Xứng đáng là con người

Xứng đáng là con người

 

Vào một ngày đẹp trời, có phú gia nọ mở tiệc và mời khá đông khách đến dự. Ông hàng xóm gọi người làm công đến và bảo: – Này, anh đi xem coi có bao nhiêu người đến dự tiệc nhà bên ấy.

Người làm công ra đi. Anh đặt một khúc gỗ bên ngưỡng cửa và ngồi đợi cho đến lúc khách ra về. Anh quan sát thấy, ai đi tới cửa cũng chửi rủa khúc gỗ và bước qua. Có một bà lão đi tới, thấy khúc gỗ, bà liền đứng lại nhẹ nhàng chuyển nó sang một bên. Người làm công trở về báo với ông chủ chỉ có mỗi một người đi dự tiệc, đó là bà lão. Ông chủ ngạc nhiên hỏi: – Tại sao như vậy? Người làm công trả lời: – Tôi đã để một khúc gỗ bên thềm nhà, tất cả các khách mời đều bước qua nhưng chẳng ai buồn dẹp nó đi, họ vô cảm như một lũ cừu. Chỉ bà lão mới hành động có ý nghĩa và bà xứng đáng được gọi là con người.

Quý vị và các bạn thân mến,

Phẩm hạnh của một người thể hiện qua từng hành vi, cử chỉ và lời nói. Người có phẩm hạnh cao quý phải lấy đức “Nhân” làm gốc. Người có đức nhân thì biết đặt lợi ích chung lên trên và mong muốn làm điều tốt cho người khác. Trong gia đình, đức nhân thể hiện ra bằng thái độ kính trên nhường dưới, anh em hòa thuận. Ngoài xã hội, đức nhân thể hiện ở việc tuân thủ các luật lệ, giữ công bằng và không gây hại cho người khác.

Con người là một huyền nhiệm trong cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Tôi yêu con người vì con người là hình ảnh Thiên Chúa. Cái hình ảnh mảnh mai ẻo lả như cánh vạc bay, mờ ảo như diễm xưa ấy, hay vóc dáng đĩnh đạc cường tráng…tất thảy đều âm vang một tiếng gọi của tình yêu, một tiếng gọi không ồn ào nhưng hiền hòa lặng lẽ, chân thật và mộc mạc như đất dưới chân ta. Dù có lên non cao chất ngất hay chìm sâu dưới đáy biển, hình ảnh ấy vẫn nguyên vẹn tinh khôi. Ở buổi đầu sáng tạo, Thiên Chúa đã ưu ái chúc phúc cho con người, Ngài đặt vào trái tim họ khát vọng được sống và được yêu thương. Vì thế dù có đi xa mấy mươi năm, mấy mươi nghìn vạn dặm, con người vẫn hướng về nguồn cội là chính Thiên Chúa.

Tất cả con người đều tội luỵ nhưng cao quý, vì tất cả đều được yêu thương và cứu độ nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Không phải chỉ có con người mà thôiMuôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19). Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã bỏ mình hóa ra như không vì con người. Con Thiên Chúa đã đến mang lấy cái mong manh, khờ khạo tội luỵ của con người mà giương cao lên thập giá, giương cao tất cả nước mắt, nụ cười, ngu muội lẫn khổ đau để biến thành ánh sáng lung linh diệu vợi. Giây phút Đức Giêsu căng mình trên thập giá là giây phút đẹp nhất và tràn ngập niềm vui. Chỉ trong giờ phút linh thiêng ấy con người và vạn vật mới thấu hiểu được lẽ yêu thương. Có thể nói khi ta đau khổ nhất là lúc ta hạnh phúc nhất, yêu thương chân thật nhất. Hy sinh là dấu chỉ và thước đo của tình yêu. Ai đã từng khổ tận trong tình yêu, có đạt đạo trong nỗi khổ mới thể nghiệm được giá trị làm người và mới lớn lên thực sự thành người.

Người Kitô hữu được mời gọi sống yêu thương như Chúa Giêsu, yêu đến cùng tận của bản ngã. Hệ luận của yêu thương là ta được giải thoát. Đức Kitô đã từng khẳng định “Chân Lý sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). Yêu thương luôn mở lối cho sự sống. Trong yêu thương người ta mới dám ngước nhìn lên Thiên Chúa mà xóa đi mặc cảm tội lỗi, dám xưng với Thiên Chúa là Cha. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải vượt lên trên cách ứng xử của xã hội loài người mà vươn tới sự hoàn thiện, đó là phải có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Thiên Chúa sẽ trả cho ta tất cả những gì ta đã làm cho người khác (x. Mt 25,40).

Lạy Chúa, đức mến là cái gốc của mọi nhân đức, xin cho chúng con luôn thực hành đức mến với mọi người xung quanh, để trở thành con cái của Chúa; vui sống yêu thương phục vụ hầu loan báo tình yêu và ơn cứu độ của Chúa cho mọi người. Amen.

Phương Anh

print