Văn Hoá Ứng Xử  Bài  96-100

print

 Văn Hoá Ứng Xử  Bài  96-100

BÀI 96.

BÀI 97.

BÀI 98.

BÀI 99.

BÀI 100.

BÀI 96

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – GIÁ TRỊ CỦA SỰ ĐIỀM TĨNH TỰ CHỦ

  1. LỜI CHÚA : “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,6-8).
  2. CÂU CHUYỆN : ĐIỀM TĨNH ĐÃ CHIẾN THẮNG.

 

 

Thần thoại Nhật Bản có câu chuyện như sau :

Một hôm các vị thần trên trời tụ họp nhau lại để chọn ra một vị thần đứng đầu các thần khác. Họ nhờ một vị thần lão thành nhiều kinh nghiệm đứng ra làm trọng tài chấm thi. Các thí sinh sẽ phải thi thố tài năng thế nào để các vị thần khác phải “tâm phục khẩu phục”.

– Thần Sấm Sét tình ngưyện ra thi thố tài năng trước tiên : Sau một cái vẫy tay của ông, lập tức một luồng ánh sáng rất mạnh từ trời giáng xuống đám mây đen bên dưới làm phát ra một tiếng sấm nổ long trời khiến các thần đều bị hồn siêu phách lạc. Nhưng ngay sau đó thần Bão Tố xuất hiện tiếp tục thi thố sức mạnh. Ông ta ra lệnh cho mưa trút nước xuống ào ào như dòng thác lũ, nước chảy đến đâu cuốn theo nhiều cây cối và nhà cửa. Nước lụt mỗi lúc một dâng cao nhấn chìm các ngọn núi và tiếp tục dâng lên tận trời, khiến các vị thần hỏang hốt yêu cầu thần Bão Tố ngừng lại. Sau một cái vẫy tay lập tức sóng gió yên lặng như tờ và nước lụt cũng rút đi đâu tất cả.

– Khi các vị thần chưa kịp hoàn hồn, thì bất ngờ mọi thần đều nghe thấy một giọng nói êm dịu vang lên : “Sức mạnh thực sự không nhất thiết là phải tàn phá hủy diệt mả có thể là êm dịu. Hãy nghe đây”. Nữ thần Âm Nhạc nói xong liền lấy ra một cây đàn vi-ô-lông và nhún nhẩy chơi một bản nhạc giật gân khiến mọi vị thần đều phấn khởi giựt giựt tay chân theo điệu nhạc, rồi đến lúc tiếng nhạc trở nên du dương réo rắt khiến các thần đều đờ người ra và mắt thiếp ngủ như bị thôi miên.

– Tuy nhiên trong số các vị thần hiện diện có một vị luôn tỏ ra bình thản khi chứng kiến các hiện tượng sấm chớp bão bùng hay điệu nhạc du dương kia … Thần trọng tài liền hỏi : “Ngài là ai ? Ngài có bị mù hay bị điếc không ? ” và nghe vị này trả lời : “Không. Tôi vẫn nhìn và nghe được tất cả”. Thần trọng tài lại hỏi : “Tại sao ngài không bị xao xuyến giao động khi chứng kiến sấm chớp nổ bùng, nước ngập dâng cao và nghe các điệu nhạc du dương ?” Vị thần kia liền trả lời : “Ngài lầm rồi ! Tim tôi cũng đập, lòng tôi cũng xao xuyến như các vị khác. Nhưng vì tôi là thần Điềm Tĩnh luôn làm chủ được các cảm xúc chứ không bị lệ thuộc hay làm nô lệ cho nó. Ích lợi gì khi có sức mạnh chế ngự được người khác, mà lại chịu khuất phục trước tiếng đàn nhạc du dương ? Còn gì là uy lực nếu lại cảm thấy sợ hãi khi nghe tiếng sấm nổ hay thấy dòng nước lũ dâng lên ?”

Cuối cùng thần trọng tài đã phán quyết kết quả cuộc thi như sau : “Quyền bá chủ thuộc về thần Điềm Tĩnh. Sức mạnh thực sự chỉ có nơi những ai làm chủ được bản thân trước bất kỳ tình huống hay biến cố nào xảy ra. Những ai dù có quyền lực hay sức mạnh vô địch mà còn bị một thế lực khác lôi cuốn chế ngự thì vẫn chưa thực sự có sức mạnh và quyền năng. Hôm nay, tuy không phô trương sức mạnh, nhưng thần Điềm Tĩnh đã chứng tỏ nội lực vô song khi biết tự chủ để giữ được bình tĩnh và biết ứng xử khôn ngoan trước bất cứ tình huống nào. Đức tính này sẽ giúp chế ngự các lọai sức mạnh tài năng và điều khiển được chúng theo ý mình. Vậy tôi tuyên bố: “Thần Điềm Tĩnh Tự Chủ là chúa tể của chúng ta”.

Thực vậy : Điềm Tĩnh là đức tính đứng đầu và rất cần cho mọi người, nhất là cần cho những vị đứng đầu có nhiệm vụ lãnh đạo người khác.

  1. SUY NIỆM :

1) Tự chủ là gì?  : Tự chủ là một đức tính tốt, là khả năng đưa ra quyết định sáng suốt, mà không chịu sự tác động hay bị ép buộc bởi bất cứ ai. Đây là yếu tố quyết định sự thành công trong công việc, sức khoẻ bản thân và các mối quan hệ với gia đình và xã hội. Chẳng hạn : Bạn quyết định sẽ chạy bộ tập thể dục mỗi buổi sáng để giảm cân và giữ eo. Nhưng khi vừa thức dậy bạn lại cảm thấy lười biếng không muốn chạy ra công viên như dự tính. Vậy bạn sẽ làm gì để làm chủ bản thân và duy trì được thói quen tập thể dục mỗi ngày ? Hoặc có những lúc bạn thấy nhà cửa bề bộn, và thấy cần dọn dẹp cho ngăn nắp hơn. Nhưng rồi do lười biếng bạn lại chần chừ hết ngày này sang ngày khác. Bạn sẽ làm gì để giữ được điều đã quyết định ?

2) Bốn yếu tố cần để tập tính tự chủ : Mỗi người chúng ta đều có một vài thói hư chủ yếu cần sớm khắc phục như : Kiêu ngạo, mê tiền, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ganh ghét, làm biếng. Để chế ngự được các thói xấu này, cần khôn ngoan và có ý chí để quyết tâm thắng vượt thói lười biếng, cần tinh thần kỷ luật để không trì hõan và cần các ơn trợ lực của Chúa như sau :

– Khôn ngoan : Cần biết khôn ngoan để tìm ra đối sách phù hợp là tập các đức tính đối lập với thói xấu của mình như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” đã dạy.

Ý chíphương thế hữu hiệu để chế ngự thói xấu lười biếng. Nó giúp chúng ta nhận thức đánh giá được sự sai sót của mình, rồi quyết tâm lọai trừ các thói hư và trung thành với những điều đã dốc quyết. Đây là sức mạnh giúp vượt thắng được cảm xúc và sức ì của bản thân.

Kỷ luậtbạn đồng hành của ý chí. Nó giúp chúng ta tuân giữ kỷ luật, biết tự chủ để suy nghĩ trước khi quyết địnhkiên trì làm điều đã dốc quyết.

Ơn Chúa : Ngoài sự khôn ngoan, ý chí và kỷ luật, người tín hữu còn cần ơn trợ giúp của Chúa để việc tập luyện tính tự chủ đạt được kết quả chắc chắn và bền vững. Nhờ việc năng học sống Lời Chúa hằng tuần và qua việc dâng lễ rước lễ mỗi ngày, chúng ta sẽ được kết hiệp mật thiết với Chúa, sẽ khắc phục được các thói hư nhờ quyết tâm tập luyện nhân đức đối lập, vượt thắng được tính lười biếngkiên trì thực hiện những điều đã dốc quyết.

  1. SINH HOẠT : Theo bạn trong bốn yếu tố cần để tập tự chủ nói trên, yếu tố nào là then chốt để việc tập luyện tính tự chủ được thành công ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su, Xin cho chúng con học theo gương Chúa để luôn giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống. Cho chúng con luôn tự tin để vượt qua thử thách gặp phải, noi gương Chúa xưa đã bình tĩnh dẹp cơn sóng gió. Cho chúng con luôn tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa Cha để sau khi đã cố gắng hết  sức, chúng con biết noi gương Chúa bỏ đi ý riêng để xin vâng ý Chúa Cha.-AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 97

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – QUẲNG ĐI GÁNH ƯU PHIỀN

  1. LỜI CHÚA : Bấy giờ Người nói với các môn đệ : “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng : ”Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,38-39).
  2. CÂU CHUYỆN : ĐỂ CÂY PHIỀN MUỘN Ở NGOÀI NHÀ RIÊNG CỦA MÌNH.

 

Tạp chí “FOOD FOR THOUGHT” có đăng một câu chuyện về việc quẳng gánh ưu phiền khỏi cuộc sống của mình như sau :

Ngày đầu tiên của người thợ mộc mà tôi thuê đến làm việc tu sửa lại nông trại cũ của tôi đã diễn ra không mấy suôn sẻ. Anh đến muộn một tiếng đồng hồ vì bị bể bánh xe. Sau đó chiếc cưa điện của anh lại bị hỏng không thể dùng được mà phải chuyển sang dùng cưa tay. Rồi khi anh ra về thì chiếc xe tải cũ kỹ của anh lại không thể khởi động vì bình điện xe lâu ngày xuống cấp không giữ được điện.

Tôi đã lấy xe của tôi đưa anh thợ mộc về nhà và anh hòan tòan im lặng lúc đi đường. Khi về đến nhà, anh mời tôi ghé vào thăm gia đình anh. Trước khi bước vô nhà, tôi thấy anh đến đứng trước một cây nhỏ tại sân phía trước nhà và chạm hai tay vào đầu nhánh cây. Rồi khi cánh cửa ngôi nhà mở ra, tôi thấy anh đã hoá thành một người khác : Khuôn mặt sạm đen giờ tươi tỉnh hẳn lên khi anh ôm hai đứa con gái vào lòng và hôn nhẹ lên trán vợ… Một lát sau, anh đưa tôi ra xe và đã trả lời cho thắc mắc của tôi về cây trồng trước nhà và thái độ của anh sau khi chạm vào nó như sau : “À, đó là CÂY PHIỀN MUỘN”.

  1. SUY NIỆM :

Anh giải thích tiếp : “Tôi biết mình sẽ không thể tránh khỏi những nỗi bực bội ưu phiền khi phải rời ngôi nhà thân yêu của mình để đi kiếm sống bên ngoài. Nhưng tôi không muốn những nỗi bực bội ưu phiền gặp phải ấy ảnh hưởng đến vợ và hai đứa con nhỏ của tôi ở nhà. Vì thế tôi đã trồng một cây ở sân trước nhà làm “Cây Phiền Muộn”, để trao gửi tâm sự của mình. Mỗi buổi chiều khi trở về, tôi đều để lại tất cả những buồn phiền cho cây này trước khi bước vào nhà. Sáng hôm sau, khi đi làm việc, tôi lại mang nỗi buồn kia theo”. Rồi anh mỉm cười tiếp : “Có điều thú vị là tôi cảm thấy nỗi buồn lấy lại sáng hôm sau luôn nhẹ hơn vào chiều hôm trước”.

  1. SINH HOẠT :

Bạn nhận xét thế nào về cách anh thợ mộc sử dụng để quẳng đi nỗi phiền muộn khỏi cuộc sống của mình trong gia đình ? Về phần bạn là tín hữu, mỗi khi gặp sự phiền muộn, bạn sẽ làm gì để giải toả nỗi phiền muộn gặp phải trong cuộc sống hằng ngày ? Tại sao ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Trong cuộc sống hằng ngày nơi gia đình và ngoài xã hội, chắc chắn chúng con không tránh khỏi những điều trái ý cực lòng, do công việc không suôn sẻ, do sự va chạm với người chung quanh. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa chia sẻ với người thân như Chúa đã chia sẻ với ba môn đệ trong vườn Cây Dầu và đã cầu nguyện để xin vâng thánh ý Chúa Cha.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 98

 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – GIÁO DỤC LÒNG BIẾT ƠN CHO CON CÁI

  1. LỜI CHÚA : Một người trong bọn thấy mình được khỏi liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói : ”Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc 17,15-18).
  2. CÂU CHUYỆN : ĐỪNG QUÊN NÓI LỜI CÁM ƠN.

Trên một chuyến xe buýt đông người, khi xe dừng lại một trạm kia thì có một ông lão chống gậy bước lên xe. Ông bước đi không vững và khi lên được xe, ông dừng lại ở cánh cửa phía trên, đảo mắt một vòng nhìn xuống các hàng ghế để tìm một chỗ trống. Nhưng rồi ông thất vọng vì các hàng ghế đều đã có người ngồi. Trong số các hành khách trên xe có nhiều thanh niên nam nữ, nhưng người này nhìn người kia để chờ xem có ai đó sẽ đứng lên nhường chỗ cho ông lão không. Bấy giờ có một em thiếu nhi khoảng 8-9 tuổi, thấy ông lão già cả ốm yếu mà phải đứng thì tội nghiệp. Em được cha mẹ giáo dục phải biết kính trọng những người cao niên, nên đã tình nguyện đứng lên nhường chỗ cho ông lão ngồi và ra đứng thế chỗ ông. Nét mặt ông lão vui vẻ hẳn lên. Ông liền ngồi vào chỗ em bé mà không nói gì cả. Em này được cha mẹ dạy phải biết mở miệng cám ơn mỗi lần được người khác cho quà hay giúp đỡ việc gì. Rồi khi đến trường em lại được thầy cô dạy phải biết xin lỗi nếu lỡ gây phiền hà cho ai khác. Nay thấy ông lão không nói lời cám ơn thì em cảm thấy ấm ức. Em liền quay sang hỏi nhỏ ông lão : ”Thưa ông, ông vừa nói gì với cháu vậy ?” Ông lão trả lời : ”Ta có nói gì đâu”. Bấy giờ em liền nói : ”Thế mà cháu cứ tưởng ông vừa nói lời cám ơn cháu chứ !”.

  1. SUY NIỆM :

– Khi học ngoại ngữ tiếng Anh, chúng ta thấy bài học đầu tiên trong sách đều dạy học viên về cách giao tiếp với tha nhân như : chào hòi, giới thiệu, cám ơn và xin lỗi. Hai cụm từ “Thank you” và “I am sorry” luôn được sử dụng trong các giao tiếp hằng ngày. Có thể nói đó chính là lề thói, là “văn hóa ứng xử” tốt đẹp của người nước ngoài. Còn người Việt Nam chúng ta thì sao ?

– Thực ra tiếng “cám ơn” thốt ra làm cho người nói và người nghe đều cảm thấy dễ chịu. Đó là một thứ đạo đức căn bản mà nếu thiếu, sẽ bị đánh giá là kẻ thiếu văn hóa ứng xử. Có những bậc cha mẹ rất coi trọng lời cám ơn và quan tâm giáo dục con cái phải luôn nói cám ơn như một thói quen tốt, một sự phản xạ tự nhiên, mỗi khi được ai đó giúp đỡ hay khi nhận một món quà tặng từ người khác. Để làm gương cho con cái, nhiều cha mẹ không ngần ngại nói lời “cảm ơn” con cái khi con giúp làm một việc gì đó.

– Tôi đã từng chứng kiến nhiều lần những người hỏi thăm đường, hỏi thăm nhà người quen mà sau khi đã được chỉ dẫn tận tình đã không nói lời “cám ơn”. Người đánh rơi đồ đạc khi được người khác lượm lên giúp cũng quên nói lời “cám ơn”. Trong số đó, không ít bạn đang là sinh viên học sinh hay có khi thuộc thành phần viên chức nữa !

– Từ “Xin lỗi” cũng cùng chung số phận như vậy. Người ta ít dùng đến nó. Nhiều người đã không nói lời nhận lỗi, cho dù mình đã làm tổn thương cho người khác. Và nói chung : hiện nay khá đông người Việt chúng ta đã quên cụm từ “cám ơn” , “Xin lỗi” trong các giao tiếp hằng ngày.

– Trong gia đình, cha mẹ cần dạy con cái cách ứng xử lịch sự khi được tặng quà vào các dịp Lễ Tết, hay vào ngày mừng sinh nhật…

Cha mẹ cần dạy cho con trẻ ngay từ khi còn nhỏ phải nói lời “cám ơn” khi nhận được quà tặng của người khác.

– Để tránh cảnh trẻ có phản ứng bất lịch sự, cha mẹ nên dạy con như sau : “Lát nữa con sẽ nhận được nhiều quà tặng. Mọi người muốn thấy con mở món quà do họ trao tặng ra, và họ sẽ rất vui khi con biết cúi đầu nói lời “Cảm ơn”. Dù có gặp món quà không thích hay đã có rồi, con vẫn đừng quên tỏ lòng cám ơn người cho quà nhé”.

– Nếu chẳng may trẻ phản ứng không hay khi nhận quà, bạncũng hãy thay con để nói lời cám ơn người tặng quà như sau : “Cảm ơn bạn, vì con búp bê nhé !”.

  1. SINH HOẠT : Bạn nghĩ thế nào khi nghe có người nói : ”Nói cám ơn hay xin lỗi có vẻ khách sáo quá. Tôi chỉ cần cúi đầu để bày tỏ lòng cám ơn hoặc xin lỗi, hơn là chỉ nói “cám ơn, xin lỗi” suông” ? Tại sao ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa là Cha nhân ái. Con xin tạ ơn Cha về muôn ơn lành hồn xác Cha đã thương ban. Xin cho con năng dâng lời tạ ơn Cha khi vui lúc buồn, khi được thành công cũng như lúc gặp thất bại. Xin cho cuộc sống của con trở thành “bài ca Tạ ơn” không ngừng dâng lên Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 99

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – THỂ HIỆN LÒNG HIẾU THẢO BIẾT ƠN CHA MẸ

  1. LỜI CHÚA : “Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn dụ của cha, và đừng ruồng bỏ giáo huấn của mẹ…. Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6,20-22).
  2. CÂU CHUYỆN : NÂNG NIU ĐÔI BÀN TAY CHAI SẦN CỦA MẸ.

 

Có một chàng trai vừa tốt nghiệp đại học thuộc loại xuất sắc. Anh tự tin xin ứng tuyển vào vị trí quản lý của một công ty lớn. Anh đã thành công khi vượt qua hai vòng loại đầu tiên. Đến vòng cuối cùng, thì đích thân vị giám đốc của công ty này sẽ phỏng để đưa ra quyết định tuyển dụng hay không.

Khi xem qua hồ sơ xin việc của chàng trai, vị giám đốc nhận thấy trong suốt những năm đại học, anh luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Xem xong hồ sơ, vị giám đốc hỏi : 

– Trong 4 năm đại học anh có đi làm để thêm thu nhập không ? Chàng trai trả lời :

– Dạ không, thưa ông.

– Vậy là cha anh đã chi trả toàn bộ học phí cho anh phải không ?

– Cha tôi mất từ năm tôi một tuổi. Vì vậy toàn bộ học phí là do mẹ tôi gánh vác.

– Vậy mẹ anh làm nghề gì ?

– Mẹ tôi giặt quần áo thuê cho người ta.

Vị giám đốc nghe vậy thì đề nghị chàng trai xoè bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay của anh khá đẹp, mềm mại và không có bất kỳ vết chai nào. Ông lại hỏi :

– Anh đã bao giờ giúp mẹ giặt quần áo chưa ?

– Chưa bao giờ ạ. Chàng trai thẳng thắn đáp.

Tôi cần tập trung học cho thật tốt. Hơn nữa mẹ tôi giặt thì sẽ nhanh hơn tôi giặt.

Nghe vậy vị giám đốc nói :

– Tôi có một yêu cầu nhỏ : Hôm nay về nhà, anh hãy cẩn thận rửa sạch hai bàn tay của mẹ. Rồi sáng hôm sau anh đến đây gặp tôi.

Chàng chai trẻ nghe vậy thì thấy vô cùng kỳ lạ. Nhưng anh cũng thấy cơ hội trúng tuyển của mình khá cao, nên vui vẻ chạy về nhà gặp mẹ và đề nghị được rửa tay cho mẹ. Người mẹ cảm thấy khó hiểu trước yêu cầu của con trai, nhưng vẫn đưa hai bàn tay cho con rửa.

Chàng trai lấy nước ấm chầm chậm rửa sạch tay cho bà mẹ, vừa rửa nước mắt anh vừa tự nhiện rơi xuống. Lần đầu tiên anh nhận thấy đôi tay của mẹ anh không chỉ nhăn nheo, mà còn chằng chịt những vết sẹo và chai sần.  Những vết sẹo này hẳn là rất đau, vì anh cảm nhận được mẹ khẽ rùng mình mỗi khi anh nhúng tay mẹ vào nước. Lần đầu tiên anh nhận ra, chính đôi tay này đã ngày ngày cần mẫn giặt quần áo để trang trải tiền học phí trong ngần ấy năm trời cho anh.  Những vết sẹo trên đôi bàn tay mẹ cũng là cái giá mẹ phải trả để đổi lấy bảng điểm xuất sắc của anh.

Sau khi rửa sạch xong bàn tay mẹ, chàng trai lặng lẽ ra phía sau nhà để giặt nốt số quần áo còn sót lại cho xong. Anh giặt đồ trong tâm trạng im lặng và nặng trĩu ưu tư. Tối hôm đó hai mẹ con đã ngồi nói chuyện với nhau rất lâu. Sáng hôm sau anh quay lại công ty. Vừa nhìn thấy anh, vị giám đốc đã hỏi :

– Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được bài học gì hôm qua không ?

Chàng trai nói trong nấc ngẹn :

– Tôi đã rửa tay cho mẹ và giặt nốt chỗ quần áo còn lại cho bà.

– Cảm giác của anh thế nào ? Vị giám đốc hỏi.

– Thứ nhất tôi hiểu : Nhờ có mẹ mà tôi mới có ngày hôm nay. Thứ hai tôi hiểu : Người ta đã phải làm việc vất vả để kiếm được đồng tiền như thế nào ? Thứ ba tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của tình mẫu tử.

Chàng trai cúi gằm mặt nói nhỏ với đôi mắt đỏ hoe. Vị giám đốc liền nói :

– Đó cũng chính là điều tôi cần nơi người quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên có lòng biết ơn khi được người khác giúp đỡ, hiểu biết công sức lao động của người khác,không xem tiền bạc là mục đích duy nhất. Anh đã hiểu được những điều quan trọng đó. Vì vậy, tôi xin chúc mừng : Từ giờ phút này anh chính thức được trở thành nhân viên của công ty.

  1. SUY NIỆM :

Câu chuyện tuy ngắn nhưng đã cho chúng ta nhiều cảm xúc. Liệu rằng có bao nhiêu người trong đời này có thể cầm  lấy đôi tay của cha mẹ, thấu hiểu nỗi vất vả của các ngài đã phải chịu để lo cho mình ?

Hãy nhớ rằng : Đằng sau sự thành công của mỗi người chúng ta chính là mồ hôi, là nước mắt của cha mẹ. Chúng ta dành thời gian cho công việc, cho đam mê, cho cuộc sống riêng nhưng đừng quên rằng : thời gian dành cho cha mẹ cũng phải ưu tiên được thực hiện. Khi chúng ta càng trưởng thành thì lại là lúc cha mẹ càng già yếu đi. Hãy nhớ rằng : Tài sản lớn nhất của cha mẹ không gì khác hơn là con cái. Hãy nhớ lại quá trình lớn lên từ nhỏ đến lớn của chúng ta đều có bàn tay của cha mẹ. Thế nên là con cái, chúng ta phải dành thời gian để gặp gỡ, lắng nghe, thấu hiểu và tận tình giúp đỡ cha mẹ.

  1. SINH HOẠT : Sách Huấn ca dạy về đạo hiếu của con cái với cha mẹ như sau :

“Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng. Ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của người. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn. Ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.” (Hc 3,12-16).

  1. LỜI CẦU :

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con. Xin chúc lành, nâng đỡ và ban mọi ơn lành hồn xác cho cha mẹ chúng con. Xin giúp chúng con luôn biết yêu thương kính trọng các ngài, thể hiện qua thái độ tôn kính, yêu mến, vâng lời và phụng dưỡng các ngài khi các ngài còn sống, và năng cầu nguyện, dâng lễ và làm các việc thiện thay cho các ngài sau khi các ngài đã qua đời.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

BÀI 100

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CẢM THÔNG VỚI SAI LỖI CỦA CON

  1. LỜI CHÚA: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21).
  2. CÂU CHUYỆN : ĐỪNG VỘI TRÁCH CON.

 

Một bà mẹ trẻ sau một thời gian dạy dỗ, muốn kiểm tra thành quả về cách giáo dục con cái của mình. Chị vui vẻ đưa cho cậu con trai nhỏ hai quả táo và chờ cậu sẽ biếu tặng lại mẹ một quả như một cử chỉ để tỏ lòng hiếu thảo. Nhưng cậu bé sau khi nhận hai quả táo từ tay bà mẹ đã không nhìn mẹ, mà lần lượt cầm từng trái cắn một miếng nhỏ và nhai nhai như để thưởng thức.

Bà mẹ trẻ cảm thấy thất vọng về thói ứng xử ích kỷ vô ơn của con và định nhắc con bài học hãy tỏ lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ cách cụ thể.

Nhưng ngay lúc đó, cậu con trai bé nhỏ của chị đã cất tiếng líu lo ngọng nghịu : “Mẹ ơi, mẹ ăn quả táo này đi nhé. Con vừa nếm thử rồi. Cả hai quả đều ngọt cả. Không có quả nào chua đâu !”.

Nước mắt của người mẹ tự nhiên ứa ra. Chị liền ôm hôn vào trán con và nói : “Con ngoan của mẹ. Con thật hiếu thảo khi biết thử để trao cho mẹ quả táo ngọt. Mẹ cám ơn con nhiều ! Nhưng lần sau con không được ăn thử táo trước như vậy, vì mất vệ sinh và thiếu lịch sự con nhé”.

  1. SUY NIỆM :

Đôi khi các người làm cha mẹ đã tức giận và vội phản ứng khi chưa biết rõ nguyên nhân hành động của con. 

Kinh Thánh Tân ước đã ca ngợi hành động của Đức Ma-ri-a khi ngài luôn ghi nhớ lời nói và hành động của trẻ Giê-su, và suy đi nghĩ lại trong lòng (x. Lc 2,19.51). Vì thế trong thời gian giảng đạo, có lần Đức Giê-su đã đề cao vai trò làm mẹ của Đức Ma-ri-a qua việc Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa như sau : “Mẹ và anh em tôi chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

  1. SINH HOẠT :

Trong câu chuyện trên bạn có đồng ý với cách bà mẹ trẻ dạy con trai nhỏ cách thể hiện cụ thể lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ hay không ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho con khi ứng xử biết lắng nghe con cái trong gia đình, ban bè trong cộng đoàn và đồng nghiệp trong cơ quan xí nghiệp…, nhờ đó mọi người sẽ hiểu biết nhau hơn và tạo được bầu khí yêu thương phục vụ lẫn nhau, biến môi trường sống và làm việc của mình ngày một chan hoà yêu thương, an vui và hạnh phúc hơn.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM