Văn Hoá Ứng Xử  Bài 36-40

print

Văn Hoá Ứng Xử  Bài 36-40

BÀI 36.

BÀI  37.

BÀI 38

BÀI 39.

BÀI 40.

BÀI 36

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – KHÔN NGOAN NÓI ÍT NGHE NHIỀU

  1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy về sự khôn ngoan thật như sau : “Nếu trong anh  em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ  để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan của đời này  là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như  có lời chép rằng : Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời chép rằng : Tư tưởng kẻ  khôn ngoan,  Chúa đều biết rõ : thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.”( 1 Cr 3,18-20).
  2. CÂU CHUYỆN : LỜI KHUYÊN CỦA LÃO TỬ.

KHỔNG TỬ người nước Lỗ vào kinh đô của nhà Châu thăm Lão Tử…

Lúc từ giã ra về, Lão Tử đã nói với Khổng Tử như sau :

– Phàm kẻ sĩ đời nay, những người thông minh sâu sắc, mà hay xét nét người khác, có khi phải bị thiệt mạng, vì thói hay chê bai, ưa nghị luận về cái tâm của người ta; những kẻ hay biện bác xa xôi thường hay phải chịu đau khổ, là do thói hay bươi móc cái xấu cái dở của người ta ra.

Khổng Tử cúi đầu thưa : “Vâng. Tôi xin nghe lời dạy bảo của tiên sinh”.

Lão Tử nói tiếp :

– Tôi nghe rằng : Nhà buôn giỏi, sở hữu nhiều của quý thì phải làm như người nghèo không có của gì. Người quân tử thanh đức, cần làm như người ngu muội không hiểu biết gì mới có thể tồn tại lâu dài.

  1. SUY NIỆM :

Quả vậy. Đây là một bài học về cách xử thế rất thâm sâu : Có của quý mà khoe ra là gián tiếp mời cái hại mau đến với mình. Có tài mà khoe ra là đã rước họa vào thân... Của quý, tài giỏi hay sắc đẹp… đều là những điều mà ai cũng muốn có. Muốn mà không được thì sinh ra ganh tị. Ganh tị thì tìm cách làm hại kẻ sở hữu để thoả lòng đố kỵ… Đó là lẽ thường tình ở đời vậy.

  1. SINH HOẠT : Bạn đánh giá thế nào về lời nói của Lão Tử nói trên ? Trong cuộc sống bạn có nên khoe của cải, tài năng và sự khôn ngoan trước mặt người khác không ? Tại sao ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết khiêm tốn khi giao tiếp xã hội. Cho chúng con tránh “nổ” khi huênh hoang về thành tích của mình để tìm tiếng khen và thoả mãn tính tự cao muốn tỏ ra mình trổi vượt kẻ khác. Xin cho chúng con biết Nói ít làm nhiều”, luôn cố gắng làm tốt việc phục vụ tha nhân. Rồi hữu xạ tự nhiên hương ! công việc chúng con làm sớm muộn cũng được nhiều người nhận biết và ca tung Chúa Cha như lời Chúa dạy : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Mt 5,16).- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

  

BÀI  37

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – TRÁNH NÓI HÀNH NÓI XẤU THA NHÂN

  1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Có thì phải nói CÓ, KHÔNG thì phải nói KHÔNG. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).
  2. CÂU CHUYỆN : BA BƯỚC SÀNG LỌC CỦA SÔ-CỜ-RÁT.

Thời Hi lạp cổ đại, triết gia SÔ-CỜ-RÁT  (Socrates) là một người nổi tiếng về sự thông thái khôn ngoan và được nhiều người ngưỡng mộ. Một hôm có một người quen đến thì thầm vào tai ông rằng : “Ông có biết chuyện gì mới xảy ra cho ông bạn thân của ông hay không ?”. Sô-cờ-rát liền nói : “Khoan đã. Trước khi nghe ông kể câu chuyện đó, tôi muốn ông cùng với tôi xem xét ba bước sàng lọc về câu chuyện đó đã”. Người kia hỏi lại : “Xem xét để sàng lọc ư ?”. Sô-cờ-rát đáp : “Đúng vậy.

Bước sàng lọc thứ nhất là XÉT VỀ SỰ THẬT : Ông có cam đoan với tôi rằng những gì ông sắp nói ra về ông bạn thân của tôi hoàn toàn chính xác hay không ?”. Người kia trả lời : “Không chắc lắm. Thật ra tôi chỉ được nghe người khác thuật lại mà thôi”.

Sô-cờ-rát liền nói : “Được rồi. Bây giờ qua bước sàng lọc thứ hai là XÉT VỀ THIỆN ÝĐiều ông sắp nói ra với tôi có phải là điều tốt đáng biểu dương không ?”. Người kia trả lời : “Không phải điều tốt, mà còn ngược lại !”. Sô-cờ-rát tiếp tục : “Như vậy là ông đang định nói một điều không tốt về người bạn thân của tôi. Nhưng ông lại không chắc điều đó có phải là sự thật hay không.

Bây giờ đến bước sàng lọc cuối cùng là XÉT VỀ ÍCH LỢI : Câu chuyện ông sắp nói với tôi có mang lại lợi ích gì cho tôi không?” Người kia đáp : “Không. Thực sự là không !”. Bấy giờ Sô-cờ-rát mới ôn tồn kết luận như sau : “Vậy thì những điều ông muốn nói với tôi không hoàn toàn là sự thật, không phải là điều tốt đáng biểu dương, và cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho tôi. Thế thì tại sao ông lại muốn nói điều đó ra với tôi ?”.

Triết gia SOCRATES (470 – 399 TCN)

  1. SUY NIỆM :

1) Câu chuyện trên cho thấy: Trong cuộc sống thường ngày không nên nói hành nói xấu tha nhân. Lý do cấm nói hành có thể được tóm lại như sau:

– Một là: một hành vi bất công. Bất công vì lên án một người mà không cho họ được quyền bào chữa.

– Hai là: một hành vi lỗi bác ái. Lỗi bác ái vì làm mất đòan kết nội bộ. Hơn nữa, động cơ nói xấu thường do thói ích kỷ hẹp hòi, đố kỵ ganh ghét, khi thấy người kia trổi vượt hơn mình hay đã xúc phạm tự ái của mình.

– Ba là: có thể còn là một hành vi tội ác, nếu nó gây thiệt hại nghiêm trọng cho danh dự và làm mất uy tín của người bị nói xấu.

2) Đức Khổng Tử đã dạy : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn thì đừng làm cho người). Còn Chúa Giê-su thì dạy các môn đệ : “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Ngòai ra Người cũng dạy chúng ta tôn trọng sự thật : “Có thì phải nói CÓ, KHÔNG thì phải nói KHÔNG. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).

3) Tuy nhiên có người lại đặt vấn đề: Nếu biết một người làm điều xấu mà giữ im lặng tức là đã đồng lõa và làm cho kẻ đó ngày một lún sâu vào tội ác. Vậy trong trường hợp đó, ta nên làm gì để vừa giữ được đức bác ái, lại vừa tỏ thái độ quyết tâm không bao che tội ác ?

Câu trả lời đã được Tin Mừng Mát-thêu ghi lại như sau : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngọai hay một người thu thuế” (Mt 18,15-17).

  1. SINH HOẠT :

Tại sao ta không được nói ra điều xấu có thật của kẻ vắng mặt mà mình không ưa ? Tội nói hành khác với tội vu khống thế nào? Khi nào tội vu khống trở thành một trọng tội ?

  1. 5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp con tránh thói ưa nói hành nói xấu tha nhân, nhất là nói xấu nhằm hạ uy tín của người hơn con, do lòng đố kỵ ganh ghét thôi thúc. Cho con biết sống theo Chúa là Đấng “Hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, để sẵn sàng khen ngợi người khác, không nói xấu những ai hơn mình, hầu xứng đáng nên con thảo đẹp lòng Chúa Cha như Chúa khi xưa sau khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan đã được Chúa Cha xác nhận : “Đây là con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 38

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – LỜI ĐỒN : NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHĂC PHỤC

  1. LỜI CHÚA : Chúa phán : ”Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình,thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
  2. CÂU CHUYỆN : TỪ TỌC MẠCH ĐẾN “TÁM” CHUYỆN.

– Một đêm kia, một người đàn bà nghe tiếng đối đáp giữa hai vợ chồng nhà hàng xóm liền chú ý lắng nghe, nhưng cũng chỉ nghe câu được câu chăng. Sáng hôm sau, bà lại thấy ông chủ nhà hàng xóm ấy đánh xe ngựa ra khỏi nhà thật sớm, và cả tháng sau vẫn không thấy về. Bà muốn qua nhà thăm hỏi bà vợ, nhưng lại không dám vì sợ mang tiếng là kẻ lắm điều, ưa tọc mạch vào chuyện riêng nhà người khác. Một hôm, nhân họp mặt với mấy bà bạn, bà đã kể cho họ những điều “tai nghe mắt thấy” bên nhà hàng xóm, và còn nhận định : vì cãi nhau nên ông chồng đã tức giận bỏ nhà đi luôn. Sau đó câu chuyện một đồn ra mười, mười đồn thành trăm, và chẳng bao lâu sau thì cả thị trấn nhỏ đều biết chuyện đôi vợ chồng nhà đó đã cãi nhau suốt đêm và ông chồng ngay từ sáng sớm đã giận dữ bỏ nhà để đi theo bồ nhí.

– Khi nghe những lời đồn đãi bị thêu dệt như thế, bà cảm thấy áy náy lương tâm. Nhất là từ khi biết ông kia đi làm ăn xa và sắp về nhà đón vợ con đến nơi ở mới. Sau cùng bà quyết định đi xưng tội. Sau khi phân tích cho bà thấy tác hại của những lời đồn đại, cha giải tội đòi bà phải đi thanh minh những điều đã nói hôm trước. Bà vâng lời cha : gọi điện thọai nói lại sự thật với từng người trong nhóm bạn kia. Sau đó bà vui vẻ đến cho cha biết công việc mình đã làm. Nhưng thay vì khen, vị linh mục lại im lặng. Bấy giờ bà hỏi : “Sao vậy cha ? Con đã vâng lời làm theo lời cha dạy rồi mà”. Vị linh mục liền trả lời : “Tôi biết. Nhưng tội của bà vẫn còn đó !”. Rồi để chứng minh tác hại của những lời đồn đại, cha bảo bà đi chợ mua một con gà mang về nhà làm thịt, nhưng trên đường từ chợ về nhà, bà sẽ mang theo cái kéo. Cứ đi được mươi bước bà sẽ dùng kéo cắt một đám lông gà, rồi thả đám lông đó xuống bên đường. Hôm sau khi bà trở lại, cha lại đòi bà phải đi thu gom lại tất cả số lông gà hôm trước đã thả dọc đường. Dù đã vất vả mất cả buổi sáng kiếm tìm, nhưng bà cũng chỉ mang về được ba sợi lông vũ. Bấy giờ vị linh mục mới nói : “Bà thấy đó : Những lời đồn đại của ta về người khác vốn không có thực, nên nhẹ nhàng giống như những sợi lông tơ, khi đã thả ra, nó sẽ bị gió cuốn bay đi khắp nơi, và ta sẽ không bao giờ có thể thu gom lại đầy đủ được”.

  1. SUY NIỆM :

– Qua câu chuyện trên, có lẽ mọi người chúng ta đều ý thức được tác hại của dư luận. Lúc đầu có thể chỉ là một câu chuyện được kể cho vui. Nhưng khi được truyền từ miệng người này sang tai người khác, nó sẽ dần bị biến tướng theo hướng xấu.

– Tuy nhiên, có người lại nói : những người sống gần nhau phải biết quan tâm đến nhau. Nếu chủ trương “Đèn nhà ai, nhà ấy rạng !”… thì chẳng phải là thái độ ích kỷ, khép kín, vô tâm và vô tình lắm sao ?”

– Để trả lời cho vấn nạn này, chúng ta cần làm theo lời Đức Khổng Tử : “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn, đừng làm cho người), và lời dạy của Chúa Giê-su : ”Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12a). Như thế chúng ta sẽ vừa sống chan hòa yêu thương, lại vừa không bị mang tiếng là kẻ tò mò, ưa tọc mạch “tám” vào chuyện riêng của người khác.

  1. SINH HOẠT :

Khi nghe một lời đồn đại, bạn nên phản ứng thế nào ? Tỏ vẻ khó chịu và không tiếp tục nghe, hay cứ nghe rồi đặt vấn đề với người nói để phân tích về tính xác thực của câu chuyện ? Tại sao bạn làm như vậy ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh thái độ tọc mạch, khi thích nghe những lời đồn đại không xác thực làm mất danh dự của người khác. Cho chúng con tránh nói thêm bớt những điều bất lợi cho tha nhân, hầu giữ được sự công minh chính trực, xứng đáng là con yêu của Chúa Cha, theo lời Chúa dạy : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.”- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 Hãy Sống Lương Thiện: Điều Mình Không Muốn Thì Đừng Làm Cho Người Khác

 

BÀI 39

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA SỰ ĐÙA DAI

  1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê dạy : “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (Gc 3,2b).
  2. CÂU CHUYỆN : TÁC HẠI CỦA ĐÙA GIỠN QUÁ TRỚN.

Cách đây ít hôm, chương trình VCTV 2 có phát đi một cuốn phim với tựa đề : “Hậu quả tai hại của một lời nói đùa”. Chuyện phim đề cập tới một cô gái làm nhân viên kế toán của một công ty tư nhân tại một thị trấn nhỏ. Trong công ty có nhiều nhân viên, đặc biệt là 4 chàng trai độc thân vui tính, hay họp nhau ăn nhậu và trêu chọc các cô gái trẻ đẹp trong công ty.

Một hôm đang ngồi uống bia ở một quán nước đầu đường thì bốn chàng đã gặp một cô nàng xinh xắn, tay mang theo túi hành lý đến hỏi thăm lối vào công ty. Cô cho biết cô là sinh viên mới ra trường, đã nộp đơn xin việc tại tổng công ty và đã được nhận giấy bố trí làm việc tại công ty con, nằm trong thị trấn nhỏ này. Từ hôm có cô nhân viên mới, các chàng thanh niên độc thân tỏ ra năng động hẳn lên. Bốn chàng mỗi người một tài riêng như : ca hát, đàn địch, làm thơ, vẽ vời và đều muốn trổ tài, mong được người đẹp để mắt đến. Có điều cô gái này lại chẳng mảy may quan tâm và có lần đã thẳng thắn từ chối tình cảm của cả bốn chàng dành cho mình với lý do : Cô không cảm thấy rung động con tim khi gặp gỡ các chàng. Cô chỉ mong coi cả bốn người như anh trai, vì cô đã có người yêu hiện đang du học nước ngoài, đã tốt nghiệp và sắp trở về nước làm việc.

Không được người đẹp đáp lại tình yêu, các chàng trai cảm thấy bị chạm tự ái liền bàn nhau chơi cho cô nàng một vố để hết thói kênh kiệu. Một anh được phân công đến bệnh viện gần đó mua một sổ khám bệnh có tên cô nàng, rồi giả chữ ký của bác sĩ viết toa khám bệnh, trong đó kê các loại thuốc chữa chứng vô sinh phụ nữ.

Một hôm mấy cô cùng phòng với cô nhân viên mới tình cờ đọc được sổ khám bệnh và khám phá ra căn bệnh bí mật của cô gái trẻ. Tin cô bị mắc chứng vô sinh chẳng mấy lúc đã được đồn thổi trong công ty và còn lan cả ra ngoài thị trấn. Mỗi khi cô xuất hiện, mọi người đều rỉ tai nhau về chứng vô sinh của cô và nhìn cô với ánh mắt diễu cợt pha chút thương hại. Trước thái độ khác lạ của mọi người, cô gái cảm thấy có điều chi không ổn nên để tâm tìm hiểu. Rồi sau khi biết rõ đang có dư luận không hay về mình, cô lập tức gọi điện cho bạn trai mới về nước đến thăm, nhằm đánh tan dư luận kia. Có điều anh bạn trai của cô gái khi đến thị trấn lại tình cờ gặp bốn chàng trai tại quán nước gần công ty và khi nghe họ cho biết về căn bệnh vô sinh của người yêu, anh ta liền bỏ đi luôn mà không gặp mặt cô.

Quá thất vọng, cô gái đã đi đến một quyết định rồ dại là sẽ chứng minh cho mọi người thấy khả năng sinh đẻ của mình. Cô làm đơn xin công ty cho đi nghỉ phép 3 tháng và khi trở lại làm việc thì cô đã mang bầu được gần ba tháng. Sau đó cô cố tình xuất hiện trước mọi người trong công ty như một bà bầu. Lúc đầu người ta nghĩ cô chỉ giả bộ. Nhưng khi cái thai trong bụng cô ngày một lớn thì mọi người mới ngớ ra là mình đã bị mắc lừa và đã cảm thông với hoàn cảnh đáng thương của cô. Bốn tháng sau, một hôm cô bị té ngã cầu thang phải vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chỉ có thể cứu sống được đứa con trong bụng cô mà thôi.

  1. SUY NIỆM :

Trước cái chết đau thương của cô gái, bốn chàng trai rất hối hận về trò đùa dai của mình, đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, dẫn đến cái chết đau thương của cô gái trẻ đẹp. Anh chàng có tình cảm nhất với cô gái đã nhận đứa con mồ côi làm con mình. Từ ngày đó, anh thường có phản ứng quyết liệt mỗi khi nghe những câu tán tỉnh trêu chọc của bạn bè trong công ty. Vì những lời nói đó rất có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, như trường hợp của cô gái mà anh là một trong bốn thủ phạm.

  1. SINH HOẠT :

Trong cuộc sống hằng ngày tuy nên có những lời nói bông đùa để tạo bầu khí vui vẻ trẻ trung, nhưng chúng ta cần tránh những loại nói đùa nào ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh những kiểu nói đùa gây hậu quả nghiêm trọng. Cho chúng con tránh vui đùa trên nỗi đau của người khác. Cho chúng con tránh nói thêm bớt những điều bất lợi cho tha nhân, hầu giữ được đức công minh chính trực, tránh làm hại tha nhân, hầu xứng đáng là con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha như Chúa xưa.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 40

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – NÊN LÀM TRẠNG SƯ HAY CÔNG TỐ VIÊN ?

  1. LỜI CHÚA : “Anh em đừng xét đóan để khỏi bị Thiên Chúa xét đóan. Vì anh em xét đóan thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đóan như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,1-2).
  2. CÂU CHUYỆN : VỊ ẨN SĨ TÔN TRỌNG THA NHÂN.

Trong sách truyện các thánh tu hành có thuật lại một câu chuyện xảy ra trong cuộc đời của ẩn sĩ MA-CA-RI-Ô, người đã qua đời năm 300 ở Ai Cập.

Ma-ca-ri-ô là một tu sĩ sống ẩn dật 30 năm trong căn phòng của mình. Suốt thời gian đó, một vị linh mục hằng ngày vẫn đến cử hành thánh lễ trong phòng cho thầy Ma-ca-ri-ô tham dự. Ngày nọ, để cám dỗ quấy rầy nhà tu hành này, ma quỉ đã xúi một người quen đến tố cáo với thầy Ma-ca-ri-ô về vị linh mục kia như sau :

– Ông linh mục đến làm lễ mỗi ngày cho thầy chỉ là một kẻ tội lỗi. Nên thầy không nên để cho ông ta tiếp tục đến đây dâng lễ nữa.

Ẩn sĩ Ma-ca-ri-ô đáp :

– Hỡi bạn, Kinh Thánh dạy rằng : “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán”. Nếu cha ấy thực sự tội lỗi, thì chỉ Chúa mới có quyền xét đoán và sẽ tha thứ tội cho cha ấy. Còn tôi là ai mà dám xét đoán anh em ? Hơn nữa tôi thấy mình còn tội lỗi hơn tất cả mọi người thì làm sao tôi dám kết tội kẻ khác được ?

Sau khi nói xong, vị ẩn sĩ đã cầu xin Chúa giải thoát cho kẻ tố cáo kia khỏi bị quỉ cám dỗ nữa.

Hôm sau khi vị linh mục trở lại dâng lễ, cha ấy vẫn được thầy Ma-ca-ri-ô ân cần tiếp đón như mọi khi. Và Thiên Chúa đã khích lệ thầy bằng một thị kiến như sau :

khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép, thì một thiên thần từ trời xuống đặt tay trên đầu chủ tế và biến ngài thành một cây đuốc cháy sáng trước Mình Thánh Chúa mới hiện diện trên bàn thờ. Rồi ẩn sĩ Ma-ca-ri-ô nghe thấy có tiếng phán như sau :

“Hỡi con người. Ngươi đừng ngạc nhiên khi thấy điều này. Vì nếu vua chúa trần gian mà còn không cho phép thần dân xuất hiện trước mặt mình với y phục nhơ bẩn, thì Thiên Chúa toàn năng sao lại có thể chấp nhận một linh mục cử hành mầu nhiệm thánh xuất hiện như một tội nhân trước vinh quang của Ngài ? Ngươi được chứng kiến sự kiện lạ lùng này chính là do ngươi đã không kết án vị linh mục dâng lễ kia”.

  1. SUY NIỆM :

Quả thực, một trong những tội người ta dễ sai phạm nhất chính là tội hay xét đoán ý trái, dễ kết án oan sai cho người khác. Lý do một phần vì chúng ta không biết hết những động lực nào đã thôi thúc hành động của người khác. Phần khác vì sự xét đoán của chúng ta thường bị tình cảm yêu ghét và thành kiến chi phối nên dễ đi đến kết án oan sai cho những kẻ mình không ưa, như người ta thường nói : “Yêu nhau trái ấu cũng tròn. Ghét nhau quả bồ hòn cũng méo !”

Do đó, để tránh kết án oan sai cho tha nhân, chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của người đó, cần trở thành trạng sư bào chữa để tìm hiểu nguyên nhân và động cơ dẫn đến hành động sai trái. Nhờ đó ta sẽ dễ dàng cảm thông với lỗi lầm của họ.

Đàng khác, Đức Giê-su cũng dạy chúng ta phải tránh xét đoán như sau : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đóan thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đóan như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng cái đấu ấy” (Mt 7,1-2).

  1. SINH HOẠT : Bạn nghĩ thế nào về câu trả lời của ẩn sĩ Ma-ca-ri-ô trong câu chuyện trên để bênh vực vị linh mục bị tố cáo là kẻ tội lỗi ? Tại sao ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Nhiều lần chúng con đã nghe những lời tố cáo về các sai lỗi của tha nhân là anh em trong cùng cộng đoàn với chúng con. Xin cho chúng con tránh làm công tố viên kết án anh em khi chưa điều tra hiểu rõ đầu đuôi sự việc. Cho chúng con trở thành trạng sư để bào chữa lỗi lầm cho anh em, hầu chúng con trở nên môn đệ thực sự của Chúa.– AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM