CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A – 2020
Cho Tròn Chữ Yêu
Lm. Giuse Nguyễn
Kinh Mười Điều Răn Đức Chúa Trời được kết bằng câu: “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy.” Đạo Đức Chúa Trời là đạo yêu. Vì vậy khi ta sống cho tròn chữ yêu là ta trọn đạo Đức Chúa Trời.
Bài đọc thứ nhất (Êd 33, 7-9) là sứ mạng rất nặng nề của ngôn sứ Êdêkiel để ông tròn chữ yêu là ông phải lên tiếng cảnh báo người gian ác: “Nếu ngươi không nói để cảnh báo đứa gian ác, thì máu nó, Ta sẽ đòi ngươi.” Điều này làm ta phải thức tỉnh lương tâm để phân biệt “đứa gian ác” và “sự gian ác”. Đứa gian ác là anh chị em tôi. Sự gian ác là tội do ma quỷ xúi giục. Thiên Chúa dạy ta ghét tội nhưng không được ghét anh chị em mình. Vì vậy phải lên tiếng cảnh báo khi thấy anh chị em mình làm điều gián ác. Đó không chỉ là việc tốt cần làm, mà còn là trách nhiệm vì “ngươi không chịu cảnh cáo nó để từ bỏ con đường xấu xa thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33, 8b). Thiên Chúa đã đặt tình liên đới với anh chị em mình đến mức “yêu người như mình ta vậy!”
Trang Tin Mừng (Mt 18, 15-20) Đức Giêsu dạy ta bằng mọi giá phải giữ mối tương quan với anh chị em mình. Giả dụ khi nó gặp trục trặc thì ta phải tìm cách giải quyết cho tốt đẹp. Đó là Chúa dạy ta phải tròn chữ yêu. Nhưng sâu xa hơn Chúa cho ta thấy Ngài yêu ta đến cùng, Ngài không bỏ ta dù ta có như thế nào chăng nữa.
Đoạn Tin Mừng này là cả một kết hoạch để hàn gắn tình anh em nếu nó trục trặc. Chúa dạy ta không được “để bụng” khi có những phiền muộn do người khác gây ra, vì nó sẽ đầu độc tâm trí khiến ta không nghĩ điều gì khác ngoài cảm giác mình bị tổn thương. Lúc nào cũng nghĩ đến những sai trái của người khác dành cho mình. Lúc nào cũng như bị người khác cầm dao đâm vào tim mình. Chúa dạy ta sự thẳng thắn để cho ta thấy vấn đề chẳng có gì quan trọng và gay go. Có chăng là do ta cứ ấp ủ trong lòng, khiến nó gặm nhấm tâm hồn ta như một thứ bệnh ung thư tiềm ẩn.
Đức Giêsu thẳng thắn với tất cả mọi người. Ví dụ ông Simon biệt phái có thiện cảm mời Ngài đến dùng bữa, nhưng ông khó chịu khi thấy người phụ nữ lấy thuốc thơm xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Ngài đã nói thẳng với ông: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.” Hay với Giuđa có ý định nộp Thầy, Đức Giêsu đã nói cho nhóm 12 biết điều đó. Chính Giuđa đã “giả vờ” hỏi Thầy: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Ðúng như con nói”. (Mt 26,25). Đối với Thiên Chúa, không có gì là úp mở, không có gì là bóng tối, nhưng phải là thẳng thắn và ánh sáng, vì có như thế thì chữ yêu mới tròn.
Những kế hoạch để chữ yêu trọn vẹn mà Đức Giêsu đã dạy phải là lần lượt giữa 2 người, rồi đến vài người khôn ngoan và thiện chí, sau cùng là đưa ra cộng đoàn.
Giữa hai người để nói cho rõ, nghe cho tường, kẻo những tiếng đồn làm vấn đề càng ngày càng xa. Thêm vài người khôn ngoan và có thiện chí không phải để trấn áp đối phương, nhưng để hòa giải; Không phải để vạch trần điều xấu của ai đó, nhưng để giúp cả hai nhìn thấy vấn đề, vì nhiều khi cả hai đều có lỗi. Các Rapbi Do Thái có một câu nói rất hay: “Đừng phán xét một mình, vì không ai có thể phán xét một mình trừ Đức Chúa Trời.” Bước thứ ba là đưa ra Hội Thánh. Không phải để người sai lỗi bị kết án, bị loại trừ, nhưng để ta phải biết cách hành xử của người trong đại gia đình Hội Thánh là không bao giờ được phép giải quyết những rắc rối bằng luật dân sự và những lý lẽ ngoài đời, vì nếu luật dân sự có giải quyết, thì chữ yêu cũng sẽ không còn trọn vẹn. “Hãy làm mọi sự vì Đức Ái”. Chỉ trong Hội Thánh mới giải quyết vấn đề bằng ánh sáng của tình yêu thương, và nhờ vậy chữ yêu mới tròn.
Bước cuối cùng nếu Hội Thánh mà họ cũng không nghe, thì hãy kể họ “như một người ngoại hay một người thu thuế”. Đó không phải là sự loại trừ. Đức Giêsu muốn nói rằng con người có bất lực trước sự cứng lòng của người khác, nhưng Ngài thì không, vì Ngài rất yêu thương, kính trọng những người ngoại và những người thu thuế. Cho nên trong Thiên Chúa không ai bị loại trừ.
Tất cả những bước mà Đức Giêsu dạy ta là để ta làm cho chữ yêu được trọn vẹn. Vì vậy từng bước giải quyết đều phải có tình yêu và thiện chí, vì chỉ có tình yêu mới giải quyết được mọi vấn đề.
Ta ngại giải quyết vấn đề vì ta tế nhị, sự tế nhị không đúng đắn, nó bao bọc cho sự yếu nhược trong tâm hồn. Ta giải quyết vấn đề một cách hùng hổ, vội vã, cứng nhắc, “cả vú lấp miệng em”… muốn bộc lộ ta là một con người thẳng thắn, trong sáng… cũng không được, nó cũng đang bao bọc một tâm lý yếu nhược vì sợ người khác tấn công nên ta tấn công trước. Mọi sự cứ từng bước trong yêu thương thì chữ yêu mới trọn.
Xin Chúa cho chúng con có được cung cách của Đức Giêsu để sống, để đối xử, để yêu thương, vì chỉ có một món nợ mà chúng con phải mắc, đó là “nợ tương thân tương ái” (Rm13, 8). Khi đã có tình yêu thương trong cuộc đời thì chúng con không còn sợ gì cả, vì “đã yêu thương thì khong làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm13,10).