Thân Phận Ngôn Sứ

print

CN IV TN C

Thân Phận Ngôn Sứ

Lm. Giuse Nguyễn

Bài “người hành khất”, trong nhật ký truyền giáo của cha Piô Ngô Phúc Hậu kể về việc cha đi xin tiền cho giáo điểm Năm Căn. Cha nghe nói có một ông giám đốc là người công giáo ở đường Pasteur rất giàu, nên cha mon men đến đó. Thấy cha, ông hỏi “đi đâu vậy ông cha?” Cha vào thẳng vấn đề: “Thưa ông Bảy, con đi truyền giáo ở Năm Căn, thiếu thốn về mọi phương diện. Con đến xin ông Bảy giúp đỡ”. Ông hỏi: “Cha muốn tôi giúp cái gì?” Cha trả lời: “Xin ông Bảy giúp cho chúng con một cái máy Kohler 7”. Ông giám đốc nhún vai theo kiểu tây phương, rồi đi vào hành lang và biến mất trong tòa nhà đồ sộ. Còn cha thì đứng đó, hụt hẫng. Một cái máy Kohler so với ông giám đốc giàu sụ chẳng là gì… Có một giáo dân chia sẻ: “Tội nghiệp các cha, lặn lội xin chỗ này, vay chỗ nọ, mất giờ, mất sức, mất đủ thứ, mà chẳng phải cho mình, toàn cho Họ đạo, cho Giáo hội”… Tất cả âu chỉ là thân phận của ngôn sứ mà thôi.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: Gr 1, 4-5.17-19

Trong bài đọc I, tiên tri Giêrêmia chia sẻ về ơn gọi của mình. Ông luôn xác tín Thiên Chúa đã chọn gọi mình: “Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, Ta thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr1, 5). Vì vậy ông luôn trung thành với sứ mạng của mình. Ông sống trong hoàn cảnh đất nước Giuđa bị đế quốc Babylon đe dọa. Nhà vua và triều thần sợ hãi muốn tìm sự cứu giúp của Ai Cập. Còn Giêrêmia thì kêu gọi nhà vua đừng sợ, đừng cậy dựa vào sức mạnh của nước ngoài, mà hãy cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Đồng thời mời gọi dân chúng hãy lo sửa đổi cuộc sống, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi họ. Tuy nhiên lời kêu gọi của Giêrêmia không được nhà vua và dân chúng ủng hộ, ngược lại họ còn xem ông là một tên độc mồm độc miệng và bắt bỏ tù ông. Nhưng ông vẫn trung thành với sứ mạng, vì ông tin tưởng vào Thiên Chúa: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được ngươi” (Gr 1, 19)

  1. Tin Mừng: Lc 4, 21-30

Tuần trước Đức Giêsu trở về quê hương của mình. Bài giảng của Ngài đã làm cho nhiều người thích thú. Tuy nhiên họ không chấp nhận Ngài là một tiên tri đơn giản vì: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4, 22). Họ muốn một vị tiên tri theo cái nhìn của họ. Họ thách thức Chúa làm phép lạ: “Những gì ông làm ở Caphacnaum, ông làm tại quê hương ông xem nào!”(Lc 4, 23b). Đức Giêsu không làm theo thách thức của họ. Ngài cho họ biết phép lạ không phải là một màn biểu diễn ngoạn mục mà để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa và củng cố lòng tin. Giống như bà góa thành Sarepta thời tiên tri Elia, lúc hạn hán xảy ra trong 3 năm 6 tháng, nhưng hũ bột và bình dầu nhà bà không cạn vì bà đã đón tiếp vị ngôn sứ của Chúa. Hay vào thời của Êlisa, thiếu gì người cùi, nhưng chỉ một mình ông Naaman, người ngoại giáo được khỏi, vì ông tin tưởng vào vị tiên tri của Chúa. Qua đó, Chúa còn muốn cho họ thấy ơn cứu độ của Chúa dành cho mọi người, kể cả người ngoại giáo chứ không dành riêng cho một ai; miễn họ tin tưởng và đón tiếp Chúa. Đỉnh điểm của bài Tin Mừng hôm nay là sự tức giận của dân Do Thái vì Ngài đã không làm theo ý họ. “Họ đứng dậy lôi Người ra khỏi thành” (Lc 4, 29a), tệ hại hơn nữa: “Họ kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực” (Lc 4, 29b).

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy thân phận của một ngôn sứ là như vậy đó. Người xưa nói một câu xem ra đúng với thân phận của ngôn sứ: “Bạc như dân, bất nhân như lính”. Nhưng cho dù người ta có đối xử tệ bạc với mình, có hất hủi mình, thì một ngôn sứ vẫn phải trung thành với sứ mạng của mình.

II. THÂN PHẬN NGÔN SỨ, THÂN PHẬN MỖI CHÚNG TA

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta cũng đã lãnh nhận sứ mạng ngôn sứ, nghĩa là phải nói thay lời Thiên Chúa. Dĩ nhiên chúng ta không thể làm ngôn sứ theo kiểu của Giêrêmia, Isaia, hay Đức Giêsu…, mà chúng ta làm ngôn sứ trong chính cuộc sống của mình, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là cho mọi người chung quanh biết chân lý, biết sự thật, biết tìm về Chân Thiện Mỹ. Điểm chung nữa đó là chúng ta đều phải mang thân phận của một ngôn sứ, là sẽ gặp khó khăn, nguy hiểm, thậm chí bắt bớ và giết chóc. Giáo hội Việt Nam chúng ta tự hào vì hiện tại có hai bộ hồ sơ phong thánh cho những vị tôi tớ Chúa, đó là ĐHY. Px. Nguyễn Văn Thuận, và cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Các Ngài đã sống sứ mạng ngôn sứ của mình, và vì vậy chúng ta hãy dõi theo tấm gương của các Ngài.

  1. ĐHY. Px. Nguyễn Văn Thuận

Ngài mang thân phận của một ngôn sứ một cách rõ ràng vì Ngài bị bắt, bị cầm tù, trong khi bản thân Ngài chẳng làm gì nên tội. Ngài làm ngôn sứ khi ở trong tù mà vẫn hát những bài thánh ca cho những người cai ngục nghe, vẫn dạy giáo lý cho những cán bộ trại giam, và vẫn viết những lá thư mục vụ cho giáo dân của mình trên những tờ lịch. Ngài ý thức rõ dù ở đâu, làm gì vẫn phải làm ngôn sứ cho Thiên Chúa… Giáo Hội muốn đề cao nhân đức của Ngài nên đã làm hồ sơ tuyên thánh cho Ngài.

  1. Cha Px. Trương Bửu Diệp

Gần chúng ta hơn, có cha Px. Trương Bửu Diệp. Trong thời buổi nhiễu nhương, có người khuyên cha về Bạc Liêu lánh nạn, cha nói “tôi sống với giáo dân của tôi, thì tôi cũng sẽ chết với giáo dân của tôi”. Quả thực như vậy, cha đã bị bắt cùng với một số giao dân của mình. Cha đã mang thân phận ngôn sứ thực sự khi chịu chết thay cho giáo dân của mình. Khi còn sống Ngài làm cho mọi người biết Chúa. Khi đã chết vẫn tiếp tục sứ mạng ngôn sứ qua việc lôi kéo mọi người khắp nơi đến với Ngài, để qua Ngài họ đến với Chúa.

  1. Thân phận chúng ta

Với thân phận ngôn sứ, chúng ta phải trung thành với Bí tích rửa tội mình đã lãnh nhận. Thánh Phaolô đã nhắc các tín hữu của mình: “Anh em hãy kiên vững trong đức tin”. Còn Đức Giêsu thì nói với chúng ta: “Ai bền đỗ đền cùng sẽ được cứu độ”. Đời sống đức tin của chúng ta không phải một ngày một bữa, mà là trọn cả cuộc đời. Vì vậy đừng để mình sống đạo theo tình cảm, vì sẽ có lúc tình cảm nhạt nhòa và chúng ta sẽ không còn sống đạo nữa. Nhưng phải sống đạo bằng thái độ đức tin. Chúng ta biết chúng ta tin vào ai, để rồi chúng ta phó thác cuộc đời chúng ta cho Đấng đó. Khi đã xác tín được như vậy, thì chúng ta sẽ trung thành trong đời sống đức tin, dù cuộc đời chúng ta có như thế nào đi chăng nữa. Đặc biệt với những gia đình gặp khó khăn, hãy nhớ đó là thân phận của ngôn sứ để can đảm chiến đấu cho đến cùng.

Với thân phận ngôn sứ, chúng ta phải biết rao truyền chân lý cho người khác, dù cho chân lý đó không được người khác đón nhận. Chân lý đó chính là tình yêu thương, công bằng, lẽ phải trong cuộc sống. Kitô hữu bị cám dỗ càng ngày càng trở nên giống người khác, kể cả làm những việc sai, miễn là có lợi cho mình. Hãy nhớ kitô là những người có Chúa Kitô, những người rập khuôn cuộc đời mình với Chúa để sẵn sàng vác lấy thập giá hằng ngày.

Tóm lại, phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy thân phận của một ngôn sứ. Họ phải sống và nói theo những gì Chúa chỉ dạy. Và chắc chắn khi sống và nói như vậy họ có thể gặp chống đối, thậm chí phải bỏ mạng, nhưng ngôn vẫn trung thành với nhiệm vụ của mình. Từ đó mời gọi chúng ta ý thức lại thân phận ngôn sứ của mình để trung thành với đức tin mình đã lãnh nhận, và loan truyền đức tin đó qua việc sống đức công bằng trong đời sống chúng ta.

Xin Mẹ Maria giúp chúng con trung thành cho đến chết như Mẹ vẫn hiên ngang bước đi trên con đường thập giá xưa.