Lá Thư Ngỏ Gửi Ba Môn Đệ Ưu Tú
Bộ Ba thân mến!
Hôm ấy, Thầy dẫn ba cậu lên núi. Tớ nhìn theo, thèm quá! Chờ mãi, chờ mỏi mệt, mới thấy Thầy trò đi xuống. Thầy thì trầm tư, y như mới xuất thần. Trò thì ra vẻ ta đây. Cặp mắt nào cũng hấp háy. Cặp môi nào cũng nhấp nháy. Tớ hỏi các cậu, thì ba ngón trỏ gí vào ba cặp môi vêu ra. Ý các cậu muốn nói rằng: “Bí mật tuyệt đối. Đừng xía vào”. Tức lắm, nhưng tớ đành chịu thua, chờ thời gian trả lời.
Chờ mãi, chờ cả năm dài, chờ cho tới khi Thầy trỗi dậy từ cõi chết. Bấy giờ chuyện bí mật mới được bật mí. Cả ba cậu thi nhau kể. Anh nào cũng hãnh diện, vì được thấy Thầy rực sáng như mặt trời. Tớ lặng lẽ ghi nhận từng chi tiết. Tớ suy nghĩ thật lâu. Bây giờ tớ yêu cầu các cậu im lặng để nghe tớ nói. Tớ nói về Thầy. Tớ nói về các cậu.
- 1. Bốn Thầy trò leo núi. Đến điểm dừng chân, thì Thầy đi cầu nguyện, còn trò thì ngủ lăn lóc, nằm co quắp, ngáy khò khò. Thầy thì cao vời vợi, trò thì thấp tè tè. Lẽ ra các cậu phải bám sát Thầy, để học hỏi, để lưu trữ tài liệu lưu truyền cho hậu thế. Tớ hỏi: Thầy cầunguyện với tư thế nào, các cậu lắc đầu. Tớ hỏi: nội dung cầu nguyện của Thầy gồm những gì, các cậu cúi gằm mặt xuống. Vô tư, vô tâm, vô tình đến thế là cùng. Ôi môn đệ ưu tú!
- 2. Các cậu giật mình thức giấc, thì thấy Thầy đang rực rỡ như mặt trời. Từ sợi tóc đến chân mi, từ ánh mắt đến hàm răng, từ nước da đến màu áo… Cái gì cũng tỏa sáng. Cái gì cũng làm ngây ngất lòng người.
Môsê và Êlia đứng chầu hầu hai bên. Thầy thì ân cần và thân thương. Hai ông thì kính cẩn và thân mến. Ba ngài trao đổi về cuộc thọ nạn mà Thầy sắp kề vai gánh lấy vào tuần Vượt Qua sắp tới. Oan khiên và đau thương đến tận cùng! Các cậu nghe câu được câu không, y như vịt nghe sấm. Chuyện thật mà các cậu cứ tưởng là chuyện ví von. Chẳng biết buồn, chẳng biết lo… Hứng quá, Phêrô xin dựng ba lều, để Thầy và hai vị nghỉ lại ở đây. Niềm vui kéo dài. Vinh quang không kết thúc…
Ba cậu thân mến!
Tớ nghe các cậu kể chuyện mà lòng buồn tê tái. Chuyện thì to như núi, mà lòng trí các cậu thì nhỏ tí ti. Ý nghĩa câu chuyện thì mênh mông như biển khơi, mà người kể chuyện, thì cứ tưởng nó chỉ to bằng cái hồ Galilê. Buồn ơi là buồn!
Tớ im lặng ngồi nghe các cậu kể chuyện. Nghe xong, tớ ngẫm nghĩ. Nghĩ mãi. Nghĩ lâu lắm. Bây giờ thì tớ ngộ ra một vấn đề quá lớn. Các cậu đừng bép xép nữa. Hãy im lặng ngồi mà nghe tớ nói.
Môsê và Êlia là hai nhân vật nổi bật của Cựu Ước, trải qua mười ba thế kỷ của lịch sử dân tộc ta. Môsê đồng hóa với Luật. Êlia đồng hóa với Sứ ngôn. Luật và Sứ ngôn là toàn bộ Cựu Ước. Cựu Ước là chân lý mà ông cha chúng ta lần mò đi theo trong một lịch sử dài mười ba thế kỷ. Môsê và Sứ ngôn là sư phụ tuyệt vời của dân tộc.
Giavê dạy dân, nói với dân qua Môsê và các Sứ ngôn. Môsê và Êlia là hiện thân của chân lý. Hai nhân vật vĩ đại như thế đứng chầu hầu Thầy của chúng ta. Điều đó mang ý nghĩa gì?
Tớ nói thật với các cậu rằng: Tớ vẫn kính trọng Môsê và các Sứ ngôn, nhưng tớ vẫn thẳng thắn tuyên bố rằng: Môsê và các Sứ ngôn không đáng xách dép cho Thầy. Gioan Tẩy giả là sứ ngôn cao trọng nhất, vậy mà ông đã khẳng định: “Ngài đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cởi dép cho Ngài”.
Chỉ có Thầy mới là “Thầy”. Chỉ có mạc khải trọn vẹn trong một mình Thầy mà thôi. Sự hiện diện của Môsê và Êlia bên cạnh Thầy đã nói lên điều đó. Thế mà các cậu chả biết.
Cuộc thọ nạn của Thầy ở thủ đô là chuyện lớn. Các Sứ ngôn đã tiên báo rồi. Bây giờ đến lúc Thầy thực hiện. Đau lắm! Nhưng đó là định mệnh mà Chúa Cha đã an bài. Từ khổ giá đến vinh quang. Đó là con đường tất yếu của lịch sử cứu độ. Thầy cũng đã nói đến cuộc thọ nạn này nhiều lần rồi. Thầy bảo: Thầy sẽ bị bắt, bị đánh, bị đóng đinh, nhưng sẽ sống lại. Thành thật mà nói là các cậu không hiểu, tớ cũng không hiểu. Nói đúng ra là chúng mình không muốn hiểu. Tụi mình theo Thầy không vì lý tưởng cao siêu, mà chỉ vì xôi thịt thôi. Phải chờ cho tới lúc Thầy trỗi dậy từ cõi chết, chúng mình mới hiểu.
Hôm ấy, từ trên núi đi xuống, các cậu cứ tưng tửng ra vẻ ta đây. Điều đó chứng tỏ các cậu chả hiểu tí gì về cuộc đàm đạo giữa Thầy và hai vị vĩ đại của Cựu Ước. Thấy và nghe mà như không. Đáng tiếc vô cùng!
- 3. Các cậu đang hí hửng chứng kiến cảnh rực rỡ huy hoàng của Thầy, thì từ trời mây vang ra lời của Chúa Cha: “Đây là con ta yêu dấu, hãy nghe lời của Người”. Tưởng rằng nghe Chúa Cha phán vềThầy như thế, thì các cậu phải nhảy cẫng lên vì sung sướng. Ai ngờ các cậu lăn đùng ra, bất tỉnh nhân sự!
Chuyện lạ đời. Tớ lại phải suy nghĩ. Suy nghĩ đến quên cả không gian và thời gian. Bỗng trí khôn tớ bừng mở. Tớ thấy có một khoảng cách xa vời vợi giữa giáo huấn của Thầy với giáo huấn của Môsê và các Sứ ngôn. Khoảng cách đó là Tình yêu và Nỗi sợ. Suốt mười ba thế kỷ, ông cha chúng ta sợ Giavê như một quan tòa chí công. Họ gục mặt xuống để khỏi thấy thánh nhan Giavê. Họ bịt tai lại để khỏi nghe tiếng nói như sấm vang của Đấng Tối Cao. Khi Môsê leo núi Sinai để lãnh bia đá, cha ông chúng ta năn nỉ ông ấy, như van xin thần chết rằng:
“Giavê muốn dạy chúng tôi điều gì, thì xin nói với ông, rồi ông nói lại với chúng tôi. Xin Ngài đừng nói trực tiếp với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết hết mất”.
Sợ Giavê, đó là tâm, đó là tư của cha ông chúng ta suốt mười ba thế kỷ. Sợ Giavê đã biến thành văn hóa. Nó thấm vào não, vào tim, vào dòng máu của mọi người. Chính vì thế, các cậu đã lăn đùng ra mà chết giấc. Chết vì sợ. Sợ vì đã nghe Giavê phán trực tiếp, chứ không qua trung gian. Nếu Thầy không đến đánh thức các cậu, khuyên các cậu “đừng sợ”, thì tớ e rằng các cậu đã chết thật rồi. Oan khiên vô cùng! Ôi đường lối mục vụ của “Nỗi sợ”!
Sợ Giavê đã tan thành mây khói trong đường lối mục vụ của Thầy chúng ta. Các cậu còn nhớ không? Hôm ấy bão tố nổi lên, nước tràn vào thuyền. Thầy thì ngủ khò. Chúng mình toàn là đàn ông, ít nhất năm đứa là dân chài, suốt đời chơi với biển khơi, thuộc lòng khí tượng trên hồ Galilê. Hôm ấy sợ là hợp tình là đúng lý, thế mà Thầy nặng lời với chúng mình: “Hỡi người hèn tin, tại sao sợ”. Điều đó chứng tỏ Thầy rất dị ứng với nỗi sợ.
Thầy mở một con đường mục vụ mới. Đó là Tình yêu. Con đường mới quá, ít ai hiểu. Tớ cũng chưa hiểu nổi. Nhưng xét về lâu về dài, thì tớ thấy Gioan là người duy nhất am tường, cảm nghiệm và sống với đường lối mục vụ Tình Yêu này đúng đắn nhất. Tớ không quên được hai lời phát biểu của Gioan. Thứ nhất: Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Thứ hai: Gioan khẳng định: “Tình yêu loại trừ nỗi sợ. Ai sợ là chưa có tình yêu hoàn hảo”. Hoan nghênh Gioan. Cám ơn cậu vô vàn.
- 4. Bốn Thầy trò từ trên núi đi xuống. Thầy nghiêm nghị ra lệnh: “Không được cho ai biết những điều vừa thấy và vừa nghe, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Sau đó Thầy công khai nói về cuộc thọ nạn của Ngài.
Tớ thật sự bỡ ngỡ, vì các cậu đã giữ được bí mật ấy cho tới khi Thầy sống lại. Bản chất của các cậu là nông nổi và bép xép, không dễ gì giữ được điều quan trọng như thế. Tớ nghi ngờ là ánh mắt và giọng nói của Thầy đã bịt miệng được các cậu. Chắc là vậy thôi.
Còn chuyện Thầy thọ nạn và phục sinh, thì các cậu mù tịt chẳng hiểu gì. Tớ cũng chẳng hiểu luôn. Tất cả chúng mình đều chờ đợi ngày Thầy phất cờ khởi nghĩa. Thầy sẽ làm Vua. Chúng mình sẽ chia nhau làm quan làm tướng. Cả ba cậu đều hau hau với chức thủ tướng. Ngay trong bữa Vượt Qua cuối cùng, chúng mình vẫn còn bàn cãi sôi nổi xem đứa nào sẽ làm thủ tướng. Thầy buồn lắm, nhưng Thầy không chấp nhất. Thầy gửi gắm tất cả lịch sử cứu độ cho Chúa Thánh Thần. Đúng thế thật, chỉ sau ngày lễ Ngũ Tuần, chúng mình mới lột xác để đi vào quỹ đạo “Từ khổ giá đến vinh quang”
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
cgvdt.vn