Trọn Niềm Tin Tưởng Vào Chúa  và Cầu Nguyện Trong Mùa Dịch Cúm Corona Nầy

print
Trọn Niềm Tin Tưởng Vào Chúa 
và Cầu Nguyện Trong Mùa Dịch Cúm Corona Nầy
 
 
vô hạ
 
1. Trước khi nói tới cầu nguyện, xin đề cập đôi dòng tới đức tin, niềm tin hay sự tin tưởng và thân phận của con người nơi trần thế.  Tin, hiểu đơn giản gọn nhẹ,  là mối liên hệ hổ tương hai bên. Tin cũng là những gì mình cho là đúng, tốt, đáng quí, có giá trị, rồi làm theo, nhờ  uy tín của Vị mà mình kính mến hay  qua duyên lành trung gian.  
 
2.   Ai không có chút tin tưởng nào tới Đấng Thiêng Liêng hay Linh Thiêng và cho rằng con người chỉ thuần do vật chất cấu tạo, chết rồi thành đất, thì kẻ ấy là người vô thần Atheist: không tin có linh hồn bất tử và Thần Thánh chi hết.  Hiện tượng nầy chỉ thường xảy ra  trên lý thuyết mà thôi.  
 
3.  Còn trong thực tế, có ai tìm được một người có trí óc bình thường, lành mạnh, bình tĩnh lại hoàn toàn vô thần, không tin có Thần Thánh, Đức Chúa hay Trời Phật.  
 
4. Trong thân phận con người, lắm lúc vì miếng cơn manh áo hay quyền lợi thế gian, cũng có người cố tình cãi chày cãi cối rằng không có ông Thần ông Thánh hay Thượng Đế, thì khó lắm. Còn chứng minh có một vị Toàn Trí Toàn Năng  Sáng Tạo và qui hoạch thì dễ dàng hơn nhiều. Thí dụ  hãy nhìn vào ngay bộ máy cơ thể của chính mình, thấy nó vận hành hoàn hảo ra sao, thì ai ai  cũng biết rằng có sự sắp xếp và hoạch định mà mình không hiểu nổi. Nên chỉ có con đường qui chiếu những điều hay, vẻ đẹp đó về Đấng Toàn Năng, để gởi gắm niềm tin, mà được an tâm, mà sống, thì hợp lý và dễ làm hơn.
 
5.  Một thí dụ nữa, có người cho rằng mọi vật chất do những phần tử tự rơi rụng đụng chạm vào nhau mà hình thành. Nhưng bạn hãy thử lấy ba hột đậu, thảy lên sàng nhà, làm chừng vài ngàn tỉ lần mới may ra được một hình tam giác đều. Nhưng trong vũ trụ  nầy, mấy khi có chuyện sai trật tự, trật đường rầy, mà lại hiển hiện trước mắt chúng ta  biết bao điều hài hoà tốt đẹp lộ thiên, có thể tri nhận bằng những giác quan bình thường. Thêm nữa, bạn thử cho một nguyên tử hay một tế bào sinh thực vật vào kiến hiển vi. Những cấu trúc và quỹ đạo vận hành tuyệt hảo bên trong, cho thấy phải có một quyền năng Cao Siêu viết ra  thảo chương, program, cho chúng vận hành êm đẹp như vậy.
 
 6.  Nhiều nhà thiên văn cho biết, nếu bạn sống được 100 tuổi, bạn dùng thời gian đó để chỉ chuyên đếm các vì sao trên trời, với tốc độ 60 cái một phút, thì cả đời cũng chưa đếm hết tinh tú chỉ nội trong dãy Ngân Hà,  mà Thái Dương Hệ của mình nằm trong đó. Và còn vô số Ngân Hà trong những khối tinh vân khác nữa.  Nên riêng tôi tin vào Đấng Vô Biên, Đấng Thậm thâm, Đấng Không Lường làm ra những điều kỳ diệu vĩ đại nầy, qua Lăng Kính của Thiên Chúa Giáo, và gọi Ngài là Đấng Sáng Tạo, Chúa Tể Toàn Năng.
 
7.  Nhìn rộng ra, khó mà tìm thấy có một nhà Bác Học nào tâm trí bình tịnh, độc lập, tài giỏi, không bị chính trị chi phối,  như Bác Sĩ  Louis Pasteur (1822-1895)  mà tuyên bố mình vô thần. Chỉ có riêng như tôi đây, học chưa đầy lá mít, lại tự suy tôn mình khôn ngoan hơn khắp cả và thiên hạ.
 
8.  Bình thường khi sung sướng khỏe mạnh, người ta không mấy khi nhớ tới Quý Ngài Giáo Chủ của Đạo mình, hoặc có nhớ thì cũng thờ kính lơ tơ mơ cho lấy có, lấy lệ, theo thói quen. Nhưng khi ốm đau bệnh tật, lúc mạng sống như chỉ mành treo chuông, ngoài tầm tay, và  khoa y học kỷ thuật, dù hiện đại hết mức, cũng  không cứu giúp được gì, thì vào những thời khắc đó, hầu như chính đương sự và thân nhân đều nài nỉ, van xin, khẩn cầu hết sức tha thiết với Đấng Bên Trên Siêu Hình mà mình tin tưởng. Đến Nhà Thương, nhà Chung Sự hay nghĩa trang … thì thấy tâm tình tôn giáo của con người rõ ràng hơn nơi nào hết.  
 
9.  Hầu như ai trong chúng ta cũng chấp nhận con người gồm thể xác bị luật sinh lão bệnh tử chi phối, có thay đổi, và thể tinh thần còn mãi sau cõi đời nầy. Đạo Thiên Chúa, Công Giáo gọi hai thể đó là phần hồn và phần xác. Ông bà tổ tiên dân Việt từ ngàn xưa  đã có niềm tin như vậy và bằng chứng rõ ràng nhất được ghi ra trong câu thơ Kiều của  Văn Hào Nguyễn Du  (1766-1820)  “Chết là thể phách, còn là tinh anh”
 
 10.  Bình thường con người không thể dùng ngũ quan hay phòng thí nghiệm mà tri nhận được Thần Thánh. Nhưng linh ư vạn vật, con người linh thiêng  hơn vạn vật, nhờ được dựng nên giống hình ảnh và y như Thượng Đế  (Sách Sáng Thế  1:27).  Phải hiểu, chỉ được chia sẻ Chúa tánh một chút nào đó thôi.  Nên nhờ xử dụng lý trí, con người lý luận suy tính mà nhận biết có những thực thể cao siêu vượt lên trên chính mình. Rồi gởi gấm niềm tin vững mạnh đã có sẵn của mình, vào những Vị Giáo Chủ, là Thần Thánh của đạo mà mình tin tưởng và tự do lựa chọn.
 
11.  Bệnh dịch Corona Vũ Hán đã xảy ra hơn ba tháng đầu năm 2020, đang lan rộng tới hầu hết các nước trên Thế giới, và hiện nay đang hoành hành tại những quốc gia Âu Mỹ, là những vùng đất của Kitô Giáo. Đặc tính cốt lỏi của Kitô giáo là đặt niềm tin vào Đấng Tối Cao, gọi là Thiên Chúa, Đức Chúa, hay Chúa, là Đấng Sáng Tạo và điều hành vũ trụ, quyền uy, thường phạt công tội tỏ tường, nhưng cũng nhân từ và đầy lòng yêu thương, như người cha luôn mong chờ người con bụi đời trở về.
 
12.  Người cha nầy được ghi lại trong sách Phúc Âm của Tác Giả Luca, đoạn 15, câu 11-32. Người cha nhân hậu đó đã chuẩn bị sẳn, nuôi một con chiên nhỏ cho mập lên, và  ngày đêm luôn mở rộng vòng tay trông chờ đứa con hoang đàng trở về. Với tâm tình đó người Kitô Giáo, gọi Thiên Chúa là Cha và  luôn hướng lòng cầu xin lên Chúa  của mình qua mọi lời kinh tiếng hát. Và kinh cầu nguyện tuyệt hảo nhất là kinh Lạy  Cha do chính Chúa Giêsu chỉ dạy, gói ghém thêm những tâm tư nguyện vọng  từ chính cõi lòng của mỗi mình.
 
13.  Trong thời gian bốn chục năm qua, nhiều người có thấy những lời thuyết giảng đó đây rằng: không có ông thần, ông thánh, ông chúa, ông thượng đế nào hết. Ngay ông Giêsu không tự cứu mình khỏi chết trên thánh giá, thì còn giúp được ai. Cũng có Thầy còn giảng thêm rằng cầu nguyện không được gì đâu. Đó chỉ là cảm tính mà thôi.
 
14.  Với những câu thuyết giảng như thể loại trên, không thấy có  mấy ai muốn đối thoại hay tranh luận.  Vì chưng, trong lịch sử xưa, nhóm Thầy Cả Biệt Phái Do Thái Bảo Căn nguyên cáo, đứng dưới chân thánh giá đã chế nhạo Chúa Giêsu cùng ý và lời y như vậy hơn hai ngàn năm rồi, và cũng còn xuất hiện những loại miệng đời như thế đó đây. Nhưng cũng nhờ từ cái chết để tới Phục sinh đó, mà hiện nay có hơn 1700 triệu người tin tưởng và ngày đêm cầu khẩn cùng yêu thương Ngài, Vị Giáo Chủ Cao Siêu Vĩ Đại của mọi thời. 
 
15.   Quí vị thuyết giảng trên quên rằng,  chỉ xét về mặt sức khỏe trong lãnh vực y học thôi, người có niềm tin bất cứ thể loại nào, riêng tin vào Thần Thánh chân chính, coi như có niềm hi vọng vững chắc, thì trong cơ thể tự phát sinh ra thêm kích thích tố có lợi, để thêm giúp chống chọi bệnh tật.  Nên khi rủi bị bệnh, sẽ dễ dàng tự và được chữa lành hơn, so với người đầy bi quan hoặc hoàn toàn không tin tưởng chi hết. 
 16.  Thêm nữa, ai có duyên với đạo nào, thì tự do theo đạo đó. Ngày nay đa số dân Âu Mỹ gốc Kitô Giáo,  đều có cái nhìn rất rộng mở, khi cho rằng tôn giáo là món ăn của phần tinh anh và cũng là chổ dựa tinh thần của con người. Nên là con người bình thường, phải tôn trọng tự do tôn giáo và niềm tin của mọi người khác với mình.
 
17.  Bên trên, chỉ sơ lược vài lý lẽ và  ý nghĩa của niềm tin Kitô Giáo và bây giờ chúng ta cùng bước vào phần cầu nguyện hay cầu xin.
 
Chỉ cần nhìn lại trong phạm vi gia đình thôi, đã có biết bao lần con cái nói chuyện với cha mẹ, gói ghém thêm tâm tư nguyện vọng khúc nôi đủ thứ. Đó là cầu xin hoặc cầu nguyện hay nhất trong tôn giáo. Thánh Phaolô có nói rõ trong thư 2 gởi Côrintô 1:11 : khi cầu nguyện, anh em hãy dâng niềm ước vọng lên Chúa. Nên trong cầu nguyện, người Kitô giáo cũng cùng lúc tôn vinh, xám hối, cảm tạ và xin ơn với Chúa của mình.
 
 18.  Cũng dựa vào chuyện dụ ngôn người cha nhân hậu bên trên, mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II  (1920-2005)  đã thiết lập  Chúa Nhật Kế tiếp sau Lễ Phục Sinh là Ngày đặc biệt Kính Lòng Thương Xót của Chúa. Cho nên trong mùa bệnh dịch Corana Vũ Hán, khắp nơi đều tổ chức những buổi cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa, xin giúp cho thế giới tai qua nạn khỏi.
 
19.  Nói rõ hơn, khắp nơi trên thế gian, người Kitô Giáo làm nhiều tuần cửu nhật cầu Lòng Thương Xót Chúa, cầu cho hàng giáo sĩ các cấp, cho đạo mình, cho mọi người, cho quý vị thầy thuốc, cho người đau ốm bệnh tật, những kẻ qua đời vì tai họa Corona, cho chính quyền các nơi biết nghỉ đến biết thương người dân đen, cho những nhà bác học có lương tâm trong sáng. Riêng mình, chỉ  xin một việc nhỏ. Cho con học thuộc ít nhiều câu “thương người như thể thương thân” trong gia Huấn Ca của Nhà Tâm Lý Chiến Nguyễn Trãi (1380-1442). Và Chúa Giêsu cũng có răn dạy như vậy khi còn tại thế.
 
20.  Đó là xin giúp cho con hiểu thấu lẽ đạo Bác  Ái của Chúa, và thực hành khi đi chợ vào những thời buổi gian nguy nầy, tự biết mua nhu yếu phẩm gạo, muối, thịt, cá, hoa quả, nước mắm … đủ dùng một tuần như bình thường. Giấy vệ sinh, 1 block, đủ xài một vài tháng.  Biết noi theo theo mẩu gương nghỉ tới người khác, như chuyện trên báo về người chồng Nhật, dặn dò Vợ Việt tại Sandai, Sơn Đài, Nhật Bổn khi Sóng Thần xảy ra 2011. Dù tai họa xảy ra rồi, chỉ mua thức ăn đủ vài ba  ngày, biết để dành  chợ cho người khác. Những lương dân nầy, dù chưa qua Phép Rửa bình thường bằng nước, chưa được nghe ai rao giảng về Chúa, nhưng  đã được Thánh Thần tuyển chọn bằng lửa của Thần Trí và sự thật cộng với tình yêu thương rồi. 
 
21.  Khi Cầu xin rồi thì phải chờ xem.  Chừng nào Ngài cho thì biết, vì Ngài luôn yêu thương, nhưng theo nguyên tắc công bằng giống như luật Nhân Quả: “đổ máu người thì bị người đổ máu lại” (Sách Khởi Nguyên/Sáng Thế đoạn 9 câu 6). “Dùng gươm thì chết vì gươm” (Mt. 25: 52). “Ai gieo giống chi lại gặt giống ấy” (Galata 6:7). “Đong đấu nào thì sẽ nhận được đấu ấy… Thiên Chúa sẽ không thương xót khi xét xử kẻ không biết xót thương.” (Ga 2:13)… Xin làm sao cho con có can đảm chấp nhận phúc lợi cũng như thương đau, như ông Gióp xưa thân mình ghẻ lở ngồi trên đống phân, mà vẫn bình tĩnh ca tụng Chúa như bình thường. (Sách Gióp 2:9-10; 13:15a)
 
22.  Dĩ nhiên,  trong Thánh Kinh có ghi nhiều đoạn, nhiều câu ca tụng uy quyền vô đối của Chúa, và khi ai khẩn cầu, không bao giờ bị từ chối. Lời Chúa phán như vậy, có mục đích luôn nâng đỡ niềm tin của con cái loài người. Thông thường, theo nguyên tắc luân lý và niềm tin tôn giáo, phúc đến  do công đức, còn tai họa do tội gây ra. Khi thảm họa như ôn dịch Corona xảy ra, là vì tội lỗi của loài người mà mọi chúng sinh có góp phần.
 
23.  Trong lịch sử 2000 năm của Kitô giáo, cũng đã có ít là năm lần đại dịch của thiên nhiên, gọi là bệnh thời khí, xảy ra. Dịch bệnh 1347 lan rộng khắp châu Âu, giết chết khoảng 25 triệu người. Cơn dịch 1533 đã tiêu diệt nửa dân số Âu Châu. Cúm Tây Ban Nha 1918-1919  khiến hơn 50 triệu người trên toàn thế giới tử vong.
 
24.  Có những thời kỳ đó, Nhà Thờ trên quyền của Nhà Nước (313 -1789)   không biết thế quyền có thể khuyên nhủ hay bắt buộc tránh hội hộp và tự cách ly tại nhà như hôm nay không. Nhưng bây giờ vẫn  còn có những cộng đoàn cho rằng cứ tụ họp lại, làm việc thờ phụng, như Mục Sự  Pastor Rodney Howard-Browne, ngày 28-03-2020 tại Florida, Hoa Kỳ, tin rằng Thiên Chúa của mình quyền uy nhất, tiêu diệt ngay ôn dịch, y  như một số lời đã ghi trong Thánh Kinh. Nhưng cứ xem quả thì biết cây. Kết quả là ôn dịch dây chuyền lây lan cho người tham dự và hệ lụy lan sang cho bao người sau đó nữa. Nên buộc phải điều chỉnh niềm tin của mình sao cho đúng ý Chúa. Vậy Ý Chúa là gì? Dễ hay khó hiểu? Lời Chúa  trong Thánh Kinh có  linh nghiệm chăng?
 
25.  Ngày nay Thẩm Quyền Giáo Hội Công Giáo khắp nơi, đều  ý thức rõ bổn phận chuyên lo cầu nguyện, giảng dạy và làm các bí tích. Còn mặt y tế và  sức khỏe thì cộng tác với lời khuyên của Ban Y Tế Chính Phủ. Nên cũng đã đưa ra thông tư cách ly cho Kitô hữu các cấp nhiều nơi, tạm ngưng tụ họp hành lễ  tại nhà thờ. Vâng nghe Chính Quyền sở tại.
 
26.  Xin trở lại câu ý Chúa.  Ý Ngài có khi dễ mà cũng có khi rất  khó hiểu hoặc khó thấy lắm. Nhưng chẳng lẽ như vậy, bỏ Ngài thì tôi ở với ai. Mình có duyên với đạo nầy nhiều nhất, khó nhảy sang đạo khác.  Nên xin cho con kiên nhẫn mà tìm, có khi phải chờ nhiều thế hệ, qua nhiều thế kỷ. Lời Chúa trong Thánh Kinh, một chấm, một phẩy cũng không sai, theo văn bản. Trời đất có qua đi, nhưng lời Ngài luôn tồn tại. Tuy nhiên, một con người như mình, trong thân phận u mê tại trần thế, không mấy khi hiểu trọn vẹn một chấm một phẩy của lời Chúa, sao cho đúng ý Chúa. Nên phải cùng nhau học hỏi và mò mẫm mà tìm ra ý Ngài. Xin ghi lại câu chuyện dưới đây, hi vọng có thể giúp ai,  phải tín hành làm sao với Chúa.
 
27.  Khi còn trên ghế nhà trường,  Vị Linh Mục Giáo sư dạy tôi, lần đó có kể cho học viên trong lớp, một mẩu  gương về niềm tin và cầu xin của Thánh Ambrôsiô bên nước Ý, vào thời kỳ sơ khai của Giáo Hội Công Giáo; tóm gọn như sau.
 
28. Giáo Sử ghi rằng em bé Ambrôsiô sinh năm 339 tại Trêve, sau Hiệp Ước Milan năm 313 của Hoàng Đế Roma  là Constantin, cho Giáo Hội Công Giáo  tự do hành đạo, không còn bị bắt hại nữa. Vào lúc trưởng thành, Ambrôsiô được Ông Hoàng Robus đề cử  chức Tổng Đốc hai miền Liguria và Êmilia, bắc nước Ý. 
 
29.  Ngày đó, sau khi Giám mục thành Milan qua đời, hàng giáo sĩ  và giáo dân tụ họp để chọn Giám Mục kế vị. Nhưng vì bất đồng ý kiến nên đã chống đối nhau kịch liệt. Trong bầu khí hỗn độn ấy, Ambrôsiô với tư cách là chính quyền địa phương đã đến để hòa giải. Bỗng nhiên có một em bé la to “Ambrôsiô, làm Giám Mục!” và lạ thay mọi người đều đồng thanh bầu Ambrosio vào chức vụ kế vị các Tông Đồ. Sau đó, vì còn là lương dân, Ngài được dạy giáo lý, rửa tội và lần lượt lãnh các chức thánh để làm Giám Mục Milan từ năm 374 tới 397. Ngài là một trong những Vị thông thái có tiếng thế kỷ thứ IV, chống bè rối Ariô, Nhà Hùng Biện, Tiến Sĩ Giáo Hội, có ảnh hưởng nhiều trên việc trở lại Công Giáo của Thánh Augustinô. 
 
30.  Lần kia, Ngài cưởi ngựa ngang qua nhà thờ. Rồi quay lại, xuống ngựa vào nhà thờ viếng Chúa. Ngài rất xác tín nói với Chúa: xin giữ ngựa cho con, nên không thèm cột ngựa. Khi trở ra, ngựa đi mất. Lúc bấy giờ Ngài mới ngộ ra rằng: Tôi phải tin vào Chúa như tôi không làm được sự gì, đồng thời phải làm “như không có Chúa” (nguyên văn của vị Thầy giảng). Còn mình, phải dùng từ ngữ nhẹ nhàn hơn, như Chúa không làm gì cho con,  vì muốn con tự làm khi có thể, để cộng tác vào công trình sáng tạo của Chúa.  Chúa của mình ngon lành như vậy.
 
Gói gọn.   Khi đạo Chúa chưa tới Việt Nam, ông bà mình chưa biết Vị Chúa của Thiên Chúa Giáo có những đặc tính nào như được dạy trong Thánh kinh, Thần học, giáo lý, mà chỉ biết ông Trời một cách thênh thang,  bàng bạc, được ghi ra trong Sách Minh Tâm Bữu Giám: mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên. Thiên võng khôi khôi, sơ, nhi bất lậu: lưới Trời lồng lộng, thưa, mà không lọt.
 

 Nên với Trời, khi cầu nguyện trong mùa dịch bệnh tai họa Vũ Hán nầy, tôi phải tận nhân lực trước, rồi mới tri Thiên mệnh.  Với tâm chí thành, mình ký thác niềm tin hoàn toàn vào Chúa, rồi tự lo cho mình, cho người, những gì trong tầm tay. Phần còn lại là việc của Thần Thánh, của Chúa vậy.