Vài Ghi Nhận và Dư Âm Mùa Giáng Sinh 2019

print

Vài Ghi Nhận và Dư Âm Mùa Giáng Sinh 2019

vô hạ

  1. Theo đạo Thiên Chúa, Lễ Chúa Giáng Sinh là thời điểm người Kitô giáo dành riêng để mừng kính mầu nhiệm Ngôi Thứ Hai Thiên Chúa giáng trần làm người, mở đầu thời gian sung mãn mới cho công cuộc cứu độ nhân loại. Ngài đã đầu thai vào một gia đình nghèo khó, có người mẹ là Maria và ông Bõ nuôi  Giuse đang sinh sống tại làng Nagiaret, miền Bắc  Do Thái.
  2. Vào Năm thứ nhất công nguyên (thực tế, khoảng năm thứ 6 trước công nguyên vì tính lịch bị trục trặc) Hoàng Đế Cêsarê Augustô ra lệnh kiểm tra dân số toàn thể Đế Quốc La Mã (Roma). Xứ Do Thái lúc đó đang bị Roma cai trị nên dân chúng phải vâng nghe lệnh của nhà vua.  Do đó hai ông bà Giuse và Maria phải lên đường, thường thì đi bộ hoặc ngồi lưng lừa  chừng 90 miles,  độ  150 km, về nguyên quán là làng Bêlem, cách Giêrusalem chừng 9 km phía nam.  Vì hàng quán nhà trọ quê cha đất tổ không còn chổ cho đôi vợ chồng nghèo khó, nên cả hai phải tìm ra hang đá ngoài đồng dùng là chỗ trú chân cho thú vật ban đêm.
  1. Và ngay thời điểm đó, một Hài Nhi đã được sinh ra tại hang bò lừa nầy. Và Mẹ của Em đã dùng khăn đội đầu quấn Em lại. Đặt Em vào trong chiếc máng đựng cỏ làm thức ăn cho thú vật, cùng tăng cường thêm hơi ấm nhờ vào bò lừa thở hơi. Ngay từ giây phút đầu tiên  nằm trong máng cỏ, coi như thức ăn,  Em đã là hình ảnh tiên báo cho một thứ linh dược  cũng  là  lương  thực  thần thiêng, để nuôi dưỡng linh hồn  cho những  con chiên dân thánh của Ngài từ Bữa Tiệc Ly cho tới ngày sau hết. Em bé đó đã được Đấng Thiên Thượng. Ngôi Cha đặt tên là Giêsu. Những ai được Đấng Trên Cao đặt tên  trong Thánh Kinh Kitô giáo, đều được trao cho những sứ mệnh đặc biệt.
  1. Em bé đó đã lớn lên và đã dạy nhiều điều tốt đẹp và chân thật với mục đích kiện toàn đạo Do Thái được mạc khải cho những bậc cha ông xuyên suốt qua 2000 năm trước, mở màng một tôn giáo phổ quát cho mọi người dương thế và Ngài đã trở thành Vị Giáo Chủ cao siêu của một mối đạo  lớn mạnh từ đó tới  nay 2019,  với hơn 1700 triệu tín đồ tin Ngài trên khắp thế giới trong mọi hệ phái Kitô Giáo.
  1. Thông tin trên Mạng Wikipedia viết rằng, người Kitô Giáo bắt đầu mừng lễ Chúa Giáng Sinh đầu tiên ngày 25 tháng 12 năm 336 thời Constantin là Hoàng Đế Roma đầu tiên,  cho Kitô Giáo tự do hành đạo từ năm 312. Dân Roma trước đó có văn hóa thờ thần Mặt Trời vào ngày nầy, vì ngày đó trái đất chuyển trục khiến ngày bắt đầu dài hơn đêm.  Hoàng Đế Constantine thay ngày Thờ Thần Mặt Trời bằng Lễ Chúa Giáng Sinh vì muốn tôn xưng Chúa Giêsu mới chính là Mặt Trời chân thực. Nhưng cũng có nguồn sách sử khác cho rằng Giáo Hoàng Libêrô ký sắc  lệnh chính thức Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh ngày 25 tháng 12 năm 354.
  1. Vào thời điểm Lễ Chúa Giáng Sinh hàng năm, mọi người Kitô giáo hoặc không, đa số coi như là dịp tốt để tụ họp gia đình và bạn bè ăn mừng, nhất là trẻ con, trao đổi và nhận những món quà thân thương trân quý cho nhau.
  1. Theo thông lệ xã giao, ngay từ đầu tháng 12 hằng năm, người người, nhà nhà thường gởi cho nhau những cánh thiệp  Giáng Sinh cầu chúc An  Bình ngày Lễ Chúa Giáng Trần cùng  thịnh vượng trong năm mới  Dương Lịch. Món quà    Bình An  đó có nguồn gốc từ trong  Thánh Kinh Kitô giáo, do Thiên Thần tung hô Ngôi hai Giáng Trần tại Hang Đá Bê Lem : Vinh Danh Thiên Chúa Trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện Tâm ( Sách Phúc Âm Luca 2: 1-14).
  1. Quỳ hoặc đứng bên hang đá hôm nay, chiêm ngưỡng hình tượng Chúa Hài Đồng, mình tưởng tượng một đêm xưa nào đó, Em Bé Giêsu đã giáng trần thật sự, làm ra cột mốc của lịch sử trái đất. Chia lịch sử nhân loại ra làm hai, phía trước và sau năm Giáng Sinh của Ngài: BC và AD. Dù cho trên thế giới xưa nay, có nhiều thế lực âm u nào đó, muốn hạ thấp hoặc phế bỏ biến cố Giáng Sinh của Ngài. Nhưng hãy xem, mỗi ngày  những con người đó, vẫn phải đang chấp nhận có Ngài, mỗi  khi  họ đếm ngày giờ năm tháng, nhất là những lúc trông chờ thời điểm lảnh lương, vô tiền.
  1. Khi ra truyền đạo, Ngài Giêsu đã cho con người biết Ngài có  Cha Trời. Và các nhà chú giải Thánh Kinh dạy rằng Ngài được sinh ra không phải bình thường như vạn vật qua phương cách noãn sinh, hoá sinh hay  thai sinh, mà là thần thánh sinh.  Nên Ngài quyền năng như Cha của Ngài. Y như ngọn lửa của  ngọn nến mẹ chuyển qua ngọn nến con. Hai ngọn lửa cùng uy lực như nhau. Đây chỉ là hình ảnh đơn sơ,  giúp con người hạn hẹp, thấu hiểu chút ít lý lẽ nhiệm mầu về Chúa Cha và Chúa Con.   Nhưng khi giáng trần qua cách thế thai sinh,  Ngài từ hàng thần thánh, đã tự hạ  làm người nghèo khó, để nâng nhân loại chúng con lên hàng giàu có của bậc thần  thánh và cho chúng con thông phần vào Chúa tánh qua  hình ảnh của Ngài (Sách Khởi Nguyên 1: 27)  để chúng con biết yêu thương nhau như Ngài đã dạy   trong Phúc Âm Gioan  13:34.
  1. Hôm nay Lễ Chúa Giáng Sinh trở về, làm minh nhớ lại nhiều kỷ niệm khó quên. Một trong những kỷ niệm đó là đoạn kinh suy gẫm khi “lần hột” (lần chuỗi) mà hôm nay giới trẻ không mấy có dịp mở sách Mục Lục cũ ra. Mầu Nhiệm Năm Sự Vui, thứ ba thì gẫm: “Khi Đức Chúa Giêsu Giáng Sinh nằm trong máng cỏ, vấn bức khăn đơn, chịu mọi sự giá rét khốn cực cơ hàn. Chúa dựng nên trời đất muôn vật, rất sang trọng, phú quới, hiển vang, đã trở nên người khó khăn mọi bề vì lòng yêu dấu chúng ta. Có lẽ nào chúng ta chẳng kính mến Người, lại chẳng  học nhơn đức khó khăn cùng Người mà chê bỏ mọi sự thế gian…”
  1. Trong thực hành, để có món quà mọn dâng lên Chúa Hài Đồng năm nay, mình chỉ dám xin ráng chê bỏ chút sự thế gian mà thôi. Chút sự đó, do ông bà cha mẹ xưa nay răn dạy và Cố Linh Mục Giáo Sư Việt Triết An Vi/An Việt Lương Kim Định (1915 – 1997) đã nhiều lần nhắn nhủ sinh viên học trò của Ngài  là “tam cần bất túc”: dịch từng chữ là  ba, điều cần thiết, không, đủ. Phải  hiểu là không xa hoa dư thừa. Chỉ ăn vừa đủ để sống, không phải sống để ăn. Ở thì vừa túi tiền, không vay mượn khoe khoang sống trong biệt phủ, dễ tạo phần ăn của sư tử cho ngân hàng.  Mặc thì sao vừa đủ  ấm và đủ che thân.  Kế đó là đọc lại kinh Phước Thật Tám Mối  trong Phúc Âm của Thánh Matthêu đoạn 3, câu 3-12, rồi luyện lại kinh thương người có 14 mối (thương linh hồn 7 mối, thương xác bảy mối). Cuối cùng là oán chiếu chính mình coi cái nào dễ nhất, cụ thể nhất trong tầm tay, mần trước. Làm được bao nhiêu, quý bấy nhiêu.
  1. Giáng sinh là Lễ vui mừng  tràn đầy  ánh sáng và âm thanh. Hàng nhiều tỉ ngọn đèn mừng Chúa Giáng sinh lấp lánh cả mùa Giáng Sinh trên khắp thế giới, hoà điệu cùng hàng ngàn bản nhạc du dương trầm bỏng đi  vào lòng người. Những bản nhạc tình người tình đời vào mùa Giáng Sinh, hoà chung thánh nhạc nhà thờ, làm thành những nguồn vui an lành thánh thiện lâng lâng vô tận thâm sâu  vào  tận cung lòng con người hàng bao thế hệ.  Đặc biệt hai Bài Thánh ca Lễ Giáng Sinh không thể thiếu trong đêm thánh vô cùng nầy. Bên trời Tây có bài Holy Night từ 1834, đã được Nhạc Sĩ Hùng Lân chuyển thành “Đêm Thánh Vô Cùng. Giây Phút tưng bừng …” Bên trời Đông của Việt nam ta vang lừng là bài “Hang Bêlem” của Nhạc Sư Phanxicô  Hải Linh tên thật Trần Văn Trị (1920-1988) sáng tác tại Nam Định 1945 lúc 25 tuổi. Trong những giờ phút uy linh nầy, ta cố lắng đọng tâm hồn, cùng đưa tâm tình vào bài hát, cùng nhau cầu nguyện và  hát Thiên Chúa Ngôi Hai:

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời

Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa

Trông hang Bê-lem ánh sáng tỏa lang tưng bừng

Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng

 

(ĐK) Đàn hát réo rắt tiếng hát xướng ca dư âm vang xa

Đây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta

Người hỡi hãy kịp bước tới đến xem nơi hang Bê-lem

Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn

 

Ngày nay Thiên Chúa giáng sinh ra chốn gian trần

Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than

Nơi hang Bê-lem chiên lừa thở hơi

Tan giá đêm đông ấm thân con người

 

  1. Cuối tuần nầy cũng còn trong mùa Giáng Sinh Kitô Giáo. Đặc biệt Chúa Nhật 29 tháng 12, 2019 Giáo Hội Công Giáo dành ra để  vinh danh Thánh Thất hay Thánh Gia tức là Gia Đình gương mẫu của Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Nơi đó mỗi vị đều chu toàn bổn phận làm cha, làm mẹ, làm con trong tình yêu thương chan chứa cho nhau. Đó là chính mẩu gương rất cần thiết cho mỗi gia đình con người trong thời đại nầy. Xin giúp chúng con ít nhiều biết đi theo con đường tốt lành của của Thánh Gia

Lời cuối.  Xin cầu chúc mọi người dương thế BÌNH AN xác hồn, thánh đức trong mùa Chúa Giáng Sinh 2019 nầy và may lành an vui thật sự trong năm mới 2020.