Viết Cho Ông – Ngôn Sứ Giôna

VIẾT CHO ÔNG – NGÔN SỨ GIÔNA

 

 

Kính gửi ông Giôna,

Con thích đọc Kinh Thánh Cựu Ước lắm, trong đó có nhiều nhân vật và nhiều câu chuyện rất hay, rất hấp dẫn. Con cũng thích nhiều nhân vật trong đó, và trong đó có ông, một đấng mày râu, tuổi hoa râm nhưng mà tâm hồn thì đơn sơ như trẻ nhỏ. Rồi con thích cái tính “làm nũng” của ông nữa, mối tương quan giữa ông và Chúa thật là gần gũi, dễ thương và thân tình quá đỗi.

Mỗi lần nghe đến bài đọc về ngôn sứ Giôna là con rất thích, nghe đi nghe mãi câu chuyện của ông mà còn không hề chán, thấy dễ thương vô cùng. Con nghe con cứ tủm tỉm cười vì cái độ dễ thương “xí xọn” của ông.

Ông là ngôn sứ, ông có sứ mạng truyền lời của Chúa đến cho dân. Vì vậy mà Chúa sai ông đi đến thành Ninivê để kêu gọi dân ăn năn sám hối, vì dân làng đã làm nhiều điều mất lòng Chúa. Nhưng ông Giona không muốn đi, vì ông không thích thành này, thích sao được, vì lúc đó Ninivê là thành phố lớn của đế quốc Assur, kẻ thù truyền kiếp của dân Do thái ! Ông biết Thiên Chúa sẽ không phạt Ninivê nếu Ninivê ăn năn sám hối, vì Ngài là một Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Ông không nghe lời Chúa, thay vì đi lên Ninivê ở miền Bắc, thì ông lại xuống tàu đi Tharsis ở miền Tây.  Nhưng mà Chúa đâu có chịu thua ông heng, Chúa đã cho một cơn bão nổi lên, ai trên tàu cũng sợ hãi, họ lo cầu nguyện với thần của họ, còn ông thì chui xuống tuốt đáy tàu và năm ngủ ở đó. Con tin chắc là ông chả ngủ được đâu, vì thuyền lắc lư, người ta sợ hãi la lối om sòm sao ngủ, vậy mà ông nhắm mắt giả bộ ngủ, bởi vì ông đang trốn Chúa sao mà cầu xin Chúa được heng. Bão thì cứ bão,cho chìm thuyền chết luôn, ta đây đâu có sợ bão…

Nằm hoài coi bộ chịu không nổi, thấy không kham rồi, cho nên ông thú thật với mọi người là do ông mà Thiên Chúa cho bão như vậy. Ông nói người ta khiêng ông bỏ xuống biển đi, biển sẽ lặng hà. Và họ đã làm thiệt. Còn ông thì chắc lúc đó là cầu cho mình chết quách cho rồi, để khỏi làm những điều mình không thích nữa. Thế rồi, khi bỏ ông xuống biển, biển lặng thiệt, và những người trên biển lại tin vào Chúa qua phép lạ đó. Còn ông thì chìm sâu trong lòng biển, lúc đó ông mới thấy sợ hãi, và cầu xin Chúa giúp ông. Mà con thấy Chúa thương và chìu ông thiệt, Chúa cũng giả bộ để cho ông chìm trong lòng biển xem sao. Mặc dù ông làm ngược ý Ngài đó, mà rồi khi ông kêu cầu thì Chúa liền ra tay cứu giúp, cho một con cá to nuốt ông, và đưa ông đến đất liền vùng Ninivê, mà Chúa muốn ông đến lúc trước.

Tưởng đâu là mình chết rồi, không phải đi Ninivê nữa chứ, ai dè mới ngoi ra khỏi miệng con cá, Chúa gọi “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta” (Gn 1:2). Có chạy đằng trời cũng không thoát khỏi Chúa, thôi thì đứng dậy và đi làm thôi. Thế là ông tiến vào thành Ninivê theo Chúa muốn, đến nơi ông nói cho họ biết rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” ( Gn 3:4). Ông đi vì biết là không trốn được nữa, chứ thực lòng ông chẳng muốn. Thế mà lời cảnh báo của ông có hiệu lực cực mạnh: “Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” ( Gn 3:5-6). Một cuộc trở lại toàn bộ, kể cả súc vật. Đó là một cuộc truyền giáo mà ông thực hiện thành công nhất từ trước đến giờ, chưa ai làm được như ông. Toàn thành Ninivê ăn năn sám hối thế là Chúa động lòng trắc ẩn Chúa tha thứ cho họ.

Còn ông khi thấy dân ăn năn và Chúa đã tha thứ cho họ, ông lại “giở chứng” “Ông Giô-na bực mình, bực lắm, và ông nổi giận.” (Gn 4:1) Ông giận vì ông biết Chúa sẽ tha khi họ ăn năn, cho nên ông đã không muốn đi khi Chúa kêu ông đến Ninivê. Rồi ông nói lẫy với Chúa: “Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống! “. Chúa thấy ông giận dỗi, nên Chúa hỏi ông “Ngươi nổi giận như thế có lý không?” (Gn 4:4). Lúc đó ông im re, biết trả lời sao giờ, vì tất cả mọi người ăn năn trở lại, Chúa tha thứ, thì ông làm gì có lý do để giận mà dám trả lời. Ông hờn dỗi Chúa và bỏ ra ngoài thành, làm một cái lều và chui vào đó ngồi chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra cho thành Ninivê. Vậy mà Chúa rất thương ông, thấy ông giận dỗi như thế, Chúa cho  một cái cây thầu dầu mọc lên để có bóng mát che cho ông. Khi thấy có cái cây che mát vậy, ông rất vui vẻ. Thế rồi sáng hôm sau, cái cây bị một con sâu cắn chết, nắng lên dọi ngay cái đầu trán sói của ông, sức nóng làm cho ông ngất xỉu. Rồi ông lại xin chết một lần nữa. Chúa hỏi ông “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không? ” Ông trả lời: “Con có lý để nổi giận đến chết được! (Gn 4;9). Con đọc tới chỗ này, con thấy ông thật là dễ thương, như một đứa trẻ đối với cha mẹ mình, nũng nịu, giận dỗi mà cha mẹ không hề bỏ. Chúa cũng vậy, Chúa rất kiên nhẫn với ông, làm mọi cách để cho ông hiểu việc Chúa làm.

Con đọc đến cuối sách của ông với câu nói của Chúa “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi.  Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?”, con thấy Chúa có vẻ tủi thân phải không ông? Vì Chúa giàu lòng thương xót, tha thứ cho người biết ăn năn sám hối, vậy mà có người không chịu hiểu, mà cứ giận dỗi. Khi đặt bút kể lại tâm sự này của Chúa, chắc ông đã thấm, đã hiểu tấm lòng nhân hậu của Ngài rồi phải không?

Ông Giona này, qua câu chuyện của ông con cảm thấy mình cũng đâu đó trong hình bóng ấy, đôi khi chán nản bỏ cuộc, chạy trốn, giận hờn, bực bội khi mà mọi sự không như ý mình muốn, cầu nguyện hoài không thấy được nhậm lời…Và con sẽ bắt chước ông, cho dù có giận, có buồn thì vẫn luôn trông cậy, và cầu xin Chúa vì Chúa là Đấng luôn giàu lòng xót thương. Sống tương giao với Chúa như một người bạn rất thân, rất gần gũi, có thể vui buồn, giận hờn những không thể rời xa. Và nhất là mỗi khi buồn con lại đem sách ông ra con đọc. Cám ơn ông vì độ dễ thương ông đem đến và lan tỏa. Cám ơn ông đã dám can đảm thuật lại đời mình một cách chân thực đến vậy.

Sr Mây Trắng

print