Trẻ Xây Nhà – Già Nối Yêu Thương

print

Trẻ Xây Nhà – Già Nối Yêu Thương

Linh mục Gioan Lê Quang Việt,
Trưởng ban mục vụ Giới Trẻ TGP. Saigon

WHĐ (22.7.2021) – “Trẻ xây nhà- Già nối yêu thương” là chủ đề tĩnh tâm cho người trẻ được tổ chức tại nhà thờ Tân Phước – Saigon, mùa Vọng 2020 vừa qua. Làm thế nào để đồng hành với người trẻ trong gia đình với nhiều thay đổi, ngày càng nhanh?

 

I. TỪ NHỮNG KHOẢNG CÁCH ĐẾN CÁCH THỨC ĐỒNG HÀNH.

  1. Nhận biết
  2. Động lực.
  3. Hiểu biết
  4. Kỹ năng.
  5. Duy trì

II. CÔNG CỤ ADKAR.

  1. Awareness – Nhận thức.
  2. Desire – Mong muốn tham gia đồng hành trong tác động của Thánh Thần.
  3. Knowledge – Kiến thức, sự hiểu biết cách thức đồng hành như thế nào.
  4. Ability – Khả năng. 8
  5. Reinforcement – Củng cố, duy tri sự đồng hành.

III. CÙNG NHAU BƯỚC CHUNG HÀNH TRÌNH.

I. TỪ NHỮNG KHOẢNG CÁCH ĐẾN CÁCH THỨC ĐỒNG HÀNH

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội.” (Tông huấn Christus Vivit – Chúa Kitô Đang Sống (CV), số 221)

Công nghệ càng phát triển, càng tạo khoảng cách xa cho những khác nhau của cách nghĩ, cách làm theo truyền thống hay theo đà tiến của công nghệ. Điều này dẫn đến khoảng cách xa giữa phụ huynh và con em, giữa người lớn tuổi và người nhỏ tuổi, giữa già và trẻ. Cần quan tâm đến cách thức đồng hành với người trẻ để củng cố các mối tương quan này.

Phương Dung chia sẻ: “Con hiện đang làm công việc dạy kèm tiếng Anh cho mấy bé cấp 1 và cấp 2, song song đó con có làm công việc “Freelancer” nghĩa là con sẽ chủ yếu làm việc qua máy tính tại nhà chứ không nhất thiết phải lên công ty ngồi. Cũng chính vì thế mà thời gian con ở nhà khá nhiều. Và cũng từ đó thì con và gia đình có đôi chút mâu thuẫn về công việc của con. Mẹ con thấy con lúc nào cũng kè kè chiếc điện thoại và máy tính thì khá là khó chịu vì người xưa quan niệm chỉ có làm những công việc nhà nước đều đặn, ổn định mỗi ngày thì mới tốt. Con lại không muốn định hướng bản thân nghề nghiệp của mình như vậy, đôi khi làm việc với bên đối tác nước ngoài con phải thức khuya để họp vì chênh lệch múi giờ nhưng điều này nói ra thì phụ huynh lại không hiểu…”.

  1. Nhận biết

Nhận biết về những thách thức mà người trẻ đang gặp, về những nhu cầu của người trẻ, về diễn biến của cuộc sống quanh họ, cũng như về những gì mà người trẻ lãnh nhận qua việc lắng nghe và học hỏi ảnh hưởng đến đời sống nội tâm, cụ thể là “những ham muốn, cảm nhận và cảm xúc” (Amoris laetitia, 143), và những biểu hiện đa dạng của họ: nỗi buồn, niềm vui, sợ hãi hay bình an, thất vọng hay hy vọng, dịu dàng hay tức giận, thỏa mãn, thờ ơ hay một cảm giác trống rỗng nào đó,… Nếu không có sự minh định rõ ràng để hành động và thời gian để trải nghiệm nó có thể gây nên một sự đấu tranh nội tâm thực sự.

Thượng Hội Đồng Giám Mục 15 đã nhận ra trong khung cảnh các môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24,13-35), một bản văn mẫu để hiểu cách thức đồng hành giữa những khoảng cách của các thế hệ. Để bầu bạn với họ, Chúa Giêsu đã cùng đi với họ trên đường. Người hỏi họ và kiên nhẫn nghe cách họ kể lại các sự việc, hầu giúp họ nhận ra những gì họ đang sống. (CV, số 237)

Không chỉ là đợi người trẻ đến với mình. Để nối liền khoảng cách, người lớn nên nhận thức mình cần thay đổi khi sẵn sàng đến với người trẻ, “hạ mình”-cúi xuống để “nghe cách họ kể lại các sự việc”, cách “kiên nhẫn” sau khi hỏi han và “cùng đi với họ trên đường”.

Việc đồng hành với người trẻ đòi phải vượt quá khuôn khổ đã định trước, bằng cách gặp người trẻ tại nơi họ ở, thích nghi với thời gian và tốc độ sống của họ, và coi họ nghiêm túc trong các khó khăn của họ. Nhiều cha mẹ vượt đường xa từ quê lên chỗ trọ của con để được thấy tận mắt, được nghe bằng tai, được chạm bằng tay mà đồng hành với con. Hình ảnh những người mẹ ngày nay chuẩn bị thức ăn cho con dâu trước khi con rời khỏi nhà đi làm, với mong muốn được đồng hành với con lo cho sức khỏe của con, là điều mà trong cách nghĩ trước đây không thể có. Với cách thế đồng hành này, những cụm từ không còn xuất hiện nhiều trong tương quan giữa người già và trẻ là: “Trứng mà khôn hơn rận à!” “Tôi là bố mà phải xin lỗi à!”,…

  1. Động lực

Động lực cho cuộc đồng hành không phải là để đạt được ý muốn của ai, không phải là ai theo ý của ai mà cùng giúp nhau khám phá ra đâu là động cơ thúc đẩy người trẻ thực hiện được những quyết định trong đời. Khơi dậy khát khao tìm kiếm những thúc đẩy “tiến tới” mà người khác đang cảm nhận. Đó là lắng nghe thật kỹ “điều mà người ấy thực sự muốn hướng đến”. Động lực này khơi dậy mong muốn đồng hành như Chúa Giêsu trong Lc 24,13-35.

“Vì thế, khi lắng nghe một người theo cách này, vào một thời điểm đã định, người ta phải biến đi để cho người ấy tiếp tục con đường mà họ đã khám phá. Biến đi như Chúa đã biến mất trước mắt các môn đệ và để họ ở lại với con tim bừng cháy rồi trở thành động lực không thể cưỡng lại thúc đẩy họ lên đường (x. Lc 24, 31-33). Khi trở về gặp cộng đoàn, hai môn đệ Emmau được tin xác nhận rằng Chúa đã sống lại thật.” (x. Lc 24,34) (CV, số 296)

Vai trò của người đồng hành được sánh như vai trò của Gioan Tẩy Giả: Người phải lớn lên, đây mới là Chiên Thiên Chúa, đây mới là điều bạn cần tìm kiếm, không phải của tôi mà là của Đấng soi sáng cho tôi. Động lực đây là chính Chúa vì sự phân định này “mặc dù bao gồm cả lý trí và sự khôn ngoan, nhưng lại vượt quá những yếu tố ấy bởi vì nó cố tìm gặp mầu nhiệm kế hoạch duy nhất và độc đáo mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta … Nó liên hệ đến cuộc sống của tôi trước mặt Chúa là Cha, Đấng biết tôi và yêu tôi, đến ý nghĩa thực sự của đời tôi mà không ai biết rõ hơn là chính Chúa”.

Tìm được động lực này, người trẻ sẽ tìm được niềm vui trong quyết định của mình và niềm vui này sẽ đi với họ suốt đời. “Khi chúng ta khám phá rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta làm điều gì đó, rằng chúng ta sinh ra để làm điều ấy – làm điều dưỡng, hay thợ mộc, hoặc làm việc trong ngành truyền thông, sư phạm, mỹ thuật, hay bất cứ loại công việc nào khác – thì chúng ta sẽ có thể phát huy những khả năng tốt nhất của mình để hy sinh, quảng đại và cống hiến. Biết rằng chúng ta không làm việc mà chẳng có lý do gì, nhưng việc làm có một ý nghĩa, đó là lời đáp lại một tiếng gọi âm vang trong sâu thẳm hữu thể của mình, để mang lại điều gì đó cho tha nhân: như thế việc làm đem đến cho tâm hồn ta một cảm nghiệm được mãn nguyện. Như lời trong Sách Giảng viên của Cựu Ước: “Tôi thấy rằng không có gì tốt hơn là tận hưởng niềm vui nơi công việc của mình.” (3, 22) (CV, số 273)

  1. Hiểu biết

Hiểu biết nghệ thuật đồng hành là điều quan trọng, không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ, mà còn giúp người trẻ khám phá ra những nét độc đáo của mình. “Con phải khám phá ra mình là ai và phát triển nẻo đường nên thánh của riêng của mình, khác với những gì người khác nói và nghĩ. Nên thánh có nghĩa là trở nên chính mình cách đầy đủ nhất, là trở nên điều mà Thiên Chúa đã muốn mơ ước và tạo dựng, chứ không phải một bản sao”. (CV, số 162)

Hiểu như thế thì cha mẹ không nên ép con phải chọn theo ý mình về nghề nghiệp, bậc sống hay phải lập gia đình với ai. Tuy nhiên với kinh nghiệm của bậc cao niên, người đồng hành cần lắng nghe và giúp người trẻ lắng nghe để phân định đâu là những xúc cảm nhất thời và những gắn bó lâu dài với những điều sẽ lựa chọn. Tránh tình trạng bốc đồng dạng “Bạo phát bạo tàn”.

Nghệ thuật đồng hành bao gồm ba loại nhạy cảm hoặc quan tâm khác nhau và bổ sung cho nhau:

a/ Loại nhạy cảm thứ nhất là về con người. Đây là vấn đề lắng nghe người khác nói với chúng ta để thổ lộ chính mình. Bao gồm các yếu tố:

– Thời gian. “Dấu hiệu của sự lắng nghe này là thời gian tôi dành cho người ấy. Không phải vấn đề là dành thời gian bao lâu, mà là người ấy cảm thấy rằng thời gian của tôi là của họ: đó là điều người ấy cần để nói những gì muốn nói.

– Kiên nhẫn. “Người ấy phải cảm thấy rằng tôi đang lắng nghe vô điều kiện, không cáu kỉnh, không nổi nóng, không tỏ vẻ buồn chán hay mệt mỏi”.

– Hòa mình nhưng không hòa tan. Đôi khi đặt mình trong hoàn cảnh của nhau, đến với cách sống “ngược chiều với hướng đúng” của nhau. “Đó là cách lắng nghe mà Chúa đã làm khi Người sánh bước với các môn đệ Emmau và đồng hành cùng họ một thời gian dài trên con đường ngược chiều với hướng đúng (x. Lc 24,13-35). Khi Chúa Giêsu làm cử chỉ tiếp tục đi vì họ đã đến nhà, lúc ấy họ hiểu rằng Người đã cho họ thời gian của Người, thế là họ lại cho Người thời gian của họ, bằng cách mời Người ở lại. Sự lắng nghe chăm chú và vô cầu này là dấu chỉ cho thấy chúng ta tôn trọng người khác, cho dù họ có những suy nghĩ và lựa chọn gì trong cuộc sống”. (CV, số 292)

b/ Cao trào của tiến trình lắng nghe nhằm phân biệt để thấy điều mình muốn chưa hẳn là điều mình là, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi loại nhạy cảm thứ hai này là phân định nhằm tìm hiểu:

– Ân sủng hay cám dỗ

“Đây là vấn đề nắm bắt được thời điểm chính xác chúng ta nhận ra ân sủng hay cám dỗ. Bởi vì đôi khi những điều xuất hiện trong trí óc của chúng ta chỉ là những cám dỗ lái chúng ta đi chệch khỏi con đường thực sự của mình”.

-Ý muốn hay ý thích. Thường khi những lý do đưa ra là cách thức viện cớ cho một lựa chọn. “Ở đây, tôi phải tự hỏi chính xác người này đang nói gì với tôi, họ muốn nói gì với tôi, họ muốn tôi hiểu gì về những gì đang diễn ra. Hỏi những câu như thế sẽ giúp tôi trân trọng suy nghĩ của người ấy và những tác động của nó đối với những cảm xúc của người ấy. Việc lắng nghe này nhằm phân định những lời cứu rỗi của Thần trí tốt lành, là Đấng ban cho chúng ta sự thật của Chúa, nhưng cũng phân định cả những cạm bẫy của thần trí xấu xa – những sai lầm và quyến rũ của nó. Cần phải có lòng can đảm, sự dịu dàng và sự tế nhị cần thiết để giúp người kia nhận ra sự thật cùng những dối trá hay những viện cớ. (CV, số 293)

  1. Kỹ năng

Trẻ xây nhà, già nối yêu thương là cụm từ diễn tả vai trò của mỗi thế hệ và tìm cách củng cố mối tương quan giữa các thế hệ. Cần cụ thể hóa những hiểu biết của mình thành hành vi nhằm củng cố các mối tương quan. “Dựng “nhà” là dựng một “gia đình”. “Đó là học cảm nhận mình được liên kết với người khác qua một mối quan hệ liên đới vượt trên sự thực dụng hay sự vụ, cảm nhận được đời sống của mình đượm “tình người” hơn. Dựng “nhà” là để cho sấm ngôn mặc lấy xác phàm và để những ngày giờ đời ta bớt lạnh lẽo, bớt thờ ơ và vô danh. Đó là tạo lập những mối dây liên kết bằng những hành động hằng ngày đơn giản ai cũng làm được. Một mái nhà, như mọi người chúng ta biết rất rõ, cần được chung tay dựng xây. Không ai được phép thờ ơ hay đứng ngoài cuộc, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây nên ngôi nhà ấy. Điều này giả thiết ta phải xin Chúa ban cho chúng ta ơn học biết kiên nhẫn, học biết tha thứ lẫn nhau, và bắt đầu lại mỗi ngày. Tôi phải tha thứ và bắt đầu lại bao nhiêu lần? Bảy mươi lần bảy, cần bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Để kiến tạo những mối liên kết vững chắc, phải có sự tin tưởng được nuôi dưỡng hằng ngày bởi lòng kiên nhẫn và tha thứ. Và đó là cách phép lạ xảy ra: ở đây tất cả chúng ta cảm nhận được sự tái sinh, tất cả được sinh ra một lần nữa, bởi vì chúng ta cảm nhận được bàn tay chăm sóc quan phòng của Thiên Chúa giúp chúng ta có thể mơ ước về một thế giới đầy tình người hơn, và do đó là một thế giới thần thiêng hơn.” (CV, số 217)

Tuấn chia sẻ: “Điển hình nhất là việc tôi chọn khối thi Đại học. Bố mẹ, với lời ngọt như mía lùi theo đúng nghĩa đen, gần như họ không hề từ chối việc tôi chọn khối C. Nhưng ta cũng có câu “Mật ngọt chết ruồi” cũng theo đúng nghĩa đen, mà đen ĐẶC luôn! Nó là cả ẩn ý phía sau rằng bố mẹ không muốn tôi theo khối C, và lý do bố mẹ đưa ra là nó chả có gì để làm trong cái xã hội này cả, cộng thêm là hàng lô dẫn chứng nghe khá thuyết phục nhưng tôi không đồng tình. Bố mẹ, bản thân là người đi trước- tức thời “Bolero” nên đã có những lúc té lên té xuống rồi, vì thế họ mới biết được cái gì là tốt nên theo, cái gì không tốt thì mình nên hãm phanh lại. Còn tôi, là người thời “Michael Jackson”- thời nổi loạn ngông cuồng khó bảo nên cứ nhất nhất là mình đúng nên cãi cố, cãi đến độ đứt thanh quản ấy chứ đùa! (Nói quá thôi!). Nhưng làm sao cái thằng thời “Rock ‘n’ Roll” lại có thể nhìn đời với con mắt sành đời của những thế hệ “nhạc Vàng” kia được! Nên tôi “thua kiện”, quá bất mãn nên có khi, tôi rất cục súc đập đũa, có khi muốn tìm cái gì trước mặt để mà phang mà đập hết sức bình sinh. Nhưng tôi vẫn chưa đến mức “Dã Thú” như tranh Matisse! Tôi là CON NGƯỜI mà! Tôi, lúc đó chỉ đạp cái uỳnh xuống sàn và bỏ lên nhà. Có lần, làm um lên một trận tơi bời lượm hoa và hứa với lòng mình sẽ mãi chiến tranh Lạnh với “hai ông bả!” (Tôi từng nói thế trong thâm tâm vì quá bất mãn!). Xong, tôi vào phòng tắm và cho nước chảy xuống mình, lúc đó tôi đang khóc, và những lúc đó, tôi lại thấm thía hơn câu nói của Vua hề Chaplin (Sạc-lô): “Tôi thích đi dưới mưa để không ai nhìn thấy tôi đang khóc”. Mà quý vị thân mến, chiến tranh hoài cũng nào tốt đâu! Nỗi đau sẽ mãi như lưỡi dao nằm trong tim mà không tháo ra được, và sẽ mãi đau và tổn thương. Tôi quyết định, sau cơn khóc thầm thì, đi xuống nhà dưới, nơi bố mẹ tôi đang sầu muộn mà đến ôm hôn bố mẹ tôi và tỏ ý hối lỗi chân thành. Bố mẹ đã phải chịu nghe cái từ “xin lỗi” của tôi bao lần rồi nhỉ? Nhưng với bố mẹ, họ vẫn không từ chối “70 lần 7” câu nói ấy của tôi đâu! Tôi tin như vậy. Và sau những tức tối, tôi thường ngồi lại và nghe bố mẹ nói chuyện, có thể là chủ đề hồi nảy nhưng giờ với tinh thần tích cực hơn. Tôi nhớ bố tôi hay nói thế này: Tôi có thể nói bất cứ thứ gì nếu thấy không hài lòng về bố hay những lời của mẹ, nhưng nếu con phản biện, đánh thắng cái lý lẽ mà bố đưa ra trước đó thì bố và mẹ sẽ theo con. Và “bố sẽ lấy làm hãnh diện về điều đó!

  1. Duy trì

Trong bối cảnh này, việc huấn luyện lương tâm sẽ giúp cho sự phân định phát triển theo chiều sâu và trung thành với Thiên Chúa. “Huấn luyện lương tâm là một tiến trình của cả đời người, trong đó ta học trau dồi cảm xúc để có cùng một tâm tình như Chúa Giêsu Kitô, học tuân theo cùng những tiêu chuẩn lựa chọn và những chủ ý hành động của Người (x. Pl 2,5)” (CV, số 281)

Việc huấn luyện này bao hàm để cho Chúa Kitô biến đổi mình, đồng thời đó là “một thói quen làm điều thiện, kiểm điểm lại việc thực hành này khi xét mình: việc làm này không chỉ nhằm nhìn ra tội của mình, mà còn nhằm nhận ra hoạt động của Thiên Chúa trong kinh nghiệm đời mình hằng ngày, trong các biến cố lịch sử và những nền văn hoá mình đang sống, trong chứng tá của biết bao người đi trước ta hoặc đang vận dụng khôn ngoan để đồng hành với ta. Tất cả những điều này giúp ta lớn lên trong nhân đức khôn ngoan, bằng cách dựa trên những chọn lựa cụ thể, với ý thức một cách thanh thản về những ơn ban và những giới hạn của mình để đưa ra một định hướng chung cho đời mình”. (CV, số 282)

Bạn trẻ chia sẻ: “Bố mẹ tôi rất dễ chịu trong việc học của tôi, dù tôi có bị ăn xúc xích hay ăn trứng ngỗng thì bố mẹ tôi cũng cứ kiểu “Có phải việc của bố mẹ đâu!”… Nghe thì cứ như vô tâm, nhưng đôi khi, tôi lại cần cái “vô tâm” này để đừng bị la chứ sao! Trên thực tế, bố mẹ từ nhỏ đến lớn chưa nện tôi phát nào, mà nếu có nện thì “tự sự” chính mình thôi, bố mẹ chưa bao giờ nặng nhẹ với tôi gì cả (chỉ đôi lúc hiểu lầm vì giọng bố tôi nghe rất là giống. đang chửi! L-ớ-n G-i-ọ-n-g ấy mà.) nhưng quý vị có biết vì sao khi có con điểm xấu về nhà là tôi đều hồi hộp dù cho tôi đã biết tính tình bố mẹ tôi không? Thưa, đó là tâm lý của bất kỳ đứa con nào cũng có! Riêng trường hợp tôi, không biết nên nói là may mắn hay là tệ hại, xúi quẩy nữa: Như đã nêu trên, một con điểm xấu mà trình trước mặt hai người bảo trợ cứ như là tên tử tù đứng trước quan tòa hình sự vậy. Sợ lắm! Nhưng chỉ nhìn qua bài một chút, tôi dường như được xoa dịu khi bố mẹ chỉ nhẹ nhàng bảo: “Không sao! Ngày xưa bố còn thua con cơ mà (Thật đấy!). Chỉ cần con biết con sai cái gì để mà sửa là được.” Đơn sơ, thâm thúy, sâu sắc, nhẹ nhàng tình cảm chứ nhỉ! Nhưng khoan, bố tôi, lúc này sẽ LUÔN bồi thêm một câu nữa như sau: “Nhưng, hãy lưu ý: Con mất điểm là do ẩu hay là do không hiểu bài? Cái ẩu nó nguy hiểm hơn thằng không hiểu vì ví dụ như sau này con làm bác sĩ mà con ẩu thì con sẽ đánh mất một sinh mạng đấy! Còn không hiểu bài, thì con phải TÌM BẰNG ĐƯỢC cái con đã MẤT để không còn dính vào những lỗi đó nữa. Còn nếu không làm được, con THUA!!! Học là học cho chính con!” Tổng kết cả câu từ đầu thì trông thật là dễ dàng và rất TỰ DO trong việc học của mình. Nhưng, với từ “THUA” thấm thía vào da thịt, như tát thẳng vào mặt ấy lại là cái thứ làm tôi khiếp đảm, ghê tởm nhất từ khi lên cấp hai (có lẽ thế!). Đó là câu nói được xem là đánh đòn tâm lý te tua, dã man nhất mà bố từng nghĩ ra trong cách giáo dục tôi. Với từ này, bố nhấn mạnh: Bố cười vậy thôi, dễ chịu vậy thôi vì không muốn tạo áp lực cho tôi. Nhưng buộc tôi phải ghi khắc cái từ ấy vào lòng như khắc tên lên bia mộ rằng, nếu không biết đứng lên, chịu hy sinh, bỏ thời gian ra để tìm tòi, học lại cái đã mất thì mãi mãi sẽ chết chìm trong vực sâu thất bại và tương lai tan nát. Suy cho cùng, với tôi, đó như là một “Áp lực Ngầm” mà bố mẹ đặt ra cho tôi: Điểm có là chi với hai đấng sinh thành, nhưng không cải thiện là đi đời nghe con! Với chữ “nhưng” đã bao hàm ý đối nghịch trắng trợn với vế trước nó rồi.

II. CÔNG CỤ ADKAR

Có thể từ Tông huấn Christus Vivit nối kết với năm mục tiêu để đạt được thay đổi thành công khi đồng hành người trẻ, nội dung ấy được chứa đựng trong năm từ: Nhận thức-Động cơ-Kiến thức-Khả năng-Duy trì. Adkar là từ viết của năm mục tiêu này, mà mọi người phải thực hiện để đạt được thay đổi thành công. Năm chữ viết tắt đó là: Awareness (Nhận thức)-Desire (Mong muốn)-Knowledge (Kiến thức)-Ability (Khả năng)-Reinforcemant (Duy trì). Mô hình Adkar được giới thiệu như một công cụ thực tế của Prosci, một trung tâm tư vấn và học tập quản lý thay đổi nổi tiếng trên thế giới.

  1. Awareness – Nhận thức.

Nhận thức cần thay đổi, mọi thành phần trong Giáo hội nhận thức về sự cần thiết phải đổi mới cách thức đồng hành với người trẻ.

– Gia đình phải là nơi đồng hành đầu tiên. (CV, số 242)

– Cộng đoàn có một vai trò rất quan trọng trong việc đồng hành với người trẻ; toàn thể cộng đoàn phải ý thức trách nhiệm, đón nhận, động viên, khích lệ và thúc đẩy người trẻ. (CV, số 243)

– Chúng ta phải xem lại và đổi mới những cách thực thi thừa tác vụ linh mục thường làm, và chúng ta cũng phải nhận định xem đâu là những ưu tiên của thừa tác vụ này. (CV, số 244)

  1. Desire – Mong muốn tham gia đồng hành trong tác động của Thánh Thần

Hội Thánh trẻ trung khi Hội Thánh là chính mình, khi Hội Thánh đón nhận sức mạnh luôn mới mẻ của Lời Chúa, của Thánh Thể, của sự hiện diện của Đức Kitô và sức mạnh Thánh Thần của Người mỗi ngày. Hội Thánh trẻ trung khi Hội Thánh có khả năng không ngừng trở về nguồn. (CV, số 35)

“Thượng Hội đồng nhìn nhận cần phải chuẩn bị cho người thánh hiến và cho cả giáo dân nam nữ để họ có khả năng đồng hành với người trẻ. Đặc sủng lắng nghe mà Chúa Thánh Thần làm nảy sinh

trong các cộng đồng cũng có thể được thể chế công nhận cách nào đó như một việc phục vụ của Hội Thánh.” (CV, số 244)

  1. Knowledge – Kiến thức, sự hiểu biết cách thức đồng hành như thế nào.

“Cần phải khơi gợi và đồng hành, chứ không áp đặt các lộ trình. Và đó là những lộ trình của những con người vốn luôn độc đáo và tự do. Đó là lý do tại sao rất khó đặt ra các quy tắc, ngay cả khi tất cả các dấu hiệu đều tích cực, bởi vì “điều quan trọng là phải đưa chính những yếu tố tích cực ấy ra để phân định một cách cẩn thận, để đừng tách biệt yếu tố này ra khỏi yếu tố kia và đừng đặt chúng đối lập với nhau, như thể chúng là những yếu tố tuyệt đối trái ngược nhau. Đối với các yếu tố tiêu cực cũng vậy: đừng loại bỏ toàn bộ các yếu tố ấy mà không phân biệt, bởi vì nơi mỗi một yếu tố tiêu cực có thể tiềm ẩn một giá trị cần được cứu vãn và cần được trả về trong chân lý toàn diện.” (CV, số 297)

  1. Ability – Khả năng.

– Để chuyển kiến thức thành khả năng cần quan tâm đến những phẩm chất của một người đồng hành bao gồm:

“Phải là một Kitô hữu giàu đức tin, dấn thân cho Hội Thánh và thế giới; phải là người không ngừng theo đuổi sự thánh thiện; một người bạn tâm giao mà không phán xét; một người biết lắng nghe tích cực những nhu cầu của người trẻ và đáp ứng cách thích đáng; một người có lòng yêu thương sâu sắc và có ý thức về chính mình; một người nhìn nhận những giới hạn của mình và biết rõ những niềm vui và sầu khổ trong đời sống thiêng liêng. Một phẩm chất đặc biệt quan trọng nơi những người đồng hành, đó là biết nhận ra thân phận con người của mình, tức là những con người có sai lầm: họ không phải là những người hoàn hảo nhưng là những tội nhân biết mình được tha thứ”. (CV, số 246)

– Để chuyển kiến thức thành khả năng, không thể không thực hành tham gia sinh hoạt mục vụ với các nhóm trẻ. Thời gian hoạt động mục vụ giới trẻ là thước đo cần thiết cho việc thẩm định khả năng đồng hành.

“Đôi khi những người đồng hành được đặt trên bệ cao, và khi họ vấp ngã có thể gây tác động tàn phá đến khả năng người trẻ tiếp tục dấn thân trong Hội Thánh. Những người đồng hành không nên hướng dẫn người trẻ như những kẻ đi theo thụ động, nhưng phải cùng đi bên cạnh họ, giúp họ thành những thành viên tích cực trên cuộc hành trình. Họ cần phải tôn trọng tự do của người trẻ trong tiến trình phân định của họ và trang bị cho họ những công cụ để làm việc ấy thật tốt. Một người đồng hành phải tin tưởng sâu xa vào khả năng tham gia đời sống Hội Thánh của người trẻ. Một người đồng hành phải vun xới hạt giống đức tin nơi người trẻ, mà không kỳ vọng thấy hoa trái tức thì của công trình Chúa Thánh Thần”. (CV, số 246)

– Khả năng đồng hành của giáo dân được Giáo hội quan tâm khi nhấn mạnh:

“Vai trò đồng hành không, và không thể, chỉ dành riêng cho các linh mục và những người được thánh hiến, nhưng các giáo dân cũng phải được bồi dưỡng để đảm nhận vai trò này. Tất cả những người đồng hành nên được huấn luyện cơ bản cách chắc chắn và được huấn luyện thường xuyên”. (CV, số 246)

  1. Reinforcement – Củng cố, duy tri sự đồng hành

Nếu giáo dân được quan tâm để đảm trách vai trò đồng hành thì người trẻ được mời gọi cách đặc biệt.

– Huấn luyện lãnh đạo trẻ: “có một nhu cầu đồng hành cách đặc biệt với những người trẻ tỏ ra có tiềm năng năng lãnh đạo, để giúp họ được đào tạo và được chuẩn bị những gì cần thiết. Những bạn trẻ gặp gỡ trước Thượng Hội đồng đã yêu cầu phát triển “những chương trình mới về thuật lãnh đạo trong đào tạo và không ngừng phát triển những người lãnh đạo trẻ”.( CV, số 245)

– Hình thành nhóm trẻ, quan tâm đến việc hình thành và phát triển tổ chức mục vụ giới trẻ tại giáo xứ và các cơ sở đào tạo. “Trong khung cảnh này, các tổ chức của chúng ta cần tạo cho người trẻ không gian của riêng họ, để họ có thể tổ chức thoải mái, họ có thể tự do đến và đi, cảm thấy được đón tiếp và có thể đi lại tự nhiên và tin mừng hân hoan. Những nơi như thế đã được thực hiện ở một số nhà thờ có các nhà sinh hoạt và các trung tâm dành cho người trẻ. (CV, số 218)

– Mỗi người trẻ đều được mời gọi “đồng hành cùng những người khác trên con đường này, trước tiên con phải có thói quen tự mình bước đi. Đức Maria đã làm như thế, bằng cách đối mặt với những vấn đề và những khó khăn của chính mình khi Mẹ còn rất trẻ. Xin Mẹ làm mới tuổi trẻ của con nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện và xin Mẹ luôn đồng hành với con qua sự hiện diện của Mẹ.” (CV, số 298)

Hiện nay, Adkar là một trong những chuỗi hoạt động của mục vụ giới trẻ, là dự án theo sát định hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là đồng hành với người trẻ hướng đến sự phát triển toàn diện. Quan tâm đến Adkar để người trẻ có thêm công cụ đạt được mục tiêu đời mình, để cùng nhau thánh hóa mạng lưới xã hội, cùng nhau “khám phá mình là ai và phát triển con đường nên thánh của riêng mình.” (CV, số 162)

III. CÙNG NHAU BƯỚC CHUNG HÀNH TRÌNH

Bạn trẻ chia sẻ: “Con cũng đã giải quyết được với gia đình mình bằng cách ngồi lại nói chuyện để gia đình có thể hiểu hơn về công việc của con. Vì con biết mẹ con cũng chỉ vì muốn quan tâm và lo lắng cho tương lai, cuộc sống của con mà thôi.

Con đã từng không thích và ngại tiếp xúc với Ông Bà và Cha Mẹ của mình vì con có cảm giác họ không hiểu được con. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì con rất thích nói chuyện với Ông Bà và Cha Mẹ của mình. Vì con nhận ra những người lớn trong gia đình đều có thể góp ý và chia sẻ với con những bài học của người đi trước, những trải nghiệm và kinh nghiệm hết sức quý giá và chân thật. Đặc biệt Ông Bà, Cha Mẹ luôn luôn là những người thật tâm yêu thương, lo lắng cho con và muốn con tốt hơn. Đôi khi có những vấn đề khác nhau giữa hai thế hệ, nhưng con nhận ra nếu mình kiên nhẫn chia sẻ với người lớn thì điều đó sẽ giúp họ vui hơn và gần gũi với mình hơn. Con rất ngưỡng mộ sự khôn ngoan, từng trải của Ông Bà, Cha Mẹ từ cách sống cho đúng, đến cách nhìn người, cách cư xử. Kinh nghiệm về sự trợ giúp của Ông Bà, Cha Mẹ với con đó chính là những lần con viết content hay lên ý tưởng để quảng cáo cho một số sản phẩm con đều tham khảo qua những người trong gia đình. Và Ông Bà, Cha Mẹ đã giúp con rất nhiều khi có thể cho con những góp ý chân thành.”

Hơn lúc nào hết, cần kiên nhẫn lắng nghe để đối thoại, để hiểu nhau và thu ngắn khoảng cách biệt giữa cách nhìn thời công nghệ và cách đánh giá theo truyền thống.

Các gia đình trẻ Công giáo cần đến ông bà quan tâm, giúp đỡ con cái của họ nhiều nhất là vấn đề đi lễ và học giáo lý. Cuộc sống dù phát triển thế nào thì cũng rất cần sự hiện diện và dạy dỗ của những thế hệ “tre già” trong mỗi gia đình. Quả thật, ông bà có vai trò không nhỏ trong tổ ấm như câu nói “Người trẻ xây nhà, người già nối yêu thương” đặc biệt là các gia đình trẻ Công Giáo.

Là những người trẻ, khi bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân, tạo lập gia đình, chúng ta không thể tránh khỏi những bất hòa trong các mối tương quan mới giữa hai bên gia đình. Những lúc như thế này, Ông bà là chỗ dựa về tinh thần để con cháu vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống hàng ngày, không sa ngã, chệch hướng; đưa ra những lời khuyên đúng lúc, đúng mực về kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình.

Trong mối tương quan với con cháu, Ông bà là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là người truyền thụ bổ sung cho thế hệ trẻ truyền thống văn hóa gia đình. Ông bà có kinh nghiệm sống quý báu, là những tấm gương sáng về đức tính cần cù, chăm chỉ, cẩn thận, giản dị, tiết kiệm, thật thà, giàu lòng nhân ái, vị tha độ lượng.

Khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên nơi một gia đình trong ân nghĩa của Thiên Chúa và trước mặt người đời. Ngài thánh hóa tình yêu vợ chồng. Ngài củng cố và thánh hóa mối tương quan giữa cha mẹ với con cái, các anh chị em với nhau và ông bà với cháu chắt.

“Tất cả chúng ta hãy bước lên cùng một chiếc thuyền và cùng nhau tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn, với sức năng động luôn luôn mới của Chúa Thánh Thần.” (CV, số 201)

Nguyện Chúa Thánh Thần canh tân mục vụ giới trẻ mọi nơi.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021