Thư Côlôssê
I. THÁNH THI VỀ CHÚA KITÔ (1,15-20)
Cũng như thánh thi trong thư Philipphê 2,6-11, thánh thi này là một trong những tư liệu thần học quan trọng nhất trong Tân Ước về Chúa Kitô.
Chúa Kitô được xưng tụng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, nghĩa là Người biểu tỏ Thiên Chúa nơi chính bản thân Người. Người được gọi là trưởng tử mọi loài thụ tạo vì mọi sự đều được tạo thành qua trung gian của Người. Tác giả thư Côlôssê thêm vào một vài câu để làm nổi bật tầm vóc vũ trụ của công trình tạo dựng : trên trời và dưới đất, hữu hình và vô hình, dũng lực thần thiêng và quyền năng thượng giới. Tất cả mọi sự được tạo dựng không những trong Người và qua Người mà còn cho Người. Tất cả mọi sự đều tuỳ thuộc vào Người, và chính qua quyền năng sáng tạo của Người mà toàn thể tạo thành tiếp tục đi tới. Như thế, không có gì là do may rủi cả nhưng mọi sự đều ở dưới quyền kiểm soát của Chúa Kitô. Chúa Kitô cũng là đầu của thân thể Người, tức là Hội Thánh. Đây là sự phát triển suy tư thần học của thánh Phaolô nhưng đi xa hơn. Hội Thánh được hiểu ở đây không chỉ là Hội Thánh địa phương như thánh Phaolô thường nói trong các thư khác, nhưng là Hội Thánh hoàn vũ.
Phần thứ hai của thánh thi nói về Chúa Kitô như khởi nguyên của ơn cứu độ. Người là Đấng đầu tiên kinh nghiệm sự sống phục sinh, do đó là trưởng tử trong số những người chết sống lại. Lại một lần nữa, thánh thi nhấn mạnh tính ưu việt của Chúa Kitô và tầm vóc vũ trụ của ơn cứu độ mà Người mang đến : Người đứng hàng đầu, Người làm cho mọi sự viên mãn. Sự hoà giải Chúa Kitô đem đến nhờ việc đổ máu trên thập giá cũng mang tầm vóc vũ trụ, vì sự hoà giải này được áp dụng cho mọi sự, trên trời cũng như dưới đất.
Cùng với thánh thi này, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Côlôssê hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha vì Người cho ta được chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh, giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm (1,12-13). Đồng thời ngài khuyến khích ta sống như Chúa đòi hỏi và làm đẹp lòng Chúa về mọi phương diện (1,10-11).
Là Kitô hữu, bạn có ý thức về vị trí tối thượng của Chúa Kitô? Chúa Kitô chiếm vị trí nào trong cuộc đời bạn? Bạn sống niềm tin của mình ra sao?
II. ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ ĐÍCH THỰC (1,24 – 2,3)
Theo truyền thống tông đồ, các thừa tác viên trong Hội Thánh là những người được Chúa sai đi, và họ phải rao giảng Lời Chúa cho trọn vẹn (1,25). Lời này là mầu nhiệm được mạc khải cho dân thánh, nhưng trước đây được giữ kín. Mầu nhiệm đó chính là Đức Kitô, “Đấng đang ở giữa anh em và ban cho anh em niềm hi vọng đạt tới vinh quang” (1,27). Chính Chúa Kitô là Đấng mà các thừa tác viên trong Hội Thánh phải rao giảng, với mục đích duy nhất là giúp mọi người nên hoàn thiện trong Chúa Kitô. Những lời này trong thư Côlôssê khiến chúng ta – những người muốn tham dự vào sứ mạng tông đồ – phải luôn luôn tự hỏi : khi làm việc tông đồ, có thật sự là tôi rao giảng Chúa Kitô hay chỉ rao giảng sự khôn ngoan thế gian? Mục đích của những việc tông đồ tôi làm là gì? Là giúp người khác nên hoàn thiện trong Chúa Kitô hay nhằm mục đích nào khác?
Tác giả thư Côlôssê còn nhấn mạnh một điều mà ta dễ quên: “Giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (1,24). Như thế người tông đồ tiếp tục kinh nghiệm nơi thân xác mình những khổ đau mà chính Chúa Kitô đã trải qua trước phục sinh, và đón chịu những khổ đau đó để sinh ích lợi cho Hội Thánh. Xác quyết này giúp ta khám phá giá trị tích cực của những đau khổ phải chịu trong đời sống tông đồ, và phải nói thêm rằng chỉ khi ta chấp nhận những đau khổ đó thì công việc tông đồ mới đem lại hoa trái dồi dào.
III. ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH (3,18 – 4,1)
Ngày nay, có thể không ít người trong chúng ta cảm thấy khó chấp nhận những lời khuyên trong thư Côlôssê về đời sống gia đình. Cần phải đặt lá thư này trong bối cảnh lịch sử cụ thể của nó. Bối cảnh đó là xã hội phụ hệ, trong đó người vợ phải phục tùng chồng; do đó tác giả cũng khuyên cộng đoàn làm như thế, và coi đó như bổn phận trong Chúa. Tương tự như thế, tác giả khuyên những người nô lệ phải vâng phục chủ trong mọi sự. Tuy nhiên tác giả không chỉ nói đến bổn phận phục tùng của các bà vợ mà đồng thời nhấn mạnh “người làm chồng hãy yêu thương vợ chứ đừng cay nghiệt với vợ” và “những bậc cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” Một người chồng thật sự yêu thương vợ con, tình yêu thương được thể hiện qua việc chu toàn trách nhiệm làm chồng và làm cha… chắc chắn sẽ không gây đau khổ cho vợ con và cũng đáng được vâng phục.
Thời đại ngày nay nhấn mạnh sự bình đẳng, và giáo huấn của thư Côlôssê cần được đọc trong bối cảnh mới. Sự vâng phục và tình yêu ở đây cần được nhìn từ góc độ hỗ tương: vâng phục lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau, tránh gây đau khổ và bực tức cho nhau. Hiểu như thế, giáo huấn của thư Côlôssê về đời sống gia đình vẫn luôn mang tính thời sự.