Tư Duy Tích Cực

Tư Duy Tích Cực

 Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh

https://tgpsaigon.net/

Tư duy tích cực về bản thân.

Tư duy tích cực về người khác.

Tư Duy Tích Cực Về Thế Giới

Tư duy tích cực trong mọi góc nhìn.

 

Tư duy tích cực về bản thân

Có ông chủ kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm nén lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai nén gây lời được hai nén khác. Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.

Người đã lãnh năm nén tiến lại gần, đưa năm nén khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

Người đã lãnh hai nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi đã gây lời được hai nén khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

Rồi người đã lãnh một nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười nén. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 25,14-30)

Dụ ngôn trên cho chúng ta thấy thái độ tích cực của hai người đầy tớ đầu; điều này giúp họ gặt hái thành công trong cuộc sống. Người thứ ba, vừa biếng nhác, vừa có cái nhìn tiêu cực về bản thân cũng như về ông chủ, đã lãnh lấy hậu quả bất hạnh.

  1. Tác hại của tư duy tiêu cực

Làm hại sức khỏe thể lý. Loại tư duy này chắc chắn tác động xấu đến hệ miễn dịch và hoạt động của các cơ quan nội tạng.

Làm cho tâm lý mang màu sắc ảm đạm, u tối. Trạng thái tâm lý tiêu cực làm cho suy nghĩ và hành động của người ta cũng trở nên u ám.

Phá hủy các mối tương quan với tha nhân. Chẳng ai muốn tiếp cận, gần gũi với những người bi quan, yếm thế. Thế nên, tương quan với người khác sẽ dần dần lỏng lẻo và đi đến chỗ chấm dứt.

Chôn vùi mọi tiềm năng của bản thân. Khi bi quan về bản thân, người ta cũng không tin tưởng vào khả năng mình, cũng sẽ không cố gắng vươn lên vì nghĩ rằng có cố gắng mấy cũng vô ích, “Tôi không biết, tôi không có năng khiếu, tôi không chắc mình làm được…” và còn nhiều cái tôi tiêu cực khác được trưng ra.

Phá hủy hạnh phúc và tương lai. Tất cả những yếu tố kể trên, sớm muộn gì cũng làm giảm thiểu, hoặc trong trường hợp xấu nhất là phá hủy hạnh phúc và tương lai của con người. Người đầy tớ cuối cùng trong dụ ngôn, vì thiếu cố gắng, vì nhận thức tiêu cực về khả năng của mình, cũng như có cái nhìn tiêu cực về ông chủ, đã lãnh lấy phần bất hạnh cho cuộc đời.

  1. Ích lợi của tư duy tích cực

Chúng ta có cần nêu lên những ích lợi của lối tư duy tích cực về bản thân hay không? Chỉ cần làm động tác quay ngược những tác hại của lối tư duy tiêu cực, chúng ta dễ dàng có được một đáp án chính xác cho câu hỏi này.

  1. Rèn luyện

Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Đừng bao giờ khuếch đại những điều đáng tiếc đã xảy ra, cũng như đừng bao giờ “nhấm nháp” những điều không mong muốn đã xảy ra trong cuộc đời mình.

Khám phá điều tích cực trong mọi biến cố. Xem thành công là động lực để giúp mình vươn lên và đi tới. Xem thất bại là cơ hội để học hỏi, để rút kinh nghiệm. Thắng không kiêu, bại không nản!

Tin tưởng vào bản thân. “Chúng ta sẽ trở thành điều mà chúng ta hay nghĩ đến nhất.” (William James). Niềm tin mạnh mẽ giúp chúng ta thành công, ít là trong giai đoạn xuất phát rồi.

Sử dụng thời gian, năng lực, các mối tương quan, phương tiện đang có vào các mục đích tích cực. Hãy sử dụng thời gian hợp lý cho các hoạt động thể lực, tinh thần, giải trí lành mạnh. Khám phá năng lực cá nhân bằng nhiều cách thế khác nhau: đọc sách, viết lách, làm việc tay chân, quan sát thế giới thiên nhiên, chăm sóc cây cảnh, giao tiếp với bạn bè, thưởng thức âm nhạc, tập tư duy giải quyết vấn đề bằng nhiều đáp án khác nhau, và cũng nên dành thời gian lắng đọng cho riêng mình để hướng thượng và hướng thiện.

Hy vọng đây là bước đầu để chúng ta đi đến thành công. Thành công ở đây không nhắm đến bằng cấp, sở hữu bạc tiền, quyền cao chức trọng, nhưng là sự bình an nội tâm, hạnh phúc, và nhất là có được cuộc sống mà chúng ta hài lòng về nó.

Tư duy tích cực về người khác

Người nông dân kia có một con lừa. Ông ta quý nó vì nó giúp ông nhiều việc. Ngày kia, chú lừa chẳng may bị rơi xuống một cái giếng. Vì giếng sâu, nên dù đã cố gắng hết mức, người nông dân vẫn không đem được chú lừa lên. Nghe thấy tiếng rên não lòng của chú lừa, còn mình thì hoàn toàn bất lực, người nông dân quyết định giúp chú lừa sớm chấm dứt tình trạng thê thảm đó. Vừa buồn, vừa thương, ông vẫn buộc phải hất từng xẻng đất xuống giếng, phủ lên lưng chú lừa. Ban đầu, chú lừa tỏ vẻ kinh ngạc trước sự “độc ác” của ông chủ, nhưng sau đó chú ta lại vui mừng. “Hất xuống và bước lên” là câu thần chú mà chú lừa đã ngộ ra. Thế là giếng sâu trở nên nông dần, và từng bước, từng bước, chú lừa đã thoát khỏi cái giếng tử thần, tưởng đã là mồ chôn sống chú. (Sưu tầm)

Đặt mình vào vị trí con lừa, có lẽ chúng ta cũng sẽ dễ dàng nghĩ “xấu” cho ông chủ. Cuộc sống quả thật có nhiều cái chúng ta thấy bên ngoài và thực chất bên trong hoàn toàn khác nhau. Thế nên, hãy có cái nhìn bao dung, thiện cảm và tích cực về người khác. Nếu chúng ta có cái nhìn tích cực như vậy, chắc hẳn, chúng ta cũng sẽ cư xử với người khác theo cách thế như vậy. Đến lượt người khác, họ cũng sẽ dễ dàng trao ban cho chúng ta cách xử sự thấm đượm tình người. 

Quy luật “bạc”: “Điều mình không muốn người khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người khác.” (Khổng Tử)

Chẳng ai muốn người khác nói xấu, nghĩ xấu, hoặc cư xử tồi tệ với mình. Thế nên, trước hết mình cũng hãy tránh xa những thái độ tiêu cực đó trong tương quan với người khác.

Đừng ghen tị trước thành công của người khác. Thấy ai thành công và có những đức tính tốt thì noi gương họ, học hỏi nơi họ.

Đừng vui khi người khác lâm cảnh hoạn nạn. Niềm vui như thế không phải là niềm vui lành thánh, nhưng là “niềm vui của con cái ma quỷ”. Chúng ta cũng có thể học hỏi được những kinh nghiệm từ thất bại của người khác. Hãy là những người có lòng cảm thông chân thành khi người khác đang phải đối diện với những tai ương, hoạn nạn.

Quy luật “vàng”: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” (Lc 6,31)

Quy luật “bạc” thường dừng lại ở mức không làm điều gì xấu cho người khác. Quy luật “vàng” thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn nữa. Đó là chủ động làm điều tốt cho người khác. Nói tốt, nghĩ tốt và nhất là cư xử đầy lòng nhân ái đối với người khác. Nếu ta mỉm cười với đời, với người, thì cuộc đời và con người cũng sẽ đáp lại chúng ta bằng một nụ cười, vì đời được ví như là một chiếc gương soi.

Đừng ngại khen người khác cách chân thành, nhưng cũng cần tránh thái độ nịnh nọt giả tạo. Khen ngợi người khác không hề làm giảm giá trị của chúng ta, trái lại, nó giúp người và giúp cả ta cùng thăng tiến. “Ai khen ta làm sự phải, đó là bạn ta.”

Hãy là một người bạn tốt và chân thành với những người xung quanh.

Góp ý huynh đệ

Tư duy tích cực về người khác mời gọi chúng ta tiến xa nữa. Khen ngợi cách chân thành, điều này không khó. Nhưng, góp ý chân thành ư? Khó đấy! Vì ai cũng ngại đụng chạm, ngại bị người khác hiểu lầm: “Anh hay bằng ai mà lên mặt dạy đời, mà góp ý cho tôi?” Tuy nhiên, “Ai chê ta làm sự trái, đó là thầy ta.” Để thật sự trở thành một người “thầy” như thế, không dễ chút nào. Tuy vậy, một tình bạn chân thành mời gọi chúng ta hãy góp ý chân thành cho nhau để giúp nhau cùng thăng tiến. Góp ý mà không nhằm hạ giá người khác, cũng không nhằm đánh bóng bản thân.

Là người đi góp ý cho người khác. Ngoài nội dung góp ý, chúng ta còn phải lưu tâm nhiều đến cách thức, nơi chốn và thời điểm góp ý, sao cho người nghe dễ dàng đón nhận lời chúng ta góp ý.

Là người nhận được lời góp ý từ người khác. Chúng ta hãy lưu tâm nội dung được góp ý cho chúng ta. Trong mọi trường hợp, hãy luôn bày tỏ lòng cám ơn. Nếu góp ý đúng, chúng ta hãy khiêm tốn sửa sai bản thân. Nếu có hiểu lầm nào đó, chúng ta cũng hãy nhã nhặn giải thích để gỡ bỏ những gút mắt.

Tóm lại, nếu có con tim đủ lớn, chúng ta dễ dàng có cái nhìn tích cực và bao dung đối với người khác. Khi ấy, chúng ta dễ dàng đón nhận người khác như họ là, đón nhận những ưu điểm và cả những giới hạn của họ. Một sự thấu cảm như thế chắc chắn sẽ giúp chúng ta và các mối tương quan lớn lên, giúp đôi bên mỗi ngày một nên hoàn thiện.

Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 38

 ****

Tư Duy Tích Cực Về Thế Giới

Màn đêm buông xuống. Trong căn phòng nhỏ của tu viện, một tu sĩ đang lặng yên suy niệm, cầu nguyện. Cơn mưa rào bất chợt xuất hiện.

Sau cơn mưa, bầy ếch trong khu vườn được dịp tha hồ ca hát với đủ kiểu cung bậc. Nghe tiếng bầy ếch kêu, vị tu sĩ cố cầm lòng, cầm trí để tiếp tục chiêm niệm. Nhưng tiếng ếch giữa đêm khuya cứ inh ỏi, len lỏi vào chỗ tĩnh lặng nhất trong tâm hồn vị tu sĩ. Không chịu được nữa, ông mở cửa sổ và quát lên: “Im lặng!” Đàn ếch lập tức lặng yên trước tiếng quát đầy uy nghiêm của vị tu sĩ.

Đóng cửa sổ lại, vị ấy tiếp tục cầu nguyện. Bên ngoài đã hoàn toàn yên ắng, nhưng giờ đây, lòng ông lại thấy không yên. Tại sao mình bắt các chú ếch im lặng? Chúng đang ca hát, ngợi khen và chúc tụng Thượng Đế, Đấng đã tác tạo nên chúng? Tại sao mình chỉ nghĩ cho riêng mình mà bắt chúng phải sống khác với bản tính của chúng. Thế là sau khi suy nghĩ thấu đáo, vị tu sĩ lại mở cửa sổ ra và cất tiếng: “Các chú ếch, hãy tiếp tục ca hát!”

Đàn ếch sau thời gian phải ngậm miệng, giờ đây được dịp ca hát to hơn trước. Vị tu sĩ ở trong phòng, tâm hồn giờ đây hoàn toàn tĩnh lặng, một sự tĩnh lặng trong an vui, dù bên ngoài tiếng đàn ếch vẫn rộn ràng như muốn xé toạc màn đêm. (Dựa theo cha Anthony de Mello)

Cũng cùng một sự việc đã và đang xảy ra nhưng lại đem đến cho vị tu sĩ hai cảm nghiệm khác nhau. Khi quy chiếu về mình, vị ấy cảm thấy thế giới tự nhiên như sự cản trở cho sự tịnh tâm của mình. Ngược lại, khi có một cái nhìn cởi mở, rộng lượng, tôn trọng trật tự thiên nhiên, vị ấy đã tìm thấy được con đường để đạt tới sự thiện tròn đầy.

  1. Nhìn sự vật, sự việc đã, đang, và sẽ diễn ra theo chiều hướng tích cực

Cuộc sống hằng ngày diễn biến và xảy ra rất nhiều sự kiện. Có những việc xảy ra phù hợp với sở thích và kỳ vọng của chúng ta. Có những việc thì hoàn toàn ngược lại với mong muốn chúng ta. Chẳng ai muốn kẹt xe, nhưng nếu đang xảy ra điều không mong muốn này, chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Than thở, bực dọc… có giải quyết được tình trạng này không? Ngược lại, nếu nhìn sự kiện theo chiều hướng khác, chúng ta sẽ không rơi vào trạng thái căng thẳng. Trong cái xấu biết đâu nảy sinh điều tốt? Nhiều người sẽ nhận thức rõ hơn khi thấy rằng: nếu không tôn trọng luật giao thông sẽ dẫn đến những phiền phức, không chỉ cho riêng mình, mà còn cho nhiều người nữa.

Lối tư duy tiêu cực về thế giới. Trời mưa: chán quá, đường sá lầy lội! Trời nắng: nóng nực quá, chịu không nổi! Trời lạnh: khổ thân tôi, cảm cúm mãi không hết! Và còn nhiều điệp khúc tương tự.

Lối tư duy tích cực về thế giới. Khám phá và nhìn thấy điều hay, điều tốt, điều thú vị trong từng cảnh huống. Không phải chúng ta cười hề hề trước những thiên tai, ôn dịch… đang xảy ra, nhưng cần biết khám phá một điểm tích cực nào đó. Chẳng hạn: chính việc khai thác và phá hủy thiên nhiên vô tội vạ mà các quy luật thiên nhiên đã bị đảo lộn, điều này giúp cộng đồng nhân loại ý thức hơn về việc tôn trọng và bảo vệ môi trường sống của loài người cũng như của vạn vật.

  1. Tôn trọng quy luật tự nhiên

Đấng Tạo Hóa đã ban cho thiên nhiên những quy luật và trật tự. Khi con người tôn trọng và sống theo các quy luật tự nhiên, thiên nhiên sẽ là người bạn đồng hành và giúp nâng cao phẩm chất cuộc sống con người. Trái lại, khi con người đứng lên phá hủy quy luật tự nhiên, lúc đó, thiên nhiên sẽ không còn thân thiện nữa. Những thảm họa sẽ thường xuyên xảy đến cho con người như một hệ quả tất yếu.

Trái đất này là ngôi nhà chung của nhân loại. Mỗi người đều có trách nhiệm để kiến tạo ngôi nhà chung ấy sao cho trật tự, hài hòa và xinh đẹp. Lúc ấy, mỗi chúng ta cũng sẽ hưởng nhờ sự tốt đẹp mà ngôi nhà chung đó mang lại.

  1. Học hỏi từ thế giới tự nhiên

Quan sát thiên nhiên với ánh mắt thán phục và ngạc nhiên, chúng ta sẽ khám phá nhiều bài học cho cuộc sống con người. Tương quan tốt với thiên nhiên cũng giúp chúng ta tương quan tốt với chính mình và với người khác.

Khách quan, công bằng. Mưa hay nắng, nóng hay lạnh đều chung cho mọi người, bất kể người tốt kẻ xấu.

Chung thủy. Cứ đến giờ, Xuân lại đến. Cứ đến hẹn, Xuân lại từ giã ra đi. Rất đúng giờ, đúng hẹn.

Kiên nhẫn. Thời gian xoay chuyển theo những giờ khắc đã định. Nào ai có thể bẻ cong thời gian, bắt nó đi nhanh hoặc chậm hơn?

Hài hòa, xinh đẹp. Mỗi mùa cống hiến một vẻ đẹp riêng. Đó là vẻ đẹp của sự tinh tế, hài hòa của cảnh sắc bình minh, hoàng hôn, của núi non hùng vĩ hay của những cánh đồng xanh bát ngát. Mỗi góc nhìn là một bức tranh cực kỳ xinh đẹp.

Trung thực. Dù là một bông hoa dại ven đường cũng cho thấy một vẻ đẹp chân thật, không cầu kỳ, không photoshop, không son phấn, không điểm trang giả tạo.

Và còn nhiều điều khác nữa… Bạn hãy suy nghĩ và khám phá thêm nhé! Càng quan sát, khám phá, nhìn ngắm, và cả lắng nghe nhịp điệu thiên nhiên (nhịp mưa rơi, tiếng gió rít, tiếng dế kêu, tiếng lá xào xạc…) bạn sẽ càng thấy niềm vui, bình an và hạnh phúc trong những điều tưởng chừng đơn giản và bình thường nhất.

KẾT LUẬN

Chúng ta vừa trải nghiệm đôi nét về lối tư duy tích cực khi nhìn về bản thân, về người khác, và về vũ trụ vạn vật. Dù tư duy ở khía cạnh nào, thiết tưởng, chúng ta vẫn cần có sợi chỉ đỏ để dẫn đường. Sợi chỉ đỏ mà tôi thích là một thứ triết lý có từ xa xưa: “Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa”.

Lúc bé, tôi nghe nhiều đến triết lý này nhưng cũng không để ý cho lắm. Lớn lên, kinh nghiệm sống phong phú hơn, thì mới thấy nó hay. Hay bởi lẽ, theo dòng lịch sử, nó được dùng trong nhiều lãnh vực: từ chính trị, thương trường, cho đến văn học, triết học, nghệ thuật, phong cách sống… Nó hay bởi lẽ có liên hệ với giá trị của Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối mà bất cứ ai cũng mong chạm đến.

Xin được chia sẻ đôi điều về những cảm nhận mang tính chủ quan của tác giả bài viết.

  1. Thiên Thời

Tư duy của chúng ta nếu hợp với ý Trời, hợp với những định luật của vũ trụ vạn vật, hợp với tiếng lương tâm khuyên ta làm lành lánh dữ, thiết tưởng, sẽ là tư duy trong sáng nhất, tích cực nhất. Mỗi người là một hữu thể đặc biệt và duy nhất trong vũ trụ. Thế nên, tư duy tích cực về bản thân, về người khác, và về thế giới cũng có nghĩa là làm cho ý Trời được thể hiện cách tròn đầy trong thế giới thiên nhiên và trong chính mỗi con người.

Có người nghĩ đến thiên thời theo kiểu “nắm bắt thời cơ”, nghĩa là có người nắm bắt được, có người không. Thời cơ, hiểu như thế, dường như ở xa tầm tay của đa số. Theo tôi, từng giây phút mà chúng ta được sống, được tồn tại, được làm người, đã là một cơ hội tốt dành cho chúng ta. Sống trọn vẹn giây phút hiện tại chính là làm cho ý Trời kết nối hài hòa với lương tâm trong sáng của chúng ta. Từ đó, suy nghĩ và hành động của chúng ta chắc chắn sẽ hòa hợp với những định luật của vũ trụ vạn vật. Quả thật, suy nghĩ và hành động theo ý Trời cũng chính là hành động để gặt hái được giá trị của chữ Chân.

  1. Địa Lợi

Địa lợi không chỉ là địa dư, địa thế thuận lợi mà còn là những nét đẹp của văn hóa, phong tục vùng, miền. Chúng ta không bàn đến những hủ tục có thể có của một vài vùng, miền nào đó. Chúng ta chỉ muốn nhắm đến những giá trị mà con người của từng vùng địa lý tạo ra cho địa phương đó. Tư duy tích cực mời gọi chúng ta cộng tác, góp phần làm cho văn hóa địa phương thấm đẫm những giá trị nhân văn. Những giá trị đó lại tác động giúp cho tư duy của chúng ta mở rộng, giúp chúng ta có cái nhìn thoáng hơn, bao dung hơn, nhân hậu hơn khi cư xử với nhau.

Ý thức về nơi chốn mà mình đã sinh ra, sinh trưởng, học tập hay làm việc sẽ giúp chúng ta quý chuộng những mảnh đất, những nơi chốn ấy. Làm sao để bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện, nơi đó đều có thể trở thành một vùng “địa lợi” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ắt hẳn, ai cũng muốn sống trong một môi trường vật lý lẫn môi trường luân lý, môi trường tâm linh xanh, sạch, đẹp. Muốn thế, chúng ta hãy xắn tay áo lên và cùng tô điểm cho mọi vùng “địa dư” mà chúng ta có mặt để nó trở thành một vùng “địa lợi” thật sự. Làm như thế là chúng ta đang nhân rộng giá trị của chữ Mỹ.

  1. Nhân Hòa

Có thể nói: mọi nẻo đường tư duy đều khởi đi từ cái tâm của con người. Tư duy tích cực sẽ làm cho lòng người an bình, hòa hợp, thư thái, không cạnh tranh, không ghen tương, đố kỵ. Có cái tâm thật sự nhân hòa sẽ giúp chúng ta dễ dàng vượt qua những trở ngại và nghịch cảnh trong cuộc sống. Đó là khởi đầu để có được một cuộc sống hạnh phúc thật sự. Sống trong cảnh giàu, tiện nghi vật chất đầy đủ mà cái tâm không được yên thì khó có được hạnh phúc. Ngược lại, sống trong thanh đạm, bình dị mà tâm hồn thư thái bình an thì dễ đạt được niềm hạnh phúc. “Một mái nhà tranh, hai trái tim vàng” chắc không chỉ hiện hữu trong phim ảnh, trong văn chương trữ tình, nhưng sẽ hiện diện rộng rãi ở đời thường nếu người ta “học” và “hành” bài học về lối tư duy tích cực. Như thế, cái tâm của lòng người sẽ ngập tràn giá trị của chữ Thiện.

Tóm lại, nếu chúng ta muốn thế giới tươi đẹp, muốn xã hội thịnh vượng, muốn lòng người hướng thượng và hướng thiện, trước tiên chúng ta hãy tập thay đổi chính mình khởi đi từ những nẻo đường tư duy tích cực. Mong thay!

Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 37

Tư duy tích cực trong mọi góc nhìn

Tư duy tích cực trong Ba góc nhìn

Ngày nọ, một đàn ếch đi ngang qua khu rừng và hai chú ếch bị rơi xuống một cái hố. Thấy cái hố quá sâu, những con ếch còn lại bèn nói với hai chú ếch tội nghiệp kia rằng chúng sẽ phải chết.

Mặc kệ những lời bình luận, hai chú ếch cố hết sức nhảy ra khỏi cái hố. Đám ếch bên trên nhao nhao bảo chúng đừng phí công vô ích, hãy chấp nhận cái chết không thể tránh khỏi.

Thế là một chú ếch nghe theo lời của đàn, nó gục xuống chết vì kiệt sức và nhất là vì tuyệt vọng. Trong khi đó, chú ếch còn lại vẫn dồn hết sức lực cuối cùng tiếp tục nhảy lên. Cả đám ếch càng ầm ĩ la lên bảo nó hãy nằm yên mà chờ chết thì nó lại càng nhảy mạnh hơn nữa. Thật kỳ diệu, một cú nhảy ngoạn mục giúp nó thoát khỏi cái hố sâu.

Thấy vậy, đàn ếch xúm xít lại hỏi: “Cậu không nghe chúng tớ nói gì à?” Chúng cứ nhao nhao hỏi mãi trước sự ngạc nhiên, lúng túng của chú ếch nọ. Cuối cùng, sự thật cũng được một con ếch già trong bầy hé lộ, rằng chú ếch vừa thoát khỏi cái hố kia bị điếc, và nó cứ nghĩ là cả đàn ếch đang hò reo cổ vũ cho nó. Chính ý nghĩ đó đã tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ giúp chú ếch đáng thương níu giữ được sợi dây sự sống mong manh trong khoảnh khắc cận kề cái chết. (Sưu tầm)

Bạn nghĩ gì khi đọc câu chuyện này? Có lẽ mỗi người sẽ có những suy nghĩ và nhận xét khác nhau về câu chuyện. Chúng ta thử nghĩ đến khía cạnh tư duy trong ba góc nhìn: về bản thân, về người khác và về thế giới xem sao nhé!

  1. Bản thân

Chú ếch xấu số không bị điếc đã có suy nghĩ tiêu cực về bản thân: “Hố sâu quá, tôi nhảy hoài mà chẳng thoát ra được! Hơn nữa, mọi người đều nhất loạt nói với tôi như thế. Cuộc đời tôi chắc chắn rơi vào bế tắc không có lối thoát.” Những người có suy nghĩ tiêu cực phần nào giống với chú ếch xấu số này. Họ suy nghĩ tiêu cực về bản thân dẫn đến việc ngày càng trở nên bi quan, thiếu tự tin và đánh mất mọi nguồn lực cá nhân. Hậu quả của những suy nghĩ như thế dễ dẫn đến những thất bại.

Ngược lại, chú ếch xấu số bị điếc đã trở nên mạnh mẽ hơn, nhờ tin vào bản thân trước sự “cổ võ hết mình” của cả đàn ếch, và đã thoát chết. Tương tự như vậy, những suy nghĩ tích cực sẽ giúp chúng ta khám phá và phát huy những tiềm năng của mình, giúp chúng ta tự tin, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, và chắc chắn góp phần làm cho cuộc sống trở nên phong phú, tươi đẹp và hạnh phúc hơn.

  1. Người khác

Khởi đi từ quy luật “vàng”: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” (Lc 6,31), và quy luật “bạc”: “Điều mình không muốn người khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người khác.” (Khổng Tử), chúng ta sẽ có cái nhìn và cách hành xử mới về người khác. Đó là một cái nhìn của sự cảm thông, chia sẻ, đỡ nâng, quan tâm, quảng đại. Nói cách khác, đó là lối tư duy tích cực về người khác.

Nếu đàn ếch muốn điều tốt và biết động viên hết mình cho hai chú ếch xấu số thì có lẽ cả hai đã thoát chết chứ không phải chỉ có một. Nếu mỗi người cũng biết cư xử với người khác theo hai quy luật vừa nêu thì cuộc sống của từng người và mọi người chắc chắn sẽ trở nên tươi đẹp hơn rất nhiều.

  1. Thế giới

Từ “thế giới” ở đây muốn nhắm đến cách chúng ta nhìn sự vật, sự việc đã, đang và sẽ diễn ra quanh ta. Hãy chuyển thái độ từ tiêu cực sang tích cực. Một sự việc xảy ra không như chúng ta mong muốn thường đem lại cho chúng ta những suy nghĩ bi quan, buồn chán. Nhưng nếu chúng ta nhìn chúng theo một cách khác, chắc chắn chúng ta cũng khám phá được những điều may mắn ẩn chứa trong đó, hoặc những bài học quý giá nào đó mà chúng ta vô tình bỏ qua.

Trước tình huống một chú ếch qua đời còn một chú sống sót, các thành viên trong đàn chắc chắn sẽ có những cái nhìn khác nhau về sự việc. Nếu chỉ dừng lại ở sự thương tiếc chú ếch qua đời thì chúng chẳng học được bài học gì. Nhưng nếu mỗi thành viên trong gia đình ếch đều có cái nhìn tích cực và lạc quan, chúng sẽ kiến tạo được một tương lai tươi đẹp hơn cho cả đàn sau này.

Đấy là tóm tắt tư duy tích cực trong ba góc nhìn: về bản thân, về người khác và về thế giới. Từng góc nhìn sẽ được triển khai trong những số sau của NSTM.

TƯ DUY TÍCH CỰC TRONG ‘LINH ĐẠO DÂY HÔN ƯỚC’

Có thể áp dụng góc nhìn tư duy tích cực này vào đời sống hôn nhân gia đình, khi thực hiện ‘linh đạo dây hôn ước’.

Trong ‘Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 9: Hội Nhập – Trở Về Để Hiệp Thông Trọn Vẹn’, Ủy ban Gia Đình đặt vấn đề: Đồng hành với các gia đình đang gặp khó khăn để cuối cùng sẽ đi về đâu? Thưa: Mục đích sau cùng của việc Đồng hành là giúp phân định để rồi hội nhập hoàn toàn vào Hội thánh, hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô.

Hội nhập như thế cũng có nghĩa là sống “linh đạo dây hôn ước” (AL 315), tức là sống dây liên kết hôn phối do chính Thiên Chúa thiết lập, sống tình yêu phu thê – duy nhất và bất khả phân li (cf. Mt 19,6).

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, có vẻ như người ta không thể sống “linh đạo dây hôn ước”, không thể tái hợp với người phối ngẫu trước, khi đã li dị và “tái hôn”.

Nhưng, cho dù như thế đi nữa, thì cũng không nên nói rằng: các hoàn cảnh ấy là không thể đảo ngược. Quyết định sống trái nghịch với dây hôn phối thực ra luôn có thể đảo ngược. Khả năng đó đã hàm ẩn ngay từ đầu trong lời hứa hôn, với sự trợ giúp của Chúa Giêsu, khi đôi tân hôn nói tiếng xin vâng đến trọn đời, “bất chấp tất cả” (cf. AL 118). Chính ân sủng của bí tích Hôn Phối luôn hoạt động mạnh mẽ, giúp đỡ họ thực hiện mối kết hợp duy nhất ấy. Đây là góc nhìn vừa tích cực, vừa đích thực, đúng với ý muốn và thiết kế ngay từ thuở ban đầu của Thiên Chúa.

Những người trong hoàn cảnh “trái quy tắc” được giúp phân định và được Chúa thúc đẩy bước trên con đường hoán cải và được tái sinh như người con hoang đàng trở về hội nhập vào nhà Cha: “Anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20). Hành động người cha ôm lấy con trở về biểu thị bí tích Giao Hòa. Ngay lập tức, Cha nói: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” (Lc 12,22-24). Theo các Giáo phụ, cho “xỏ nhẫn, mặc áo đẹp” hàm nghĩa, đối với Chúa, ta vẫn còn phẩm giá của hàng con cái và của người hôn phu/hôn thê. Trở về với đời sống theo kết ước của bí tích Rửa tội và Hôn phối, người tín hữu giờ đây có thể sống một cuộc sống mới. Hành trình ấy đạt đến đỉnh điểm là tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận

  1. Đối với những Anh Chị là người Công giáo đang sống trong tình trạng “trái qui tắc”, Anh Chị có khao khát được “xưng tội, rước lễ” thực sự không? Tại sao? Anh Chị có ý thức tính quan trọng của dây hôn ước duy nhất và bất khả phân li không? Như thế nào?
  2. Anh Chị có hối tiếc hành động của quá khứ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hôn nhân, phá vỡ dây hôn ước không? Anh Chị làm gì với trách nhiệm và bác ái, đối xử thế nào với con cái và người bạn trong hoàn cảnh  hiện tại?
  3. Xin Anh Chị chia sẻ kinh nghiệm “trở về” của mình, được không? Có những tình cảnh và tâm tình như trong dụ ngôn ‘Người Con Hoang Đàng’ không?

Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 33

 

print