Tuổi Thọ Là Hồng Ân 

print

Tuổi Thọ Là Hồng Ân 

  1. Bước vào hạng tuổi 75 tôi đã tham dự rất nhiều lễ phong chức và mở tay của giám mục, linh mục; nhiều lễ khấn dòng; nhiều lễ kim khánh, ngân khánh của giám mục, linh mục, tu sĩ, các đôi hôn phối; nhiều lễ khánh thành Nhà thờ, Tu viện … Ngoài ra còn các lễ mừng Lục tuần, Thất tuần, Bát tuần … Nếu có xếp các thứ thiệp mời cũng phải dài hơn hai thước; còn các bài giảng, bài chúc mừng cũng phải tới hàng ngàn. Có một điều đáng chú ý là không có thiệp mời nào, bài giảng nào, hay bài chúc mừng nào mà không nói tới hồng ân Thiên Chúa, không nói tới “tất cả là hồng ân”.
  1. Tất cả là hồng ân là câu kết luận của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu sau khi nhìn lại mọi sự việc xảy đến trong cuộc đời thánh nữ. Cuộc đời ấy như sau: là một bé gái út trong gia đình chín anh chị em: hai trai (chết sớm), bảy gái thì năm vào tu trong Dòng kín – chưa đầy bốn tuổi đã mồ côi mẹ – mới lên tuổi 15 đã dám xin miễn tuổi để vào Dòng kín, đáng lẽ phải 21 tuổi, nhưng đã được nhận. Tới tuổi 23 bị ho lao thổ huyết không chữa được và mới 24 xuân xanh đã phải lìa đời. Cuộc đời thánh nữ là như thế đó, một thiếu nữ mới tuổi trăng tròn đã dám hiến thân cho Thiên Chúa để thờ phượng yêu mến Ngài và cứu rỗi các linh hồn. Người không có đức tin có thể nghĩ rằng sao Thiên Chúa tàn nhẫn thế, nhưng thánh nữ với con mắt đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa thì lại thấy “Tất cả là hồng ân”. Hồng ân nghĩa là ơn lớn. Thiên Chúa ban ơn cho làm giám mục, làm linh mục, thay mặt Thiên Chúa để phục vụ Dân Chúa, quả thật là ơn lớn. Thánh nữ Têrêxa được khấn dòng để làm tu sĩ cũng là ơn lớn, nhưng lại mắc bệnh ho lao thổ huyết và phải lìa đời đang độ xuân xanh thì ơn lớn ở chỗ nào? Nói “tất cả là hồng ân” nghĩa là nói sinh lão bệnh tử, bốn cái mà người ta vẫn coi là bốn cái khổ ở đời, thế mà đều là hồng ân cả, như vậy là hồng ân ở chỗ nào? Còn tuổi thọ nữa, ta ăn mừng lục tuần, thất tuần, bát tuần, ăn mừng thọ là ăn mừng được sống lâu, nhưng sống lâu rồi cũng đến lúc xế chiều, bệnh tật, yếu mệt, lão hóa và kết thúc bằng cái chết. Vậy hưởng thọ mà mắt mờ, tai lãng, liệt giường, chờ chết … thì tuổi thọ là hồng ân ở chỗ nào? Đây là những câu hỏi rất lý thú, nhất là cho người cao tuổi, để tìm hiểu xem tại sao lại được sống tới tuổi thọ, và được sống tới tuổi thọ để làm gì, phải chăng chỉ để chờ chết là hết. Những câu hỏi này cũng đã có những người được sống tới tuổi già suy nghĩ và tìm ra câu trả lời. Bên Á đông chúng ta có Đức Khổng Tử, chúng ta xem câu trả lời của ngài.
  1. Đức Khổng tử sinh sống bên Trung Hoa từ năm 551-479 trước Chúa Kitô. Là nhà văn, nhà triết học, nhà đạo đức học về gia đình và xã hội. Ngài đã trải qua bao nhiêu vinh nhục, thăng trầm, mãi đến khi về già, nhờ sự khôn ngoan từng trải, ngài đã có những nhận định rất đúng và rất hay về mỗi độ tuổi của đời người. Ngài đã được tặng danh hiệu là “Thầy của một vạn đời” (Vạn thế sư biểu). Ngài đã nói rằng:
  • Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học: tôi mười lăm tuổi, để chí vào việc học, quyết tâm theo đuổi sự khôn ngoan.
  • Tam thập nhi lập: ba mươi tuổi biết tự lập, đạt được sự quân bình.
  • Tứ thập nhi bất hoặc: bốn mươi tuổi chẳng còn nghi hoặc, thoát khỏi mọi lo âu.
  • Ngũ thập nhi tri thiên mệnh: năm mươi tuổi biết mệnh Trời, biết được ý Trời.
  • Lục thập nhi nhĩ thuận: sáu mươi tuổi nghe gì hiểu ngay, thuận phục ý Trời trọn vẹn.
  • Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ: bảy mươi tuổi theo ý muốn của lòng mình mà không vượt qua khuôn phép, chiều theo ý muốn của lòng mình mà vẫn ở trong giới hạn của sự thiện. (Sách Luận ngữ 2,4).

Đức Khổng Tử không bàn đến sinh lão bệnh tử, vì đối với ngài bốn cái đó đều là mệnh Trời, là ý Trời, nhưng ngài thấy khi tới tuổi 50 ngài biết được ý Trời, tới tuổi 60 ngài thuận phục ý Trời, tới tuổi 70 ngài có thể chiều theo ý muốn của lòng mình nhưng không vượt qua khuôn phép là ý Trời. Đó là đạo Tri Hành (biết và làm) mà ngài đã trải nghiệm được và muốn dạy người cao tuổi tìm biết ý Trời và thuận theo ý Trời trong mọi sự: sống, chết, thành công, thất bại … để làm cho tuổi thọ có ý nghĩa và giá trị, vì có biết mệnh Trời mới có thể trở thành hiền nhân quân tử giúp ích cho đời. Đạo Tri Hành của Đức Khổng Tử không xa với lối sống mà Chúa Kitô đã sống nêu gương và dạy cho các môn đệ Ngài, đó là luôn làm theo ý Cha trên trời, luôn vâng phục ý Thiên Chúa (x Ga 4,34; Dt 5,9). Biết sống thuận theo mệnh Trời đó là cảm nghiệm của Đức Khổng Tử, ngài chưa biết gì về Chúa Kitô, nhưng cảm nghiệm của ngài là do hồng ân Chúa ban.

  1. Tôi cũng có dịp đọc hai cuốn sách mỏng nói về tuổi già của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, phát hành nhân dịp Năm quốc tế người cao tuổi (1999), đó là cuốn “Già ơi, chào bạn” (1999), Nhà xuất bản Trẻ; và cuốn “Gió heo may đã về” (2000), Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. Đọc có ý xem người đời nghĩ gì về tuổi già. Trong cuốn “Già ơi, chào bạn” bác sĩ cho rằng già là giai đoạn tất yếu … là chuyện đương nhiên … già là điều phổ quát … già thường đi đôi với bệnh hoạn … với tiến trình lão hóa … Ông đã viết sách cho tuổi mới lớn, sách cho các bà mẹ sinh con đầu lòng; và trong sách viết cho tuổi già, ông chia sẻ cho biết những khó khăn về sinh lý, về tính dục, về tâm lý, về xã hội … khi chớm già, và góp ý cho người cao tuổi biết thích nghi, điều chỉnh, “sống chung với lũ”, để sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Trong cuốn “Gió heo may đã về” nói về tuổi chớm già còn có bài viết thêm của Trịnh Công Sơn, có đầu đề là “Áo xưa dù nhàu”. “Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” là lời trong bài hát Hạ Trắng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ có một ý nghĩ rất riêng là “Tóc trắng tóc xanh đáo cùng cũng chỉ là một màu hư vô mây nước trong trời đất mà thôi”. Vì thế nhạc sĩ viết: “Sống trong cùng thời đại, có cùng một ngôn ngữ, một phong tục tập quán, theo tôi, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ. Hãy nói rằng: tôi với em là hai kẻ đồng hành trong cuộc đời này. Sống trong cùng thời đại tôi nghĩ rằng, không có già không có trẻ”. Do đó, “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, dựng lên những ngăn cách không cần thiết giữa già và trẻ là không nhân ái, hãy xóa bỏ những ngăn cách để cuộc đời trở nên thân ái hơn. Nhạc sĩ có giấc mơ riêng của mình là: “Nếu cuộc đời này ai cũng nghĩ rằng mọi người đều là bạn của nhau chắc là cuộc sống sẽ thêm da thêm thịt đẹp đẽ biết bao nhiêu”. Nhạc sĩ có bài viết thêm không phải là thêm chuyện về tuổi già mà bác sĩ Ngọc đang bàn tới trong sách, nhưng thêm về cái cốt lõi nhất của cuộc đời, đó là “tấm lòng” của người già và người trẻ, thêm về cái tình bạn và tình liên đới mà hai thế hệ già và trẻ phải vun đắp cho nhau để cuộc đời luôn là Mùa Xuân bất tận (x, Gió heo may đã về, trang 121-122). Tình liên đới giữa các thế hệ là điều mà các tài liệu của Tòa thánh, nối tiếp sau đây có đề cập đến. Ở đây đạo và đời gặp nhau trong khát vọng làm cho thế hệ già không ngăn cách với thế hệ trẻ nhưng liên đới với nhau để tuổi già thực sự trở nên hồng ân.
  1. Trong Năm quốc tế người cao tuổi, Giáo Hội đã có hai tài liệu: một của Hội đồng giáo hoàng về giáo dân nói về “Phẩm giá và sứ mệnh của người cao tuổi trong Giáo Hội và thế giới” (1988); và tài liệu kia là “Thư của Đức Gioan Phaolô 2 gởi người cao tuổi” (1999). Cả hai tài liệu đều có nhận định chung là trước đây tuổi thọ con người rất thấp, số người cao tuổi không nhiều, và xã hội thường coi họ là hạng già yếu, bệnh tật, sống bên lề xã hội, vô dụng, chỉ chờ chết … Gần đây, nhờ các tiến bộ về y tế và khoa học giúp cho tuổi thọ được kéo dài hơn, và số người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn, cần phải dẹp bỏ thành kiến cũ, và quan tâm giúp người cao tuổi hội nhập vào xã hội, để họ trở nên những tác nhân cho công cuộc phát triển trong giáo hội cũng như trong xã hội. Vì thế, cả hai tài liệu đều muốn mọi người phải theo ánh sáng đức tin và dựa vào Sách Thánh để nhận ra rằng tuổi thọ có ý nghĩa và giá trị đặc biệt theo ý định của Thiên Chúa tình yêu, tuổi thọ là hồng ân, là sứ mệnh Thiên Chúa trao ban để người cao tuổi mưu ích cho giáo hội và xã hội. Hai tài liệu còn nối kết tuổi thọ với giai đoạn cuối cùng của đời người là tiến trình lão hóa dẫn đến cái chết, chính cái chết cũng có ý nghĩa và giá trị của nó như tuổi thọ. Nắm được ý nghĩa cũng như giá trị của tuổi thọ và cái chết, hai tài liệu của Tòa thánh đưa ra những định hướng cho vấn đề mục vụ đối với người cao tuổi.

Ngoài ra, mười năm trước đây còn có cuốn “Chỉ dẫn tổng quát về Huấn giáo” của Bộ Giáo sĩ (1997), trong phần Huấn giáo theo lứa tuổi, có đề cập đến vấn đề huấn giáo cho người cao tuổi. “Chỉ dẫn” đó coi tuổi thọ là hồng ân Thiên Chúa ban cho giáo hội và xã hội, và dạy rằng phải soạn Huấn giáo riêng cho người cao tuổi để họ hiểu biết ý nghĩa và giá trị của chặng sau chót trong cuộc lữ hành ở trần gian, để sống thời gian này cho tốt đẹp.

  1. Tóm lại, “tất cả là hồng ân”, đó là niềm tin và hi vọng của mọi Kitô hữu khi lữ hành trên trần gian. Niềm tin và hi vọng dựa vào tình yêu và quyền năng của Chúa Kitô, Đấng đã trải qua cuộc đời trần thế với sinh lão bệnh tử, với những thành công và thất bại, với vinh nhục và sướng khổ … để đạt tới cuộc sống sung mãn hạnh phúc vĩnh hằng. Tất cả là hồng ân vì Thiên Chúa có ý định như vậy cho mọi người. Được làm giáo hoàng, làm hồng y, làm giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân với những thành tích nổi tiếng cũng như những thiếu sót yếu đuối, rồi được sống tới tuổi thọ, được bước vào tiến trình lão hóa, bệnh tật, và kết thúc bằng cái chết … Tất cả là hồng ân. Tất cả nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Quan phòng có nghĩa là Ngài tạo dựng, sắp xếp mọi sự không được hoàn chỉnh ngay từ đầu nhưng hãy còn ở trong tình trạng phải biến hóa và tiến hóa dần dần cho tới mức hoàn chỉnh toàn vẹn sau cùng; do đó mà có các sự dữ, sự ác, sự xấu, cả về thể lý lẫn luân lý có thể xảy ra trong quá trình đang biến hóa đó. Thiên Chúa lại còn có thể từ những sự dữ, sự xấu, sự ác đó mà rút ra những sự tốt sự lành. Chính Thiên Chúa có thể “làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người”. (Rm 8,28). Tuổi thọ là hồng ân là như thế đó. Vậy ta sẽ dựa vào các tài liệu của giáo hội để tìm hiểu xem tuổi thọ là hồng ân ở chỗ nào, Thiên Chúa muốn cho người cao tuổi hưởng thọ để làm gì, và người cao tuổi phải sống tuổi thọ thế nào cho đúng ý Cha trên trời.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Chương 1 sách Về cõi vĩnh hằng