. Nước từ cạnh sườn, cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu qua mầu nhiệm thập giá
Trên bình diện tôn giáo, nhất là với Kitô giáo, nước mang nơi mình một sức mạnh nhằm diễn tả dấu chỉ của sự thanh tẩy. Ngay trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa làm cho thần khí bay là là trên mặt nước (x. St 1,2) để nước có năng lực thánh hóa[23]. Con người vì kiêu ngạo và lạm dụng sự tự do của mình đã phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa trong vườn địa đàng (x. St 3 -4); làm cho tội lỗi lan tràn trên trần gian (x. Rm 5, 12-13); gây nên một viễn cảnh đau thương, bất hạnh cho tất cả những ai mang bản tính nhân loại. Con người cần một sự thanh tẩy, một cuộc tái tạo. Và Thiên Chúa đã dùng nước để thanh tẩy nhân loại trong trận Đại Hồng Thủy (x. St 6,1 – 9,29). Nước còn là biểu tượng của sự chiến thắng khi Thiên Chúa bắt nước rẽ ra để mở đường giải thoát dân Israel qua Biển Đỏ trước sự truy đuổi của quân Ai Cập, những người bị dìm chết cũng bởi dòng nước Biển Đỏ (x. Xh 14).
Như vậy thế giới tội lỗi bị hủy diệt trong Đại Hồng Thủy, nhưng đồng thời, mở ra một nguồn sống cho Nôê. Đó không là một sự tiêu diệt mà là nguyên tắc của sự sáng tạo mới, một cuộc tái tạo nhằm lập lại trật tự tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Với việc vượt qua Biển Đỏ, có sự chết và sự phán xét, nhưng cũng có sự chiến thắng của Thiên Chúa đối với Pharaô và sự cứu rỗi của các chi tộc Israel (x. Xh 14,15-30).[24] Nước của đại hồng thủy và nước Biển Đỏ báo trước bí tích Rửa Tội mang lại sự sống mới cho nhân loại.[25]
Tất cả những gì mà Cựu Ước nói về cuộc tái tạo nhờ nước dẫn đến sự sống sẽ trở nên một dấu chỉ cho một cuộc tái tạo trong Tân Ước được thực hiện bởi Chúa Kitô cũng bởi nước và máu nơi cạnh sườn Người. Đức Giáo hoàng viết trong Tông thư: «Người đã để nước hòa trong máu Con của Người, làm nên món quà là Thần Khí không thể tách rời với món quà là sự sống và sự chết của Con Chiên đã chịu sát tế vì chúng ta, và từ cạnh sườn bị đâm thâu của Con Chiên, Người đổ máu và nước trên chúng ta (Ga 19,34)».[26]
Ở đây có sự liên hệ chặt chẽ giữa nước trong bí tích Thánh Tẩy – nước tự nhiên – và nước hằng sống là chính bản thân Chúa Giêsu (x. Ga 4, 10-14; 7, 37-39) được biểu hiện qua hình ảnh nước từ cạnh sườn, nơi hy lễ trên thập giá của Ngài, nơi phép rửa mà Ngài phải chịu qua cuộc khổ nạn (x. Mc 10, 38; Mt 20, 20 -23). «Nước có thể là hình bóng của mầu nhiệm thập giá. Qua biểu tượng này, bí tích Rửa Tội nói lên sự hiệp thông của mầu nhiệm thập giá».[27] Thánh Phaolô đã cho thấy việc cử hành bí tích Thanh Tẩy là gắn liền với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô để thuộc về Ngài vì chúng ta cũng được dìm vào trong cái chết, được mai táng với Ngài và cũng được sống một đời sống mới (x. Rm 6, 3-4).[28]
Tóm lại từ nước trong công trình tạo dựng báo trước một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng là nước hằng sống, Đấng sẽ mang lại một cuộc sống mới, một cuộc tạo dựng mới nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài.
II. MẦU NHIỆM NHẬP THỂ CỦA CHÚA KITÔ, BÍ TÍCH CỘI NGUỒN
Đỉnh cao của phụng vụ là việc cử hành các Bí Tích, những dấu chỉ qua đó Thiên Chúa hiện diện và ban ơn thánh. Phúc lành của Chúa Cha vẫn tiếp tục tuôn đổ trên Giáo Hội và nhân loại nhờ hoạt động của Chúa Kitô nơi các bí tích do chính Ngài thiết lập để thông ban ân sủng, và ân sủng trọng đại nhất mà Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại là chính Con Một của Ngài (x. Ga 3,16), Người đã nhập thể làm người và ở giữa nhân loại (x. Ga 1,14).
- Cuộc gặp gỡ Ngôi Lời – Bí tích cội nguồn, nền tảng của sự thờ phượng
Công trình cứu độ của Chúa Kitô, mà đỉnh điểm là mầu nhiệm vượt qua được diễn tả và thực hiện trong phụng vụ của Hội Thánh như Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rõ: «Trong phụng vụ của Hội Thánh, Đức Kitô chủ yếu biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm vượt qua của Ngài».[29] Tuy vậy cả cuộc đời của Chúa Giêsu, bắt đầu từ mầu nhiệm nhập thể, là tiếng xin vâng thánh ý Chúa Cha (x. Ga 4,34). Sự hiện diện của Ngài, những lời Ngài giảng dạy, những việc Ngài làm là sự tham dự trước vào mầu nhiệm vượt qua nhằm hoàn tất sứ mạng cứu độ cho nhân loại.[30]
Chúa Giêsu trong cuộc nhập thể làm người đã mang ý nghĩa trọn vẹn của một bí tích, bởi lẽ «nhân tính của Người xuất hiện như một bí tích, nghĩa là, một dấu chỉ và dụng cụ của thần tính của Người, và của ơn cứu độ mà Người mang lại: những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người, dẫn chúng ta đến mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm con Thiên Chúa của Người và sứ vụ cứu chuộc của Người.[31] Xoay quanh tư tưởng thần học này, có rất nhiều thần học gia làm phong phú thêm lời dạy của Giáo Hội Công giáo. Henri de Lubac nói: «Giáo hội là bí tích của Chúa Giêsu Kitô như Ngài trong nhân tính là bí tích của Thiên Chúa»[32]. Cùng tư tưởng như vậy, Cha F. Gomez viết: «Ðức Kitô không chỉ là dấu hiệu làm cho chúng ta biết Chúa Cha, mà là dấu hiệu “hiện thể hóa” Chúa Cha cho chúng ta; vì thế, ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha: Ðức Giêsu là bí tích của Chúa Cha».[33] Cả cuộc đời của Ngài là một mạc khải về Chúa Cha. Ngay cả những biến cố nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống trần thế của Ngài nhằm biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta[34] và nhằm giúp chúng ta hướng về Chúa Cha trong sự thờ phượng đích thật.
Qua bí tích cội nguồn mang tên Giêsu, con người mới có thể sống tinh thần thờ phượng của mình với Chúa Cha vì chỉ nhờ Chúa Kitô, con người phụng thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo như chính Ngài đã dạy: «Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy» (Ga 14,6). Khi chú giải Tin Mừng Ga 1,14, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã mở ra cho chúng ta một viễn cảnh thờ phượng đích thật qua Chúa Giêsu Kitô nhập thể. «Nhờ Ngôi Lời mà sự thờ phượng của Kitô giáo nói đến trước hết không phải là một bản văn, mà là một thực tại sống động: một Thiên Chúa, Đấng tự truyền đạt ý nghĩa, và Đấng truyền đạt chính mình bằng cách trở thành một con người. Sự nhập thể này là lều thánh, tâm điểm của mọi sự thờ phượng, vốn nhìn vào vinh quang của Thiên Chúa và tôn vinh Ngài».[35] Đó cũng chính là sự hiệp thông mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập trong tông thư: «Nhập thể, không chỉ là sự kiện mới mẻ duy nhất trong lịch sử, nhưng còn là cách thức được Thiên Chúa Ba Ngôi chọn để mở ra con đường hiệp thông».[36] Sự hiệp thông này mở rộng trong tương quan đối với nhân loại, những người cần một sự phục hồi để về lại ơn gọi đầu tiên của họ như Thánh Irênê đã nói:
Khi nhập thể làm người, Đức Kitô qui tụ nơi mình lịch sử lâu dài của nhân loại, và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta theo con đường tắt, để những gì xưa kia chúng ta đã mất nơi Ađam, tức là không còn hình ảnh và giống Thiên Chúa nữa, thì nay chúng ta được nhận lại trong Đức Kitô Giêsu. Chính vì thế Đức Kitô đã trải qua mọi tuổi đời, để cho mọi người lại được hiệp thông với Thiên Chúa.[37]
Và sự hiệp thông được thể hiện cách cụ thể nơi trần gian qua cuộc gặp gỡ giữa con người với Con Thiên Chúa làm người, một cuộc gặp gỡ để đón nhận những ơn thánh dồi dào mà Ngài mang lại khi sống trong lịch sử.
- Sự gặp gỡ với Chúa – Giêsu – Nhập – Thể qua ơn Thánh
Nếu như điểm cốt lõi trong phụng vụ là diễn tả và thực hiện công trình cứu độ của Chúa Kitô; là cuộc gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh trong vai trò là đấng Trung Gian thì mầu nhiệm nhập thể của Ngài là cuộc gặp gỡ hồng phúc, bằng sự hiện diện thể lý mà những người đương thời đón nhận, nhất là những người tin vào Ngài. «Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe» (Mt 13, 16). bí tích quả thật là dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của ơn thánh, tức ân sủng của đời sống thánh thiêng, và giờ đây ân sủng của đời sống đó được thực hiện cách cá vị nơi Chúa Giêsu Kitô. Cuộc nhập thể của Ngài là bí tích trổi vượt: nhân tính của Đức Kitô đón nhận cách cá vị ân sủng của sự thánh thiện và như vậy trở nên nguyên lý cho ơn cứu độ của chúng ta.[38] Y. Congar đã phác họa tư tưởng này một cách sâu sắc. Đức Kitô phối kết một ân sủng vô hình tổng quát với một hình thể khả giác có khả năng biểu thị và ban chuyển ân sủng ấy. Ngài mang trong Ngài sự hòa giải qua máu Ngài, giao ước mới và chung quyết, ơn làm con Thiên Chúa trong ân sủng, niềm hy vọng được vinh hiển, bảo chứng quyền thừa kế của con cái Thiên Chúa, mối hiệp thông mật thiết với Người, và dây hiệp nhất mọi con cái Thiên Chúa thành một dân tộc, một thân thể.[39]
Thánh Toma Aquino cũng giải thích: «bản tính nhân loại của Chúa Kitô được đảm trách như một phương thế để thực hiện những hoạt động chỉ dành riêng cho Thiên Chúa Cha như tha thứ tội lỗi, khai mở tâm trí với ơn thánh; dẫn đưa con người tới sự hoàn thiện của sự sống đời đời».[40]
Quả thật, Con-Người-Giêsu là công cụ của Thiên Chúa dùng để cứu độ thế gian. Đỉnh điểm của ơn cứu chuộc dành cho nhân loại hệ tại ở việc đổ máu của Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng đã được thực hiện qua cả cuộc đời của Ngài.[41] Ngài là công cụ hoàn hảo, vừa hoàn toàn tự do, vừa hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa nhưng cũng như nhân vị của chúng ta, Ngài chỉ hoạt động qua thể xác hữu hình để tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x. Ga 1,16) như lời xác quyết của Công đồng: «chính bản tính nhân loại của Người, hiệp làm một với Ngôi Lời, đã nên khí cụ phần rỗi chúng ta».[42]
Ơn huệ của Chúa Giêsu ban cho nhân loại không chỉ trên bình diện tâm linh: tha thứ tội lỗi (x. Mt 9,2), chia sẻ vinh quang với các bạn hữu mình (x. Ga 17,24) mà cả trên bình diện thể lý nữa: chữa lành bệnh tật (x. Mt 8,3tt), cho kẻ chết sống lại (x. Ga 11,1-44; Lc 7,11-17). Ơn thánh của Ngài được ban cho tất cả, không có sự phân biệt về giới tính, nghề nghiệp, niềm tin…, thậm chí cho các đồng bào từ chối đón nhận Ngài (x. Mt 23,37), bởi lẽ Ngài đang không ngừng kết hiệp những gì đã bị phân tán (x. Ga 11,52; 12,32). Ngài là phương thế trung gian để Thiên Chúa hòa giải thế gian với chính mình (x. 2Cr 5,19). Thân xác của Ngài là nguồn trường sinh (x. Ga 6,53tt), và ngoài Ngài ra thì chẳng có được ơn cứu độ (x. Cv 4,12).[43]
Tuy vậy còn có nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm, nếu viết lại từng điều một, thì cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra (x. Ga, 21,25). Những người tin dù sống trong thời đại nào cũng xác quyết rằng, cuộc nhập thể của Con Một Thiên Chúa là cuộc gặp gỡ mang ơn lành, có sức thánh hóa và đưa con người vào tình yêu của Thiên Chúa Cha. Đức Kitô, ngay trong cuộc nhập thể, đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta giàu có (x 2 Cr 8,9). Trong cuộc sống ẩn dật, Người vâng phục để sửa lại sự bất phục tùng của chúng ta. Khi giảng dạy, Người thanh tẩy những người nghe (x. Ga 15,3). Khi chữa bệnh và trừ quỷ, Người đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta (Mt 8,17). Khi phục sinh, Người làm cho chúng ta được nên công chính (x. Rm 4,25).[44]
Như vậy qua con người và cuộc sống của Chúa Giêsu trên trần gian, nhân loại đụng chạm cách trực tiếp vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình trong không gian và thời gian. Nhờ những mạc khải qua Ngôi Lời mà con người nhận biết và tin vào Thiên Chúa. Đó chính là nền tảng cho những cuộc gặp gỡ, ở đó con người chỉ có thể nhận lãnh hồng ân và múc lấy nguồn sống bằng niềm tin của mình.
III. CÁC BÍ TÍCH: ĐỈNH CAO CỦA CUỘC GẶP GỠ VỚI CHÚA GIÊSU
Cử hành phụng vụ trong Hội Thánh không chỉ gồm tóm nơi các các bí tích nhưng có thể nói được rằng, bí tích là đỉnh cao của phụng vụ, đỉnh cao của những cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Ngài không những là điểm đến của phụng vụ trong tư cách là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng đồng thời Ngài là trung gian để các cử hành phụng vụ có ý nghĩa và mang lại hiệu quả cho dân Chúa trong tư cách là Đấng trung gian, Thiên-Chúa-làm-người.
Trong cử hành phụng vụ, con người gặp gỡ Chúa Kitô, trước hết vì Ngài là tác giả của các bí tích. Quả vậy Chúa Giêsu là tác giả duy nhất của bảy bí tích. Các bí tích không phải là sự sáng chế của Giáo Hội mà là một kho tàng vô cùng quí giá được giao phó cho Giáo hội. Sẽ không nghi ngờ khi quả quyết lần nữa, Chúa Giêsu là tác giả của: bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức, bí tích Thánh Thể, bí tích Giải Tội, bí tích Truyền Chức, bí tích Xức Dầu và bí tích Hôn Phối.[45] Trong các cử hành phụng vụ, Giáo hội tuyên tín rằng Chúa Kitô cùng hiện diện với cộng đoàn tín hữu đang tập họp. «Người hiện diện trong các Bí tích nhờ quyền năng của Người; vì thế ai rửa tội chính là Chúa Kitô rửa»[46] như lời xác quyết của thánh Augustinô.[47]
Sau nữa, con người gặp gỡ Chúa Kitô trong phụng vụ vì nơi đó cử hành mầu nhiệm cuộc đời của Ngài, từ lúc nhập thể, giáng sinh cho đến khi Ngài hoàn tất mầu nhiệm vượt qua: khổ nạn, chết, sống lại và lên trời, mầu nhiệm được coi là đỉnh cao của phụng vụ như Hội Thánh đã khẳng định: trong phụng vụ, Hội Thánh chủ yếu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, qua đó Chúa Kitô đã thực hiện công trình cứu độ chúng ta.[48]
- Bí tích Thánh Tẩy, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô, tham gia vào cuộc khổ nạn của Người.
Đối với các Kitô hữu, bí tích Rửa Tội là cửa ngõ dẫn vào các bí tích và là ân sủng Thiên Chúa ban để giải thoát con người khỏi tội lỗi, tái sinh họ làm con Thiên Chúa và kết nạp họ vào Giáo Hội, làm cho họ nên giống Chúa Kitô. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cho chúng ta thấy cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô trong phụng vụ: «Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô là sự kiện ghi dấu ấn trên cuộc đời của tất cả những ai tin vào Người, đó chính là bí tích Thánh Tẩy».[49] Với bí tích cửa ngõ này, các Kitô hữu mới có thể lãnh nhận các bí tích khác[50] để được gặp gỡ Đức Kitô cách tròn đầy hơn. Đức giáo Hoàng Pio XII đã dạy qua thông điệp Mystici Corporis Christi: Vì nhờ nước rửa tội, những người được sinh ra trong cuộc sống trần thế này không chỉ được tái sinh từ cái chết của tội lỗi và trở thành thành viên của Giáo hội, mà còn được ban cho đặc tính thiêng liêng và có thể lãnh nhận các bí tích khác.[51]
1.1. Sự tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô
Nhờ bí tích Rửa Tội, các kitô hữu có liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu, trong vai trò của người Trưởng Tử. Nhờ tin, các Kitô hữu mặc lấy Đức Kitô; là một trong Đức Kitô; được thừa kế lời hứa (x. Gl 3,23-29; Rm 8,26-30). Công đồng Vaticanô II dạy rõ: Nhờ phép rửa, con người lãnh nhận tinh thần của kẻ làm con “nhờ đó chúng ta xưng hô Chúa là Abba, Cha” (Rm 8,15).[52]
Để có được những tư tưởng trên trong các thư của mình, Thánh Phaolô có cái nhìn sâu sắc nhờ sự soi sáng của Kinh Thánh Cựu ước; giới thiệu một sợi dây liên kết giữa phép Rửa và cuộc vượt qua Biển Đỏ. Ngài cho rằng, việc vượt qua Biển Đỏ là một kiểu rửa tội, bấy giờ được áp dụng một cách tiên trưng cho người Kitô hữu, là người vượt qua dòng nước rửa tội, được rửa tội sáp nhập vào trong Chúa Kitô (x. 1Cr 10, 11-12).[53]
Nhờ hồng ân bí tích Rửa Tội, các kitô hữu thuộc về Hội Thánh. Đó không phải là một tổ chức hay một cơ quan hướng đến một hoạt động vì phúc lợi của cộng đồng nhưng là một gia đình, trong đó mỗi người là thành viên, không thể bị thay thế. Và một cách sâu xa hơn, Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, là bí tích phổ quát của ơn cứu độ[54] mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Sự liên hệ mật thiết giữa Chúa Kitô và thân thể mầu nhiệm của Ngài, tức Hội Thánh, được thể hiện một cách cụ thể, qua lời của Đức Giáo Hoàng Pio XII: Ðức Kitô hoạt động trong Giáo Hội mật thiết đến độ có thể coi Giáo Hội như là một ‘ngôi vị thứ hai’ của Ngài.[55] Sự mật thiết đó được thánh Augustino thể hiện qua tuyên bố rất ngắn gọn nhưng hàm chứa một ý nghĩa trọn vẹn: «Đức Kitô rao giảng Đức Kitô».[56] Như vậy, qua những chỉ dạy của Giáo Hội cũng như của các giáo phụ về tính bí tích của Hội Thánh để thấy được rằng, chúng ta thuộc về Hội Thánh, cũng đồng nghĩa với việc nơi mỗi chúng ta mang đặc tính thuộc về Đức Kitô.
1.2. Mang nơi mình sứ mạng của Chúa Kitô
Những ai được rửa tội sẽ thuộc về Chúa Kitô, được sát nhập vào thân thể mầu nhiệm của Ngài, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với một sự gần gũi thể lý, bằng sự hiện diện hay trên danh nghĩa Kitô hữu. Nên nhớ rằng, lần đầu tiên tại Antiokhia, những môn đệ được gọi là Kitô hữu (x. Cv 11,26), một danh xưng không bắt nguồn từ việc gia nhập một tôn giáo hay để thấy sự khác biệt với những người tin vào một tôn giáo khác mà bắt nguồn từ lòng can đảm rao giảng và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, bắt nguồn từ sự bền đồ đến cùng trong đức tin trước những thử thách, trước những cuộc bách hại khốc liệt.
Một sự thuộc về, một cuộc gặp gỡ sống động của các Kitô hữu với Chúa Kitô được thể hiện qua việc thông phần vào sứ mạng Của Ngài, tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả theo cách thức của họ.[57] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cũng nhấn mạnh tới khía cạnh mới của ân sủng và phẩm giá của bí tích thánh tẩy khi đề cập đến ba chức vụ mà người giáo dân tham dự vào sứ mạng của Chúa Giêsu.[58]
1.2.1. Mỗi Kitô hữu là tư tế
Rõ ràng, mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, được xức dầu thánh, tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô;[59] trở thành chỗ ở thiêng liêng, và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của họ, dâng hy tế thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Đấng đã mời gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kì diệu của Ngài (x. 1Pr 2,4-10).[60] Sứ vụ tư tế này giúp các Kitô hữu cử hành việc phụng tự thiêng liêng nhằm tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người; được mời gọi cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần để sinh hoa trái ngày càng phong phú trong cuộc sống của họ.[61]
Phải chăng đây là một tư tưởng rất táo bạo bởi lẽ con người là gì mà có thể làm được điều mà chỉ có Chúa Kitô mới thực hiện: cứu độ con người. Quả thật đây là một “mầu nhiệm” mà thần học gia Henri de Lubac đã nhấn mạnh: «Ngoài chức tư tế được hành xử trong việc phụng tự, còn có một chức tư tế nhằm dâng tiến lên Thiên Chúa “những lễ phẩm tinh tuyền của lòng sùng kính trên bàn thờ là tâm hồn”. Chức tư tế này, như ông Origène nói, làm cho mỗi người Kitô hữu, “đều mang nơi bản thân lễ toàn thiêu của mình và chính mình châm lửa đốt của lễ ấy”».[62]
Chính sự tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô, mở ra cho mỗi Kitô hữu những cơ hội để có thể dâng lên những của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa trong công việc hàng ngày khi họ để Chúa Thánh Thần hoạt động trong họ, trong ơn gọi mà họ đang dấn bước.
1.2.2. Chức vụ ngôn sứ
Cũng như chức tư tế cộng đồng, chức vụ ngôn sứ được ủy thác cho những Kitô hữu. Việc rao truyền và làm chứng cho Tin Mừng, cho Chân Lý viết hoa, tức Chúa Giêsu, không phải là nhiệm vụ độc quyền dành cho các giám mục, linh mục mà cho tất cả mọi thành phần dân Chúa. «Vì thế giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quí là truyền bá Phúc Âm cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng những việc trần thế»[63] như Đức giáo hoàng Phanxicô đã viết: «Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo, và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một kế hoạch truyền giáo được thực hiện bởi những nhà truyền giáo chuyên nghiệp trong khi số các tín hữu khác chỉ là những người thụ hưởng thụ động».[64]
Qua chức vụ này, các Kitô hữu có được cuộc gặp gỡ sống động với Chúa Kitô bởi vì Tin Mừng được rao truyền không phải một học thuyết hay một giáo thuyết mà là một Con Người, Đức Giêsu Kitô. Hơn thế nữa, mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.[65] Ta vẫn thường nghe nói: không ai có thể cho cái mình không có. Cũng vậy, theo dòng lịch sử của Giáo Hội, những người mang nơi mình chức vụ ngôn sứ không thể hoàn thành bổn phận của mình nếu không có một kinh nghiệm thật sự với Đấng mà mình rao giảng. Làm sao họ có thể rao giảng Lời nếu họ không biết Chúa Kitô. Chỉ khi nào những thừa tác viên Lời Chúa gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng là Chân Lý thật sự, họ mới sẵn sàng làm chứng và thậm chí chấp nhận cái chết vì Chân Lý đó.
Tuy vậy, lịch sử cho thấy rằng ngay từ những thế kỷ đầu tiên, ơn gọi “ngôn sứ” được Chúa Thánh Thần ban cho những người không phải là giám mục (và linh mục). Trong khi các giám mục thường lơ là với việc giảng thuyết, những giáo dân nhiệt thành với sứ mạng ngôn sứ do thiếu chuẩn bị về đạo lý nên có nguy cơ gây ra những lạc giáo.[66] Từ thực tế trong lịch sử Giáo hội như vậy, các Kitô hữu trong mọi thời, nhất là thời đại hôm nay cần có những phương thế hữu hiệu nhằm hiểu biết sâu xa hơn chân lý Chúa mạc khải, dưới sự soi sáng của ơn Chúa[67] để hoàn thành sứ mạng đã lãnh nhận qua việc thông phần vào sứ vụ của Chúa Kitô.
1.2.3. Chức vụ vương đế
Sứ mạng vương đế của các Kitô hữu được thể hiện trong sự liên đới chặt chẽ với Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ. Dĩ nhiên tước hiệu vua của Chúa Giêsu không hệ tại trên bình diện chính trị, tức thống trị một quốc gia hay một lãnh thổ, ngược lại nó gắn liền với sự hạ mình phục vụ và vâng lời thánh ý Chúa Cha cho đến chết (x. Pl 2,8-9). Quyền bính mà Chúa muốn cho các Kitô hữu tham dự vào là sự tự do vương giả nhằm chiến thắng những tội lỗi nơi bản thân bằng một đời sống hy sinh từ bỏ; sống tinh thần phục vụ bằng sự khiêm nhường;[68] mở rộng nước Chúa, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình.[69]
Về sự tham dự này của người Kitô hữu vào chức vụ vương đế của Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã xác quyết rằng, nhờ thuộc về Đức Kitô, giáo dân tham dự vào chức vụ vương giả của Ngài, và được Ngài kêu gọi phục vụ Nước Thiên Chúa và làm cho Nước ấy lan tỏa trong lịch sử bằng cuộc chiến thiêng liêng chống lại quyền thống trị của tội lỗi nơi họ (x. Rm 6,12), bằng việc dâng hiến chính mình để, trong bác ái và công chính, phục vụ chính Đức Giêsu, hiện diện nơi mọi anh em của Ngài, đặc biệt nơi những người bé nhỏ nhất (x. Mt 25,40).[70]
1.3. Bí tích rửa tội, cùng chết và phục sinh với Chúa Kitô
Nhờ bí tích Rửa tội, các Kitô hữu không chỉ tham dự vào sứ mạng của Chúa Giêsu khi Ngài sống trên trần gian mà còn tham gia vào mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, tức được dìm vào cái chết và sự phục sinh của Ngài. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã nhắc lại lời của thánh Phaolô để thấy được sự liên hệ giữa những Kitô hữu, tức những người chịu phép rửa trong nước và Thánh Thần với Chúa Giêsu, Người đã chịu phép rửa trong máu, tức cuộc vượt qua của Ngài. «Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người, được mai táng với Ngài (x. Cl 2,12).[71]
Điều này Kinh Thánh và các giáo phụ đã triển khai trong bối cảnh phụng vụ của bí tích Rửa tội; kết hợp bí tích này với cái chết của Chúa Kitô và giảng giải sự tham gia của các Kitô hữu vào trong cái chết đó.[72] Để sống cho Thiên Chúa, tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi (x. Gl 2,19b-20). Thánh Cyrillô Alexandria cũng nói đến sự nhấn chìm ba lần như là biểu tượng của ba ngày Chúa Kitô trong mộ: vì Đấng Cứu Độ chúng ta đã dành ba ngày đêm trong lòng đất trống rỗng, nên lần đầu tiên anh em nổi lên là anh em hiện tại hóa ngày của Chúa Kitô trên trần gian và khi anh em bị nhấn chìm xuống là anh em hiện tại hóa đêm đầu tiên của Ngài…Trong cùng một hành động anh em chết đi và được sinh ra.[73] Thánh Ambrôsiô trình bày một cách sâu xa hơn nữa mối liên hệ giữa phép rửa và cái chết của Chúa Kitô khi ngài ví giếng nước rửa tội với ngôi mộ: không phải đất, mà là nước mới rửa sạch. Vì vậy, giếng nước là một loại phần mộ.[74]
Tuy vậy Giáo hội sơ khai đã coi phụng vụ của bí tích Rửa Tội như là một sự tham gia vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, tức không chỉ vào cuộc khổ nạn mà còn vào sự phục sinh vinh hiển của Người. Vì thế việc cử hành và việc tuyên xưng đức tin trong phụng vụ không thể tách rời nhau. Thuật ngữ Latinh “lex orandi, lex credendi” đã diễn tả quy luật đó: luật cầu nguyện cũng là luật tin, hay người ta cầu nguyện như thế nào thì người ta tin như vậy. Trong những thế kỷ đầu, xuất hiện một lời cầu nguyện làm phép nước để người được rửa tội có thể bị đóng đinh với Chúa Kitô: Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa cho sức mạnh Chúa Thánh Thần, nhờ Con Chúa, xuống trên giếng nước này, để khi mọi người nhờ bí tích Rửa Tội, đã được an táng cùng Chúa Kitô hầu chết cho tội, thì cũng được phục sinh với Người trong sự sống.[75]
Thánh Grêgôriô Nazianô bày tỏ niềm tin đó khi nói rằng, chúng ta được mai táng cùng với Chúa Kitô trong bí tích Rửa Tội để chúng ta có thể sống lại với Ngài.[76] Bởi đó qua bí tích Rửa Tội trong Chúa Kitô, Kitô hữu trở nên giống Chúa Kitô chết và sống lại được biểu thị bằng cách dìm mình vào trong dòng nước và trồi lên từ dòng nước. Điều này Đức giáo hoàng Phanxicô dạy rõ qua tông thư Desiderio Desideravi, bí tích Thánh Tẩy không phải là việc gắn kết tâm trí chúng ta vào suy nghĩ của Chúa Giêsu hay chấp nhận các quy luật sống do Người truyền dạy mà là việc dìm mình vào cuộc khổ nạn, cái chết, sự sống lại và lên trời của Người.[77] Dĩ nhiên phép Thánh Tẩy không phải là cử chỉ ma thuật như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đề cập. Nó không là một món quà mà các Kitô hữu nhận lãnh một lần cho muôn lần mà là một hành trình chỉ nhờ ơn Chúa Thánh Thần, những người tin mới có thể thông phần vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.
Chính điều này, Đức giáo hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ làm cho những người chịu bí tích Rửa Tội trở nên thụ tạo mới, con người mới trong Chúa Kitô. «Trong sự tiếp nối trọn vẹn với mầu nhiệm Nhập thể, chúng ta được ban cho khả năng chết và sống lại trong Đức Kitô nhờ sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần».[78] Điều này đã được Thánh Irênê nói rõ khi cho rằng trong phép Rửa, các tín hữu nhận Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho họ sự sống vĩnh cửu và sự sống lại:
Trong phép Rửa, Chúa Thánh Thần đã được ban cho các tín hữu. Nếu kẻ đã lãnh nhận, gìn giữ bằng cách sống trong chân lý, sự thánh thiện, công chính và sự nhẫn nại, thì Chúa Thánh Thần cư ngụ nơi họ cách liên lỉ, sẽ mang lại cho họ sự sống và sự vĩnh cửu, vì sự phục sinh cũng là công trình của Chúa Thánh Thần, lúc ấy thân xác lại nhận lấy linh hồn và cùng với linh hồn, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sẽ phục sinh và được đưa vào vương quốc Thiên Chúa.[79]
Có thể nói được rằng cũng như Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong mỗi biến cố cuộc đời của Chúa Giêsu thì Ngài cũng đồng hành như vậy đối với những ai nhờ chịu phép Thánh Tẩy mà tin vào Chúa Kitô, trở nên môn đệ của Ngài. Con người thực sự đổi mới nhờ phép Rửa trong Thần Khí và làm cho con người nên thần thiêng và hoàn thiện: khi Thần Khí Chúa hòa lẫn với linh hồn kết hợp với xác thịt, bấy giờ nhờ sự tuôn đổ của Thần Khí, con người trở nên thần thiêng và hoàn thiện. Và người ấy chính là hình ảnh và giống như Thiên Chúa.[80]
Như vậy với bí tích Rửa Tội, con người gặp gỡ Chúa Giêsu qua sự hiện diện của Ngài nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, qua những ơn lành mà con người được lãnh nhận khi cử hành phụng vụ bí tích và qua sứ mạng mà người Kitô hữu đảm trách để trở nên đồng hình động dạng với Chúa Kitô. Tuy nhiên đỉnh điểm của phụng vụ được thể hiện qua việc hiện tại hóa hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá: Thánh lễ. Nền tảng của phụng vụ là cuộc vượt qua lịch sử của Đức Kitô. Đức Giáo hoàng Benedicto nhấn mạnh, biến cố một lần cho tất cả này, tức thập giá và phục sinh của Đức Kitô, đã trở thành hình thức vĩnh cửu của phụng vụ.[81] Cũng vị Giáo hoàng này phân tích thêm, trong bữa Tiệc Ly và trên thập giá, Đức Kitô là Chiên Vượt Qua và là Ađam mới, Đấng đi vào bóng tối của giấc ngủ của sự chết, và do đó, bắt đầu một nhân loại mới. Chính Đức Kitô truyền rằng hy tế này phải được lặp lại để tưởng nhớ đến Người, do đó, làm cho hy tế của Người hiện diện xuyên suốt lịch sử.[82]
- Bí Tính Thánh Thể: Hiện Tại Hóa Cuộc Gặp Gỡ Trên Đồi Calvê
Trong phần này, sẽ không thừa khi nhắc lại luật phụng vụ: lex orandi, lex credendi, nghĩa là: cầu nguyện thế nào thì người ta tin như vậy. Người ta thể hiện đức tin của mình và tuyên xưng đức tin ấy qua những lời cầu nguyện, qua những nghi thức phụng vụ. «Đức tin biểu lộ qua nghi thức và nghi thức củng cố đức tin cách vững chắc».[83] Luật phụng vụ này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cử hành đức tin trong bí tích Thánh Thể, đỉnh cao của phụng vụ như Hội Thánh đã dạy: Hội thánh chủ yếu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, qua đó Đức Kitô đã thực hiện công trình cứu độ chúng ta.[84] Mầu nhiệm đó chất chứa toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh và làm cho Hội Thánh tồn tại.[85] Liên quan đến bí tích cực trọng này, Đức giáo hoàng Benedicto XVI đã nhấn mạnh: «bí tích Thánh Thể là “Mầu nhiệm đức tin” trong nghĩa tuyệt đối: “là tóm tắt và tổng hợp của đức tin chúng ta”.[86] Đức tin của Hội Thánh trong bản chất là niềm tin Thánh Thể và được nuôi dưỡng cách đặc biệt nơi bàn tiệc Thánh Thể».[87]
Lệnh truyền của Chúa Giêsu về “việc làm để nhớ đến Người” không chỉ là một lời thỉnh cầu mong nhận được một sự tưởng nhớ trong kí ức mà là một mệnh lệnh nhắm đến việc cử hành, tưởng niệm cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Người, cũng như nhắm đến việc chuyển cầu của Người lên Chúa Cha.[88] Đức giáo hoàng Benedicto XVI cũng nhắc lại mệnh lệnh này như là đòi buộc chúng ta đáp lại hiến lễ của Người và thực hiện lại cách bí tích. «Việc cử hành tưởng niệm hồng ân tuyệt hảo của Người không cốt ở việc lập lại cách đơn thuần bữa tiệc cuối cùng, nhưng là ở bí tích Thánh Thể, nghĩa là nơi điều mới mẻ triệt để của phượng tự Kitô giáo».[89] Đức giáo hoàng Phanxicô cũng xác quyết: «Một ký ức trống rỗng về bữa Tiệc Ly sẽ chẳng ích gì cho chúng ta. Chúng ta cần hiện diện trong bữa ăn này, để có thể nghe Lời Chúa, để ăn Mình và uống Máu Người.[90] Chúng ta gặp Chúa Giêsu cách sống động và thật sự nơi các bí tích và nhất là bí tích Thánh Thể, nơi chúng ta cảm nhận được quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua.[91] Đức giáo hoàng Benedicto XVI, qua thông điệp Deus Caritas Est, đã diễn tả một sự hiện diện rất sống động của Chúa Giêsu qua bí tích nhiệm mầu này: «bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào hành vi dâng hiến của Chúa Giêsu. Chúng ta không chỉ lãnh nhận Ngôi Lời nhập thể cách thụ động, nhưng chúng ta còn được tích cực lôi cuốn vào sự tự hiến của Người».[92]
2.1. Sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể
Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể không phải là sự hiện diện thể lý nhưng với thân xác phục sinh của Ngài trong tư cách là Tư Tế, là Của Lễ. Thật vậy, việc cử hành Thánh Thể là đi vào cuộc gặp gỡ thân mật và cá vị với Chúa Kitô,[93] một cuộc gặp gỡ mang lại cho các môn đệ và cho các kẻ tin sự sống của Chúa Kitô như chính Người đã phán: «Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy» (Ga 6,56). Như vậy, một khi cử hành bí tích Thánh Thể, «con người đã được chia sẻ sự sống, một sự sống cộng sinh với hai ý nghĩa: sự sống của Đức Kitô trở nên sự sống của con người và sự sống của con người trở thành sự sống của Đức Kitô».[94] Nói cách khác, theo tinh thần của Đức giáo hoàng Benedicto XVI, việc cử hành Thánh Thể là đi vào vinh quang của Thiên Chúa đang mở ra ôm lấy cả trời và đất.[95] Thế nên, bí tích Thánh Thể là một cuộc gặp gỡ trọn vẹn và ý nghĩa nhất khi con người diện đối diện và đụng chạm trực tiếp đến Lời và Thân Thể của Chúa Kitô.
2.1.1. Gặp Gỡ Chúa Giêsu Trong Lời Ngài
Trên bình diện cử hành phụng vụ, Thánh lễ có hai phần chính là phần phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, tuy vậy không vì thế mà chúng ta hiểu hai phần này tách biệt nhau, trái lại hai bàn tiệc đó cùng nhằm dẫn tới một mục đích duy nhất: đưa con người tới nguồn ân sủng viên mãn nơi Chúa Giêsu Kitô. Lời Chúa cũng là chính Chúa và Lời Chúa làm cho Chúa Giêsu hiện diện thật sự nơi bí tích Thánh Thể.
Theo nghĩa thứ nhất, Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong phụng vụ Thánh. Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu.[96] Bàn tiêc Lời Chúa là sự chuẩn bị để các Kitô hữu nhận ra Chúa Kitô, gặp gỡ Ngài và đón nhận ơn thánh nơi cuộc hy tế của Ngài, như cách mà Chúa Giêsu đã làm trong lần hiện ra với hai môn đệ làng Emmaus (x. Lc 24,13-35). Như vậy Lời Chúa theo nghĩa này dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng tự hiến để ban sự sống cho nhân loại.
Theo nghĩa thứ hai, Lời Chúa là những lời mà Chúa Giêsu phán truyền trong bữa Tiệc Ly. Lời làm cho Chúa Giêsu hiện diện khi hiện tại hóa bữa Tiệc Ly của Chúa trong khung cảnh phụng vụ. Các giáo phụ cho chúng ta thấy sự liên hệ hai trong một giữa Lời và chính Thân Thể Chúa Kitô trong bí tích. Các ngài cho rằng Lời nuôi sống và làm cho thể xác thêm phấn chấn và linh hoạt. Lời hiện thân trong hình bánh hình rượu. Ai đón nhận hình bánh hình rượu là đón nhận Lời, Lời sẽ nuôi sống. Đón nhận Lời đồng nghĩa với việc “ăn” Lời. “Ăn” Lời thì được Lời ban cho sức sống và Lời nuôi dưỡng người ấy.[97]
Quả vậy Mình Máu thánh Chúa Giêsu sẽ không hiện diện nếu không có Lệnh Truyền của Ngài, nếu không có Lời Ngài phán trong bữa tiệc Ly. Người chỉ phán một lời thì tất cả được hiện diện. Lời Ngài truyền cho Giáo Hội cử hành không chỉ là một nghi thức tưởng niệm về mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô nhưng còn nhắc lại “lời Chúa phán” trong công trình tạo dựng. Thiên Chúa tạo dựng từ hư vô bằng Lời của Ngài thì qua bí tích Thánh Thể, chính Lời của Chúa Giêsu thực hiện một cuộc tạo dựng mới. Đức Kitô chính là Ađam mới, là Đấng Trung Gian độc nhất của công cuộc tạo thành mới này, đến độ phàm ai ở trong Đức Kitô thì đều là thọ tạo mới (x. 2Cr 5,17; Gl 6,15).
2.1.2. Gặp Gỡ Chúa Giêsu Nơi Mình Máu Thánh Ngài
Qua việc cử hành thánh lễ, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô. Đó chính là Thiên Chúa Phục Sinh đang hiện diện và ban chính Ngài để làm của ăn cho chúng ta. Hội Thánh dạy rằng: «Trong bí tích Thánh Thể cực thánh, Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và như vậy là Đức Kitô toàn thể (totus Christus), hiện diện một cách đích thực, thật sự và theo bản thể».[98]
Các giáo phụ cũng đã mạnh mẽ tuyên bố về hiệu lực của Lời mà Chúa Giêsu đã đọc trong bữa Tiệc Ly để biến bánh và rượu thành Mình và Máu của Ngài. Thánh Gioan Kim Khẩu tuyên bố: Không phải người ta, nhưng chính Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta, làm cho các lễ vật trở thành Mình và Máu Đức Kitô. Vị tư tế, hình ảnh của Đức Kitô, đọc các lời này, nhưng hiệu quả và ân sủng là do Thiên Chúa. Ngài đọc “Này là Mình Thầy”, lời này biến đổi các lễ vật.[99] Thánh Ambrôsiô cũng giải thích, Lời Đức Kitô có khả năng làm ra từ hư không cái trước đó chưa từng hiện hữu, chẳng lẽ lời đó lại không thể biến đổi những sự vật đang hiện hữu thành những sự vật trước đó chưa có hay sao.[100] Trước những thắc mắc có hay không sự hiện diện đích thật của Chúa Kitô nơi bí tích Thánh Thể, Thánh Cyrillo đã dạy rằng, bạn đừng thắc mắc xem có thật không, tốt hơn nên tin tưởng đón nhận Lời của Chúa vì Người là Chân Lý, không bao giờ lừa dối.[101]
Như vậy rõ ràng, khi cử hành bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô hiện diện cách sống động và gặp gỡ từng người chúng ta. Bằng tư tưởng thần học sâu sắc, Đức hồng y Joseph Ratzinger giúp chúng ta hiểu rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục sinh trong bí tích Thánh Thể không nhằm ám chỉ một tình huống giữa hai chủ thể đối diện nhau, ở gần nhau hay nhìn thấy nhau, mà là cuộc gặp gỡ trong nhau. Ngài giải thích rằng, sự hiện diện thật của Chúa Kitô với Mình và Máu của Ngài không như tử thi của một người chết và không như máu chỉ đơn thuần là một yếu tố của sự sống, trái lại sự hiện diện đó hệ tại ở tình yêu hy tế, một tình yêu trở thành vĩnh cửu.[102] Tư tưởng này được củng cố trong tông huấn hậu thượng hội đồng Giám mục, Sacramentum Caritatis, được ban hành bởi chính thần học gia người Đức trong cương vị giáo hoàng, Hội Thánh có thể cử hành và thờ phượng mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể chính vì Đức Kitô đã tự hiến trước cho Hội Thánh trong hy tế Thập giá.[103] «Hội Thánh sống nhờ vào sự hiện diện này và có lý do để hiện hữu và tồn tại để truyền bá sự hiện diện như thế trên toàn thế giới».[104]
Đó là sự hiện diện mang lại cho các Kitô hữu một tương quan “ở trong” Chúa Kitô. Sự sống của Ngài ở trong chúng ta và chúng ta sống nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài. Để hiểu vấn đề này, không thể không nhắc đến hai thuật ngữ corpus mysticum và corpus verum, được sử dụng trong thời kì tiền Trung Cổ, nhằm diễn tả niềm xác tín vào sự hiện diện thật của Đức Kitô và nhờ đó những ai tin vào Ngài trở nên thân thể đích thật của Ngài. Trong ngôn ngữ của các giáo phụ, mysticum không mang ý nghĩa mầu nhiệm theo nghĩa của thần học hiện nay nhưng gắn liền với mầu nhiệm trong lĩnh vực của bí tích, nhằm chỉ đến sự hiện diện xác thể của Chúa Kitô. Thân thể đó trao ban cho chúng ta để chúng ta có thể trở thành corpus verum, thân thể đích thật của Ngài.[105]
2.2. Gặp gỡ Chúa Giêsu nhờ sự hiện tại hóa công trình cứu độ của Ngài
Trong phụng vụ, Giáo hội loan truyền và cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, nhất là cử hành biến cố Vượt Qua của Ngài, để công trình cứu chuộc nhân loại được thực hiện cho con người hôm nay. «Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu, và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Abel» (Dt 12,24).
Làm sao có thể nghi ngờ về tính lịch sử của cuộc đời và những hoạt động của Chúa Giêsu Kitô trên trần gian, kể cả những biến cố liên quan đến thập tự, cái chết của Ngài trên thánh giá và hành động phục sinh của Ngài ra khỏi mộ. Tuy nhiên biến cố vượt qua của Ngài là lịch sử có một không hai, một lần cho mãi mãi. Đức giáo hoàng Benedicto XVI đã giải thích: trong thân xác bị đóng đinh của Người, sự tự do của Thiên Chúa và sự tự do của con người đã gặp gỡ nhau một cách dứt khoát trong khế ước vĩnh viễn, có giá trị muôn đời. Con Thiên Chúa đã đền tội cho con người một lần thay cho tất cả (x. Dt 7,27; 1Ga 2,2; 4,10).[106]
Trong thư gởi tín hữu Do Thái, xuất hiện thuật ngữ semel, nghĩa là một lần cho tất cả, để nhắc đến biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô, tuy vậy cần hiểu được tính đương thời, tức sự hiện tại hóa của nó khi chúng ta cử hành phụng vụ. Làm sao để chúng ta trở nên đồng thời với những biến cố thuộc về quá khứ, để chúng ta được gặp gỡ thật sự với Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua? Với lý trí thực tế của một người Đức, với suy tư trổi vượt trong tư cách là một thần học gia, Đức giáo hoàng Benedicto khám phá điểm nhấn mà thánh Bernard thành Clairvaux đã diễn đạt ý tưởng một lần cho tất cả. Theo thánh Barnard, một lần cho tất cả gắn chặt với vĩnh cửu. Hôm nay bao trùm toàn thể thời gian của Hội Thánh. «Như thế, trong phụng vụ Kitô giáo, chúng ta không chỉ tiếp nhận điều gì từ quá khứ, nhưng chúng ta trở thành đồng thời với những gì nằm trong nền tảng của phụng vụ».[107] Vì lẽ đó, Thánh Thể không chỉ đơn thuần là một bữa ăn, không chỉ là một sự tưởng nhớ như cách hiểu của những anh em Tin Lành, trái lại trong bí tích Thánh Thể, chúng ta bị bắt kịp và được làm cho đồng thời với Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.[108]
Như vậy nếu như tất cả những biến cố lịch sử khác xảy ra một lần rồi qua đi, chìm vào dĩ vãng thì mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô không thể chỉ tồn tại trong quá khứ, mà vượt trên mọi thời gian và luôn luôn hiện tại. Biến cố đó vẫn đang tồn tại và lôi kéo mọi sự tới sự sống.[109] Qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, quyền năng cứu độ vẫn đang được ban cho nhân loại trong mỗi thời khắc của cuộc sống. «Chúa Giêsu, Đấng chịu sát tế trên thập tự giá, Người không chết nữa, và với các vết thương của cuộc khổ nạn, Người vẫn sống[110] vẫn tiếp tục tha thứ cho chúng ta, chữa lành chúng ta, và cứu rỗi chúng ta bằng quyền năng của các bí tích».[111]
KẾT LUẬN
Như vậy các cử hành phụng vụ, nhất là các bí tích là phương thế để con người được gặp gỡ Đức Kitô và đón nhận những ơn thánh được hiểu theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng.
Theo nghĩa rộng, Chúa Giêsu là bí tích cội nguồn bởi vì con người gặp gỡ Thiên Chúa qua sự hiện hữu của Chúa Kitô. Người là Cùng Đích, là Điểm Đến của phụng vụ trong tư cách là Thiên Chúa. Con người gặp gỡ Chúa Kitô qua công trình tạo dựng vì Ngài là trung tâm của công trình ấy. Nhân loại gặp Người qua những thụ tạo là dấu chỉ tiên trưng, báo trước những mầu nhiệm của Người, những sứ mạng mà Người đảm trách. Và một cách hữu hình, con người gặp gỡ một cách trực tiếp Chúa Kitô qua cuộc nhập thể của Ngài, Đấng hiện diện trong không gian và thời gian để ban ơn thánh cho nhân loại, cách cụ thể cho những người Israel đương thời. «Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» (Ga 14,9). Ai gặp gỡ Thầy là gặp gỡ Chúa Cha.
Khi hoàn tất sứ mạng của mình ở trần gian, Chúa Kitô vẫn hiện diện với các môn đệ cho đến tận thế (x. Mt 28,20) qua các bí tích được hiểu theo nghĩa hẹp tức bảy bí tích mà Chúa Kitô đã thiết lập. Trên bình diện này, con người gặp gỡ Người trong tư cách là Đấng Trung Gian bởi vì chúng ta cầu xin bất cứ ơn thánh nào từ Thiên Chúa đều nhờ Chúa Kitô. Không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Người Con của Ngài (x. Ga 14,6). Mọi lời ngợi khen, chúc tụng, cầu xin của con người dâng lên Thiên Chúa đểu phải cậy nhờ vào công nghiệp của Chúa Kitô và trong sự hiệp thông với Người. Chính Chúa Giêsu đồng hành cách trực tiếp với dân Thiên Chúa, với từng người tham dự các cử hành phụng vụ hầu chuyển lên Chúa Cha những lời nguyện xin của dân Thiên Chúa, những người đang tụ họp bằng niềm tin và nhờ ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Trung Gian Duy Nhất, Tư Tế Vĩnh Cửu theo phẩm hàm Men-ki-sê-đê làm hài lòng Thiên Chúa Cha nên chúng ta phải qua Người để phụng thờ Chúa Cha hằng hữu trong tinh thần và chân lý. «Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời»[112].
Một phương thế khác, một ân huệ đặc biệt lớn lao qua đó con người gặp gỡ với Chúa Kitô hàng ngày trong cuộc sống là tha nhân. Qua những người anh em, con người gặp được Con Thiên Chúa, Đấng mang bản tính nhân loại như mỗi người trong thế giới này. «Khi vào trần gian, Đức Giêsu mặc lấy thân phận con người, và Ngài trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi» (x. Dt 4,15). Một điều dù rất nhỏ được thực hiện cho tha nhân là làm cho chính Chúa Kitô (x Mt 25,40).
Vì thế con người mở rộng, nối dài mối liên hệ với Chúa Kitô trong tương quan với người khác. Đây chính là chiều kích cộng đoàn mà phụng vụ luôn nhấn mạnh. Nó không đơn thuần là một đặc tính của phụng vụ mà là một đòi buộc, một phương thế giúp con người sống trọn vẹn ý nghĩa ơn gọi Kitô hữu. «Phụng vụ không đóng khung người Kitô hữu vào một đối tượng riêng biệt nào, nhưng “Phụng vụ giúp tâm hồn người tín hữu mở ra với tất cả anh chị em trong sự viên mãn Thiên Chúa ban».[113] Gặp gỡ Chúa Giêsu qua những người anh em của chúng ta, qua những con người làm nên một dân Thiên Chúa, một Giáo hội trong tư cách là Thân-Thể-Mầu-Nhiệm của Chúa Kitô như Công đồng Vaticanô II đã dạy:
Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Hội Thánh là “bí tích hiệp nhất”, là dân Thánh được qui tụ và tổ chức dưới quyền các giám mục. Vì thế, các hoạt động đó thuộc về Thân Thể Hội Thánh, diễn tả và ảnh hưởng trên Hội Thánh, nhưng mỗi thành viên của Hội Thánh dự phần vào các hoạt động đó cách khác nhau tùy theo phẩm trật, phận vụ và sự tham gia thật sự.[114]
Từ đây mở ra chiều kích bí tích của Giáo Hội mà công đồng Vaticanô II đề cập tới và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã trích lại và nhấn mạnh trong những số tiếp theo của tông thư Desiderio Desideravi mà chúng ta đang học hỏi. Qua Giáo Hội và nhờ Giáo Hội con người gặp gỡ Chúa Kitô và tha nhân, hiện thân của Chúa Kitô, để qua đó con người múc lấy ơn Thánh của Thiên Chúa trên cuộc lữ hành đức tin, hầu đạt tới ơn cứu độ và hạnh phúc viên mãn trong Thiên Chúa.
—-
[1] x. Glhtcg, số 1069.
[2] Pio XII, Mediatore Dei, 20.11.1947.
[3] x. Glhtcg, số 1070.
[4] Công Đồng Vaticano II, hiến chế Phụng Vụ, số 2.
[5] Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng Vụ, Nguyễn Luật Khoa biên dịch, OFM & Phạm Thị Huy, OP, Tôn giáo: Hà Nội, 2007, tr. 24.
[6] Daniel De Reynal, Thần Học Phụng Vụ Giờ Kinh, Học viện Đa Minh biên dịch, 2017, tr. 23.
[7] Pio XII, Mediatore Dei, 20.11.1947.
[8] Pio XII, Mediatore Dei, 20.11.1947.
[9] Các động tác Phụng Vụ đều không phải là động tác riêng thuộc về một cá nhân hay một nhóm người nào (phụng tự riêng tư) nhưng là động tác của toàn thể Giáo Hội. Nói đúng hơn đó là động tác của chính Chúa Kitô, Thủ Lãnh Giáo Hội và của tất cả mọi chi thể trong Nhiệm Thể. Ðầu và tất cả chi thể đều cầu nguyện, đều hoạt động qua cử chỉ và việc làm của thừa tác viên.
[10] công đồng vaticano II, Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh, số 7.
[11] Edward Mcnamara, Đức Bênêđictô XVI, Những Nguyên Tắc Căn Bản Của Phụng Vụ, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-benedicto-xvi-nhung-nguyen-tac-can-ban-cua-phung-vu-50695, 18.4.2023.
[12] Javier Ordovás, «25 nhà khoa học lừng danh nói về Thiên Chúa», Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ, https://nhathothaiha.net/25-nha-khoa-hoc-lung-danh-noi-ve-thien-chua/, truy cập 24.6.2023
[13] Ibid.
[14] Glhtcg, số 300.
[15] Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 36.
[16] Công Đồng Vaticanô I, Dei Filius, (Can.5: Dz-Sch 3205).
[17] Hòa Bình, «Ý nghĩa của lòng tin vào Thiên Chúa tạo dựng và những vấn đề hiện đại», Thời sự thần học, số 6, tháng 11/1996.
[18] Glhtcg, số 292.
[19] x. Kim Thao, «Thần Học Về Tạo Dựng», Thời Sự Thần Học, số 6, tháng 11 năm 1996.
[20] x. Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 48.
[21] Glhtcg, số 291.
[22] Phanxicô, Desiderio Desideravi, số 13.
[23] x. Ibid.
[24] x. Owen Vyner, «bí tích Rửa Tội như là một sự tham gia vào cái chết của Chúa Kitô», Phạm Văn Trung chuyển ngữ,
https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/BiTich/ThanhTay/02BTThanhTayVaSuChetChua.htm
[25] x. Glhtcg, số 1219 và 1221.
[26] Phanxicô, Desiderio Desideravi, số 13.
[27] Glhtcg, số 1220.
[28] Đoàn Văn Sinh, A.A, «Vai trò của nước trong đời sống Kitô hữu», 8.12.2022,http://ducmelentroi.net/vai-tro-cua-nuoc-trong-doi-song-kito-huu/
[29] GLHTCG, số 1085.
[30] x. Glhtcg, số 1085.
[31] Ivi, số 515.
[32] Henri De Lubac, http://www.collevalenza.it/Studi014.htm.
[33] F. Gómez, «Bản Tính Của Giáo Hội: Giáo Hội Là Môt Bí Tích», 23.9.2018,https://catechesis.net/ban-tinh-cua-giao-hoi-giao-hoi-la-mot-bi-tich/
[34] Glhtcg, số 516.
[35] Edward Mcnamara, «Đức Bênêđictô XVI, những nguyên tắc căn bản của phụng vụ», https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-benedicto-xvi-nhung-nguyen-tac-can-ban-cua-phung-vu-50695, 18.4.2023.
[36] Phanxicô, Desiderio Desideravi, số 10.
[37] Thánh Irene, Adversus haereses, 3,18,7: SC 211, 366 (PG 7,937); x. Id., Adversus haereses, 2,22,4: SC 294, 220-222 (PG 7,784); trong GLHTCG, số 518.
[38] x. Battista Mondin, «Đức Kitô và các bí tích»,
http://www.clerus.org/clerus/dati/2002-02/23- 999999/12SaIta.html
[39] x. Y. Congar, Un peuple messianique, Paris 1975, tr. 18; xem: Schillebeeckx, E., Le Christ sacrement de la rencontre de Dieu, Paris 1960, trích trong: F. Gómez, «Bản Tính Của Giáo Hội: Giáo Hội Là Môt Bí Tích», 23.9.2018, https://catechesis.net/ban-tinh-cua-giao-hoi-giao-hoi-la-mot-bi-tich/
[40] Thánh Toma Aquino, C. Gent. IV, 41, số 3798.
[41] x. Glhtcg, số517.
[42] Công Đồng Vaticanô II, Sacrosanctum Concilium, số 5.
[43] x. F. Gómez, «Bản Tính Của Giáo Hội…»,op.cit.
[44] x. Glhtcg, số 517.
[45] x. Battista Mondin, «Đức Kitô và các bí tích», http://www.clerus.org/clerus/dati/2002-02/23-999999/12SaIta.html
[46] Công Đồng Vaticanô II, Sacrosanctum Concilium, số 7.
[47] x. Thánh Augustino, In joannis Evangelium, Tractatus VI, chương I, số 7: Pl 35,1428.
[48] Glhtcg, số 1067.
[49] Phanxicô, Desiderio Desideravi, số 12.
[50] x. Glhtcg, số 1213.
[51] Pio XII, Mystici Corporis Christi, 29.6.1943; AAS (Acta Apostolicae Sedis), 35 (1943), tr.448 (bản tiếng Ý).
[52] x. Công Đồng Vaticanô II, Sacrosanctum Concilium, số 6.
[53] x. Owen Vyner, «Bí tích Rửa Tội như là một sự tham gia…»,op.cit.
[54] Glhtcg, số 738; Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 1.
[55] Piô XII, Mystici Corporis Christi: AAS 35 (1943), tr. 463 (bản tiếng Ý).
[56] x. Augustino, Serm., 354, 1: Migne, P. L., 39, 1563; AAS (35) 1943, tr.463 (bản tiếng Ý).
[57] Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 31.
[58] x. Gioan Phaolô II, Christifideles Laici, số 14.
[59] x. Glhtcg số 1546; x. Henri De Lubac, Méditation sur l’Eglise, Văn Hoà – Đình Chiến chuyển ngữ, trong Thời Sự Thần Học, số 41, 9/2005.
[60] Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 34.
[61] Ibid.
[62] Henri De Lubac, Méditation sur l’Eglise, op.cit.
[63] Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 35.
[64] Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 119.
[65] Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 120.
[66] Phan Tấn Thành, «Rao giảng Lời Chúa: lịch sử và thần học», Thời sự thần học, số 70, tháng 11.2015.
[67] x. Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 35.
[68] x. Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 36.
[69] Trích Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua, sách lễ Roma.
[70] x. Gioan Phaolo II, Christifideles Laici, số 14.
[71] Glhtcg, số 1227.
[72] Owen Vyner, «Bí Tích Rửa Tội như là một sự tham gia…», op.cit.
[73] Edward Yarnold (chủ biên), Nghi thức khai tâm đầy cảm hứng: Nguồn gốc của RCIA (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), tr. 78; x. Owen Vyner, «Bí Tích Rửa Tội như là một sự tham gia…»,op.cit.
[74] Edward Yarnold (chủ biên), Nghi thức khai tâm đầy cảm hứng: Nguồn gốc của RCIA (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), tr. 117; x. Owen Vyner, «Bí Tích Rửa Tội như là một sự tham gia…»,op.cit.
[75] Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Nghi thức khai tâm Kitô giáo của người lớn: Phiên bản học tập (Chicago: Ấn phẩm đào tạo phụng vụ, 2007), tr. 135.
[76] Danielou, Kinh thánh , tr. 44, trong Owen Vyner, «Bí Tích Rửa Tội như là một sự tham gia…»,op.cit.
[77] Phanxicô, Desiderio Desideravi, số 12.
[78] Phanxicô, Desiderio Desideravi, số 12.
[79] Thánh Irênê, Chứng Minh, số 42; trong Nguyễn Chí Cần, Sinh Bởi Trên, đại chủng viện Sao Biển Nha Trang, lưu hành nội bộ, 2008, tr. 68.
[80] Idem, Chống Lạc Giáo, V,6,1; trong Nguyễn Chí Cần, Sinh Bởi Trên, op.cit.
[81] Benedicto XVI, Tinh Thần Phụng Vụ, biên dịch Nguyễn Luật Khoa, OFM và Phạm Thị Huy, OP, Nxb Tôn giáo, 2007, tr. 69.
[82] Edward Mcnamara, «Đức Bênêđictô XVI, những nguyên tắc…», op.cit.
[83] Propositio, 16.
[84] x. Glhtcg, số 1067.
[85] x. Glhtcg, số 1324-1325.
[86] Ivi, số 1327.
[87] Benedicto XVI, Sacramentum Caritatis, số 6.
[88] x. Glhtcg, số 1341.
[89] Benedicto XVI, Sacramentum Caritatis, số 11.
[90] Phanxicô, Desiderio Desideravi, số 11.
[91] Ibid.
[92] Benedicto XVI, Deus Caritas Est – (25-12-2005), số 13: AAS 98 (2006), tr. 228.
[93] x. Nguyễn Văn Khảm, Thánh Thể trong đời sống Kitô hữu, Lưu hành nội bộ, 2005, tr. 101.
[94] Jean Marie Lustiger, Thánh Lễ (la messe), 1988, tr. 83.
[95] x. Benedicto Xvi, Tinh Thần Phụng Vụ, op.cit., tr. 56.
[96] Công Đồng Vaticanô II, Dei Verbum, số 21.
[97] Đỗ Huy, «Thánh Thể là một bữa tiệc», Thời sự thần học, số 39, tháng 3 năm 2005.
[98] Công Đồng Triđentino, Sess, 13a, Decretum de ss. Eucharistia, c.1: DS 1651; Glhtcg, số 1374.
[99] Thánh Gioan Kim Khẩu, De Proditione Iudea Homilia, 1,6: PG 49, 380; trong Glhtcg, số 1375.
[100] Thánh Ambrosio, de Mysteriis, 9,52: CSEL 73, 112 (PL 16, 407); Glhtcg, số 1375.
[101] x. Glhtcg, số 1381.
[102] x. Benedicto XVI, Tinh Thần Phụng Vụ, op.cit., tr. 63.
[103] Benedicto XVI, Sacramentum Caritatis, số 14.
[104] Benedicto XVI, bài giảng ngày 15.04.2010.
[105] x. Benedicto XVI, Tinh Thần Phụng Vụ, op.cit, tr. 99.
[106] Benedicto XVI, Sacramentum Caritatis, số 9.
[107] Benedicto XVI, Tinh Thần Phụng Vụ, op.cit., tr. 65
[108] Ibid.
[109] x. Glhtcg, số 1085.
[110] Tiền Tụng Phục Sinh III: “Người đã bị sát tế nhưng không còn chết nữa, dù đã bị giết nhưng vẫn sống luôn mãi”.
[111] Phanxicô, Desiderio Desideravi, số 11.
[112] kinh nguyện thánh lễ, sách Lễ Roma
[113] Nguyễn Văn Hiển, OP., Đời sống Phụng vụ của Giáo hội theo nghi thức Roma (Phần lịch sử Phụng vụ), Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2017, tr. 23.
[114] Công Đồng Vaticanô II, Sacrosanctum Concilium, số 26.
Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Nguyễn Tấn Đạt