Văn Hoá Ứng Xử  Bài 71-75

print

Văn Hoá Ứng Xử  Bài 71-75

BÀI 71.

BÀI 72.

BÀI 73.

BÀI 74.

BÀI 75.

 

BÀI 71

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH – NÓNG GIẬN DỄ HÀNH XỬ OAN SAI

  1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê dạy: “Mau nghe, chậm nói, khoan giận” (Gc 1,19).
  2. CÂU CHUYỆN : CHÚ CHÓ TRUNG THÀNH BỊ CHẾT OAN.

 

– Năm đó tại ALASKA Hoa Kỳ, có một đôi vợ chồng sống chung với nhau trong một căn nhà ở bìa rừng. Sau một thời gian, chị vợ mang bầu và đã từ giã cuộc đời khi sinh con, để lại cho chồng một bé trai kháu khỉnh. Từ khi vợ chết, anh chồng chịu vất vả với cảnh gà trống nuôi con: hằng ngày anh phải đìu đứa con phía sau lưng đi vào rừng sâu cưa cây, rồi chở đến nhà máy xén gỗ bán lấy tiền nuôi con. Một ngày kia anh đã gặp được một con chó hoang bị thương nằm thoi thóp bên đường, anh liền mang về nhà săn sóc và huấn luyện nó trở thành chó nhà giúp đỡ công việc cho anh. Đây là giống chó bẹc-dê rất thông minh và mạnh khỏe. Nó luôn ngoan ngoãn đi theo chủ vào rừng và giúp chủ chăm sóc đứa con khi anh đang làm việc.

– Ngày nọ, anh chủ nhà có việc phải ra khỏi nhà không tiện mang theo con nhỏ. Trước khi đi, anh đã dặn dò con chó phải ở nhà thay anh trông coi đứa bé. Lẽ ra công việc chỉ cần sáng đi tối về, nhưng hôm đó trời bị bão tuyết, nên anh đành nán ở lại đến trưa hôm sau mới về nhà. Đến nhà, anh hơi chột dạ khi thấy cổng ngòai căn nhà đã bị mở toang và con chó của anh từ trong nhà khập khiễng chạy ra vẫy đuôi chào chủ. Thấy miệng con chó còn dính đầy máu tươi, anh liền chạy vào trong nhà quan sát, thì nhìn thấy một quang cảnh tan hoang: Đồ đạc lộn xộn, chỗ nào cũng có vết máu đỏ, ngay cả trên giường cũng bê bết máu. Nhưng anh lại không nhìn thấy con trai đâu. Anh gọi tên con nhưng vẫn không nghe thấy tiếng trả lời.

– Nghĩ là con chó nhà của anh đã quay trở lại bản tính hoang dã trước kia nên ăn thịt con trai mình. Trong lúc nóng giận, anh liền rút súng ra nhắm bắn vào đầu con chó tội phạm. Nó chỉ kịp kêu “ẳng” lên một tiếng rồi ngã lăn ra đất giãy chết. Ngay lúc đó, anh nhìn thấy đứa con của anh đang từ dưới gầm giường bò ra và lớn tiếng gọi ba. Anh vội bồng con trên tay quan sát từ đầu đến chân. Tuy trên mình nó cũng có vết máu, nhưng dường như con anh không bị thương chỗ nào cả. Anh nhìn lại con chó, thấy trên đùi của nó bị mất một miếng thịt, và tại góc nhà gần đó là xác một con chó sói bị chết nằm giơ bốn vó lên, trên miệng chó sói vẫn còn ngậm miếng thịt của con chó nhà của anh. 

– À, thì ra con chó Bẹc-dê của anh đã anh dũng chiến đấu chống lại chó sói để cứu cậu chủ, nhưng bây giờ lại bị chủ “lấy óan đền ơn” ra tay giết hại cách oan ức. Đây là một sự ngộ nhận gây hậu quả nghiêm trọng, mà từ đó về sau mỗi lần nghĩ đến là anh đều cảm thấy nhói đau trong tim. Anh luôn tự trách đã quá nóng vội hồ đồ, khi chưa hiểu rõ thực hư, đã vội ra tay giết chết con chó trung thành đã có công bảo vệ cậu con trai của mình khỏi bị sói rừng giết hại.

  1. SUY NIỆM :

1) Nguyên nhân thường hay dẫn đến thái độ ngộ nhận hiểu lầm : Một phần là do tính nóng nảy như người ta thường nói : “Giận quá mất khôn”; phần khác cũng do thành kiến về người khác như anh chủ nhà đã nghĩ sai cho con chó, nghĩ rằng nó đã biến đổi trở về tính hoang dã trước kia. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do thái độ thiếu kiên nhẫn, nên đã vội vàng xử lý, khi chưa biết rõ thực hư, như anh chủ nhà đã vội giết hại con chó trung thành khi chưa hiểu rõ sự việc.

2) Hậu quả của thái độ ngộ nhận : Sự ngộ nhận tiến triển từ sự nghĩ không tốt cho đối phương , làm cho sự hiểu lầm càng thêm trầm trọng, đưa đến chỗ không thể ngồi lại nói chuyện phải quấy với nhau được. Ngộ nhận đối với một con vật mà đã phát sinh hậu quả nghiêm trọng như vậy, thì sự ngộ nhận giữa người với người còn gây hậu quả nghiêm trọng biết chừng nào !

  1. SINH HOẠT :

Ta cần làm gì để tránh sự ngộ nhận gây hậu quả nghiêm trọng để khỏi phải ân hận vì sự đã rồi như anh chủ nhà trong câu chuyện trên ?

  1. LỜI CẦU :

LẠY CHÚA, trong cuộc sống chung với tha nhân, chúng con thường hay hiểu sai về người khác và cũng hay bị người khác hiểu không đúng về mình. Theo chúng con nghĩ : nguyên nhân chính dẫn đến hiểu lầm là do thành kiến, do thái độ hồ đồ khi xét đóan sự việc, và hành động hấp tấp theo tính nóng nảy của mình. Xin cho chúng con quyết tâm thực hành lời Chúa trong thư thánh Gia-cô-bê hôm nay là : “Mau nghe, chậm nói và khoan  giận”. Nhờ đó, chúng con sẽ bình tĩnh suy xét thấu đáo mọi việc và hành xử khôn ngoan trước bất cứ tình huống nào xảy ra trong cuộc sống thường ngày.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 72

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH – TRỪ KHỬ THÓI XẤU HAY NÓNG GIẬN

  1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô : “Anh em nổi nóng ư ? Đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng !” (Ep 4,26-27).
  2. CÂU CHUYỆN : HẬU QUẢ TAI HAI CỦA TÍNH NÓNG NHƯ TRƯƠNG PHI.

Trong “Tam Quốc Chí diễn nghĩa”, Trương Phi là một trong ba anh em kết nghĩa Vườn Đào, trong đó Lưu Bị là anh cả rồi đến anh hai Quan Vũ và Trương Phi là em thứ ba. Tính tình Trương Phi nóng như lửa, thường không kiềm chế được mình, nhất là mỗi khi say rượu. Lưu Bị biết nhược điểm của Trương Phi, nên luôn khuyên bảo và đòi em phải hứa không được uống rượu say trước khi trao trọng trách. Mỗi lần như vậy, Trương Phi đều hứa nhưng sau đó lại sai phạm do không làm chủ được bản thân. Cũng chính do tính tình thô bạo này mà ông đã bi chết thảm dưới tay thuộc hạ.

Khi ấy do nôn nóng báo thù cho Quan Vũ đã bị quân của Tôn Quyền giết, Trương Phi nóng lòng muốn báo thù nhưng chưa có cơ hội, nên mang tâm trang chán nản . Ông thường mượn rượu giải sầu rồi lại đánh đập quân sĩ dưới quyền khi họ không làm theo ý mình. Trong số các thuộc hạ của ông có hai người là Trương Đạt và Phạm Cương. Hai người này sợ bị Trương Phi chém đầu do không hoàn thành được quân lệnh là : trong thời gian ngắn phải nộp đủ số áo giáp trắng cho quân sĩ mặc trong cuộc hành quân trừng phạt Đông Ngô báo thù cho Quan Vũ. Hai người này đã hè nhau giết chết Trương Phi lúc ông uống rượu say ngủ, rồi chạy sang đầu hàng quân Đông Ngô.

  1. SUY NIỆM :

1) Hậu quả của tính nóng nảy lỗ mãng :

– Người dễ nổi nóng : Trong đời sống hằng ngày, người có quyền thường hay nổi nóng. Nhiều người lúc bình thường tính tình hiền lành hòa nhã vui vẻ, nhưng khi gặp điều trái ý lại trở nên bẳn gắt, hay to tiếng la mắng đánh đập người dưới…

– Hậu quả tai hại : Sự nóng nảy và cư xử lỗ mãng chỉ mang lại hậu quả tai hại như người ta thường nói : “No mất ngon, giận mất khôn !”. Vì thế, ông Nguyễn đình Giản thời kỳ Lê mạt, đã viết vào một tờ giấy dán lên tường nhà để nhắc nhở mình phải luôn cảnh giác với tính nóng nảy này : “TẢO CẤP TẮC BẠI SỰ“ nghĩa  là : Nóng tính ắt hỏng việc.

2) Chúng ta nên làm gì ?

– Đối xử khoan dung nhân hậu : Khi nắm giữ quyền hành, thay vì áp dụng lối hành xử tàn bạo của các nhà độc tài là : “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (Giết một người, vạn người sợ), chúng ta cần hành xử khôn ngoan là tôn trọng tha nhân, qua cách đối xử khoan dung nhân hậu với mọi người. Vì tình thương sẽ hóa giải hận thù, khiêm tốn nhân ái sẽ có sức mạnh thuyết phục người khác nể phục hơn là hành xử răn đe trừng phạt, như thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô đã nói : “Một giọt mật bắt được nhiều ruồi hơn một thùng giấm”.

Chừa bỏ thói hờn giận : Hội thánh cũng dạy các tin hữu phải tu sửa thói hư hay nóng giận bằng cách tập nhân đức đối lập là hiền lành như kinh Cải Tội  đã dạy : “Thứ bốn : Hay nhịn chớ hờn giận”.

– Tông đồ Gio-an từ một “đứa con của sấm sét”  khi đòi trừng phạt tiêu diệt làng Sa-ma-ri trong tuổi thanh niên lúc đang theo Thầy Giê-su đi giảng đạo, đã dần trở thành người hiền hoà nhẫn nhịn. Khi về già ngài luôn ca ngợi mầu nhiệm “Thiên Chúa là Tình Yêu” và dạy các tín hữu phải thực hành giới răn yêu thương (x. 1 Ga 4,20-21).

– Sống theo châm ngôn : “Mau nghe, chậm nói, khoan giận” (Gc 1,19) : Để sống giới răn yêu thương của Chúa, chúng ta hãy năng nhắc lại châm ngôn sống là lời Chúa trong thư Gia-cô-bê : “Mau nghe, chậm nói, khoan giận”.

  1. SINH HOẠT :

Nếu bạn hay nổi nóng khi gặp điều trái ý. Bạn quyết tâm làm gì để tu sửa, hầu gây được thiện cảmđược nhiều người quý mến sẵn lòng cộng tác trong mọi việc ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con ý thức về tai hại của tính nóng nảy và quyết tâm tu sửa. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng, để luôn nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân. Nhờ đó, chúng con sẽ ngày một hoàn thiện hơn, gây được thiện cảm với mọi người, trở thành môn đệ đích thực của Chúa nhờ thực hành giới răn yêu thương. – AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI ĐỌC THÊM

CÂU CHUYỆN : KHI GIÁO HOÀNG NỔI GIẬN :

Gần đây Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã có thái độ tức giận đánh vào tay người phụ nữ đã nắm tay ngài níu lại trong lúc ngài đi duyệt qua đám đông đang đứng tại quảng trường Va-ti-can vào tối ngày 31/12/2019. Ngày hôm sau ngài đã ngỏ lời xin lỗi về phản ứng đó như sau: “Kiên nhẫn của tình yêu. Tình yêu làm cho chúng ta kiên nhẫn. Chúng ta đã nhiều lần mất kiên nhẫn. Chuyện đó cũng đã xảy ra với tôi. Tôi xin lỗi đã làm gương xấu đêm qua”.

Bạn nhận xét thế nào về các lời bình luận trên các trang mạng về phản ứng của Đức giáo hoàng. Cụ thể là hai lời bình sau đây được nhiều người đọc nhất :

– Một người viết : “Ngài cũng là con người thôi. Làm giáo hoàng không có nghĩa là không còn cảm thấy đau đớn hay không được phản ứng lại khi bị đau”.

– Một nhà báo cũng viết : “ Giáo hoàng đã phản ứng trong sự tức giận và xin lỗi mọi người vì đã nêu gương không tốt. Hành vi này giúp tôi hiểu thế nào là đời sống Ki-tô mỗi ngày, và các thách thức lớn nhỏ của đời sống ấy là gì ?”.

  

BÀI 73

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH – TẬP LỐI SỐNG CÔNG MINH CHÍNH TRỰC

  1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Khốn cho các người, hỡi những người Pha-ri-sêu ! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Chúa” (Lc 11,42).
  2. CÂU CHUYỆN : TRẢ LẠI VÉ SỐ TRÚNG TIỀN TỶ.

Gần đây trang mạng vnexpress đã đăng một câu chuyện “cổ tích” có thật về sự công minh thật thà của hai người dân lao động nghèo như sau :

Chị PHẠM THỊ LÀNH thuê nhà trọ bán vé số ở Long An. Liên lạc qua điện thoại cô đã hứa bán chịu 20 tờ vé số còn thừa cho anh Tuấn như mọi lần, dù hai người chưa gặp để giao nhận vé số. Kết quả, vào buổi chiều sau khi sổ số, trong số 20 tờ vé còn lại kia đã có đến 10 vé số trúng, trong đó có 4 vé trúng giải đặc biệt. Khi biết được có nhiều vé số trúng thưởng, chị Lành đã không theo thói thường là giữ lại các tờ vé số trúng, nhưng đã trao toàn bộ 20 vé cho anh Tuấn. Tổng số tiền trúng giải lên tới con số 6,6 tỷ đồng.

Câu chuyện trúng số diễn ra từ giữa tháng 11 nhưng đến nay bà con ở thị trấn Bến Lức, Long An, vẫn không ngớt bàn tán. Mọi người đều ngạc nhiên, bởi vợ chồng chị Lành lâu nay được xếp vào loại nghèo rớt mùng tơi, đã phải bỏ quê nhà ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) để lên Long An kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo. Người trúng số là anh Đỗ Ngọc Tuấn cũng là dân lao động nghèo, đã 25 năm chạy xe ba gác. Tuy nhiên dù chị Lành mới chỉ hứa sẽ bán 20 tờ vé số còn lại với giá 200.000 đồng, mà chưa nhận tiền và cũng chưa giao vé, nhưng khi biết đã trúng giải lớn, thay vì có thể giữ lại các số trúng, chị Lành vẫn giao đủ 20 tờ vé số cho anh Tuấn. Chị nói: “Hồi đó tới giờ, khi tui bán vé số bị ế, anh Tuấn đều mua số còn lại để ủng hộ, sau đó dù không trúng nhưng anh vẫn trả tiền sòng phẳng. Mấy tờ vé số này ảnh đã mua dù chưa trả tiền mua vé. Trúng hay trật cũng đã là của ảnh rồi. Tui mà không trả thì thiên hạ còn coi tôi ra gì nữa”. Người

phụ nữ 29 tuổi tâm sự khi được phóng viên hỏi tại sao chị vẫn giao trả vé số trúng cho người mua dù chưa nhận được tiền bán vé và chưa bàn giao vé số.

Còn anh Tuấn thì nhớ lại : “Tui nhận điện thoại của cô Lành, tưởng cổ đòi tiền mua 20 tờ vé số nên bảo chờ tui đi giao hàng xong sẽ sang nhà trả. Nào ngờ cổ báo tin trúng tới 10 tờ vé số”. Kiểm tra 10 tờ trúng số, có 4 tờ trúng đặc biệt, còn lại là giải an ủi, anh Tuấn đã trả 200.000 đồng tiền mua vé số cho chị Lành và trao tặng một tờ vé số trúng cho chị. Anh nói: “Tui trả nợ tiền mua vé số cho cô và tặng cô một tờ số trúng để làm vốn…” Những người chứng kiến cảnh này đều đồng loạt vỗ tay mừng cho 2 người nghèo bỗng dưng trở thành tỷ phú. Mấy ngày qua, căn nhà nhỏ xíu rộng chưa đầy 30 m2 của chị Lành ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, luôn đầy ắp tiếng cười. Với tờ vé số được anh Tuấn “thưởng”, vợ chồng chị Lành đã nhận được gần 3 tỷ đồng sau khi đã trừ thuế. Hai người đem tiền về quê mua đất cất nhà. Còn anh Tuấn sau đó vẫn tiếp tục công việc chạy xe ba gác đi giao hàng như trước. Người đàn ông may mắn này tâm sự : “Tui vẫn là người lao động bình thường, vẫn chạy ba gác vì đó là nghề nghiệp của tui”.

  1. SUY NIỆM :

1) Các lời bình trên mạng :

– Một cư dân mạng đã viết cảm tưởng như sau: Thật tự hào và cảm động ! Cảm ơn đời này vẫn còn có người như anh Tuấn và chị Lành đã nêu gương công minh chính trực. Chúc hai người luôn an bình hạnh phúc với gia đình mình.

– Người khác viết : Đọc xong chuyện này, tôi vẫn cứ ngỡ là chuyện cổ tích, tôi đã đọc đi đọc lại hàng chục lần. Câu chuyện thật xúc động !!!! Chúc hai gia đình của anh và chị luôn hạnh phúc.

2) Học Sống Lời Chúa :

Chúa Giê-su đã đòi các môn đệ phải công minh chính trực như sau : “Có thì nói có, không thì nói không. Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”. Người cũng mạnh mẽ khiển trách những người Biệt phái và các kinh sư Do thái do thái độ khoe khoang sự công chính bằng những hành động giả hình bề ngoài, đang khi trong lòng lại đầy mưu mô xảo trá gian tà. Đối với Thiên Chúa, sự giả hình thật đáng ghét và “lẽ công bình và lòng yêu mến Chúa” lại thật sự giá trị !

Thực thi công bình bác ái là dấu hiệu của sự thánh thiện đích thực : Một người tuân giữ lề luật, làm các việc từ thiện, đóng góp công sức tiền của xây dựng Nhà Chúa… mà nếu ăn ở gian tham và nuôi lòng thù hận… thì khác gì lối sống giả hình của bọn Biệt phái thời Đức Giê-su đã bị quỏ trách (x. Mt 23,27).

  1. SINH HOẠT : Để giữ được sự công minh chính trực như chị Lành, chúng ta cần làm gì ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực. Xin soi sáng và hướng dẫn chúng con chu toàn luật mến Chúa yêu người bằng lối sống công bình nhân ái. Xin cho chúng con luôn ăn ở thành thật : Không giữ lại của đánh rơi nhưng sẵn sàng trả lại cho người bị mất. Cho chúng con đã hứa phải giữ lời, luôn thành tín trong lời nói việc làm … để chúng con xứng đáng nên con thảo của Chúa Cha, nên môn đệ thực sự của Chúa Giê-su, và nên anh chị em của mọi người.- Amen.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 74

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH – NHẬN LỖI GIÚP XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GĐ

  1. LỜI CHÚA : “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để (Lc 15,17-20).
  2. CÂU CHUYỆN : KHIÊM TỐN NHẬN LỖI VÀ TRÁNH ĐỔ LỖI THA NHÂN.

Có hai anh bạn thân là Long và Tâm ở gần nhà nhau. Một hôm, Long qua thăm nhà Tâm, thấy bầu khí gia đình thật an vui, vợ chồng con cái sống vui tươi chan hoà hạnh phúc liền hỏi bạn : “Sao tôi thấy mọi người nhà anh ai cũng nói chuyện vui vẻ và sống thỏai mái. Còn trong nhà tôi thì bầu khí lúc nào cũng căng thẳng, vợ chồng cứ năm ba bữa lại có chuyện cãi lộn to tiếng với nhau. Anh có phép thuật gì hay xin chỉ cho tôi với”. Anh Tâm trả lời : “Chẳng có phép thuật gì đâu ! Đó là do vợ chồng nhà tôi ai cũng nghĩ mình không hòan hảo, đang khi vợ chồng anh ai cũng cho mình là phải là đúng, nên hay tranh cãi đổ lỗi cho nhau, làm cho bầu khi gia  đình luôn căng thẳng như vậy”. Rồi anh giải thích : “Này nhé : Giả dụ một hôm vợ anh khi dọn bữa điểm tâm đã để tách cà phê sát mép bàn, khiến anh vô ý chạm phải rơi xuống đất bể tan. Trước sự cố này anh liền trách vợ : “Tại em để tách cà phê gần mép bàn khiến anh đụng phải ? Sao em lại không để vào giữa bàn ăn ?”. Vợ anh cãi lại : “Từ trước đến nay em vẫn để như vậy mà đâu có sao. Tại hôm nay anh hậu đậu đụng vào nên mới làm nó bị rơi bể chứ. Sao anh lại trách em ?”.

Vì hai vợ chồng anh ai cũng nghĩ mình phải nên không nhận lỗi và luôn đổ lỗi cho ngừơi khác. Nếu là gia đình tôi, khi chẳng may gặp sự cố như vậy, tôi sẽ nói thế này : “Sao hôm nay anh thật tệ vì sáng sớm đã đụng làm bể tách cà phê. Thôi cho anh xin lỗi nghe em”. Khi ấy vợ tôi cũng trả lời : “Thực ra không thể trách anh được. Cũng tại em đã vô ý để tách cà phê gần bên mép bàn nên anh mới chạm phải làm nó bị rơi bể. Lần sau em sẽ rút kinh nghiệm để tách cà phê gần vào phía trong. Cho em xin lỗi”. Vì hai người đều tự nhận lỗi về mình và không đổ lỗi cho nhau, nên bầu khí gia đình lúc nào cũng bình an vui vẻ.

  1. SUY NIỆM :

1) Hãy khiêm tốn nhận lỗi :

Khi xảy ra đụng chạm tranh cãi, nếu biết khiêm tốn nhận lỗi sẽ giải quyết được nhiều rắc rối. Chỉ cần một lời nhận lỗi là có thể chuyển họa thành phúc. Thế thì tại sao chúng ta lại không nhận lỗi để sớm giải quyết tranh chấp, thay vì để sự căng thẳng ngày một leo thang ? Rào cản khiến chúng ta khó nhận lỗi chính là tự ái cao thể hiện qua thái độ không nhận lỗi mà luôn đổ lỗi cho người khác.

2) Cần tập thói quen nói lời xin lỗi :

a- Tại sao phải tập ? : Bởi vì có nhiều điều nghe thì dễ nhưng lại khó thực hiện, nên phải tập cho thành thói quen tốt. Phải tập “nói lời xin lỗi” để tạo sự thông cảm với nhau, để dẹp bớt tính tự phụ. Khi lỡ làm cho ai buồn phiền thì chúng ta hãy can đảm nói lời xin lỗi : “Xin lỗi anh, tôi đã làm cho anh buồn”. Như vậy, sự nặng nề căng thẳng sẽ biến mất và thay thế bằng bầu khí nhẹ nhàng hòa hợp.

b- Cần nói lời xin lỗi càng sớm càng tốt : Thông thường, bạn nên xin lỗi trực diện “mặt đối mặt”. Tuy nhiên khi cần cũng có thể dùng cách gọi điện thoại, nhắn tin, gởi hoa… Khi nhận được lời xin lỗi chân thành của bạn, người bị tổn thương sẽ cảm thấy cơn buồn giận giảm đi rất nhiều.

c- Chân thành lắng nghe : Bạn đã làm điều lỗi với “đối phương”, nay bạn chịu nhận lỗi và chân thành lắng nghe lời trách móc của họ cũng là phải lẽ. Hãy cứ để “đối phương” nói ra hết những suy nghĩ, bực bội oán hờn và hy vọng sau đó quan hệ hai bên sẽ sớm trở lại như cũ.

d- Dục tốc bất đạt : Thật là khó để bắt “đối phương” tha lỗi cho bạn ngay, vì nó còn tùy thuộc vào việc họ cảm thấy bị thiệt nhiều hay ít. Cần có thời gian để cơn giận nguôi đi thì họ mới dễ dàng bỏ qua lỗi lầm cho bạn. Không nên đòi họ phải tha ngay khi lòng họ chưa sẵn sàng làm điều này.

e- Cần khắc phục hậu quả : Nhận lỗi mà thôi chưa đủ : quan trọng nhất là bạn phải quyết tâm khắc phục hậu quả không tốt do mình gây ra. Đây là điều kiện để “đối phương” dễ dàng bỏ qua lỗi lầm cho bạn

  1. SINH HOẠT :

Bạn sẽ làm gì để tập thành thói quen nói lời “xin lỗi”, nếu chẳng may bạn xúc phạm bằng lời nói hay việc làm khiến tha nhân buồn lòng ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con biết khiêm nhường tự hạ để sẵn sàng mở miệng xin lỗi nhau mỗi khi xảy ra sự cố không hay trong gia đình. Nhờ đó chúng con sẽ có thể luôn sống an vui hoà hợp và chan hoà hạnh phúc.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 75

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH – NHẬN LỖI LÀ PHƯƠNG THẾ SỐNG HÒA THUẬN

  1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy : “Lời nói của anh em luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người” ( Cl 4,6).
  2. CÂU CHUYỆN : GIÁO SƯ VÀ GÃ TÀI XẾ

Có một vị giáo sư nọ kiến thức uyên bác thường được các học viện thỉnh giảng. Một hôm sau khi giảng xong đề tài : “Thực tập nhận lỗi để sống hòa thuận với anh em”, ông đã tự lái xe hơi về nhà. Khi xe vừa ra chạy ngoài cổng trường thì gặp một chiếc taxi từ xa phóng tới thắng gấp súyt đụng phải xe của ông. Rõ ràng gã tài xế taxi có lỗi đã phóng nhanh giữa đường phố đông người. Nhưng thay vì nhận lỗi, gã tài xế này lại lớn tiếng la mắng viên giáo sư : “Bộ ông bị đui hay sao mà lái xe bất cẩn như vậy hả ?”. Nghe lời mắng chửi như vậy, viên giáo sư tức giận đỏ mặt, vì theo luật giao thông : tài xế này đã phóng nhanh trên đường phố đông người đi lại là vi phạm nghiêm trọng luật giao thông đường bộ. Viên giáo sư liền to tiếng cãi lại : “Chính anh mới là kẻ đui khi lái xe bạt mạng giữa đường phố đông người như vậy”. Gã tài xế taxi liền xuống xe thách thức : “Ông có giỏi thì ra đây nói chuyện phải quấy với tôi ! ”. Viên giáo sư cũng không vừa : “Ra thì ra chứ ta sợ gì anh”. Nhưng khi vừa ra khỏi xe, viên giáo sư thấy một đám học viên đang từ học viện ra về và đang tiến gần tới chỗ ông đứng. Viên giáo sư nghĩ tới đề tài mới thuyết trình “Thực tập nhận lỗi để sống hòa thuận với tha nhân”, nên thay vì tranh cãi hơn thua với gã kia, ông tiến đến gần bắt tay anh ta và ôn tồn nói : “Đúng là tôi có lỗi. Anh cho tôi xin lỗi nhé”. Gã tài xế đang trong tư thế sẵn sàng đối phó ngạc nhiên trước thái độ hòa hõan của đối phương nên cũng hạ giọng nắm tay viên giáo sư và nói : “Thực ra đây là lỗi của cháu đã lái xe quá nhanh, chứ không phải hòan tòan do lỗi của bác dâu. Bác cho cháu xin lỗi nhé”. Sau cái bắt tay xin lỗi làm hòa, cả hai lại vui vẻ lên xe về nhà.

  1. SUY NIỆM : 

– Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy cuộc chiến tưởng chừng sắp bùng nổ, nhưng nhờ viên giáo sư kịp tháo ngòi nổ bằng thái độ khiêm tốn nhận lỗi trước, nên cuối cùng tranh cãi đã được giải quyết ổn thỏa. Giả như hai bên đều cho mình là đúng và hòan tòan đổ lỗi cho đối phương thì sự việc chằc đã có kết cục tai hại rồi.

– Lời nhận lỗi có khả năng giúp giải quyết phân nửa mâu thuẫn giữa hai bên. Chỉ cần một lời xin lỗi chân thành mà thôi là đã có thể biến họa thành phúc. Thế thì tại sao chúng ta lại không sẵn sàng nhận lỗi để sự việc được giải quyết ổn thỏa, tránh sự phiền não, tốn hao tiền bạc, suy giảm sức khỏe và mất nhiều thời gian theo đuổi việc tranh cãi kiện tụng ? Rào cản khiến chúng ta không muốn nhận lỗi và xin lỗi là sự tự ái, là cái tôi ích kỷ và tự mãn của mình. Khi can đảm nhận lỗi là chúng ta đã chiến thắng được “cái tôi” của mình rồi vậy.

  1. THẢO LUẬN : Bạn sẽ làm gì để nhận lỗi và làm hòa với người đang có điều chi bất bình với bạn, để bạn xứng đáng được đi dâng lễ như lời Chúa dạy (Mt 5,23-24) ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con biết khiêm tốn tự hạ để can đảm nhận phần trách nhiệm của mình khi có sự cố không hay xảy ra. Xin cho chúng con biết chân thành nói lời xin lỗi những ai đã bị xúc phạm do lời nói hay hành động của chúng con. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ sống an vui với tha nhân, đồng thời gây được thiện cảm với mọi người, là điều kiện để chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM