Yêu thương là một dòng chảy không ngừng

print

Yêu thương là một dòng chảy không ngừng

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM C

Bài đọc 1: Cv 14,21b-27; Bài đọc 2: Kh 21,1-5a; Phúc Âm: Ga 13,31-33a.34-35 

Chắc hẳn nhiều người biết chuyện thánh nữ Maria Goretti. Maria Goretti là một thiếu nữ vừa đẹp người vừa đẹp nết. Nhưng gia đình thì nghèo, không có nhà riêng để ở, phải ở chung nhà với gia đình của anh chàng Alexandre. Hằng ngày, mẹ và các anh của Goretti ra đồng làm ruộng. Goretti ở nhà lo việc nội trợ và giữ em. Anh chàng Alexandre từ lâu đã yêu cô gái Goretti và cũng đã vài lần dụ dỗ Goretti cùng mình trao đổi những cử chỉ yêu đương, tuy nhiên Goretti luôn từ chối. Một hôm, Alexandre đang làm ruộng ngoài đồng, nhưng biết Goretti ở nhà một mình nên lấy cớ đau bụng để trở về nhà. Về đến nhà, Alexandre giả bộ nhờ Goretti vào phòng hắn lấy cái áo đứt nút đơm lại giùm. Cô gái ngây thơ có tính hay giúp đỡ tưởng thật nên đi vào. Alexandre lại một lần nữa đề nghị chuyện ân ái. Goretti vẫn từ chối. Khi ấy, vì đam mê đã làm cho lý trí mù quáng. Alexandre dùng dao đâm túi bụi 17 nhát vào mình Goretti rồi chạy trốn. Sau đó anh của Goretti sinh nghi từ ruộng trở về thấy em gái mình sắp chết, anh thề sẽ trả thù. Goretti tha thiết xin anh hãy tha cho hắn. Cuối cùng Goretti chết và Alexandre bị cảnh sát bắt. Một đêm kia anh thấy Goretti hiện ra với mình và tặng cho mình những cánh hoa màu trắng và màu đỏ. Từ đó, Alexandre ăn năn sửa mình, nên được khoan hồng trả tự do trước khi hạn tù chấm dứt. Alexandre còn được vinh dự tham dự lễ phong thánh cho thánh nữ Maria Goretti.

Kết quả hình ảnh cho Maria Goretti

Có thể xem câu chuyện trên là một câu chuyện tình. Trong chuyện ấy có hai thứ tình: tình của Alexandre đối với Goretti là một thứ tình yêu thấp hèn dục vọng, còn tình của Goretti đối với Alexandre là một thứ tình yêu cao đẹp. Nếu dùng từ ngữ của bài Tin Mừng hôm nay, thì tình yêu của Alexandre là tình yêu kiểu cũ, còn tình yêu của Goretti là thứ tình yêu kiểu mới.

Trong bài Tin Mừng vừa đọc, Chúa Giêsu khuyên bảo chúng ta hãy yêu thương nhau. Thực ra, tình yêu là chuyện vĩnh cửu, kể từ khi có mặt con người trên trái đất này thì đã có tình yêu. Cho nên nếu Chúa Giêsu chỉ bảo người ta thương yêu nhau như người ta đã từng yêu thương từ trước tới giờ thì lời khuyên dạy của Chúa là thừa và vô ích. Nhưng lời Chúa không thừa, không vô ích, vì Chúa không dạy người ta thương yêu nhau kiểu cũ, mà là thương yêu nhau kiểu mới.

Thế nào là yêu thương kiểu cũ, và thế nào là yêu thương kiểu mới ?

Lẽ tự nhiên, con người biết thương và biết ghét. Thương người vừa ý mình và ghét kẻ trái ý mình. Ðó là yêu thương kiểu cũ. Sách Lêvi trong Cựu Ước dạy một thứ tình yêu thương cao hơn, đó là đừng thù oán ai, nhưng hãy yêu thương mọi người như yêu thương chính mình. Ðó là yêu thương kiểu khá mới. Còn trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy một tình yêu thương cao hơn nữa, không phải chỉ yêu người như yêu mình, mà phải yêu người như Chúa đã yêu. Ðó là yêu thương kiểu mới nhất. Vậy Chúa đã yêu như thế nào? Có vài chi tiết trong bài Phúc Âm giúp ta hiểu rõ hơn cách yêu thương của Chúa:

Chi tiết thứ nhất là ở câu “Khi Giuđa đi rồi…”: Giuđa đi để thực hiện âm mưu bội phản Thầy. Lúc đó lẽ ra Chúa phải chua chát cho tình nghĩa thầy trò, thế mà Ngài chan chứa yêu thương.

Chi tiết thứ hai là ở câu “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”: nếu không yêu thương thì không phải là môn đệ của Chúa.

Qua những chi tiết trên, ta hiểu được rằng yêu thương như Chúa đã yêu là yêu thương chính lúc người thường không thể yêu, yêu thương chính cái điều mà người thường không thể yêu và yêu thương những người mà người thường không thể yêu. Hơn nữa người môn đệ Chúa bó buộc phải yêu thương như thế thì mới xứng đáng là môn đệ Chúa.

Ta hãy trở lại chuyện thánh nữ Maria Goretti. Yêu thương của Alexandre là theo sự thúc đẩy của bản tính, của tính dục. Khi tình dục không được thỏa mãn thì quay ra thù ghét và giết chết Goretti. Còn yêu thương kiểu Goretti là yêu chính kẻ giết mình, yêu thương chính lúc đau đớn sắp chết, yêu thương để tha thứ và để cứu vớt Alexandre. Chúa muốn chúng ta yêu thương theo kiểu mới đó. Không phải Chúa chỉ muốn, mà Chúa còn truyền như một giới răn “Thầy ban cho chúng con một giới răn mới”. Chúng ta sẽ thực hiện giới răn mới ấy ra sao? Có một tác giả kia khi viết bài suy ngẫm về bài Phúc Âm này, đã đề nghị một số việc là làm hòa với những kẻ ghét mình; là cầu nguyện cho kẻ ghét mình; là làm tươi hồng môi trường sống bằng những việc phục vụ và bằng những lời nói yêu thương.

Yêu như Thầy đã yêu không phải là tình yêu vị kỷ (Eros), yêu người khác nhưng chỉ chiếm đoạt cho riêng mình, vì mình mà thôi nhưng chính là tình yêu vị tha (Agapé) sẵn sàng hiến dâng, hy sinh cho kẻ khác.

Yêu như Thầy đã yêu chính là một dòng chảy không ngừng, từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa đổ xuống chúng ta, qua Thánh Thần Tình Yêu của Người, rồi từ con tim tràn đầy yêu thương của chúng ta, dòng suối tình yêu lại tuôn tràn sang những người anh em khác.

LM Carolô HỒ BẶC XÁI,

Tổng Ðại diện GP Cần Thơ