Trao Dâng Thân Phận – Lm. Giuse Nguyễn

print

CN XXVIII TN B

Trao Dâng Thân Phận

Lm. Giuse Nguyễn

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã từng chia sẻ trong Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin 2012 như sau: “Đời sống tinh thần của con người ngày hôm nay đang bị sa mạc hóa, năm đức tin như một cơn mưa tưới gội vào sa mạc đó”. Còn Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, GM. GP. Hải Phòng từng nói: “Xã hội và đất nước Việt Nam hôm nay đang rất cần những chứng nhân của Đức Kitô, Đấng đã đến để kêu gọi con người sống yêu thương và bác ái”, nghĩa là cần những người biết chia sẻ của cải vật chất với người khác. ĐHY.GB. Phạm Minh Mẫn trong một lá thư mục tử gởi cho Tổng Giáo phận Sài Gòn đã từng viết : Lời tuyên xưng đức tin bày tỏ quyết tâm trong mọi hoàn cảnh, không nghe theo, không chạy theo sự lôi cuốn, quyến rũ, dụ dỗ của ma quỷ, xác thịt, thế gian”. Mà một trong những lôi cuốn, quyến rũ, dụ dỗ của ma quỷ, xác thịt và thế gian là tiền bạc, vật chất. Linh mục nhạc sĩ Dao Kim đã lấy ý trong sách Châm Ngôn để sáng tác bài hát: “Trao dâng thân phận”, trong đó có đoạn: “Con không xin Chúa sang giàu, cũng đừng để con quá nghèo. Vì nếu quá sang giàu con sẽ bỏ quên Chúa. Vì nếu quá đói nghèo, con sẽ liều trộm cắp, làm ô danh Chúa Trời”, để chúng ta thấy những lo toan cho cuộc sống đời này dễ làm chúng ta xa Chúa, như phụng vụ lời Chúa gởi đến chúng ta hôm nay.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: Kn 7, 7-11

Đoạn sách Khôn Ngoan mà chúng ta vừa nghe nói lên sự khôn ngoan đích thực của người công chính. Trong khi người đời quý chuộng tiền bạc và sự giàu sang, thì người công chính lại xem sự Khôn Ngoan là quý trọng hơn cả tiền bạc, ngọc ngà, châu báu; hơn sức khỏe, sắc đẹp… Ngược lại khi có đức Khôn Ngoan thì người công chính sẽ có tất cả mọi sự may lành, và thậm chí là của cải nhiều đến mức đếm không xuể.

  1. Đáp ca: TV. 89

Tác giả TV.89 nhận thấy cuộc sống này có giới hạn và đầy dẫy những ưu phiền. Đó không chỉ là nhận định của riêng tác giả, mà còn là sự thật của đời sống chúng ta do hậu quả của tội nguyên tổ. Từ đó, tác giả không xin Chúa cho mình sống lâu, vì sống lâu đến đâu thì cũng phải chết; cũng không xin giàu có, vì giàu cỡ nào, chết cũng chẳng mang theo được gì, nhưng xin cho được no say tình Chúa và vui hưởng lòng nhân hậu của Ngài.

  1. Tin Mừng: Mc 10, 17-30

Bài Tin Mừng hôm nay được khởi đầu bằng việc có một người đến xin Chúa để được sự sống đời đời. Đức Giêsu nhắc lại cho anh ta những điều răn của Thiên Chúa được Môsê truyền lại. Anh ta nói đã thuộc lòng, đã giữ ngay từ nhỏ rồi. Thấy một người tốt lành như vậy, Đức Giêsu đem lòng yêu mến. Vì yêu mến nên Ngài muốn trước hết cho anh ta được hạnh phúc đời đời, kế đến còn muốn chọn anh ta làm môn đệ của mình nữa, nên Ngài đã đòi hỏi anh ta hành động quyết liệt hơn: “Anh chỉ còn thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi”. Suýt chút nữa là chúng ta có một tông đồ giàu có rồi nếu anh muốn theo Chúa thực sự. Nhưng “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi”. Maccô nói rõ lý do: “Vì anh ta có nhiều của cải”.

Anh ta đang hứng thú để tìm cho mình cái gọi là “Sự sống đời đời”. Còn Đức Giêsu đang phấn khởi vì được tiếp xúc, được hướng dẫn cho một tâm hồn ngay lành. Bỗng hai “cục hứng” bị đứt cái bực vì mớ tài sản kếch xù của anh ta. Có thể nói người thanh niên này chưa thực sự đi tìm hạnh phúc đời đời, thậm chí anh chưa hiểu hạnh phúc đời đời là gì nữa, mà chỉ muốn đi tìm một thứ gì đó để thêm vào tài sản của mình; giàu quá không biết mua gì, nên kiếm gì lạ mua chơi vậy! Cho nên khi bị đòi hỏi phải từ bỏ của cải thì anh đã thất vọng, vì tưởng đâu được thêm vào, ai dè bị mất đi! Đức Giêsu không phải thử thách anh ta, nhưng đó là đòi hỏi của Nước Trời. Nước Trời là quý giá, nhưng không giống như một thứ quý giá bỏ tiền ra mua, mà nó là gia đình của Thiên Chúa dành cho những ai biết sống tình con thảo với Thiên Chúa và huynh đệ với anh em. Từ phụng vụ lời Chúa hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta thái độ phải có đối với tiền của, vật chất.

THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI CỦA CẢI, VẬT CHẤT

  1. Là đầy tớ tốt

Trước hết, của cải vật chất là một đầy tớ tốt mà Chúa ban để phục vụ cho cuộc sống của con người. Từ thời cựu ước, những gia đình sung túc là dấu hiệu phúc lành của Thiên Chúa. Ngược lại, khi mất hết tài sản, ông Gióp bị người đời coi như Thiên Chúa đã trừng phạt ông. Đến thời Đức Giêsu, Ngài không chỉ thương mến những người nghèo, mà còn thường xuyên lui tới với những gia đình giàu có như Giakêu, Lêvi; Ngài sẵn sàng đón nhận những giúp đỡ về vật chất của người khác trên bước đường truyền giáo… Cho đến ngày hôm nay, của cải vật chất vẫn là một phúc lành của Thiên Chúa ban. Thành thật mà nói, nhờ của cải vật chất mà người ta bớt lo toan hơn, giúp tâm hồn được thanh thản, bình an, vì cái lo cơm áo gạo tiền chi phối cuộc sống người ta quá nhiều. Nhờ cuộc sống ổn định mà người ta an tâm để thờ phượng Chúa hơn. Có thì giờ đi lễ, rãnh rỗi đi đọc kinh, lần chuỗi… Nhờ có tiền của mà người ta dễ dàng làm việc bác ái hơn: giúp đỡ các họ đạo vùng sâu vùng xa, phát học bổng cho học sinh nghèo, chia sẻ với những người đau khổ, bệnh tật… Nếu những ai biết sử dụng của cải vật chất đúng đắn thì nó là một đầy tớ rất tốt để phục vụ cho hành trình tiến về hạnh phúc đích thực của chúng ta, chứ nó không phải là hạnh phúc đích thực mà chúng ta tìm kiếm.

  1. Là ông chủ xấu:

Ngược lại, của cải vật chất sẽ là ông chủ xấu cho những ai quá bám víu vào nó, để rồi cuộc đời của họ giống như một cuộc tìm kiếm  của cải vật chất. Kiếm cho thật nhiều, thật nhiều, rồi…chết chứ không biết sử dụng nó để “mua lấy Nước Trời”. Cứ bo bo giữ của mà không biết san sẻ cho người khác. Đó là tình trạng khốn cùng của người thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay; thậm chí là của chúng ta khi chạy đến với Chúa chỉ để xin cho được tiền bạc vật chất, mà quên xin cho mình biết sống theo ý Chúa. Tệ hơn nữa là những người bất chấp tất cả để có được đồng tiền: Làm ăn gian dối, làm nghề bất chính, ăn trộm ăn cắp, lường gạt, chiếm đoạt của người khác…

  1. Cái nhìn đúng đắn:

“Có cũng như không dù không hay là có, chớ để âu lo cho lòng thêm vấn vương”. Đó là điều mà Chúa muốn nhắn gởi đến chúng ta, chính xác hơn là đòi hỏi của Nước Trời. Dù có hay không chúng ta cũng vẫn trao dâng thân phận mình trong vòng bàn tay Chúa. Nhưng đối với những người giàu có thì Chúa nói là “Khó vào Nước Trời hơn”, vì nguy cơ họ xem tiền của là “chúa” của họ rồi, dẫn đến việc họ không cần Chúa nữa. Càng tệ hơn là họ không biết tận dụng điều kiện Chúa ban để thi hành bác ái, chính là nền tảng của đạo chúng ta. Họ cứ tích trữ mà không biết cho đi. Vì vậy đồng tiền của họ là đồng tiền chết.

Tóm lại, phụng vụ lời Chúa ngày hôm nay không phải lên án những người giàu, nhưng là nhắc nhở cho những ai có tiền của phải coi chừng kẻo họ có đời này mà mất đời sau. Còn nếu có đời này mà biết tận dụng để có cả đời sau thì quá tốt. Và lời nhắn gởi chung cho tất cả mọi người là hãy biết tin tưởng, phó thác trong bàn tay của Chúa. Đừng để những thứ phù vân trở thành nguy cơ làm mất đức tin của chúng ta, khiến tâm hồn chúng ta trở thành sa mạc. Ngược lại, hãy tận dụng tất cả những phương thế Chúa ban để thể hiện đức tin của mình, một đức tin được xây dựng trên tình bác ái, điều mà đất nước, xã hội và Giáo hội đang cần đến.