Vâng Phục Trong Đời Tu

Vâng Phục Trong Đời Tu

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net

Hoa trái của sự vâng phục trong đời tu.

Những rào cản của sự vâng phục trong đời tu.

Để có một sự vâng phục tốt hơn trong đời tu.

Vấn đề đối thoại trong vâng phục.

Hoa trái của sự vâng phục trong đời tu

Chúng ta đã nói đến ý nghĩa của vâng phục và phác hoạ nó trong hình ảnh thật đẹp về sứ mạng. Quả thật, vâng phục rất cần thiết cho đời sống chung và cho việc mục vụ, đến độ, giả như một ngày nào đó khi không còn vâng phục nữa, mọi cái sẽ trở nên hỗn loạn, các dòng tu lại trở về với hình thức tu ban đầu: mỗi người tự sống riêng và làm điều gì mình muốn. Đức vâng phục, dù để có được nó phải đối diện với những thách đố, nhưng nếu được tuân giữ thì sẽ giúp mang đến cho người tuân giữ nó rất nhiều hoa trái, cho đời sống cá nhân nói riêng và cho cả đời sống cộng đoàn và sứ mạng nói chung.

Với bản thân mỗi người, vâng phục sẽ giúp trưởng thành hơn. Nó giúp người ta biết rằng không phải lúc nào mình cũng đúng và cũng nắm rõ mọi sự. Nó dạy bảo người ta không quá tin vào kiến thức và phán đoán của mình. Từ đó họ nhận ra mình không hề hoàn hảo và thông thạo mọi thứ. Mình cần được người khác dạy bảo và chỉ cho biết phải làm gì để mưu cầu lợi ích tốt nhất. Vâng phục đòi người tu sĩ phải biết hạ mình, cúi đầu. Đây không phải là một kiểu sỉ nhục, nhưng là một thái độ của những người luôn mở ra với những khả thể mới, đón nhận những điều nằm ngoài khả năng dự đoán và những kế hoạch của mình.

Vâng phục cũng giúp người ta thoát khỏi chủ nghĩa cái tôi, óc vị kỷ, những yếu đuối, những ảo tưởng và thói ham hố quyền lực. Con người nào cũng thích ra lệnh hơn là phục quyền, thích chỉ đạo hơn là nghe theo sự sắp xếp của người ta, thích làm theo ý riêng hơn là làm điều gì chống lại đó, ưa làm những gì mình thích chứ ít khi thích những gì mình làm. Con người thường luôn cho rằng những phán đoán của mình là đúng và cứ khăng khăng nhất quyết ở lại trong đó, bắt người ta phải đồng thuận với mình chứ ít khi làm điều ngược lại. Cái ảo tưởng đó làm cho cái tôi trở nên lớn hơn, dần dần, nó làm cho người ta trở nên ngạo mạn, tự hào về bản thân, tự phong cho mình một vị trí quan trọng. Cứ mỗi lần vâng phục, người ta được tháo cởi khỏi những điều này.

Trái với suy nghĩ cho rằng vâng phục giết chết tự do, thực chất nó giúp cho người tu sĩ biết cách sử dụng tự do của mình hiệu quả hơn và đúng cách hơn. Người ta vẫn hay sai lầm khi cho rằng tự do là muốn làm gì thì làm. Đây là môt kiểu tự do phá hoại, chứ tự nó chẳng đắp xây hay giúp ích điều gì. Vâng phục là đặt mình trong tâm thế sẵn sàng trước một sứ mạng. Người tu sĩ được trao trọn tự do để thực thi mọi điều mình cho là đúng đắn trong phạm vi sứ mạng ấy. Sự tự do lúc này đã được xác chuẩn, được công nhận và đảm bảo. Nó sẽ sinh nhiều hoa trái. Ngoài ra, nhờ vâng phục, người tu sĩ cũng được giải phóng khỏi mọi lo sợ.

Trước nhiều chọn lựa sứ mạng, có khi họ phân vân không biết phải đi theo con đường nào. Biết đâu họ sẽ chọn một lối đi sai! Những chỉ dẫn của bề trên, sự đồng thuận trong quá trình đối thoại sẽ giúp tìm ra ý Chúa. Họ sẽ cảm thấy an tâm hơn, vững dạ hơn và tự tin hơn cho sứ mạng được giao. Khi thoát ra khỏi ý riêng, họ sẽ hướng về Chúa, họ cảm thấy mình đang được dẫn đi, chứ không phải tự mình vẽ ra lối đi cho mình. Sự xác tín về sự hiện diện của Chúa ngay bên giúp họ cảm thấy an toàn hơn, bởi những gì họ đang làm là làm theo ý Chúa và chắc chắn sẽ nhận được sự nâng đỡ của Chúa trong từng giây phút. Quả vậy, cứ mỗi khi vâng phục với thái độ xác tín, người tu sĩ sẽ thấy rất bình an, và ngược lại, khi bất tuân, họ sẽ thấy một nỗi bất an lớn lao trồi lên trong mình.

Sự vâng phục cũng giúp người tu sĩ được gia tăng thêm lòng tin cậy mến. Đó là vì họ đã dám mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình, dám từ bỏ ý riêng để đón nhận một điều mới. Họ tin vào sự hiện diện của Chúa nơi bề trên, kể cả khi bề trên trao cho họ một mệnh lệnh rất lạ lẫm mà họ chẳng thể nào hiểu nỗi. Họ tin là có khi qua những sai lầm của bề trên, Chúa vẫn có cách đưa mọi sự về trật tự và đó là cách mà Chúa dùng để huấn luyện họ. Quả vậy, sự vâng phục sẽ trở nên quý giá hơn khi ta phải đối diện với một bề trên “khó ưa”, luôn có những quyết định ngược với mình. Nếu vị tu sĩ và bề trên lúc nào cũng tâm đầu ý hợp thì giá trị của vâng phục trở nên quá dễ dàng đến nỗi chẳng có gì để bàn cãi nữa. Chính qua những lúc có sự khác biệt trong suy nghĩ giữa bề trên với bề dưới mà sau khi trao đổi, bề dưới dẫn mở lòng ra để đón nhận các quyết định của bề trên, ta thấy được đặc nét và sự đòi hỏi của một kiểu từ bỏ có khi làm ta phải đứt cả ruột gan. Tính chất hy lễ của sự vâng phục được biểu lộ thật rõ nét. Đó là lúc mà lòng tin cậy mến của người tu sĩ được bồi đắp mạnh mẽ nhất. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là bề trên cứ tự ý quyết định mà chẳng cân nhắc gì rồi biện minh bằng kiểu nói “để giúp bề dưới trưởng thành hơn”. Bề trên có thể có những sai lầm, nhưng đừng bao giờ đem sự vâng phục ra làm trò đùa hay xem thường nó.

Sự vâng phục giúp người tu sĩ hướng đến sự trọn lành. Từ những vâng phục nhỏ bé cho đến những điều lớn lao, người tu sĩ dần dần khuôn mình trong tinh thần của dòng và đường lối sư phạm của Chúa. Nó giúp người tu sĩ làm trổ sinh nhiều nhân đức khác. Khiêm nhường, gần gũi, nhu mì, ứng trực, sáng tạo, hăng hái cho sứ mạng, không cố chấp, không khăng khăng với ý riêng, phán đoán riêng, không phàn nàn, cau có… Cứ để ý mà xem, người tu sĩ nào luôn cảm thấy khó chịu về những quyết định của bề trên thường là một tu sĩ không hạnh phúc trong đời tu. Họ rước bực bội vào người, lại còn tìm cách lây lan sự bực bội ấy cho người khác. Họ gây chia rẽ giữa anh chị em và làm cho cuộc sống thêm ngột ngạt, bức bối. Còn vị tu sĩ nào luôn sẵn sàng vâng phục thì luôn cảm thấy yêu đời, vì tin rằng ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, vẫn có Chúa hiện diện với mình, giúp mình khám phá ra những điều mới mẻ.

Về phương diện cộng đoàn, không cần phải nói nhiều, sự vâng phục giúp các thành viên được đồng tâm nhất trí với nhau. Bề trên chính là đầu, mọi thành viên là các chi thể. Khi mọi sự được quy về một mối, sẽ không có những chia rẽ, bè phái hay kiểu mỗi người mỗi ý, thích làm gì thì làm. Bề trên chính là cầu nối của tất cả mọi thành viên. Bề trên đóng vai trò như một người cha, người mẹ trong gia đình, là nơi mà khi gặp vấn đề gì, con cái thường chạy đến để tìm sự an ủi, sự nâng đỡ, chở che. Chính bề trên cũng trở thành kênh thông tin, truyền từ người này đến người kia, giúp cho các thành viên được biết rõ về nhau, hiệp thông với nhau, dù có khi sống xa nhau mỗi người một chân trời. Bởi vậy, các thành viên có thể ít có liên lạc với nhau vì lý do sứ mạng, nhưng phải luôn có sự thông tri thường xuyên với bề trên. Sự thông tri này cũng bao hàm luôn cả một sự vâng phục, yêu mến và tin tưởng. Đây rõ ràng là một thách đố đối với bề trên. Bề trên nào mà những người thuộc quyền không thích nói chuyện, không muốn liên lạc hay chẳng dám đến gần là một bề trên thất bại.

Trong sứ mạng, sự vâng phục cũng giúp cho mọi việc được phân bổ và tiến triển trong trật tự và hiệu quả. Bề trên, ngoài việc là một người có học thức, có óc phán đoán tốt, còn là người có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều hoàn cảnh, đặc biệt là những vị có vai vế trong Giáo Hội và xã hội. Tầm nhìn của họ rõ ràng là rộng và phổ quát hơn người khác. Theo đó, cứ theo lý mà nói, những quyết định phân bổ và chuyển trao sứ mạng sẽ có phần chuẩn xác hơn. Nhờ biết rõ từng đương sự và biết rõ nơi có nhu cầu tông đồ, bề trên sẽ cân nhắc để chọn người sao cho phù hợp, vừa không làm tổn hại người đó, vừa giúp người đó được phát huy mọi sở trường của mình, đồng thời cũng giúp cho những người mà vị tu sĩ đó được sai đến để phục vụ. Rõ ràng, dưới viễn cảnh này, không có vâng phục, thì cũng sẽ chẳng có gì gọi là “sai đi”. Người nào tự sai mình đi hoặc vận động bề trên sai mình đến nơi mình muốn chứ không bình tâm chọn ý Chúa thì không sống tinh thần của vâng phục. Vị bề trên nào không cầu nguyện, không nhận định kỹ càng trước khi sai một ai đó vào sứ mạng thì cũng làm điều ngược ý Chúa, vì đã sử dụng quyền không đúng cách và không chu toàn bổn phận được trao.

Muốn một cây sinh hoa trái thơm ngon, người nông dân phải chăm sóc cho cây thật tốt. Phải cắt tỉa, bón phân, rào giậu, tưới nước… Muốn đời vâng phục sinh hoa trái, cả tu sĩ và bề trên cũng phải lưu tâm đến nó và tạo những điều kiện thuận lợi cho nó.

Những rào cản của sự vâng phục trong đời tu

Chúng ta đã biết rằng nếu vâng phục được tuân giữ tốt, nhờ sự nỗ lực của cả bề trên lẫn bề dưới, đời tu và sứ mạng của người tu sĩ sẽ sinh nhiều hoa trái. Điều đáng buồn là trong rất nhiều dòng tu, kiểu hoa trái này vẫn còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là có vị chát chua. Vẫn còn đó những tình trạng bề dưới đón nhận sứ mạng chỉ vì cắn răng chịu đựng, sống cho qua ngày đoạn tháng, chờ cho kỳ hạn qua đi để được chuyển đi chỗ khác. Hay tệ hơn, luôn có những phàn nàn trong nội bộ cộng đoàn và chỉ mong cho bề trên sớm hết nhiệm kỳ để không còn phải chịu đựng. Rồi cũng có những trường hợp bề trên đau đầu vì không biết phải điều chuyển một tu sĩ nào đó đi đâu. Chỗ nào người đó cũng từ chối, đưa ra đủ kiểu lý do để thoái thác. Đôi khi, sai một tu sĩ trẻ mới chập chững bước vào đời tu dễ dàng đối với vị bề trên hơn là một tu sĩ đã sống lâu năm trong dòng. Đây quả là một điều ngược ngạo. Đáng lẽ càng tu lâu, người ta phải càng khiêm nhu hơn, mềm mại hơn. Đàng này, ỷ lại vào phán đoán của mình, cho rằng mình đã có nhiều kinh nghiệm, một số tu sĩ lớn tuổi tỏ ra cứng đầu, bất chấp, chẳng coi bề trên ra gì, vừa làm cho tương quan giữa mình với bề trên thêm căng thẳng, vừa làm gương xấu cho người khác. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này? Đâu là những rào cản khiến cho sự vâng phục trong thể phát huy được hiệu quả của nó?

Nguyên nhân có thể xuất phát từ bề trên. Họ quá lạm dụng quyền, xem quyền là tất cả. Họ quá tin vào phán đoán, quá bám vào ý riêng của mình, chẳng chịu tham khảo ý kiến của các tư vấn và của chuyên gia, hay thậm chí là của chính đương sự. Họ không thấy được hoạt động của Thánh Thần nơi bề dưới, không chịu tiếp cận để hiểu điểm mạnh điểm yếu của bề dưới. Để rồi, khi đưa ra quyết định, họ chỉ đơn thuần đưa ra ý kiến cá nhân, dựa trên suy nghĩ cá nhân, bất chấp nó có phù hợp với hoàn cảnh thực tế hay không. Đây là một hành vi thiếu đức ái, thiếu tôn trọng. Nó không khuyến khích và cổ võ cho bầu khí cộng tác giữa bề trên với bề dưới và giữa bề dưới với nhau. Rốt cuộc, bề dưới cảm thấy mình bị bỏ rơi, không được cảm thông và thấu hiểu. Thay vì hứng khởi chờ đợi sứ mạng, họ chỉ nơp nớp lo sợ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình.

Tốt nhất không nên chọn một người không biết lắng nghe làm bề trên, vì người không có khả năng lắng nghe là người không biết mở lòng. Người đó chỉ chú trọng đến cái tôi, sở thích và phán quyết cá nhân, chứ không đưa ra quyết định dựa trên những yếu tố khách quan và những ý kiến đóng góp của cộng đoàn. Không biết lắng nghe thì cũng sẽ không chịu ngồi đó để nghe bề dưới trải lòng, chia sẻ những khó khăn, những thành công thất bại, không cảm thông được và cũng không biết cách nâng đỡ họ. Người không biết lắng nghe thì chỉ chú trọng đến công việc chứ không quan tâm đến con người. Họ đề cao thành quả lao động, chứ không để ý đến những người đang phải lao động để có được thành quả ấy. Đây là một điều rất tai hại.

Cũng có khi do bề trên quá cứng rắn, quá thẳng thắn, khiến cho bề dưới sợ hãi. Sự sợ hãi có thể làm cho tương quan giữa hai bên có những rạn nứt. Công việc có thể được chạy tốt, nhưng không giúp cho cả hai được thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. Hoặc cũng có khi bề trên khá vụng về khi đưa ra mệnh lệnh. Họ quá nhu nhược, sợ mất lòng, sợ đụng chạm, chẳng mạnh mẽ trong các quyết định vì sợ chống đối, sợ khó khăn. Dĩ nhiên, bề trên không nên dùng quyền như một kẻ chuyên chế, nhưng họ là người được trao quyền, họ có quyền và có uy của một người cầm quyền. Nhưng có một số bề trên lại không dám sử dụng đặc ân này. Họ có thể vì quá bác ái, hay quá yếu đuối mà để cho người khác lợi dụng mình như con cờ hoặc bị người khác dùng các áp lực này nọ để khống chế. Quả là điều đáng buồn!

Cũng có một kiểu bề trên thiếu tình yêu dành cho Giáo hội. Họ chẳng có đời sống thiêng liêng, chẳng có mối tương quan thiết thân với Chúa. Có thể ngày trước họ đã từng rất tốt, đáng tin, nên mới được anh chị em bầu chọn. Thế nhưng, từ khi được cất nhắc lên một vị trí cao, họ chẳng còn giữ được những điều tốt mà họ đã từng có. Họ theo đuổi quyền lực, công danh. Họ cố gắng tìm kiếm ảnh hưởng, chỗ đứng. Họ tạo mối tương quan thân thiết với những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng, mang danh nghĩa là để giúp ích cho việc tông đồ, nhưng thực ra là để muốn chứng tỏ mình quan trọng. Họ tự đưa mình vào một đẳng cấp cao hơn các thành viên khác trong dòng. Có người còn cố gắng tìm cách sửa luật dòng để có thể kéo dài nhiệm kỳ làm bề trên. Họ quên mất rằng làm bề trên cũng là một sứ mạng, chứ không phải nơi thụ hưởng quyền lực. Kiểu bề trên như thế này sẽ dần dần mất đi bạn bè, mất đi niềm tin của anh chị em. Chẳng hiểu sau khi không còn là bề trên nữa, liệu có còn ai thật lòng muốn đến với họ!

Nhưng cũng có những nguyên do làm rảo càn cho sự vâng phục đến từ bề dưới. Trước hết, đó cũng là thái độ không thấy Chúa đang hoạt động nơi bề trên, đặc biệt khi thấy bề trên có nhiều sai sót, thua kém mình. Những người đã từng là bề trên, nếu không có đủ khiêm nhường và cảnh giác, hẳn sẽ cảm thấy khó vâng phục một người vốn đã từng là thuộc cấp của mình, thậm chí là học trò của mình, hay người mà năm xưa mình đã nhận vào dòng. Tất cả cũng đến từ sự kiêu ngạo, tự phụ về tài năng hay những thành công mình có được trong quá khứ, cho rằng bề trên hiện tại không bằng mình.

Có một số người có ý riêng quá mạnh, lại luôn dung dưỡng cho những tật xấu như không thích phụ thuộc, hay có thái độ phản đối, cứng đầu, quá tin vào kiến thức và phán đoán của mình. Cũng có thể họ là người đề cao tự do quá đáng, thích đòi quyền lợi. Khi không được như ý, họ lợi dụng tương quan để kéo bè phái chống lại bề trên, cắt nghĩa sai lệch ý muốn của bề trên, cốt để tạo phe ủng hộ cho mình. Họ cũng có thể lạm dụng quyền đối thoại. Nói là đối thoại, nhưng thực chất là thoái thác, chống chế, trốn tránh, thuyết phục bề trên làm theo ý mình, chứ không có một thái độ chân thành để tìm kiếm ý Chúa. Một số khác lợi dụng tài ăn nói của mình hay tương quan tốt giữa mình với bề trên để lươn lẹo, lèo lái bề trên theo ý mình khi bề trên truyền khiến điều gì đó khó chấp nhận, không thuộc sở thích hay sở trường của mình. Nếu không thành công trong việc thay đổi ý bề trên, họ chỉ đón nhận nó cách miễn cưỡng, làm cho có, cho xong để tỏ ý phản đối, chứ không mang lấy một tâm tình vâng phục đúng đắn.

Nơi bản thân đương sự luôn có mâu thuẫn giữa vâng phục Giáo hội và bề trên với nhận định và quyết định cá nhân; mâu thuẫn giữa cố định và di động, giữa sáng kiến và vâng phục, giữa chuyển động nội tâm và trung thành với Giáo Hội. Dù sao thì, người không vâng phục thường là người thiếu nhận định, thiếu ứng trực, thiếu tinh thần cộng tác, thiếu cảm thức thuộc về Giáo hội và về cộng đoàn. Để có thể sống tốt sự vâng phục, tương quan anh chị em hàng ngang với nhau đôi khi cũng là một trợ giúp rất tốt. Một anh em hay chị em nào đó có thể sẽ gặp khó khăn khi nhận được một sứ mạng mới không đúng ý mình, nhưng họ sẽ dễ dàng đón nhận và vượt qua nó khi được những anh em hay chị em khác nâng đỡ, động viên và tạo điều kiện tốt.

Thánh Inhaxio Loyola đã luôn đề cao đức vâng phục trong đời tu, xem đó là yếu tố quan trọng để thực thi sứ mạng. Ngài gọi những ai bất tuân và gây chia rẽ trong cộng đoàn những “ung nhọt” và cần phải bị khai trừ càng sớm sàng tốt trước khi nó gây ra những thiệt hại to hơn. Quả vậy, người luôn bất tuân và không có ý hướng muốn sửa đổi thì chẳng thể nào triển nở được trong đời dâng hiến và cũng là một dấu chỉ cho thấy họ không thể sống trong đời sống này. Tốt nhất, nên giúp giải thoát họ để họ tìm thấy ơn gọi đích thực cho mình, trong tình huynh đệ và lòng bác ái.

 Để có một sự vâng phục tốt hơn trong đời tu

Chúng ta đã biết về tầm quan trọng của sự vâng phục trong đời tu. Nó vừa giúp cho cá nhân trưởng thành hơn và cũng giúp cho đời sống tu cũng như sứ mạng được diễn ra cách tốt đẹp. Khi đã tuyên khấn vâng phục, hẳn là ai cũng muốn mình sống trọn vẹn lời cam kết này. Hơn ai hết, bề trên cũng mong muốn các thành viên trong hội dòng mình thực thi lời khấn này ở mức độ hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, thách đố làm cản trở sự vâng phục vẫn luôn tồn tại, khiến cho nó không được giữ với một sự tinh tuyền và lý tưởng vốn có. Một sự vâng phục tốt trong đời tu chỉ có thể là kết quả của sự hợp tác giữa bề trên và bề dưới. Chỉ một bên nỗ lực thì không đủ. Vậy thì, mỗi bên phải nỗ lực ra sao?

Bề trên có lẽ phải luôn ý thức rằng mình được chọn để phục vụ cho lợi ích chung của cộng đoàn, chứ không phải để thống trị họ. Bề trên được trao quyền như một công cụ để thực thi sứ mạng này. Một thái độ trịnh thượng, hống hách, tách khỏi bề dưới sẽ là một rào cản rất lớn đối với sự vâng phục. Một bề trên khôn ngoan là người luôn cố gắng tạo tương quan với bề dưới, khuyến khích họ cùng cộng tác với mình, biết rõ từng điểm mạnh điểm yếu của bề dưới, ngỏ hầu có thể giao cho họ những sứ mạng phù hợp, không quá sức với họ để không đặt ơn gọi của họ vào sự nguy hiểm, và cũng đủ thách đố để họ có thể phát huy được khả năng tiềm ẩn. Ý thức về tinh thần phục vụ theo gương Đức Giêsu sẽ giúp bề trên có được sự khiêm nhường, và nhận thức rõ rằng họ không chỉ là người giao sứ mạng cho người khác, mà chính họ cũng là người đang thực thi một sứ mạng. Để có được điều này, bề trên phải có một đời sống thiêng liêng vững chắc, một sự kết hiệp mật thiết với Chúa, rồi nhờ đó, họ trở thành một mẫu gương cho hết thảy thành viên.

Bề trên phải biết lắng nghe người khác, phải luôn mở lòng đón nhận những chia sẻ, tâm tư của anh chị em, đủ mềm mỏng để trao ban những an ủi, nhưng cũng phải đủ cứng rắn để sửa dạy bề dưới của mình. Họ phải luôn tế nhị trong hành động, cẩn trọng trong lời nói, không làm điều gì khiến bề dưới bị tổn thương. Họ phải cố gắng tạo tương quan với tất cả anh chị em, kể cả những người nhỏ bé nhất trong cộng đoàn. Nhờ đó, họ có thể tổ chức đời sống chung sao cho có trật tự, huấn luyện bề dưới thật tốt và có được những định hướng tông đồ đúng đắn. Họ biết rằng chẳng phải vì mình trỗi vượt hơn người khác nên mới được chọn là bề trên, nhưng chính vì anh chị em tin tưởng mình và đặt nơi mình một niềm hy vọng lớn. Bởi thế, họ phải luôn ở giữa anh chị em, hướng dẫn và cùng với anh chị em đi tìm và thực thi ý Chúa, liên kết anh chị em lại với nhau trong tình huynh đệ bền chặt. Vì là người có trách nhiệm đầu tiên của cộng đoàn nên họ phải có sự khôn ngoan, phải biết thực thi công bằng, quan tâm đến những nhu cầu, lắng nghe những đóng góp của mọi người, không được đưa ra những mệnh lệnh mâu thuẫn với lợi ích của cá nhân hay tập thể, càng không nên ra lệnh một cách ngẫu hứng, chẳng có một sự suy xét cẩn thận nào.

Bề trên cũng cần có một ý thức mạnh mẽ về sự yếu đuối và giới hạn của mình, để bất cứ khi nào họ cũng sẵn sàng mở lời hỏi ý kiến người khác, xin người khác giúp đỡ. Hơn hết, họ phải biết tạo điều kiện cho bề dưới phát huy sở trưởng của mình, khích lệ họ có những sáng kiến. Dĩ nhiên, không phải sáng kiến nào của bề dưới cũng buộc phải làm theo, nhưng ít ra, qua việc này, bề trên sẽ hiểu bề dưới hơn và biết đâu, bề trên sẽ được soi sáng bởi một ý tưởng nào đó của bề dưới.

Bề trên cũng cần có một khả năng ngoại giao tốt, biết tạo tương quan và liên kết với các dòng tu khác và với hàng giáo phẩm để công việc tông đồ của dòng được hợp nhất với chương trình của giáo phận và Giáo hội. Sự liên hết này không nhằm củng cố cho vị trí quyền lực hay chỉ để đơn thuần là mở rộng tương quan nhằm dễ dàng nhờ vả khi cần thiết. Nó hơn hết và trước kết thể hiện một sự liên đới của dòng với Giáo hội và với các thành viên khác trong Giáo hội. Không có mối liên kết này, dòng sẽ bị cô lập và đóng kín trong chính mình. Nhờ luôn mở ra với thế giới chung quanh, cộng với sự khôn ngoan trong nhận định, mọi mệnh lệnh của bề trên ắt hẳn sẽ được bề dưới dễ dàng đón nhận.

Mọi thành viên khác trong cộng đoàn được mời gọi để luôn tích cực cộng tác với bề trên, với một ý thức mạnh mẽ rằng bề trên hợp pháp đích thực là đại diện của Chúa, là người được Chúa sai đến để hướng dẫn mình trong đời tu, để truyền đạt ý của Ngài cho mình. Để có được điều này, họ phải không ngừng chăm lo cho đời sống thiêng, luôn hiểu được ý nghĩa của sự vâng phục. Dù muốn hay không, họ cũng phải có một niềm tin vào hoạt động của Chúa nơi bề trên, dù có khi bề trên có những phán quyết làm họ không hài lòng. Sự bỏ mình trong vâng phục được thể hiện ở việc họ luôn sẵn sàng tìm lý do để biện minh cho bề trên hay những gì bề trên mong muốn hơn là cứ khăng khăng ý mình, tìm cách phê bình, chỉ trích.

Ngay từ khi mới bước chân vào đời tu, người tu sĩ phải được huấn luyện để có được sự dung hoà giữa việc đưa ra ý kiến cá nhân và vâng phục bề trên của mình. Sẽ là một nền huấn luyện thất bại khi tu sĩ nào “ra lò” cũng chỉ biết răm rắp nghe lệnh mà chẳng có chút ý kiến hay sáng kiến gì. Nhưng cũng không thể gọi là thành công khi bề dưới nào cũng sẵn sàng to tiếng cãi lại bề trên mỗi khi bề trên trao sứ mạng rồi biện minh rằng đó là thực thi quyền tự do ngôn luận. Bề dưới phải luôn bỏ mình, bỏ những ý riêng của mình, bỏ thói ngông cuồng tự phụ, bỏ niềm kiêu hãnh về những gì mình có hay những gì mình đã làm được. Trong đời tu, những điều này chẳng giúp ích gì và cũng chẳng có nghĩa gì. Thay vì nhiệt tình phản đối bề trên, hãy dùng sự nhiệt tình đó cho việc tông đồ của mình. Bề dưới phải nỗ lực để có được sự vâng phục với đức tin, niềm hy vọng và lòng yêu mến. Nếu không có được điều này, người tu sĩ sẽ rất dễ bị hoang mang, lo lắng và cảm thấy bất mãn khi phải chịu thiệt thòi nào đó.

Giữa bề trên và bề dưới, trước khi đưa ra một quyết định nào đó, cần có một sự đối thoại trong bầu khí cầu nguyện, trong sự chân thành, cởi mở, với ý hướng mong sao tìm ra ý Chúa. Nếu cả hai có thể đạt được điều này, ắt hẳn sẽ không có khó khăn mấy để có một sự vâng phục hoàn hảo.

Vấn đề đối thoại trong vâng phục

Để có một sự đồng tâm nhất trí giữa bề trên và bề dưới, đối thoại là điều rất cần thiết. Đó là một cuộc trò chuyện giữa hai bên về cùng một chủ đề nào đó, với dụng ý sẽ tìm ra một giải pháp chung cho tốt nhất cho tất cả. Một bề trên không bao giờ nghe ý kiến của bề dưới thì dù có đưa ra quyết định đúng trong công việc cũng có nguy cơ không phù hợp với bề dưới. Một bề dưới không bao giờ chia sẻ tâm tư ước nguyện với bề trên thì khó lòng để bề trên hiểu mình, và khi nhận được một quyết định nào đó không ưng ý, họ dễ cáu gắt và bất mãn. Đối thoại trước hết giúp hai bên được lắng nghe nhau, bày tỏ suy nghĩ cho nhau, cùng nhau vạch ra những đường hướng, những điểm thuận lợi và không thuận lợi, từ đó đi đến sự hiểu nhau, đồng tâm nhất trí.

Khác với những cuộc thương thảo hay trao đổi theo kiểu làm ăn, đối thoại trong đời tu có bản chất là một cuộc nhận định để tìm ý Chúa. Chúa có thể biểu lộ ý của mình bằng nhiều cách. Đôi khi là qua phán đoán của bề trên, đôi khi qua những dấu chỉ tỏ tường. Nhưng phần lớn là qua những cuộc trao đổi trong tinh thần đối thoại như thế. Bởi vậy, trong cuộc nói chuyện, bề trên và bề dưới phải ý thức rằng đây là một buổi cầu nguyện, là lúc mà hai người “tụ họp” nhân danh Thầy Giêsu, chứ không đơn thuần chỉ là một kiểu trao đổi vu vơ, giải trí, hay chất vấn, lấy thông tin… Muốn vậy, giữa hai bên phải có sự tin tưởng dành cho nhau, một sự gần gũi trong bầu khí anh chị em với nhau. Cả hai đều phải mang thiện chí là muốn biết và thực thi ý Chúa, chứ không khăng khăng cố chấp ở lại trong ý riêng của mình. Nếu như mỗi bên đã có quyết định của riêng mình rồi, họ đến gặp nhau chỉ để thuyết phục người kia làm theo ý mình, thì đó không còn là đối thoại nữa. Đó chỉ là một kiểu đàm phán theo kiểu hợp đồng mà thôi.

Để cuộc đối thoại được diễn ra tốt đẹp, bề trên và bề dưới đều cần Thần Khí soi dẫn. Khi nhắc đến Thần Khí, ta nghĩ đến sự thiện chí, sự mở lòng, sự sẵn sàng đón nhận mọi khả thể mới có thể xảy đến. Ta cũng nghĩ đến những sáng kiến, những ý tưởng hay mà có khi cả hai người chưa hề nghĩ ra trước đó. Ta nghĩ đến mọi điều tốt đẹp mà Chúa sẽ gửi đến cho hai bên, vừa giúp họ có thêm ánh sáng để nhận định, vừa ban thêm sức giúp họ can đảm đón nhận điều được mời gọi và chu toàn nó trong sự nhiệt thành hăng hái. Có đôi khi, bề trên phải đối thoại với những bề dưới vốn là người không được xuất sắc cho lắm và luôn có những suy nghĩ rất “lạ đời”. Nhưng bề trên không nên tỏ ra khinh thường để rồi không để ý, hay tỏ ý chê trách, bác bỏ. Bề trên cần có sự kiên nhẫn với họ, lắng nghe, rồi từ từ giúp họ nhận ra những sai sót trong suy nghĩ của mình một cách khôn ngoan mà không làm họ tổn thương.

Sự đối thoại cũng cần một sự tự do, kẻ nói người nghe và sát thực tế. Cả hai đều được mời gọi để chia sẻ suy nghĩ của mình. Và khi người này nói thì người kia phải lắng nghe, chứ không phải giành nhau nói, hay chỉ ngồi đó mỉm cười. Bề trên phải tạo ra một bầu không khí thân thiện để bề dưới không cảm thấy sợ sệt, hay bị áp lực đến độ không dám chia sẻ. Thường thì bề trên nên để cho bề dưới nói nhiều hơn, còn mình thì chịu khó lắng nghe, ghi nhận và chỉ lên tiếng khi cần thiết. Nên nhớ, đây không phải là một buổi “hỏi cung”, nên phải tránh mọi kiểu nghiêm nghị, răn đe, doạ nạt. Nội dung của cuộc đối thoại phải sát thực tế và đi thẳng vào vấn đề cần trao đổi. Không nên mất thời giờ để nói về những chuyện tưởng tượng nào đó, hay của ai đó, chẳng có liên can gì đến chuyện của mình. Bề trên phải cảnh giác, không để cho cuộc trò chuyện bị lạc đề, không có điểm nhấn, và chẳng sinh ích lợi gì.

Đối thoại là cần thiết, nhưng cũng phải lưu ý rằng sau đó quyền quyết định vẫn thuộc về bề trên. Nếu cả hai cùng tìm ra được sự đồng thuận và giải pháp tốt nhất thì tuyệt vời. Nhưng giả như sau khi nói chuyện, mỗi bên vẫn giữ nguyên ý kiến của riêng mình thì bề trên là người có tiếng nói cuối cùng. Sự vâng phục thể hiện ở chỗ: khi cuộc đối thoại diễn ra, mình có quyền chia sẻ những gì mình muốn, nhưng khi bề trên đã quyết định rồi thì mọi chuyện chấm dứt, bề dưới không nên tỏ ra khó chịu, gặp ai cũng càm ràm, đòi gặp người này người kia để tiếp tục nói chuyện, đặc biệt là không được “bàn ra”. Bề dưới phải tin rằng quyết định của bề trên sau cuộc đối thoại là ý Chúa, nên nếu quyết định ấy đối nghịch với ý mình thì mình phải cố gắng từ bỏ ý riêng để hoà quyện ý mình với Chúa, coi quyết định của bề trên là điều mà mình thật sự muốn làm.

Để tìm biết ý Chúa, sự thẳng thắn và bình tâm là điều rất cần thiết. Bình tâm là một trạng thái để mình hoàn toàn tự do trước mọi thúc đẩy của Chúa, gạt bỏ hết mọi định kiến cá nhân, không bị điều gì ràng buộc, không dính bén vào một lôi kéo nào, như bàn cân không nghiêng về bên trái hay bên phải. Đó là một sự mở lòng hoàn toàn với một thái độ sẵn sàng đón nhận. Trong sự đối thoại, cả hai bên đều được mời gọi để mang lấy thái độ này, nếu không, mọi cái sẽ trở nên vô ích. Sự đối thoại giúp bề dưới dễ dàng vâng phục hơn, và vâng phục trong sự trưởng thành, trách nhiệm và tự nguyện hơn. Nó cũng giúp bề trên tránh thái độ độc tài, chủ quan nhưng trở nên sáng suốt hơn trong quyết định của mình. Nó cũng là cơ hội để hai bên hiểu được nhau hơn. Thiết nghĩ rằng đó cũng là một nét đẹp trong đời tu mà ai cũng khao khát.

 

print